ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 144/QĐ-UB | Bắc Kạn, ngày 20 tháng 05 năm 1997 |
QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND LÂM THỜI TỈNH
V/V BAN HÀNH "QUY ĐỊNH CỦA UBND TỈNH VỀ VIỆC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN".
ỦY BAN NHÂN DÂN LÂM THỜI TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND.
Căn cứ Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Địa chính và sau khi thông qua hội nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 14/4/1997.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định của UBND tỉnh về việc thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn".
Điều 2: Giao cho Giám đốc Sở Địa chính chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện nghiêm chỉnh bản quy định này.
Điều 3: Bản quy định này thay thế các quy định trước đây của UBND tỉnh Bắc thái (cũ) và UBND tỉnh Cao Bằng về quản lý đất đai và có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Các ông, bà: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Địa chính, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và đoàn thể ở tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã có trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | T/M UBND LÂM THỜI TỈNH BẮC KẠN |
QUY ĐỊNH CỦA UBND TỈNH
THỐNG NHẤT QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo quyết định số: 144/QĐ-UB ngày 20 tháng 5 năm 1997 của UBND lâm thời tỉnh Bắc Kạn )
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
1- Toàn bộ đất đai trong tỉnh bao gồm. đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng đều do Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch và pháp luật.
2- UBND các huyện, thị xã , UBND xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai trong địa phương mình, dưới sự quản lý thống nhất của UBND tỉnh.
3- Sở Địa chính, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, phòng địa chính huyện, thị xã, cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND cùng cấp về việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai và đo đạc bản đổ địa chính.
Điều 2:
Tổ chức hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc đang sử dụng đất có nguồn gốc hợp pháp (gọi chung là người sử dụng đất hợp pháp) được hưởng quyền lợi và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Nghiêm cấm việc lấn chiếm đất đai, chuyển quyền sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích được giao, hủy hoại đất, sử dụng đất gây ô nhiễm môi trường hoặc làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất xung quanh
Điều 3: Các hình thức chuyển quyền sử dụng đất, bao gồm: việc chuyển đổi, chuyển cho, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp và thừa kế quyền sử dụng đất.
Người sử dụng đất hợp pháp khi chuyển quyền sử dụng đất phải làm thủ tục chuyển quyền theo quy định của Bộ luật dân sự, luật đất đai và các thủ tục theo hướng dẫn của Sở Địa chính.
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải làm thủ tục tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo bản quy định này.
Điều 4: Khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển quyền và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất phải có trách nhiệm kê khai đăng ký quyền sử dụng đất của mình tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Việc sử dụng đất được coi là hợp pháp kể từ thời điểm được kê khai đăng ký và được chính quyền địa phương xét duyệt chấp thuận.
Người đang sử dụng đất chưa làm thủ tục kê khai đăng ký thì phải làm thủ tục kê khai đăng ký theo quy định trên.
Điều 5: Mọi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai, tùy mức độ nặng nhẹ đều phải Xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, không phân biệt địa vị xã hội của người vi phạm.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục I: ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT,ĐO ĐẠC, ĐÁNH GIÁ VÀ PHÂN HẠNG ĐẤT, LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH.
Điều 6:
1- Bản đồ địa chính được lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
2- Các quy trình, quy phạm về điều tra, khảo sát; đo đạc, đánh giá và phân hạng đất, lập bản đồ địa chính được thực hiện theo quy định của Tổng cục địa chính.
3- UBND huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức, phối hợp với sở Địa chính trong việc điều tra khảo sát, đo đạc, đánh giá và phân hạng đất, lập bản đồ địa chính.
4- Các tài liệu về điều tra khảo sát, đo đạc, đánh giá và phân hang đất, lập bản đồ địa chính, bản đồ địa hình, bản đồ quy hoạch, bản đồ hiện trạng, bản đồ nông hóa thổ nhưỡng và các tài liệu địa chính khác có liên quan đến việc quản lý nhà nước về đất đai được lưu giữ tại Sở Địa chính (hoặc trung tâm lưu trữ địa chính thuộc Sở Địa chính Bắc Kạn.).
Điều 7: Sở Địa chính chịu trách nhiệm :
1- Tổ chức thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá và phân hạng đất, lập bản đồ địa chính thống nhất trong địa bàn tỉnh, phối hợp với Sở Tài chính Vật giá và Sở Xây dựng lập bảng giá đất cụ thể cho từng loại đất phù hợp với từng địa phương trên địa bàn tỉnh .
