BAN CHỈ ĐẠO TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PCTN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 147/QĐ-BCĐTKLPCTN | Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 2015 |
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN, ĐÔN ĐỐC, KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬTPHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Căn cứ Quyết định số 1221/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng;
Xét đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch triển khai hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá công tác tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TRƯỞNG BAN |
TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN, ĐÔN ĐỐC, KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 147/QĐ-BCĐTKLPCTN ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng)
Thực hiện Quyết định số 1221/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch triển khai hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá công tác tổng kết như sau:
- Nhằm bảo đảm cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo đúng mục đích, yêu cầu, nội dung và thời hạn đề ra trong Kế hoạch tổng kết đã được Ban Chỉ đạo ban hành; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổng kết.
- Đánh giá được chất lượng, hiệu quả của công tác tổ chức tổng kết tại các Bộ, ngành, địa phương qua đó làm rõ kết quả tổng kết, phục vụ cho việc tổng hợp, xây dựng báo cáo tổng kết phạm vi toàn quốc và đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát hiện những nơi làm tốt để biểu dương, khen thưởng; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những nơi tiến hành tổng kết chưa đáp ứng yêu cầu.
- Hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác tổng kết được tiến hành thường xuyên trong suốt quá trình tiến hành tổng kết; không làm hạn chế tính chủ động, sáng tạo của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong quá trình tổng kết.
- Hoạt động đánh giá được tiến hành sau khi các Bộ, ngành, địa phương kết thúc hoạt động tổng kết, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, cụ thể.
- Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc việc quán triệt, triển khai kế hoạch tổng kết, xây dựng báo cáo tổng kết, tổ chức hội nghị tổng kết đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc tổ chức hoạt động tổng kết khi Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan có yêu cầu, kiến nghị, phản ánh.
- Kiểm tra việc tổ chức tổng kết tại một số Bộ, ngành, địa phương, cơ quan.
- Đánh giá việc tổ chức tổng kết đối với tất cả các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan theo tiêu chí chung.
- Trưởng Ban Chỉ đạo phân công các thành viên thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc tổng kết đối với một số Bộ, ngành, địa phương, cơ quan (có phụ lục 01 kèm theo).
- Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chủ trì kiểm tra việc tổng kết, đồng thời tham dự, trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết tại hội nghị tổng kết của ít nhất 02 Bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong phạm vi được phân công (không bao gồm cơ quan của thành viên Ban Chỉ đạo). Quy trình kiểm tra của thành viên Ban Chỉ đạo đối với việc tổng kết của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan thực hiện theo các bước sau:
+ Nghe báo cáo, góp ý về việc triển khai, quán triệt kế hoạch tổng kết;
+ Xem xét, đánh giá, góp ý đối với dự thảo báo cáo tổng kết;
+ Xem xét, đánh giá, góp ý kế hoạch và công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị tổng kết;
+ Cho ý kiến về việc tổ chức hội nghị tổng kết khi dự thảo báo cáo, kế hoạch, công tác chuẩn bị đã cơ bản bảo đảm (Bộ, ngành, cơ quan được kiểm tra chỉ tổ chức hội nghị tổng kết khi có ý kiến đồng ý của thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra);
+ Dự hội nghị tổng kết, xem xét, đánh giá việc tổ chức hội nghị;
+ Xem xét, đánh giá báo cáo tổng kết chính thức; trường hợp cần thiết sẽ làm việc hoặc trao đổi với Bộ, ngành, địa phương để yêu cầu làm rõ nội dung báo cáo;
+ Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ tổng kết và thông báo kết quả kiểm tra, đánh giá.
- Các Bộ, ngành, địa phương phân công cơ quan thanh tra làm đầu mối xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động tổng kết. Trường hợp cần thiết có thể thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo việc tổng kết. Căn cứ phạm vi nhiệm vụ được phân công của thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan chủ động liên hệ (qua cán bộ đầu mối giúp việc thành viên Ban Chỉ đạo) để trao đổi công việc, kiến nghị, phản ánh những vướng mắc, khó khăn cần được hướng dẫn, chỉ đạo.
- Khi hoàn thành việc tổng kết, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tự chấm điểm, đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ tổng kết của Bộ, ngành, địa phương mình. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo sẽ xem xét, đánh giá việc tổng kết và thông báo kết quả đánh giá, phân loại tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Tiêu chí chấm điểm, đánh giá, phân loại có Phụ lục II kèm theo.
