ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/2007/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ KHUYẾN NÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ngày 27/02/2002 của UBND Thành phố về việc thành lập Quỹ Khuyến nông Thành phố Hà Nội và ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 36/TTr-SNN-CS ngày 10/5/2007 và của Sở Tài chính tại Tờ trình số: 4448/STC-GTĐT ngày 16/11/2007 và Báo cáo thẩm định số: 1272/STP-VBPQ ngày 24/10/2007 của Sở Tư pháp Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế về quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến nông Thành phố Hà Nội”.
Điều 2. Quy chế này thay thế “Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Khuyến nông Thành phố Hà Nội” ban hành kèm theo Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ngày 27/02/2002 của UBND Thành phố và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và PTNT; Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các Quận, Huyện; Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ KHUYẾN NÔNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 142/2007/QĐ-UBND ngày 10/12/2007 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Vị trí pháp lý và mục đích hoạt động
1) Quỹ Khuyến nông Thành phố Hà Nội (viết tắt là Quỹ) là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực tín dụng do UBND Thành phố quyết định thành lập tại Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ngày 27/02/2002. Quỹ chịu sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Khuyến nông và quản lý Nhà nước của Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở ngành liên quan của Thành phố.
2) Quỹ thành lập nhằm mục đích cho cá nhân, tổ chức, hợp tác xã sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản vay vốn để mở rộng và phát triển các mô hình khuyến nông tiên tiến đã được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp Thủ đô.
Điều 2. Tổ chức hoạt động
Quỹ có tài khoản riêng mở tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. Quỹ được sử dụng con dấu của Trung tâm Khuyến nông để giao dịch và sử dụng bộ máy kế toán của Trung tâm để quản lý tài chính Quỹ. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là chủ tài khoản Quỹ.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động
1) Quỹ cho vay theo nguyên tắc bảo toàn vốn và không vì mục đích lợi nhuận; cho vay đúng đối tượng, đúng quy định của Quy chế này và tuân thủ chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.
2) Vốn của Quỹ do ngân sách Thành phố cấp lần đầu là 05 tỷ đồng và cấp bổ sung hàng năm theo Quyết định của UBND Thành phố. Ngoài ra, nguồn vốn Quỹ được bổ sung từ tỷ lệ (%) trích từ khoản thu phí quản lý Quỹ, các khoản viện trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nguồn hình thành Quỹ
1) Nguồn vốn ngân sách Thành phố: Vốn ngân sách Thành phố cấp lần đầu để thành lập Quỹ. Hàng năm, ngân sách Thành phố thực hiện cấp bổ sung vốn Quỹ theo Quyết định của UBND Thành phố;
2) Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
3) Nguồn vốn kết dư của Quỹ năm trước chuyển sang.
4) Nguồn trích từ phí quản lý Quỹ theo quy định.
Điều 5. Đối tượng vay vốn
1) Hộ nông dân, chủ trang trại hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản trên địa bàn Thành phố Hà Nội và có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.
2) Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa có trụ sở chính tại Hà Nội, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành nghề thuộc các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản và có địa điểm sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 6. Điều kiện vay vốn
1) Hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là người vay vốn) có kinh nghiệm hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực quy định tại Điều 5 Quy chế này từ 01 năm trở lên.
2) Người vay vốn phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi về lĩnh vực sử dụng nguồn vốn vay Quỹ và có khả năng hoàn trả vốn vay. Trong kỳ sản xuất kinh doanh của Dự án, người vay vốn chỉ được vay Quỹ 01 lần.
3) Người vay vốn không có các khoản nợ đọng thuế 02 năm liền kề, không có nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng.
4) Người vay vốn phải có cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện Dự án như: chuồng trại, máy móc thiết bị, đất đai, ao hồ, vườn cây... để triển khai sản xuất, đáp ứng yêu cầu dự án và phương án sản xuất kinh doanh.
5) Người vay vốn phải có nguồn vốn chủ sở hữu, có tài sản đảm bảo tiền vay. Tài sản đảm bảo tiền vay là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người vay hoặc tài sản được người khác bảo lãnh có nguồn gốc hợp pháp, rõ ràng, không có tranh chấp. Tài sản đảm bảo tiền vay phải có giá trị lớn hơn giá trị vốn vay.
Quỹ có quyền lựa chọn tài sản đủ điều kiện làm bảo đảm tiền vay (tài sản cầm cố, tài sản thế chấp) hoặc lựa chọn người khác bảo lãnh bằng tài sản.
6) Người vay vốn phải làm đơn vay vốn được UBND xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án xác nhận. Trong đơn vay vốn, người vay vốn phải cam kết tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội; cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, nộp phí quản lý quỹ và hoàn trả vốn vay đầy đủ, đúng thời hạn ghi trong hợp đồng vay vốn đã ký với Trung tâm Khuyến nông.
