ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1350/QĐ-UBND | Hưng Yên, ngày 25 tháng 7 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020;
Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh: Số 978/QĐ-UBND ngày 30/5/2007 về việc phê duyệt đề án chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (2007 - 2010); số 979/QĐ-UBND ngày 30/5/2007 về việc phê duyệt Chương trình phát triển chăn nuôi bò thịt thuộc đề án Quy hoạch phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi tỉnh Hưng Yên đến 2010, định hướng đến 2015; số 493/QĐ-UBND ngày 27/02/2010 về việc phê duyệt đề cương quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; số 1497/QĐ-UBND ngày 30/8/2011 về việc phê duyệt tiếp tục thực hiện đề án phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc gia cầm tập trung giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 58/TTr-NN ngày 29/5/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển:
- Phát triển chăn nuôi phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp nông thôn nói riêng của tỉnh Hưng Yên đến năm 2020.
- Phát triển chăn nuôi tập trung theo phương thức trang trại là nhu cầu khách quan, là con đường tất yếu để nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Chăn nuôi trang trại tập trung là một trong những giải pháp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm kiểm soát được dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng gia súc đang diễn biến phức tạp ở nước ta.
- Phát triển chăn nuôi tập trung sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng của tỉnh, mặt khác tạo ra nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
- Tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi tập trung, gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện an sinh xã hội, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tập trung phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh như lợn thịt, bò thịt, gia cầm; lấy phát triển chăn nuôi đại gia súc làm mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành chăn nuôi.
- Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp; đồng thời chuyển dần phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu chung:
- Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung lợn, bò thịt, gia cầm, tạo ra bước đột phá về phương thức và kỹ thuật chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ; nâng cao hiệu quả và gia tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi; sản xuất ra những sản phẩm chăn nuôi có chất lượng cao, giá thành hợp lý, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Khai thác triệt để các lợi thế về lao động, đất đai và các giống vật nuôi phù hợp ở các vùng sinh thái để đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi, đưa tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp lên 50% năm 2015 và 55% năm 2020.
- Chủ động kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hoạt động chăn nuôi, giết mổ động vật, vận chuyển và kinh doanh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ tốt nhất đàn gia súc, gia cầm.
- Kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hệ thống sản xuất, cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, để tăng nhanh năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, nhằm chủ động nguồn giống chất lượng cao an toàn dịch bệnh cho sản xuất đại trà.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
2.2.1. Giai đoạn 2011 - 2015:
Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi, bình quân đạt 7,5%/năm thời kỳ 2011 - 2015. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (giá TT) năm 2015 đạt 8.191.872 triệu đồng, chiếm 50,1% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Các chỉ tiêu cụ thể như sau:
- Nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm: Tỷ lệ lợn hướng nạc chiếm 65 - 75% tổng đàn lợn; bò lai chiếm 96,7% tổng đàn; bò thịt chất lượng cao chiếm 25 - 30% tổng đàn; tỷ lệ gia cầm giống mới đạt 50%.
- Phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại. Tỷ lệ chăn nuôi tập trung: 30 - 35% tổng đàn lợn, 25% tổng đàn bò, 20 - 25% tổng đàn gia cầm.
- Năm 2015 tổng đàn lợn 750 ngàn con; đàn bò 52 ngàn con, đàn trâu 2,5 ngàn con và đàn gia cầm 9 triệu con (gà: 5,94 triệu con; thuỷ cầm: 3,06 triệu con).
- Tổng khối lượng thịt hơi các loại năm 2015: Đạt 139.557 tấn, trong đó: Thịt lợn: 111.481 tấn; thịt bò 3.036 tấn; thịt trâu 164 tấn; thịt gia cầm: 24.876 tấn; trứng 254,29 triệu quả, sữa bò 3.000 tấn.
- Phấn đấu đến năm 2015: Chủ động được 30-40% giống lợn bố mẹ; 40-50% giống bò thịt năng suất, chất lượng cao; thụ tinh nhân tạo lợn đạt 60-65%; thụ tinh nhân tạo bò: 25-30%.
2.2.2. Giai đoạn 2016 - 2020:
Tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2016 - 2020 bình quân đạt 6%/năm. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (giá TT) đến năm 2020 đạt 16.746.780 triệu đồng, chiếm 55,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Các chỉ tiêu đạt được như sau:
- Tổng đàn lợn: 990 ngàn con; đàn trâu: 2,55 ngàn con; đàn bò 60 ngàn con; đàn gia cầm 12.000 ngàn con (trong đó gà: 7.920 ngàn con; đàn thuỷ cầm: 4.080 ngàn con).
