UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1392 /QĐ-UBND | Tam Kỳ, ngày 07 tháng 5 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ: 28/2005/NQ-HĐND NGÀY 6/5/2005 CỦA HĐND TỈNH VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MIỀN NÚI VÀ PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Nghị quyết số: 28/2002/NQ-HĐND ngày 6/5/2005 của HĐND tỉnh về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục miền núi và Phổ cập Giáo dục Trung học cơ sở;
Căn cứ Công văn số 43/TTHĐ-VP, ngày 10/4/2007 của Thường trực HĐND tỉnh về việc phúc đáp Tờ trình số 776 ngày 30/3/2007 của UBND tỉnh;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục & Đào tạo tại Tờ trình số 781/TTr-SGD&ĐT ngày 02/5/2007 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 28/2005/NQ-HĐND ngày 6/5/2005 của HĐND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số: 28/2005/NQ-HĐND ngày 6/5/2005 của HĐND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục miền núi và Phổ cập Giáo dục Trung học cơ sở;
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 28/2005/NQ-HĐND NGÀY 06/5/2005 CỦA HĐND TỈNH VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC, PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MIỀN NÚI VÀ PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1392 /QĐ-UBND ngày 07 /5/2007 của UBND tỉnh)
Ngày 06 tháng 5 năm 2005, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 28/2005/NQ-HĐND về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục miền núi và Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở (gọi tắt là NQ/28/2005), với quan điểm định hướng chung là:
1. Tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, phát huy tiềm năng, trí tuệ và vật chất trong nhân dân, vận động toàn xã hội cùng chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo điều kiện cho các vùng khác nhau, các tầng lớp xã hội có cơ hội bình đẳng trong học tập và ngày càng tốt hơn.
2. Trên cơ sở thực hiện xã hội hóa, tăng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình mục tiêu, huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Có chính sách hỗ trợ cho giáo dục ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách.
3. Xây dựng lộ trình và cơ chế hợp lý, thực hiện thí điểm ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, từng bước chuyển phần lớn các cơ sở giáo dục công lập sang loại hình ngoài công lập theo hướng dẫn lập hoặc tư thục, tiến tới không duy trì loại hình trường bán công, xóa tâm lý phân biệt giữa trường công lập và tư thục.
4. Chỉ tiêu định hướng:
a. Tăng dần tỷ lệ học sinh ngoài công lập ở các cấp học. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 21/2001/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (gọi tắt là NQ/21/2001) về phát triển các loại hình trường Mầm non. Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ học sinh ngoài công lập cấp Trung học phổ thông là 50%, Trung học chuyên nghiệp là 50% và các trường dạy nghề là 70%.
b. Đến cuối năm 2007, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, tiến tới phổ cập giáo dục bậc Trung học ở những địa phương có điều kiện; xóa phòng tạm, đảm bảo đủ phòng học, nhà công vụ giáo viên và nhà nội trú cho học sinh miền núi.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, trong thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, các ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/2005/NQ-HĐND đạt được một số kết quả nhất định.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 28/2005/NQ-HĐND ngày 6/5/2005 của HĐND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục miền núi và phổ cập giáo dục Trung học cơ sở đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu trong thời gian đến, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết, với các nội dung cơ bản sau:
A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN
NGHỊ QUYẾT 28/2005/NQ-HĐND NĂM 2006.
I. Về công tác xã hội hóa giáo dục.
1. Về huy động nhân lực, vật lực tham gia xã hội hóa giáo dục
Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể. Việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Ngân sách tỉnh dành chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo hằng năm đều chiếm hơn 30% tổng chi ngân sách trên địa bàn tỉnh (riêng năm 2004, đã dành trên 40%). Chủ trương xã hội hoá giáo dục được nhân dân hưởng ứng. Do vậy, sự nghiệp giáo dục của tỉnh có những bước chuyển biến tích cực và đúng hướng, chất lượng dạy và học đã từng bước được nâng lên.
Trong năm 2005 và 2006, nhiều địa phương của tỉnh đã huy động nhân lực, vật lực để phát triển giáo dục. Nhiều huyện, thị đã chú ý đầu tư nhiều cho việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia như Đại Lộc, Điện Bàn, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Thăng Bình... Một số huyện miền núi chú trọng việc xây dựng trường bán trú để tạo điều kiện cho học sinh ở xa trường, ngoài ngân sách của tỉnh, còn trích thêm ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí vận động khác để hỗ trợ cho việc ăn ở và học tập của học sinh như Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn.
Tuy vậy, do điều kiện kinh tế - xã hội nhiều địa phương (nhất là các huyện miền núi) còn gặp nhiều khó khăn nên việc vận động các lực lượng xã hội tham gia công tác xã hội hóa giáo dục còn một số hạn chế.
2. Về loại hình trường lớp.
Tính đến đầu năm học 2006-2007 các loại hình trường hiện có, cụ thể như sau:
Loại hình | Năm học 2006-2007 | |||
Tổng cộng | Công lập | Ngoài công lập | ||
SL (BC+TT) | Tỷ lệ % | |||
- Nhà trẻ | 0 | 0 | 0 | 0 |
- Mẫu giáo | 157 | 56 | 100 + 1 | 64,3% |
- Mầm non | 46 | 14 | 26 + 6 | 69,4% |
- Tiểu học | 266 | 266 | 0 | 0 |
- PTCS | 21 | 21 | 0 | 0 |
- THCS | 189 | 189 | 0 | 0 |
- PT cấp 2-3 | 1 | 1 | 0 | 0 |
- THPT | 42 | 32 | 8 + 2 | 23,8% |
Tổng cộng | 722 | 579 | 143 | 19,8% |
Ghi chú: Trường bán công không phải là trường ngoài công lập vì NQ 05/CP, Luật giáo dục 2005, NĐ 75/2006/NĐ-CP quy định không có loại hình này. Ở đây tạm tính trường bán công là trường ngoài công lập.
Số liệu thống kê trên cho thấy, loại hình trường ngoài công lập ở mầm non và THPT chủ yếu là loại hình trường bán công, còn loại hình trường tư thục đang chiếm một tỷ lệ rất thấp. Việc chuyển đổi loại hình trường bán công ở 2 cấp học trên sang loại hình trường dân lập, tư thục đang còn nhiều lúng túng, chưa có một cơ chế phù hợp nên quá trình chuyển đổi gần như chưa thực hiện được. Việc khuyến khích các nhà đầu tư mở các trường tư thục chất lượng cao ở cấp tiểu học và THCS và việc phát triển mới các trường THPT tư thục tuy NQ 28 có đề ra nhưng chưa thực hiện được.
3. Việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với tiểu học.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo là: khuyến khích ở những nơi có điều kiện thì tích cực tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và theo tinh thần NQ 28 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị trong ngành bằng mọi biện pháp tích cực nhất tạo mọi điều kiện về CSVC, đội ngũ GV đẩy nhanh tiến độ chuyển trường tiểu học tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày. Đến cuối năm 2006 đạt được kết quả như sau:
+ Số trường học 10 buổi/tuần tất cả h/sinh: 40 - (663 lớp; 19.188 hs).
+ Số trường học 7 đến 8 buổi/tuần : 125 - (1637 lớp; (44.011 hs).
+ Số trường dạy 2 buổi/ngày có tổ chức bán trú: 43 - (243 lớp; 7.177 hs).
Số trường tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày chủ yếu ở thành phố, thị xã, thị trấn, khu vực đồng bằng, nông thôn có điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội, chiếm hơn 50% học sinh.
Theo QĐ số 64/2001/QĐ-UB ngày 28/12/2001 của UBND tỉnh thì mức thu học phí cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày là không quá 40.000đ/học sinh/ tháng và trong thực tế hiện nay mức thu này là 10.000đ đến 40.000đ/học sinh/tháng.
Chất lượng học sinh học 2 buổi/ngày nhìn chung có cao hơn và toàn diện hơn so với học 1 buổi/ngày.
4. Việc thành lập, tổ chức hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng.
Hiện đã có 120/233 trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn trong tỉnh được thành lập và đã đi vào hoạt động, đạt tỉ lệ 52%. Nội dung học và đối tượng học của loại hình nầy rất đa dạng và phong phú. Số lượng người học có khoảng từ 20.000 đến 25.000 người tham gia hàng năm, tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn và miền núi.
Tuy vậy, do Trung ương chưa ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm này nên nhiều địa phương còn lúng túng, hoạt động chưa đều, chất lượng chưa cao, chưa thể đánh giá được hiệu quả một cách rõ ràng.
II. Về phát triển giáo dục miền núi.
Trong những năm qua, giáo dục miền núi đã được nhiều cấp nhiều ngành quan tâm, nhiều chính sách ưu tiên để phát triển giáo dục miền núi được thực hiện tương đối tốt. Việc xây dựng các chế độ chính sách cho công tác phổ cập giáo dục ở miền núi đã được chú trọng. Kinh phí chương trình mục tiêu, vốn chương trình kiên cố hóa trường học, vốn xây dựng cơ bản tập trung và vốn từ các dự án trong và ngoài nước đều tập trung ưu tiên cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn của tỉnh. Do vậy, nếu ở năm học 2004-2005 các huyện miền núi còn 478 phòng học tạm thì đến nay chỉ còn 437 phòng. Đã xây dựng mới hơn 200 nhà công vụ cho giáo viên (với số vốn 11 tỷ đồng). Tỉnh đã xây dựng và ban hành cơ chế hỗ trợ vật chất cho các học sinh là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn theo học các lớp chính qui và không chính qui. Tăng cường xây dựng các trường bán trú cụm xã, trường nội trú dân tộc huyện. UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT và các địa phương kể từ năm học 2005-2006 thực hiện tốt việc hỗ trợ với mức 70.000đồng/hs/tháng cho các em học sinh THCS là người dân tộc thiểu số nội trú do điều kiện kinh tế khó khăn, nhà ở xa trường. Ngoài những nguồn hỗ trợ của tỉnh, từng huyện cũng đã có hỗ trợ kinh phí cho công tác này.
Để nâng cao chất lượng giáo dục ở miền núi, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo cho các cơ sở giáo dục tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, từng bước kiện toàn và tăng cường cơ sở vật chất dạy - học, xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia; phát triển thêm các trường THCS bán trú cụm xã, tạo điều kiện cho các em học sinh dân tộc thiểu số đi học.
Ở miền núi, do địa bàn rộng và phức tạp, mật độ dân cư thấp, việc đi lại của học sinh gặp nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất cho giáo dục miền núi tuy có chú trọng nhưng còn nhiều hạn chế, vì vậy nhiều trường tiểu học đã phải tổ chức dạy và học lớp ghép. Lớp ghép là đặc thù của địa bàn miền núi, là giải pháp tình thế có hiệu quả đối với địa bàn khó khăn vùng sâu, vùng xa của tỉnh để huy động hết số trẻ trong độ tuổi tiểu học ra lớp, tạo điều kiện để từng bước thực hiện PCGDTH ĐĐT trên địa bàn toàn tỉnh.
Ở năm học 2006-2007: có 13/17 huyện với 89 trường, 464 lớp và 7149 học sinh theo học các lớp ghép. Chất lượng các lớp ghép nhìn chung còn thấp so với lớp đơn.
Về đội ngũ giáo viên miền núi: Nhìn chung trình độ đào tạo giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn ở 4 cấp học đạt tỷ lệ bình quân trên 95%, cao nhất là bậc THCS và THPT đạt 98% trở lên.
+ Mặc dù được đào tạo cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ nhưng năng lực và kinh nghiệm giảng dạy của đa số cán bộ quản lý giáo dục và số giáo viên có phần hạn chế vì lý do:
- Địa bàn miền núi xa xôi hẻo lánh nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc trao đổi học tập kinh nghiệm để nâng cao năng lực chuyên môn. Cụ thể là:
- Ở Khối Trung học: Do mỗi huyện chỉ có một trường THPT và trường THCS ở mỗi xã thường có quy mô nhỏ, số lượng học sinh ít, do đó đội ngũ giáo viên ở từng bộ môn ít, dẫn đến không học tập lẫn nhau được, phần đông mới ra trường nên thường non yếu về kinh nghiệm. Người địa phương ít, phải chi viện từ đồng bằng nên không ổn định.
- Ở Khối Tiểu học, Mầm non: Chủ yếu là đào tạo chuẩn hoá theo hệ tại chức, từ xa do vậy về năng lực chuyên môn có hạn chế, dẫn đến năng lực giảng dạy chưa đạt hiệu quả cao.
+ Việc luân chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng để hợp lý hóa gia đình trong 10 năm qua đã chuyển được 618 giáo viên (mầm non: 20, tiểu học: 257, THCS: 275, THPT: 66). Tuy vậy đến nay vẫn còn 330 giáo viên (mầm non: 50, tiểu học: 113, THCS: 123, THPT: 44) có nguyện vọng thuyên chuyển về vùng đồng bằng nhưng chưa giải quyết được.
