THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC VÀ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN THAM GIA HỢP TÁC ASEAN CỦA VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Để triển khai thực hiện Hiến chương ASEAN;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy chế làm việc và phối hợp giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam.
Điều 2. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
QUY CHẾ
LÀM VIỆC VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA CÁC CƠ QUAN THAM GIA HỢP TÁC ASEAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam, Quy chế này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Việt Nam trong quan hệ công tác khi tham gia các hoạt động hợp tác của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong giai đoạn mới Khi Hiệp hội triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN và hoạt động theo Hiến chương ASEAN.
Điều 2. Nguyên tắc chung
1. Các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN có trách nhiệm thường xuyên liên hệ và phối hợp công tác với các cơ quan liên quan khác. Lãnh đạo các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN có trách nhiệm chỉ đạo và đôn đốc việc thực hiện công tác phối hợp, bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả.
2. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thực hiện sự phối hợp công tác trong phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan mình về những nội dung liên quan đến hợp tác ASEAN của Việt Nam.
3. Bảo đảm sự thống nhất và đồng bộ trong trao đổi và xử lý thông tin, tham mưu, đề xuất và triển khai các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN.
Điều 3. Các cơ quan chủ trì điều phối
1. Bộ Ngoại giao là cơ quan điều phối quốc gia giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tất cả các hoạt động tham gia hợp tác ASEAN của Việt Nam thông qua đầu mối giúp việc là Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN (Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao).
2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì, tham gia Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) và Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC); Bộ Ngoại giao là cơ quan giúp việc của Bộ trưởng và là đầu mối phụ trách, điều phối các hoạt động hợp tác ASEAN và của APSC.
3. Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, tham gia Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Bộ Công Thương là cơ quan giúp việc của Bộ trưởng và là đầu mối phụ trách, điều phối các hoạt động của AEC.
4. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, tham gia Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC); Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan giúp việc của Bộ trưởng và là đầu mối phụ trách, điều phối các hoạt động của ASCC.
Điều 4. Giải thích thuật ngữ
1. Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN: là Bộ Ngoại giao.
2. Cơ quan chủ trì Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC): Là Bộ Ngoại giao.
3. Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng: là cơ quan chủ trì, đầu mối điều phối các hoạt động của Việt Nam trong từng trụ cột Cộng đồng ASEAN và Hội đồng Cộng đồng về trụ cột đó; cụ thể gồm có 3 cơ quan dưới đây:
- Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì về trụ cột Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) và Hội đồng APSC;
- Bộ Công thương là cơ quan chủ trì về trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hội đồng AEC;
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì về trụ cột Cộng đồng Văn hóa – xã hội ASEAN (ASCC) và Hội đồng ASCC.
4. Các cơ quan tham gia từng trụ cột Cộng đồng: là các cơ quan trực tiếp chủ trì hoặc các cơ quan phối hợp tham gia các hoạt động hợp tác thuộc các kênh/khuôn khổ trực thuộc từng trụ cột Cộng đồng ASEAN. Một cơ quan Việt Nam có thể tham gia 1 hoặc 2 trụ cột Cộng đồng.
Danh sách các cơ quan tham gia từng trụ cột Cộng đồng được thể hiện trong Phụ lục kèm theo bản Quy chế này.
5. Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN: là Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao.
Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN là đầu mối giúp việc cho Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN.
6. Phái đoàn Đại diện thường trực của Việt Nam về ASEAN tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xia: là một cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, chuyên trách về hợp tác ASEAN và độc lập với Đại sứ quán Việt Nam tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xia. Trưởng Phái đoàn có cấp hàm Đại sứ; là Đại diện Thường trực của Việt Nam về ASEAN và tham gia Ủy ban các Đại diện Thường trực về ASEAN tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xia.
Chương 2.
NỘI DUNG CƠ CHẾ PHỐI HỢP
Điều 5. Trao đổi và cung cấp thông tin
1. Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN có trách nhiệm kịp thời thông báo cho tất cả các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN về chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến việc Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN; về tình hình hợp tác ASEAN nói chung, đặc biệt là quyết định của lãnh đạo cấp cao về phương hướng và kế hoạch tham gia hợp tác ASEAN.