- Tổng khối lượng thịt hơi các loại năm 2020: Đạt 194.461 tấn, trong đó: Thịt lợn: 156.108 tấn; thịt bò 3.603 tấn; thịt trâu 168 tấn; thịt gia cầm: 34.582 tấn; trứng 358,44 triệu quả; sữa bò 5.000 tấn.
- Tiếp tục phát triển chăn nuôi hàng hoá theo hướng trang trại tập trung với phương thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp. Tỷ lệ chăn nuôi tập trung: Đàn lợn 40 - 45%; bò thịt 30 - 35%; gia cầm 55% tổng đàn.
- Nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm: Tỷ lệ lợn hướng nạc chiếm 85% tổng đàn lợn; bò lai Zebu 98,5% tổng đàn; gia cầm 90% tổng đàn.
- Phấn đấu đến năm 2020: Chủ động được 60-70% giống lợn bố mẹ; 70-80% giống bò thịt năng suất, chất lượng cao; thụ tinh nhân tạo lợn đạt 75-80%; thụ tinh nhân tạo bò: 40-50%.
3. Quy hoạch phát triển chăn nuôi:
3.1. Định hướng phát triển:
- Tận dụng tối đa các lợi thế, huy động tối đa các nguồn lực, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính theo hướng hàng hoá, phát triển bền vững trong cơ chế kinh tế thị trường. Đặc biệt coi trọng việc chuyển từ hình thức chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lẻ ở nông hộ lên hình thức chăn nuôi trang trại tập trung với phương thức chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp.
- Phát triển chăn nuôi hàng hoá gắn kết chặt chẽ và đồng bộ từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đồng thời với công nghiệp hoá - hiện đại hoá toàn ngành chăn nuôi. Tiến hành xây dựng vùng chăn nuôi thâm canh kết hợp với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để tạo ra ngày một nhiều sản phẩm (thịt, trứng) có chất lượng cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
- Loại vật nuôi được xác định là hàng hoá chủ lực của Hưng Yên là: Lợn thịt, gia cầm, bò thịt.
- Đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi nhằm tạo thêm thu nhập, việc làm cho lao động nông thôn, phân công lại lao động xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Hưng Yên.
- Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững với cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật, sản xuất giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở chế biến thịt, cơ sở sản xuất thức ăn gia súc... đồng thời tăng cường hệ thống quản lý nhà nước và hệ thống giám định sản phẩm về chăn nuôi và thú y để các văn bản pháp luật và chính sách thực thi có kết quả.
3.2. Các chỉ tiêu phát triển chăn nuôi qua từng giai đoạn:
TT | Chỉ tiêu | Số lượng năm 2010 | Giai đoạn 2011-2015 | Giai đoạn 2016-2020 | ||
Số lượng đến năm 2015 | Tăng BQ hàng năm (%) | Số lượng đến năm 2020 | Tăng BQ hàng năm (%) | |||
1 | Trâu (con) | 2.377 | 2.500 | 1,01 | 2.550 | 0,4 |
2 | Bò (con) | 43.776 | 52.000 | 3,5 | 60.000 | 2,9 |
Trong đó bò lai |
| 50.292 |
| 59.132 |
| |
3 | Lợn (con) | 630.125 | 750.000 | 3,54 | 990.000 | 5,71 |
4 | Gia cầm (1000con) | 7.647 | 9.000 | 3,31 | 12.000 | 5,92 |
5 | SL thịt hơi (tấn/năm) | 113.524 | 139.657 | 4,23 | 194.586 | 6,86 |
6 | SL trứng (1000 quả) | 209.269 | 254.293 | 3,97 | 358.443 | 7,11 |
7 | Giá trị SL (tỷ/năm) | 1.194 | 1.715 | 7,5 | 2.295 | 6,0 |
8 | Tỷ trọng giá trị SPCN/GTSPNN (%) |
| 50,1 |
| 55,2 |
|
4. Nội dung quy hoạch:
4.1. Tăng trưởng và cơ cấu giá trị sản xuất ngành chăn nuôi:
Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng trưởng bình quân 7,5%/năm thời kỳ 2011 - 2015, 6%/năm thời kỳ 2016 - 2020. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (giá TT) năm 2015 đạt 8.191,87 tỷ đồng, năm 2020 đạt 16.476,78 tỷ đồng, tỷ trọng GTSX ngành chăn nuôi trong cơ cấu GTSX ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2015 chiếm 50,1% và năm 2020 chiếm 55,2%.