2- Thẩm định các dự án đo đạc bản đồ, quản lý, cấp giấy phép hành nghề cho các tổ chức, đơn vị đến đo đạc, lập bản đồ chuyên ngành địa chính trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
3- Kiểm tra nghiệm thu kết quả điều tra, khảo sát, đo đạc, đánh giá và phân hạng đất, lập bản đồ địa chính theo quy trình, quy phạm kỹ thuật của Tổng cục địa chính.
4- Sao in, trích lục các tài liệu địa chính cho các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhu cầu để phục vụ nhiệm vụ KTCT-XH của tỉnh và Trung ương.
Mục II: QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT.
Điều 8:
1- UBND các cấp chịu trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương mình. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo phân cấp tại khoản 2,3,4 điều 18 Luật đất đai.
2- Quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất phải thông qua HĐND cùng cấp trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 9 Nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm:
1- Phân bố, Khoanh định các loại đất: đất nông nghiệp, đất lâm nghiện, đất khu dâu cư nông thôn, đất đô thị, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng trên địa bàn hành chính của từng cấp, đảm bảo sự cân đối, sử dụng đất có hiệu quả của các cấp, các ngành trong địa bàn tỉnh trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả, đúng pháp luật.
2- Dự kiến biến động của từng loại đất để có biện pháp điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả tỉnh.
Điều 10:
1- Sở Địa chính có trách nhiệm phối hợp cùng các cấp, các ngành hữu quan giúp UBND tỉnh lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong phạm vi cả tỉnh, hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
2- Phòng Địa chính huyện, thị xã; cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm giúp UBND cùng cấp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở từng địa phương theo quy hoạch và kế hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chịu sự kiểm tra hướng dẫn về mặt chuyên môn nghiệp vụ của Sở Địa chính.
3- Người sử dụng đất hợp pháp căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch chi tiết và phân bố diện tích đất đã được Nhà nước giao để sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích.
Điều 11:
Việc quy hoạch xây dựng đô thị phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đai cả tỉnh. Việc quản lý quy hoạch đô thị thực hiện theo quy định tại Nghị định 88/CP ngày 17/8/1994, Nghị định 91 CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ.
Sở xây dựng chịu trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan giúp UBND tỉnh trong việc lập quy hoạch xây dựng đô thị và kiến trúc đô thị, quản lý quy hoạch đô thị trên nguyên tắc:
- Bảo vệ cảnh quan, môi trường, sử dụng, khai thác các cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Việc ban hành các quy định về quản lý quy hoạch đô thị không được chồng chéo mâu thuẫn với chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai theo quy định này.
Mục III: GIAO ĐẤT, CHO THUÊ ĐẤT, THU HỒI ĐẤT.
Điều 12: Việc quyết định giao đất, cho thuê đất căn cứ vào các nguyên tắc sau:
1- Phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2- Phải đúng đối tượng và có nhu cầu sử dụng đất.
3- Phải có đơn xin giao đất, thuê đất hoặc nhu cầu sử dụng đất ghi trong dự án và thiết kế đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 13: Việc giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được quy định như sau:
1- UBND tỉnh giao đất cho các tổ chức, UBND huyện, thị xã giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo phân cấp tại điều 24 Luật đất đai.
2- Giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp được thực hiện theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ và đảm bảo nguyên tắc sau:
a) Giao đất trên cơ sở ổn định, phát triển sản xuất, đoàn kết nông thôn.
b) Bảo đảm mỗi hộ nông dân đều có đất để sản xuất.
c) UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên trực tiếp trong việc xét duyệt đề nghị giao đất, cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Phòng Địa chính huyện, thị xã chịu trách nhiệm giúp UBND cùng cấp làm thủ tục giao đất và cấp GCNQSDĐ.
3- Giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp thực hiện theo Nghi định số 02/CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ và phải tuân theo quy định sau đây:
a) Đất lâm nghiệp được quy hoạch cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trong khu di tích văn hóa, lịch sử, rừng Quốc gia phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ. Nhà nước chỉ giao và cấp GCNQSDĐ cho các Ban (Tổ chức) quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Ban này có trách nhiệm tổ chức cho hộ gia đình, cá nhân trồng rừng bằng các hợp đồng giao khoán.
b) Đối với rừng và đất rừng của hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định từ trước đến nay, không có tranh chấp, không thuộc đất quy hoạch cho rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trong khu di tích lịch sử, văn hóa thì được UBND huyện, thị xã xét và cấp GCNQSDĐ theo đề nghị của UBND xã, phòng Địa chính, cơ quan kiểm lâm huyện, thị xã.
c) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng trong thời hạn 1 năm mà không trồng rừng, hoặc chặt, phá, không tu bổ, bảo vệ rừng thì sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi để giao cho người khác sử dụng.
d) Sở địa chính phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh hướng dẫn quy trình, thủ tục giao đất, thu hồi đất và cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
4- Các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân được Nhà nước giao đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp thực hiện theo Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 của Chính phủ.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị này chịu trách nhiệm đảm bảo cho việc giao khoán sử dụng đúng mục đích, đúng diện tích, có hiệu quả.
Điều 14: Thẩm quyền giao đất vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được quy định như sau:
1- UBND tỉnh quyết định:
a) Giao đất nông nghiệp, lâm nghiệp chuyển sang mục đích khác.
b) Giao đất đô thị.
c) Giao đất trống đồi núi trọc sang đất chuyên dùng.
d) Giao đất chuyên dùng này sang mục đích chuyên dùng khác hoặc làm khu dân cư.
e) Giao đất khu dân cư nông thôn để UBND huyện, thị xã giao cho các hộ, theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức diện tích đất giao theo quy định tại khoản 3 điều 23 Luật đất đai.
2- UBND huyện, thị xã giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở trong khu dân cư nông thôn theo quy hoạch, kế hoạch và quyết định giao đất khu dân cư của UBND tỉnh.
Điều 15: Việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại đô thị theo Nghị định 88/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ và theo quy định sau:
1- Đất giao cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở phải nằm trong quy hoạch khu dân cư đô thị và phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt.
2- Chủ tịch UBND huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh xét duyệt về đối tượng, tiêu chuẩn xin giao đất.
3- Sở Địa chính chịu trách nhiệm trình UBND tỉnh ra quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hướng dẫn trình tự, thủ tục giao đất ở đô thị thống nhất trong cả tỉnh.
Điều 16: Việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở tại nông thôn được quy định như sau:
1- Đất giao cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở phải nằm trong quy hoạch khu dân cư nông thôn.
2- Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thị xã xét duyệt về đối tượng tiêu chuẩn xin giao đất.
3- Phòng Địa chính huyện, thị xã trình UBND cùng cấp quyết định giao đất và cấp GCNQSDĐ.
4- Sở Địa chính hướng dẫn trình tự, thủ tục giao đất ở nông thôn, thống nhất áp dụng trong toàn tỉnh
Điều 17: Diện tích mức đất giao cho mỗi hộ để làm nhà ở được quy định như sau:
1- Khu vực đô thị: Ở những nơi trung tâm đô thị, ven các trục lộ giao thông chính, nơi tụ điểm giao lưu kinh tế, mức đất giao cho mỗi hộ tại khu dân cư tập trung tối đa không quá 100 m2. Do đặc thù tỉnh miền núi nên các điểm dân cư không tập trung và ở ven đô, đất ở có thể giải quyết các mức:
- Dân cư không tập trung ở mỗi hộ 120 - 160 m
- Dân cư ven đô (nhà vườn) 300 - 400 m2
2- Khu vực nông thôn: Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương, UBND huyện, thị xã quy định cụ thể mức đất giao cho các hộ song không được trái với quy định của Luật đất đai năm 1993.
Điều 18: Việc giao đất cho các tổ chức sử dụng vào mục đích chuyên dùng được quy định như sau:
1- Tổ chức xin giao đất phải lập hồ sơ gửi tới Sở địa chính để thẩm tra, trình UBND tỉnh, hoặc Chính phủ để quyết định.
2- Hồ sơ xin giao đất gồm:
a) Đơn xin giao đất có ý kiến của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất xin giao.
b) Công văn đề nghị của UBND huyện, thị xã nơi có đất xin giao.
c) Nhu cầu sử dụng đất ghi trong dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
d) Bản đồ hoặc trích lục bản đồ địa chính, hoặc bản đồ hiện trạng (tỷ lệ 1/200, 1/500 hoặc 1/1000) khu đất xin giao. Bản đồ phải được Sở địa chính kiểm tra xác nhận.
e) Phương án đền bù nếu khu đất xin phải thực hiện đền bù.
h) Nếu khu đất xin là đất đô thị hoặc đất dự kiến phát triển đô thị phải có giới thiệu địa điểm xây dựng, hoặc chứng chỉ quy hoạch của Sở xây dựng theo Nghị định số 88/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ.