2. Các Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng có trách nhiệm duy trì trao đổi thông tin thường xuyên, kịp thời và phối hợp hành động với các cơ quan tham gia trong từng trụ cột Cộng đồng về tình hình và phương hướng hợp tác của ASEAN cũng như sự tham gia của Việt Nam trong từng trụ cột của Cộng đồng ASEAN, đồng thời thông báo cho Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN.
3. Các cơ quan tham gia từng trụ cột Cộng đồng có trách nhiệm định kỳ cung cấp thông tin 03 tháng 1 lần hoặc khi có yêu cầu đột xuất tới Cơ quan chủ trì trụ cột đó và Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN về tình hình hợp tác của ASEAN và sự tham gia của Việt Nam trong lĩnh vực được phân công phụ trách.
4. Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN chịu trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo định kỳ 06 tháng 1 lần cho tất cả các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN khác về tình hình hợp tác ASEAN nói chung; đồng thời, chủ trì xây dựng và duy trì một trang thông tin riêng (nằm trong mạng thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao) để thường xuyên và kịp thời cung cấp những thông tin công khai về các hoạt động của ASEAN và sự tham gia của Việt Nam.
Để phục vụ công tác thông tin nêu trên, tất cả các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN và các Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng có trách nhiệm thường xuyên và kịp thời cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động của ASEAN và sự tham gia của Việt Nam trong lĩnh vực phụ trách cho Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN.
Điều 6. Chế độ báo cáo
1. Các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tham dự các hoạt động quan trọng của ASEAN (cấp Bộ - Thứ trưởng) hoặc xử lý những vấn đề lớn liên quan đến hợp tác ASEAN thuộc lĩnh vực cơ quan mình phụ trách, đồng thời sao gửi cho Cơ quan chủ trì trụ cột mà cơ quan đó tham gia và các cơ quan liên quan khác trong trụ cột đó.
2. Định kỳ 06 tháng 1 lần, các Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hợp tác của ASEAN và sự tham gia của Việt Nam trong trụ cột phụ trách, nhất là kết quả các cuộc họp của Hội đồng Cộng đồng, đồng thời, sao gửi các cơ quan tham gia trụ cột đó.
3. Tất cả các báo cáo nêu trên được sao gửi cho Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN để tổng hợp và theo dõi chung phục vụ công tác điều phối quốc gia.
Điều 7. Chế độ giao ban định kỳ
1. Định kỳ hai lần trong năm, trước các cuộc họp của các Hội đồng Cộng đồng ASEAN, Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng tổ chức họp giao ban với các cơ quan tham gia trụ cột Cộng đồng đó để trao đổi về những diễn biến trong hợp tác ASEAN thuộc trụ cột đó, với thành phần tham dự ở cấp Bộ hoặc cấp Cục/Vụ tùy theo nội dung yêu cầu, để xác định biện pháp phối hợp hành động thúc đẩy những vấn đề mà Việt Nam có lợi ích cũng như thống nhất chủ trương xử lý những vấn đề lớn, phức tạp mới nảy sinh. Trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể tổ chức họp thêm.
Kết quả giao ban do Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng tập hợp, thông báo cho các cơ quan tham gia trụ cột đó; đồng thời sao gửi cho Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN.
2. Định kỳ hai lần trong năm, trước khi diễn ra các cuộc họp của Hội đồng Điều phối ASEAN; Hội nghị cấp cao ASEAN và sau cuộc họp giao ban giữa các cơ quan chủ trì các trụ cột Cộng đồng, Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN tổ chức họp giao ban giữa các Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng để trao đổi về những diễn biến mới trong hợp tác ASEAN với thành phần tham dự ở cấp Bộ hoặc cấp Cục/Vụ tùy theo yêu cầu của từng nội dung để xác định những biện pháp phối hợp hành động thúc đẩy những vấn đề Việt Nam có lợi ích cũng như chủ trương xử lý những vấn đề phức tạp mới nảy sinh. Trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể tổ chức họp thêm.
Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả giao ban đưa vào báo cáo định kỳ 06 tháng, trình Thủ tướng Chính phủ và sao gửi các Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng.