4.2. Quy hoạch phát triển đàn:
- Phát triển chăn nuôi tập trung: Khuyến khích phát triển các trang trại và các cơ sở chăn nuôi sản xuất hàng hoá lớn theo phương pháp công nghiệp với quy mô phù hợp, tập trung vào lợn, trâu, bò thịt, bò sữa, gia cầm; tăng tỷ trọng chăn nuôi công nghiệp và trang trại.
- Quy hoạch chăn nuôi tập trung gắn với chế biến, giết mổ tập trung: Trong hoàn cảnh diễn biến dịch bệnh gia súc gia cầm ngày càng phức tạp, phải quy hoạch tách các khu vực chăn nuôi tập trung khỏi khu dân cư, giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến và hệ thống giết mổ, chế biến gia súc gia cầm vệ sinh. Khuyến khích phát triển phương thức giết mổ, chế biến công nghiệp. Tăng cường năng lực, hình thành hệ thống dịch vụ thú y, kiểm soát dịch bệnh, nhất là cấp cơ sở. Tập trung lực lượng đảm bảo công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu và cửa ngõ các thị trường quan trọng, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các vùng an toàn trong mọi tình huống dịch bệnh.
- Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi: Để tạo chuyển biến rõ rệt về sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, phải tạo ra thay đổi lớn trong ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Phát triển chế biến thức ăn chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, chất lượng cao, giá thành hạ, nâng tỷ lệ sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp lên 60 - 70% vào năm 2015 và 80% năm 2020.
4.3. Quy hoạch sản xuất, cung ứng giống vật nuôi:
4.3.1. Lĩnh vực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất:
- Giống lợn: Cơ cấu giống: Lợn ngoại, lợn ngoại 3 máu (Landrace x Đại bạch x Duroc), lợn ngoại 4 máu (Landrace x Đại bạch x Pitrain) x lai 3/4 máu ngoại trở lên. Xây dựng và kêu gọi đầu tư xây dựng 01-02 cơ sở giống lợn giống ngoại cấp ông bà, quy mô 500 nái, theo hướng liên doanh hoặc cổ phần, dự kiến ở huyện Phù Cừ, Ân Thi, Yên Mỹ. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả của Trung tâm Truyền tinh nhân tạo lợn và quản lý tốt chất lượng đàn lợn đực. Tổ chức giám định, bình tuyển, cấp chứng nhận các trang trại đủ tiêu chuẩn sản xuất giống; khuyến khích các cơ sở giống công bố tiêu chuẩn cơ sở theo quy định trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai dự án lợn hướng nạc an toàn thực phẩm (vietgap) trên địa bàn tỉnh.
- Giống trâu: Giám định, bình tuyển, chọn lọc đàn trâu chất lượng cho thụ tinh nhân tạo trâu ngố, trâu Murah, sản xuất trâu lai F1 (Murah x Trâu ngố) hướng thịt sữa tập trung ở những huyện có đàn trâu lớn của tỉnh (Mỹ Hào, Tiên Lữ, Ân Thi).
- Giống bò: Cơ cấu giống: bò lai sind, lai sind x Brahman, lai sind x Drough master. Xây dựng và triển khai thực hiện dự án chăn nuôi bò cao sản trên cơ sở chọn lọc đàn bò lai sind đảm bảo cho thụ tinh nhân tạo với đàn bò thịt cao sản Brahman, Droughmater, tập trung chủ yếu ở các xã vùng bãi.
- Giống gia cầm: Xây dựng 1-2 cơ sở giữ và nhân giống gà, giống vịt cấp ông bà, dự kiến ở Văn Giang, Khoái Châu, Phù Cừ. Phục tráng và xây dựng vùng nuôi và giữ giống gà Đông Tảo, gà Tây. Nhập nuôi các giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao, như vịt siêu thịt (Super meat), vịt siêu trứng (Kaki campel)… trên địa bàn toàn tỉnh.
4.3.2. Lĩnh vực cung ứng giống:
- Phạm vi các giống cung ứng cho chăn nuôi bao gồm các giống được sản xuất tại tỉnh, các giống nhập từ các đơn vị sản xuất và cung ứng giống trong và ngoài nước có đủ các điều kiện theo quy định của nhà nước. Hàng năm, UBND tỉnh giao cho ngành nông nghiệp có trách nhiệm cân đối các nhu cầu của sản xuất để có kế hoạch tổ chức chỉ đạo thực hiện việc sản xuất và cung ứng giống.
- Việc cung ứng giống phải đáp ứng yêu cầu sau:
+ Lợn nái nền: Giao cho Trung tâm Truyền tinh nhân tạo lợn sản xuất tại trại sản xuất giống lợn và cung ứng cho các địa phương theo kế hoạch trợ giá giống hàng năm của tỉnh.