3- Sở Địa chính hướng dẫn thống nhất việc lập hồ sơ, trình tự, thủ tục xin giao đất để sử dụng vào mục đích chuyên dùng.
Điều 19: Việc cho các tổ chức trong nước thuê đất để sử dụng vào mục đích không phải là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được quy định như sau:
1- UBND tỉnh quyết định giao đất cho các tổ chức thuê đất theo đề nghị của Sở Địa chính và UBND huyện, thị xã nơi có đất cho thuê (trường hợp dài hạn xin thuê từ 50 năm trở lên do Chính phủ quyết định).
2- Đối với đất xin thuê để xây dựng các công trình cố định phải lập hồ sơ như đối với trường hợp xin giao đất.
3- Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước được Nhà nước cho thuê đất theo quy định tại pháp lệnh ngày 14/10/1994 của UBTVQH và Nghị định số 85/CP ngày 17/12/1996 của Chính phủ.
4- Sở Địa chính hướng dẫn trình tự, thủ tục xin thuê đất và phối hợp với Cục thuế tỉnh tính toán mức thu tiền thuê đất theo quy định sau khi có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh.
Điều 20: Việc cho các tổ chức cá nhân nước ngoài thuê đất để sử dụng phải tuân thủ quy định tại pháp lệnh ngày 14/10/1994 của UBTVQH về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam và Nghị định số 11/CP ngày 24/1/1995 của Chính phủ.
Điều 21: Việc quản lý, sử dụng đất Quốc phòng, An ninh phải theo quy định của Luật đất đai, Nghị định số 09/CP ngày 12/2/1996 của Chính phủ và các quy định sau:
1- Thẩm quyền giao đất, cấp GCNQSDĐ để sử dụng vào mục đích An ninh Quốc phòng được thực hiện như giao đất cho các tổ chức.
2- Việc xử lý những tồn tại về đất đai đối với các khu gia đình quân đội hình thành trước ngày Luật đất đai có hiệu lực 15/10/1993 được giải quyết theo thông báo số 72/TB ngày 31/5/1994 của Văn phòng Chính phủ.
3- Nghiêm cấm các đơn vị tự tiện cắt đất của đơn vị mình để chia, giao cho cán bộ chiến sỹ làm nhà ở riêng. Việc giao đất ở cho hộ gia đình quân đội được thực hiện như giao đất ở đô thị và nông thôn.
Điều 22: Việc thu hồi đất, đền bù thiệt hại khi thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại các điều 26,27,28 Luật đất đai, điều 26,27 Nghị định số 88/CP ngày 17/8/1994, Nghị định số 90/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ.
Sở Địa chính phối hợp cùng các ngành liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục thu hồi đất, đền bù và mức đền bù thiệt hại đối với từng loại đất khi thu hồi phải thực hiện theo bảng giá đất của tỉnh.
Điều 23: Hệ thống cơ quan Địa chính từ tỉnh đến xã trực tiếp làm thủ tục, thẩm tra và trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định việc giao đất và thu hồi đất đối với tất cả các tổ chức và cá nhân theo điều 32 Luật đất đai.
Sở địa chính hướng dẫn trình tự thủ tục giao đất, thu hồi đất thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh theo nguyên tắc sau:
1- Các thủ tục giấy tờ phải đơn giản, dễ làm, tránh gây phiền hà, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đất đai.
2- Quản lý chặt chẽ và hạn chế việc chuyển đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang mục đích khác.
3- Tạo điều kiện thuận lợi để chuyển nhanh đất vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
MỤC IV: NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Điều 24: Người sử dụng đất được phép chuyển quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:
1- Có giấy CNQSDĐ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2- Trong thời hạn còn được sử dụng đất.
3- Đất không có tranh chấp.
4- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Điều 25: Thẩm quyền cho phép chuyển quyền sử dụng đất theo điều 31 Luật đất đai, Nghị định số 88/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ được quy định như sau:
1- UBND tỉnh cho phép chuyển nhược đất đô thị.
