TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1371TCT/QĐ-NV7 | Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ, THU THUẾ SDĐNN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ
Căn cứ Quyết định số 281/HĐBT ngày 7/8/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về việc thành lập hệ thống thu thuế Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Thông tư số 38 TC/TCCB ngày 25/8/1990 của Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của hệ thống thu thuế Nhà nước;
Căn cứ Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 10/7/1993;
Căn cứ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế SDĐNN;
Theo đề nghị của Trưởng phòng Thuế nông nghiệp - Tổng cục thuế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này quy trình nghiệp vụ quản lý, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN).
Điều 2: Quy trình nghiệp vụ quản lý, thu thuế SDĐNN có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Những quy định về nghiệp vụ quản lý, thu thuế SDĐNN trước đây trái với quy trình nghiệp vụ này đều bãi bỏ.
Điều 3: Cục trưởng Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng phòng Tổ chức, cán bộ - đào tạo; Trưởng phòng Thuế nông nghiệp và các Trưởng phòng liên quan khác thuộc Văn phòng Tổng cục thuế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY TRÌNH
NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ, THU THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
(ban hành kèm theo quyết định số 1371/tct/qđ/nv7 ngày 21 tháng 8 năm 2001 của tổng cục trưởng tổng cục thuế)
Để thực hiện tốt Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) đã được Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 10/7/1993 và các văn bản hướng dẫn dưới Luật, Tổng cục thuế ban hành "Quy trình nghiệp vụ quản lý, thu thuế SDĐNN".
Quy trình nghiệp vụ quản lý, thu thuế SDĐNN quy định trình tự nội dung các công việc chính cơ quan thuế, cán bộ thuế phải thực hiện trong công tác quản lý, thu thuế SDĐNN, cụ thể gồm:
I. QUY TRÌNH LẬP SỔ THUẾ SDĐNN:
1. Nguyên tắc lập sổ thuế SDĐNN:
1.1. Sổ thuế SDĐNN lập vào tháng 1 của năm thu thuế. Các năm sau, nếu căn cứ tính thuế của hộ nộp thuế có thay đổi thì sổ thuế được lập lại chậm nhất vào tháng 3/ năm thuế.
1.2. Sổ thuế được lập và tính thuế cho cả năm, nhưng chia ra 2 vụ sản xuất chính trong năm.
1.3. Sổ thuế được lập theo từng hộ nộp thuế (mỗi hộ nộp thuế đứng tên một dòng trên trang sổ); sổ thuế được tổng hợp theo đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh).
1.4. Đất sản xuất thuộc địa bàn địa phương (xã) nào thì lập sổ thuế tại địa bàn hành chính địa phương đó.
1.5. Đối với hộ nộp thuế là tổ chức thì lập sổ thuế như sau:
- Hộ nộp thuế chỉ sử dụng đất ở trong 1 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) thì lập sổ thuế tại xã có đất.
- Hộ nộp thuế có sử dụng đất ở nhiều xã trong một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là huyện) thì lập sổ thuế tại huyện đó.
- Hộ nộp thuế có sử dụng đất ở nhiều huyện trong một tỉnh thì lập sổ thuế tại huyện nơi có trụ sở chính của hộ nộp thuế đóng.
2. Trình tự (các bước) lập sổ thuế SDĐNN:
2.1. Lập Tờ khai tính thuế của hộ nộp thuế:
- Đội thuế xã phát Tờ khai tính thuế cho hộ nộp thuế (mỗi hộ 2 tờ) và hướng dẫn để hộ nộp thuế tự kê khai diện tích đất nông nghiệp hộ đang sử dụng (phần do hộ nộp thuế kê khai).
- Hộ nộp thuế gửi lại tờ khai đã tự kê khai diện tích đất nông nghiệp của hộ đến UBND xã (đối với hộ nộp thuế lập sổ thuế tại xã) hoặc đến chi cục thuế (đối với hộ nộp thuế lập sổ thuế tại huyện). Tờ khai phải có chữ ký của chủ hộ hoặc người đại diện hộ nộp thuế.
- Đội thuế xã giúp UBND xã nhận tờ khai của các hộ nộp thuế lập sổ thuế tại xã (Chi cục thuế nhận tờ khai của các hộ nộp thuế lập sổ thuế tại huyện) và thực hiện kiểm tra, đối chiếu tờ khai của từng hộ nộp thuế với giấy giao đất và các tài liệu liên quan khác để xác định chính xác diện tích tính thuế của từng hộ. Nếu phát hiện diện tích trên tờ khai chưa chính xác thì cơ quan thuế yêu cầu hộ nộp thuế kê khai lại.
- Sau khi nhận tờ khai của hộ nộp thuế, Đội thuế xã và bộ phận tính thuế ở Chi cục thuế căn cứ vào kết quả phân hạng đất tính thuế của xã đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thực hiện ghi hạng đất tính thuế của từng thửa ruộng đất vào tờ khai của hộ (phần do cơ quan thuế ghi). Đối với những diện tích đất của hộ ghi trong tờ khai nhưng chưa phân hạng thì cơ quan thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã kịp thời thực hiện phân hạng đất bổ sung và ghi hạng đất bổ sung vào tờ khai.