Điều 7. Quy trình và nội dung thẩm định dự án vay vốn
Việc thẩm định dự án vay vốn Quỹ được thực hiện qua 2 bước: thẩm định cấp cơ sở và thẩm định cấp Thành phố. Cụ thể như sau:
1. Nội dung thẩm định cấp cơ sở:
a) Thẩm định tính hợp pháp của Hồ sơ vay vốn; thẩm định nội dung Dự án đầu tư và quy trình kỹ thuật sản xuất kinh doanh chuyên ngành;
b) Thẩm định điều kiện cơ sở vật chất thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh để thực hiện Dự án;
c) Thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay.
d) Thẩm định mức vốn vay phù hợp với Quy chế của Quỹ.
Trung tâm Khuyến nông có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự án cấp cơ sở theo các nội dung nêu trên để báo cáo Hội đồng thẩm định cấp Thành phố.
2. Nội dung thẩm định cấp Thành phố:
Hồ sơ Dự án vay vốn sau khi thẩm định cấp cơ sở, chuyển lên thẩm định cấp Thành phố theo các nội dung:
a) Thẩm định Hồ sơ vay vốn, tài sản thế chấp;
b) Thẩm định hiệu quả sản xuất kinh doanh và tính khả thi của Dự án;
c) Thẩm định về phương án tài chính của Dự án.
d) Thẩm định mức vốn vay phù hợp với Quy chế của Quỹ.
3. Đối với Dự án vay vốn có mức vay dưới 100 triệu đồng/dự án thì không qua bước thẩm định cấp Thành phố. Hội đồng thẩm định cấp Thành phố ủy quyền cho Giám đốc Trung tâm Khuyến nông ký hợp đồng vay vốn theo quy định và theo mức vốn vay đã được Hội đồng các cấp thẩm định; Định kỳ 6 tháng và 01 năm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông báo cáo Hội đồng thẩm định cấp Thành phố.
4. Thành phần Hội đồng thẩm định:
a) Hội đồng thẩm định cấp cơ sở gồm có các thành viên sau:
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Chủ trì);
Trưởng các Phòng, ban có liên quan trong Trung tâm;
Trạm trưởng các Trạm Khuyến nông liên quan.
b) Hội đồng thẩm định cấp Thành phố gồm có các thành viên sau:
Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT (Chủ trì);
Đại diện Trung tâm Khuyến nông;
Đại diện Sở Tài chính.
Điều 8. Mức vốn cho vay, thời hạn vay và trả nợ vay (gốc và phí)
1. Mức vốn cho vay
Quỹ cho vay tối đa bằng 50% tổng số vốn của Dự án đầu tư nhưng không quá 500 triệu đồng/1 dự án. Vốn vay được sử dụng chủ yếu để mua giống, vật tư kỹ thuật cho Dự án.
2. Thời hạn vay
a) Thời hạn cho vay một Dự án tối đa là 2 năm kể từ ngày người vay vốn nhận khoản vay đầu tiên đến ngày phải trả hết nợ vay. Đối với các Dự án vay vốn để phát triển sản xuất vùng cây ăn quả, cây công nghiệp có chu kỳ sản xuất từ khi nuôi trồng đến khi thu hoạch kéo dài thì thời gian cho vay tối đa là 3 năm.
b) Trường hợp quá trình thực hiện Dự án gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan (như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng khác), Hội đồng thẩm định cấp Thành phố sẽ xem xét, quyết định gia hạn thêm thời gian vay, nhưng tối đa không quá 01 năm. Trong thời gian được gia hạn, người vay vốn không phải nộp phí quản lý Quỹ.
3) Nghĩa vụ và thời hạn trả nợ vay
Nghĩa vụ trả nợ của người vay bao gồm tiền vay (nợ gốc), phí quản lý Quỹ, phí quá hạn (nếu có) được ghi trong Hợp đồng. Thời hạn trả nợ vay được tính từ ngày người vay vốn bắt đầu trả nợ vay cho đến ngày trả hết nợ vay theo Hợp đồng đã ký kết.
Người vay vốn phải trả phí quản lý Quỹ 6 tháng một lần, thời gian nộp phí trong vòng 10 ngày của tháng đầu tiên của kỳ trả phí tiếp theo. Quá thời hạn trên, nếu người vay vốn không trả phí quản lý thì phí quản lý quá hạn tính bằng 130% phí quản lý Quỹ. Người vay vốn có thể trả phí trước thời hạn.
Trả nợ gốc: hết thời hạn vay vốn, trong vòng 10 ngày, người vay vốn phải trả toàn bộ nợ gốc và số phí quản lý còn lại. Nếu quá thời hạn ghi trong hợp đồng vay vốn mà chưa trả, người vay vốn bị gộp số phí quản lý còn lại vào nợ gốc và phải chịu phí quá hạn bằng 130% phí quản lý Quỹ kể từ ngày quá hạn.
Điều 9. Nguyên tắc tính và công tác quản lý, sử dụng phí quản lý Quỹ
1) Nguyên tắc tính:
Phí quản lý Quỹ = Tổng số tiền vay x 0,5%/tháng x số tháng vay.
