BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1424/QĐ-BTP | Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CÔNG CÔNG TÁC CỦA BỘ TRƯỞNG VÀ CÁC THỨ TRƯỞNG
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quy chế làm việc mẫu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 337/2005/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chánh Văn phòng Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng
1. Bộ trưởng là thành viên Chính phủ; là người đứng đầu, lãnh đạo Bộ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về quản lý Nhà nước các lĩnh vực công tác tư pháp thuộc Bộ phụ trách; thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất quản lý công tác tư pháp trong phạm vi cả nước. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành những vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.
2. Bộ trưởng phân công cho các Thứ trưởng giúp Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, xử lý thường xuyên, toàn bộ các công việc trong các lĩnh vực công tác của Bộ, các đơn vị và địa bàn công tác liên quan, ngoại trừ một số công việc do Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo. Bộ trưởng phân công cho một Thứ trưởng làm nhiệm vụ thường trực. Thứ trưởng thường trực ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên theo phạm vi được phân công, còn được thay mặt Bộ trưởng chỉ đạo, giải quyết các công việc của Bộ trưởng và ký các văn bản thay Bộ trưởng khi Bộ trưởng vắng mặt hoặc uỷ quyền; chủ trì việc phối hợp hoạt động giữa các Thứ trưởng và trực tiếp theo dõi, chỉ đạo hoạt động của Văn phòng Bộ; giải quyết một số công việc cấp bách của Thứ trưởng khác khi Thứ trưởng đó vắng mặt theo sự phân công của Bộ trưởng.
Trường hợp Bộ trưởng và Thứ trưởng thường trực đều vắng mặt hoặc khi được Bộ trưởng giao thì một Thứ trưởng khác được phân công thay Thứ trưởng thường trực và chịu trách nhiệm giải quyết công việc của Thứ trưởng thường trực.
Căn cứ tình hình thực tế, theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Chánh Văn phòng Bộ, Bộ trưởng xem xét, điều chỉnh việc phân công công tác của Bộ trưởng và các Thứ trưởng quy định tại Điều 3 của Quyết định này, để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ chung của Bộ. Khi có sự điều chỉnh phân công công tác giữa các Thứ trưởng thì các Thứ trưởng phải bàn giao nội dung công việc, hồ sơ, tài liệu liên quan cho nhau và báo cáo Bộ trưởng biết.
3. Trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được phân công, Thứ trưởng chủ động chỉ đạo, xử lý công việc; sử dụng quyền hạn của Bộ trưởng và nhân danh Bộ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các công việc thuộc các lĩnh vực, đơn vị, địa bàn công tác được phân công. Các Thứ trưởng đề xuất hoặc báo cáo Bộ trưởng về chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí, tài chính, về công tác tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về những quyết định của mình, về việc thực hiện nhiệm vụ, duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính và việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, về những tiêu cực, tham nhũng xảy ở các lĩnh vực, đơn vị và địa bàn đó theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng về những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, những vấn đề lớn có ý kiến khác nhau giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, địa phương, những vấn đề do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp chỉ đạo và những vấn đề mới phát sinh chưa có trong quy định của Đảng và Nhà nước.
Trong khi thực thi nhiệm vụ, nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực, đơn vị do Thứ trưởng khác phụ trách thì các Thứ trưởng chủ động phối hợp với nhau để giải quyết. Trường hợp các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau hoặc liên quan đến lĩnh vực, đơn vị do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách thì Thứ trưởng đang phụ trách giải quyết công việc đó báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.
4. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành các công việc cụ thể được phân công, Bộ trưởng, Thứ trưởng phân cấp, uỷ quyền mạnh mẽ, phát huy tính chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của Thủ trưởng các đơn vị; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra Thủ trưởng các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ đó theo quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của mình. Bộ trưởng, các Thứ trưởng không giải quyết các vấn đề không thuộc thẩm quyền của lãnh đạo Bộ.
5. Định kỳ vào chiều thứ 6 hàng tuần, Bộ trưởng và các Thứ trưởng có buổi họp giao ban, nếu do yêu cầu công việc không tổ chức được theo lịch thì được chuyển sang ngày nghỉ cuối tuần hoặc sáng thứ hai của tuần tiếp theo. Ngoài ra, theo yêu cầu công việc, Bộ trưởng và các Thứ trưởng họp giao ban, hội ý để phối hợp xử lý công việc. Nội dung các vấn đề họp giao ban, hội ý do Bộ trưởng quyết định hoặc do Thứ trưởng đề nghị Bộ trưởng xem xét, quyết định. Chánh Văn phòng Bộ có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, xin ý kiến các Thứ trưởng có liên quan và báo cáo Bộ trưởng về nội dung, thời gian họp giao ban, hội ý.
Tại các buổi họp giao ban, hội ý, Chánh Văn phòng Bộ báo cáo Lãnh đạo Bộ về công tác của Lãnh đạo Bộ trong tuần tới, đề xuất phân công những vấn đề mới phát sinh, các công việc cần phối hợp xử lý; Thứ trưởng trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Chánh Văn phòng hoặc Thủ trưởng đơn vị trực tiếp phụ trách trình bày các nội dung công việc cần phối hợp xử lý.