2- UBND huyện, thị xã cho phép chuyển đổi QSDĐ ở đô thị và cho phép chuyển nhượng QSDĐ ở nông thôn (kể cả các hộ ở đô thị chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp cho nhau nhưng phải giữ nguyên mục đích sử dụng đất)
3- UBND xã cho phép chuyển đổi quyền sử dụng đất ở nông thôn.
Điều 26: Người sử dụng đất khi được phép chuyển quyền sử dụng đất phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất và các khoản nộp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 27: Cơ quan Địa chính từ tỉnh đến xã giúp UBND cùng cấp làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo bảng quy định này. Sở địa chính hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển quyền sử dụng đất áp dụng thống nhất trong phạm vi cả tỉnh.
MỤC V: QUY ĐỊNH VỀ THU TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT, LỆ PHÍ ĐỊA CHÍNH VÀ THUẾ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT.
Điều 28: Việc thu tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính, thu thuế chuyển quyền sử dụng đất, chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ vv... theo quy định của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất Nghị định số 114/CP ngày 5/9/1994, Nghị định số 89/CP ngày 17/8/1994, Nghị định 193/CP ngày 29/12/1995 của Chính phủ, Thông tư số 02/TC-TCT ngày 4/1/1994 của Bộ Tài chính và được thực hiện cụ thể như sau:
1- Cơ quan địa chính chịu trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế cùng cấp biết diện tích, vị trí, loại hạng đất, của người được giao, được chuyển quyền sử dụng đất.
2- Cơ quan thuế căn cứ khung giá đất của tỉnh, chế độ miễn giảm theo quy định, căn cứ thông báo của cơ quan Địa chính để tính thuế hoặc tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính, lệ phí trước bạ, và thông báo cho người được giao đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất biết số tiền phải nộp.
3- Người được giao đất, hoặc được chuyển quyền sử dụng đất khi đã nộp đủ tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính, lệ phí trước bạ hoặc thuế chuyển quyền sử dụng đất thì được cơ quan Địa chính giao đất tại thực địa.
Điều 29: Sở Địa chính cùng Cục thuế tỉnh hướng dẫn cụ thể trình tự thu tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính, lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất áp dụng thống nhất trong toàn tỉnh.
MỤC VI: QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT.
Điều 30: Đăng ký đất đai:
UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đăng ký đất đai cho mọi đối tượng sử dụng đất vào sổ Địa chính, đăng ký biến động thường xuyên khi có sự thay đổi về diện tích, loại hạng, chủ và mục đích sử dụng đất.
Điều 31: Lập và lưu giữ sổ địa chính:
Sổ địa chính được lập theo mẫu do Tổng cục Địa chính quy định. Nội dung sổ địa chính phải phù hợp với bản đồ hiện trạng sử dụng đất.
Sổ địa chính được lập thành 3 bộ, 1 bộ lưu giữ tại xã, phường, thị trấn, 1 bộ lưu giữ tại phòng Địa chính huyện, thị xã, 1 bộ lưu giữ tại sở Địa chính.
Điều 32: Thống kê, kiểm kê đất đai:
1. Việc thống kê đất đai được tiến hành mỗi năm 1 lần. Việc kiểm kê đất đai được tiến hành 5 năm 1 lần. Đơn vị thống kê, kiểm kê đất đai là UBND xã, phường, thị trấn.
2- UBND huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai của địa phương mình.
3- Ba tháng 1 lần UBND xã, phường, thị trấn phải báo cáo số liệu thống kê biến động đất đai của địa phương gửi phòng Địa chính huyện, thị xã. Sáu tháng 1 lần phòng Địa chính tổng hợp báo cáo Sở Địa chính. Sở Địa chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Tổng cục địa chính.
4- Số liệu kiểm kê đất đai cán bộ Địa chính xã, phường thị trấn có trách nhiệm tổng hợp báo cáo phòng Địa chính, phòng Địa chính tổng hợp báo cáo Sở Địa chính, sở Địa chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Tổng Cục Địa chính.
Điều 33: Cán bộ Địa chính xã, phường, thị trấn, phòng Địa chính huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND cùng cấp trong việc đăng ký đất đai, lập và lưu giữ sổ địa chính, thống kê, kiểm kê đất đai, chịu sự kiểm tra, hướng dẫn của Sở Địa chính về chuyên môn nghiệp vụ.