- Tờ khai sau khi lập hoàn chỉnh được gửi cho hộ nộp thuế 1 bản và lưu trữ tại Đội thuế xã (hoặc Chi cục thuế) 1 bản. Thời gian lưu trữ là 10 năm.
- Đội thuế giúp UBND xã tổng hợp tờ khai của các hộ nộp thuế lập sổ thuế tại xã và báo cáo Chi cục thuế.
- Chi cục thuế tổng hợp tờ khai của các hộ nộp thuế thuộc Chi cục trực tiếp quản lý, thu thuế; kiểm tra, tổng hợp tờ khai của toàn huyện và báo cáo UBND huyện xem xét sơ bộ.
2.2. Tính thuế, lập sổ thuế:
- Căn cứ tờ khai tính thuế đã được kiểm tra, tổ kế toán hoặc nghiệp vụ của Chi cục thuế thực hiện tính thuế cho từng hộ nộp thuế. Trường hợp nếu quá ngày 31 tháng 1 mà hộ nộp thuế không kê khai diện tích (không có tờ khai) thì cơ quan thuế được quyền ấn định số thuế ghi thu hàng năm của hộ nộp thuế trên cơ sở các tài liệu về đất đai của xã hiện có.
- Căn cứ kết quả tính thuế của từng hộ nộp thuế ở tờ khai do Chi cục thuế huyện gửi lại cho UBND xã, Đội thuế xã thực hiện lập sổ thuế của xã (theo mẫu quy định của Tổng cục thuế) và niêm yết công khai sổ thuế đã lập trong thời hạn 20 ngày để các hộ nộp thuế biết và tham gia ý kiến trước khi trình UBND huyện (Chi cục thuế) xét duyệt sổ thuế.
- Hết thời hạn niêm yết sổ thuế nêu trên, Đội thuế xã tổng hợp các ý kiến tham gia của các hộ nộp thuế, điều chỉnh các sai sót về diện tích, hạng đất tính thuế, thuế ghi thu của hộ nộp thuế hoặc giải thích những ý kiến, thắc mắc không đúng của hộ nộp thuế. Trên cơ sở đó tổng hợp, lập sổ thuế chính thức.
2.3. Trình tự xét duyệt sổ thuế:
- Đội thuế xã lập xong sổ thuế của xã và thông qua Hội đồng tư vấn thuế xã, lập biên bản cuộc họp Hội đồng tư vấn thuế xã.
- Đội thuế xã báo cáo UBND xã sổ thuế của xã.
- UBND xã báo cáo UBND huyện xét duyệt lần đầu sổ thuế của xã. Chi cục thuế cùng Hội đồng tư vấn thuế huyện giúp UBND huyện xét duyệt sổ thuế cho từng xã.
- Chi cục thuế tổng hợp kết quả xét duyệt lần đầu sổ thuế của các xã, báo cáo UBND huyện để trình UBND tỉnh xét duyệt sổ thuế của huyện.
- Cục thuế giúp UBND tỉnh kiểm tra, xét duyệt sổ thuế của các huyện, có sự tham gia của Hội đồng tư vấn thuế tỉnh
- Căn cứ sổ thuế của huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt, Chi cục thuế giúp UBND huyện xét duyệt chính thức sổ thuế của các xã và sổ thuế của các hộ nộp thuế do Chi cục thuế trực tiếp quản lý, thu thuế.
2.4. Quy trình điều chỉnh sổ thuế SDĐNN:
- Sổ thuế của xã được UBND tỉnh xét duyệt; các năm sau nếu có sự thay đổi về hộ nộp thuế, căn cứ tính thuế của từng hộ hoặc các trường hợp sai sót được phát hiện thì chậm nhất ngày 31 tháng 1 năm thuế hộ nộp thuế phải lập lại tờ khai mới gửi đến UBND nơi lập sổ thuế.
- Căn cứ vào tờ khai mới của hộ nộp thuế và việc kiểm tra, xác định lại của Đội thuế xã, Chi cục thuế thực hiện điều chỉnh ngay sổ thuế của hộ nhưng chậm nhất không quá tháng 3 năm thuế (trình tự điều chỉnh sổ thuế được thực hiện theo quy trình lập sổ thuế).
- Những trường hợp sau đây được phép điều chỉnh sổ thuế ngay trong năm thuế:
Hộ nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Hộ nộp thuế chuyển đi nơi khác mà đất của họ không có người sử dụng.
Đất bị lấp, lở do thiên tai, địch họa không sản xuất được và các trường hợp tương tự khác.
Đất sản xuất nông nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi chuyển sang sử dụng vào mục đích khác.
II. QUY TRÌNH MIỄN GIẢM THUẾ SDĐNN:
1. Quy trình miễn giảm thuế SDĐNN cho các đối tượng chính sách, xã hội:
- Vào đầu năm thuế hoặc đầu vụ thu thuế đầu tiên của năm thuế (hoặc đầu vụ thu thuế cuối năm thuế nếu là trường hợp đặc biệt), căn cứ vào đơn đề nghị miễn, giảm thuế SDĐNN của các hộ nộp thuế thuộc đối tượng chính sách, xã hội, Đội thuế xã phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã lập danh sách các hộ nộp thuế thuộc diện được miễn, giảm thuế theo từng loại đối tượng chính sách xã hội (hộ gia đình liệt sĩ, hộ thương binh, bệnh binh, hộ gia đình có công với cách mạng, hộ đời sống có nhiều khó khăn...) và dự kiến số thuế miễn, giảm từng hộ.
