HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 139-CP | Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 1978 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY, QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN VÀ CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp năm 1962;
Căn cứ vào nghị quyết số 33-CP ngày 04/02/1978 của Hội đồng Chính phủ về việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp huyện trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 14/4/1978,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác và lề lối làm việc của Ủy ban Nhân dân huyện và các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban Nhân dân huyện.
Điều 2. Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Lê Thanh Nghị
|
BẢN QUY ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY, QUAN HỆ CÔNG TÁC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN VÀ CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN
(ban hành kèm theo quyết định số 139-CP ngày 14-06-1978)
Căn cứ vào chỉ thị số 33-CT/TU ngày 24/01/1978 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và nghị quyết số 33-CP ngày 04-02-1978 của Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác và lề lối làm việc của Ủy ban Nhân dân huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện như sau.
Chương 1:
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN
Điều 1. Ủy ban Nhân dân huyện là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân huyện, đồng thời là cơ quan hành chính nhà nước ở huyện, đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ủy ban Nhân dân huyện trực tiếp chỉ đạo và quản lý cấp xã, các hợp tác xã, các đơn vị xí nghiệp, sự nghiệp và các cơ quan Nhà nước được giao cho cấp huyện quản lý.
Ủy ban Nhân dân huyện vừa làm chức năng quản lý hành chính Nhà nước, vừa làm chức năng quản lý kinh tế trong huyện, là cấp quản lý kế hoạch toàn diện và có ngân sách. Cụ thể là:
- Quản lý các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng trong huyện. Quản lý về mặt hành chính nhà nước về sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối, về văn hóa, giáo dục, y tế và tổ chức chăm sóc đời sống của nhân dân trong huyện.
- Cấp huyện là trung tâm chỉ đạo tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng ở nông thôn, trang bị kỹ thuật cho nông nghiệp huyện, thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, kết hợp cải tạo với xây dựng, nhằm tổ chức lại sản xuất, tổ chức và phân công lại lao động trên địa bàn huyện, đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông – công nghiệp phù hợp với điều kiện trong huyện và phù hợp với quy hoạch của tỉnh và của cả nước.
- Giáo dục cho nhân dân làm tốt nghĩa vụ đối với nhà nước, tổ chức ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân trong huyện, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, củng cố quốc phòng, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trong huyện.
Điều 2. Cơ cấu tổ chức và nguyên tắc phân công trong Ủy ban Nhân dân huyện được quy định như sau:
1. Ủy ban Nhân dân huyện ở các vùng đồng bằng, trung du có từ 11 đến 13 ủy viên, ở miền núi có từ 11 đến 15 ủy viên, bộ phận thường trực của Ủy ban Nhân dân có từ 4 đến 5 người, gồm chủ tịch, hai hoặc ba phó chủ tịch và một ủy viên thư ký.
2. Chủ tịch, các phó chủ tịch phân công phụ trách hoặc trực tiếp làm trưởng ban của các ban chuyên môn quan trọng ở huyện; ủy viên thư ký phụ trách văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện; các ủy viên khác được phân công mỗi người trực tiếp làm trưởng ban của một ban chuyên môn.
3. Ủy ban Nhân dân huyện làm việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách. Những vấn đề thuộc về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền Nhà nước cấp huyện đều do tập thể Ủy ban Nhân dân huyện bàn và quyết định, hoặc chuẩn bị đưa ra Hội đồng nhân dân huyện bàn và quyết định, sau đó phân công cho các thành viên phụ trách việc thực hiện.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện có nhiệm vụ lãnh đạo chung công việc của Ủy ban, chủ tọa các phiên họp của Ủy ban.
CHƯƠNG 2:
CÁC CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN
Điều 3. Bộ máy chuyên môn của các ngành ở cấp huyện là một bộ phận của hệ thống quản lý các ngành trong phạm vi cả nước. Các ban, phòng chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện nay được thống nhất gọi là các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện.
Mỗi ban chuyên môn có một trưởng ban và có từ một đến hai phó trưởng ban giúp việc. Những ban có khối lượng công tác lớn có thể có từ hai đến ba phó trưởng ban giúp việc. Trưởng ban và phó trưởng ban của các ban chuyên môn do Ủy ban Nhân dân huyện đề nghị và Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bổ nhiệm (có sự tham gia ý kiến của các Ty, Sở)
Điều 4. Các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Nhân dân huyện, đồng thời chịu sự lãnh đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 5. Theo sự hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân tỉnh và của các Ty, Sở, Ủy ban Nhân dân huyện xây dựng dự án về tổ chức bộ máy và biên chế, về nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt.
Điều 6. Ủy ban Nhân dân huyện có nhiệm vụ điều hòa, phối hợp các mặt công tác của các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện.
Điều 7. Các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện gồm có:
1. Ban Kế hoạch: bao gồm các ngành, các mặt công tác như sau:
- Quy hoạch,
- Kế hoạch,
- Lao động,
- Thống kê,
- Hợp đồng kinh tế.