+ Giống bò, lợn đực ngoại: Ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị trong ngành, phối hợp với UBND các huyện, thành phố cung ứng phân phối bò đực giống địa phương sau phục tráng, bò đực Sind, lợn đực ngoại cho nhân dân các địa phương trong tỉnh để sản xuất cung ứng giống thương phẩm trong nhân dân.
- Nhu cầu về giống đến năm 2015: Lợn thịt 1,4 triệu con, lợn hậu bị 24 - 25 ngàn con, bò 15 ngàn con, gia cầm 22 triệu con.
4.4. Quy hoạch chăn nuôi tập trung:
Các huyện đều phải xây dựng khu chăn nuôi tập trung, các xã đều có chăn nuôi tập trung gắn với phát triển nông thôn mới, ưu tiên các xã có chăn nuôi lớn. Mỗi xã, thị trấn quy hoạch vùng chăn nuôi ít nhất từ 5 - 10ha để xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa dân cư, cụ thể như sau:
- Thành phố Hưng Yên diện tích xây dựng 10ha tại xã Trung Nghĩa.
- Huyện Văn Lâm: Xây dựng 4 khu, mỗi khu 5ha tại xã Lạc Hồng, Đình Dù, Lạc Đạo và Việt Hưng.
- Huyện Văn Giang: Quy hoạch 14 khu ở 10 xã, thị trấn như sau: Tân Tiến 1 khu 28,7ha; Liên Nghĩa 1 khu 5ha; Long Hưng 1 khu 5ha; Cửu Cao 1 khu 3,6ha; Thắng Lợi 3 khu 10ha; Mễ Sở 1 khu 4ha; Nghĩa Trụ 1 khu 5ha; thị trấn Văn Giang 3 khu 15ha; Phụng Công 1 khu 5,6ha; Xuân Quan 1 khu 11,6ha.
- Huyện Yên Mỹ: Xây dựng 2 khu tại xã Yên Phú 5ha, xã Minh Châu 10ha.
- Huyện Mỹ Hào: Xây dựng 2 khu chăn nuôi tập trung.
- Huyện Ân Thi: Xây dựng 3 khu chăn nuôi tập trung, mỗi khu 5ha.
- Huyện Khoái Châu: 3 khu tại xã Hồng Tiến 5ha, xã Tân Châu 6ha, xã Bình Minh 4ha.
- Huyện Kim Động: Xây dựng 2 khu xã Thọ Vinh 4ha, xã Phạm Ngũ Lão 5ha.
- Huyện Phù Cừ: Xây dựng 3 khu tại xã Quang Hưng 5ha, xã Tống Phan 5ha, xã Minh Tiến 14ha.
- Huyện Tiên Lữ: Xây dựng 3 khu tại xã Thiện Phiến, mỗi khu khoảng 5ha; quy hoạch 1 khu tại xã Thủ Sỹ.
4.5. Quy hoạch vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh:
- Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng gia súc:
- Đối với bệnh cúm gia cầm:
+ Giai đoạn 2011 - 2012: Các vùng trọng điểm chăn nuôi.
+ Giai đoạn 2013 - 2015: Mở rộng tất cả các vùng chăn nuôi tập trung trong tỉnh.
+ Giai đoạn 2016 - 2020: Quy mô toàn tỉnh, đảm bảo không để phát sinh bệnh lở mồm long móng trên gia súc.
- Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng gia súc:
- Đối với bệnh cúm gia cầm:
+ Gây được miễn dịch cho đàn gia cầm, thuỷ cầm và duy trì mức kháng thể bảo hộ thường xuyên trong quần thể gia cầm, thủy cầm.
+ Tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 80% .
+ Tổng số gia cầm thuộc đối tượng tiêm vắc xin cúm là: 9.000.000 con/ năm.
- Đối với dịch tai xanh ở lợn: Khống chế dịch, tiến tới thanh toán dịch trên phạm vi toàn tỉnh đến năm 2015.
5. Các giải pháp tổ chức thực hiện:
5.1. Giải pháp thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung:
5.1.1. Giải tỏa và di dời các cơ sở chăn nuôi:
Tiến hành giải tỏa và di dời các cơ sở chăn nuôi trong vùng quy hoạch khu đô thị, dân cư, khu công nghiệp... ra vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung. Việc giải tỏa, di dời các cơ sở chăn nuôi theo trình tự như sau:
- Các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, gây ô nhiễm, nằm trong hoặc gần khu dân cư, khu công nghiệp sẽ giải tỏa - di dời trước.
