ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1453/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 22 tháng 05 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NẤM ĂN VÀ NẤM DƯỢC LIỆU TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 22/6/2000;
Căn cứ Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày 16/7/2009 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 19/5/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009-2015 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Văn bản số 363/SKHCN-KH ngày 22/4/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU.
- Phát triển sản xuất nấm thành một ngành sản xuất hàng hóa chủ lực, có hiệu quả cao và bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
- Xây dựng ngành sản xuất nấm thành ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ cao của tỉnh, trong đó có công nghệ sản xuất giống đạt trình độ cao của khu vực Miền Trung đáp ứng đủ nhu cầu giống nấm trong tỉnh và mở rộng cho các khu vực ngoại tỉnh;
* Giai đoạn 2013 -2015:
- Hình thành 50 cơ sở sản xuất nấm có quy mô từ 200m2 lán trại trở lên, trong đó có 20 cơ sở có khả năng sản xuất và cung ứng bịch nấm trên địa bàn;
- Hình thành 8-10 doanh nghiệp thu mua và chế biến sản phẩm từ nấm;
- Hình thành Trung tâm nấm của tỉnh (tiền đề để chuyển đổi sang hình thức hoạt động doanh nghiệp khoa học và công nghệ) đáp ứng được việc sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn.
Tổng sản lượng dự kiến đạt 1.500 đến 2.000 tấn nấm tươi các loại với giá trị đạt khoảng 30 đến 40 tỷ đồng.
* Giai đoạn 2016-2020:
- Chuyển đổi phương thức và hình thức hoạt động của Trung tâm nấm của tỉnh (theo hình thức doanh nghiệp khoa học và công nghệ) hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Thủ tướng chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
- Giữ nguyên các cơ sở của giai đoạn trước, mở rộng và đầu tư phát triển thêm cả về số lượng và chất lượng; hình thành mới 300 cơ sở sản xuất nấm có quy mô từ 200m2 lán trại trở lên, trong đó 200 cơ sở có khả năng sản xuất và cung ứng bịch nấm trên địa bàn;
- Hình thành mới 20 doanh nghiệp thu mua và chế biến sản phẩm từ nấm.
Tổng sản lượng dự kiến đạt 20.000 đến 25.000 tấn nấm tươi các loại với giá trị đạt khoảng 400 đến 450 tỷ đồng.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác quy hoạch và mặt bằng phát triển sản xuất
a) Quy hoạch:
- Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển cây nấm vào hệ thống cây trồng đối với các vùng sinh thái. Tất cả các địa phương trong tỉnh đều có thể tổ chức sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu. Tùy vào điều kiện đầu tư, khả năng cung ứng nguyên liệu, đất đai nhà xưởng, mức độ thuận lợi của sản xuất... các địa phương tiến hành quy hoạch, bố trí địa điểm và phân bố các cơ sở sản xuất nấm ở trên địa bàn mình đảm bảo phù hợp.
- Quy hoạch trung tâm sản xuất giống nấm, bịch phôi nấm ở các địa phương để cung cấp cho các trang trại, doanh nghiệp, nông hộ sản xuất nấm thương phẩm.
b) Mặt bằng:
- Đối với các hộ nông dân sản xuất quy mô gia đình: Tận dụng mặt bằng, đất đai vườn, nhà hiện có để xây dựng lán trại sản xuất nấm.
- Tận dụng các trụ sở, hội quán, trường học, nhà xưởng... cũ không sử dụng để tu sửa phục vụ sản xuất nấm nhằm giảm chi phí đầu tư và hạn chế lãng phí đất đai, tiền vốn, tranh thủ thời gian sản xuất.
- Đối với các hộ sản xuất quy mô gia trại, trang trại cần quy hoạch đất vườn, đất ruộng canh tác kém hiệu quả, đất đồi bãi hoang hóa để đầu tư xây dựng nhà xưởng, lán trại sản xuất; tích tụ ruộng đất hoặc hoán đổi đất cho nhau để thuận tiện đầu tư.