3. Định kỳ một năm một lần vào dịp cuối năm, Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN tổ chức họp giao ban với tất cả các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN với thành phần tham dự ở cấp Cục/Vụ hoặc cấp Phòng. Mục đích giao ban là kiểm điểm tình hình hợp tác ASEAN và sự tham gia của Việt Nam trong năm qua và đề ra kế hoạch công tác trong năm tới, giúp các cơ quan chuẩn bị báo cáo tổng kết năm về tình hình tham gia hoạt động của ASEAN.
Điều 8. Phối hợp nghiên cứu, tham mưu, kiến nghị về chủ trương, chính sách tham gia hợp tác ASEAN lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước
1. Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN có trách nhiệm chủ trì, trao đổi và thống nhất với các Cơ quan đầu mối chủ trì từng trụ cột Cộng đồng và các cơ quan liên quan trong việc đề xuất chủ trương, chính sách và biện pháp lớn của Việt Nam trong việc tham gia hợp tác ASEAN nói chung.
2. Các Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng có trách nhiệm trao đổi và thống nhất ý kiến với các cơ quan liên quan trong nghiên cứu đề xuất chủ trương, chính sách và các biện pháp cụ thể của Việt Nam nhằm thúc đẩy những vấn đề mà Việt Nam có lợi ích hoặc quan tâm; xử lý những vấn đề phức tạp mới nảy sinh trong trụ cột phụ trách.
3. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN có thể trực tiếp đề xuất chủ trương và biện pháp cụ thể của Việt Nam đối với một số vấn đề cụ thể nảy sinh trong lĩnh vực phụ trách lên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, song cần tham khảo trước ý kiến của Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN và Cơ quan chủ trì trụ cột Cộng đồng mà cơ quan đó tham gia.
Điều 9. Phối hợp trong việc xây dựng và triển khai các sáng kiến do Việt Nam đề xuất.
1. Các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN cần chủ động đề xuất và triển khai các sáng kiến khả thi thuộc lĩnh vực/nội dung cơ quan mình phụ trách nhằm tranh thủ tối đa lợi ích và nâng cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN.
2. Tùy tình hình và tính chất quan trọng của nội dung đề xuất, các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN có thể kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đưa ra các sáng kiến khả thi tại các Hội nghị cấp cao hàng năm của ASEAN. Các đề xuất này được xây dựng trên cơ sở đã tham khảo ý kiến Cơ quan chủ trì trụ cột Cộng đồng mình tham gia và Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN.
3. Việc triển khai các sáng kiến của Việt Nam đã được thông qua tại các Hội nghị cấp cao ASEAN sẽ do cơ quan chủ trì đề xuất sáng kiến đó hoặc cơ quan phụ trách trực tiếp lĩnh vực đó chịu trách nhiệm chính. Trường hợp cần thiết, cơ quan đầu mối chủ trì các trụ cột Cộng đồng và Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN có thể tham gia hỗ trợ.
Điều 10. Phối hợp chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao
1. Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN chịu trách nhiệm chủ trì công tác chuẩn bị phục vụ Thủ tướng Chính phủ tham dự các Hội nghị cấp cao ASEAN và các cấp cao liên quan thường kỳ và các Hội nghị cấp cao đặc biệt (nếu có).
2. Các Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN trong việc chuẩn bị nội dung phục vụ Thủ tướng Chính phủ tham dự các Hội nghị cấp cao ASEAN và các cấp cao liên quan, đồng thời cử cán bộ tham gia đoàn tháp tùng Thủ tướng.
Điều 11. Phối hợp chuẩn bị và tham dự các cuộc họp của các Hội đồng Cộng đồng và Hội đồng Điều phối ASEAN
1. Các Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng có trách nhiệm cử cán bộ đủ thẩm quyền làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự các cuộc họp của Hội đồng Cộng đồng mà cơ quan đó phụ trách và chuẩn bị nội dung tham dự. Căn cứ nội dung từng cuộc họp, Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng quyết định thành phần tham gia của đoàn Việt Nam.
2. Bộ Ngoại giao chủ trì tham dự các cuộc họp của Hội đồng Điều phối ASEAN và có trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị nội dung tham dự. Các Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng phối hợp chuẩn bị nội dung và cử cán bộ có thẩm quyền tham gia đoàn Việt Nam dự các cuộc họp của Hội đồng Điều phối ASEAN.