- Hội đồng tư vấn thuế xã họp thông qua danh sách hộ và mức thuế đề nghị xét miễn, giảm của từng hộ nộp thuế; lập Biên bản cuộc họp và gửi Biên bản kèm danh sách hộ đề nghị miễn giảm thuế trình UBND xã xét duyệt.
- UBND xã gửi UBND huyện danh sách hộ đề nghị miễn giảm để UBND huyện xét duyệt. Chi cục thuế phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế huyện kiểm tra, thẩm định danh sách đề nghị miễn giảm của xã (về số hộ, số thuế miễn giảm của từng hộ) trước khi trình UBND huyện xét duyệt.
- Chi cục thuế giúp UBND huyện tổ chức xét duyệt miễn giảm thuế cho các đối tượng chính sách xã hội theo đề nghị của UBND các xã đã được kiểm tra, thẩm định và tổng hợp số thuế xét miễn giảm của huyện trình UBND tỉnh ra quyết định miễn giảm thuế:
2. Quy trình miễn, giảm thuế trong trường hợp thiên tai, địch hoạ làm mùa màng thiệt hại:
2.1. Xác định mức độ thiệt hại mùa màng để xét miễn giảm thuế:
- Ngay sau thời điểm xảy ra thiên tai làm thiệt hại mùa màng, Chi cục thuế chủ động phối hợp với Phòng Thống kê huyện và UBND xã nơi bị thiên tai tổ chức điều tra, xác định phạm vi, mức độ thiệt hại mùa màng của từng cánh đồng, lập Biên bản xác nhận và đánh giá sơ bộ mức độ thiệt hại do thiên tai để làm cơ sở cho việc xác định thiệt hại cây trồng khi thu hoạch.
- Đến vụ thu hoạch, Cục thuế tỉnh chỉ đạo các Chi cục thuế huyện nơi có thiên tai phối hợp với các ngành liên quan ở huyện (thống kê, Nông nghiệp) hướng dẫn, kiểm tra các xã xác định năng suất sản lượng thu hoạch thực tế của diện tích bị thiệt hại theo từng cánh đồng, xứ đồng, khu vực và lập Biên bản thăm đồng.
Biên bản thăm đồng gồm các nội dung chủ yếu sau:
Số hộ có diện tích bị thiệt,
Tổng diện tích bị thiệt hại trên từng cánh đồng,
Năng suất thu hoạch thực tế bình quân của diện tích bị thiệt hạt trên từng cánh đồng.
2.2. Trình tự xem xét giải quyết miễn, giảm thuế do thiên tai ở từng cấp hành chính như sau:
a. Tại cấp xã:
- Căn cứ tình hình thực tế và mức độ thiệt hại chung (thông qua Biên bản đánh giá, xác nhận thiệt hại khi xảy ra thiên tai và Biên bản thăm đồng), Đội thuế xã và Hội đồng tư vấn thuế xã giúp UBND xã lập danh sách các hộ bị thiệt hại và số diện tích bị thiệt hại của từng hộ, tỷ lệ thiệt hại bình quân của hộ và mức thuế đề nghị xét miễn, giảm của từng hộ nộp thuế. Trường hợp hộ nộp thuế có diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức (theo quy định của Luật đất đai) bị thiệt hại thì tính số thuế xét miễn, giảm của diện tích vượt hạn mức bị thiệt hại này theo quy định riêng.
- Đội thuế xã niêm yết công khai danh sách và mức thuế đề nghị xét miễn, giảm của từng hộ nêu trên tối thiểu 20 ngày để các hộ nộp thuế biết và tham gia ý kiến trước khi trình UBND xã xét duyệt.
- UBND xã tổ chức xét duyệt miễn, giảm thuế của từng hộ nộp thuế theo đề nghị của Đội thuế xã, lập Biên bản xét duyệt và báo cáo UBND huyện xét duyệt miễn, giảm thuế cho xã.
b. Tại cấp huyện:
- Căn cứ đề nghị và Biên bản xét duyệt miễn, giảm thuế của các xã gửi huyện kèm theo các lài liệu: Biên bản đánh giá và xác nhận thiên tai; báo cáo thống kê năng suất sản lượng thực tế của cây trồng, vật nuôi; Biên bản thăm đồng; đơn đề nghị xét miễn, giảm thuế của hộ nộp thuế thuộc Chi cục thuế trực tiếp quản lý, thu thuế..., Chi cục thuế cùng Hội đồng tư vấn thuế huyện giúp UBND huyện tổ chức xét miễn, giảm thuế cho các xã và các hộ nộp thuế thuộc Chi cục thuế trực tiếp quản lý, thu thuế; sau đó tổng hợp, lập hồ sơ miễn, giảm thuế của huyện và báo cáo UBND huyện.
- UBND huyện xét duyệt miễn, giảm thuế của các xã theo đề nghị của UBND xã và Chi cục thuế.
