ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1398/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 07 tháng 5 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CÁC SẢN PHẨM CHỦ YẾU CHẾ BIẾN TỪ NÔNG, LÂM, THỦY SẢN VÀ CÁC NGÀNH DỊCH VỤ XUẤT KHẨU TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 1386/QĐ-CTUBND ngày 09/7/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản và các ngành dịch vụ xuất khẩu tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 28/TTr-SCT ngày 04/4/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ yếu chế biến từ nông, lâm, thủy sản và các ngành dịch vụ xuất khẩu tỉnh Bình Định đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm
- Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm chủ lực, tập trung nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản xuất khẩu và các ngành dịch vụ xuất nhập khẩu mà tỉnh có lợi thế theo tín hiệu và yêu cầu của thị trường.
- Áp dụng đồng bộ các giải pháp và phát huy tối đa nội lực, đồng thời tích cực thu hút các nguồn lực bên ngoài tham gia sản xuất, chế biến và nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản và các ngành dịch vụ xuất khẩu của tỉnh.
- Gắn việc nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tăng trưởng kinh tế và đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của địa phương, vùng và cả nước.
2. Mục tiêu
a. Mục tiêu chung
- Phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản tỉnh Bình Định đến năm 2020 với tốc độ tăng trưởng cao, hiệu quả và bền vững; trên cơ sở đầu tư đổi mới, đầu tư chiều sâu máy móc, trang thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
- Phát triển các yếu tố tạo nền tảng cho tăng năng suất nhanh, bền vững thông qua nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và tăng cường cải cách hành chính.
- Phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững.
b. Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2015, phấn đấu KNXK các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản đạt 540 triệu USD, chiếm 77,1% KNXK toàn tỉnh. Trong đó, mặt hàng nông sản chiếm 19,6%, lâm sản chiếm 46,4% và thủy sản chiếm 11,1%.
Đến năm 2020, phấn đấu KNXK các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản đạt 736 triệu USD, chiếm 81,8% KNXK toàn tỉnh. Trong đó, mặt hàng nông sản chiếm 16,7%, lâm sản chiếm 51,1%, thủy sản chiếm 14%.
Giai đoạn 2011 - 2015, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,3%/năm.
Phát triển các ngành dịch vụ xuất khẩu: Giai đoạn 2011 - 2015 đạt tốc độ tăng trưởng 7,8 - 8,5%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt tốc độ tăng trưởng 8,0 - 8,5%/năm.
3. Định hướng phát triển sản phẩm
Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng tập trung, tạo nguồn nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, trên cơ sở thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng nguyên liệu cung cấp đủ cho các nhà máy chế biến.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, trong đó chú trọng khâu bảo quản, chế biến các loại nông sản, thủy sản để sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế; xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hóa, đầu tư công tác thiết kế mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm …
a. Nhóm, mặt hàng chế biến từ nông sản
Giai đoạn 2011 - 2020, nhóm hàng nông sản ước thực hiện 1.389,4 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 6,3%/năm. Gồm các mặt hàng chủ yếu như:
- Mặt hàng Gạo: Đến năm 2015, đạt giá trị ước 36 triệu USD; đến năm 2020, đạt giá trị 54 triệu USD;
- Sắn các loại: Đến năm 2015, giá trị ước đạt 100 triệu USD; đến năm 2020, giá trị 95 triệu USD;
Các mặt hàng khác chế biến từ nông sản, tùy theo tình hình nhu cầu thị trường mà kế hoạch sản xuất chế biến các sản phẩm xuất khẩu phù hợp.
b. Nhóm, mặt hàng chế biến từ lâm sản
Giai đoạn 2011 - 2020, nhóm hàng lâm sản ước thực hiện 3,498 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 5,1%/năm. Gồm các mặt hàng chủ yếu như:
- Gỗ tinh chế: Đến năm 2015, giá trị 325 triệu USD. Đến năm 2020, giá trị 460 triệu USD.
- Dăm gỗ, bột giấy: Đến năm 2015, giá trị 80 triệu USD. Đến năm 2020, giá trị 80 triệu USD.
- Hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ, mây, tre nứa: Trước mắt tập trung ổn định và phát triển quy mô sản xuất phù hợp với nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch. Thời gian đến, tính toán các nguồn lực để có kế hoạch đầu tư đổi mới một số thiết bị tiên tiến phù hợp với công nghệ sản xuất như sấy gỗ, sơn cao cấp …
c. Sản phẩm chế biến từ thủy sản
Giai đoạn 2011 - 2020, nhóm hàng thủy sản ước thực hiện 797 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 14%/năm. Gồm các mặt hàng chủ yếu như: Tôm đông lạnh; cá các loại như: cá ngừ đại dương, cá phi lê, cá hộp, ...
