ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2015/QĐ-UBND | Đà Nẵng, ngày 18 tháng 05 năm 2015 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC, QUẢN LÝ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÔNG TÁC TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 33/2010/QĐ-UBND NGÀY 08 THÁNG 10 NĂM 2010 CỦA UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức;
Căn cứ Thông tư số 19/2014/TT-BNV ngày 04 tháng 12 năm 2014 của Bộ Nội vụ quy định, hướng dẫn công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tổ chức, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng và chế độ trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Đà Nẵng được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ban hành kèm theo Quyết định số 33/2010/QĐ-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2010 của UBND thành phố Đà Nẵng (sau đây viết tắt là Quyết định số 33/2010/QĐ-UBND) như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 2 như sau:
“Điều 2. Đối tượng điều chỉnh
1. Đối tượng
a) Cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan hành chính thuộc thành phố quản lý;
b) Viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến quận, huyện có giao số người làm việc thuộc thành phố quản lý;
c) Đối tượng được tiếp nhận, bố trí công tác theo chính sách thu hút nguồn nhân lực (sau đây viết tắt là đối tượng thu hút), học viên đào tạo theo Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (sau đây viết tắt là học viên Đề án 922) đang công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến quận, huyện thuộc thành phố quản lý; học viên đào tạo theo Đề án tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (sau đây viết tắt là học viên Đề án 89) đang công tác tại phường, xã;
d) Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, xã; cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã; những người hoạt động không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố;
đ) Nhân viên y tế trong biên chế, hợp đồng lao động theo Quyết định số 58/1994/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ đang công tác tại Trạm y tế phường, xã;
e) Người lao động hợp đồng tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến quận, huyện có giao số người làm việc.
2. Ưu tiên cử đi học đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức đang đảm nhiệm hoặc trong quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý;
- Có thành tích xuất sắc trong công tác;
- Đối tượng hưởng chính sách ưu tiên theo quy định hiện hành của Nhà nước.”
2. Bổ sung Điểm d vào Khoản 2, Điều 3 như sau:
“Điều 3. Mục tiêu, nguyên tắc đào tạo, bồi dưỡng
2. Nguyên tắc
d) Công tác đào tạo phải có trọng tâm, trọng điểm, đào tạo có địa chỉ sử dụng theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đảm bảo cơ cấu giới. Ưu tiên đào tạo cho khối sự nghiệp, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục và dịch vụ.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điểm a, b và bổ sung Điểm đ vào Khoản 2 Điều 5 như sau:
“Điều 5. Điều kiện cử đi học
2. Điều kiện cụ thể
a) Cử đi học sau đại học đảm bảo các điều kiện sau:
- Chương trình đào tạo được cử đi học sau đại học: thạc sĩ; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp I; bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp II; bác sĩ nội trú. Trường hợp cử đi học sau đại học đối với chương trình đào tạo tiến sĩ do UBND thành phố quyết định;
- Cán bộ, công chức, viên chức đang đảm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc trong quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý;
- Chỉ cử đi học sau đại học 01 (một) lần và không quá 40 (bốn mươi) tuổi tính từ thời điểm được cử đi học. Trường hợp đặc biệt khác do UBND thành phố quyết định;
- Chuyên ngành cử đi đào tạo sau đại học phải phù hợp với chuyên ngành đào tạo đại học, phù hợp với chức danh, vị trí việc làm đang đảm nhận và thành phố có nhu cầu;
- Có ít nhất 03 (ba) năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 02 (hai) năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
- Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của cơ sở đào tạo;
- Có cam kết tiếp tục công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố sau khi tốt nghiệp ít nhất gấp 03 (ba) lần thời gian đào tạo;
- Có thời gian công tác từ đủ 05 (năm) năm trở lên tính từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức hoặc có quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, bố trí công tác đối với đối tượng thu hút, học viên Đề án 89, ký kết hợp đồng lao động sự nghiệp. Riêng những người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước hoặc người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài được tuyển dụng vào công chức theo quy định tại Điểm a, b, Khoản 1, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức có thời gian công tác từ đủ 03 (ba) năm đến dưới 05 (năm) năm tính từ thời điểm có quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch công chức thì được xem xét cử đào tạo sau đại học.
