THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1342/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP MÁY NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA VIỆT NAM TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Xét đề nghị của Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP MÁY NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA VIỆT NAM TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1342/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)
I. THỰC TRẠNG
1. Vị trí, vai trò của ngành sản xuất nông lâm ngư nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và triển vọng hướng tới năm 2020
Trong cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, ngành sản xuất nông lâm ngư nghiệp chiếm 25% GDP vào năm 2000 và chiếm 21% vào năm 2010. Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tỉ lệ này được dự kiến giảm xuống còn 15% vào năm 2020. Tuy nhiên, do bản thân GDP đang phát triển một cách nhanh chóng nên theo đà tăng trưởng của tổng sản lượng nông lâm ngư nghiệp, năm 2000 là 78 tỉ đô la, đến năm 2010 đã tăng lên đến 220 tỉ đô la. Đến năm 2020, cũng theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 thì để có con số GDP bình quân đầu người đạt 3000 USD, dân số 96.400.000 người, tỉ lệ thành phần GDP của nông nghiệp chiếm 15% thì cần phải đạt được tổng sản lượng lên tới 430 tỉ USD (gấp gần 2 lần trong vòng 10 năm).
Tỉ lệ người hoạt động trong ngành sản xuất nông lâm ngư nghiệp chiếm 65% trong năm 2000 và chiếm 49% trong năm 2010 trong tổng số dân số lao động. Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm thì vào năm 2020, con số dự kiến sẽ là 30 - 35%.
2. Phân tích cung cầu
a) Dự báo đến năm 2020
Theo dự kiến của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cùng với đà phát triển công nghiệp hóa của Việt Nam có thể dự đoán được sự gia tăng của việc dịch chuyển cơ cấu lao động từ các ngành nông nghiệp hoặc từ các khu vực nông thôn sang. Đồng thời, dân số và nhu cầu lương thực vẫn tiếp tục tăng nên tổng sản lượng sản xuất nông nghiệp cũng cần phải được tăng thêm. Ngoài ra, việc duy trì và phát triển xuất khẩu lương thực cũng đang được coi là mục tiêu cần đạt được. Để duy trì được công tác giảm số lượng lao động trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp và yêu cầu tăng cường sản xuất thì việc cải thiện năng suất lao động trong ngành sản xuất nông lâm ngư nghiệp là cần thiết.
Trong bối cảnh trên, nếu như không có các biện pháp chính sách đặc biệt thì cùng với việc chuyển đổi lao động, vấn đề thiếu hụt lao động và độ tuổi lao động cao hiện đang dần dần trở thành hiển nhiên sẽ càng trầm trọng hơn. Việc đảm bảo sản xuất lượng lương thực ổn định cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.
b) Tầm quan trọng của cơ giới hóa trong canh tác sản xuất lúa
Nếu có thể sản xuất được nhiều hơn chỉ với số lượng lao động nông nghiệp ít ỏi thì ngoài việc có thể thúc đẩy việc đa dạng hóa nông nghiệp, còn có thể dành thời gian và lao động cho các hoạt động phi nông nghiệp khác, từ đó góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Với việc cải thiện năng suất, lượng lao động dư thừa phát sinh sẽ được luân chuyển đến khu vực thành thị, nếu lực lượng lao động này tham gia vào các ngành công nghiệp hay dịch vụ thì về mặt cung cấp lao động, điều này sẽ đóng góp cho sự phát triển của các ngành nghề này.
Để cải thiện năng suất lao động trong nông nghiệp thì việc thúc đẩy cơ giới hóa là rất cần thiết. Tại Nhật Bản, nhằm tăng năng suất nông nghiệp và cải thiện kinh tế nông nghiệp, năm 1953, “Luật thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp” đã được ban hành và vẫn còn áp dụng đến ngày nay.
Từ sau năm 1996, sau Thái Lan, Việt Nam là nước đứng thứ 2 trên thế giới trong xuất khẩu gạo. Các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam có khoảng 20 nước. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 6.587,074 ngàn tấn, đạt giá trị 2.922,681 triệu USD, giá gạo trung bình là 443,7 USD/tấn. Hơn nữa, gạo chiếm khoảng 30% trong tổng lượng xuất khẩu của các ngành liên quan đến nông lâm ngư nghiệp, chiếm 4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, với hơn 80% nông dân tham gia trồng lúa thì việc phổ cập cơ giới hóa máy móc nông nghiệp trong canh tác lúa, phát triển ngành sản xuất máy móc nông nghiệp phục vụ cho canh tác sản xuất lúa gạo có thể mang lại ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam.