- Các trang trại chăn nuôi gà sẽ giải tỏa - di dời trước. Kế đến là trang trại chăn nuôi lợn, sau cùng là trang trại chăn nuôi bò, trâu.
- Các trang trại không có giấy cấp phép của cơ quan chức năng, không tuân thủ pháp luật vệ sinh thú y, tiêu chuẩn môi trường và không có điều kiện khắc phục... sẽ bắt buộc giải tỏa - di dời trước, những trang trại khác sẽ được gia hạn di dời sau.
- Công tác giải tỏa - di dời phụ thuộc vào tiến độ xây dựng các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các khu công nghiệp...
- Đối với các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường đã có xử lý ô nhiễm đạt tiêu chuẩn được cấp giấy chứng nhận đã đạt tiêu chuẩn môi trường để không bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cơ sở; đồng thời rà soát, phân loại số cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường phải di dời mà chưa tiến hành các biện pháp xử lý ô nhiễm, chưa có kế hoạch di dời để có biện pháp xử lý.
5.1.2. Quy hoạch đất dành cho phát triển trang trại, khu CN tập trung:
- Các địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát lại quỹ đất của từng xã, huyện, xác định cụ thể những vùng phát triển trang trại chăn nuôi theo quy hoạch, chủ yếu là các vùng xa khu vực dân cư, đất trồng trọt kém hiệu quả, trước hết là đất công điền có thể chuyển đổi sang chăn nuôi (xây dựng trang trại, trồng cỏ...). Đồng thời, trên cơ sở mật độ các trang trại và quy mô đàn, căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế xây dựng chuồng trại, môi trường và vệ sinh thú y... bố trí các trại chăn nuôi cho phù hợp.
- Gắn quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung với việc hỗ trợ một phần kinh phí tiêm phòng, xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.
5.2. Giải pháp về giống:
5.2.1. Giải pháp quản lý nhà nước về công tác giống:
- Xây dựng các chương trình, các kế hoạch về nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống vật nuôi; xây dựng và hoàn thiện hệ thống sản xuất và cung ứng giống từ tỉnh đến các cơ sở.
- Kiểm tra thường xuyên và đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh.
- Tất cả các loại giống vật nuôi được tổ chức cung ứng tại tỉnh theo kế hoạch để phục vụ cho chương trình chuyển dịch cơ cấu do các đơn vị được phân công thực hiện phải được kiểm tra và xác nhận chất lượng trước khi đưa ra sản xuất. Các đơn vị sản xuất và cung ứng giống phải bồi thường thiệt hại cho người sản xuất nếu có thiệt hại do chất lượng giống không đảm bảo gây ra.
- Các loại giống vật nuôi do các dự án, các chương trình phát triển sản xuất sử dụng các nguồn vốn của Nhà nước nhập vào tỉnh phải có đủ hồ sơ nguồn gốc và chất lượng giống, phải được kiểm định và được cơ quan chuyên môn xác nhận mới được triển khai thực hiện.
- Kiểm tra và hướng dẫn các hộ nông dân tự sản xuất, trao đổi giống trong quá trình sản xuất, nhằm hạn chế các loại giống không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại cho sản xuất.
- Kiểm tra, kết luận, đề xuất xử lý những thắc mắc, kiến nghị của người sản xuất về chất lượng con giống do các đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ cung ứng cho sản xuất.
5.2.2. Giải pháp về quy hoạch:
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, điều chỉnh bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch và quản lý, tổ chức thực hiện tốt quy hoạch đã được phê duyệt; Quy hoạnh các vùng chuyên canh giống, các trung tâm (trại nghiên cứu và sản xuất giống để có các giải pháp về đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, từng bước biến các vùng, các Trung tâm (trại) nghiên cứu và sản xuất giống thành những đầu mối của các hoạt động về đào tạo và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống vật nuôi của tỉnh.
5.3. Giải pháp về kỹ thuật và công nghệ:
Nâng cao năng lực chọn lọc, nhân giống, nhập ngoại giống gốc, quản lý cơ sở nhân dân làm công tác giống. Tăng cường công tác khuyến nông chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; đào tạo tập huấn: chọn giống, dẫn tinh, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý vật nuôi.
Hỗ trợ tài chính theo quy định của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ khoa học. Khuyến khích các nhà khoa học, các chủ trang trại tổ chức thực hiện các đề tài, dự án khoa học nhằm chuyển giao TBKT mới về sản xuất con giống, lai thương phẩm, sản xuất thức ăn bổ sung, thức ăn giàu đạm khoáng, vitamin.
