ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 145/QĐ-UBND | Sơn La, ngày 20 tháng 01 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THUẾ TRONG CÁC CẤP HỌC ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA, GIAI ĐOẠN 2013 - 2016
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường";
Căn cứ Quyết định số 758/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2013 của UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường" giai đoạn 2013 - 2016 trên địa bàn tỉnh Sơn La;
Xét đề nghị của Cục Thuế tỉnh Sơn La tại Tờ trình số 01/TTr-CT ngày 13 tháng 01 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật Thuế trong các cấp học đường trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2013 - 2016”.
Điều 2. Giao Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật Thuế trong các cấp học đường trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2013 - 2016.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Cục Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHƯƠNG TRÌNH
PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THUẾ TRONG CÁC CẤP HỌC ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA, GIAI ĐOẠN 2013-2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 145/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La)
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
1. Mục đích
Nhằm mục đích tuyên truyền sâu rộng chính sách pháp luật Thuế đến với thế hệ học sinh (đây là những chủ nhân tương lai của đất nước) nhằm trang bị cho các em kiến thức về thuế, tầm quan trọng của Thuế đối với sự phát triển của một quốc gia khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, thông qua đó mỗi học sinh hiểu rõ vai trò của thuế đối với đất nước đảm bảo sự tồn tại và phát triển xã hội nói chung và xã hội xã hội chủ nghĩa nói riêng, từ đó xây dựng những thế hệ công dân có ý thức chấp hành tốt nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước.
Trang bị cho mỗi học sinh có kiến thức về thuế, có nhận thức một cách đầy đủ về nghĩa vụ của mình đối với xã hội, để các em khi rời ghế nhà trường tham gia công tác xã hội có trách nhiệm đóng góp như là tuyên truyền viên về thuế trong gia đình và xã hội.
2. Yêu cầu
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật Thuế trong các cấp học đường phải đặt dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan bám sát những quy định trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, những yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về Phổ biến giáo dục pháp luật của Trung ương, của tỉnh để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật Thuế trong các cấp học đường trên địa bàn toàn tỉnh.
Nội dung, thời lượng phổ biến phải phù hợp với từng cấp học, độ tuổi của học sinh, tránh tình trạng quá tải. Hình thức giảng dạy phong phú, đa dạng, hấp dẫn, tạo không khí vui vẻ nhằm giúp các em học sinh có hứng thú với bài học từ đó nhận thức và tiếp thu nhanh bài học; Kết hợp giáo dục chính khoá với giáo dục ngoại khoá (thi tìm hiểu về thuế, đóng kịch, tiểu phẩm về thuế...) ngoài giờ lên lớp nhằm bổ trợ cho hoạt động giảng dạy chính khoá, giúp cho các em học sinh dễ tiếp thu bài học.
Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan được giao chủ trì tổ chức giảng dạy với các cơ quan hỗ trợ, tư vấn về chính sách, kịp thời tiếp thu những thay đổi về chính sách pháp luật Thuế để điều chỉnh, bổ sung chương trình giảng dạy cho phù hợp. Có cơ chế khuyến khích đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên, coi trọng chế độ học tập, nâng cao chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, làm cho đội ngũ giáo viên nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc truyền tải chính sách pháp luật Thuế đến với học sinh.
II. NỘI DUNG CỤ THỂ
1. Đối tượng
Đối tượng để phổ biến, giáo dục pháp luật Thuế là học sinh đang theo học tại các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh, gồm:
- Học sinh Trung học cơ sở;
- Học sinh Trung học phổ thông.
2. Nội dung phổ biến, giáo dục
2.1. Vấn đề chung
Tập trung phổ biến, giáo dục giúp cho học sinh các cấp học nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của thuế đối với xã hội, với bản thân mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội nhằm giáo dục ý thức nộp thuế của người dân từ khi còn nhỏ, tạo cho các chủ nhân tương lai của đất nước có hành trang kiến thức về thuế, hiểu về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với việc thực hiện chính sách pháp luật thuế, góp phần xây dựng đất nước.