+ Đến năm 2015, xuất khẩu tôm, số lượng 8.000 tấn, giá trị 42 triệu USD; Cá các loại, số lượng 7.000 tấn, giá trị 34 triệu USD, còn lại là các mặt hàng thủy sản khác.
+ Đến năm 2020, xuất khẩu tôm, số lượng 12.000 tấn, giá trị 58 triệu USD; Cá các loại, số lượng 10.000 tấn, giá trị 66,6 triệu USD, còn lại là các mặt hàng thủy sản khác.
4. Định hướng phát triển thị trường
Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giữ vững thị trường truyền thống, tập trung thị trường trọng điểm, củng cố, mở rộng thị trường hiện có, khai thác thị trường mới như Châu Phi, Tây Á, Nam Mỹ và đẩy mạnh các chương trình hợp tác đầu tư với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia tạo nguồn nguyên liệu sản xuất chế biến hàng xuất khẩu.
Đẩy mạnh thiết kế mẫu mã, nhãn mác sản phẩm, đăng ký sở hữu nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu và đăng ký với các thị trường xuất khẩu; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia; ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh; quảng bá sản phẩm, doanh nghiệp trên các cổng thông tin quốc gia, của tỉnh; áp dụng các phương thức kinh doanh tiên tiến … tạo cơ hội tập trung xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và trọng điểm, như thị trường EU, thị trường các nước Đông Á và ASEAN, thị trường các nước Bắc Mỹ, thị trường Châu Đại Dương, thị trường Liên bang Nga, các nước SNG và Đông Âu, thị Trường Châu Phi.
5. Phát triển ngành dịch vụ xuất khẩu
a. Định hướng phát triển chung
Phát triển ngành dịch vụ xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa; tập trung nguồn lực, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng và lợi thế, các ngành có hàm lượng khoa học và công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng cao, làm cơ sở cho sự phát triển chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế.
Đẩy mạnh dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, liên kết phát triển hệ thống phân phối các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dịch vụ của tỉnh, liên kết hình thành một số trung tâm dịch vụ đặc biệt là các trung tâm dịch vụ logistics có quy mô và có sức cạnh tranh trong khu vực.
b. Các ngành dịch vụ xuất khẩu
Đến năm 2020 Bình Định cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, do vậy từ nay đến năm 2016 và đến năm 2020 cần phát triển toàn diện và phát huy hiệu quả các ngành dịch vụ sau:
- Dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông: Được xem là nòng cốt, làm tiền đề cho quá trình hội nhập quốc tế và trở thành một trong những điểm tựa quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Bình Định trở thành tỉnh có trình độ tiên tiến về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin.
- Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: Hình thành các dự án, chương trình phát triển các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh theo hướng cải thiện và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực, thị trường và các loại hình dịch vụ.
- Dịch vụ logistics: Xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics theo Quyết định số 07/2011/QĐ-TTg ngày 25/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, xem dịch vụ logistics là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển sản xuất, hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Hình thành dịch vụ trọn gói 3PL (integrated 3PL); phát triển logistics điện tử cùng với thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả và thân thiện; phát triển hợp lý các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không; xây dựng chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hàng xuất nhập khẩu.
- Phát triển nguồn nhân lực: Đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nông, lâm, thủy sản, cho các dịch vụ khoa học công nghệ.
- Đẩy mạnh liên kết phát triển và tăng cường quản lý nhà nước: Đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn được tổ chức và phân phối thông suốt trên phạm vi cả nước, có đủ nguồn lực, cơ chế chính sách giải quyết kịp thời các biến động của thị trường về quan hệ cung - cầu, giá cả hàng hóa và dịch vụ …
6. Các giải pháp chủ yếu nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu
- Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu, gồm: Giải pháp đối với nhóm hàng nông sản; giải pháp đối với nhóm hàng lâm sản; giải pháp đối với thủy sản; giải pháp sức cạnh tranh các dịch vụ xuất khẩu.
- Tập trung xây dựng 4 chương trình trọng tâm, gồm: Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng xuất khẩu chủ lực; Chương trình hỗ trợ công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu chủ lực; Chương trình cải cách hành chính và phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu hàng chủ lực; Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng chủ lực.
Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung như đã nêu trong Đề án; định kỳ tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện cho UBND tỉnh để theo dõi chỉ đạo.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.