Trong giai đoạn kế hoạch hành động này, đối tượng được đề cập đến chủ yếu là máy móc nông nghiệp phục vụ cho canh tác sản xuất lúa, nhưng từ thành công của mô hình này có thể nhân rộng và phát triển ra các lĩnh vực canh tác, chế biến nông sản khác như: mía, ngô v.v...
3. Những vấn đề tồn tại của thị trường máy móc nông nghiệp phục vụ canh tác sản xuất lúa gạo của Việt Nam:
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 (phê duyệt kèm theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ) thì tỉ lệ cơ giới hóa nông nghiệp năm 2010 trong khâu làm đất đạt 70%, khâu gieo trồng, chăm bón đạt 25%, khâu thu hoạch là 30% và khâu chế biến đạt 30%, máy móc nông nghiệp chưa thực sự được phổ cập rộng rãi.
Nguyên nhân dẫn tới phổ cập kém được cho là do:
- Diện tích canh tác nhỏ (đặc biệt tại các khu vực đồng bằng sông Hồng);
- Diện tích nông nghiệp phân tán;
- Giá máy móc nông nghiệp còn cao so với thu nhập của nông dân...
Đối với việc mua máy móc nông nghiệp của nông dân, hiện nay mặc dù có một số chính sách hỗ trợ như trực tiếp hỗ trợ nông dân thông qua ngân hàng phát triển nông thôn, hỗ trợ lãi suất vốn vay, tập huấn kỹ thuật cho nhà nông, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hiệp hội nông dân Việt Nam đứng ra bảo lãnh tín dụng cho người dân vay vốn ... nhưng vẫn chưa thực sự đem lại được hiệu quả cao. Lý do có thể kể đến là do số vốn ít ỏi của người dân, máy móc nông nghiệp là đối tượng của dự án quá đắt đỏ (xuất phát từ nhu cầu tỉ lệ mua máy móc kể trên tại địa phương), nguồn vốn có hạn của chính quyền địa phương, thủ tục phức tạp, cách sử dụng nguồn vốn hỗ trợ không rõ ràng của người phụ trách thi hành...
* Khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường của các nhà sản xuất tại Việt Nam (bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài):
Theo đánh giá trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, nhìn chung các cơ sở chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp ở Việt Nam hầu hết qui mô nhỏ, sản lượng thấp, quy trình sản xuất khép kín, thiếu chuyên môn hóa, thiếu hợp tác liên kết tổ chức sản xuất. Sản phẩm cơ khí nông nghiệp trong nước chế tạo chủ yếu là động cơ công suất nhỏ. Các loại máy nông nghiệp có nhu cầu cao như máy cấy, các loại máy thu hoạch chủ yếu là máy ngoại nhập, chưa được chế tạo trong nước, đặc biệt là các loại máy và thiết bị như:
- Máy cấy lúa 4, 6, 8 hàng;
- Máy gặt đập liên hợp lúa có bề rộng làm việc 1,6 - 2,2 m;
- Máy kéo 4 bánh, công suất dưới 30 hp (làm các công việc như cày, phay đất), sử dụng động cơ nhiều xi lanh
thì phía Việt Nam cần có sự hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản để nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất.
Ngoài ra, năng lực công nghiệp hỗ trợ tạo ra các linh phụ kiện cung ứng cho các sản phẩm máy nông nghiệp nêu trên của các doanh nghiệp trong nước cũng như FDI vẫn còn yếu, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cung ứng linh phụ kiện cho các sản phẩm máy nông nghiệp nêu trên vẫn ở quy mô nhỏ và vừa. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tại các doanh nghiệp này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1556/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 phê duyệt Đề án trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Theo thị phần thị trường máy móc nông nghiệp theo từng quốc gia thì các sản phẩm nhập khẩu từ một số nước lân cận chiếm con số áp đảo lên tới 60%, các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam chỉ chiếm ít ỏi từ 15 - 20%. Các lý do dẫn tới các sản phẩm của các nước này chiếm lĩnh thị trường có thể kể đến là để giữ mức thuế nhập khẩu thấp, các sản phẩm này được nhập khẩu bất hợp pháp bằng phương pháp kê khai số lượng và giá thành thấp đi. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chỉ trích và đòi hỏi phải được điều tra và phải có biện pháp xử lý vấn đề nhập khẩu trái phép này.