Giáo trình giảng dạy được xây dựng trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan giáo dục và đào tạo, cơ quan tư pháp, tuyên giáo.... Cơ quan thuế đưa ra nội dung, ý tưởng và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, nhất là các giáo viên giảng dạy các môn khoa học xã hội để đảm bảo dễ hiểu, phù hợp với học sinh. Tính phức tạp của giáo trình được nâng dần lên theo từng cấp học để đảm bảo phù hợp với tư duy của từng lứa tuổi.
2.2. Nội dung cụ thể
a) Nội dung giảng dạy cho học sinh THCS (từ lớp 6 đến lớp 9):
- Tài chính của quốc gia (thu, chi NSNN);
- Khái niệm và ý nghĩa của thuế;
- Những phúc lợi xã hội mang lại cho công dân từ tiền thuế;
- Tìm hiểu về lịch sử thuế qua các thời kỳ (mục đích sử dụng tiền thuế trong từng thời kỳ);
- Pháp luật về thuế (nêu quyền và nghĩa vụ công dân trong việc chấp hành chính sách pháp luật thuế).
b) Nội dung giảng dạy cho học sinh THPT( từ lớp 10 đến lớp 12):
- Nguồn gốc, bản chất, chức năng, vai trò của thuế; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của một số Luật thuế; Phân biệt giữa phí, lệ phí và thuế (để học sinh hiểu tại sao khi sử dụng các dịch vụ phúc lợi công cộng, công trình công cộng mà không phải mất phí).
- Khái quát hệ thống thuế và chính sách thuế hiện hành ở Việt Nam
- Lịch sử hình thành của thuế trên thế giới (để thấy được thuế là khoản thu ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và dùng để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước).
- Hình thức xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế
3. Hình thức giảng dạy
3.1. Giảng dạy chính khóa
a) Đối với học sinh cấp Trung học cơ sở
Lồng ghép vào môn giáo dục công dân (phần dành cho địa phương), chủ yếu sử dụng phương pháp tuyên truyền dưới dạng bài giảng, tham luận, đối thoại. Do các giáo viên của trường truyền đạt, chủ trì hướng dẫn, đối thoại. Cụ thể:
- Lớp 6 chương trình chính khoá 01 tiết, chương trình tích hợp 07 bài
- Lớp 7 chương trình chính khoá 01 tiết, chương trình tích hợp 07 bài
- Lớp 8 chương trình chính khoá 01 tiết, chương trình tích hợp 07 bài
- Lớp 9 chương trình chính khoá 02 tiết, chương trình tích hợp 08 bài
b) Đối với học sinh cấp Trung học phổ thông
Lồng ghép vào môn giáo dục công dân (phần dành cho địa phương), sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, tiến bộ như thảo luận nhóm, kích thích tư duy, tự tìm tòi và nêu quan điểm của mình…, với các giáo cụ phong phú, đa dạng nhằm truyền tải kiến thức hiệu quả như phim hoạt hình, truyện tranh…, tạo không khí vui vẻ, thoải mái để học sinh dễ dàng tiếp thu bài. cụ thể:
- Lớp 10 chương trình chính khoá 02 tiết, chương trình tích hợp 03 bài
- Lớp 11chương trình chính khoá 02 tiết, chương trình tích hợp 4 bài
- Lớp 12 chương trình chính khoá 02 tiết, chương trình tích hợp 5 bài
3.2. Hoạt động ngoại khoá
Ngoài chương trình đã được xây dựng trong giáo trình, các nhà trường cần tổ chức các buổi ngoại khóa được xây dựng trên cơ sở các cuộc thi để các em học sinh tìm hiểu kỹ hơn về các chính sách, pháp luật thuế để bổ trợ cho các tiết chính khoá. Thông qua các hoạt động, sự kiện, trò chơi nhằm hỗ trợ cho bài giảng, tạo điểm nhấn giúp học sinh có tư duy về thuế được nhanh hơn.
Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, trao đổi giữa công chức ngành Thuế với học sinh để kịp thời hỗ trợ các em có thêm thông tin về chính sách thuế mới, những chủ trương của nhà nước về cải cách thuế, những quy định mới về thuế dự kiến sẽ ban hành...
4. Kinh phí hoạt động
Hàng năm, căn cứ vào Kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoài giảng dạy như: in ấn tài liệu, sách giáo khoa, tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi, các hoạt động ngoại khoá…, thuộc Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật Thuế, Cục Thuế tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lập dự toán kinh phí và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp kinh phí để triển khai. Việc quản lý kinh phí để tổ chức các nội dung nêu trên được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 73/2010/TT-BTC-BTP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của liên bộ: Tài chính - Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản khác có liên quan.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, năng lực tuyên truyền, giáo dục pháp luật Thuế cho đội ngũ nhà giáo tham gia giảng dạy môn Giáo dục công dân của các nhà trường.
Chỉ đạo các Phòng giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố và trường học lập kế hoạch phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật Thuế hàng năm cho các cấp học; Chỉ đạo, giám sát công tác giảng dạy pháp luật Thuế trong các trường học; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức pháp luật Thuế đối với giáo viên và học sinh trong các bậc học.
Phối hợp với Cục Thuế tỉnh để tổ chức các hoạt động ngoại khoá để bổ trợ thêm quá trình tiếp thu chính sách pháp luật Thuế cho học sinh. Đưa thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật Thuế trong nhà trường trên Website của Sở và hướng dẫn sử dụng trong toàn ngành.
2. Sở Tài chính
Tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm phân bổ ngân sách, cấp kinh phí hỗ trợ tổ chức các hoạt động ngoài giảng dạy của các đơn vị quản lý giáo dục và các trường học theo chế độ hiện hành. Tổ chức thẩm tra, quyết toán kinh phí theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Cục Thuế tỉnh
Chủ trì soạn thảo và in ấn tài liệu giảng dạy cho giáo viên, tài liệu học tập cho học sinh theo các cấp học để cung cấp cho các nhà trường. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động tư vấn, hỗ trợ cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các trường học về chính sách thuế; kịp thời thông tin, truyền tải những sửa đổi, bổ sung về chính sách pháp luật Thuế cho các nhà trường để bổ sung vào chương trình giảng dạy cho phù hợp.
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật Thuế, phương pháp giảng dạy, kỹ năng sử dụng tài liệu và thiết bị phục vụ giảng dạy các kiến thức pháp luật Thuế cho đội ngũ giáo viên trong nhà trường;
Phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục và hỗ trợ các nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khoá, các cuộc thi tìm hiểu chính sách pháp luật Thuế trong học sinh; định kỳ cử cán bộ thực hiện tiếp xúc, trao đổi thông tin về chính sách Thuế với học sinh trong các buổi ngoại khoá của các nhà trường.
Hàng năm lập dự toán kinh phí trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí in tài liệu, tổ chức chương trình ngoại khoá, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thuế.
4. Báo Sơn La, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh
Phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo để tăng cường công tác tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và quá trình triển khai thực hiện Chương trình, đảm bảo cho Chương trình đạt được kết quả cao.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Chỉ đạo phòng Giáo dục và các trường học trên địa bàn quản lý xây dựng nội dung chi tiết giảng dạy chính sách pháp luật Thuế trong kế hoạch giáo dục hàng năm của các đơn vị. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật thuế của các trường học; Kết thúc mỗi năm học có nhận xét, đánh giá việc thực hiện Chương trình để kịp thời biểu dương, khen thưởng, đồng thời phản ánh với tỉnh những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện, đề xuất những nội dung điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Trên đây là Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật Thuế trong các cấp học đường trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2013 - 2016. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, trường học và UBND các huyện, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức triển khai thực hiện Chương trình có hiệu quả ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.