THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1378/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI ĐẠI DIỆN CỦA CÁC CƠ QUAN THÔNG TẤN, BÁO CHÍ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 và Luật báo chí sửa đổi ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại;
Căn cứ Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM
1. Quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020 (sau đây gọi là văn phòng thường trú) phải phù hợp với Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Mạng lưới các văn phòng thường trú được thiết lập trên cơ sở tận dụng tối đa cơ sở vật chất của các văn phòng đại diện cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam ở nước ngoài và sự phối hợp giữa các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam, bảo đảm hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại, tránh lãng phí.
3. Ưu tiên thiết lập các văn phòng thường trú tại những địa bàn trọng điểm về thông tin đối ngoại.
4. Tăng cường hợp tác với các cơ quan thông tấn, báo chí của các nước trên thế giới để trao đổi, chia sẻ thông tin, đồng thời cung cấp thông tin chính thống về Việt Nam.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Mục tiêu chung:
a) Rà soát lại mạng lưới các văn phòng thường trú, trên cơ sở đó kiện toàn tổ chức các văn phòng thường trú thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài.
b) Tăng cường sự phối hợp giữa các văn phòng thường trú để thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
c) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ của các phóng viên thường trú ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
2. Mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2015: 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú; đến năm 2020: Tối đa 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có văn phòng thường trú.
III. NỘI DUNG QUY HOẠCH
1. Các cơ quan mở văn phòng thường trú
Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số các cơ quan báo chí khác.
Đơn vị chủ lực: Thông tấn xã Việt Nam.
2. Nguyên tắc mở văn phòng thường trú
Các văn phòng thường trú được ưu tiên mở tại các địa bàn trọng điểm sau:
a) Các nước láng giềng, các nước ASEAN;
b) Những nước có phạm vi ảnh hưởng về kinh tế, chính trị toàn cầu;
c) Những nước có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam;
d) Những nước có đông người Việt Nam sinh sống;
đ) Những nước có quan hệ hợp tác chặt chẽ về chính trị, kinh tế và du lịch với Việt Nam;
e) Những nước gắn liền với an ninh quốc gia và lợi ích của Việt Nam; điểm nóng và tập trung lợi ích của các nước lớn.
3. Phân bố các văn phòng thường trú đến năm 2015 và năm 2020:
STT | Quốc gia và vùng lãnh thổ đã có văn phòng thường trú nước ngoài | Quốc gia và vùng lãnh thổ đặt thêm văn phòng thường trú trước năm 2015 | Quốc gia và vùng lãnh thổ đặt thêm văn phòng thường trú trước năm 2020 |
Châu Á | |||
1 | Thái Lan | A rập Xê út | 01 quốc gia |
2 | Trung Quốc |
| |
3 | Hồng Kông |
| |
4 | Ấn Độ |
| |
5 | Lào |
| |
6 | Cam-pu-chia |
| |
7 | Ma-lay-xi-a |
| |
8 | Hàn Quốc |
| |
9 | Nhật Bản |
| |
10 | In-đô-nê-xi-a |
| |
11 | Xinh-ga-po |
| |
12 | I-xra-en |
| |
Châu Âu | |||
1 | Pháp | Thụy Điển | 01 quốc gia |
2 | Nga |
| |
3 | I-ta-li-a |
| |
4 | Bỉ |
| |
5 | Đức |
| |
6 | Anh |
| |
7 | Thụy Sỹ |
| |
8 | Séc |
| |
Châu Mỹ | |||
1 | Mỹ | Bra-xin | 01 quốc gia |
2 | Cu-ba |
| |
3 | Mê-hi-cô |
| |
4 | Ác-hen-ti-na |
| |
5 | Ca-na-đa |
| |
Châu Phi | |||
1 | An-giê-ri |
|
|
2 | Ai Cập |
|
|
3 | Nam Phi |
|
|
Châu Đại Dương | |||
1 | Ô-xtơ-rây-li-a |
|
|
4. Kiện toàn và thành lập mới mạng lưới văn phòng thường trú
a) Đối với các văn phòng thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí sử dụng ngân sách Nhà nước (Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam): Thành lập mới văn phòng thường trú phù hợp với quy hoạch này, đồng thời kiện toàn lại tổ chức các văn phòng thường trú hiện nay, bảo đảm sự thống nhất, coi trọng tính hiệu quả, sự phối hợp, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm, khu vực, quốc gia cần ưu tiên trong hoạt động thông tin đối ngoại.
b) Đối với các văn phòng thường trú ở nước ngoài của các cơ quan thông tấn, báo chí sử dụng nguồn lực từ hoạt động của mình (Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí khác): Căn cứ vào nhu cầu của mình, nguyên tắc mở văn phòng thường trú và phân bố các văn phòng thường trú đến năm 2015 và năm 2020 của Quy hoạch này, trình cấp thẩm quyền phê duyệt việc mở thêm văn phòng thường trú của đơn vị mình.