5.4. Giải pháp về thức ăn:
Hỗ trợ và khuyến khích việc hình thành và phát triển các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở các khu và cụm công nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; tăng diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi; chọn lọc đưa vào trồng đại trà các giống cỏ có năng suất cao thích hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.
5.5. Giải pháp quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm:
- Quy hoạch các điểm giết mổ tập trung:
Huyện, TP | Số lượng cơ sở | Địa điểm xây dựng | Hình thức giết mổ | Thời gian thực hiện |
TP. Hưng Yên | 1 | Trung Nghĩa (50ha) | Chủ yếu CN | 2010-2013 |
H. Văn Lâm | 2 | Thị trấn | Chủ yếu CN | 2010-2015 |
H. Văn Giang | 2 | Thị trấn | Bán công nghiệp | 2010-2015 |
H. Yên Mỹ | 4 | Thị trấn Yên Mỹ, xã Yên Phú, Tân Việt, Liêu Xá | Bán công nghiệp | 2010-2015 |
H. Mỹ Hào | 2 | Xuân Dục, Bạch Sam | C.nghiệp+bán CN | 2011-2015 |
H. Ân Thi | 2 | Thị trấn | C.nghiệp+bán CN | 2011-2016 |
H. Khoái Châu | 4 | Thị trấn, Hồng Tiến, Phùng Hưng, Đông Kết | C.nghiệp+bán CN | 2010-2015 |
H. Kim Động | 4 | Chợ Trương Xá (Toàn Thắng), chợ Ngàng (thị trấn Lương Bằng), chợ Đức Hợp (Đức Hợp), giết mổ bò tại Phú Cường | C.nghiệp+bán CN | 2010-2014 |
H. Phù Cừ | 2 | Thị trấn | C.nghiệp+bán CN | 2010-2015 |
H. Tiên Lữ | 3 | Thị trấn Vương, Dị Chế, Thủ Sỹ, Thuỵ Lôi |
|
|
- Nâng cấp xí nghiệp đông lạnh xuất khẩu của tỉnh, mỗi cụm xã có 1 - 2 điểm giết mổ tập trung. Trên cơ sở khai thác nguồn vốn Lifsap để xây dựng mới 3 điểm giết mổ công nghiệp, còn lại giết mổ bán công nghiệp, tuỳ theo điều kiện của từng huyện để xây dựng mỗi xã hoặc mỗi cụm xã 1 - 2 điểm tập trung giết mổ theo đề án chăn nuôi tập trung.
5.6. Giải pháp về thú y:
- Triển khai kế hoạch tiêm phòng, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm theo đúng kế hoạch; củng cố duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp để đôn đốc, kiểm tra thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, giám sát phát hiện sớm và quản lý chặt ổ dịch.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất và sức khoẻ cộng đồng.
- Tăng cường công tác vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, môi trường, nơi giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật và các khu vực có nguy cơ cao, ổ dịch cũ.
- Thường xuyên tiến hành công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thú y để có đủ năng lực tổ chức chỉ đạo và thực hiện xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành thú y.
5.7. Giải pháp về môi trường:
Quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường theo phương thức chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, phát triển bền vững,...; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại theo mô hình khép kín từ chuồng trại, giống, thức ăn, hệ thống xử lý chất thải, phòng chống dịch bệnh,... để sản phẩm chăn nuôi đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thú y.
5.8. Giải pháp về khuyến nông:
- Mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, kỹ thuật nuôi thâm canh, kỹ thuật chế biến thức ăn gia súc (thức ăn xanh và thức ăn tinh) và công tác thú y; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới; cung cấp các thông tin về giống, về giá cả vật tư đầu vào, thị trường tiêu thụ và giá cả sản phẩm… để giúp người chăn nuôi có quyết định đúng đắn. Hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng các tổ chức thích hợp và giúp đỡ các hoạt động về chăn nuôi, tư vấn, tiếp thị tiêu thụ sản phẩm.
5.9. Nhóm giải pháp chính sách:
5.9.1. Chính sách đất đai: Thực hiện tốt chính sách đất đai trong quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi tập trung với quy mô trang trại; ưu đãi về thuê tiền sử dụng đất đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng đất hoặc thuê đất để sản xuất giống; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được cấp đất sản xuất theo quy định.
5.9.2. Điều chỉnh và đề xuất một số chính sách và quy định về điều kiện chăn nuôi: Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành một số văn bản, chính sách mới về sản xuất chăn nuôi. Trước mắt sẽ xây dựng và ban hành quy định về điều kiện chăn nuôi tập trung. Theo đó, tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây dựng trại chăn nuôi mới phải được sự thẩm định và đồng ý của cơ quan quản lý ngành nông nghiệp và cơ quan quản lý môi trường có thẩm quyền nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh.