2. Ban Nông nghiệp (hoặc nông-lâm-ngư nghiệp), bao gồm các ngành, các mặt công tác như sau:
- Nông nghiệp,
- Lâm nghiệp,
- Ngư nghiệp (nếu huyện có vùng biển dài và rộng, thì lập Ban hải sản).
3. Ban thủy lợi, bao gồm các ngành, các mặt công tác như sau:
- Thủy lợi (kể cả việc bảo vệ, bồi bổ hệ thống đê, đập… việc phòng, chống lũ, lụt, bão trong huyện),
- Thủy nông
4. Ban công nghiệp – xây dựng cơ bản – giao thông vận tải, bao gồm các ngành, các mặt công tác như sau:
- Công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.
- Xây dựng cơ bản
- Giao thông vận tải
5. Ban vật tư – thương nghiệp – đời sống, bao gồm các ngành, các mặt công tác như sau:
- Vật tư – thương nghiệp, lưu thông, phân phối, bán lẻ
- Hợp tác xã mua bán,
- Lương thực.
6. Ban tài chính – giá cả, bao gồm các ngành, các mặt công tác như sau:
- Tài chính,
- Giá cả.
7. Ban văn hóa và thông tin, bao gồm các ngành, các mặt công tác như sau:
- Văn hóa, thông tin
- Thư viện,
- Phát hành sách báo.
8. Ban giáo dục, bao gồm các ngành, các mặt công tác như sau:
- Giáo dục phổ thông,
- Đào tạo công nhân,
- Mẫu giáo và nhà trẻ
9. Ban y tế – thể dục thể thao, bao gồm các ngành, các mặt công tác như sau:
- Y tế,
- Thể dục – thể thao
10. Ban thanh tra
11. Ban chỉ huy quân sự huyện
12. Ban công an huyện
13. Ngân hàng nhà nước huyện
14. Bưu điện huyện
15. Văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện, bao gồm các ngành, các mặt công tác như sau:
- Tổng hợp
- Hành chính, lưu trữ, văn thư và quản trị,
- Tổ chức và cán bộ,
- Pháp chế
- Thương binh và xã hội,
- Quản lý nhà – đất
- Thi đua, khen thưởng.
Ngoài các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện trên đây, ở cấp huyện còn có:
- Ban định canh – định cư (đối với các huyện ở miền núi rẻo cao); ban kinh tế mới (đối với các huyện có nhiệm vụ đưa nhân dân đi hoặc tiếp nhận nhân dân đến xây dựng vùng kinh tế mới);
- Cơ quan cung ứng các loại vật tư kỹ thuật cho nông nghiệp, công nghiệp và các hoạt động kinh tế khác trong huyện; cơ quan thu mua của huyện;
- Các đơn vị sự nghệp, các xí nghiệp, trạm, trại, các tổ chức kinh doanh, sản xuất chế biến, lưu thông phân phối trực tiếp phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống của nhân dân trong huyện.
CHƯƠNG 3:
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 8. Về quan hệ công tác giữa Ủy ban Nhân dân huyện với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và nhà nước; làm tốt việc xây dựng cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp, xây dựng quy hoạch của tỉnh và giúp huyện xây dựng quy hoạch chung của huyện, quy hoạch của các ngành trong huyện; chỉ đạo và giúp huyện xây dựng kế hoạch của huyện; đẩy mạnh việc xây dựng và quản lý công nghiệp (kể cả tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp), tăng cường năng lực của công nghiệp để tác động mạnh vào nông nghiệp; chỉ đạo và giúp huyện trong việc xây dựng và quản lý cơ cấu kinh tế nông – công nghiệp; kiểm tra, đôn đốc sát sao công tác của huyện; phụ trách công tác bồi dưỡng cán bộ cho cấp huyện, cấp xã và hợp tác xã.
Trước hết Ủy ban Nhân dân tỉnh phải ra sức làm tốt hai khâu đối với huyện: cùng với huyện làm cho được quy hoạch của huyện đồng thời giúp huyện xây dựng kế hoạch năm; giúp huyện xây dựng từng bước cơ sở vật chất – kỹ thuật, chủ yếu là cơ sở phục vụ sản xuất nông – lâm nghiệp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, các nghị quyết, quyết định, thông tư và chỉ thị của cơ quan Nhà nước cấp trên, Ủy ban Nhân dân huyện phải nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo đó và phải thường xuyên báo cáo công tác với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 9. Về quan hệ công tác giữa Ủy ban Nhân dân huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Ủy ban Nhân dân huyện phải tôn trọng các chủ trương công tác của các ngành chuyên môn ở tỉnh, đồng thời phải tranh thủ sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố. Ngược lại, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho Ủy ban Nhân dân huyện. Ủy ban Nhân dân huyện phải thực hiện tốt sự hướng dẫn đó. Trong trường hợp giữa Ủy ban Nhân dân huyện với các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vấn đề chưa nhất trí, thì Ủy ban Nhân dân huyện phải báo cáo với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để giải quyết.
