UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1471/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 07 tháng 8 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE BUÝT TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2012-2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô; Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô;
Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
Căn cứ Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020;
Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ tỉnh Bến Tre đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 155/TTr- SGTVT ngày 23 tháng 7 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Bến Tre giai đoạn 2012-2020 với những nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu:
- Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là yêu cầu phát triển các khu - cụm công nghiệp, khu du lịch, hệ thống trường học, cơ quan, doanh nghiệp.
- Kết hợp và khai thác tốt hệ thống giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối với các huyện nội tỉnh và tỉnh Bến Tre với các tỉnh lân cận.
- Đáp ứng tốt và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân; tạo sự văn minh, lịch sự cho hành khách đi xe và góp phần giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững.
II. Nội dung:
1. Duy trì và củng cố, phát triển các tuyến hiện có:
a) Tuyến 01: Cổ Chiên (huyện Mỏ Cày Nam) - Tiền Giang:
- Cự ly tuyến: 47km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến phà Cổ Chiên thuộc địa bàn huyện Mỏ Cày Nam đi theo tuyến quốc lộ 60 (qua địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc, vào nội ô thành phố Bến Tre, địa bàn huyện Châu Thành) đến Bến xe tỉnh Tiền Giang và ngược lại.
- Phương tiện tham gia: 17 xe; tần suất xe chạy: 20-25 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 04 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút; tổng số lượt xe/ngày: 74 lượt.
Dự kiến: Nối dài tuyến đến xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam (chiều dài tuyến 57km).
b) Tuyến 02: Thành phố Bến Tre - Tiệm Tôm (huyện Ba Tri):
- Cự ly tuyến: 54km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến xe khách tỉnh Bến Tre vào nội ô thành phố Bến Tre, đi theo tuyến đường tỉnh 885 (qua địa bàn huyện Giồng Trôm) đến Tiệm Tôm (thuộc xã An Thuỷ, huyện Ba Tri) và ngược lại.
- Phương tiện tham gia: 21 xe; tần suất xe chạy: 15-25 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 03 giờ đến 19 giờ; tổng số lượt xe/ngày: 86 lượt.
c) Tuyến 03: Thành phố Bến Tre - Bến phà Tân Phú (huyện Châu Thành):
- Cự ly tuyến: 37km.
- Lộ trình tuyến: Từ trạm xe khách số 1 (Phường 4) chạy trong nội ô thành phố Bến Tre, theo quốc lộ 60, đường tỉnh 884 đến Bến phà Tân Phú và ngược lại.
- Phương tiện tham gia: 09 xe; tần suất xe chạy: 20-25 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ đến 17giờ 30 phút; tổng số lượt xe/ngày: 46 lượt.
d) Tuyến 04: Thành phố Bến Tre - Bến phà Cầu Ván (huyện Thạnh Phú):
- Cự ly tuyến: 60km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến xe khách tỉnh đi vào nội ô thành phố, theo tuyến quốc lộ 60, quốc lộ 57 (qua địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Mỏ Cày Nam) đến Bến phà Cầu Ván (xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú) và ngược lại.
- Phương tiện tham gia: 20 xe; tần suất xe chạy: 20-25 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ đến 17 giờ; tổng số lượt xe/ngày: 82 lượt.
đ) Tuyến 05: Huyện Châu Thành - huyện Bình Đại:
- Cự ly tuyến: 50km.
- Lộ trình tuyến: Từ đường vào cầu Rạch Miễu (thị trấn Châu Thành) đi theo tuyến đường tỉnh 883 đến thị trấn huyện Bình Đại và ngược lại.
- Phương tiện tham gia: 19 xe; tần suất xe chạy: 20-25 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ đến 18 giờ; tổng số lượt xe/ngày: 64 lượt.
Dự kiến: Nối dài tuyến từ huyện Châu Thành - huyện Bình Đại đến xã Thới Thuận, huyện Bình Đại (chiều dài tuyến 55km).
e) Tuyến 06: Đưa rước học sinh Thới Thuận - Bình Đại và Thừa Đức - Bình Đại:
- Cự ly tuyến: 16km.
- Phương tiện tham gia: 03 xe; thời gian hoạt động trong ngày từ 06 giờ đến 17 giờ 30 phút.
g) Tuyến 07: Thành phố Bến Tre - ngã ba Sơn Đốc (huyện Giồng Trôm):
- Cự ly tuyến: 29km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến xe khách tỉnh Bến Tre đi vào nội ô thành phố Bến Tre, theo tuyến đường tỉnh 887 đến ngã ba Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) và ngược lại.
