ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1428/2002/QĐ-UB | Ninh Bình, ngày 17 tháng 08 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG THỦY LỢI PHÍ CỦA CÁC CÔNG TY KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI HUYỆN, THỊ XÃ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994.
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04/4/2001; Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28/8/2001, nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành pháp lệnh phí và lệ phí; thông tư liên bộ số 90/TT-LB-TC-NN ngày 19/12/1997 của liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với DNNN hoạt động công ích trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính - vật giá và văn bản thẩm định số 124/TP-VBCP ngày 16/7/2002 của Sở Tư pháp;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định tạm thời về quản lý và sử dụng thủy lợi phí của các Công ty khai thác công trình thủy lợi huyện, thị xã.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND & UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính - vật giá, Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch & đầu tư, Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH |
QUY ĐỊNH
TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG THỦY LỢI PHÍ CỦA CÁC CÔNG TY KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI HUYỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1428/2002/QĐ-UB ngày 17 tháng 8 năm 2002 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Ninh Bình)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này điều chỉnh tạm thời chế độ quản lý và sử dụng thủy lợi phí từ hoạt động tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của các Công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn Tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Thủy lợi phí là phí dịch vụ về tưới tiêu nước do các tổ chức, cá nhân sử dụng nước (hoặc làm dịch vụ) từ công trình thủy lợi để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp nộp cho các Công ty khai thác công trình thủy lợi để góp phần chi phí cho việc quản lý, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng và bảo vệ công trình thủy lợi.
Điều 3. Các tổ chức, cá nhân sử dụng nước (hoặc làm dịch vụ) từ công trình thủy lợi và các Công ty khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước và quy định này về thu nộp, sử dụng thủy lợi phí.
Chương II
VỀ THU THỦY LỢI PHÍ
Điều 4. Các tổ chức, cá nhân có sử dụng nước (hoặc làm dịch vụ) từ công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp đều phải có nghĩa vụ ký hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng tưới tiêu và nộp thủy lợi phí cho các Công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, Thị xã theo mức thu do Nhà nước quy định.
Điều 5. Các Công ty khai thác công trình thủy lợi phải ký hợp đồng và nghiệm thu, thanh lý hợp đồng với các tổ chức, cá nhân sử dụng nước (hoặc làm dịch vụ) từ công trình thủy lợi do đơn vị quản lý khai thác, đảm bảo ký đúng và đủ diện tích được hưởng lợi về nước theo từng loại biện pháp tưới tiêu và tổ chức thu đủ, kịp thời tiền thủy lợi phí nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị tại Ngân hàng nông nghiệp huyện và được sử dụng để chi phí cho tưới tiêu nước phục vụ sản xuất Nông nghiệp theo quy định của Nhà nước và quy định này.
Chương III
CHI PHÍ CỦA CÁC CÔNG TY KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THỦY LỢI HUYỆN
Điều 6.
1/ Chi phí cho công tác tưới tiêu của các Công ty khai thác công trình thủy lợi bao gồm các khoản chi theo quy định tại Thông tư 90/1997/TTLB/TC-NN ngày 19/12/1997 của Liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các khoản chi phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong kế hoạch chi do UBND huyện giao và sử dụng tiết kiệm có hiệu quả.
2/ Hàng năm căn cứ vào nhiệm vụ của Doanh nghiệp và tình hình thu về thủy lợi phí Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng kế hoạch thu chi trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt để thực hiện. Giám đốc Doanh nghiệp được quyền chủ động quyết định các khoản chi phục vụ cho sản xuất kinh doanh trong phạm vi kế hoạch được duyệt, đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Nhà nước và quy định tạm thời của UBND tỉnh về việc quản lý và sử dụng thủy lợi phí của các Công ty khai thác công trình thủy lợi huyện.
Trường hợp do nhu cầu đột xuất, cần thiết cấp bách phải chi các khoản chi ngoài kế hoạch giao thì Giám đốc Doanh nghiệp phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện xem xét, quyết định.
Điều 7. Chi phí tiền lương:
Chi phí tiền lương của Doanh nghiệp bao gồm các khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương phải trả cho người lao động trực tiếp, gián tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp theo quy định của chế độ hiện hành.
1- Quỹ tiền lương:
Thực hiện khoán tổng quỹ lương cho Doanh nghiệp trên cơ sở diện tích tưới tiêu và đơn giá tiền lương được giao gắn liền với kết quả thu thủy lợi phí và hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp.
