BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 146/QĐ-BCĐIUU | Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 2019 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH
Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;
Căn cứ Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;
Xét đề nghị của Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TRƯỞNG BAN |
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA VỀ CHỐNG KHAI THÁC HẢI SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-BCĐIUU ngày 03 tháng 9 năm 2019 của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định)
Điều 1. Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU được thành lập theo Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban; có chức năng tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết những công việc quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp liên ngành liên quan đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (sau đây gọi tắt là khai thác IUU), đáp ứng theo thông lệ quốc tế, các công ước, hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết, phù hợp với quy định của các tổ chức nghề cá trong khu vực và quốc tế về chống khai thác IUU.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU quy định tại Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC
1. Trưởng Ban, các Phó Trưởng Ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
2. Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung thống nhất, đề cao trách nhiệm cá nhân. Lãnh đạo Ban Chỉ đạo quyết định các vấn đề thông qua các hình thức tổ chức họp Ban Chỉ đạo hoặc lấy ý kiến và báo cáo bằng văn bản.
3. Ban Chỉ đạo ban hành các chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo theo định kỳ hàng năm và đột xuất.
4. Trưởng Ban Chỉ đạo ủy quyền Phó Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc người được Trưởng Ban ủy quyền giải quyết các vấn đề của Ban Chỉ đạo.
5. Các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về phần việc được phân công hoặc ủy quyền, các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo; được sử dụng kinh phí, bộ máy tổ chức của cơ quan mình để thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo giao, tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.
6. Các bộ, ban ngành và địa phương có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp với Ban Chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Điều 4. Chế độ hội họp, đi công tác
1. Ban Chỉ đạo họp định kỳ ít nhất một quý một lần; trong trường hợp cần thiết Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc người được Trưởng Ban ủy quyền quyết định tổ chức các cuộc họp đột xuất. Các cuộc họp của Ban Chỉ đạo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Tổ giúp việc chuẩn bị nội dung, tài liệu, tổ chức cuộc họp.
2. Kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo được thể hiện bằng thông báo của Văn phòng Chính phủ; kết luận của người được Trưởng Ban ủy quyền chủ trì cuộc họp được thể hiện bằng thông báo của cơ quan người được ủy quyền công tác.
3. Ủy viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo và chuẩn bị nội dung báo cáo phần việc được phân công. Trường hợp vắng mặt cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Ủy viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo và cử người có trách nhiệm dự họp thay để báo cáo kết quả thực hiện phần việc được phân công.
4. Lãnh đạo Ban Chỉ đạo quyết định thành lập hoặc ủy quyền cho cơ quan thường trực thành lập các đoàn công tác liên ngành đi làm việc, kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại địa phương, tổ chức các đoàn công tác đi làm việc nước ngoài liên quan đến chống khai thác IUU và hợp tác nghề cá với các nước theo kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo hàng năm hoặc căn cứ tình hình thực tế theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo.
Điều 5. Chế độ thông tin báo cáo
1. Các Ủy viên Ban Chỉ đạo chủ động báo cáo, đề xuất, kiến nghị Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc báo cáo theo yêu cầu của lãnh đạo Ban Chỉ đạo về các vấn đề liên quan đến công tác chống khai thác IUU. Ý kiến tham gia của các Ủy viên Ban Chỉ đạo là ý kiến chính thức của cơ quan nơi thành viên Ban Chỉ đạo công tác.
2. Định kỳ hàng tuần, tháng, quý, năm và đột xuất hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo Ban Chỉ đạo, các Ủy viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo hoặc chỉ đạo cơ quan chuyên môn báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được Trưởng Ban Chỉ đạo giao, gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, chuẩn bị nội dung tổ chức các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đồng thời gửi Thủ trưởng cơ quan nơi thành viên Ban Chỉ đạo công tác để báo cáo; cụ thể:
a) Thông tin đột xuất gửi ngay khi có thông tin.
b) Thông tin hàng tuần: gửi vào lúc 13 giờ thứ 5 hàng tuần.
c) Thông tin hàng tháng: gửi vào ngày 20 hàng tháng.
d) Thông tin hàng quý: gửi vào ngày 20 tháng cuối quý (tháng 3, 6, 9).