5.9.3. Chính sách giống vật nuôi: Có các chính sách khuyến khích phát triển giống: khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất giống, hình thành ngành công nghiệp sản xuất giống hiện đại. Bảo vệ và phát triển nguồn giống sinh sản tự nhiên, đảm bảo phát triển bền vững; khuyến khích sản xuất giống tại chỗ (Nhà nước bảo hiểm về sản xuất giống tại tỉnh và quản lý về giá giống). Tỉnh có chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích việc sử dụng giống vật nuôi được sản xuất tại tỉnh; chính sách hỗ trợ, khuyến khích bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm; ưu tiên cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, tham gia sản xuất giống được đào tạo tập huấn, tham quan ở trong nước và nước ngoài; hộ dân tham gia sản xuất giống được tập huấn kỹ thuật, được đào tạo nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, có cơ chế hỗ trợ giống gốc, giống bố mẹ.
5.9.4. Chính sách về đầu tư, tín dụng: Huy động nhiều nguồn vốn khác nhau như nguồn ngân sách, các chương trình dự án, vốn vay, nhân dân đóng góp, doanh nghiệp, … để đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi. Trong đó kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước ưu tiên để hỗ trợ đầu tư một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu để hình thành và phát triển các vùng sản xuất giống tập trung, trọng điểm, các trung tâm, trại giống cấp ông bà, cấp I, hạ tầng của các đơn vị sự nghiệp; các nghiên cứu khoa học về giống, chọn tạo nhân và chế biến giống, xây dựng một số mô hình trình diễn về công nghệ sản xuất giống, công tác tăng cường quản lý chất lượng giống, công tác tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm, kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y.
Tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, xây dựng công trình khí sinh học (biogas), sản xuất, chế biến giống.
5.9.5. Chính sách liên quan đến công tác thú y:
- Tăng cường vacxin phòng bệnh (theo Quyết định 166 và 167 của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/10/2001) đối với một số bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến kinh tế chăn nuôi. Đặc biệt, trong giai đoạn trước mắt cần có chính sách hỗ trợ kinh phí vacxin cúm gia cầm, lở mồm long móng (bò, lợn) để có thể khống chế và kiểm soát được hai bệnh này.
- Đầu tư trang thiết bị chẩn đoán thú y và đào tạo cán bộ cho trạm cũng như chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống thú y. Củng cố mạng lưới thú y xã nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ thú y tại cơ sở. Thanh tra nghiêm ngặt tại cơ sở giết mổ và chế biến thịt.
5.9.6. Chính sách cho công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông:
Tăng cường năng lực cho các phòng thí nghiệm; đào tạo cán bộ nghiên cứu và khuyến nông viên; nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin để quản lý giống.
Nghiên cứu chế biến sản phẩm chăn nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế, hệ thống chăn nuôi, thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; phát triển các mô hình khác nhau phù hợp với các hộ và trang trại chăn nuôi có khả năng sản xuất được thịt và các sản phẩm thịt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
5.9.7. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực: Rà soát, bổ sung biên chế cán bộ quản lý, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y nhất là ở địa phương, cơ sở; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thú y từ tỉnh đến cơ sở.
5.10. Nhóm giải pháp về tổ chức sản xuất chăn nuôi, thị trường:
5.10.1. Đổi mới công tác tổ chức sản xuất chăn nuôi: Khuyến khích thành lập các hiệp hội chăn nuôi trang trại, hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức này tiếp cận thuận lợi các nguồn vốn và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Củng cố phát triển các hình thức liên kết chăn nuôi giữa các doanh nghiệp và trang trại.
Có chính sách hỗ trợ đào tạo, các khoá tập huấn chuyên đề cho các chủ trang trại về kỹ thuật cũng như nghiệp vụ quản lý kinh tế trang trại; đồng thời các chủ trang trại cần có biện pháp thu hút cán bộ, công nhân có trình độ chuyên môn giỏi về làm việc lâu dài và ổn định cho các trang trại của mình.
5.10.2. Thương mại và thị trường: Củng cố mạng lưới thương mại, phát triển hệ thống chợ, khuyến khích các hoạt động thương mại, bán buôn hàng hóa; khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động tìm kiếm thị trường, đặc biệt thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh, hình thành thương hiệu, ngành hàng và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ khép kín. Xây dựng, phát triển chợ đầu mối buôn bán vật nuôi, tạo điều kiện lưu thông tốt các sản phẩm của ngành chăn nuôi, ổn định nguồn nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ tập trung, cần đặc biệt khuyến khích phát triển các sản phẩm chăn nuôi là: thịt bò chất lượng cao, thịt gà và thịt lợn hướng nạc.