- Phương tiện tham gia: 08 xe; tần suất xe chạy: 25-30 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ đến 17 giờ; tổng số lượt xe/ngày: 38 lượt.
Dự kiến: Nối dài tuyến đến xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (chiều dài tuyến 54km).
h) Tuyến 08: Thành phố Bến Tre - Bến phà Đình Khao (tỉnh Vĩnh Long):
- Cự ly tuyến: 53,8km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến xe khách tỉnh đi theo tuyến quốc lộ 60, quốc lộ 57 (qua địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc, thị trấn huyện Chợ Lách) đến Bến phà Đình Khao và ngược lại.
- Phương tiện tham gia: 23 xe; tần xuất xe chạy: 20-30 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 04 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút; tổng số lượt xe/ngày: 64 lượt.
2. Các tuyến xe buýt dự kiến phát triển mới:
* Giai đoạn 1 từ 2012 đến 2015:
a) Tuyến 09: Tuyến thị trấn, huyện Bình Đại - thị trấn, huyện Ba Tri:
- Cự ly tuyến: 26km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến xe Bình Đại đi theo tuyến đường tỉnh 883, đường huyện 40, đường huyện 10 (cống đập Ba Lai) đến Bến phà Mỹ An (xã An Đức, huyện Ba Tri).
- Phương tiện tham gia: 10 xe; tần suất chạy xe: 25-30 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ đến 17 giờ.
b) Tuyến 10: Bến phà Tân Phú (huyện Châu Thành) - tỉnh Tiền Giang:
- Cự ly tuyến: 36km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến phà Tân Phú (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đi theo tuyến đường huyện 02, quốc lộ 60 đến Bến xe Tiền Giang.
- Phương tiện tham gia: 10 xe; tần suất xe chạy: 20-25 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ đến 17 giờ 30 phút.
c) Tuyến 11: Thị trấn, huyện Chợ Lách - chợ Bang Tra, huyện Mỏ Cày Bắc:
- Cự ly tuyến: 25km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến xe thị trấn, huyện Chợ Lách đi theo tuyến quốc lộ 57, tuyến huyện lộ 41 đến chợ Bang Tra, huyện Mỏ Cày Bắc.
- Phương tiện tham gia: 08 xe; tần suất xe chạy: 25-35 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ đến 17 giờ.
* Giai đoạn 2 từ 2015 đến 2020:
d) Nối dài tuyến 11: Từ chợ Bang Tra đi theo tuyến đường dọc sông Cổ Chiên (khi tuyến đường bộ này hoàn thành đưa vào sử dụng), tuyến quốc lộ 57 đến thị trấn Thạnh Phú.
- Cự ly tuyến: 53km.
- Phương tiện tham gia: 16 xe; tần suất xe chạy: 25-35 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ đến 17 giờ 30 phút.
đ) Tuyến 12: Từ xã Quới Điền - xã Giao Thạnh thuộc địa bàn huyện Thạnh Phú:
- Cự ly tuyến: 50km.
- Lộ trình tuyến: Từ xã Quới Điền đi theo tuyến đường huyện 26, đường huyện 48, đường huyện 29, đường huyện dự kiến 48, quốc lộ 57 đến trung tâm xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú.
- Phương tiện tham gia: 07 xe; tần suất xe chạy: 25-30 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ đến 17 giờ.
e) Tuyến 13: Từ xã Phú Khánh - xã Bình Thạnh thuộc địa bàn huyện Thạnh Phú:
- Cự ly tuyến: 39km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến khách xã Phú Khánh đi theo tuyến đường huyện 24, đường huyện 06, đường huyện 25 đến ngã tư Bến Sung (xã Bình Thạnh).
- Phương tiện tham gia: 04 xe; tần suất xe chạy: 25-30 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ 00 đến 17 giờ.
g) Tuyến 14: Thành phố Bến Tre - Bến xe huyện Ba Tri:
- Cư ly tuyến: 45km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến xe Bến Tre đi theo tuyến quốc lộ 60, đường huyện 01 đến Bến xe huyện Ba Tri.
- Phương tiện tham gia: 15 xe; tần suất xe chạy: 20-25 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ 00 đến 18 giờ.
h) Tuyến 15: Từ thị trấn Bình Đại - xã Thừa Đức thuộc địa bàn huyện Bình Đại:
- Cự ly tuyến: 14km.
- Lộ trình tuyến: Từ Bến xe Bình Đại đi theo tuyến tỉnh lộ 883, tỉnh lộ 886 đến trung tâm xã Thừa Đức.
- Phương tiện tham gia: 06 xe; tần suất xe chạy: 20-30 phút/chuyến; thời gian hoạt động trong ngày từ 05 giờ đến 17 giờ 30 phút.