- Cử đào tạo sau đại học đối với học viên Đề án 922 theo Quy định về việc đào tạo, quản lý và bố trí công tác đối với người được cử đi đào tạo theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2011 của UBND thành phố.
b) Cử đi học đại học và bác sĩ tại các cơ sở đào tạo công lập
Cán bộ, công chức phường, xã được cử đi học đại học; nhân viên y tế đang công tác tại Trạm y tế phường, xã theo Quyết định số 58/1994/QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ được cử đi đào tạo bác sĩ đảm bảo các điều kiện sau:
- Không quá 40 (bốn mươi) tuổi và có thời gian công tác từ đủ 05 (năm) năm trở lên tính từ thời điểm được cử đi học. Trường hợp đặc biệt khác do UBND thành phố quyết định;
- Chuyên ngành cử đi đào tạo phải phù hợp với chức danh chuyên môn, tiêu chuẩn, vị trí đang đảm nhận theo quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố có nhu cầu;
- Có ít nhất 03 (ba) năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;
- Có cam kết tiếp tục công tác tại phường, xã và Trạm y tế phường, xã thuộc thành phố sau khi tốt nghiệp ít nhất gấp 03 (ba) lần thời gian đào tạo;
- Đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của cơ sở đào tạo.
đ) Các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 18 Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức được cử đi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm được Thường trực Thành ủy, UBND thành phố phê duyệt.”
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Cơ quan có thẩm quyền cử cán bộ, công chức, viên chức đi học
1. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý
a) Cán bộ thuộc khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể: Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức thẩm định và báo cáo Thường trực Thành ủy quyết định cử đi học;
b) Cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối Chính quyền: Sở Nội vụ tổ chức thẩm định, trình Chủ tịch UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy. Sau khi có ý kiến đồng ý của Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố quyết định cử đi học.
2. Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố quản lý cử đi học các chương trình lý luận chính trị: Thực hiện theo phân cấp của Ban Thường vụ Thành ủy.
3. Cán bộ, công chức, viên chức cử đi học ở nước ngoài (trừ học viên đào tạo theo Đề án 922) do UBND thành phố quyết định cử đi học theo quy định của Nhà nước.
4. Thẩm quyền quyết định cử đi học sau đại học
a) Chủ tịch UBND thành phố quyết định cử đi học sau đại học:
- Công chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm, trừ các đối tượng theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều này;
- Công chức xếp ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương; viên chức xếp hạng chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương.
b) Giám đốc Sở Nội vụ quyết định cử đi học sau đại học:
- Cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính; viên chức lãnh đạo, quản lý do Chủ tịch UBND thành phố bổ nhiệm (trừ các đối tượng do Chủ tịch UBND thành phố quyết định cử đi học);
- Đối tượng thu hút, học viên Đề án 89.
c) Giám đốc sở và tương đương, chủ tịch UBND quận, huyện, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố quyết định cử đi học sau đại học đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý (trừ các đối tượng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND thành phố và Giám đốc Sở Nội vụ) hoặc phân cấp cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp quyết định cử đi học sau đại học đối với các đối tượng đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
5. Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm được Thường trực Thành ủy, UBND thành phố phê duyệt do Ban Tổ chức Thành ủy hoặc Sở Nội vụ quyết định cử đi học theo phân cấp quản lý”.
5. Bổ sung Khoản 3 vào Điều 9 như sau:
“Điều 9. Trách nhiệm vật chất
3. Cách tính bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng
a) Đối với cán bộ, công chức và các đối tượng đang công tác tại cơ quan hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
b) Đối với viên chức và các đối tượng đang công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25 tháng 12 năm 2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức.”
6. Sửa đổi Khoản 1, Khoản 4 và bổ sung các Khoản 5, Khoản 6 vào Điều 10 như sau:
“Điều 10. Chế độ trợ cấp đi học
1. Cán bộ công chức đang công tác tại các cơ quan hành chính thuộc thành phố quản lý được cơ quan có thẩm quyền cử đi học sau đại học; cán bộ, công chức phường, xã cử đi học đại học; nhân viên y tế đang công tác tại Trạm y tế phường xã cử đi học bác sĩ tại các cơ sở đào tạo ở trong và ngoài thành phố được trợ cấp như sau:
a) Các khoản chi phí học tập
- Học phí, lệ phí thi tốt nghiệp.
- Tài liệu, giáo trình chính phục vụ học tập do cơ sở đào tạo cung cấp, đảm bảo đầy đủ chứng từ, hoá đơn hợp lệ theo quy định của Bộ Tài chính. Mức thanh toán tiền tài liệu cao nhất cho một khoá đào tạo như sau:
+ Tiến Sĩ: 8.000.000đồng
+ Bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II: 6.000.000 đồng
+ Thạc sĩ, bác sĩ nội trú: 4.000.000 đông
+ Bác sĩ chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp I: 3.000.000 đông
+ Đại học, bác sĩ: 2.000.000 đồng
b) Các khoản chi phí tàu xe, ăn, ở:
Đi học đại học, sau đại học tại các cơ sở đào tạo ngoài thành phố Đà Nẵng được trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn, sinh hoạt phí, thuê nhà ở.
- Tiền tàu xe: Được trợ cấp tiền tàu, xe lượt đi và lượt về cho mỗi kỳ tập trung học tập (một năm được thanh toán tối đa không quá 02 kỳ). Chế độ thanh toán tiền tàu, xe theo quy định hiện hành của Nhà nước;
- Tiền ăn và sinh hoạt phí: Được thanh toán bằng 30% mức phụ cấp lưu trú theo quy định tại Khoản 3, Điều 2 Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính.