III. Về phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS).
1. Quá trình thực hiện mục tiêu PCGDTHCS từ năm 2002 đến 2006
Nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả công tác PCGDTHCS, đối với cấp học THCS, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT tích cực tham mưu cho các cấp chính quyền về quy hoạch mạng lưới trường lớp, kiên cố hoá trường học, xây dựng các trường nội trú cụm xã, đầu tư mua sắm các trang thiết bị dạy học, chú ý đến việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Từng bước chuẩn hoá và nâng chuẩn đội ngũ, giải quyết cơ bản được tình trạng thiếu giáo viên đối với các huyện miền núi, ban hành các chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số.
Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết về công tác PCGDTHCS nhằm đánh giá kết quả thực hiện PCGDTHCS đồng thời tìm ra các giải pháp phù hợp cho công tác PCGD tại các huyện miền núi, trung du còn gặp nhiều khó khăn; hướng dẫn kỹ thuật cho các huyện trong việc xử lí số liệu PCGDTHCS.
Nhờ tích cực củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ (PCGDTH-CMC) và đẩy nhanh tiến độ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH ĐĐT), tỉnh Quảng Nam được Chính phủ công nhận là đơn vị đạt chuẩn quốc gia về PCGDTH-CMC năm 1997. Trong thời gian qua, công tác PCGDTH-CMC vẫn tiếp tục tăng cường thực hiện, duy trì và nâng cao các tỉ lệ đạt được, tiến hành thực hiện PCGDTH ĐĐT. Quy hoạch mạng lưới trường lớp, mở rộng mô hình giáo dục, nâng cao chất lượng toàn diện. Đến năm 2006 toàn tỉnh có 13/17 huyện, thị, thành phố với 227/233 xã, phường, thị trấn hoàn thành PCGDTH ĐĐT (các huyện chưa đạt là: Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Phước Sơn), tạo cơ sở bền vững thực hiện PCGDTHCS.
2. Kết quả đạt được:
(Tính đến thời điểm tháng 12 năm 2006)
TT | Huyện, thị | Tổng số xã | Số xã đạt chuẩn từng thời điểm | Huyện đã đạt chuẩn năm | |||||
2002 | 2003 | 2004 | 2005 | 2006 | Năm dự kiến đạt chuẩn | ||||
I | Đồng bằng |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tam Kỳ | 13 | 8 | 12 | 12 | 13 | 13 |
| 2003 |
2 | Hội An | 13 | 6 | 11 | 13 | 13 | 13 |
| 2003 |
3 | Điện Bàn | 20 | 12 | 16 | 16 | 20 | 20 |
| 2003 |
4 | Đại Lộc | 17 | 15 | 15 | 16 | 16 | 17 |
| 2002 |
5 | Quế Sơn | 18 | 10 | 12 | 18 | 18 | 18 |
| 2004 |
6 | Duy Xuyên | 14 | 10 | 12 | 14 | 14 | 14 |
| 2004 |
7 | Thăng Bình | 21 | 14 | 14 | 21 | 21 | 21 |
| 2004 |
8 | Phú Ninh | 10 | 8 | 8 | 9 | 10 | 10 |
| 2004 |
9 | Núi Thành | 17 | 4 | 10 | 14 | 16 | 17 |
| 2004 |
| Cộng | 143 | 87 | 110 | 133 | 141 | 143 |
|
|
II | Trung du |
|
|
|
|
|
|
|
|
10 | Tiên Phước | 15 | 0 | 2 | 5 | 11 | 15 |
| 2006 |
11 | Hiệp Đức | 12 | 1 | 4 | 7 | 9 | 11 |
| 2006 |
| Cộng | 27 | 1 | 6 | 12 | 20 | 26 |
|
|
III | Miền Núi |
|
|
|
|
|
|
|
|
12 | Bắc Trà My | 12 | 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 2008 |
|
13 | Nam Trà My | 10 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 2009 |
|
14 | Phước Sơn | 11 | 0 | 0 | 0 | 1 | 1 | 2007 |
|
15 | Nam Giang | 9 | 0 | 0 | 0 | 1 | 9 |
| 2006 |
16 | Đông Giang | 11 | 0 | 0 | 0 | 0 | 1 | 2007 |
|
17 | Tây Giang | 10 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 2008 |
|
| Cộng | 63 | 0 | 1 | 2 | 5 | 15 |
|
|
| Toàn tỉnh | 233 | 88 | 117 | 147 | 166 | 184 |
|
|
Kết quả ở trên cho thấy: Công tác PCGDTHCS theo tinh thần NQ 50, NQ 28 và các văn bản hướng dẫn khác đã được các địa phương triển khai thực hiện với các mức độ khác nhau. Tuy vậy, do điều kiện khó khăn của một số huyện miền núi nên công tác PCGDTHCS đến nay vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Như vậy, tỉnh Quảng Nam chưa thể hoàn thành công tác PCGDTHCS theo như chỉ tiêu định hướng của NQ 28 là phải hoàn thành vào cuối năm 2007. Mặt khác, ở một số huyện tuy đạt chuẩn nhưng tỷ lệ học sinh ra lớp và tốt nghiệp THCS cả 2 hệ bổ túc và chính quy còn chưa cao, xu hướng học sinh bỏ học còn tiếp diễn phức tạp (nhất là các huyện miền núi) nên việc đạt chuẩn chưa có tính bền vững. Công tác này cần phải được tập trung chỉ đạo, đầu tư và triển khai thực hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
B. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 28/2005/NQ-HĐND .
I. Về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
1. Mục tiêu:
- Phấn đấu đạt chỉ tiêu định hướng của NQ 28. Tiếp tục đầu tư đủ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; kiên cố hoá trường lớp và cơ bản xoá hết gần 600 phòng học tạm hiện có với số vốn dự kiến 90 tỷ đồng; xây dựng mới thêm 300 nhà công vụ cho giáo viên và 300 phòng ký túc xá cho học sinh các trường THPT ở các huyện miền núi với số vốn dự kiến 60 tỷ đồng.
- Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí vững mạnh, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu bộ môn và đảm bảo về chất lượng, được hưởng lương, các khoản phụ cấp kịp thời và đầy đủ, đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước; đổi mới công tác quản lí.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở từng huyện, thị, thành phố cho tất cả các cấp học, bậc học.
- Làm tốt công tác quy hoạch lại mạng lưới trường lớp cho phù hợp với Luật giáo dục (2005) và Nghị định 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Phát triển thêm trường lớp ở miền núi nhất là ở các cấp học Mầm non, THCS, THPT, dạy nghề.
- Tập trung mọi nguồn lực để không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất, nhất là ở miền núi và ở khối trường ngoài công lập nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" mà Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và phát động.
- Đẩy nhanh tiến độ số học sinh được học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, THCS.
- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục để vừa tăng nguồn lực cho việc phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, vừa tạo cơ hội cho đối tượng con em gia đình chính sách nhất là ở vùng núi, vùng sâu vùng xa được học và học tập tốt. Có cơ chế khuyến khích cho các em học đạt kết quả xuất sắc. Thành lập "Quỹ bảo trợ giáo dục" của tỉnh nhằm huy động các nguồn lực của nhân dân, tăng nguồn đầu tư cho giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các lực lượng xã hội và của toàn dân để xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để làm cho mọi cấp, mọi ngành và toàn dân có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về chủ trương phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói chung, xã hội hoá giáo dục nói riêng của Đảng và Nhà nước, từ đó cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc chăm lo xây dựng và phát triển sự nghiệp này theo đúng tinh thần là: "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu".
- Xây dựng và ban hành quy chế về sự phối hợp giữa Sở GD&ĐT với các Sở, Ban, Ngành liên quan; giữa Sở GD&ĐT với UBND các huyện, thị, thành phố trong việc tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể:
a. Đối với Giáo dục mầm non:
- Củng cố, mở rộng, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp mầm non một cách hợp lý đúng theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2005; NQ 05/CP; QĐ 161//2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 05/2003/TTLT/BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 24/2/2003 của liên Bộ: Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; QĐ 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/6/2006; NQ 21, NQ 28, NQ 71, NQ 67 của HĐND tỉnh; Công báo số 57/2006 của UBND tỉnh.
- Tích cực phát triển thêm trường mầm non ở các huyện miền núi, nâng tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi là người dân tộc thiểu số ra học mầm non từ 40% hiện nay lên 60% vào năm 2010 và 90% vào năm 2015. (Cả tỉnh hiện đã huy động trẻ 5 tuổi ra học mẫu giáo đạt 95%).
- Có lộ trình chuyển đổi các trường mầm non hiện có cho phù hợp với các loại hình trường được qui định ở Nghị định 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ về qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, trong đó nêu rõ là ở cấp học mầm non có 03 loại hình là công lập, dân lập và tư thục. Việc chuyển đổi này được thực hiện theo hướng: Giữ vững được sự ổn định và phát triển của giáo dục mầm non; phù hợp với điều kiện KT-XH của từng xã, huyện; đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, của giáo viên, của học sinh và của nhà đầu tư; Nhà nước và nhân dân vẫn tiếp tục đầu tư ngày càng nhiều hơn cho giáo dục mầm non.
- Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 26% (tăng lên 14% so với năm 2007).
b. Đối với Giáo dục tiểu học:
Phấn đấu đến năm 2010 đạt được các mục tiêu cơ bản sau:
- 17/17 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT với 230 xã đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT (98,60%) và năm 2008 đề nghị Bộ GD&ĐT thẩm tra công nhận tỉnh Quảng Nam đạt chuẩn quốc gia về PCGDTH ĐĐT.
- Có 145 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia Mức độ 1 (55%). Trong đó, có 6 trường đạt chuẩn Mức độ 2 theo QĐ 32 của Bộ GD&ĐT.
- Đến năm 2010 toàn tỉnh có 50% số trường tiểu học với khoảng 30% số học sinh và đến năm 2015 có khoảng 75 đến 80% số trường với khoảng 50% số học sinh được tổ chức học 2 buổi/ngày.
- Giảm tỉ lệ học sinh yếu bình quân toàn cấp tiểu học xuống dưới 4%; nâng hiệu quả đào tạo cấp tiểu học đạt 98% trở lên.
c. Đối với THCS:
- Phấn đấu đến 2010 ít nhất mỗi huyện, thị, thành phố có 50% số trường THCS đạt chuẩn quốc gia và tổ chức dạy 2 buổi/ngày.
- Tiếp tục phát triển thêm trường THCS, trường bán trú cụm xã ở các huyện miền núi, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các em học sinh có đủ điều kiện học tập.
- Đẩy mạnh việc giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT. Thực hiện có hiệu quả việc hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông nội trú ở miền núi. Tổ chức ở mỗi huyện miền núi có ít nhất 01 trường THCS vừa học vừa làm ở trung tâm cụm xã.
d. Đối với THPT:
- Phấn đấu đến 2015 chuyển đổi được 15 trường THPT bán công hoặc công lập hiện có sang trường THPT tư thục theo tinh thần Nghị định 75/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
- Các trường chuyên biệt vẫn giữ nguyên loại hình công lập.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng, phát triển trường THPT tư thục trên cơ sở hưởng các chế độ ưu đãi theo tinh thần các văn bản của Đảng và Nhà nước. Thực hiện tốt cơ chế khuyến khích mà NQ 28 của HĐND tỉnh đã quy định, đó là: "Thực hiện chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận; miễn tiền thuê đất 15 năm đầu đối với các trường hoạt động theo cơ chế lợi nhuận. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ CSVC ban đầu, mua sắm trang thiết bị dạy và học cho các trường ngoài công lập theo NQ 21 - KVI" và: "Phát triển mạnh các cơ sở giáo dục ngoài công lập; từng bước chuyển đổi loại hình công lập sang ngoài công lập với lộ trình cụ thể, theo hình thức cho thuê hoặc quy định thời hạn hoàn trả vốn ban đầu cho Nhà nước".
- Phấn đấu đến năm 2015 có từ 5 đến 7 trường THPT đạt chuẩn quốc gia; đây là một trong những điều kiện bắt buộc khi mỗi huyện tiến hành thực hiện phổ cập giáo dục bậc Trung học, đồng thời là giải pháp tổng thể nhằm nâng cao một cách căn bản chất lượng giáo dục.
- Cải tiến việc tuyển sinh vào lớp 10 ở các trường THPT sao cho vừa đảm bảo được chỉ tiêu định hướng mà NQ 28 đã đề ra, vừa góp phần tích cực trong việc phân luồng học sinh và vừa tạo thêm nhiều cơ hội để các em được chọn trường học tập.
2. Giải pháp thực hiện:
a. Đối với Giáo dục mầm non:
+ Về mạng lưới trường lớp:
- Các trường mầm non thuộc khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn thì duy trì và phát triển trường mầm non công lập.
- Các trường mầm non thuộc khu vực đồng bằng, thị trấn, thị xã, thành phố và những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, chủ yếu chuyển đổi thành trường mầm non dân lập.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập trường mầm non tư thục.
+ Về đội ngũ:
- Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non ngoài công lập đều được hưởng đầy đủ các quyền lợi vật chất và tinh thần như giáo viên các trường công lập.
+ Về ngân sách đầu tư cho giáo dục mầm non:
* Đối với trường mầm non công lập:
- Nhà nước đầu tư 100% kinh phí, học sinh không đóng học phí.
* Đối với trường mầm non dân lập:
- Nhà nước đầu tư kinh phí cho các trường hoạt động theo Quyết định 161/TTg, Thông tư 05/LB, NQ 67/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
- Học sinh đóng học phí theo qui định của HĐND và UBND tỉnh.