- Chi cục thuế lập hồ sơ xin miễn, giảm thuế của huyện và trình Cục thuế để Cục thuế trình UBND tỉnh xét duyệt miễn, giảm thuế của huyện.
Hồ sơ xin miễn, giảm thuế của huyện gồm:
Tờ trình đề nghị xét duyệt miễn, giảm thuế của UBND huyện.
Báo cáo chi tiết về miễn, giảm thuế do thiên tai của Chi cục thuế.
Hồ sơ xin miễn, giảm thuế của các xã và các hộ nộp thuế thuộc Chi cục thuế trực tiếp quản lý, thu thuế.
Biên bản xét duyệt miễn, giảm thuế của các xã và các hộ nộp thuế thuộc Chi cục thuế trực tiếp quản lý, thu thuế.
c. Tại cấp tỉnh:
- Cục thuế cùng Hội đồng tư vấn thuế tỉnh giúp UBND tỉnh tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế do thiên tai của các huyện, thực hiện kiểm tra và xét duyệt miễn, giảm thuế cho các huyện, tổng hợp hồ sơ miễn, giảm thuế của tỉnh và trình UBND tỉnh để Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định miễn, giảm thuế của các huyện (chi tiết đến từng xã).
3. Trình tự thi hành quyết định miễn, giảm thuế SDĐNN của Chủ tịch UBND tỉnh:
- UBND cấp huyện trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Chi cục thuế thực hiện thông báo bằng văn bản quyết định miễn, giảm thuế của Chủ tịch UBND tỉnh cho các xã và đến từng hộ nộp thuế về số thuế được miễn, giảm ghi trong quyết định. Trường hợp số hộ nộp thuế được miễn, giảm thuế của một xã quá nhiều thì UBND huyện có thể uỷ quyền cho UBND xã thông báo bằng văn bản về số thuế được miễn, giảm đến từng hộ nộp thuế. Trường hợp thông báo không đúng số thuế được miễn giảm của hộ ghi trong quyết định thì tuỳ theo nguyên nhân, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý về hành chính hoặc pháp luật.
- Tổng cục thuế thực hiện kiểm tra quyết định miễn, giảm thuế SDĐNN của các địa phương, trình Bộ Tài chính ra công văn có ý kiến về quyết định miễn, giảm thuế không đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ.
III. QUY TRÌNH TỔ CHỨC THU NỘP THUẾ SDĐNN
1. Bước chuẩn bị tổ chức thu nộp thuế:
- Căn cứ vào thời điểm và khả năng thu hoạch của vụ sản xuất chính, thực tế giá cả thị trường ở địa phương, Cục thuế trình UBND tỉnh ra quyết định thời hạn vụ thu thuế (thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc), giá thóc thu thuế của vụ thu thuế và các vấn đề liên quan khác.
- Căn cứ các quyết định về vụ thu thuế của Chủ tịch UBND tỉnh, Chi cục thuế giúp UBND huyện thông báo các quyết định trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức tuyên truyền phát động phong trào thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch vụ thu nộp thuế.
- Chi cục thuế phối hợp với UBND xã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức thu nộp thuế (điểm thu thuế, sổ sách tài liệu về thuế, biên lai thuế....). Trường hợp thu thuế qua Kho bạc Nhà nước thì phối hợp với cơ quan Kho bạc để bố trí cán bộ thu thuế của Kho bạc và chuẩn bị phương án bảo vệ tiền thuế đã thu.
- Chi cục thuế viết thông báo nộp thuế hoặc Đội thuế xã giúp UBND xã viết thông báo nộp thuế (theo mẫu quy định của Tổng cục thuế) theo đợt tập trung và gửi đến từng hộ nộp thuế trước vụ thu thuế ít nhất từ 10 đến 15 ngày để hộ nộp thuế có đủ thời gian chuẩn bị được đủ tiền nộp thuế.
- Cán bộ thuế (hoặc cán bộ Uỷ nhiệm thu) là người giao Thông báo nộp thuế phải yêu cầu hộ nộp thuế ký nhận tại cuống lưu tờ Thông báo nộp thuế để có căn cứ xử phạt hành chính việc nộp chậm tiền thuế hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hộ nộp thuế (nếu vi phạm).
2. Bước tiến hành thu nộp thuế:
2.1. Trường hợp cơ quan thuế trực tiếp thu thuế bằng tiền mặt:
- Cán bộ thuế (hoặc cán bộ Uỷ nhiệm thu) được giao nhiệm vụ thu thuế phải kiểm tra, đối chiếu số tiền thuế phải nộp của hộ nộp thuế ghi trên thông báo nộp thuế với các sổ sách, tài liệu có liên quan để phát hiện sai sót (nếu có) và kịp thời điều chỉnh.
- Thông báo nộp thuế của hộ nộp thuế đã được kiểm tra và điều chỉnh sai sót (nếu có) sẽ là căn cứ để thu tiền thuế của hộ. Sau khi thu tiền thuế và cấp biên lai thu thuế cho hộ nộp thuế, cán bộ thuế căn cứ biên lai thu thuế để ghi sổ theo dõi thu thuế và thực hiện chấm bộ.
