ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1407/QĐ-UBND | Hòa Bình, ngày 10 tháng 10 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ VÀ QUY TRÌNH XÉT CHỌN BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ THAY THẾ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29/6/2006;
Căn cứ Quyết định số 3140/QĐ-BYT ngày 30-8-2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone;
Căn cứ Quyết định số 868/QĐ-UBND ngày 04-7-2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2012 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 95/TTr-SYT ngày 01-10-2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Tiêu chí và Quy trình xét chọn bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện (sau đây viết tắt là CDTP) bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Điều 2.
- Giao Sở Y tế thành lập Ban xét chọn bệnh nhân và Nhóm hỗ trợ kỹ thuật điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS.
- Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (gọi chung là cấp huyện) thành lập Ban xét chọn bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone cấp huyện;
- Giao Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) thành lập Ban xét chọn bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone cấp xã.
Điều 3. Ban xét chọn bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Hòa Bình căn cứ Tiêu chí và Quy trình xét chọn bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone để tổ chức xét chọn và phê duyệt danh sách bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone tại các cơ sở điều trị Methadone của tỉnh.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao Sở Y tế hướng dẫn thực hiện.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ VÀ QUY TRÌNH XÉT CHỌN BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ THAY THẾ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1407/QĐ-UBND ngày 10/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)
Phần 1.
NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ XÉT CHỌN BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ METHADONE
I. NGUYÊN TẮC CƠ BẢN XÉT CHỌN BỆNH NHÂN
1. Công bằng, dân chủ, dựa trên tiêu chuẩn bắt buộc và ưu tiên.
2. Bệnh nhân hoàn toàn tự nguyện khi nộp đơn tham gia điều trị.
3. Đảm bảo tính riêng tư, bảo mật, vì quyền lợi của bệnh nhân.
4. Ban xét chọn họp phải có trên 50% thành viên tham gia.
5. Phải có biên bản họp xét chọn (có đủ chữ ký thành viên tham dự).
6. Không hạn chế số lượng bệnh nhân đăng ký tham gia xét chọn.
7. Khi có nhiều bệnh nhân cùng đạt các tiêu chuẩn chọn lựa cùng một lúc thì danh sách bệnh nhân sẽ được xếp thứ tự dựa trên thang điểm ưu tiên như mức độ lệ thuộc, tình trạng nhiễm HIV, phụ nữ mang thai (theo phụ lục tính điểm ưu tiên).
8. Không xét chọn bệnh nhân có đăng ký hộ khẩu tại địa phương nhưng thường xuyên vắng nhà.
9. Không xét chọn nhũng bệnh nhân không có khả năng đến điều trị hàng ngày để uống thuốc.
10. Ban xét chọn có trách nhiệm thông báo lý do không được lựa chọn điều trị cho người đăng ký.
11. Bệnh nhân phải có cam kết của gia đình và có người hỗ trợ trong quá trình điều trị.
12. Các đơn vị, cá nhân tham gia xét chọn bệnh nhân tuyệt đối không nhận quà, tiền bạc hay lợi ích cá nhân khác từ người sử dụng ma túy đăng ký tham gia điều trị hoặc người nhà của họ làm ảnh hưởng tới uy tín của Chương trình.
13. Không quyết định bắt đầu điều trị cho bệnh nhân nếu thấy bệnh nhân không tự nguyện điều trị, bệnh nhân không tham dự một trong 3 buổi giáo dục, tư vấn là: một buổi giáo dục về điều trị bằng thuốc Methadone, một buổi quy trình điều trị và một buổi tư vấn chuẩn bị điều trị.
II. TIÊU CHUẨN XÉT CHỌN BỆNH NHÂN
1. Tiêu chuẩn bắt buộc
a) Người bệnh đang nghiện các chất dạng thuốc phiện (sau đây viết tắt là CDTP) theo tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện CDTP của Bộ Y tế.
b) Từ đủ 18 tuổi trở lên (trường hợp đặc biệt, người từ 16 đến dưới 18 tuổi, phải có người giám hộ theo quy định của pháp luật).
c) Phải có đơn tự nguyện tham gia điều trị bằng Methadone và cam kết tuân thủ điều trị, có xác nhận của UBND xã (phường, thị trấn) nơi cư trú, không có hành vi tội phạm trong thời gian xét chọn vào chương trình.
d) Không có chống chỉ định dùng thuốc Methadone.