* Đối với trường mầm non tư thục:
- Nhà nước thực hiện ưu đãi, khuyến khích theo các văn bản quy định của Nhà nước, đặc biệt là NQ 21 và NQ 28 của HĐND tỉnh.
+ Quan điểm và tiến trình tổ chức thực hiện việc chuyển đổi loại hình trường:
- UBND huyện, thị, thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm toàn diện trong việc thực hiện chuyển đổi.
- Làm thí điểm trước, làm đại trà sau; làm ở nơi, ở trường có điều kiện thuận lợi trước, nơi ít thuận lợi sau.
- Từ 2007 đến 2010: Chuyển đổi 20% đến 30% số trường mầm non bán công hiện có sang loại hình thích hợp.
- Từ 2010 đến trước năm 2015: Chuyển đổi hết số trường mầm non bán công còn lại.
+ Các điều kiện để thực hiện chuyển đổi:
Để Giáo dục mầm non đảm bảo được tính ổn định và phát triển theo yêu cầu mà Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã đề ra, trong thời gian lập đề án và tiến hành việc chuyển đổi, UBND các huyện, thị , thành phố thực hiện các qui định sau:
- UBND tỉnh và các huyện, thị, thành phố hàng năm vẫn tiếp tục đầu tư kinh phí cho Giáo dục mầm non theo QĐ 161/2002/QĐ-TTg ngày 15/11/2002, Thông tư 05//2003/TTLT/BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 24/2/2003 và NQ 21, NQ 71, NQ 67 của HĐND tỉnh, Công báo 57 của UBND tỉnh. (Dành tối thiểu 10% cho Giáo dục mầm non trên tổng ngân sách giáo dục huyện, thị, thành phố); tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tu sửa, mua sắm trang thiết bị và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; đề ra các biện pháp để ổn định đội ngũ cán bộ, giáo viên, đảm bảo lương và các khoản phụ cấp cho giáo viên trong và ngoài biên chế; tạo mọi điều kiện để trẻ mầm non trong độ tuổi (0-5 tuổi) được ra lớp, tránh tình trạng giảm số lượng học sinh đến trường.
b. Đối với Giáo dục tiểu học:
- Tỉnh và các huyện, thị, thành phố tiếp tục đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực từ cộng đồng, tăng cường CSVC trường học sao cho tăng dần được tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày; kết hợp tổ chức học 2 buổi/ngày với tổ chức bán trú cho học sinh. Tăng cường đầu tư thiết bị dạy học để đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 40 của Quốc hội.
- Giao Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị, thành phố đề xuất hướng giải quyết số giáo viên dôi dư hiện nay; có kế hoạch bổ sung đủ số giáo viên các môn Nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tin học, Ngoại ngữ.
c. Đối với giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên.
+ Cấp THCS:
- Phát triển mạnh mạng lưới trường THCS ở miền núi để đến năm 2010 hầu hết các xã đều có trường dạy cấp THCS (trường THCS, trường PTCS, trường nội trú THCS) và đến năm 2015 tất cả các xã đều có trường THCS.
- Phấn đấu đến năm 2010 tất cả các huyện miền núi đều có trường nội trú dân tộc THCS của huyện.
- Khuyến khích các nhà đầu tư mở các trường THCS chất lượng cao ở những nơi có điều kiện.
+ Cấp THPT:
- Sở GD&ĐT phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ, NQ 28 của HĐND tỉnh và khả năng thực tế mỗi địa phương, đáp ứng được mục tiêu phát triển các loại hình trường lớp để tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt.
Cụ thể:
* Chuyển dần các trường bán công, công lập thành các trường tư thục:
Giai đoạn 1: từ 2007 đến 2010:
- Chuyển 5 trường bán công hoặc công lập sang tư thục. Trong đó: Thị xã Hội An chuyển 01 trường; huyện Điện Bàn 01 trường, huyện Thăng Bình 01 trường, huyện Đại Lộc 01 trường, Thành phố Tam Kỳ 01 trường.
- Phương pháp tiến hành: Làm thí điểm trước, làm đại trà sau; làm ở nơi, ở trường có điều kiện thuận lợi trước, ở nơi, ở trường ít thuận lợi sau để từng bước đạt mục tiêu đề ra đến 2010 có 50% học sinh THPT ngoài công lập.
Giai đoạn 2: từ 2010 đến 2015:
- Chuyển thêm: Điện Bàn: 02 trường; Thăng Bình: 01 trường; Đại Lộc: 01 trường; Duy Xuyên 01 trường, Quế Sơn: 02 trường; Núi Thành 02 truờng, Tam Kỳ: 01 trường (chưa kể 2 trường THPT tư thục hiện có là THPT TT Hà Huy Tập và THPT TT Phạm Văn Đồng). Nâng số trường tư thục trên địa bàn tỉnh lên 17 trường, đạt tỉ lệ 40%.
- Đối với việc xây dựng mới thêm các trường THPT thì ở miền núi chủ yếu là trường công lập; ở các huyện trung du, đồng bằng, thị xã, thành phố chủ yếu là trường tư thục.
- Về cơ chế hoạt động của cơ sở giáo dục ngoài công lập: theo 02 cơ chế phi lợi nhuận hoặc lợi nhuận.
+ Đối với cơ chế phi lợi nhuận: (là cơ chế có mức lợi nhuận xấp xỉ với mức lãi suất cho vay của ngân hàng).
HĐND tỉnh quy định mức trần, mức sàn học phí; trường học tự quyết định lấy mức thu học phí phù hợp với quy định đó.
Học phí ở các trường tư thục, ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau có thể giống nhau hoặc khác nhau.
* Nếu mức học phí giống nhau thì Nhà nước sẽ hỗ trợ cho học sinh diện chính sách, học sinh nghèo, học sinh giỏi phần được miễn giảm để các em nộp lại cho nhà trường.
* Nếu mức học phí khác nhau thì Nhà nước sẽ hỗ trợ cho học sinh diện chính sách, học sinh nghèo, học sinh giỏi phần chênh lệch và phần được miễn giảm để các em nộp lại cho nhà trường.
Đây là tư tưởng chỉ đạo mà Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ đã nêu rõ: "Nghiên cứu chuyển việc cấp phần kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho người hưởng thụ thông qua các cơ sở công lập sang cấp trực tiếp cho người hưởng thụ; từng bước tạo điều kiện để người hưởng thụ lựa chọn cơ sở dịch vụ không phân biệt công lập hay ngoài công lập".