- Cuối ngày thu thuế, cán bộ thu thuế lập Bảng kê số lượng Biên lai thu thuế đã sử dụng và tiền thuế đã thu, và đối chiếu số tiền đã thu với Bảng kê. Bảng kê phải có chữ ký xác nhận của Đội trưởng đội thuế xã.
- Căn cứ vào các Bảng kê Biên lai thu thuế, 10 ngày một lần cán bộ thu thuế phải nộp hết số tiền thuế đã thu theo tổng hợp các Bảng kê vào Kho lạc nhà nước (trừ trường hợp khi số tiền thuế đã thu được từ 5 triệu đồng trở lên thì phải nộp ngay tiền thuế vào Kho bạc nhà nước, không nộp theo định kỳ 10 ngày một lần).
- Trường hợp hộ nộp thuế tự nguyện nộp thuế một lần cho cả năm tại vụ thu thuế đầu năm thì số tiền thuế phải nộp cả năm của hộ nộp thuế trong trường hợp này được tính theo giá thóc thu thuế vụ đầu năm quy định tại quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh.
2.2. Trường hợp thu thuế qua Kho bạc nhà nước bằng tiền mặt:
- Căn cứ vào số tiền ghi trên Thông báo nộp thuế của hộ nộp thuế, cán bộ thu thuế thực hiện kiểm tra và lập Giấy nộp tiền vào Kho bạc nhà nước. (Giấy nộp tiền phải có chữ ký của hộ nộp thuế).
- Sau khi viết xong Giấy nộp tiền, liên 1 được lưu tại cuống quyển Giấy nộp tiền, 4 liên còn lại được chuyển cho cán bộ Kho bạc nhà nước trực tiếp thu tiền thuế.
- Cán bộ Kho bạc nhà nước trực tiếp thu tiền thuế thực hiện ký tên, đóng dấu "đã thu tiền" lên cả 4 liên của Giấy nộp tiền, sau đó giao cho đối tượng nộp thuế liên số 3 (giao người nộp tiền), trả lại cán bộ thu thuế liên số 4 để chuyển về tổ kế hoạch - kế toán - thống kê, Chi cục thuế làm chứng từ thu và lưu hồ sơ thu thuế.
- Cuối ngày, cán bộ thuế được giao nhiệm vụ lập giấy nộp tiền thực hiện cộng số tiền thuế đã thu ghi trên giấy nộp tiền, đối chiếu với số tiền thuế thực thu trong ngày của cán bộ Kho bạc nhà nước và lập biên bản đối chiếu.
Biên bản đối chiếu phải ghi rõ số thuế đã thu theo từng giấy nộp tiền, tổng số tiền thực nhận; nếu có chênh lệch phải làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời.
Biên bản đối chiếu phải có chữ ký xác nhận của cán bộ viết giấy nộp tiền và cán bộ trực tiếp thu tiền thuế thuộc bộ phận trực thu của Kho bạc Nhà nước.
2.3. Trường hợp thu nộp thuế bằng chuyển khoản:
Nộp thuế bằng chuyển khoản do hộ nộp thuế tự làm thủ tục nộp thuế (tự viết Séc chuyển khoản hoặc Uỷ nhiệm chi và Giấy nộp tiền theo đúng chương, loại, khoản, hạng, mục quy định và gửi đến Kho bạc Nhà nước).
Cơ quan thuế phải mở sổ theo dõi các hộ nộp thuế bằng chuyển khoản để đối chiếu định kỳ với Kho bạc và đôn đốc hộ nộp thuế được thực hiện nộp thuế kịp thời.
2.4. Tổ chức thu nộp thuế SDĐNN đối với đất rừng trồng:
Sản phẩm đất rừng trồng (cây lấy gỗ và cây lâu năm thu hoạch 1 lần) sau khi được khai thác và trước khi đem đi tiêu thụ hộ nộp thuế phải lập hoá đơn hoặc bảng kê bán hàng và bản kê khai nộp thuế với mức thuế bằng 4% giá trị sản lượng khai thác thực tế nhân (x) với giá bán thực tế. Trường hợp hộ nộp thuế kê khai không đúng thì thu thuế theo sản lượng khai thác thực tế và giá thu thuế do UBND cấp tỉnh quyết định.
IV. QUY TRÌNH THANH QUYẾT TOÁN KẾT QUẢ THU NỘP THUẾ SDĐNN
Theo quy dịnh tại Điều 18, Luật thuế SDĐNN và Điều 13, Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ thì kết thúc năm thuế, cơ quan trực tiếp thu thuế (Chi cục thuế quận, huyện) phải thanh quyết toán kết quả thu nộp thuế đến từng hộ nộp thuế và báo cáo quyết toán thuế bằng văn bản với cơ quan thuế cấp trên và UBND cùng cấp.
1. Thanh quyết toán thuế ở cấp xã:
Đội thuế xã thực hiện lập quyết toán kết quả thu nộp thuế trong năm đến từng hộ nộp thuế theo trình tự sau:
- Xác định số thuế phải nộp của hộ nộp thuế;
- Xác định số thuế đã nộp của hộ nộp thuế;
Số thuế đã nộp trong năm của hộ nộp thuế được tổng hợp từ sổ theo dõi thu thuế và đối chiếu với biên lai thu thuế.