- Tiền thuê nhà ở: Đi học tại các cơ sở đào tạo ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh: 700.000 đồng/người/tháng; đi học tại các tỉnh, thành phố còn lại: 500.000 đồng/người/tháng.
c) Trợ cấp tốt nghiệp:
Sau khi tốt nghiệp (có bằng tốt nghiệp chính thức) được trợ cấp một lần như sau:
- Tiến sĩ: 15.000.000 đồng
- Bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II: 10.000.000 đồng
- Thạc sĩ, bác sĩ nội trú: 8.000.000 đồng
- Bác sĩ chuyên khoa cấp I, dược sĩ chuyên khoa cấp I: 6.000.000 đồng.”
4. Đối với các đối tượng được cử đi học lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý; bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ chuyên ngành... trong thành phố Đà Nẵng có thời gian từ 01 tháng trở lên do UBND thành phố quyết định việc giải quyết chế độ trợ cấp đi học tại Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.
5. Viên chức, đối tượng thu hút đang công tác tại đơn vị sự nghiệp trong hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến quận, huyện thuộc thành phố quản lý; đối tượng thu hút, học viên Đề án 89 đang công tác tại phường, xã sắp xếp thời gian hợp lý, chuyên ngành cử đi đào tạo phù hợp với chức danh, vị trí việc làm đang đảm nhận, đảm bảo điều kiện cử đi học theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định này và được cơ quan có thẩm quyền cử đi học hoặc được thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định cử đi học sau đại học theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Quyết định này, kinh phí đi học thực hiện như sau:
a) Cá nhân tự đảm bảo kinh phí;
b) Bằng học bổng hoặc đảm bảo bằng các nguồn tài trợ khác;
c) Kinh phí của đơn vị sự nghiệp công lập;
6. Trường hợp cử đi học đại học, sau đại học tại các cơ sở đào tạo ngoài công lập, mức học phí được trợ cấp theo mức học phí của cơ sở đào tạo công lập.”
7. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:
“Điều 18. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm
1. Tạo điều kiện các đối tượng trong cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng.
2. Lập thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cử đi học đối với các đối tượng thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ quyết định cử đi học sau đại học.
3. Căn cứ quyết định cử đi học của cơ quan có thẩm quyền để lập thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp đối với các đối tượng được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Quyết định số 33/2010/QĐ-UBND ; thực hiện chế độ chính sách về đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức.”
9. Sửa đổi Khoản 3 và bổ sung Khoản 4 vào Điều 19 như sau:
“Điều 19. Sở Tài chính có trách nhiệm
3. Trên cơ sở quyết định cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Quyết định này, tổ chức thẩm định hồ sơ, lập thủ tục cấp kinh phí trợ cấp đi học của cán bộ, công chức, viên chức do các cơ quan, đơn vị đề nghị theo quy định.
4. Căn cứ Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm được Thường trực Thành ủy và UBND thành phố phê duyệt, thực hiện thẩm định và phân bổ kinh phí trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị để tổ chức lớp học theo kế hoạch; đồng thời theo dõi, kiểm tra và quyết toán kinh phí kịp thời, đúng quy định.”
9. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2, 3 và bổ sung Khoản 4 vào Điều 20 như sau:
“Điều 20. Sở Nội vụ có trách nhiệm
2. Tham mưu UBND thành phố về hướng dẫn quy trình tổ chức lớp học và chế độ báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng hàng năm đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các cơ quan, đơn vị tổ chức từ kinh phí của ngân sách, kinh phí của cơ quan, đơn vị hoặc nguồn kinh phí khác; ban hành biện pháp chế tài đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng vi phạm các quy định về đào tạo, bồi dưỡng;
3. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thẩm định các chương trình, tài liệu có thời gian bồi dưỡng từ 03 (ba) ngày trở xuống để trình UBND thành phố phê duyệt theo quy định;
4. Theo dõi, kiểm tra, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng thuộc thẩm quyền theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm được Thường trực Thành ủy và UBND thành phố phê duyệt.”
10. Bổ sung Điều 21 như sau:
“Điều 21. Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có trách nhiệm
1. Chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy, Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao hàng năm để trình Thường trực Thành ủy, UBND thành phố phê duyệt.
2. Thực hiện việc cấp, quản lý và quyết toán kinh phí đối với các đối tượng được cử đi đào tạo theo Đề án 922 theo quy định;
3. Tổ chức, theo dõi, quản lý các lớp bồi dưỡng ngắn hạn chất lượng cao và báo cáo kết quả bồi dưỡng theo quy định.”
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND thành phố, giám đốc các sở: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố; Chủ tịch UBND quận, huyện và phường, xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.