2. Giống và mùa vụ trồng
a) Giống nấm
Giai đoạn từ nay đến năm 2020 tập trung chủ yếu phát triển các giống nấm chính sau: Mộc nhĩ; Nấm sò; Nấm mỡ; Nấm rơm; Nấm Linh chi. Ngoài ra những cơ sở có điều kiện có thể phát triển thêm các loại nấm sau: Nấm chân dài; nấm kim châm; nấm đùi gà; nấm đầu khỉ (là những loại nấm chất lượng cao). Tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn, phát triển các giống nấm có chất lượng, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng để đưa vào sản xuất.
b) Mùa vụ sản xuất
- Nấm sò: Bắt đầu từ tháng 8 kéo dài đến tháng 4 năm sau, chu kỳ sản xuất 4 tháng/lứa;
- Mộc nhĩ: Bắt đầu từ tháng 01 đến tháng 4 và từ tháng 7 đến tháng 12, chu kỳ sản xuất 4 tháng/lứa;
- Linh chi: Bắt đầu từ tháng 02 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 10, chu kỳ sản xuất 3 tháng/lứa;
- Nấm rơm: Vụ chính từ tháng 5 đến tháng 8 và trái vụ từ tháng 9 đến tháng 02 năm sau, chu kỳ sản xuất 1,5 tháng/lứa;
- Nấm mỡ: Bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 02 năm sau, chu kỳ sản xuất 4 tháng.
3. Đầu tư, phát triển các cơ sở sản xuất nấm
a) Thành lập Doanh nghiệp khoa học và công nghệ về nấm Hà Tĩnh.
- Trước mắt, trên cơ sở bộ phận sản xuất nấm ở huyện Thạch Hà, đầu tư nâng cấp để trở thành Trung tâm nấm của tỉnh trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, có khả năng nuôi cấy chọn tạo được các giống nấm đa dạng từ giống gốc đến giống cấp I, II, III có chất lượng cao cung cấp cho nhu cầu giống trong và ngoài tỉnh. Đồng thời sản xuất ra một số lượng lớn bịch giống cung ứng cho người sản xuất, chịu trách nhiệm chính tổ chức thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ nấm, tổ chức đào tạo chuyển giao công nghệ về nấm, xây dựng thương hiệu nấm Hà Tĩnh. Việc thành lập trung tâm tiến hành ngay trong tháng 5/2013 để đảm bảo được kế hoạch sản xuất tiêu thụ nấm năm 2013 của tỉnh.
+ Về tổ chức bộ máy: Xem xét, bố trí biên chế quản lý và kỹ thuật cho Trung tâm để đảm bảo được chức năng nhiệm vụ phục vụ chương trình phát triển cây nấm thành sản phẩm chủ lực mạnh của tỉnh, góp phần đưa Hà Tĩnh trở thành trung tâm CNSH hàng đầu khu vực vào năm 2020, Sớm tổ chức kiện toàn bộ máy và tiến hành tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ kỹ thuật để đáp ứng được nhu cầu hoạt động của trung tâm.
+ Về đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị hiện có: Tiến hành đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hiện có tại Trung tâm; đầu tư xây dựng mới nhà xưởng, tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được việc sản xuất và cung ứng giống nấm có chất lượng, giá cả hợp lý trên địa bàn.
- Từ đầu năm 2015 trở đi chuyển đổi tổ chức và hoạt động của Trung tâm theo hình thức doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Thủ tướng chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
b) Xây dựng cơ sở sản xuất nấm ở các địa phương.
- Vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức kinh tế (tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp) đầu tư sản xuất nấm theo quy mô công nghiệp, xây dựng và hình thành các doanh nghiệp chuyên sản xuất theo quy mô công nghiệp và chế biến nấm, là đầu mối thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản nấm tươi, sấy nấm khô. Mỗi cơ sở cần đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất kỹ thuật gồm nhà xưởng sản xuất nấm, lò hấp thanh trùng, lò sấy, nguyên liệu, bốc cấy giống, phòng cấy... đủ điều kiện sản xuất từ 200 tấn nguyên liệu/năm trở lên và thu mua, sơ chế biến, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong vùng.
