ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1436/2017/QĐ-UBND | Thanh Hóa, ngày 03 tháng 5 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH TIÊU CHÍ, QUY TRÌNH CÔNG NHẬN CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI ĐẠT CHUẨN VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết ban hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Xét đề nghị của Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh tại Tờ trình số 12/TTr-CSPCCC-P3 ngày 20/3/2017 về việc ban hành tiêu chí, quy trình công nhận chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành tiêu chí, quy trình công nhận chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (gọi tắt là chợ) đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, với các nội dung cụ thể như sau:
1. Tiêu chí chợ đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC):
Chợ thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 đạt chuẩn về PCCC phải đảm bảo đủ các tiêu chí sau:
1.1. Có hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC theo quy định.
1.2. Có quy định phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC.
1.3. Chợ được đầu tư xây dựng theo đúng tiêu chuẩn thiết kế theo quy định; được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC (nếu có); mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.
1.4. Có quy định, nội quy an toàn PCCC, biển cấm, biển báo, sơ đồ và biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp với đặc điểm hoạt động của chợ.
Đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn được lắp đặt, bố trí trên các cửa ra vào, hành lang, cầu thang thoát nạn, lối rẽ trên đường thoát nạn để chiếu sáng, chỉ dẫn lối đi và dễ quan sát.
1.5. Ban quản lý chợ thực hiện đúng chế độ tự kiểm tra an toàn PCCC và chế độ bảo quản, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy theo quy định.
1.6. Các kiốt, gian, quầy hàng phục vụ kinh doanh mua bán hàng hóa của các hộ kinh doanh không bị mưa dột, đảm bảo an toàn, mỹ quan, vệ sinh môi trường.
1.7. Có hệ thống loa, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ kinh doanh, khách hàng nâng cao ý thức về PCCC và hướng dẫn cho họ lối thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
1.8. Có đường giao thông xung quanh chợ phục vụ cho xe chữa cháy hoạt động đảm bảo chiều rộng của mặt đường không được nhỏ hơn 4m, chiều cao của khoảng không tính từ mặt đường lên phía trên không được nhỏ hơn 4,25m, mặt đường phải đảm bảo chịu được tải trọng của xe chữa cháy.
1.9. Lối đi trong chợ: Lối đi chính có chiều rộng không nhỏ hơn 3,6m; lối đi phụ có chiều rộng không nhỏ hơn 2,4m; khoảng cách giữa các lối đi chính không lớn hơn 20m; chiều rộng lối đi giữa 2 dãy quầy kinh doanh từ 1,2m đến 2,4m (cụ thể: lối đi giữa 2 dãy quầy kinh doanh nhỏ hơn 5m, chiều rộng lối đi là 1,2m; lối đi giữa 2 dãy quầy kinh doanh từ 5m đến 10m, chiều rộng lối đi là 1,8m; lối đi giữa 2 dãy quầy kinh doanh lớn hơn 10m, chiều rộng lối đi là 2,4m).
1.10. Phải có nhà để xe hoặc bãi để xe không làm cản trở đường, lối thoát nạn và xe chữa cháy hoạt động. Nhà thường trực PCCC, bảo vệ được bố trí ở vị trí dễ quan sát các hoạt động trong chợ và đảm bảo tiếp ứng nhanh khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.
1.11. Không bố trí, sắp xếp, treo hàng, bày hàng hóa lấn chiếm, cản trở đường, lối thoát nạn. Không tự ý làm mái che mưa, che nắng bằng vật liệu dễ cháy; các vật liệu công trình phải là loại khó cháy hoặc không cháy.
1.12. Không tàng trữ, mua bán và sử dụng các chất, hàng phóng xạ hoặc chất có nguy hiểm về cháy, nổ như: Hàng hóa có chứa chất phóng xạ và thiết bị phát bức xạ i-on hóa; các loại vật liệu nổ, các loại chất lỏng dễ gây cháy nổ như xăng dầu (trừ dầu hỏa thắp sáng), khí đốt hóa lỏng (gas), các loại khí nén.
1.13. Nơi thờ tự, tín ngưỡng (nếu có) phải bố trí ở nơi riêng biệt, ngoài khu vực kinh doanh; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong chợ phải bảo đảm an toàn về PCCC.
