ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1362/QĐ-UBND | Bắc Kạn, ngày 27 tháng 8 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TỈNH BẮC KẠN THỜI KỲ 2012 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 07 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số: 5047/QĐ-BCT ngày 30/8/2012 của Bộ Công thương về Ban hành Kế hoạch của Ngành Công thương triển khai Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Công thương tại Công văn số: 385/SCT-QLTM ngày 13 tháng 8 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các đơn vị: Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch, Chi cục Hải quan Bắc Kạn, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị liên quan thực hiện Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA TỈNH BẮC KẠN THỜI KỲ 2012 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số: 1362/QĐ-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2013của UBND tỉnh Bắc Kạn)
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
1. Mục tiêu
Nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Quyết định số: 950/QĐ-TTg ngày 25/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, theo từng giai đoạn, tỉnh Bắc Kạn đạt được mục tiêu cụ thể như sau:
- Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2012 - 2020 từ 20 -25%/năm, trong đó giai đoạn 2012 - 2015 tăng trưởng bình quân 30%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 20%/năm. Duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 15% thời kỳ 2021 - 2030. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2015 đạt 05 triệu USD, từ năm 2020 đạt trên 10 triệu USD;
- Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2012 - 2020 bình quân từ 20 - 25%/năm, trong đó giai đoạn 2012 - 2015 tốc độ tăng trưởng 30%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 20%; thời kỳ 2021 - 2030 duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm;
- Từ nay đến năm 2020 giảm dần thâm hụt thương mại, giữ cân bằng cán cân thương mại và thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030 phấn đấu đạt bình quân là 10%/năm.
2. Yêu cầu
Các Sở, Ngành, UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tập trung chỉ đạo nhiệm vụ thuộc lĩnh vực mình phụ trách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình hành động này.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tốc độ tái cơ cấu doanh nghiệp, khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất, tăng cường chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
a) Về sản xuất công nghiệp
- Tiếp tục triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển Công nghiệp tỉnh Bắc Kạn đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020; xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch sản xuất các ngành, sản phẩm công nghiệp phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số: 13-NQ/TU ngày 21/7/2011 của Tỉnh uỷ Bắc Kạn về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015;
- Tập trung ưu tiên phát triển các ngành có tiềm năng và lợi thế xuất khẩu của tỉnh như: Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông - lâm sản... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm các ngành sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn, có giá trị gia tăng cao như công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khoáng sản;
- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tập trung thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, khuyến khích phát triển các nhà máy sản xuất, chế biến gắn với vùng nguyên liệu của địa phương;
- Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào các ngành sản xuất công nghiệp có tiềm năng và lợi thế xuất khẩu của tỉnh; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư mở rộng và hiện đại hoá các nhà máy chế biến nông - lâm sản, khoáng sản. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường khu vực;
- Khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu như:
+ Phấn đấu từ nay đến năm 2015: Duy trì ổn định sản xuất một số sản phẩm chế biến nông - lâm sản, như Nhà máy sản xuất Ván ghép thanh công suất 3.000m3/năm, sản xuất miến dong công suất 5.000 -10.000 tấn/năm, các dự án sản xuất giấy đế, chế biến đũa xuất khẩu, các dự án sản xuất tinh bột dong riềng công suất dự kiến 100.000 tấn sản phẩm/năm, Nhà máy sản xuất ván MDF công suất 108.000m3 sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất sắt xốp công suất 100.000 tấn/năm, 02 Nhà máy luyện chì 10.000 tấn/năm, dự án Nhà máy may công nghiệp công suất 01 triệu sản phẩm/năm, Nhà máy bột đá trắng 200.000 tấn/năm... Trong đó, sản phẩm dành cho xuất khẩu chiếm từ 25 - 30% sản lượng sản xuất;
+ Thời kỳ đến năm 2020: Tiếp tục duy trì sản phẩm sản xuất ổn định của các dự án công nghiệp hiện có và đưa một số dự án sản xuất công nghiệp tiếp tục đi vào hoạt động như tăng công suất các dự án sản xuất Miến dong lên đạt công suất 15.000-20.000 tấn/năm, May công nghiệp đạt 2,2 triệu sản phẩm/năm, đưa nhà máy điện phân chì kẽm công suất 25.000 tấn kẽm và 6.000 - 10.000 tấn chì/năm vào hoạt động. Các sản phẩm phục vụ cho du lịch; các sản phẩm chè đen, gỗ mỹ nghệ... Trong đó sản phẩm dành cho xuất khẩu chiếm từ 30 - 35% sản lượng sản xuất;
+ Thời kỳ đến năm 2030: Duy trì sản xuất ổn định của các dự án hiện có và tăng chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm sản xuất; nghiên cứu phát triển các dự án sản xuất cơ - điện tử, các dự án công nghiệp có hàm lượng chất xám và giá trị kinh tế cao;
- Tiếp tục hỗ trợ hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới, nhất là công nghiệp chế biến hàng nông - lâm sản xuất khẩu, công nghiệp phần mềm, công nghiệp áp dụng công nghệ cao hướng tới xuất khẩu;
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho công nghiệp nông thôn phát triển như triển khai các dự án khuyến công, đào tạo nghề, truyền nghề, hỗ trợ đổi mới dây chuyền máy móc, thiết bị hiện đại cho sản xuất.