đ) Tham dự đủ 3 buổi tư vấn nhóm và tư vấn tuân thủ điều trị, dự phòng tái nghiện.
e) Có hộ khẩu thường trú và nơi cư trú ổn định tại địa phương triển khai chương trình. Trường hợp không có hộ khẩu thường trú nhưng đang tạm trú dài hạn tại tỉnh, phải có người cam kết hỗ trợ chỗ ở và tinh thần để đảm bảo việc uống thuốc hàng ngày tại cơ sở điều trị Methadone.
f) Người có cam kết hỗ trợ của gia đình.
2. Tiêu chuẩn ưu tiên
- Người tham gia tích cực các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
- Người nhiễm HIV/AIDS.
- Phụ nữ mang thai.
- Người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng đường tiêm chích.
- Thời gian nghiện từ 3 năm trở lên.
- Đã cai nghiện, từ bỏ ma túy nhiều lần mà không thành công.
Phần 2.
QUY TRÌNH XÉT CHỌN BỆNH NHÂN ĐIỀU TRỊ METHADONE
I. QUY TRÌNH XÉT CHỌN BỆNH NHÂN
1. Bệnh nhân tự nguyện viết đơn xin tham gia điều trị, nộp cho trạm y tế xã, phường, thị trấn.
2. Trạm y tế tổng hợp danh sách bệnh nhân báo cáo Trưởng ban xét chọn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã).
3. Ban xét chọn bệnh nhân cấp xã họp để lựa chọn bệnh nhân.
4. Trạm y tế xã thông báo cho những bệnh nhân được lựa chọn đến nhận hồ sơ để nộp cho cơ sở điều trị Methadone.
5. Cơ sở điều trị Methadone sau khi tiến hành khám lâm sàng, làm các xét nghiệm, tư vấn và đánh giá ban đầu, tiến hành lựa chọn những bệnh nhân đủ điều kiện tham gia điều trị, trình Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (đối với cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) hoặc Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thành phố (đối với cơ sở điều trị Methadone khác tại các huyện, thành phố) phê duyệt và gửi Ban xét chọn huyện, thành phố (sau đây gọi là cấp huyện).
6. Ban xét chọn cấp huyện căn cứ tiêu chuẩn bệnh nhân, số lượng bệnh nhân để xem xét và quyết định danh sách bệnh nhân sẽ được tham gia điều trị.
7. Cơ sở điều trị Methadone tiến hành cấp thẻ điều trị và khởi liều điều trị cho những bệnh nhân đã được Ban xét chọn cấp huyện thông qua.
II. CÁC QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN
1. Bệnh nhân được sàng lọc để bảo đảm không có các chống chỉ định về dùng thuốc Methadone theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm cả việc sàng lọc về tình trạng nghiện rượu.
2. Những bệnh nhân được đề nghị lên Ban xét chọn cần phải cùng với người hỗ trợ tham dự 3 buổi giáo dục, tư vấn: một buổi giáo dục về điều trị bằng Methadone, một buổi quy trình điều trị và một buổi tư vấn chuẩn bị điều trị. Nếu bệnh nhân không tham dự đầy đủ các buổi này tức là bệnh nhân chưa tuân thủ tốt quy trình điều trị.
3. Bệnh nhân được đề nghị lên Ban xét chọn cần ký vào Bản cam kết; trong đó, bệnh nhân đồng ý sẽ:
- Tự nguyện tham gia điều trị.
- Đến phòng khám nhận và uống thuốc hằng ngày, kể cả ngày nghỉ và lễ tết, và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị Methadone; nội qui, qui chế của cơ sở điều trị Methadone.
- Chỉ nhận thuốc tại một cơ sở điều trị Methadone.
- Khuyến khích bệnh nhân được tham gia chương trình tuyên truyền cho bệnh nhân chưa được tham gia.
4. Hồ sơ bệnh nhân phải chuẩn bị khi đến đăng ký điều trị tại cơ sở Methadone (gồm 02 bộ: Một bộ lưu trữ tại cơ sở điều trị Methadone và một bộ gửi cho Ban xét chọn cấp huyện).
a) Đối với bệnh nhân có hộ khẩu thường trú tại nơi đặt cơ sở điều trị Methadone muốn tham gia điều trị cần có:
- Đơn xin tham gia điều trị (Phụ lục 1).
- Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu (Bản photo công chứng).
- Giấy xác nhận của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện xong Chương trình cai nghiện ma túy mà vẫn tái nghiện (nếu có).