đ) Thông tin hàng năm: gửi vào ngày 20 tháng 12 hàng năm.
3. Hàng quý, sáu tháng, một năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trên cơ sở tổng hợp báo cáo thực hiện các nhiệm vụ được giao của các Ủy viên Ban Chỉ đạo.
Điều 6. Con dấu của Ban Chỉ đạo
1. Ban Chỉ đạo không sử dụng con dấu riêng.
2. Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; thành viên Ban Chỉ đạo ký các văn bản theo nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền sử dụng con dấu của cơ quan mình công tác.
1. Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU và Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán chi hoạt động hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
2. Các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU được sử dụng kinh phí, cán bộ, phương tiện, các trang thiết bị do đơn vị mình quản lý để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CỦA CÁC THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO VÀ BỘ MÁY GIÚP VIỆC CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Điều 8. Trách nhiệm của Trưởng Ban Chỉ đạo
1. Chỉ đạo, tổ chức hoạt động và quyết định các vấn đề của Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo được quy định tại Quyết định số 596/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Chủ trì các cuộc họp, làm việc của Ban Chỉ đạo.
3. Phê duyệt kế hoạch, chỉ đạo chung hoạt động của Ban Chỉ đạo; điều hành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Ủy viên Ban Chỉ đạo.
4. Ủy quyền cho Phó Trưởng Ban thường trực, Phó Trưởng Ban hoặc người được ủy quyền giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền của Trưởng Ban khi cần thiết.
5. Chỉ đạo công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, cung cấp thông tin báo chí, chỉ định người phát ngôn của Ban Chỉ đạo.
Điều 9. Trách nhiệm của Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo
1. Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp điều phối các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
2. Điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo, chủ trì các cuộc họp, làm việc, quyết định các công việc của Ban Chỉ đạo khi Trưởng Ban Chỉ đạo vắng mặt hoặc ủy quyền.
3. Chỉ đạo dự thảo nội dung báo cáo tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo theo định kỳ và đột xuất.
4. Chỉ đạo Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tổ chức phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Điều 10. Trách nhiệm của Phó Trưởng Ban Chỉ đạo
1. Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Thường trực xử lý các công việc của Ban Chỉ đạo.
2. Điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo, chủ trì các cuộc họp, làm việc, quyết định các công việc của Ban Chỉ đạo khi Trưởng Ban Chỉ đạo vắng mặt hoặc ủy quyền.
3. Giúp Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Thường trực cập nhật các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của Ban Chỉ đạo.
4. Giao Phó Trưởng Ban Chỉ đạo - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU.
Điều 11. Trách nhiệm của các Ủy viên Ban Chỉ đạo
1. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Văn phòng Chính phủ
a) Cập nhật, cung cấp các thông tin chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chống khai thác IUU, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo.
b) Chủ động tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đối với đề xuất, kiến nghị của Ban Chỉ đạo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương
a) Giúp lãnh đạo Ban Chỉ đạo định hướng dư luận, hướng dẫn báo chí tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác chống khai thác IUU từ trung ương đến địa phương; xử lý các công việc liên quan đến cơ quan truyền thông trong và ngoài nước đăng tải các thông tin liên quan đến chống khai thác IUU của Việt Nam.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của ngành mình tổ chức hướng dẫn, tập huấn để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn cho tổ chức, cá nhân của các bộ, ban ngành và địa phương liên quan tham gia vào công tác tuyên truyền, tập huấn, giáo dục, phổ biến pháp luật về chống khai thác IUU cho người dân.
3. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Bộ Quốc phòng
Tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng chức năng thuộc quyền:
a) Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để chống khai thác IUU.
b) Phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật cho ngư dân và các quy định về chống khai thác IUU.
c) Chịu trách nhiệm tham mưu, chỉ đạo lực lượng chức năng của bộ mình ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến, kiên quyết không cho ra khơi khi chưa đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định; xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU theo thẩm quyền.
d) Cập nhật, tổng hợp tình hình khai thác IUU của tàu cá và ngư dân Việt Nam và nước ngoài; kết quả xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU gửi cơ quan thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20 hàng tháng.
4. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Bộ Công an
Chỉ đạo lực lượng chức năng của bộ mình:
a) Nắm tình hình về tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hải sản có nguồn gốc từ khai thác IUU, tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo biện pháp ngăn chặn, xử lý.
b) Tăng cường điều tra, nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm về khai thác IUU; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài trái pháp luật.
5. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Bộ Ngoại giao
a) Tham mưu, cập nhật thông tin cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo về quan điểm, thái độ của các nước, các tổ chức quốc tế đối với khai thác IUU.
b) Tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo giải thích, tổ chức triển khai và áp dụng các Hiệp định, Công ước… về chống khai thác IUU; đẩy mạnh vận động ngoại giao, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong trao đổi thông tin với phía EC về tình hình khắc phục “Thẻ vàng” của Việt Nam.
c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của bộ mình phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiên quyết đấu tranh ngoại giao với các nước bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá và ngư dân ta; đề nghị các nước cung cấp chứng cứ vi phạm của tàu cá và ngư dân ta. Thực hiện tốt công tác bảo hộ tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; kịp thời cập nhật tình hình tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và kết quả đấu tranh ngoại giao, bảo hộ tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
d) Chỉ đạo cơ quan, đơn vị của bộ mình phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thúc đẩy hợp tác nghề cá, chống khai thác IUU với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực; tham mưu ký kết, gia nhập các hiệp định, điều ước, thỏa thuận hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và các nước.
6. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Bộ Tài chính
a) Tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo các giải pháp kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng nhập nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác.
b) Chỉ đạo cơ quan, đơn vị của bộ mình phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngăn chặn, xử lý kịp thời nguyên liệu thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ khai thác IUU.
c) Tham mưu, đề xuất Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
7. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Bộ Tư pháp
a) Giúp lãnh đạo Ban Chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo đảm bảo hiệu lực, hiệu quả; thẩm định các quy định về chống khai thác IUU.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của bộ mình phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường rà soát, hoàn thiện khung pháp lý kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tế về chống khai thác IUU.
c) Tham mưu, đề xuất gia nhập các điều ước quốc tế về nghề cá để áp dụng vào Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập nghề cá thế giới.
8. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Bộ Giao thông vận tải.
a) Tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo giải pháp xử lý các hoạt động liên quan đến tàu chở nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU cập cảng thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải; triển khai thực hiện Hiệp định biện pháp Quốc gia có cảng.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của bộ mình phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương liên quan trong công tác chống khai thác IUU liên quan đến lĩnh vực do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
9. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
a) Tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo xây dựng các chương trình truyền thông về chống khai thác IUU.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của bộ mình phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các chương trình, phóng sự, tọa đàm đảm bảo người dân tiếp cận được đầy đủ thông tin về chống khai thác IUU; thông báo kết quả điều tra, xử lý các hành vi khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
10. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Tham mưu, đề xuất lãnh đạo Ban Chỉ đạo về xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp, chiến lược và các hoạt động hợp tác quốc tế liên quan trong khai thác, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản đáp ứng các quy định theo thông lệ quốc tế.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của bộ mình tổ chức, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra nguồn lợi thủy sản thuộc chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được phê duyệt; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác điều tra, quy hoạch ngư trường, nguồn lợi thủy sản, tổ chức, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả, bền vững của hoạt động nghề cá.
11. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Tham mưu, đề xuất lãnh đạo Ban Chỉ đạo báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp về đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nghề cá, hệ thống thông tin quản lý tàu cá phục vụ cho công tác chống khai thác IUU.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của bộ mình cân đối nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho nghề cá phục vụ cho công tác quản lý nghề cá theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.
12. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Bộ Công Thương
a) Giúp lãnh đạo Ban Chỉ đạo nắm các thông tin, động thái của Ủy ban Châu Âu đối với tình hình thực hiện công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu và đề xuất các giải pháp phù hợp.
b) Chỉ đạo cơ quan, đơn vị của bộ mình thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với phía Ủy ban Châu Âu về tình hình chống khai thác IUU của Việt Nam, thông tin kịp thời với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết các vấn đề liên quan đến chống khai thác IUU theo yêu cầu của Ủy ban Châu Âu.
13. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
a) Tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo các giải pháp giảm thiểu tàu cá và ngư dân bị tai nạn trên biển; các phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tàu cá, ngư dân bị nạn đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
b) Tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo các giải pháp xử lý đối với tàu nước ngoài đâm va, đâm chìm tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên các vùng biển; phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ vụ việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngư dân.
14. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Tổng cục Thủy sản
a) Tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo về công tác quản lý tàu cá, ngư dân hoạt động khai thác hải sản trên biển, quản lý ngư trường nguồn lợi; theo dõi, tổng hợp, xử lý và báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo về kết quả triển khai chống khai thác IUU; đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện.
b) Thường xuyên cập nhật, theo dõi và báo cáo Ban Chỉ đạo về tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác IUU; phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU.
c) Tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hợp tác về thủy sản, chống khai thác IUU với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực; tham mưu ký kết, gia nhập các Hiệp định, Điều ước, Thỏa thuận hợp tác nghề cá giữa Việt Nam và các nước.
d) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của tổng cục mình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành và địa phương trong công tác điều tra, ngăn chặn, xử lý tàu cá, ngư dân có hành vi khai thác IUU; thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền tập huấn pháp luật cho ngư dân về chống khai thác IUU; rà soát, hoàn thiện khung pháp lý quản lý hoạt động khai thác thủy sản đáp ứng yêu cầu thực tế.
đ) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của tổng cục mình phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, chuẩn bị các nội dung báo cáo cuộc họp của Ban Chỉ đạo; đề xuất các hoạt động kiểm tra, làm việc của Ban Chỉ đạo tại các địa phương và tại nước ngoài về công tác chống khai thác IUU.
15. Trách nhiệm của Ủy viên thuộc Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang).
a) Chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, giải pháp chống khai thác IUU theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh mình thường xuyên cập nhật, báo cáo kịp thời các hoạt động triển khai chống khai thác IUU tại địa phương theo quy định cho cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo định kỳ, đột xuất.
c) Tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tham mưu xử lý các hành vi khai thác IUU tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh mình chuẩn bị đầy đủ nội dung, bố trí các cuộc họp, kiểm tra của Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo làm việc tại địa phương.
d) Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU về tình hình, kết quả chống khai thác IUU tại địa phương.
Điều 12. Trách nhiệm của bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, có trách nhiệm:
a) Tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo theo định kỳ hàng năm và đột xuất; dự thảo quyết định, kết luận của Ban Chỉ đạo.
b) Tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo xử lý các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo; dự thảo nội dung báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo theo định kỳ, đột xuất.
c) Đảm bảo các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
2. Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập trên cơ sở kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ từ Tổ công tác liên ngành 689 Trung ương được thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2010 về ngăn chặn, giảm thiểu tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và đổi tên thành Tổ công tác liên ngành giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Tổ công tác liên ngành về IUU); Tổ công tác liên ngành về IUU có trách nhiệm tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.
3. Quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành về IUU do Tổ trưởng Tổ công tác quy định.
4. Các thành viên trong bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
5. Bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU gửi những thông tin, báo cáo đã tổng hợp theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 đến từng Ủy viên Ban Chỉ đạo để nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ.
Điều 13. Quy chế này áp dụng cho các thành viên và bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.
Điều 14. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy chế này./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.