b) Về sản xuất nông nghiệp
- Tổ chức triển khai quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020; rà soát, bổ sung hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch các ngành, sản phẩm nông nghiệp phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020;
- Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành nhằm xây dựng, phát triển mối liên kết “4 Nhà” (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân); tập trung nghiên cứu triển khai xây dựng một số vùng nguyên liệu tập trung, chuyên canh phục vụ cho công nghiệp chế biến, đặc biệt là nguyên liệu gỗ rừng trồng, cây dong riềng, dược liệu, chè... để đảm bảo đầu ra cho nông sản hàng hóa;
- Nghiên cứu đầu tư khoa học, công nghệ và hỗ trợ để đảm bảo cung cấp cây, con giống phù hợp với công nghiệp chế biến với năng suất - chất lượng cao và phát triển một số cơ sở chế biến nông, lâm sản nhằm phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp theo chiều dọc. Tổ chức các kênh phân phối sản phẩm sạch đến các thị trường tiềm năng. Hỗ trợ cho sự ra đời của các cơ sở chế biến nông sản như cơ sở chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; Tạo vùng chuyên canh để nuôi, trồng một số cây con đặc sản của địa phương với số lượng đủ lớn lớn để phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu: cam, quýt, hồng không hạt, khoai môn, thuốc lá, chè, miến...;
- Tiếp tục xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các ngành sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các dự án ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản cho nông dân nhằm đảm bảo tiêu thụ ổn định, bền vững các sản phẩm nông nghiệp, nhất là những vùng sản xuất tập trung lớn và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực;
- Tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chính sách khuyến nông, chính sách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cung cấp thông tin thị trường, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp.
2. Mặt hàng, thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại
- Triển khai xây dựng Đề án xúc tiến thương mại đối với từng thị trường phù hợp với từng mặt hàng xuất khẩu đồng thời thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh có hiệu quả, giới thiệu và vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị xúc tiến đầu tư... trong khu vực và quốc tế; tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia chương trình, kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh Bắc Kạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm;
- Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm bạn hàng, thị trường nước ngoài. Tổ chức và mời đón các đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Bắc Kạn tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, hiệp hội doanh nghiệp để có các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả;
- Thắt chặt mối quan hệ tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh trong vùng, các hiệp hội, tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm phía Bắc nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết liên danh và trao đổi bổ sung hàng hóa để phát triển;
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đặc biệt là bảo hộ các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường thế giới; khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng phù hợp để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm và hội nhập kinh tế quốc tế;
- Khuyến khích, tạo điều kiện, hướng dẫn cho doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu theo đường chính ngạch để đảm bảo ổn định và phòng tránh rủi ro trong thương mại quốc tế;
- Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, trên cơ sở đó triển khai đến các doanh nghiệp và bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm hàng hóa;
- Đảm bảo duy trì, ổn định thị trường xuất khẩu truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Các nước ASEAN và phát triển thị trường tiềm năng như các nước Châu Âu, EU, Châu Mỹ, Châu Phi...;
- Tập trung nghiên cứu mặt hàng xuất khẩu là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để từ đó có định hướng kêu gọi đầu tư cũng như định hướng trong sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp; cụ thể như: Tinh quặng chì, kẽm, Bột đá Cacbonat, Ván gỗ ghép thanh, Sắt xốp, Giấy đế, hàng may mặc, Chè đen, hàng nông-lâm sản, hàng tiểu thủ công nghiệp...
3. Cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện chính sách thương mại, tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, thủ tục cấp đất, giải quyết các thủ tục đầu tư cho sản xuất hàng xuất khẩu; xây dựng nền hành chính công vụ hoạt động có hiệu quả, thông suốt, nhạy bén đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ứng dụng rộng rãi việc thực hiện các thủ tục hành chính công qua mạng internet, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho doanh nghiệp;
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, các dự án thu hút đầu tư nhằm thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo môi trường, cam kết chuyển giao công nghệ hiện đại và phát triển đội ngũ nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao. Hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm mới nhằm đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu của tỉnh;
- Tập trung thu hút đầu tư vào những dự án phát triển sản xuất chế biến hàng xuất khẩu với cơ chế chính sách đồng bộ và coi đây là bước đột phá trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế hướng về xuất khẩu nhằm tạo ra nguồn hàng phong phú, phục vụ xuất khẩu;
- Tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của các Bộ, Ngành Trung ương, tăng cường kết nối với các Thương vụ của Đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài để mời gọi các Nhà đầu tư có thương hiệu trong và ngoài nước vào Bắc Kạn đầu tư;
- Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại chi nhánh tại Bắc Kạn cần xây dựng những Đề án cho vay với lãi suất ưu đãi cho những ngành nghề sản xuất, chế biến những mặt hàng là thế mạnh của tỉnh; hàng năm dành những nguồn vốn tín dụng để đầu tư cho các đối tượng Doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cho xuất khẩu.
4. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh xã hội hoá hoạt động dịch vụ Siêu thị, Trung tâm thương mại.
- Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt khu vực tập trung nhiều dự án đầu tư sản xuất phục vụ xuất khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2020, định hướng đến 2030;
- Phát triển hệ thống chợ, Trung tâm thương mại, Siêu thị theo Quy hoạch đã được phê duyệt;
- Kêu gọi các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển thương mại- dịch vụ và các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp (vận tải, kho hàng bảo quản, dịch vụ hải quan …);
- Chú trọng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tạo tiền đề vật chất cho quá trình phát triển nhanh và có hiệu quả, bao gồm hệ thống giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, mạng điện lưới, hệ thống cấp thoát nước. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn, vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
5. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực
- Xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2012 - 2020, định hướng đến 2030 gắn với yêu cầu của hội nhập quốc tế và mục tiêu phát triển của từng ngành hàng trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ doanh nhân giỏi buôn bán quốc tế, am hiểu sản xuất và năng động trong thương trường. Đồng thời phải quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn, hoạch định và điều hành chính sách kinh tế đối ngoại, phát triển đội ngũ doanh nhân, cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao;
- Tăng cường đào tạo, phổ biến kiến thức và chính sách, pháp luật thương mại của các nước cho doanh nghiệp để tận dụng các ưu đãi trong các cam kết quốc tế và có biện pháp tích cực, chủ động phòng tránh các rào cản thương mại để phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của địa phương;
- Tập trung đào tạo về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục vụ xuất khẩu, bao gồm các kỹ năng: Nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thị trường, thương mại điện tử...
- Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, từng bước thực hiện đào tạo theo yêu cầu định hướng của cộng đồng doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề để có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề đủ khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại.
6. Kiểm soát nhập khẩu
- Tăng cường công tác tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước góp phần kiềm chế nhập khẩu nhằm đẩy mạnh sản xuất trong nước;
- Thực hiện các biện pháp quản lý nhập khẩu, các quy định trong lĩnh vực hải quan phù hợp các cam kết quốc tế và các nguyên tắc của WTO, kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với các ngành chức năng phổ biến đến doanh nghiệp các quy chuẩn kỹ thuật hàng hóa phù hợp với các cam kết quốc tế để kiểm soát nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người dân;
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thông lệ quốc tế.
7. Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia tích cực vào Hội doanh nghiệp tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội doanh nghiệp tỉnh hoạt động, phát huy tốt vai trò tích cực của các Hiệp hội, ngành hàng nhằm tăng cường sự liên kết trong sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tự vệ của cộng đồng doanh nghiệp đối với các biện pháp bảo hộ hoặc cạnh tranh không lành mạnh của các nước trong quá trình hội nhập;
- Tạo dựng mối liên hệ mật thiết với các Hiệp hội, ngành hàng trong nước nhằm thu thập thông tin liên quan đến thị trường, giá cả và chính sách của các nước và thông tin định kỳ đến các hội viên nhằm nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi ro khi thị trường có biến động;
- Về phía doanh nghiệp: Cần tập trung đổi mới công nghệ, tăng cường hợp tác và liên kết để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường; tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng chú trọng chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định để đảm bảo uy tín của sản phẩm xuất khẩu và thương hiệu của doanh nghiệp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Công thương:
- Tham mưu cho UBND tỉnh và chủ trì, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Sở, Ban, Ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch này;
- Tổ chức triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã được UBND tỉnh giao như:
+ Chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành liên quan tham mưu xây dựng chính sách ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh các sản phẩm lợi thế của Tỉnh phục vụ xuất khẩu;
+ Xây dựng và triển khai Chương trình Khuyến công của tỉnh, Chương trình Khuyến công quốc gia nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong việc đào tạo lao động - cán bộ quản lý của doanh nghiệp, đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ xuất khẩu;