3. Các cơ quan tham gia các trụ cột Cộng đồng có trách nhiệm phối hợp hỗ trợ Cơ quan chủ trì trụ cột đó chuẩn bị nội dung cho các cuộc họp của Hội đồng Cộng đồng và cử cán bộ đủ thẩm quyền tham dự khi có yêu cầu.
4. Trong trường hợp nội dung cuộc họp của Hội đồng Cộng đồng tập trung về một lĩnh vực hoặc vấn đề cụ thể, cơ quan phụ trách lĩnh vực hoặc vấn đề đó chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị nội dung dự họp và cử cán bộ đủ thẩm quyền tham gia đoàn Việt Nam.
Điều 12. Phối hợp chuẩn bị và tham dự các cuộc họp cấp Bộ trưởng chuyên ngành của ASEAN và các cuộc họp khác
Các cơ quan phụ trách các lĩnh vực hợp tác cụ thể của ASEAN chịu trách nhiệm chủ trì chuẩn bị và tham dự các cuộc họp cấp Bộ trưởng chuyên ngành và các cuộc họp ở các cấp khác trong phạm vi cơ quan mình phụ trách. Các cơ quan này có thể mời đại diện các cơ quan điều phối các trụ cột Cộng đồng và các cơ quan liên quan khác tham dự nếu thấy cần thiết.
Điều 13. Phối hợp tổ chức đăng cai các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN
1. Hàng năm, các cơ quan lập kế hoạch tổng hợp tất cả các hoạt động của ASEAN mà Việt Nam sẽ phải chủ trì đăng cai trong năm tiếp theo thuộc phạm vi cơ quan mình phụ trách. Nội dung kế hoạch tổng hợp bao gồm cả dự kiến nội dung và dự trù kinh phí, có tham khảo ý kiến của Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Các Cơ quan chủ trì trụ cột Cộng đồng và các cơ quan liên quan khi được yêu cầu, phải có trách nhiệm hỗ trợ các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN trong việc chuẩn bị và đăng cai tổ chức các hoạt động của ASEAN tại Việt Nam.
3. Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN có trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN trong việc tổ chức các hoạt động của ASEAN tại Việt Nam.
Điều 14. Quan hệ công tác với Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam về ASEAN (dưới đây viết tắt là Phái đoàn Việt Nam tại Gia-các-ta)
1. Trước mắt, Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN là đầu mối quan hệ công tác và hỗ trợ hoạt động của Phái đoàn Việt Nam tại Gia-các-ta.
2. Các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN trong nước có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời cho Phái đoàn Việt Nam khi được yêu cầu.
3. Về lâu dài, tùy tình hình hoạt động của Phái đoàn Việt Nam tại Gia-các-ta và của ASEAN, cơ quan có thẩm quyền sẽ xây dựng và ban hành quy chế phối hợp cụ thể giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN với Phái đoàn Việt Nam tại Gia-các-ta.
Điều 15. Phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác ASEAN của Quốc hội và của các tổ chức đoàn thể nhân dân.
1. Trong quá trình tham gia các hoạt động hợp tác ASEAN, các cơ quan đầu mối, chủ trì tham gia hợp tác ASEAN của Quốc hội và của các tổ chức đoàn thể nhân dân trực tiếp phối hợp với Cơ quan điều phối quốc gia về ASEAN
2. Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN và các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN theo quy định của Quy chế này có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời cho các cơ quan của Quốc hội và cơ quan Trung ương các đoàn thể theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Củng cố tổ chức, phân công cán bộ chuyên trách về công tác ASEAN
1. Sau khi Quy chế này có hiệu lực, các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN của các Bộ, ngành chỉ định ngay một bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về hợp tác ASEAN để làm đầu mối phối hợp với các cơ quan khác; nếu thấy cần thiết có thể lập nhóm công tác liên đơn vị tại cơ quan mình, nhưng cần chỉ định một đầu mối phối hợp với các cơ quan khác và thông báo cho Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN để tập hợp và thông báo cho các cơ quan liên quan.
2. Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN có trách nhiệm tập hợp và lập danh sách đầu mối các bộ phận, các bộ chuyên trách về công tác ASEAN để phổ biến đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thường xuyên cập nhật tình hình và duy trì hoạt động của mạng lưới này nhằm giúp tăng cường công tác chia sẻ thông tin và phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tham gia hợp tác ASEAN.
3. Các Cơ quan chủ trì từng trụ cột Cộng đồng căn cứ tình hình hoạt động của trụ cột do cơ quan mình phụ trách và trên cơ sở ý kiến của các cơ quan tham gia trụ cột đó có thể bổ sung thêm một số quy định cụ thể cho phù hợp với thực tiễn công tác.
Điều 17. Theo dõi, giám sát việc thực hiện Quy chế
Ban Thư ký Quốc gia về ASEAN và các Cơ quan chủ trì các trụ cột Cộng đồng có trách nhiệm theo dõi, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy chế này.
| THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC
CÁC BỘ, NGÀNH, CƠ QUAN THAM GIA HỢP TÁC ASEAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 31 tháng 01 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)
TRỤ CỘT CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ - AN NINH
Cơ quan chủ trì điều phối: Bộ Ngoại giao
STT | Cơ quan/cơ chế hợp tác | Cơ quan đầu mối của Việt Nam |
| Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh | Bộ Ngoại giao chủ trì tham dự |
1 | Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) • Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM) • Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) • Hội nghị Quan chức cao cấp về quy hoạch phát triển (SOMDP) |
Bộ Ngoại giao Bộ Ngoại giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
2 | Ủy ban về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) • Ban chấp hành SEANWFZ (SEANWFZ Ex-Com) | Bộ Ngoại giao Bộ Quốc phòng |
3 | Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) • Hội nghị Các Quan chức cao cấp Quốc phòng ASEAN (ADSOM) | Bộ Quốc phòng Bộ Ngoại giao |
4 | Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN (ALAWMM) • Hội nghị Quan chức Tư pháp cao cấp ASEAN (ASLOM) | Bộ Tư pháp |
5 | Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) • Hội nghị Quan chức cao cấp về Tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) • Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về Ma túy (ASOD) • Hội nghị những Người đứng đầu Cơ quan Xuất nhập cảnh và Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao (DGICM) | Bộ Ngoại giao Bộ Quốc phòng Bộ Công an |
6 | Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) • Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF SOM) | Bộ Ngoại giao Bộ Quốc phòng Bộ Công an |
TRỤ CỘT CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN
Cơ quan chủ trì điều phối: Bộ Công thương
STT | CƠ QUAN/CƠ CHẾ HỢP TÁC | CƠ QUAN ĐẦU MỐI VIỆT NAM |
| Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) | Bộ Công thương chủ trì tham dự |
1 | Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) | Bộ Công Thương |
1.1 | Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Kinh tế (SEOM) | |
1.2 | Nhóm đặc trách cao cấp về Hội nhập kinh tế ASEAN (HL TF-EI) | |
2 | Hội đồng Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) | Bộ Công Thương |
3 | Hội đồng Khu vực Đầu tư ASEAN (AIA) | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
4 | Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM) | Bộ Tài chính Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) |
4.1 | Hội nghị các Thứ trưởng Tài chính và Phó thống đốc NHTW ASEAN (AFDM) | |
4.2 | Hội nghị các Tổng Cục trưởng Hải quan (ADGCM) | |
5 | Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm ASEAN (AMAF) | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
5.1 | Hội nghị các Quan chức Cao cấp AMAF (SOM-AMAF) | |
5.2 | Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Lâm nghiệp (ASOF) | |
6 | Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM) | Bộ Công Thương |
6.1 | Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Năng lượng (SOME) | |
6.2 | Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE) | |
7 | Hội nghị Bộ trưởng về Khoáng sản (AMMin) | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
7.1 | Hội nghị Quan chức Cao cấp về Khoáng sản (ASOMM) | |
8 | Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN (AMMST) | Bộ Khoa học và Công nghệ |
8.1 | Ủy ban Khoa học và Công nghệ (COST) | |
9 | Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ Thông tin và Viễn thông ASEAN (TELMIN) | Bộ Thông tin và Truyền thông |
