ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/2002/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH "QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ SIÊU THỊ VÀ TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI"
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Luật Thương mại ban hành năm 1997, Luật Doanh nghiệp ban hành năm 1999;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về quản lý Siêu thị và Trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định.
| T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY CHẾ
VỀ QUẢN LÝ SIÊU THỊ VÀ TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 142/QĐ-UB ngày 31 tháng 10 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân Thành phố)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy chế này định về điều kiện, tiêu chuẩn và quản lý Siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quy chế này không áp dụng đối với các cửa hàng, cửa hiệu không đạt các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định về Siêu thị, Trung tâm thương mại.
Điều 2: Siêu thị, Trung tâm thương mại nói trong Quy chế này được hiểu như sau:
1. Siêu thị là cửa hàng lớn bán lẻ theo phương thức tự phục vụ, có trang thiết bị hiện đại; kinh doanh các mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân.
2. Trung tâm thương mại là công trình gồm những Siêu thị, cửa hàng bán buôn, bán lẻ, các cơ sở, khu vực dịch vụ tập trung trên cùng một mặt bằng, địa điểm, được quy hoạch, xây dựng, quản lý thống nhất.
Điều 3: Mọi thành phần kinh tế có đủ các điều kiện theo quy định của Pháp luật đều được tổ chức xây dựng, tham gia kinh doanh ở Siêu thị, Trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Chương 2:
ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN SIÊU THỊ VÀ TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI
Điều 4: Điều kiện, tiêu chuẩn đối với hàng hoá được bày bán trong Siêu thị và Trung tâm thương mại:
1. Được phép kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam
2. Có nhãn hàng hoá theo Quyết định 178/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu là hàng hoá nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt nam kèm theo; hàng thuộc danh mục dán tem thuế phải có tem dán.
3. Đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
4. Đã qua chọn lọc, phân loại, đóng gói có bao bì.
5. Giá hàng hoá được niêm yết trên giá để hàng và trên từng sản phẩm.
6. Được bố trí, trưng bày theo từng loại nhóm hàng ngành hàng có tính năng, tác dụng giống hàng để khách hàng dễ lựa chọn. Không xếp hàng hoá ở gần nhau nếu chúng có tác động sinh hoá lẫn nhau, gây tác hại đến chất lượng, bảo quản hàng hoá.
7. Có danh mục hàng hóa không ít hơn 3.000 tên hàng có tỷ lệ tối thiểu 30% doanh thu hàng thực phẩm trong tổng doanh thu.
Điều 5: Tiêu chuẩn thiết bị đối với Siêu thị.
1. Có đường đi lại thuận tiện giữa các giá, quầy tối thiểu 1 m, giữa các gian hàng hoá.
2. Có hệ thống máy lạnh, tủ mát nhiệt độ thích hợp để bảo quản hàng hoá.
3. Có kho hàng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp với khả năng kinh doanh của Siêu thị.
4. Có đủ phương tiện, thiết bị và lực lượng tại chỗ phòng chống cháy nổ theo quy định.
5. Có máy tính tiền, hệ thống gắn và nhận mã chuyên dụng, xe đẩy, giỏ xách tay, phương tiện kỹ thuật chống mất cắp và thiết bị khác phục vụ kinh doanh của Siêu thị.
6. Có khu vệ sinh cho khách sử dụng đủ nước sạch, ánh sáng, thông thoáng, không mùi hôi.
7. Có túi đựng hàng in tên, địa chỉ, giới thiệu về Siêu thị. Có tủ giữ tư trang, hành lý cho khách.
8. Quầy thanh toán có ghi phiếu hoá đơn cho khách đảm bảo thuận tiện, chính xác.
9. Có diện tích mặt bằng tối thiểu 150m2.
10. Có bãi trông giữ xe khách. Có đội ngũ bảo vệ mặc đồng phục, hướng dẫn khách chỗ để xe, ra vào.
Điều 6: Tiêu chuẩn, thiết bị đối Trung tâm thương mại:
1. Có ít nhất một Siêu thị và có các của hàng bàn buôn, bán lẻ hàng hoá
trong cùng khuôn viên.
2. Có không gian thông thoáng, an toàn, ánh sáng, âm thanh thuận tiện cho hoạt động kinh doanh của Trung tâm thương mại.
3. Có các diện tích để tự tổ chức hoặc cho thuê để tổ chức các hoạt động kinh doanh, dịch vụ như: Vui chơi, giải chí, thể thao, khách sạn, ngân hàng, bưu điện, văn phòng giao dịch...