- Thông qua Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao thiết lập mối quan hệ với các cơ quan Thương vụ - Tham tán Thương mại Việt Nam tại các nước để tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại,… phổ biến kịp thời đến các doanh nghiệp để ứng phó và hạn chế rủi ro, tổn thất;
- Định kỳ vào ngày 20/12 hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả tình hình thực hiện Kế hoạch chung toàn tỉnh gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh để UBND tỉnh báo cáo Chính phủ.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ quỹ đất quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp; bổ sung quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp dành cho xuất khẩu đặc biệt là những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, sản xuất sạch hơn, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm... Tiếp tục triển khai có hiệu quả chuỗi liên kết cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ xuất khẩu;
- Xây dựng một số đề án, dự án phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, nhằm nâng cao thu nhập và tiến tới xuất khẩu như: Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi; Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng rừng sản xuất; Đề án cơ giới hoá nông nghiệp; Đề án xây dựng vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi theo vùng tập trung.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Xây dựng Đề án xây dựng chính sách khuyến khích để xúc tiến đầu tư các ngành công nghiệp sản xuất chế biến của tỉnh đến năm 2020; Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư hiện có để phù hợp với từng giai đoạn; chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành liên quan lập danh mục và báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án cần gọi vốn đầu tư, thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu trong và ngoài nước vào Bắc Kạn đầu tư phát triển, chế biến hàng xuất khẩu;
- Phối hợp với các Sở, Ngành, huyện, thị xã cân đối kinh phí tổ chức xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất như điện, nước, giao thông, liên lạc viễn thông, môi trường… nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu.
4. Sở Tài chính:
Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập dự toán ngân sách hàng năm bố trí kinh phí cho các Sở, Ngành, UBND các địa phương triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030 và các chương trình khác trên cơ sở dự toán kinh phí do Sở Công Thương và các đơn vị liên quan lập, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
5. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Triển khai hỗ trợ cho doanh nghiệp việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng phù hợp, xây dựng và phát triển thương hiệu; tổ chức việc cung cấp thông tin về hàng rào kỹ thuật trong thương mại đến các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa đến năm 2020.
6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường lao động, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng các chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động cho các doanh nghiệp có sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động, vệ sinh lao động… phù hợp với luật pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia.
7. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh:
Xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn thủ tục thực hiện chính sách tín dụng, đặc biệt là chính sách đầu tư, tín dụng xuất khẩu, chính sách bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn các ngân hàng thương mại… bằng nhiều hình thức (khảo sát, tiếp cận doanh nghiệp để tìm hiểu thông tin, giúp giải quyết tháo gỡ khó khăn…). Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển của nhà nước phục vụ yêu cầu phát triển xuất khẩu của tỉnh.
8. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh:
Triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại hàng năm; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các nội dung trong Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, quảng bá thương hiệu sản phẩm;
9. Đơn vị Hải quan địa bàn tỉnh:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan; tăng cường hoạt động quản lý hải quan trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, giải quyết thủ tục hải quan cho phương tiện, hàng hóa xuất nhập nhanh chóng, thuận tiện, đúng quy trình, quy định của pháp luật; chỉ đạo phối hợp tổ chức thực hiện tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại.
10. UBND các huyện, thị xã:
Phối hợp với các Sở, Ngành trong việc tham mưu, đôn đốc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch có liên quan đến địa phương; trong đó chú trọng việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các sản phẩm lợi thế; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển nông nghiệp, công nghiệp sản xuất chế biến hàng xuất khẩu; hỗ trợ thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu.
11. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu:
- Quan tâm đầu tư, cải tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu của thị trường, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm; chú ý đến vấn đề nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ, am hiểu nghiệp vụ ngoại thương… để có thể giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu theo con đường chính ngạch; cần năng nổ, tích cực và chủ động tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để tìm kiếm, phát triển, mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước;
- Liên kết chặt chẽ với nông dân, đặc biệt là mối liên kết “4 Nhà” để ổn định quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm có đủ nguồn hàng chất lượng cao phục vụ sản xuất - chế biến, đạt các tiêu chuẩn quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng; các doanh nghiệp cần tăng cường sự đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau; thông qua mối liên kết sẽ tạo nên sức mạnh, cùng nhau đẩy mạnh việc xuất khẩu sản phẩm hàng hóa ra thị trường nước ngoài.
Trên đây là Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2012 - 2020, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung trong Kế hoạch hành động này; định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12) có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch gửi về Sở Công thương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công thương.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu có nội dung cần sửa đổi, bổ sung; các Sở, Ban, Ngành, các địa phương có kiến nghị về Sở Công thương để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.