1.14. Nguồn điện cung cấp cho sinh hoạt, bảo vệ và chiếu sáng sự cố khi cháy, báo cháy, chữa cháy tự động phải riêng biệt từ tủ điện chính của chợ. Đảm bảo khi ngắt nguồn điện chiếu sáng sinh hoạt thì một trong các nguồn trên không bị ảnh hưởng.
1.15. Hệ thống điện tại chợ phải được tính toán, thiết kế và đấu mắc bảo đảm an toàn về PCCC; có thiết bị bảo vệ chống quá tải, ngắt mạch; không bố trí, sắp xếp hàng hóa dễ cháy gần hoặc đè lên dây dẫn điện, thiết bị điện, ổ điện. Hằng ngày trước khi ngừng hoạt động kinh doanh trong chợ phải phân công người trong Ban quản lý chợ có trách nhiệm kiểm tra ngắt cầu dao tổng nguồn điện phục vụ sinh hoạt và kinh doanh toàn chợ.
1.16. Có lực lượng PCCC cơ sở đủ về số lượng và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, tổ chức thường trực 24/24h, đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
1.17. Có phương án chữa cháy, thoát nạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và tổ chức thực tập định kỳ hàng năm.
1.18. Có nguồn nước dự trữ chữa cháy, hệ thống, phương tiện PCCC, cứu nạn cứu hộ phù hợp với đặc điểm, quy mô tính chất của chợ, đảm bảo về số lượng, chất lượng theo quy định.
1.19. Mỗi chủ hộ kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ trong chợ phải tự trang bị tối thiểu 01 bình chữa cháy (bằng bột loại 4kg hoặc bằng khí loại 3kg trở lên) phù hợp với đặc điểm, tính chất của loại hàng hóa đó. Nhân viên bán hàng phải sử dụng thành thạo bình chữa cháy và định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện theo quy định.
2. Quy trình công nhận chợ đạt chuẩn về PCCC
2.1. Điều kiện công nhận chợ đạt chuẩn về PCCC
a) Chợ thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định của Pháp luật hiện hành.
b) Chợ đảm bảo đạt tất cả các tiêu chí theo quy định tại khoản 1 Điều này.
22. Thẩm quyền công nhận
a) Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận chợ đạt chuẩn về PCCC đối với các chợ hạng 1 và hạng 2.
b) Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định công nhận chợ đạt chuẩn về PCCC đối với các chợ hạng 3.
2.3. Trình tự công nhận
Căn cứ kết quả thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn về PCCC theo quy định tại khoản 1 Điều này của Ban quản lý chợ hoặc Chủ đầu tư kinh doanh, khai thác chợ, Cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền phối hợp với các đơn vị có liên quan lập hồ sơ, thẩm định, trình Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định công nhận.
a) Hồ sơ trình Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền gồm:
- Hồ sơ pháp lý về hoạt động của chợ;
- Bảng đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí chợ đạt chuẩn về PCCC của Tổ thẩm định;
- Tờ trình đề nghị công nhận chợ đạt chuẩn về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền;
- Dự thảo Quyết định công nhận chợ đạt chuẩn về PCCC.
b) Thành phần Tổ thẩm định
- Đối với thẩm định chợ hạng 1, hạng 2: Tổ thẩm định do Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh quyết định thành lập gồm: đại diện Cảnh sát PCCC tỉnh, Sở Công thương, UBND cấp huyện nơi có chợ đóng trên địa bàn. Trong đó, đại diện Cảnh sát PCCC là tổ trưởng.
- Đối với thẩm định chợ hạng 3: Tổ thẩm định do Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC khu vực quản lý địa bàn quyết định thành lập gồm: đại diện Phòng Cảnh sát PCCC quản lý địa bàn, Phòng Kinh tế hạ tầng, UBND cấp xã nơi có chợ đóng trên địa bàn. Trong đó, đại diện Cảnh sát PCCC là tổ trưởng.
2.4. Thời hạn thực hiện
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch UBND cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định công nhận chợ đạt chuẩn về PCCC. Trường hợp không công nhận phải nêu rõ lý do.
Quyết định công nhận được gửi trực tiếp cho Ban quản lý chợ hoặc Chủ đầu tư kinh doanh, khai thác chợ và cơ quan Cảnh sát PCCC cùng cấp để theo dõi.
Điều 2. Giao Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công thương tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan trong việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2017
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.