UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 134/2007/QĐ-UBND | Vinh, ngày 22 tháng 11 năm 2007. |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HOÁ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2005;
Căn cứ Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh; của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1205/TTr-STP ngày 16 tháng 11 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò; các cá nhân, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HOÁ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 134/2007/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2007 của UBND tỉnh Nghệ An).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Khái niệm.
1. Rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) là một quá trình thường xuyên bao gồm các bước: tập hợp văn bản quy phạm pháp luật, quy định quy phạm pháp luật theo những phạm vi nhất định; đối chiếu, so sánh những văn bản, quy định này theo những tiêu chí, nguyên tắc cụ thể nhằm tìm ra những quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xử lý bằng các hình thức thích hợp như: sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, huỷ bỏ, đình chỉ thi hành hoặc ban hành văn bản mới thay thế.
2. Hệ thống hoá văn bản QPPL là quá trình định kỳ tập hợp, sắp xếp những văn bản, quy định, chế định đã được rà soát thành từng hệ thống thống nhất, bảo đảm về nội dung và hình thức theo yêu cầu sử dụng của từng lĩnh vực, từng ngành hoặc từng cơ quan ban hành văn bản nhằm lập ra và công bố các văn bản QPPL còn hiệu lực, hết hiệu lực. Trên cơ sở đó định kỳ xuất bản các tập hệ thống hoá văn bản QPPL đang còn hiệu lực thi hành của một lĩnh vực, một ngành hoặc một cơ quan ban hành.
Điều 2. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh.
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định việc rà soát, hệ thống hoá các văn bản QPPL và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc rà soát, hệ thống hoá các văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ban hành (sau đây viết tắt là HĐND, UBND các cấp).
2. Đối tượng rà soát, hệ thống hoá:
a) Nghị quyết của HĐND các cấp;
b) Quyết định, Chỉ thị của UBND các cấp;
c) Các văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành dưới hình thức không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa quy phạm pháp luật.
Điều 3. Nguyên tắc rà soát, hệ thống hoá.
1. Văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải được thường xuyên rà soát và định kỳ hệ thống hoá.
2. Không bỏ sót văn bản QPPL trong quá trình rà soát, hệ thống hoá; văn bản được phát hiện trái pháp luật phải đình chỉ thi hành ngay và bãi bỏ kịp thời.
3. Rà soát được tiến hành theo nguyên tắc bắt đầu từ những văn bản được ban hành mới nhất trở về trước; hệ thống hoá phải được tiến hành định kỳ đúng thời gian quy định.
4. Kết quả rà soát, hệ thống hoá phải được xử lý và công bố kịp thời, công khai, chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chương II
QUY TRÌNH RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HOÁ.
Điều 4. Lập kế hoạch rà soát, hệ thống hoá.
1. Cơ quan Tư pháp chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp ban hành.
2. Nội dung của kế hoạch rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL phải bao gồm các nội dung sau:
a) Mục đích, yêu cầu cụ thể của rà soát, hệ thống hoá;
b) Phạm vi, đối tượng rà soát, hệ thống hoá; c) Các bước tiến hành rà soát, hệ thống hoá; d) Các điều kiện bảo đảm thực hiện;
e) Kế hoạch về thời gian;
Điều 5. Rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực và rà soát đột xuất.
Ngoài việc rà soát định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm, văn bản QPPL của HĐND, UBND còn được rà soát khi:
1. Tình hình kinh tế - xã hội của địa phương có sự thay đổi hoặc khi cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản mới làm cho nội dung văn bản QPPL của HĐND, UBND không còn phù hợp.
2. Nhận được thông tin, yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân về văn bản QPPL của HĐND, UBND ban hành chứa nội dung có dấu hiệu trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp.
3. Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước cấp trên.
Điều 6. Các bước tiến hành rà soát.
Văn bản sau khi được tiến hành rà soát, lập thành các danh mục như sau:
1. Danh mục văn bản còn hiệu lực thi hành gồm các văn bản đảm bảo về nội dung, hình thức, thẩm quyền ban hành so với hệ thống pháp luật hiện hành; phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
2. Danh mục văn bản QPPL đã hết hiệu lực, gồm:
a) Văn bản đã hết thời hạn có hiệu lực được quy định ngay trong văn bản đó;
b) Văn bản được thay thế bằng một văn bản mới do chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó ban hành;
c) Văn bản đã bị huỷ bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một văn bản đã hết hiệu lực;
e) Văn bản không còn đối tượng điều chỉnh.