Đơn giá tiền lương được xác định theo quy định tại Quyết định số 10/QĐ-UB ngày 7/1/2002 của Ủy ban nhân dân Tỉnh (Với mức lương tối thiểu tạm thời áp dụng là 210.000 đồng/tháng). Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình cụ thể sẽ có sự điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu cho phù hợp.
Tổng quỹ tiền lương thực hiện | = | Diện tích tưới tiêu thực tế | X | Đơn giá tiền lương được giao | X | Hệ số điều chỉnh theo mức thu thủy lợi phí thực tế | X | Hệ số điều chỉnh theo hiệu quả hoạt động thực tế |
2- Hệ số điều chỉnh quỹ tiền lương thực hiện:
2.1- Hệ số điều chỉnh quỹ tiền lương theo mức thu thủy lợi phí như sau:
Mức thu thủy lợi phí (Tính theo số thực thu thủy lợi phí so với kế hoạch giao) đạt từ 95 đến 100% kế hoạch thì hệ số điều chỉnh quỹ tiền lương bằng 1. Trường hợp số thu thủy lợi phí tăng hoặc giảm so với kế hoạch thì hệ số điều chỉnh quỹ tiền lương thực hiện sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm theo tỷ lệ tương ứng, nhưng mức tăng tối đa không quá 1,5 lần.
2.2- Hệ số điều chỉnh theo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp:
Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả là Doanh nghiệp thực hiện có lãi cao hơn so với kế hoạch hoặc Doanh nghiệp được giao kế hoạch lỗ thực tế thực hiện có số lỗ giảm so với kế hoạch.
Trường hợp hiệu quả hoạt động của Doanh nghiệp đạt kế hoạch thì hệ số điều chỉnh = 1. Trường hợp hiệu quả hoạt động tăng hoặc giảm so với kế hoạch thì hệ số điều chỉnh quỹ tiền lương theo hiệu quả hoạt động sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm theo tỷ lệ tương ứng nhưng mức tối đa không quá 1,5 lần.
3- Chi trả tiền lương:
Căn cứ vào tổng quỹ tiền lương khoán quy định tại khoản 1 điều này và các quy định hiện hành của Nhà nước Giám đốc doanh nghiệp chủ động xây dựng quy chế chi trả lương và thực hiện chi trả lương cho người lao động đảm bảo mức tiền lương hàng tháng của người lao động thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu theo quy định của nhà nước.
Điều 8. Lao động
Hàng năm, cùng với thời điểm lập kế hoạch sản xuất Giám đốc doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng và sử dụng lao động (Kể cả lao động không xác định thời hạn và lao động có thời hạn) trình Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt. Kế hoạch sử dụng lao động đơn vị phải chủ động sắp xếp bố trí lao động cho phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao.
Lao động được hưởng lương là viên chức, Công nhân lao động trong danh sách được UBND huyện phê duyệt thực tế có làm việc, hoàn thành nhiệm vụ theo quy định của ngạch, bậc thợ của công việc được giao, đảm bảo chất lượng.
Trường hợp xảy ra bão lụt, hạn hán phải sử dụng thêm lao động ngoài danh sách, Giám đốc doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê nhân công ngoài. Chậm nhất hai ngày sau khi xảy ra bão lụt, hạn hán Doanh nghiệp phải báo cáo danh sách nhân công thuê ngoài bằng văn bản gửi cho UBND huyện xem xét, phê chuẩn.
Điều 9. Chi phí tiền điện
1/ Các Công ty khai thác công trình thủy lợi được sử dụng nguồn thu của đơn vị gồm nguồn thu thủy lợi phí, nguồn hỗ trợ từ ngân sách theo kế hoạch và nguồn thu khác để chi trả tiền điện với mức tiêu hao điện năng quy định tối đa cho từng Công ty như sau:
+ Công ty khai thác công trình thủy lợi Nho quan: 570.000 KW
+ Công ty khai thác công trình thủy lợi Gia Viễn: 3.300.000 KW
+ Công ty khai thác công trình thủy lợi Hoa Lư: 1.500.000 KW
+ Công ty khai thác công trình thủy lợi Yên Mô: 1.100.000 KW
+ Công ty khai thác công trình thủy lợi Yên Khánh: 970.000 KW
+ Công ty khai thác công trình thủy lợi Kim Sơn: 370.000 KW
2/ Trường hợp mức tiêu thụ điện năng trong năm vượt mức quy định trên nếu do nguyên nhân khách quan như: Phục vụ cho khắc phục bão lụt, hạn hán… thì được ngân sách Nhà nước xem xét cấp hỗ trợ.
Điều 10. Chi phí sửa chữa thường xuyên tài sản cố định.