9.1 | Hội nghị Quan chức Cao cấp về Công nghệ Thông tin và Viễn thông ASEAN (TELSOM) | |
9.2 | Hội đồng Cơ quan Điều hành Viễn thông ASEAN (ATRC) | |
10 | Hội nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ASEAN (ATM) | Bộ Giao thông vận tải |
10.1 | Hội nghị các Quan chức Cao cấp về Giao thông Vận tải (STOM) | |
11 | Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN (M-ATM) | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
11.1 | Hội nghị các Cơ quan Du lịch quốc gia (NTOs) | |
12 | Hội nghị Hợp tác Phát triển lưu vực sông Mê-công | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
12.1 | (AMBDC) | |
12.2 | Ủy ban Điều phối AMBDC | |
| Ủy ban Tài chính Cao cấp (HLFC) | |
13 | Trung tâm Năng lượng ASEAN | Bộ Công Thương |
14 | Trung tâm ASEAN – Nhật Bản tại Tokyo |
|
Các cơ chế hợp tác kinh tế khác | ||
| Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) | Phòng Thương mại và Công nghiệp VN |
| Phòng Thương mại và Công nghiệp (ASEAN CCI) | |
| Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN |
TRỤ CỘT CỘNG ĐỒNG VĂN HÓA – XÃ HỘI ASEAN (ASCC)
Cơ quan chủ trì điều phối: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
STT | Cơ quan/Ủy ban chuyên ngành ASEAN | Cơ quan đầu mối của Việt Nam |
| Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội. | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì tham dự |
1. | Bộ trưởng ASEAN Phụ trách về Thông tin (AMRI) - Các Quan chức Cao cấp ASEAN Phụ trách về Thông tin (SOMRI) | Bộ Thông tin và Truyền thông |
2. | Bộ trưởng ASEAN Phụ trách về Văn hóa và Nghệ thuật (AMCA) - Các Quan chức Cao cấp ASEAN Phụ trách về Văn hóa và Nghệ thuật (SOMCA) | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
3. | Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN (ASED) - Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN về Giáo dục (SOM-ED) | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
4. | Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý Thiên tai (AMMDM) - Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai | Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ban chỉ đạo Phòng chống Lụt bão Trung ương) |
5. | Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (AMME) - Các Quan chức Cao cấp ASEAN về Môi trường (ASOEN) | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
6. | Hội nghị của các Bên tham gia Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm Khói mù Xuyên biên giới (COP) - Ủy ban trực thuộc Hội nghị của các Bên tham gia Hiệp định ASEAN về Ô nhiễm Khói mù Xuyên biên giới | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
7. | Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN (AHMM) - Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN về Y tế (SOMHD) | Bộ Y tế |
8. | Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) - Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN về Lao động (SLOM) - Ủy ban ASEAN về Thực hiện Tuyên bố ASEAN về Bảo vệ và Thúc đẩy Quyền của Lao động Nhập cư | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
9. | Bộ trưởng ASEAN về Phát triển Nông thôn và Xóa đói Giảm nghèo (AMRDPE) - Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN về Phát triển Nông thôn và Xóa đói Giảm nghèo (SOMRDPE) | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
10. | Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phúc lợi Xã hội và Phát triển (AMMSWD) - Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN về Phúc lợi Xã hội và Phát triển (SOMWD) | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
11. | Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN (AMMY) - Hội nghị các Quan chức Cao cấp ASEAN về Thanh niên (SOMY) | Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh |
12. | Hội nghị ASEAN về các Vấn đề Công vụ (ACCSM) | Bộ Nội vụ |
13. | Trung tâm ASEAN về Đa dạng Sinh học (ACB) | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
14. | Trung tâm Điều phối Cứu trợ Nhân đạo ASEAN về Quản lý Thiên tai (AHA Centre) | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
15. | Trung tâm Thông tin Động đất ASEAN | Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Vật lý Địa cầu) |
16. | Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành ASEAN (ASMC) | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
17. | Mạng lưới các Trường Đại học ASEAN (AUN) | Trường Đại học Quốc gia Hà Nội |
18. | Hội nghị Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ ASEAN (AMMST) - Ủy ban Khoa học – Công nghệ ASEAN (COST) | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.