- So sánh số thuế phải nộp và số thuế đã nộp của hộ nộp thuế để xác định kết quả nộp thuế trong năm của hộ và xác định số thuế nộp thiếu hoặc nộp thừa của hộ nộp thuế tính đến ngày 31 tháng 12 năm thuế.
- Đội thuế xã tổng hợp kết quả thanh quyết toán thuế của từng hộ và lập báo cáo quyết toán thuế của xã (có ý kiến xác nhận của UBND xã) và trình UBND huyện xét duyệt.
2. Thanh quyết toán thuế ở cấp huyện:
- Chi cục thuế giúp UBND huyện tổ chức kiểm tra xét duyệt quyết toán kết quả thu thuế của các xã trong huyện và các hộ nộp thuế do huyện (Chi cục thuế) trực tiếp quản lý thu thuế.
- Chi cục thuế tổng hợp quyết toán kết quả thu thuế chung toàn huyện và báo cáo UBND huyện để UBND huyện trình UBND tỉnh xét duyệt.
3. Thanh quyết toán thuế ở cấp tỉnh:
- Cục thuế giúp UBND tỉnh xét duyệt quyết toán kết quả thu thuế của các huyện và quyết toán thuế các hộ nộp thuế do cục thuế trực tiếp quản lý thu thuế:
- Cục thuế tổng hợp quyết toán thuế chung toàn tỉnh đã được UBND tỉnh xét duyệt và báo cáo Tổng cục thuế, Bộ Tài chính.
4. Tổng cục thuế chỉ đạo và tổng hợp quyết toán thuế hàng năm của các địa phương định kỳ kiểm tra quyết toán thuế hàng năm của các địa phương (tỉnh, huyện) trong cả nước.
V. QUY TRÌNH KIỂM TRA THUẾ SDĐNN:
Công tác kiểm tra thuế SDĐNN là công tác kiểm tra việc thi hành Luật thuế SDĐNN và kiểm tra việc thực hiện quy trình nghiệp vụ quản lý, thu thuế SDĐNN đã được Tổng cục thuế ban hành.
Quy trình kiểm tra thuế SDĐNN gồm các bước công việc sau:
1. Cán bộ thuế được giao nhiệm vụ chủ trì việc kiểm tra thực hiện xây dựng Đề cương kiểm tra, trong đó nêu rõ chương trình kế hoạch, thời gian, địa điểm và nội dung chi tiết kiểm tra để trình lãnh đạo đơn vị (Chi cục thuế, Cục thuế, Tổng cục thuế) xét duyệt.
2. Lãnh đạo đơn vị xét duyệt đề cương kiểm tra và giao lại cho cán bộ chủ trì kiểm tra tổ chức thực hiện công tác kiểm tra.
3. Chuẩn bị kiểm tra: việc bố trí cán bộ tham gia kiểm tra, việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan, việc chuẩn bị phương tiện đi lại và chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết khác...
4. Thực hiện kiểm tra thực tế theo đề cương đã được duyệt với các nội dung cụ thể sau đây:
4.1. Kiểm tra việc lập sổ bộ thuế SDĐNN hàng năm:
4.1.1. Kiểm tra việc kê khai, xác định diện tích tính thuế của hộ nộp thuế theo trình tự sau:
- Đối chiếu tờ khai của hộ nộp thuế với tài liệu đo đạc gần nhất của ngành địa chính (diện tích và sự biến động diện tích, các quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và các tài liệu về đất đai có liên quan khác.
- Kiểm tra các tài liệu về diện tích đất khai hoang, phục hoá, diện tích đất cây lâu năm hết thời hạn xây dựng cơ bản và bắt đầu chu kỳ sản xuất kinh doanh.
- Kiểm tra các thủ tục hồ sơ pháp lý của diện tích tính thuế hiện tại và diện tích tăng, giảm so với sổ bộ thuế năm trước.
4.1.2. Kiểm tra việc xác định diện tích theo hạng đất tính thuế của hộ nộp thuế:
- Đối chiếu diện tích của từng hạng đất tính thuế của từng hộ nộp thuế với tài liệu phân hạng đất tính thuế của xã, bản đồ giải thửa của xã. Hạng đất tích thuế ghi trong các tài liệu về đất đai này của xã phải phù hợp với hạng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn ổn định 10 năm ( 1994 - 2003).
Kiểm tra việc bảo đảm nguyên tắc: tổng diện tích của từng hạng đất tính thuế của các hộ nộp thuế trong xã phải bằng tổng diện tích của từng hạng đất tính thuế tương ứng của xã.
4.l.3. Kiểm tra việc tính thuế của các hộ nộp thuế:
- Kiểm tra phương pháp tính thuế ghi thu đối với từng loại cây trồng (cây hàng năm, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, cây lâu năm, rừng trồng) của từng hộ nộp thuế theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 89 TC/TCT ngày 9/11/1993 của Bộ Tài chính.
- So sánh số thuế ghi thu năm nay so với năm trước của từng hộ nộp thuế và của thôn, xã theo các chỉ tiêu tổng số thuế, thuế ghi thu bình quân trên 1 đơn vị diện tích đất.
- Kiểm tra việc phân định rõ diện tích đất vườn tạp, đất trồng cây lâu năm, đất vượt hạn điền để tính thuế ghi thu đúng chính sách quy định với từng loại đất.