- Cơ cấu chi học phí trong một năm cho các trường tư thục hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận dự kiến như sau:
* Chi lương và các khoản có tính chất như lương không quá 50%;
* Chi hành chính quản lý, phục vụ học tập... không quá 15%;
* Chi sách, thiết bị tối thiểu 5% ;
* Chi mua sắm sửa chữa trên 15% (trong đó có phần thuê mướn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học...).
* Lợi nhuận khoảng 15%.
Ngoài ra các trường và học sinh được hưởng các ưu đãi của Trung ương và địa phương như quy định hiện hành, nhất là những phần được nêu trong NQ 21, NQ 28 của HĐND tỉnh.
+ Đối với cơ chế lợi nhuận (là cơ chế mà mức lợi nhuận lớn hơn so với lãi suất cho vay của ngân hàng):
Đối với các cơ sở hoạt động theo cơ chế này, Nhà nước không quy định mức thu học phí, các cơ sở này phải chịu thuế và vẫn được hưởng các ưu đãi do Trung ương và địa phương quy định.
- Về cách thức tiến hành:
+ Thành lập Ban chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, thành viên là các Sở, Ban, Ngành, MTTQ, các hội đoàn thể có liên quan để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các công việc có liên quan đến việc chuyển đổi.
+ Hình thức chuyển đổi:
Cách 1: (tương tự như cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước).
Nhà nước định giá CSVC, thiết bị (trừ đất đai). Cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường được chuyển đổi hùn vốn để thuê hoặc mua lại CSVC, thiết bị đó (nếu thuê phải đảm bảo nguyên tắc bảo tồn vốn cho Nhà nước); dự toán mức thu và chi học phí theo cơ cấu như đã quy định cho cơ chế phi lợi nhuận đã nêu ở trên; các cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường này vừa đảm nhiệm các công việc và được hưởng các quyền lợi như cũ, đồng thời được hưởng lợi nhuận tuỳ theo phần đóng góp của mình. Đối với những cán bộ, giáo viên, nhân viên do điều kiện gia đình có khó khăn, không thể hùn vốn được thì vẫn được nhà trường bố trí làm việc và hưởng quyền lợi như cũ, nhưng không được hưởng phần lợi nhuận. Ở cách này, có thể có phần hùn vốn của các cá nhân ở ngoài nhà trường nhưng phần vốn của cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn.
Cách 2: Nhà nước định giá tài sản; cho nhà đầu tư thuê cơ sở dài hạn (theo nguyên tắc bảo toàn vốn cho Nhà nước) và nhà đầu tư này phải đảm bảo lợi ích toàn diện, lâu dài, kịp thời, đầy đủ, ổn định cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đang công tác và học tập tại các cơ sở này.
Cách 3: Nhà nước định giá tài sản; cho nhà đầu tư mua toàn bộ tài sản và nhà đầu tư này phải đảm bảo lợi ích toàn diện, lâu dài, kịp thời, đầy đủ, ổn định cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đang công tác và học tập tại các cơ sở này.
Ở cách 2 và cách 3, chủ đầu tư tự quyết định hình thức lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Còn ở cách 1 thì chỉ có một hình thức là phi lợi nhuận.
* Đối với các trường THPT bán công: Trong thời gian chưa chuyển đổi được sang loại hình thích hợp (công lập hoặc tư thục), nếu nguồn thu học phí (sau khi đã trừ miễn giảm) không thể cân đối được các khoản chi (theo cơ cấu: chi cho con người chiếm không quá 85%, các khoản chi khác chiếm tối thiểu 15% như NQ 28 đã quy định) thì Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho các trường này để đạt được cơ cấu chi đó; ngoài ra các trường này đều được cấp thiết bị phục vụ dạy học như đối với các trường THPT công lập.
* Đối với các trường công lập: Chuyển dần cơ chế hoạt động của các cơ sở công lập hoạt động theo NĐ 10/2002/NĐ-CP sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ-CP. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP , giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính, tạo sự chủ động trong điều hành để nâng cao chất lượng dạy và học.
+ Đối với các trung tâm GDTX, trung tâm GDTX-HN:
Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh và hình thành mới ở các huyện, thị chưa có Trung tâm; đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP giao quyền tự chủ về biên chế và tài chính, tạo sự chủ động trong điều hành để nâng cao chất lượng dạy và học.
Trong khi chờ Trung ương ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng xã, phường; tiếp tục duy trì và phát triển các trung tâm này. Nghiên cứu nội dung chương trình dạy học cụ thể phù hợp cho từng đối tượng, từng vùng, từng miền theo quan điểm "dân cần kiến thức gì thì cung cấp kiến thức ấy".
d. Về đầu tư kinh phí và tăng cường cơ sở vật chất:
* Về định hướng xây dựng cơ sở vật chất:
Tiếp tục hoàn chỉnh các dự án và xây dựng mới một số trường cho phù hợp với quy mô phát triển theo hướng:
- Tiếp tục xây dựng cho các trường THPT theo dự án đã được phê duyệt 2007-2008:
+ Các trường THPT Trần Cao Vân, THPT Nguyễn Dục: Nhà lớp học, khối phục vụ học tập.
+ Các trường THPTBC Núi Thành, THPT Nông Sơn, THPTBC Nguyễn Trãi : Phòng thí nghiệm, thư viện.
+ Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng: Nhà lớp học.
- Xây dựng bổ sung cho các đơn vị: 2008-2009
+ Trường THPT Trần Văn Dư: Mở rộng khuôn viên trường.
+ Trường THPT Nguyễn Văn Cừ: Nhà lớp học, thư viện.
+ Trường THPT Trần quý Cáp: Nhà đa chức năng.
+Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ: Giải tỏa đền bù, xây dựng nhà đa năng.
+ Trường THPT Tiểu La: Cải tạo phòng thí nghiệm.
Nhu cầu kinh phí cho dự án trên là 40 tỷ đồng. Riêng Dự án trường THPT Tây giang, Nam Trà My kinh phí Chương trình mục tiêu giai đoạn 2008-2010 bố trí đủ để hoàn chỉnh các hạng mục được phê duyệt.
- Xây dựng mới, mở rộng các trường THPT, trung tâm GDTX, GDTX-HN giai đoạn 2008-2010:
Xây dựng nhà lớp học, khối phục vụ học tập cho các đơn vị sau đây:
+ Các trường THPT: vùng Đông Duy Xuyên; vùng Tây Tiên Phước; Bình An Thăng Bình; vùng Đông Tam Kỳ; Chaval Nam Giang và Nước Oa Bắc Trà My, Hội An, Quế Sơn, Núi Thành, Hiệp Đức.
+ Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.
+ Các trung tâm GDTX-HN thuộc các huyện: Điện Bàn; Hội An; Phú Ninh; Nam Trà My; Bắc Trà My, Núi Thành; Phước Sơn; Nam Giang; Tây Giang và Đông Giang.