5.11. Giải pháp về vốn đầu tư:
Tổng hợp vốn đầu tư cho ngành chăn nuôi tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2010 - 2020 là 8.836,6 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2010 - 2015 là 2.696,6 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 là 6.139,9 tỷ đồng, cụ thể như sau:
TT | Hạng mục | 2010 - 2020 | 2010 – 2015 | 2016 - 2020 |
I | Vốn đầu tư | 8.836.583 | 2.696.601 | 6.139.982 |
1 | Giống | 519.000 | 204.000 | 315.000 |
2 | Xây dựng đồng cỏ | 165.000 | 55.000 | 110.000 |
3 | Thức ăn | 4.505.000 | 1.170.000 | 3.335.000 |
4 | Dịch vụ thú y | 1.145.183 | 449.801 | 695.382 |
5 | Chuồng trại, khu chăn nuôi tập trung | 1.900.000 | 600.000 | 1.300.000 |
6 | Cơ sở giết mổ | 475.000 | 165.000 | 310.000 |
7 | Khuyến nông | 114.400 | 48.300 | 66.100 |
8 | Hệ thống quản lý giống | 13.000 | 4.500 | 8.500 |
II | Phân theo nguồn vốn |
|
|
|
1 | Vốn ngân sách Nhà nước | 814.791 | 323.592 | 491.199 |
- | Tỷ lệ (%) | 9,2 | 12,0 | 8,0 |
2 | Vốn tín dụng | 2.773.775 | 808.980 | 1.964.794 |
- | Tỷ lệ (%) | 31,4 | 30,0 | 32,0 |
3 | Vốn tự có nông hộ và doanh nghiệp | 4.214.594 | 1.267.402 | 2.947.191 |
- | Tỷ lệ (%) | 47,7 | 47,0 | 48,0 |
4 | Vốn khác | 1.033.424 | 296.626 | 736.798 |
- | Tỷ lệ (%) | 11,7 | 11,0 | 12,0 |
6. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư:
6.1. Dự án cải tạo và nâng cao chất lượng giống lợn giai đoạn 2010 - 2015.
6.2. Dự án nâng cao chất lượng giống gia cầm giai đoạn 2011 - 2013.
6.3. Dự án xây dựng cơ sở sản xuất giống gia cầm của tỉnh giai đoạn 2011 - 2013.
6.4. Dự án xây dựng vùng chăn nuôi bò sinh sản và chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015.
6.5. Dự án củng cố và tăng cường hệ thống thú y tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2015.
6.6. Dự án xây dựng khu chăn nuôi tập trung giai đoạn 2011 - 2015.
6.7. Dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2011 - 2020.
6.8. Dự án trồng cỏ thâm canh nuôi bò thịt và bò sữa giai đoạn 2011 - 2015.
6.9. Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực thú y từ tỉnh đến huyện, xã giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Thành lập Ban Chỉ đạo:
a) Cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch phát triển chăn nuôi.
Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển chăn nuôi trên phạm vi toàn tỉnh. Ban Chỉ đạo tỉnh thành lập tổ công tác chuyên ngành để tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh triển khai các nhiệm vụ do UBND tỉnh giao.
b) Cấp huyện: Thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện gồm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố làm trưởng ban; các thành viên Ban Chỉ đạo là các đơn vị chức năng thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn.
Ban Chỉ đạo cấp huyện có trách nhiệm xây dựng quy hoạch và kế hoạch cụ thể của địa phương mình để chỉ đạo, điều hành công tác quy hoạch phát triển chăn nuôi trên phạm vi quản lý của địa phương.
2. Điều hành thực hiện quy hoạch:
a) UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh:
- UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi và ban hành quyết định về một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi giai đoạn 2006 - 2015.
- Ban Chỉ đạo tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng và nhiệm vụ trong công tác quy hoạch phát triển chăn nuôi do UBND tỉnh giao.
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện dự án quy hoạch này.
b) UBND cấp huyện:
UBND huyện và thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các ban, ngành chức năng để xây dựng và triển khai thực hiện công tác quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa phương mình theo quy hoạch đã được duyệt.
c) UBND cấp xã:
Trực tiếp theo dõi, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
d) Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất chăn nuôi: Thực hiện đúng Pháp lệnh Chăn nuôi thú y và các quy định của nhà nước, của tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kho bạc nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.