BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1447/QĐ-BXD | Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH XÂY DỰNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2004 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 34/2005/QĐ-TTG NGÀY 22 THÁNG 02 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
- Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
- Căn cứ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW
- Theo đề nghị của Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Hạ tầng Kỹ thuật Đô thị;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động Bảo vệ Môi trường ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký Quyết định.
Giám đốc các Sở Xây dựng, Sở Giao thông Công chính, Sở Kiến trúc Qui hoạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty, Giám đốc Công ty và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NGÀNH XÂY DỰNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW NGÀY 15 THÁNG 11 NĂM 2004 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 34/2005/QĐ-TTG NGÀY 22 THÁNG 02 NĂM 2005 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 41-NQ/TW
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1447 /QĐ-BXD ngày 14 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực kiến trúc; qui hoạch xây dựng đô thị và nông thôn, hạ tầng kỹ thuật đô thị; thi công xây lắp; sản xuất vật liệu xây dựng; quản lý nhà ở và công sở, trong những năm qua Ngành Xây dựng đã chú trọng bảo vệ môi trường trong công tác qui hoạch xây dựng và quản lý đô thị, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và các công trường xây dựng.
Để triển khai Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW và Chỉ thị số 23/2005/CT-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp, Bộ Xây dựng ban hành Chương trình hành động cụ thể về bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực môi trường đô thị và môi trường xây dựng.
I. MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH
- Ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động phát triển đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề và sản xuất vật liệu xây dựng.
- Sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, khu công nghiệp, khu du lịch… cũng như khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng.
- Xử lý triệt để các cơ sở các sản xuất vật liệu xây dựng, xử lý nước thải và các bãi chôn lấp chất thải rắn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngành Xây dựng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho các cán bộ, công nhân viên trong ngành Xây dựng.
II. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH
2.1. Tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường Ngành:
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng đô thị, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn, đảm bảo quy hoạch phải đi trước một bước. Chú trọng các nội dung qui hoạch môi trường và khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên trong công tác qui hoạch xây dựng theo các yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đánh giá, xác định các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường khi thực hiện các quy hoạch xây dựng, đề xuất các giải pháp, kế hoạch, lộ trình thực hiện quy hoạch xây dựng kết hợp bảo vệ môi trường.
- Thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu dân cư, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, thích hợp xử lý chất thải rắn và nước thải.
- Từng bước giải quyết có hiệu quả tình trạng úng ngập, ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải, nghĩa trang, cây xanh ở các đô thị.
- Thực hiện công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho các làng nghề thủ công.
- Tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu và qui định bảo vệ môi trường tại các công trường xây dựng.
- Rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị và bảo vệ môi trường.
2.2. Trong giai đoạn đến hết năm 2005, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
2.2.1. Xây dựng hệ thống qui chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường đô thị, nông thôn, khu công nghiệp
- Rà soát, đánh giá tính đầy đủ, hợp lý cũng như những tồn tại của các qui chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường hiện hành.
- Lập danh mục tiêu chuẩn xây dựng công trình hạ tầng và vệ sinh môi trường.
- Lập kế hoạch tổ chức triển khai biên soạn và ban hành các qui chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, công trình xử lý chất thải rắn, nước thải, nghĩa trang, cây xanh, chiếu sáng…
- Xây dựng kế hoạch phân bổ kinh phí soát xét, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các qui chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường từ nay đến năm 2010.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn phổ biến qui chuẩn, tiêu chuẩn mới được ban hành hoặc sửa đổi cho các đơn vị trong Ngành.
2.2.2. Xây dựng đề án “Qui hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn cho các đô thị Việt Nam” trình Chính phủ
- Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 (đánh giá thực trạng quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp: khối lượng, thu gom, vận chuyển, xử lý, mô hình tổ chức quản lý...
- Xây dựng quy hoạch tổng thể quản lý chất thải rắn cho các đô thị từ loại III trở lên. Nghiên cứu, đề xuất các khu xử lý chất thải rắn có tính chất liên vùng, liên đô thị gắn với công tác quy hoạch xây dựng vùng. Định hướng công nghệ xử lý; quy trình thu gom, vận chuyển và mô hình hóa tổ chức quản lý.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên trong công tác quản lý chất thải rắn đô thị và khu công nghiệp. Chú trọng xây dựng các dự án thí điểm về công nghệ xử lý chất thải rắn.
2.2.3. Xây dựng đề án “Qui hoạch tổng thể hệ thống xử lý nước thải cho các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam”
- Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Định hướng phát triển thoát nước đô thị Việt Nam đến năm 2020 (đánh giá thực trạng hệ thống xử lý nước thải của các đô thị và khu công nghiệp).
- Xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý nước thải cho các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu đô thị, khu công nghiệp và làng nghề thủ công.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:
3.1. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức
- Tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn phổ biến các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, qui trình qui phạm về lĩnh vực môi trường mới ban hành tới các Sở Xây dựng, Sở Giao thông Công chính, Sở Kiến trúc Qui hoạch và các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng.
- Thông tin các nội dung, hoạt động bảo vệ môi trường của Ngành, kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ngành Xây dựng trên trang WEB môi trường ngành Xây dựng.
- Đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường thành tiêu chí thi đua đối với các đơn vị.
3.2. Tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm về bảo vệ môi trường, các quy chuẩn, tiêu chuẩn công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và vệ sinh môi trường. Đặc biệt đối với lĩnh vực: xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa trang, chiếu sáng, qui hoạch cây xanh, giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn trong đô thị; bảo đảm vệ sinh môi trường trong các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và các công trường xây dựng.