- Xây dựng được khoảng 100 mô hình sản xuất quy mô gia trại, trang trại. Mỗi mô hình cần đầu tư 01 lò hấp thanh trùng thủ công, công suất 1,2-1,5 tấn nguyên liệu/mẻ, có từ 200 m2 lán trại trở lên đủ tiêu chuẩn sản xuất 2-3 loại nấm, mỗi năm có thể sản xuất tối thiểu 30 tấn nguyên liệu, thu hút 5-7 lao động làm việc thường xuyên.
- Duy trì các cơ sở, HTX sản xuất nấm hiện có trên địa bàn, hình thành các trang trại nuôi trồng nấm mới trên cơ sở liên kết giữa các doanh nghiệp với nông hộ để sản xuất quy mô lớn, Tập trung sản xuất tại các huyện đang có các cơ sở, mô hình sản xuất nấm hiệu quả. Không tổ chức sản xuất theo phong trào. Hỗ trợ và giúp đỡ người dân sản xuất nấm mở rộng quy mô trên cơ sở mặt bằng, nguyên liệu và nhân công hiện có, để tiến tới phát triển thành các gia trại, trang trại. Dự kiến đến năm 2015 có khoảng 300 hộ sản xuất, năm 2020 có 500 hộ sản xuất nấm,
4. Đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ sản xuất nấm
- Đào tạo chuyên gia: Lựa chọn các cán bộ có khả năng đưa đi đào tạo tại các cơ quan chuyên môn, các viện nghiên cứu để nắm bắt được các quy trình sản xuất tiên tiến nhất; được tham quan học tập ở các địa phương, các cơ sở sản xuất nấm lớn, lâu năm, được học hỏi kinh nghiệm và tham quan một số nước có nền sản xuất nấm tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... để tiếp thu công nghệ và am hiểu thị trường sản xuất, tiêu thụ nấm trên thế giới, hình thành đội ngũ chuyên gia hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất.
- Lựa chọn các hộ sản xuất điển hình có kinh nghiệm, khả năng và tâm huyết để xây dựng mô hình, thực hiện đào tạo tại chỗ kết hợp tham quan, hướng dẫn trực tiếp, các mô hình này sẽ làm đầu mối cung ứng nguyên liệu đầu vào, thu gom và sơ chế sản phẩm đầu ra cho các hộ xung quanh để chuyển về Trung tâm nấm.
- Đào tạo nghề làm nấm cho các doanh nghiệp, trang trại, HTX, Chi Hội nông dân, nhóm hộ và nông hộ theo hình thức đào tạo ngắn hạn, tập trung tại các cơ sở đang sản xuất trên địa bàn tỉnh, cần đào tạo, bồi dưỡng bình quân mỗi xã 1-2 cán bộ nắm bắt và am hiểu được kỹ thuật sản xuất nấm.
- Tập huấn kỹ thuật cho các đối tượng tham gia sản xuất nấm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến làm bịch, cấy giống, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến nấm để xã hội hóa sản xuất nấm, được cung cấp tài liệu cần thiết, được hướng dẫn thực hành tại chỗ và tham quan học tập các mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả trong và ngoài tỉnh. Các lớp tập huấn được tổ chức tại địa bàn sản xuất do địa phương tổ chức và các lớp do tỉnh tổ chức theo hình thức dạy nghề cho nông dân.
5. Tổ chức tiêu thụ, xây dựng mạng lưới giới thiệu sản phẩm
- Tiêu thụ là giải pháp tổng thể và đồng bộ, phải được quán triệt xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối cùng của quá trình sản xuất, liên quan chặt chẽ đến số lượng sản phẩm sản xuất ra phải đủ lớn, tập trung, thường xuyên liên tục, đảm bảo chất lượng, ổn định giá bán, có xuất xứ nguồn gốc sản xuất; tuân thủ nghiêm ngặt thời vụ, quy mô lán trại, quy trình sản xuất, yêu cầu kỹ thuật của tất cả các khâu từ chuẩn bị nguyên liệu đến chăm sóc, thu hái, bảo quản sơ chế, vận chuyển...