2) Sử dụng phí quản lý Quỹ
Khoản thu phí quản lý Quỹ được coi là 100% và được phân bổ để sử dụng như sau:
a) Trích 50% chi cho công tác quản lý Quỹ, gồm các nội dung sau:
Chi hướng dẫn xây dựng, xét duyệt, thẩm định Dự án cho vay; Chi trả tiền công thuê hợp đồng kỹ thuật chỉ đạo mô hình theo mức lương ghi trong hợp đồng phù hợp với quy định của Nhà nước; Chi bồi dưỡng cho cán bộ khuyến nông trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo mô hình; Chi bồi dưỡng các thành viên Hội đồng thẩm định cấp Thành phố và cán bộ thẩm định cơ sở.
Chi văn phòng phẩm, in ấn, công chứng tài liệu phục vụ cho việc quản lý các dự án, phương án cho vay; Chi phí xăng xe kiểm tra mô hình dự án, phương án sản xuất.
Chi cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng; Chi cho các hoạt động kiểm tra, tổng kết, tập huấn, tham quan mô hình dự án sản xuất;
Chi cho công tác đôn đốc, thu hồi nợ.
Chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và định kỳ thiết bị, phương tiện làm việc phục vụ công tác quản lý, điều hành Quỹ.
Chi khác.
b) Trích 25% để tạo nguồn dự phòng hỗ trợ miễn hoặc giảm đối với các Dự án gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan. Việc hỗ trợ do Hội đồng thẩm định cấp Thành phố xem xét, báo cáo UBND Thành phố quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
c) Trích 5% dùng để khen thưởng cho cán bộ khuyến nông, người vay vốn có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, sử dụng vốn Quỹ. Mức chi khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước và do Giám đốc Trung tâm Khuyên nông đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND Thành phố ra quyết định.
d) 20% còn lại được bổ sung nguồn vốn Quỹ.
Điều 10. Chế độ kế toán và chế độ báo cáo
1) Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông căn cứ vào nguồn vốn Quỹ và nhu cầu của người vay vốn xây dựng kế hoạch hoạt động cho vay và dự toán thu-chi Quỹ, gửi Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt, Sở Tài chính thẩm tra.
2) Việc lập và thực hiện dự toán thu, chi từ nguồn phí quản lý Quỹ căn cứ vào quy chế quản lý Quỹ và các quy định hướng dẫn lập dự toán, chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành của Nhà nước và Thành phố.
3) Bộ phận kế toán Quỹ phải mở sổ kế toán ghi chép, theo dõi, hạch toán kế toán các khoản thu, chi của Quỹ; bảo đảm mọi khoản thu, chi của Quỹ theo dự toán được duyệt, có chứng từ hợp pháp, hợp lệ. Trường hợp điều chỉnh nội dung chi tiêu trong phạm vi dự toán được duyệt, Trung tâm Khuyến nông phải có công văn đề nghị điều chỉnh gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính xem xét phê duyệt. Mọi trường hợp chi tiêu ngoài dự toán đều phải thu hồi hoặc xuất toán theo quy định.
4) Định kỳ 6 tháng, cả năm Trung tâm Khuyến nông lập báo cáo quyết toán thu - chi Quỹ; Báo cáo tình hình hoạt động cho vay, thu hồi vốn theo kế hoạch được duyệt gửi Sở Nông nghiệp và PTNT. Báo cáo quyết toán năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt, Sở Tài chính thẩm định theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của Sở ngành thuộc Thành phố và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
1) Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT
a) Chủ trì Hội đồng thẩm định cấp Thành phố.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn của Quỹ; phê duyệt kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ; chủ trì phê duyệt dự toán, quyết toán thu, chi Quỹ. Tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của Quỹ theo quy định của pháp luật.
2) Trách nhiệm của Sở Tài chính
a) Tham gia Hội đồng thẩm định cấp Thành phố.
b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm tra dự toán thu - chi Quỹ; Thẩm định, phê duyệt quyết toán năm của Quỹ; Phối hợp tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát Quỹ theo quy định của pháp luật.
3) Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước Thành phố
Thực hiện thu các khoản thu của Quỹ và kiểm soát chi theo quy định hiện hành của Nhà nước.
4) Trách nhiệm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
a) Chủ trì Hội đồng thẩm định cấp cơ sở và tham gia Hội đồng thẩm định cấp Thành phố.
b) Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng Quỹ hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Quỹ trong quá trình hoạt động theo mục tiêu hoạt động của Quỹ.
c) Tổ chức giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn vay theo dự án vay vốn được duyệt, bảo đảm vốn vay được sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng. Trường hợp trong quá trình kiểm tra, giám sát phát hiện người vay vốn vi phạm cam kết trong Hợp đồng vay vốn, sử dụng vốn vay sai mục đích, không hiệu quả, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông có trách nhiệm báo cáo Hội đồng thẩm định cấp Thành phố để xem xét, thống nhất quyết định thu hồi trước thời hạn toàn bộ hoặc một phần vốn vay.
d) Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông phải xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán thu-chi Quỹ, đồng thời lập Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình hoạt động, tình hình cho vay và tình hình tài chính của Quỹ, lập Báo cáo quyết toán năm gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để thẩm tra, phê duyệt theo quy định.
Điều 12. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội có trách nhiệm phản ánh về Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố xem xét, sửa đổi./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.