Kinh phí dự toán: 100 tỷ đồng.
* Về các nguồn thu:
- Đầu tư từ ngân sách Nhà nước: Theo hướng tăng dần; vừa phù hợp với khả năng ngân sách của tỉnh, vừa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của sự nghiệp giáo dục đào tạo.
+ Học phí: Trong khi chờ các quy định và hướng dẫn mới của Trung ương, hiện nay không thể tăng học phí ở các trường công lập vì mức thu đã đội trần so với quyết định 70/QĐ-TTg. Tăng học phí các trường ngoài công lập lên một cách hợp lý để mức học phí này phù hợp với việc điều chỉnh lương tối thiểu từ 290.000 đồng (lúc ban hành mức thu học phí) lên 450.000 đồng.
+ Thu xây dựng trường (theo QĐ 248/CP): Trình HĐND tỉnh tăng mức thu xây dựng trường ở tất cả các cấp học. Trong đó đặc biệt tăng mạnh mức thu ở các trường tiểu học, vì ở các trường tiểu học không thu học phí. Có thể mở rộng đối tượng và mức được miễn giảm đối với khoản thu này.
- Tăng mức thu cho việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở tiểu học và THCS.
+ Thành lập "Quỹ bảo trợ giáo dục":
- Xúc tiến thành lập "Quỹ bảo trợ giáo dục" nhằm huy động nguồn lực của nhân dân, tăng nguồn đầu tư cho giáo dục.
d. Đối với Giáo dục chuyên nghiệp:
Để đảm bảo tỷ lệ học sinh ngoài công lập ở các trường Trung học chuyên nghiệp là 50%, các trường dạy nghề là 70% theo tinh thần NQ 28 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao cho:
+ Các trường CĐSP, CĐYT, CĐKH-KT của tỉnh lập kế hoạch tuyển sinh hằng năm theo chỉ tiêu được duyệt cho từng trường. Mỗi trường cần xây dựng đề án với lộ trình thích hợp, phấn đấu đến năm 2010 có 50% học sinh mỗi trường được đào tạo theo ngân sách như hiện nay (ưu tiên cho học sinh có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách hưởng các chế độ ưu tiên khác, học sinh tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển có điểm cao và có kết quả học tập tốt của từng năm học sẽ được miễn giảm học phí). 50% số học sinh còn lại phải đóng 100% học phí và các chi phí đào tạo khác.
+ Các trường dạy nghề xây dựng đề án và lộ trình tương tự như các trường CĐ, TCCN đã nêu ở trên, nhưng 70% học sinh được tuyển phải đóng 100% học phí và các chi phí đào tạo khác.
+ Các trường TCCN tư thục khác tiếp tục tuyển sinh và đào tạo theo cơ chế hoạt động của trường tư thục.
- Mức học phí cho học sinh trong mỗi loại hình đào tạo do HĐND, UBND tỉnh quy định.
II. Về phát triển giáo dục miền núi.
1. Mục tiêu:
- Tích cực phát triển bậc học mầm non, xóa xã trắng về giáo dục mầm non, chú trọng phát triển mẫu giáo lớn, thu hút 90% trẻ 5 tuổi vào lớp mẫu giáo lớn.
- Huy động tối đa các đối tượng trong độ tuổi phổ cập ra lớp.
- Phát triển mạnh mạng lưới trường, lớp ở mầm non và THCS. Đáp ứng đủ phòng học để phục vụ việc học tập cho học sinh miền núi. Xóa bỏ 437 phòng học tạm chủ yếu đang có ở các huyện miền núi vào năm 2010, xây dựng 406 nhà công vụ cho giáo viên, 214 nhà nội trú cho học sinh.
- Nâng dần chất lượng dạy lớp ghép và giảm dần mô hình loại lớp này.
- Tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng của các trường: THCS nội trú cụm xã, THCS nội trú dân tộc huyện, THPT nội trú dân tộc tỉnh; trong đó cần xác định rõ: trường THCS nội trú dân tộc huyện là nơi tạo nguồn chủ yếu cho trường THPT nội trú dân tộc tỉnh.
2. Giải pháp thực hiện:
a. Ưu tiên bố trí các nguồn vốn, thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư phát triển giáo dục miền núi. Tập trung xây dựng để mỗi huyện có ít nhất 02 trường THPT; mỗi xã đạt quy mô về học sinh có một trường THCS. Đối với các xã chưa đủ điều kiện, tiếp tục củng cố và nâng cấp quy mô trường THCS nội trú cụm xã; phấn đấu đảm bảo đủ các phòng chức năng phục vụ các hoạt động dạy và học ở mỗi trường. Tiếp tục bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho giáo dục miền núi theo hướng đồng bộ, phù hợp nhu cầu thực tế và nâng cao hiệu quả sử dụng.
b. Có cơ chế thích hợp để các huyện miền núi được khai thác gỗ tại chỗ. Việc khai thác gỗ để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục miền núi phải theo đúng quy định hiện hành. Mức bình quân là 10m3 gỗ tròn/1 phòng học hoặc 01 nhà công vụ giáo viên (06 giáo viên/phòng).
c. Tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo về chất lượng. Tìm mọi giải pháp để tăng tỷ lệ giáo viên người dân tộc thiểu số từ 15% hiện nay lên 40% tổng số giáo viên miền núi; ưu tiên đào tạo, bố trí giáo viên là người dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp học. Tổ chức và tạo điều kiện để số giáo viên là người Kinh đang công tác tại miền núi được học và sử dụng tốt tiếng dân tộc thiểu số trong quá trình giảng dạy, giúp học sinh nâng cao chất lượng học tập. Thực hiện tốt việc luân chuyển giáo viên theo Nghị định 35/2001/NĐ-CP ngày 09/7/2001 của Chính phủ. Phân công lại việc kết nghĩa giữa các huyện đồng bằng và miền núi theo hướng toàn diện hơn, trong đó có lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
d. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho các học sinh THCS là người dân tộc thiểu số học ở các trường nội trú huyện từ mức 70.000 đồng lên 100.000 đồng/học sinh/tháng; thời gian học sinh được hưởng mức hỗ trợ trên là 9 (chín) tháng/năm học (kể từ năm học 2006-2007). Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT xem xét mức và nguồn kinh phí trình UBND tỉnh. Khuyến khích các địa phương có điều kiện hỗ trợ thêm từ các nguồn lực huy động, vận động cộng đồng cùng tham gia nhằm giúp các em được học tập và sinh hoạt tốt hơn, giảm tỷ lệ học sinh trong độ tuổi phổ cập phải bỏ học do điều kiện khó khăn.