- Trước mắt ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật thuộc Viện Di truyền nông nghiệp - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (cam kết bao tiêu sản phẩm đến năm 2015) thông qua Trung tâm nấm Hà Tĩnh để tiến hành thu mua và chế biến theo hợp đồng ký kết với các địa phương và người sản xuất; Tiếp tục khai thác các khách hàng lớn khác và liên hệ xuất khẩu. Một số yêu cầu về thu hái và tiêu thụ sản phẩm:
Đối với nấm tươi: Tổ chức cho các hộ thu hái, đóng bao ni lông vận chuyển về một địa điểm thuận lợi để giao cho Trung tâm nấm. Nếu số lượng lớn từ 500 kg/địa điểm/lần thu hái Trung tâm nấm sẽ tiến hành thu mua tại chỗ, với số lượng ít hơn các hộ phải đóng hộp và vận chuyển về Trung tâm nấm hoặc cung ứng cho các nhà hàng, cơ sở sản xuất thức ăn chế biến sẵn tại địa phương.
Đối với nấm khô: Khi sản xuất với số lượng lớn, hỗ trợ các hộ sản xuất lớn xây dựng lò sấy nấm quy mô từ 2-5 tạ/mẻ để sấy nấm của hộ và thu gom từ các hộ khác.
- Tổ chức xây dựng mạng lưới giới thiệu, quảng bá sản phẩm phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Tiến hành xây dựng tại trung tâm mỗi huyện, thành phố, thị xã 01 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làm mẫu cho việc phát triển mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nấm của tỉnh sau này. Mỗi điểm giới thiệu được trang bị các thiết bị bảo quản, đóng gói, trưng bày. Khi sản lượng sản phẩm hàng hóa lớn, ổn định sẽ đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu nấm cho nông dân.
- Đăng ký chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch và tiến tới xây dựng thương hiệu nấm Hà Tĩnh, liên kết với các siêu thị để bao tiêu sản phẩm. Trước mắt cung cấp cho siêu thị BMC của tỉnh, Khu kinh tế Vũng Áng và xây dựng các điểm đầu mối cung cấp nấm ở các địa phương tổ chức cung ứng tận nơi theo đặt hàng.
6. Thông tin tuyên truyền
- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên đài phát thanh truyền hình để phổ biến giới thiệu cho mọi người dân hiểu được tính năng, tác dụng, cách thức chế biến các món ăn từ nấm, bài thuốc từ nấm...nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất sạch của nấm; quy trình kỹ thuật sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; những kinh nghiệm từ các điển hình sản xuất giỏi, các mô hình đạt hiệu quả cao; các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân;
- Nâng cao chất lượng và thời lượng phát sóng chuyên mục “Nông nghiệp nông thôn”, chuyên đề “Khuyến nông”, chuyên đề “KH&CN với cuộc sống”... nhằm giới thiệu quy trình kỹ thuật, các điển hình sản xuất giỏi, các mô hình sản xuất nấm đạt hiệu quả kinh tế cao, các chính sách về nông nghiệp nông thôn...
- Xuất bản các ấn phẩm phổ biến các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu có hiệu quả...
7. Phát triển khoa học và công nghệ
- Triển khai các đề tài nghiên cứu chế biến đa dạng các sản phẩm từ nấm như: Trà, thuốc, nước giải khát, tăng lực, bánh kẹo...;
- Nghiên cứu phát triển một số đối tượng nấm mới có hiệu quả cao;
- Hoàn thiện, cải tiến quy trình sản xuất, bảo quản và chế biến các sản phẩm từ nấm. Đặc biệt chú trọng nghiên cứu việc sử dụng các loại cơ chất sẵn có trên địa bàn để sản xuất nấm.
- Nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm vi sinh xử lý triệt để các bả thải trong quá trình sản xuất nấm để tạo ra phân bón;
- Xây dựng thương hiệu nấm ăn, nấm dược liệu Hà Tĩnh.
8. Chính sách
- Chính sách về khuyến khích sản xuất: Thực hiện theo Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 14/3/2013 của UBND tỉnh về sửa đổi bổ sung một số điều của Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 09/8/2011 của UBND tỉnh và được hưởng các chính sách hiện hành theo quy định.
- Chính sách về tín dụng: Thực hiện theo Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 18/02/2013 của UBND tỉnh về bổ sung sửa đổi một số nội dung tại Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND ngày 11/6/2012 của UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời một số quy định về hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
- Về đất đai: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX và người dân thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với các loại đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả để thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nấm.
9. Nguồn vốn thực hiện đề án
* Vốn thực hiện đề án được huy động từ các nguồn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã), vốn của doanh nghiệp, của các hộ gia đình và cá nhân.
Trong đó;
- Ngân sách trung ương: Thực hiện theo các nhiệm vụ cụ thể thông qua các chương trình, đề tài, dự án hỗ trợ địa phương.
- Ngân sách địa phương: Trích từ ngân sách tỉnh, huyện, thành phố, thị xã hàng năm, nguồn sự nghiệp khoa học, nguồn sự nghiệp nông nghiệp, nguồn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới...để hỗ trợ thực hiện các chính sách, hỗ trợ tập huấn đào tạo, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã, các hình thức sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị..xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nấm.
- Vốn từ các thành phần kinh tế và vốn vay: Huy động nguồn vốn đối ứng của mọi thành phần kinh tế và vay tín dụng đầu tư ưu đãi cho hoạt động sản xuất và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu.
- Vốn đầu tư từ các kênh của tổ chức, cá nhân ngoài nước.
* Tổng hợp nguồn vốn: 63 tỷ đồng trong đó:
- Ngân sách nhà nước: 18 tỷ đồng (28,6%);
- Vốn tự có của các thành phần kinh tế và vay tín dụng, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, huy động từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác và của người dân: 45 tỷ đồng (71,4%).
10. Một số dự án ưu tiên
1. Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nấm của tỉnh;
2. Dự án ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình điểm sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu tại các địa phương;
3. Dự án ứng dụng chuyển giao KH&CN sản xuất một số giống nấm chất lượng cao tại Hà Tĩnh;
4. Dự án đầu tư xây dựng các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu;
Điều 2. Tổ chức thực hiện.
1. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Chủ trì phối hợp với các Sở: Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên môi trường, Công thương, Văn phòng Điều phối Chương trình nông thôn mới, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Chỉ đạo các địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo, đưa nghề sản xuất nấm phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm cho nông dân; xây dựng các mô hình mẫu; có trách nhiệm đưa các nội dung của Đề án vào kế hoạch các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai KHCN hàng năm, trình UBND phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Phối hợp với các sở ngành liên quan và UBND huyện Thạch Hà để chuyển bộ phận sản xuất nấm ở Thạch Hà về trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ và làm các thủ tục thành lập Trung tâm nấm Hà Tĩnh (giai đoạn 2013 - 2015) và xúc tiến thành lập Doanh nghiệp khoa học và công nghệ về nấm (giai đoạn 2016-2020).
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các địa phương thực hiện có hiệu quả các nội dung như xây dựng cơ sở vật chất, tập huấn kỹ thuật, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...; đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Khuyến nông, đưa các nội dung của Đề án vào kế hoạch hoạt động khuyến nông, khuyến ngư hàng năm và tổ chức thực hiện. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xây dựng các mô hình mẫu tại các địa phương.
3. Các sở, ngành liên quan
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và các ngành, tiến hành rà soát, điều chỉnh, tham mưu bố trí, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển, các chương trình, dự án để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đề án có hiệu quả, đúng nội dung, nhiệm vụ, chương trình và dự án trong Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tham mưu cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nấm, nhất là hình thành và phát triển các doanh nghiệp chế biến nấm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ làm các thủ tục chuyển đổi Trung tâm nấm Hà Tĩnh thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ về nấm từ đầu năm 2015.
- Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Hà trong việc chuyển Trung tâm nấm từ Thạch Hà về Sở Khoa học và Công nghệ và làm các thủ tục để thành lập Trung tâm nấm Hà Tĩnh và tham mưu bố trí biên chế tối thiểu đảm bảo thực hiện nhiệm vụ.
- Sở Tài chính: Căn cứ vào nội dung hỗ trợ và tiến độ thực hiện đề án để cân đối, tham mưu bố trí nguồn ngân sách cho đề án; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định giá giống, vật tư nguyên liệu. Hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp kinh phí, thanh toán hỗ trợ đến tay người sản xuất; giám sát, kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ, thanh, quyết toán theo đúng các quy định tài chính hiện hành.
- Sở Công thương: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương khảo sát, xây dựng hệ thống thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; quảng bá, xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, chế biến tiêu thụ nấm trên địa bàn. Tổ chức cho các doanh nghiệp đi tìm hiểu công nghệ chế biến các sản phẩm từ nấm. Bố trí nguồn vốn từ quỹ khuyến công để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Căn cứ vào các quy định hiện hành, hướng dẫn trình tự, thủ tục miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê và cấp đất cho các tổ chức, cá nhân sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh.
- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn: Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng các chương trình, chuyên đề tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm triển khai các nhiệm vụ trong Đề án có hiệu quả.
- Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới: Chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã lồng ghép nguồn kinh phí thực hiện chương trình nông thôn mới thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án có hiệu quả. Đưa nội dung đề án vào trong chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
- Liên minh Hợp tác xã: Tạo mọi điều kiện, khuyến khích thành lập các Hợp tác xã nông nghiệp, đầu tư sản xuất, bảo quản, chế biến, thu mua và tiêu thụ các sản phẩm từ nấm. Đặc biệt chú trọng hình thành các HTX ứng dụng công nghệ cao. Giúp đỡ, hỗ trợ các hợp tác xã trong quá trình ứng dụng khoa học và công nghệ đầu tư phát triển sản xuất nấm.
- Các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã để triển khai thực hiện tốt Đề án.
- Ngân hàng Nhà nước tỉnh: Chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn quan tâm, tạo điều kiện để người dân được vay vốn sản xuất, đặc biệt ưu tiên cho người trồng nấm để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Tổ chức thực hiện tốt Quyết định 09/2013/QĐ-UBND ngày 18/02/2013 của UBND tỉnh về bổ sung sửa đổi một số nội dung tại Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND về quy định tạm thời một số quy định về hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
4. Đề nghị UBMTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, triển khai các nội dung đề án sản xuất nấm của tỉnh, đưa việc thực hiện đề án vào trong các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hội viên.
5. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Nghiên cứu, quán triệt các nội dung đề án; thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất nấm cấp huyện, xã, phường, thị trấn; xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nấm hàng năm trình cấp trên xem xét. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện tốt các nội dung của Đề án; có cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá đúng mức kết quả đạt được; có chính sách khen thưởng kịp thời.
- Phối hợp với các sở, ban ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tại địa phương phù hợp với quy hoạch chung cả tỉnh; cân đối ngân sách địa phương, dành nguồn vốn thích đáng cùng với nguồn vốn của tỉnh để thực hiện Đề án; chỉ đạo xây dựng các dự án cụ thể để trình duyệt theo quy định. Có trách nhiệm bố trí quỹ đất và đảm bảo các điều kiện thiết yếu để tổ chức thực hiện các dự án được phê duyệt.
- Sơ kết, tổng kết đánh giá công tác phát triển sản xuất nấm ở địa phương, mở rộng quy mô sản xuất nấm khi đề án kết thúc, duy trì phát triển bền vững nghề sản xuất nấm.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, nếu có khó khăn vướng mắc, cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ảnh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xử lý.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.