Điều 2. Nội dung công tác được phân công và trách nhiệm, quyền hạn của Thứ trưởng
Trong phạm vi lĩnh vực, nhiệm vụ công tác, đơn vị và địa bàn được phân công, Thứ trưởng có trách nhiệm và quyền hạn sau:
1. Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, hàng năm, các cơ chế, chính sách, các đề án, các dự thảo luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền; tổ chức triển khai các văn bản đó sau khi được ban hành hoặc phê duyệt.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức có liên quan thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, các nhiệm vụ công tác tư pháp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề nghị Bộ trưởng sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, pháp luật cho phù hợp, xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
3. Thường xuyên theo dõi và xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền được phân công và những vấn đề mà giữa các Bộ, ngành, địa phương, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ không thống nhất được ý kiến.
Đề xuất với Bộ trưởng các chủ trương, chính sách, phương thức, giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Bộ đối với các lĩnh vực công tác được phân công.
4. Thứ trưởng không xử lý các vấn đề không được Bộ trưởng phân công.
Điều 3. Phân công công tác cụ thể của Bộ trưởng và các Thứ trưởng
1. Bộ trưởng Hà Hùng Cường
Lãnh đạo, quản lý chung mọi mặt tổ chức, hoạt động của Bộ và trực tiếp chỉ đạo, điều hành một số lĩnh vực, nhiệm vụ công tác, các đơn vị và các địa bàn sau đây:
a) Các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:
- Chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch công tác dài hạn, hàng năm, kế hoạch - tài chính toàn ngành;
- Những chủ trương, giải pháp về xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách, thể chế thuộc các lĩnh vực quản lý của Bộ;
- Cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp thuộc phạm vị quyền hạn của Bộ;
- Tổ chức cán bộ, bảo vệ chính trị nội bộ, an ninh, quốc phòng;
- Phân công, phối hợp giữa các Thứ trưởng trong việc thực hiện các công việc được giao;
- Phối hợp công tác giữa Bộ Tư pháp, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan Trung ương của Đảng và của các tổ chức chính trị - xã hội.
b) Phụ trách các đơn vị: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính.
c) Chỉ đạo công tác tư pháp của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
2. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên
Làm nhiệm vụ Thứ trưởng thường trực thay mặt Bộ trưởng chủ trì và điều phối hoạt động chung của Bộ, giải quyết các công việc thuộc phạm vi thẩm quyền Bộ trưởng phụ trách khi Bộ trưởng vắng mặc hoặc được Bộ trưởng uỷ quyền.
Giúp Bộ trưởng trực tiếp phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác, các đơn vị và địa bàn sau đây:
a) Các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:
- Công tác văn phòng;
- Xây dựng pháp luật hình sự- hành chính, pháp luật quốc tế;
- Hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp;
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;
- Hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, công chứng, chứng thực;
- Luật sư, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản;
- Con nuôi quốc tế;
- Nghiên cứu khoa học;
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Xuất bản, tin học.
b) Phụ trách các đơn vị: Văn phòng Bộ; Vụ Pháp luật hình sự, hành chính; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Hành chính tư pháp; Vụ Bổ trợ tư pháp; Vụ Pháp luật quốc tế; Cục Con nuôi quốc tế; Viện Khoa học pháp lý; Trường Đại học Luật Hà Nội; Học viện Tư pháp; Trung tâm Tin học; Nhà xuất bản Tư pháp.
c) Chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố sau: Hải phòng, Hà Tây, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
3. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng
Giúp Bộ trưởng trực tiếp phụ trách các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác, các đơn vị và địa bàn sau đây:
a) Các lĩnh vực, nhiệm vụ công tác:
- Thi hành án dân sự;
- Xây dựng pháp luật dân sự, kinh tế;
- Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;
- Rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật;
- Phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở;
- Trợ giúp pháp lý;
- Đăng ký giao dịch bảo đảm;
- Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Phòng chống tham nhũng;
- Thi đua, khen thưởng;
- Pháp chế Bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước, câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp;
- Phối hợp công tác của Bộ với Đảng uỷ và các tổ chức chính trị- xã hội của Bộ;
- Báo chí, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ.
b) Phụ trách các đơn vị: Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế; Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Cục Thi hành án dân sự; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; Cục Trợ giúp pháp lý; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Thanh tra Bộ; Báo Pháp luật Việt Nam; Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
c) Chỉ đạo công tác tư pháp của các tỉnh, thành phố sau: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Quyết định này thay thế Thông báo số 1230/TB-BTP ngày 17 tháng 5 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về phân công công tác của Lãnh đạo Bộ và bãi bỏ các quy định tại Quy chế làm việc của Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 220/2005/QĐ-BTP ngày 14 tháng 4 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trái với Quyết định này.
Bộ trưởng, Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.