- Từng bước xây dựng mạng lưới theo dõi, quan trắc, thanh tra môi trường Ngành Xây dựng từ Trung ương đến cơ sở, trong đó xác định rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.
- Đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ các cán bộ làm công tác nghiên cứu phát triển, quản lý, tư vấn về môi trường của Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng và Sở Giao thông Công chính.
3.3. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường
- Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, huy động mọi nguồn vốn, mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp các dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, cấp nước, nghĩa trang…
- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sạch… nhằm giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn. Hỗ trợ các doanh nghiệp xử lý, tái chế và tái sử dụng chất thải.
3.4. Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ tiến tới xây dựng công nghiệp môi trường
- Lựa chọn và áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ thích hợp tái chế, tái sử dụng nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn phải chôn lấp. Từng bước nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải cho các đô thị, khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất.
- Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong quá trình sản xuất các vật liệu xây dựng và thi công xây lắp.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành Xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển các công nghiệp xử lý ô nhiễm, tái chế, tái sử dụng chất thải để dần từng bước xây dựng công nghiệp môi trường xây dựng.
- Tổng kết, đánh giá các kết quả nghiên cứu khoa học về môi trường, triển khai nhân rộng các mô hình quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường trong phạm vi cả nước.
3.5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường
- Thực hiện có hiệu quả các dự án ODA hợp tác nước ngoài về vấn đề bảo vệ môi trường và qui hoạch môi trường.
- Huy động thực hiện dự án ODA thí điểm về mô hình xử lý chất thải tại một làng nghề thủ công gắn với quy hoạch xây dựng và nghiên cứu chuyển giao công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị.
3.6. Thanh tra, kiểm tra
- Phối hợp với Thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Xây dựng tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong công tác qui hoạch xây dựng đô thị, khu công nghiệp, làng nghề thủ công, thi công xây lắp và sản xuất vật liệu xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
4.1. Các Sở và các doanh nghiệp
Trên cơ sở Chương trình hành động của Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc Qui hoạch, Sở Giao thông Công chính của các địa phương, các Tổng Công ty 90, 91 và các doanh nghiệp trực thuộc Bộ xây dựng chương trình, kế hoạch và giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường của địa phương mình và báo cáo về Bộ Xây dựng.
- Kiểm tra, quan trắc môi trường, đánh giá hiện trạng, lập danh mục các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, các công trường xây dựng không tuân thủ các qui định bảo vệ môi trường định kỳ gửi báo cáo về Bộ Xây dựng.
- Lập sổ theo dõi diễn biến môi trường theo hàng quí, hàng năm. Bố trí nguồn kinh phí thích hợp để đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường. Phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan trong công tác bảo vệ môi trường.
4.2. Các Viện, Trường và đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Bộ
- Nghiên cứu, cụ thể hóa các nhiệm vụ nêu trong Chương trình hành động bảo vệ môi trường Ngành, xây dựng chương trình hành động cụ thể của đơn vị và đề xuất các chương trình, dự án, đề tài phù hợp với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương. Xây dựng kế hoạch thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường.
- Tham gia công tác nghiên cứu và tư vấn về bảo vệ môi trường do Bộ giao.
4.3. Các Cục, Vụ, Thanh tra thuộc Bộ Xây dựng
* Vụ Khoa học Công nghệ là đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương
- Phối hợp với Vụ Kế hoạch Thống kê, Vụ Tài chính cân đối nguồn ngân sách Khoa học Công nghệ và sự nghiệp môi trường hàng năm của Bộ Xây dựng cho công tác bảo vệ môi trường.
- Phối hợp với Vụ Hạ tầng Kỹ thuật đô thị và các đơn vị liên quan đề xuất kế hoạch sửa đổi, soát xét và ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn Xây dựng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.
- Hướng dẫn các đơn vị thực hiện báo cáo hiện trạng môi trường theo định kỳ hàng năm.
- Kiểm tra, hướng dẫn xử lý triệt để các cơ sở của Ngành đã bị ô nhiễm nghiêm trọng trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Tổ chức phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Tổ chức kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường tại các đô thị, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.
* Vụ Hạ tầng Kỹ thuật đô thị là đơn vị đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương
- Phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và các đơn vị liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục các qui chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và vệ sinh môi trường; Xây dựng đề án quy hoạch tổng thể xử lý chất thải rắn, đề án qui hoạch hệ thống xử lý nước thải cho các đô thị, khu công nghiệp Việt Nam trong quý IV năm 2005.
- Phối hợp với Vụ Kiến trúc Qui hoạch và các đơn vị liên quan nghiên cứu quy hoạch quản lý chất thải rắn, chất thải rắn nguy hại cho các vùng liên tỉnh, vùng đặc thù, qui hoạch hệ thống xử lý nước thải cho các đô thị.
- Phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Kế hoạch Thống kê và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số dự án đầu tư thí điểm xây dựng khu xử lý chất thải rắn có tính chất vùng, liên tỉnh; Triển khai dự án đầu tư thí điểm áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, ưu tiên áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn hạn chế chôn lấp, công nghệ được nghiên cứu trong nước, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nhằm phát huy nội lực, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, làm chủ về công nghệ và phát huy hiệu quả kinh tế của việc tái chế, sử dụng lại chất thải.
* Vụ Kiến trúc Qui hoạch hướng dẫn qui hoạch môi trường trong công tác qui hoạch xây dựng vùng, qui hoạch xây dựng đô thị và các điểm dân cư nông thôn.
Các Cục, Vụ, các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị mình phối hợp với các đơn vị đầu mối triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ngành.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.