- Thanh tra Chính phủ phân công thành viên Tổ công tác liên ngành và các đơn vị chức năng thuộc Thanh tra Chính phủ tham gia, giúp thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc tổng kết; Thông báo kế hoạch kiểm tra, dự hội nghị tổng kết của thành viên Ban Chỉ đạo, danh sách cán bộ đầu mối giúp việc thành viên Ban Chỉ đạo để các Bộ, ngành, địa phương liên quan biết, thực hiện. Thời gian tiến hành kiểm tra, dự hội nghị tổng kết trong khoảng từ tháng 12 năm 2015 đến ngày 31 tháng 01 năm 2016.
Trên đây là Kế hoạch triển khai hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá công tác tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương triển khai thực hiện./.
PHÂN CÔNG THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, HƯỚNG DẪN, ĐÔN ĐỐC, KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số 147/QĐ-BCĐTKLPCTN ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng)
TT | Các Phó Trưởng ban và thành viên Ban Chỉ đạo | Phân công chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc tổng kết tại các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan |
1 | Đ/c Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo | Phụ trách chung, chỉ đạo toàn diện việc tổ chức tổng kết |
2 | Đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ - Phó Trưởng ban Thường trực | Thường trực giúp Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo toàn diện việc tổ chức tổng kết; trực tiếp phụ trách chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc tổng kết đối với Văn phòng Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng |
3 | Đồng chí Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Phó Trưởng ban | Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Xây dựng, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh |
4 | Đồng chí Hà Ngọc Chiến, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương | Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Giáo dục và đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc |
5 | Đồng chí Trần Cẩm Tú, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương | Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh |
6 | Đồng chí Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội | Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hội Luật gia Việt Nam |
7 | Đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao | Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ |
8 | Đồng chí Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước | Kiểm toán Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Đồng Tháp |
9 | Đồng chí Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam | Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình |
10 | Đồng chí Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ | Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận |
11 | Đồng chí Trần Đức Lượng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban Chỉ đạo | Chỉ đạo, điều hành hoạt động của Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban Chỉ đạo; tham gia giúp Phó Trưởng ban Thường trực chỉ đạo toàn diện việc tổng kết tại các Bộ, ngành, địa phương |
12 | Đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an | Bộ Công an, Thông tấn xã Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Long An |
13 | Đồng chí Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ | Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn |
14 | Đồng chí Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang |
15 | Đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ | Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Thuận, Bình Dương |
16 | Đồng chí Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính | Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình |
17 | Đồng chí Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường | Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị |
18 | Đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông | Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông |
19 | Đồng chí Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp | Bộ Tư pháp, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Tiền Giang, Bến Tre |
20 | Đồng chí Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước | Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam |
21 | Đồng chí Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao | Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban nhân dân các tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai. |
PHỤ LỤC 2
TIÊU CHÍ CHẤM ĐIỂM, ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Kế hoạch tại Quyết định số 147/QĐ-BCĐTKLPCTN ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng)
1. Tiêu chí chấm điểm:
- Quán triệt kế hoạch tổng kết đúng thời hạn: 10 điểm.
- Gửi dự thảo báo cáo đúng thời hạn: 10 điểm.
- Tổ chức Hội nghị tổng kết đúng thời hạn: 10 điểm.
- Chất lượng hội nghị tổng kết: 10 điểm.
- Gửi báo cáo tổng kết đúng thời hạn: 10 điểm.
- Chất lượng báo cáo tổng kết: 50 điểm.
Trong đó:
+ Phân tích, đánh giá rõ về công tác PCTN: 10 điểm;
+ Phân tích đánh giá rõ về tình hình tham nhũng: 10 điểm;
+ Phát hiện nhiều vướng mắc, bất cập và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về PCTN: 20 điểm;
+ Kiến nghị rõ những giải pháp mới, đột phá: 10 điểm.
2. Đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ tổng kết:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tổng kết: Đạt từ 90 điểm trở lên.
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ tổng kết: Đạt từ 70 đến 89 điểm.
- Hoàn thành nhiệm vụ tổng kết: Đạt từ 50 đến 69 điểm.
- Không hoàn thành nhiệm vụ tổng kết: Đạt dưới 50 điểm.
Ghi chú:
- Thực hiện nhiệm vụ đúng thời hạn thì chấm điểm tối đa theo khung điểm. Chậm 01 ngày trừ 01 điểm.
- Mỗi nội dung khiếm khuyết, sơ xuất trong việc tổ chức hội nghị tổng kết trừ 01 điểm.
- Mỗi nội dung báo cáo tổng kết không đáp ứng yêu cầu của đề cương hướng dẫn báo cáo trừ 01 điểm./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.