Căn cứ vào kế hoạch chi phí sửa chữa thường xuyên tài sản cố định cả năm đã được Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt, Giám đốc doanh nghiệp quyết định phê duyệt chi phí sửa chữa thường xuyên tài sản cố định với Công trình sửa chữa có mức vốn dưới 30 triệu đồng, Trường hợp Công trình sửa chữa thường xuyên có mức vốn từ 30 triệu đồng trở lên do Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt, hồ sơ thủ tục được lập và thẩm định theo quy định.
Điều 11. Chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định.
Sửa chữa lớn tài sản cố định là công việc sửa chữa, nạo vét theo chu kỳ hoặc xử lý sự cố với khối lượng lớn, hoặc phải thay thế một số bộ phận quan trọng bị hư hỏng nặng, nếu không sửa chữa, nạo vét kịp thời thì sẽ gây đổ vỡ công trình, hư hỏng máy móc thiết bị.
Vốn sửa chữa lớn tài sản từ các nguồn: Ngân sách, vốn tài trợ và nguồn thu thủy lợi phí.
Trình tự thực hiện sửa chữa lớn tài sản cố định theo trình tự đầu tư xây dựng cơ bản.
Điều 12. Chi phí khấu hao tài sản cố định
Chi phí khấu hao tài sản cố định được tính và hạch toán theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Trường hợp nguồn thu của Doanh nghiệp không đủ bù đắp các khoản chi phí theo kế hoạch được duyệt thì tạm thời trích khấu hao bằng mức mà nguồn thu có thể cân đối được.
Điều 13. Chi phí bán hàng.
Đơn vị được trích 4% trong tổng số thực thu về thủy lợi phí để chi trả cho tổ chức, cá nhân trực tiếp, gián tiếp tham gia thực hiện thu thủy lợi phí.
Điều 14. Chi phí quản lý doanh nghiệp.
Chi phí quản lý doanh nghiệp (không kể tiền lương, BHXH, Bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho số lao động gián tiếp) được phép chi phí không quá 10% chi phí trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh (Trừ chi phí tiền điện). Việc chi tiêu phải đảm bảo tiết kiệm, đúng quy định.
Điều 15. Hàng năm căn cứ vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp Ủy ban nhân dân quyết định cho đơn vị được trích lập từ quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo chế độ quy định, đảm bảo cân đối trong phạm vi nguồn thu của doanh nghiệp.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC HUYỆN, THỊ XÃ
Điều 16. Sở Kế hoạch & đầu tư có trách nhiệm:
1/ Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn và Sở tài chính - vật giá trình Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định giao kế hoạch về diện tích tưới, tiêu từng loại cây trồng cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị.
2/ Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các Công ty khai thác công trình thủy lợi thực hiện tốt kế hoạch được giao.
Điều 17. Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn có trách nhiệm:
1/ Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của Nhà nước và quy định của UBND Tỉnh.
2/ Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành và UBND các huyện, thị xây dựng mức thu hoặc điều chỉnh mức thu về thủy lợi phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3/ Chủ trì phối hợp với UBND các huyện và các ngành có liên quan để giải quyết các vướng mắc trong quá trình quản lý và khai thác sử dụng các công trình thủy lợi liên huyện.
4/ Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính - vật giá, Điện lực Ninh Bình và UBND các huyện hướng dẫn các công ty Khai thác công trình thủy lợi làm thủ tục đề nghị hỗ trợ kinh phí thanh toán tiền điện vượt định mức.
5/ Thẩm định, phê duyệt hoặc trình UBND tỉnh phê duyệt đồ án, dự toán thiết kế các công trình sửa chữa lớn theo quy định hiện hành.
Điều 18. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm:
1/ Chủ trì phối hợp với các Sở Kế hoạch & đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ tiêu tổng hợp về thu, chi thủy lợi phí như sau:
- Tổng số thu về thủy lợi phí.
- Tổng số chi phí của các Công ty khai thác Công trình thủy lợi.
- Tổng số hỗ trợ từ ngân sách tỉnh bổ sung cho ngân sách huyện cho Công ty Khai thác công trình thủy lợi.
- Tổng số nộp ngân sách nhà nước của Công ty khai thác Công trình thủy lợi (nếu có).
2/ Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện và phân bổ quản lý các khoản thu thủy lợi phí, chi phí cho hoạt động của các Công ty khai thác công trình thủy lợi.
3/ Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn và Sở kế hoạch & đầu tư (sau khi thống nhất với UBND các huyện) tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định phân bổ kế hoạch vốn sửa chữa lớn các công trình thủy lợi từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp kinh tế cho các huyện, thị xã.