4.1.4. Kiểm tra việc thực hiện quy định công khai diện tích, hạng đất, thuế ghi thu, số thuế phải nộp trong năm của từng hộ nộp thuế.
4.2. Kiểm tra việc thực hiện thu nộp thuế:
4.2.1. Kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức thu nộp thuế trên các mặt sau:
- Phương thức thu nộp thuế: cơ quan thuế trực tiếp thu bằng tiền mặt hay thu qua kho bạc Nhà nước bằng tiền mặt hay thu chuyển khoản, thu bằng thóc.'
- Việc gửi Thông báo nộp thuế cho hộ nộp thuế: Thông báo nộp thuế chỉ dùng để ghi những khoản thuế phải nộp, tuyệt đối không ghi thu các khoản khác không phải thuế.
- Giá thóc thu thuế: phải thu thuế theo đúng giá thóc thuế mà Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định.
- Các tài liệu, sổ sách cần thiết như'sổ thuế SDĐNN năm thu thuế, quyết toán thuế năm trước và các tài liệu liên quan đến việc thu nộp thuế.
4.2.2. Kiểm tra việc tổ chức thu nộp thuế (công tác hành thu):
- Việc bố trí địa điểm thu thuế, bàn thu thuế, cán bộ thu thuế, két bạc, phương án bảo vệ an toàn tiền thuế đã thu phải được thuận tiện, khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
- Việc viết và giao biên lai thu thuế cho hộ nộp thuế: Cán bộ thu thuế (kể cả cán bộ Uỷ nhiệm thu) là người viết và giao biên lai thu thuế cho hộ nộp thuế. Việc viết biên lai thu thuế phải thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 529 TC/QĐ ngày 22/12/1992 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành chế độ quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế).
- Việc viết giấy nộp tiền vào Kho bạc nhà nước phải theo đúng quy định.
- Thuế và các khoản thu khác của xã không nên thu cùng lúc. Trường hợp thuế và các khoản thu khác của xã cần thu cùng lúc thì khi thu phải có sổ theo dõi thu thuế riêng để tránh nhầm lẫn, tiêu cực có thể xảy ra.
4.2.3. Kiểm tra số thuế đã thu và đã nộp vào Kho bạc nhà nước: đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời, chống hiện tượng chiếm dụng, xâm tiêu, tham ô tiền thuế.
4.3. Kiểm tra việc thực hiện miễn, giảm thuế:
- Kiểm tra trình tự và thủ tục thực hiện miễn, giảm thuế từ cấp xã (Đội thuế xã) đến cấp tỉnh (Cục thuế) theo quy định.
- Kiểm tra phương pháp xác định tỷ lệ thiệt hại và tỷ lệ miễn, giảm thuế đúng chính sách quy định.
- Kiểm tra việc thực hiện Quyết định miễn, giảm thuế của Chủ tịch UBND tỉnh: việc thông báo quyết định miễn, giảm thuế đến từng hộ nộp thuế, số thuế được miễn, giảm của từng hộ có đúng với Quyết định không?
4.4. Kiểm tra việc thực hiện thanh quyết toán thu nộp thuế hàng năm:
Về nguyên tắc phải kiểm tra việc này từ cơ sở (cấp xã) và kiểm tra trên các mặt sau:
- Việc thanh quyết toán đến từng hộ nộp thuế.
- Thời gian, mẫu biểu, trình tự thanh quyết toán thuế phải đúng theo quy định.
- Số liệu các chỉ tiêu trên quyết toán phải khớp đúng vớt các tài liệu pháp lý liên quan (như quyết toán thuế năm trước được duyệt, sổ bộ thuế năm kế hoạch được duyệt, chứng từ thu nộp tiền thuế trong năm như Biên lai thu thuế, Giấy nộp tiền thuế..., Quyết định miễn, giảm thuế hay xoá nợ thuế của cấp có thẩm quyền, các tài liệu liên quan khác).
- Kiểm tra việc thực hiện tính toán số liệu các chỉ tiêu phản ảnh trên quyết toán đảm bảo chính xác.
- Kiểm tra việc xử lý, giải quyết những tồn tại của quyết toán thuế năm trước, vụ trước.
5. Lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra:
Cán bộ hoặc bộ phận thực hiện kiểm tra lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra trình lãnh đạo đơn vị và đề xuất biện pháp xử lý theo kết quả kiểm tra.
6. Xử lý kết quả kiểm tra:
Căn cứ báo cáo kết quả kiểm tra và ý kiến đề xuất biện pháp xử lý của cán bộ kiểm tra, lãnh đạo đơn vị quyết định việc xử lý, giải quyết các tồn tại sau mỗi kỳ kiểm tra.
VI. QUY TRÌNH XỬ LÝ VI PHẠM LUẬT THUẾ SDĐNN:
1. Các trường hợp vi phạm luật thuế SDĐNN:
1.1. Trường hợp vi phạm của đối tượng nộp thuế:
- Khai man diện tích, hạng đất để trốn thuế.
- Có sử dụng đất nông nghiệp mà không khai báo với cơ quan thuế và cơ quan quản lý đất đai nhằm trốn thuế.