đ. Chú trọng việc phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú:
+ Đối với cấp huyện: Trước mắt tập trung phát triển loại hình trường THCS nội trú cụm xã ở những nơi không thể mở được trường THCS hoặc PTCS. Phấn đấu đến năm 2010, ở mỗi huyện miền núi có 01 trường THCS dân tộc nội trú huyện.
+ Đối với trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh:
- Giữ nguyên số trường như hiện nay (hằng năm có khoảng 400 đến 450 em theo học) để phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT và các quy định khác của Trung ương, phù hợp với ngân sách của tỉnh. Hằng năm tỉnh tăng cường đầu tư kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị, đảm bảo CSVC phục vụ cho việc dạy và học. Có cơ chế để thực hiện tốt việc gắn chặt giữa đào tạo và sử dụng số học sinh đã học xong ở trường THPT nội trú dân tộc tỉnh, số em được cử tuyển đi học các lớp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp sao cho có hiệu quả nhất.
III. Về công tác phổ cập giáo dụcTHCS.
1. Mục tiêu:
- Mục tiêu chung:
Tập trung quán triệt những nội dung chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác PCGDTHCS, tiếp tục giữ vững và nâng cao kết quả PCGDTHCS đã đạt trong các năm qua. Tập trung đầu tư mọi mặt để đẩy mạnh tiến độ thực hiện PCGDTHCS cho 05 huyện chưa đạt chuẩn, đặc biệt là Nam Trà My và Tây Giang. Phấn đấu để 16/17 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn vào năm 2008 (trừ Nam Trà My) và tỉnh Quảng Nam được Trung ương công nhận là tỉnh đạt chuẩn quốc gia về PCGDTHCS vào năm 2009.
- Tiến độ thực hiện:
Kế hoạch thực hiện công tác PCGDTHCS được dự kiến như sau:
TT | Huyện, thị | Tổng số | Số xã đạt chuẩn từng thời điểm | Dự kiến thời điểm huyện đạt chuẩn | |||
|
| xã | 2006 (Thực tế) | 2007 | 2008 | 2009 | |
1 | Bắc Trà My | 12 | 4 | 10 | 11 | 12 | 2008 |
2 | Nam Trà My | 10 | 0 | 1 | 2 | 9 | 2009 |
3 | Phước Sơn | 11 | 2 | 10 | 11 | 11 | 2007 |
4 | Đông Giang | 11 | 1 | 10 | 11 | 11 | 2007 |
5 | Tây Giang | 10 | 0 | 9 | 10 | 10 | 2008 |
| Cộng | 54 | 7 | 40 | 45 | 50 |
|
2. Giải pháp thực hiện:
a. UBND tỉnh giao cho ngành Giáo dục - Đào tạo và UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp với Ban, Ngành, đoàn thể các cấp; chỉ đạo các cơ sở giáo dục quyết tâm thực hiện mục tiêu PCGDTHCS nhằm đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân, tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần cho ngành giáo dục-đào tạo để thực hiện hoàn thành công tác PCGDTHCS trên địa bàn tỉnh.
b. Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động của các Ban chỉ đạo PCGD các cấp; cụ thể hóa nhiệm vụ của từng ngành, đoàn thể về công tác PCGDTHCS. Các huyện miền núi tranh thủ sự hỗ trợ của già làng, trưởng bản, của các đơn vị bộ đội biên phòng và của nhiều lực lượng khác đóng trên địa bàn cùng tham gia và triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, huy động học sinh trong độ tuổi phổ cập. Huy động giáo viên trường THPT, TTGDTX-HN cùng tham gia công tác PCGDTHCS; tiếp tục vận động giáo viên tham gia giảng dạy các lớp phổ cập trong hè. UBND và Ban chỉ đạo PCGD cấp huyện cần tổ chức các hội nghị chuyên đề về công tác PCGD nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác PCGDTHCS hằng năm, đồng thời bàn các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ PCGDTHCS trong những năm tiếp theo.
c. Tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCGDTH ĐĐT. Phấn đấu đến năm 2008, tỉnh Quảng Nam được Trung ương công nhận là tỉnh đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT, làm nền tảng vững chắc cho việc thực hiện PCGDTHCS.
d. Tiếp tục phát triển các trường THCS, THCS nội trú cụm xã, các phân hiệu của các trường THCS hoặc duy trì trong một thời gian nhất định các trường PTCS hiện có ở các huyện miền núi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em được đến trường.
đ. Có chính sách hỗ trợ cho giáo viên dạy các lớp phổ cập.
e. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để phụ huynh học sinh tạo điều kiện đưa con em đến trường, cùng nhà trường ngăn ngừa tình trạng bỏ học giữa chừng, cùng tham gia với nhà trường trong việc củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục cho các em.
g. Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá với nội dung phong phú và hình thức hấp dẫn thu hút học sinh đến trường.
h. Ưu tiên bố trí, tuyển dụng giáo viên cho các huyện miền núi, nhất là giáo viên người địa phương, người dân tộc thiểu số. Khuyến khích giáo viên người Kinh học tiếng dân tộc thiểu số để dễ dàng hơn trong việc vận động, giảng dạy, giáo dục học sinh dân tộc thiểu số.
i. Tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng giáo viên giảng dạy chương trình THCS nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của cấp học.
4. Về việc thực hiện PCGD bậc Trung học ở những nơi có điều kiện theo tinh thần NQ 28.
Hiện nay đã có các đơn vị: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ xây dựng đề án và đang tổ chức triển khai thực hiện; nhiều đơn vị khác ở đồng bằng cũng đang tiến hành xây dựng đề án. UBND tỉnh giao cho Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện, thị, thành phố liên quan để chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện; đồng thời tham mưu UBND tỉnh có cơ chế, chính sách để giúp các đơn vị này tổ chức thực hiện có hiệu quả.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Trên đây là Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 28/2005/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục miền núi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở”. UBND tỉnh sẽ có quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch này, đồng thời giao cho Ban chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và xã hội nghề nghiệp tuỳ theo vị trí và chức năng của mình để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch trên.
Yêu cầu Sở Giáo dục & Đào tạo tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết 28/2005/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai đồng bộ Kế hoạch của UBND tỉnh, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các cấp, các ngành; thường xuyên báo cáo tiến độ thực hiện Nghị quyết 28/2005/NQ-HĐND của các đơn vị, địa phương cho UBND tỉnh, trường hợp cần thiết, tham mưu UBND tỉnh biện pháp chỉ đạo cụ thể.
Yêu cầu các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, phát triển giáo dục miền núi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 28/2005/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh, góp phần đẩy mạnh phát triển sự nghiệp Giáo dục & Đào tạo nói riêng, sự nghiệp kinh tế - xã hội của tỉnh nhà nói chung trong thời gian tới./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.