Tại các khu vực trồng lúa 3 vụ, máy móc nông nghiệp được sử dụng dài hạn như khu vực đồng bằng sông Mê Kông, hiện nay việc sử dụng máy liên hợp có độ bền cao của Nhật Bản trong dịch vụ mới như gặt thuê cũng đang bắt đầu được nhân rộng. Tuy nhiên, việc phổ cập máy gieo cấy, máy kéo, máy liên hợp tại các khu vực khác vẫn còn hạn chế.
Trong khi các nhà máy lắp ráp máy móc nông nghiệp có thể nhập khẩu máy móc nguyên chiếc với mức thuế từ 0 - 10% thì khi nhập khẩu linh kiện lại phải chịu mức thuế lên tới 20%. Đã có những ý kiến cho rằng chính chế độ thuế bất hợp lý này đã làm hạn chế tính ưu đãi của việc mua và chế tạo linh kiện máy nông nghiệp tại địa phương.
II. ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
Hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam, thúc đẩy ngành công nghiệp máy nông nghiệp phục vụ canh tác sản xuất lúa gạo, nâng cao năng suất sản xuất lúa gạo và góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.
III. MỤC TIÊU HƯỚNG TỚI NĂM 2020
1. Mục tiêu tổng sản lượng nông nghiệp
Từ thực tế đạt 220 tỉ đô la năm 2010 đến mục tiêu đạt 430 tỉ đô la vào năm 2020.
(Ghi chú: Theo kế hoạch 10 năm, mục tiêu đề ra vào năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 đô la, tỷ trọng GDP ngành nông nghiệp chiếm 15%, đây là con số cần thiết để thực hiện được điều này. Tổng số tiền được tính bằng đô la trong thời điểm hiện tại dựa trên tính toán thực tế. Bên dưới cũng tương tự)
2. Mục tiêu năng suất lao động sản xuất
Từ thực tế đạt được 740 đô la/người năm 2010 đến mục tiêu đạt 2.000 đô la/người vào năm 2020.
(Ghi chú: dân số nông nghiệp trong kế hoạch 10 năm đã được trừ đi 1)
3. Mục tiêu tỉ lệ cơ giới hóa nông nghiệp
Đến năm 2020, khâu làm đất đạt 95%, khâu gieo trồng, chăm bón đạt 70%, khâu thu hoạch đạt 70%, khâu chế biến đạt 80%.
IV. CÁC VẤN ĐỀ MANG TÍNH CHIẾN LƯỢC
1. Khuyến khích người nông dân sử dụng máy móc nông nghiệp (bên cầu);
2. Khuyến khích các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp cung cấp các loại máy móc nông nghiệp dựa theo nhu cầu của nông dân (bên cung);
3. Xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường kinh doanh máy nông nghiệp lành mạnh (bên thị trường).
V. KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
1. Thực hiện chương trình hỗ trợ máy nông nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng cho người nông dân (bên cầu)
| Kế hoạch hành động | Thời gian thực hiện | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp |
1 | Điều tra thực trạng và kết quả cơ giới hóa nông nghiệp và các chính sách hỗ trợ tại một số địa phương | 07 - 12 /2014 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, | Bộ Tài chính, Bộ Công Thương |
2 | Tham khảo Luật thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp của Nhật Bản để xây dựng bản dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp bao gồm cả các nội dung từ 2.1 đến 2.4 bên dưới, xin phê duyệt của Thủ tướng. | 01-06/2015 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, | Bộ Tài chính, Bộ Công Thương |
2.1 | Xây dựng định hướng cơ bản của nhà nước nhằm thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp cho từng địa phương. | 01-06/2015 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, | Bộ Tài chính, Bộ Công Thương |
2.2 | Trên cơ sở định hướng cơ bản của nhà nước, khả năng nguồn vốn và đặc điểm của địa phương, chính quyền các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch hành động thúc đẩy cơ giới hóa phục vụ nông nghiệp tại địa phương | 05-12/2015 | UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW | Các Bộ, ngành liên quan |
2.3 | Triển khai thực hiện kế hoạch hành động thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp đã được xây dựng của các địa phương. | 2016-2020 | UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW | Các Bộ, ngành liên quan |
2.4 | Nhà nước xem xét, hỗ trợ một phần ngân sách cần thiết để triển khai kế hoạch của các địa phương đã được phê duyệt. | 2016-2020 | Bộ Tài chính, | Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
2. Khuyến khích các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp cung cấp các loại máy nông nghiệp phục vụ canh tác sản xuất lúa gạo dựa theo nhu cầu của nông dân (bên cung)
| Kế hoạch hành động | Thời gian thực hiện | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp |
1 | Tổ chức các cuộc triển lãm máy nông nghiệp, thao tác vận hành máy tại hiện trường thực tế cho người nông dân xem tại địa phương tại một số địa điểm trên toàn quốc, cùng với sự hỗ trợ của các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp trong và ngoài nước | 07-12/ 2014 | Bộ Công Thương | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