IV. GIẢI PHÁP
1. Giải pháp về cơ chế, chính sách
a) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của các văn phòng thường trú.
b) Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của các văn phòng thường trú phù hợp với yêu cầu trong thời kỳ mới.
c) Xây dựng đề án Kiện toàn tổ chức các văn phòng thường trú theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.
d) Xây dựng và ban hành Quy chế quản lý hoạt động của các văn phòng thường trú theo hướng nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại, tăng cường sự phối hợp chia sẻ thông tin, thực hiện cơ chế chỉ đạo và trao đổi thông tin kịp thời giữa cơ quan quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại với các văn phòng thường trú.
2. Giải pháp về nguồn nhân lực
a) Xây dựng, hoàn thiện và triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công tác tại văn phòng thường trú nhằm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thu thập thông tin và các nhiệm vụ thông tin đối ngoại khác.
b) Tăng cường ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng, có chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những cán bộ làm công tác tại văn phòng thường trú.
c) Phát huy vai trò của các cộng tác viên, phóng viên không thường trú, phóng viên được cử đi công tác ngắn hạn tới những địa bàn chưa có điều kiện mở văn phòng thường trú.
3. Giải pháp về tài chính và đầu tư
a) Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động cho các văn phòng thường trú của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam; các văn phòng thường trú của Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị khác sử dụng nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị mình.
b) Đảm bảo Ngân sách Nhà nước cho hoạt động thông tin đối ngoại, hoạt động hợp tác, chia sẻ thông tin của các văn phòng thường trú với các cơ quan thông tấn báo chí trên thế giới.
c) Bố trí đủ ngân sách để triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ tại phần Phụ lục của Quy hoạch này.
d) Kinh phí hoạt động của văn phòng thường trú được hạch toán vào chi phí hoạt động của cơ quan thông tấn, báo chí chủ quản.
đ) Việc phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí của văn phòng thường trú được thực hiện theo quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức triển khai và theo dõi thực hiện Quy hoạch, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế của đất nước, trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp.
b) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý hoạt động văn phòng thường trú trong quý III năm 2014.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan thẩm định việc thành lập văn phòng thường trú.
d) Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả thông tin đối ngoại của các văn phòng thường trú tại các địa bàn.
đ) Chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan xây dựng đề án thí điểm mô hình văn phòng thường trú chung đối với các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV năm 2014.
e) Hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hiệu quả thông tin đối ngoại của mạng lưới các văn phòng thường trú.
2. Bộ Ngoại giao
a) Phối hợp với các bộ, ngành liên quan quản lý, giám sát hoạt động của các văn phòng thường trú.
b) Hướng dẫn và hỗ trợ các văn phòng thường trú để bảo đảm hoạt động có hiệu quả theo đúng định hướng đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
3. Bộ Công an
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn và theo dõi việc chấp hành chế độ bảo mật thông tin trong hoạt động thu thập và cung cấp thông tin của các văn phòng thường trú.
b) Theo dõi, tổng hợp diễn biến thông tin đối ngoại để đề xuất chủ trương, biện pháp để các cơ quan liên quan phản bác các thông tin sai, xuyên tạc, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Bộ Quốc phòng
Phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan trong việc tổ chức bộ máy, cơ chế, chính sách trong hoạt động của các văn phòng thường trú.
5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch bảo đảm kinh phí từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng và triển khai các chương trình, nhiệm vụ theo Quy hoạch này.
6. Bộ Tài chính
Bố trí, phân bổ kinh phí từ nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng và triển khai các chương trình, nhiệm vụ theo Quy hoạch này.
7. Các đơn vị chủ quản của văn phòng thường trú ở nước ngoài
a) Chịu trách nhiệm về hoạt động của văn phòng thường trú của đơn vị mình;
b) Định kỳ báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao về tình hình hoạt động của văn phòng thường trú của đơn vị mình;
c) Hàng năm xây dựng, tổng hợp dự toán kinh phí cho hoạt động của các văn phòng thường trú ở nước ngoài của đơn vị mình vào dự toán ngân sách.
d) Chỉ đạo các văn phòng thường trú cung cấp thông tin và tham gia các hoạt động phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại, hỗ trợ cho công tác của lực lượng an ninh trong các hoạt động: thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chủ trương chính sách đối ngoại của nước sở tại đối với Việt Nam, tuyên truyền vận động kiều bào hướng về Tổ quốc.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập, Giám đốc các cơ quan thông tấn, báo chí chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
PHỤ LỤC
CÁC CHƯƠNG TRÌNH, NHIỆM VỤ TRỌNG ĐIỂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1378/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12 tháng 8 năm 2013 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020)
TT | Tên chương trình, nhiệm vụ | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời gian thực hiện |
1 | Tăng cường năng lực, đào tạo cán bộ, phóng viên của các văn phòng thường trú ở nước ngoài | Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân | Bộ Thông tin và Truyền thông | 2013 - 2020 |
2 | Mở mới các văn phòng thường trú thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài | Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân | Bộ Thông tin và Truyền thông | 2013 - 2020 |
3 | Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin và hoạt động của các văn phòng thường trú ở nước ngoài | Bộ Thông tin và Truyền thông | Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân | 2013 - 2020 |
4 | Khảo sát nhu cầu, sự cần thiết và hiệu quả hoạt động của các văn phòng thường trú ở nước ngoài | Bộ Thông tin và Truyền thông | Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân | 2013 - 2020 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.