Điều 10. Về quan hệ công tác giữa Ủy ban Nhân dân huyện với các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện:
Ủy ban Nhân dân huyện trực tiếp chỉ đạo, điều hòa, phối hợp các mặt công tác, bảo đảm cho các ngành, các mặt công tác của các ban chuyên môn trong huyện hoạt động nhịp nhàng, cân đối; đồng thời thông qua các ban chuyên môn để chỉ đạo và quản lý các đơn vị sự nghiệp, các xí nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phục vụ của huyện. Các ban chuyên môn phải nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện.
Điều 11. Về quan hệ công tác giữa Ủy ban Nhân dân huyện với Ủy ban Nhân dân xã, ban quản trị hợp tác xã:
Ủy ban Nhân dân huyện trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã, ban quản trị hợp tác xã thực hiện toàn diện các công tác ở cơ sở: xây dựng, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới; xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – văn hóa – xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật; tổ chức và phân công lại lao động; chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của cơ quan Nhà nước cấp trên; thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước; tổ chức chăm sóc đời sống của nhân dân lao động ở xã và hợp tác xã. Ủy ban Nhân dân xã, ban quản trị hợp tác xã phải nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện.
Điều 12. Về quan hệ công tác giữa các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Trưởng ban của các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện phải tổ chức thực hiện tốt các mặt công tác của ban và phải nghiêm chỉnh chấp hành sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc ngành dọc cấp trên. Trong trường hợp có vấn đề chưa nhất trí giữa sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Nhân dân huyện với sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của các ngành ở tỉnh, thì các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện phải báo cáo với Ủy ban Nhân dân huyện để giải quyết; nếu là vấn đề thuộc về chủ trương quan trọng, thì Ủy ban Nhân dân huyện phải báo cáo với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết.
Điều 13. Về quan hệ công tác giữa các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện với Ủy ban Nhân dân xã, ban quản trị hợp tác xã:
Các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện phải dành nhiều thời gian đi sát cơ sở để hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ cho Ủy ban Nhân dân xã, ban quản trị hợp tác xã, Ủy ban nhân dân xã, ban quản trị hợp tác xã phải nghiêm chỉnh thực hiện sự hướng dẫn đó. Nếu sự hướng dẫn của các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện có khác với sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân huyện, thì Ủy ban Nhân dân xã, ban quản trị hợp tác xã phải báo cáo và xin ý kiến giải quyết của Ủy ban Nhân dân huyện.
CHƯƠNG 4:
BIÊN CHẾ VÀ CÁN BỘ
Điều 14. Về biên chế quản lý Nhà nước của cấp huyện, nay quy định như sau:
- Huyện loại I: từ 140 đến 160 người;
- Huyện loại II: từ 120 đến 130 người;
- Huyện loại III: từ 100 đến 110 người.
Ban tổ chức của Chính phủ có nhiệm vụ hướng dẫn tiêu chuẩn phân loại huyện cho phù hợp với tình hình chung cả nước.
Điều 15. Biên chế quản lý nhà nước quy định cho ba loại huyện trên đây không bao gồm biên chế của các cơ quan và cán bộ, nhân viên làm những công tác sau đây:
1. Các cơ quan như tòa án nhân dân huyện, viện kiểm sát nhân dân huyện, ban chỉ huy quân sự huyện, ban công an huyện; ngân hàng Nhà nước huyện, ngành thống kê huyện, bưu điện huyện, cơ quan lương thực huyện.
2. Cán bộ và nhân viên làm công tác bán hàng của ngành thương nghiệp, công tác thu thuế công thương nghiệp; cán bộ kỹ thuật tăng cường về các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; cán bộ nhân viên làm công tác tổ chức nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc tiếp nhận nhân dân đến vùng kinh tế mới.
Điều 16. Căn cứ vào quy định của Ban tổ chức Trung ương Đảng, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các Tổng cục và các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có kế hoạch điều động cán bộ để tăng cường cho cấp huyện, trước mắt là các huyện trọng điểm của Trung ương (12 huyện), theo yêu cầu mới là điều động những cán bộ có phẩm chất, có năng lực về chính trị, về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật và có sức khỏe; đồng thời phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kịp thời cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý cho cấp huyện.
CHƯƠNG 5:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Bản quy định này được áp dụng trong các huyện trọng điểm và tất cả các huyện khác của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mỗi tỉnh, thành phố chọn một huyện trọng điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo các huyện khác trong tỉnh và thành phố mình.
Điều 18. Các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể để kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ, tăng cường hoạt động của Ủy ban Nhân dân huyện và các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện.
Điều 19. Các ngành ở Trung ương phải có kế hoạch hướng dẫn và giúp đỡ các Ủy ban Nhân dân huyện trong việc chấn chỉnh tổ chức, quy định nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của các ban chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân huyện, có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung cán bộ cho cơ quan chuyên môn của ngành mình ở huyện.
Điều 20. Các đồng chí Bộ trưởng Phủ thủ tướng và Trưởng ban tổ chức của chính phủ có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện bản quy định này và theo định kỳ báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.