2 | Hỗ trợ tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị huấn luyện do các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp trong và ngoài nước tổ chức. | 07- 12/ 2014 | Bộ Công Thương | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
3 | Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các máy nông nghiệp phục vụ canh tác sản xuất lúa gạo | 2014 -2020 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bộ Công Thương |
4 | Khuyến khích các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp phục vụ canh tác sản xuất lúa gạo tại Việt Nam cung cấp máy nông nghiệp theo nhu cầu của người nông dân. | 2014 -2020 | Bộ Công Thương | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
5 | Bổ sung, hoàn thiện chế độ thuế để các nhà máy lắp ráp máy móc nông nghiệp có thể thu mua được một phần các linh kiện chế tạo nội địa. | 2014 -2020 | Bộ Tài chính |
|
3. Xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường kinh doanh máy nông nghiệp lành mạnh (bên thị trường)
| Kế hoạch hành động | Thời gian thực hiện | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp |
1 | Thực hiện khảo sát thị trường hàng năm, tóm tắt theo 3 chỉ tiêu đã được nêu ra trong “Mục tiêu hướng tới năm 2020” và các chỉ tiêu liên quan khác và công bố kết quả. | 2014-2020 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bộ Công Thương, |
2 | Nâng cao năng lực (trang thiết bị và đào tạo) các phòng thử nghiệm, trung tâm kiểm định máy nông nghiệp | 2014-2020 | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Bộ Công Thương |
3 | Thực hiện điều tra khảo sát đối với các mặt hàng máy nông nghiệp bất hợp pháp trong nước. Nội dung khảo sát bao gồm các mục như: - Đứng trên quan điểm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, lập số liệu về các mặt hàng không đủ tính năng theo danh mục hàng hóa; - Đứng trên quan điểm chính sách thuế công bằng, lập số liệu về các mặt hàng được nhập khẩu như là phế liệu - Đứng trên quan điểm chống cạnh tranh không lành mạnh, lập số liệu về các mặt hàng vi phạm nhãn hiệu hàng hóa. - Đứng trên quan điểm an toàn cho người nông dân, lập số liệu về các mặt hàng nguy hiểm, có nguy cơ gây mất an toàn cho người và môi trường | 2014-2020 | Cục Quản lý thị trường; Cục Quản lý cạnh tranh; Cục KT An toàn - Bộ Công Thương, | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính, Bộ Công an |
4 | Dựa trên kết quả của mục 2 nêu trên, đề xuất các giải pháp và chính sách xử lý. | 2014-2020 | Bộ Công Thương, | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Cục Thuế - Bộ Tài chính, Bộ Công an |
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CƠ CHẾ GIÁM SÁT
1. Tổ chức thực hiện
- Bộ Công Thương có trách nhiệm:
+ Căn cứ vào nội dung của Kế hoạch hành động tiến hành tổ chức, phân công các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của mình chủ trì triển khai thực hiện;
+ Đôn đốc, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động; hàng năm khảo sát, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Ban Chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa; định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Kế hoạch hành động, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm:
+ Chủ trì triển khai các giải pháp về nguồn vốn, kinh phí;
+ Cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan Trung ương và ngân sách hỗ trợ các địa phương theo quy định của pháp luật.
- Các Bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm:
+ Tổ chức xây dựng và thực hiện các nội dung của Kế hoạch hành động;
+ Định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện các nội dung của Kế hoạch hành động.
- Nguồn vốn thực hiện Kế hoạch hành động được huy động từ các nguồn vốn: ngân sách trung ương; ngân sách địa phương; vốn viện trợ quốc tế; vốn huy động xã hội, cộng đồng và các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Giám sát tình hình thực hiện kế hoạch hoạt động
Bộ Công Thương thực hiện giám sát tình hình triển khai Kế hoạch hành động và báo cáo tại cuộc họp của Tổ Công tác Chiến lược công nghiệp hóa mỗi năm một lần. Tổ Công tác sẽ báo cáo kết quả giám sát lên Ban chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa.
3. Chỉnh sửa kế hoạch hành động
Bộ Công Thương phối hợp với Tổ Công tác Chiến lược công nghiệp hóa và các Bộ, ngành liên quan tổng hợp và đánh giá kết quả thực hiện đến năm 2015 cũng như kinh nghiệm phù hợp của phía Nhật Bản, trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh lại Kế hoạch hành động cần được thực hiện từ năm 2016./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.