Điều 34: Việc cấp giấy CNQSD đất thực hiện theo quy định sau:
1- Cấp nào có thẩm quyền giao đất, cấp đó cấp GCNQSDĐ, trường hợp do Chính phủ quyết định giao đất thì UBND tỉnh cấp giấy CNQSDĐ.
2- Giấy CNQSDĐ do Tổng cục Địa chính phát hành theo quy định tại điều 36 Luật đất đai.
3- Sở Địa chính chịu trách nhiệm hướng dẫn quy trình cấp giấy CNQSDĐ thống nhất trong toàn tỉnh.
Điều 35: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở các đô thị trong địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 60/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ. Sở Địa chính có trách nhiệm phối hợp cùng các ngành liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở đô thị.
Điều 36:
1- Đối với các tổ chức đang sử dụng đất, nhưng hồ sơ sử dụng đất chưa đầy đủ, hoặc không có hồ sơ thì tổ chức đó phải làm đầy đủ thủ tục sử dụng đất tại Sở Địa chính, sở Địa chính trình UBND tỉnh quyết định việc cấp GCNQSDĐ.
2- Đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở trước ngày 15/10/1993 chưa đầy đủ giấy tờ hợp pháp theo quy định của pháp luật, nhưng không phải là đất lấn chiếm không vi phạm hoặc phá vỡ quy hoạch, sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận thì được xem xét để cấp giấy CNQSDĐ.
MỤC VII: THANH TRA, GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ ĐẤT ĐAI.
Điều 37: Việc Thanh tra đất đai được quy định như sau:
1- UBND tỉnh tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả tỉnh.
2- UBND huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thanh tra việc quản lý sử dụng đất đai trong địa phương mình, chịu sự thanh tra, kiểm tra việc quản lý nhà nước về đất đai của UBND cấp trên.
3- Cơ quan Địa chính từ tỉnh đến xã khi cần thiết phối hợp với hệ thống Thanh tra Nhà nước và các cơ quan chức năng cùng cấp giúp UBND thực hiện thanh tra đất đai.
4- Nội dung thanh tra, quyền hạn thanh tra đất đai theo quy định tại khoản 2,3 điều 37 Luật đất đai, Pháp lệnh Thanh tra và quy chế Thanh tra Địa chính ban hành kèm theo quyết định số 1384/TTr ngày 13/12/1994 của Tổng Cục Địa chính.
5- Sở Địa chính phối hợp với Thanh tra tỉnh hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra đất đai cho các phòng Địa chính huyện, thị xã, cán bộ Địa chính xã, phường, thị trấn.
Điều 38:
1- Thẩm quyền UBND các cấp giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và tố cáo về đất đai theo quy định tại khoản 1,2 điều 38, điều 39, điều 40 Luật đất đai và Pháp lệnh xét khiếu nại tố cáo của công dân. Trừ các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đã có giấy CNQSDĐ hợp pháp và các tranh chấp về tài sản gắn liền với việc sử dụng đất thì do tòa án giải quyết theo quy định tại khoản 3 điều 38 Luật đất đai.
2- Sở Địa chính giúp UĐND tỉnh, phòng Địa chính, cán bộ Địa chính xã, phường, thị trấn giúp UBND cùng cấp giải quyết các khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về đất đai.
3- Khi giải quyết các tranh chấp về đất đai phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
b) Đất đai được sử dụng có hiệu quả hơn.
c) Thuận tiện cho việc quản lý của Nhà nước và sử dụng đất đai của mỗi bên, đảm bảo đoàn kết, ổn định đời sống.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 39:
1- Sở Địa chính chủ trì cùng Ban tổ chức Chính quyền tỉnh phối hợp với UBND huyện, thị xã rà soát, củng cố, xây dựng hệ thống cán bộ địa chính xã trên cơ sở mỗi xã có 1 cán bộ địa chính do Chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm và được hưởng chế độ theo định xuất cán bộ xã hiện hành. Tăng cường củng cố phòng Địa chính huyện, thị xã đủ mạnh để giúp UBND thực hiện quản lý Nhà nước về đất đai và đo đạc bản đồ.
2- Sở Địa chính phối hợp cùng các ngành liên quan hướng dẫn cụ thể bản quy định này để các cấp, các ngành và người sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện.
3- Chủ tịch UBND huyện, thị xã căn cứ quy định này tổ chức thực hiện.
Điều 40: Quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Những quy định trước đây của tỉnh Bắc Thái và tỉnh Cao Bằng trái với quy định này đều bãi bỏ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.