- Biên bản xét chọn bệnh nhân cấp xã (bản photo - Phụ lục 6).
- Giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Phụ lục 3).
- Phiếu thu thập thông tin đề nghị xét duyệt điều trị (Phụ lục 2).
b) Đối với người không có hộ khẩu thường trú tại nơi đặt cơ sở điều trị Methadone muốn tham gia điều trị tại cơ sở đó phải có:
- Đơn tham gia điều trị (Phụ lục 1) phải có xác nhận của UBND cấp xã và ý kiến của UBND huyện nơi bệnh nhân thường trú.
- Chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu có công chứng.
- Giấy xác nhận của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện xong việc cai nghiện tập trung mà vẫn tái nghiện (nếu có).
- Phiếu thu thập thông tin đề nghị xét duyệt điều trị (Phụ lục 2).
Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ xem xét hồ sơ nếu đủ điều kiện tham gia chương trình điều trị sẽ chuyển hồ sơ đến Ban xét chọn cấp huyện của địa phương có cơ sở điều trị gần nơi ở của bệnh nhân.
c) Đối với các trường hợp chuyển đổi cơ sở điều trị:
- Các trường hợp chuyển đổi từ cơ sở điều trị Methadone này sang cơ sở điều trị Methadone khác trong hoặc ngoài tỉnh cần có giấy giới thiệu và bản sao bệnh án của cơ sở đang điều trị gửi Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh để xem xét hồ sơ. Nếu đủ điều kiện, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sẽ giới thiệu chuyển bệnh nhân tới cơ sở điều trị Methadone theo yêu cầu.
- Đối với các trường hợp từ tỉnh khác chuyển đến phải có đầy đủ hồ sơ như trên và kèm theo giấy giới thiệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đó.
5. Nơi nộp hồ sơ xin tham gia điều trị
a) Trạm Y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
b) UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
III. CÁC QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI BAN XÉT CHỌN CÁC CẤP
1. Ban xét chọn cấp xã (xã, phường, thị trấn)
a) Thành phần:
- Trưởng Ban: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã.
- Phó Trưởng ban: Trạm trưởng Trạm Y tế xã.
- Các thành viên:
+ Đại diện Công an xã.
+ Cán bộ phụ trách công tác Văn hóa xã hội.
+ Trưởng xóm, bản, Tổ trưởng dân phố.
b) Nhiệm vụ:
- Căn cứ các quy định đối với bệnh nhân điều trị Methadone để xét chọn người đủ điều kiện tham gia điều trị; lập danh sách bệnh nhân gửi hồ sơ cho cơ sở điều trị Methadone trên địa bàn huyện.
- Khi nhận được kết quả xét duyệt từ cơ sở điều trị Methadone, Ban xét chọn cấp xã thông báo cho những người được xét chọn điều trị đến cơ sở điều trị Methadone để đăng ký điều trị kèm theo giấy hẹn; đồng thời thông báo cho những người không được xét chọn trong đợt này.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định điều trị Methadone của bệnh nhân tại địa phương. Động viên kịp thời đối với bệnh nhân thực hiện tốt hoặc nhắc nhở đối với những bệnh nhân chưa thực hiện nghiêm túc quy định điều trị Methadone.
- Tuyên truyền, vận động các đối tượng nghiện các chất dạng thuốc phiện tham gia Chương trình Methadone.
c) Quy chế làm việc:
- Ban xét chọn cấp xã họp định kỳ mỗi tháng 1 lần.
- Ban xét chọn thảo luận và xem xét hồ sơ của từng bệnh nhân.
- Sau khi thảo luận, Ban xét chọn sẽ quyết định danh sách đủ tiêu chuẩn tham gia Chương trình và gửi hồ sơ cho cơ sở điều trị Methadone.
2. Cơ sở điều trị Methadone
- Bước 1: Đánh giá sàng lọc về chuyên môn đối với người đăng ký lại CSĐT (theo danh sách và hồ sơ của Ban xét chọn cấp xã gửi lên).
- Bước 2: Đánh giá các yếu tố xã hội khác như khả năng liên lạc, động cơ tham gia điều trị, sự quyết tâm điều trị bằng việc chứng tỏ sự sẵn sàng điều trị và có người hỗ trợ điều trị.
- Bước 3: Tổng hợp danh sách bệnh nhân đủ tiêu chuẩn và gửi cho Ban xét chọn huyện, thành phố.