4. Có đủ phương tiện, thiết bị và lực lượng tại chỗ phòng chống cháy nổ, giữ gìn chật tự, an toàn cho người, hàng hoá theo quy định.
5. Có khu vệ sinh cho khách sử dụng đủ nước sạch, ánh sáng, thông thoáng, không mùi hôi.
6. Có bãi trông xe cho khách. Có đội ngũ bảo vệ mặc đồng phục, hướng dẫn khách chỗ để xe ra vào.
7. Có các biển hiệu, quảng cáo, biển chỉ dẫn bằng tiếng Việt nam và tiếng nước ngoài theo quy định.
8. Diện tích mặt bằng tối thiểu 1.000m2.
Chương 3:
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ, NGƯỜI PHỤC VỤ TRONG SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI
Điều 7: Trách nhiệm của người quản lý, người phục vụ đối với khách hàng:
1. Đảm bảo kinh doanh hàng đúng chất lượng, nguồn gốc, thời hạn sử dụng được ghi trên nhãn mác.
2. Niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Đối với những mặt hàng Nhà nước quy định giá, phải niêm yết và bán đúng giá Nhà nước quy định.
3. Người phục vụ phải mặc đồng phục. Có thái độ văn minh lịch sự khi giao tiếp với khách hàng.
4. Phải bồi thường cho khách hàng nếu việc kinh doanh, phục vụ gây thiệt hại cho khách hàng.
5. Người làm việc trong Siêu thị, Trung tâm thương mại phải có hợp đồng lao động, trong đó cam kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự theo quy định của pháp luật.
Điều 8: Trách nhiệm của người quản lý Siêu thị, Trung tâm thương mại đối với người phục vụ:
1. Thường xuyên tổ chức huấn luyện, giáo dục cán bộ, nhân viên, người làm thuê (gọi chung là người phục vụ) về nghiệp vụ, chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ khách hàng. Đối với nhân viên bán hàng thực phẩm, phải có đủ sức khoẻ và học tập kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
2. Kịp thời giải quyết những vướng mắc, tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong kinh doanh phục vụ giữa khách hàng và người phục vụ, không để phát sinh thành mâu thuẫn lớn, phức tạp.
3. Bố trí người có trách nhiệm trực tiếp thường xuyên để giải quyết các trường hợp thuộc thẩm quyền của người quản lý.
Điều 9: Trách nhiệm của người quản lý Siêu thị, Trung tâm thương mại đối với các cơ quan chức năng của Nhà nước:
1. Phải chấp hành quy định của UBND thành phố, hướng dẫn của ngành Thương mại đối với việc quản lý Siêu thị, Trung tâm thương mại. Báo cáo tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh định kỳ (hàng tháng, sáu tháng, một năm) với Sở Thương mại Hà Nội theo mẫu quy định.
2. Chịu sự quản lý Nhà nước về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Thương mại; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật.
3. Phải chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm đối với các vi phạm pháp luật xảy ra ở Siêu thị, Trung tâm thương mại do mình quản lý.
Chương 6:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ QUẢN LÝ SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI
Điều 10: Sở Thương mại chịu trách nhiệm:
1. Chủ trì, phối hợp với UBND quận, huyện:
a. Tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra thực hiện Quy chế này.
b. Hướng dẫn, mở lớp tập huấn, bồi dưỡng người quản lý Siêu thị, Trung tâm thương mại thực hiện quy chế.
2. Định kỳ tổng hợp tình hình, báo cáo và đề xuất với UBND Thành phố về việc thực hiện Quy chế.
Điều 11: Các cơ quan sở, ngành: Y tế, Giao thông, Công chính, Văn hoá thông tin, Công an Thành phố, Cục thuế, Chi cục Quản lý Thị trường (thuộc Sở Thương mại) chịu trách nhiệm phối hợp với UBND quận, huyện tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định của ngành đối với các Siêu thị, Trung tâm thương mại ở địa phương; xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm Quy chế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Điều 12: UBND các quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm; Phối hợp, giúp đỡ các cấp các ngành, cơ quan chức năng kiểm tra thực hiện Quy chế này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo thẩm quyền, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, giao thông đô thị trên địa bàn.
Điều 13: Người quản lý Siêu thị, Trung tâm thương mại vi phạm các quy định của Quy chế này sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.
| T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.