- Nộp chậm tiền thuế, tiền phạt; nợ thuế dây dưa kéo dài không có lý do chính đáng.
- Có hành vi chống đối cán bộ thuế, chống đối chính sách pháp luật thuế SDĐNN.
1.2. Trường hợp vi phạm của cán bộ thuế hoặc người khác:
- Cố ý làm trái các quy định về thuế SDĐNN, gây thiệt hại cho Nhà nước và hộ nộp thuế hoặc người khác.
- Cố tình bao che người vi phạm Luật thuế SDĐNN.
- Có hành vi chiếm dụng, xâm tiêu, tham ô tiền thuế.
2. Trình tự, thủ tục xử lý vi phạm Luật thuế SDĐNN:
2.1. Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của các đối tượng, cơ quan thuế hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện lập biên bản xác định vi phạm Luật thuế của người vi phạm (có chữ ký của người vi phạm và UBND xã sở tại).
2.2. Cơ quan xử lý vi phạm tổ chức thực hiện điều tra, xác minh vụ việc, lập Biên bản làm việc, trong đó xác định rõ đối tượng, hành vi và mức độ vi phạm.
2.3. Căn cứ vào quy định tại Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế SDĐNN và Nghị định số 22/CP ngày 17/4/1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế; căn cứ kết quả điều tra, xác minh vụ việc thông qua Biên bản làm việc, cơ quan xử lý vi phạm thực hiện ra Quyết định xử phạt (theo mẫu quy định) theo thẩm quyền, mức độ vi phạm. Quyết định xử phạt phải gửi cho người (hoặc tổ chức) bị xử phạt chậm nhất trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra Quyết định xử phạt.
Trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người (hoặc tổ chức) vi phạm thì cơ quan xử lý vi phạm thực hiện lập hồ sơ vi phạm để chuyển cho cơ quan pháp luật điều tra, xem xét, xử lý.
2.4. Cơ quan xử lý vi phạm tổ chức thi hành Quyết định xử lý của lãnh đạo đơn vị hoặc lãnh đạo cấp trên. Nếu người (hoặc tổ chức) vi phạm không chấp hành Quyết định xử lý thì cơ quan xử lý vi phạm phối hợp với cơ quan thi hành pháp luật thực hiện cưỡng chế việc thi hành Quyết định xử lý theo quy định của pháp luật.
VII. QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO VỀ THUẾ SDĐNN:
Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo vi phạm Luật thuế SDĐNN được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 22, Nghị định số 74/CP ngày 25/10/1993 của Chính phủ.
1. Nguyên tắc cơ bản trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế SDĐNN:
- Đơn khiếu nại, tố cáo được giải quyết theo trình tự từ thấp đến cao. Người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quá thời hạn 30 ngày mà khiếu nại chưa được xem xét giải quyết thì được quyền khiếu nại lên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
- Trong khi chờ giải quyết khiếu nại, hộ nộp thuế vẫn phải nộp đủ số thuế và đúng thời hạn ghi trong thông báo nộp thuế.
- Riêng khiếu nại về số thuế phải nộp: phải khiếu nại ngay trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp thuế thì khiếu nại mới có giá trị pháp luật để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
2. Trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo:
2.1. Thực hiện phân loại đơn:
Khi nhận được đơn khiếu nại, tố cáo, cơ quan thuế phải phân loại đơn theo tính chất của sự việc được nêu rõ qua nội dung đơn đề cập:
- Khiếu nại về công tác nghiệp vụ thuế (việc xác định các căn cứ tính thuế, việc thực hiện các phép tính trong việc tính thuế không đúng).
- Khiếu nại về chính sách chế độ thuế và vấn đề liên quan của Nhà nước.
- Khiếu nại, tố cáo việc chiếm dụng, xâm tiêu, tham ô tiền thuế của cán bộ thuế và những người có liên quan.
- Khiếu nại quyết định xử lý, giải quyết khiếu nại của cơ quan thuế hay cơ quan có thẩm quyền cấp dưới.
2.2. Trình tự giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo:
- Tổ chức việc kiểm tra, xác minh việc thực hiện chính sách thuế SDĐNN của UBND và cơ quan thuế nơi phát sinh sự việc mà đơn khiếu nại, tố cáo đề cập.
- Tiếp xúc, gặp gỡ người khiếu nại và tổ chức, cá nhân có liên quan để tìrn hiểu, kiểm tra xác minh tại chỗ, lập biên bản kiểm tra, xác minh từng sự việc và có ký nhận của đương sự và những người liên quan.
- Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh mà có kết luận từng sự việc đúng sai và kiến nghị với cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý, giải quyết đơn theo đúng trình tự quy định tại Luật khiếu nại, tố cáo.
- Trả lời (thông báo) cho nguyên đơn kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đơn.
Căn cứ vào nội dung quy trình nghiệp vụ quản lý, thu thuế SDĐNN của Tổng cục thuế và điều kiện, đặc thù sản xuất nông nghiệp ở địa phương, Cục thuế cụ thể hoá nội dung công việc và biện pháp để tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, thu thuế SDĐNN ở địa phương mình.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện có những điểm quy định chưa phù hợp, các Cục thuế cần báo cáo về Tổng cục để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.