- Bước 4: Trưởng CSĐT và các thành viên khác theo quy định tham gia xét chọn bệnh nhân tại Ban xét chọn huyện, thành phố.
- Bước 5: Tiếp nhận, khám và điều trị cho bệnh nhân đã được Ban xét chọn huyện, thành phố phê duyệt tham gia Chương trình.
2. Ban xét chọn bệnh nhân cấp huyện (huyện, thành phố)
a) Thành phần:
- Trưởng Ban: Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
- Phó Trưởng ban: Trưởng Cơ sở điều trị Methadone.
- Thư ký: Bác sỹ cơ sở điều trị.
- Các thành viên:
+ Công an huyện, thành phố.
+ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thành phố.
+ Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thành phố.
b) Nhiệm vụ của Ban xét chọn cấp huyện:
- Căn cứ tiêu chuẩn bệnh nhân, danh sách và hồ sơ đề nghị của Ban xét chọn cấp xã; kết quả khám sàng lọc của Cơ sở điều trị Methadone; Ban xét chọn cấp huyện quyết định danh sách bệnh nhân được điều trị tại huyện.
- Lập danh sách bệnh nhân được xét chọn, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh (cơ quan thường trực Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS).
- Thông báo kết quả xét chọn (bao gồm bệnh nhân được xét chọn và bệnh nhân không được xét chọn) cho cơ sở điều trị Methadone thực hiện.
c) Quy chế làm việc:
- Ban xét chọn cấp huyện họp định kỳ mỗi tháng 1 lần.
- Ban xét chọn xem xét hồ sơ của từng bệnh nhân, quyết định và thông báo kết quả cho cơ sở điều trị Methadone.
- Ban xét chọn tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh (qua cơ quan thường trực Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) theo quy định.
3. Ban xét chọn bệnh nhân tuyến tỉnh
a) Thành phần
1. Trưởng Ban: Lãnh đạo Sở Y tế.
2. Phó Trưởng Ban: Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS.
3. Các thành viên:
- Đại diện Công an tỉnh.
- Đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh.
- Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Đại diện Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế.
- Bác sỹ CSĐT Methadone thành phố Hòa Bình: Thành viên Thường trực.
b) Nhiệm vụ
- Xét chọn những trường hợp đặc biệt do Ban xét chọn bệnh nhân huyện, thành phố gửi lên.
- Xem xét và quyết định điều chuyển bệnh nhân từ cơ sở điều trị Methadone này sang cơ sở điều trị Methadone khác khi bệnh nhân có đơn xin đổi cơ sở điều trị Methadone.
- Kiểm tra và điều chỉnh các trường hợp 1 bệnh nhân tham gia điều trị tại 2 hoặc nhiều cơ sở điều trị Methadone.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc quản lý bệnh nhân.
c) Quy chế hoạt động
- Ban xét chọn bệnh nhân tuyến tỉnh họp định kỳ hàng quý và đột xuất để đánh giá hoạt động xét chọn bệnh nhân của cơ sở điều trị; xét chọn các trường hợp bệnh nhân đặc biệt do Ban xét chọn huyện, thành phố gửi lên. Điều chuyển bệnh nhân từ cơ sở này sang cơ sở khác.
- Trưởng ban hoặc Phó ban chủ trì cuộc họp.
Phần 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
Là cơ quan thường trực có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và các đơn vị chuyên môn thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo tỉnh về điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone.
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc tuân thủ các quy định về Quy trình xét chọn quy định tại Quyết định này.
2. Cơ sở điều trị Methadone
Triển khai tốt các hoạt động điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone theo quy định của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo tỉnh và Sở Y tế.
3. UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo các ban, ngành liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động xét chọn bệnh nhân; tổ chức quản lý, giám sát, hỗ trợ người bệnh tham gia chương trình; không đưa đi cai nghiện tập trung những trường hợp đủ điều kiện tham gia xét chọn điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone.
- Chủ động phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt các hoạt động điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone theo quy định.
4. UBND các xã, phường, thị trấn
- Giới thiệu người nghiện ma túy tại địa phương hoặc đang cư trú lại địa phương tích cực làm đơn tham gia điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone.
- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại Cơ sở điều trị Methadone.
Trên đây là Quy định Tiêu chí và Quy trình xét chọn bệnh nhân điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, yêu cầu các ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị các ngành, địa phương, cơ sở điều trị Methadone, Ban xét chọn các cấp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.