4/ Thẩm định, tổng hợp Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt cấp hỗ trợ tiền điện vượt mức quy định tại điều 9 của quy định này.
5/ Tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình tài sản vốn, kết quả hoạt động của các công ty khai thác công trình thủy lợi báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
6/ Thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên và định kỳ các hoạt động về thu, chi của các Công ty khai thác công trình thủy lợi, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo.
Điều 19. Điện lực Ninh Bình
1/ Chủ động đủ nguồn điện cung cấp cho các Công ty khai thác công trình thủy lợi tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp kịp thời, an toàn, có hiệu quả.
2/ Chỉ đạo các Chi nhánh điện thực hiện lắp đặt công tơ 3 chiều để khuyến khích các Công ty khai thác công trình thủy lợi sử dụng điện vào giờ thấp điểm để tiết kiệm điện năng, hạ thấp chi phí cho Doanh nghiệp.
Điều 20. Các Sở, Ban, ngành khác có liên quan:
Căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ được giao tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh quản lý tốt hoạt động thu và sử dụng thủy lợi phí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước và quy định này.
Điều 21. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm:
1/ Căn cứ vào chỉ tiêu tổng hợp do UBND Tỉnh giao và hướng dẫn của các Sở ban ngành tiến hành giao chi tiết kế hoạch sản xuất, lao động, tài chính cho Công ty khai thác công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền quản lý để thực hiện.
2/ Hướng dẫn Công ty khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch sửa chữa lớn hàng năm trình UBND tỉnh và các ngành chức năng kiểm tra phê duyệt.
3/ Chỉ đạo toàn diện về hoạt động thu - chi đối với các Công ty khai thác công trình thủy lợi để phục vụ tốt nhất cho hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, thị. Quyết định phê duyệt các khoản chi phí phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch giao theo đúng thẩm quyền.
4/ Thường xuyên kiểm tra các hoạt động về thu - chi của các Công ty khai thác công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất kinh doanh theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và quy định này.
5/ Trực tiếp thẩm định phê duyệt đồ án, dự toán, quyết toán chi phí sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền theo quy định tại điều 10 của quy định này.
6/ Tổ chức kiểm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán tài chính năm cho Doanh nghiệp, báo cáo kết quả về Sở tài chính - vật giá.
7/ Chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND các xã tham gia đôn đốc và yêu cầu các HTX, các tổ chức cá nhân sử dụng nước hoặc làm dịch vụ từ công trình thủy lợi phải ký hợp đồng và nộp thủy lợi phí cho các Công ty khai thác công trình thủy lợi.
Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các Xã, Phường, Thị trấn
1/ Ủy ban nhân dân các Xã, Phường, Thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo các Hợp tác xã, các hộ nông dân, cá nhân sử dụng nước của các Công ty khai thác công trình thủy lợi ký hợp đồng và nộp thủy lợi phí đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật và quy định này.
2/ Thường xuyên giám sát việc thực hiện nhiệm vụ tưới tiêu của Công ty khai thác công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất ở địa phương, kịp thời báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện có biện pháp để chỉ đạo.
Điều 23. Giám đốc Công ty khai thác Công trình thủy lợi các huyện có trách nhiệm:
1/ Xây dựng kế hoạch sản xuất, kỹ thuật tài chính hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời tổ chức hoạt động của Công ty phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống hạn hán, bão lụt.
2/ Tổ chức ký, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng thu thủy lợi phí trên địa bàn các Xã, các Hợp tác xã và các tổ chức, cá nhân. Không bỏ sót diện tích có tưới tiêu mà không ký hợp đồng để thất thu thủy lợi phí.
3/ Phối hợp chặt chẽ với các hợp tác xã, các ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức thu triệt để thủy lợi phí, tránh tình trạng tồn đọng, thất thu hoặc sử dụng thủy lợi phí trái quy định.
4/ Tổ chức quản lý chặt chẽ các khoản chi phí, thực hiện tiết kiệm và có hiệu quả, đảm bảo các khoản chi theo đúng quy định của pháp luật và quy định này.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác chấp hành quy định về quản lý thu và sử dụng thủy lợi phí cho hoạt động khai thác công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp tiết kiệm, có hiệu quả được khen thưởng theo quy định.
Điều 25. Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về thu thủy lợi phí và quản lý, sử dụng thủy lợi phí, làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác công trình thủy lợi tùy theo mức độ vi phạm xử phạt theo quy định hiện hành của pháp luật, trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.