3. Giải pháp:
a) Giải pháp vốn đầu tư:
- Vốn đầu tư cho mua sắm phương tiện sử dụng từ nguồn vốn của đơn vị vận tải (vốn tự có, vốn tích luỹ trong quá trình kinh doanh, vốn huy động các cổ đông...); vốn vay của các tổ chức tín dụng...
- Vốn xây dựng kết cấu hạ tầng (cầu đường, nhà chờ và biển dừng đón trả khách) sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn kinh phí an toàn giao thông của tỉnh, từ hoạt động quảng cáo tại khu vực nhà chờ, bãi đỗ xe...
b) Giải pháp tuyên truyền, vận động:
- Vận động nhân dân hưởng ứng đi xe buýt thông qua việc tuyên truyền đến người dân về lợi ích, tác dụng của việc đi xe buýt; lộ trình, thời gian phục vụ và tần suất của các tuyến xe buýt, thông tin về chất lượng dịch vụ xe buýt, các cơ chế chính sách đối với người đi xe buýt...
- Vận động, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo đúng định hướng phát triển của tỉnh.
- Thực hiện tuyên truyền nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, thái độ, ý thức cho đội ngũ nhân viên phục vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe trong quá trình làm việc, có thái độ phục vụ tận tình, chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông.
c) Giải pháp quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ:
- Ứng dụng công nghệ mới để quản lý, điều hành hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Quản lý về vé và giá vé theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giá vé xe buýt không trợ giá do doanh nghiệp tự xây dựng và thực hiện kê khai với cơ quan quản lý giá địa phương, bao gồm cả vé lượt và vé tháng, giá vé phải hợp lý để người dân có thể chấp thuận được.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động; thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông của mạng lưới tuyến xe buýt; tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải; xử lý kiên quyết các vi phạm của các đơn vị, cá nhân vi phạm, bảo đảm lợi ích người đi xe và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
- Quy định các tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp tham gia khai thác xe buýt để xác định rõ trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý.
- Thực hiện đấu thầu trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt bảo đảm tính công khai minh bạch nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ.
- Các đơn vị tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt quan tâm củng tổ chức bộ máy quản lý, điều hành bảo đảm tính khoa học và đảm bảo quản lý chặt chẽ, giám sát thường xuyên; có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, xử lý vi phạm đối với đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ; có kế hoạch nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động xe buýt; đổi mới phương tiện, điều kiện kỹ thuật theo hướng hiện đại để phục vụ tốt mọi yêu cầu của hành khách, kể cả các đối tượng người già, người tàn tật.
III. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Giao thông vận tải:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, khuyến khích mọi người sử dụng xe buýt để đề xuất UBND tỉnh; tổ chức áp dụng, triển khai thực hiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, quy định đấu thầu đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
b) Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tuyên truyền giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ về trách nhiệm, thái độ phục vụ hành khách và ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông; tổ chức đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, đặc biệt là đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ.
c) Chủ trì nghiên cứu, đề xuất, trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án xây dựng mới, đầu tư nâng cấp, cải tạo phương tiện và hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
d) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc sử dụng xe buýt, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên, công nhân.
đ) Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
e) Phối hợp Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát hoạt động của mạng lưới xe buýt nhằm tửng bước chấn chỉnh, củng cố và phát triển theo đúng định hướng.
2. Sở Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải trong thực hiện quản lý giá vé; xác định mức hỗ trợ và quyết toán kinh phí hỗ trợ giá vé cho các doanh nghiệp.
b) Phối hợp Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất và trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
c) Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải cân đối ngân sách hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
b) Phối hợp Sở Giao thông vận tải triển khai quy định đấu thầu trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
4. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Hướng dẫn và quản lý việc tổ chức quảng cáo trên phương tiện và tại các khu vực bến bãi, nhà chờ phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp Sở Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc sử dụng xe buýt, tạo sự thống nhất trong cộng đồng dân cư đối với việc sử dụng xe buýt, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các trường tuyên truyền, khuyến khích học sinh, sinh viên sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt khi đi học và các chuyến đi khác.
7. Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, giám sát để chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật trong hoạt động xe buýt, đảm bảo trật tự an toàn giao thông chung trên địa bàn.
8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch chi tiết vị trí các trạm trung chuyển, nhà chờ, bãi đỗ phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải trong quản lý, giám sát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn.
Điều 2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung có liên quan của Đề án; đồng thời định kỳ báo cáo tình hình tổ chức thực hiện, nhất là các khó khăn, vướng mắc cho UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.