3. Danh mục văn bản cần bãi bỏ, huỷ bỏ, đình chỉ thi hành gồm:
a) Văn bản có nội dung trái với quy định của pháp luật hiện hành;
b) Văn bản ban hành trái thẩm quyền;
c) Văn bản hoàn toàn không phù hợp với thực tiễn, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
4. Danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung gồm:
a) Văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của văn bản cấp trên và văn bản do mình ban hành;
b) Văn bản quy định chưa đầy đủ, triệt để các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của văn bản;
c) Nội dung của văn bản cấp trên quy định về vấn đề mà văn bản đó điều chỉnh có sự thay đổi.
5. Danh mục các văn bản cần ban hành mới gồm những văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mới phát sinh hoặc còn bỏ trống chưa được quy định trong một văn bản nào của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.
Điều 7. Thẩm quyền xử lý kết quả rà soát.
UBND các cấp có thẩm quyền xử lý kết quả rà soát các văn bản pháp luật do mình ban hành bằng Quyết định xử lý kết quả rà soát; trình HĐND cùng cấp ban hành Nghị quyết về xử ký kết quả rà soát đối với các Nghị quyết do HĐND ban hành.
Điều 8. Công bố kết quả rà soát.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm tổ chức đăng Công báo (đối với cấp tỉnh), niêm yết (đối với cấp huyện, cấp xã) danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân đã hết hiệu lực thi hành.
Điều 9. Hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật.
1. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được hệ thống hoá định kỳ 5 năm 1 lần theo chuyên đề, lĩnh vực.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được hệ thống hoá định kỳ từ 3 - 5 năm 1 lần tuỳ thuộc vào tình hình thực tế ban hành văn bản và yêu cầu quản lý nhà nước ở mỗi địa phương.
3. Giao Văn phòng UBND các cấp thực hiện việc hệ thống hoá văn bản QPPL. Kết quả hệ thống hoá phải được xuất bản để áp dụng thống nhất trên địa bàn.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP TRONG VIỆC TIẾN HÀNH RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HOÁ
Điều 10. Trách nhiệm của UBND các cấp.
1. Thành lập Ban chỉ đạo; Ban, tổ rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL (trong trường hợp cần thiết).
2. Ban hành kế hoạch rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, trong đó xác định mục đích, yêu cầu; phạm vi và đối tượng rà soát, hệ thống hoá; phân công các cơ quan chủ trì, phối hợp rà soát, hệ thống hoá; những điều kiện đảm bảo thực hiện công việc.
3. Ban hành Quyết định xử lý kết quả rà soát, hệ thống hoá các văn bản QPPL do UBND cấp mình ban hành bao gồm các danh mục:
a) Danh mục văn bản còn hiệu lực thi hành;
b) Danh mục văn bản cần bãi bỏ, huỷ bỏ, đình chỉ thi hành;
c) Danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung;
d) Danh mục các văn bản cần ban hành mới;
4. Trình HĐND cùng cấp xử lý kết quả rà soát các văn bản do HĐND cùng cấp ban hành.
5. Công bố văn bản QPPL hết hiệu lực, còn hiệu lực trên các phương tiện thông tin đại chúng.
6. Định kỳ xuất bản tập hệ thống hoá các văn bản QPPL do HĐND và UBND
cùng cấp ban hành.
7. Tổ chức thực hiện Quyết định xử lý kết quả rà soát.
Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan Tư pháp.
1. Giúp UBND cấp mình chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác thuộc UBND xây dựng dự thảo Quyết định thành lập Ban chỉ đạo; Ban, tổ rà soát hệ thống hoá và kế hoạch rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL để trình UBND ban hành.
2. Xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo (trong trường hợp thành lập Ban chỉ đạo), các quy định về trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong hoạt động rà soát, hệ thống hoá, chế độ phối hợp, thông tin báo cáo.
3. Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, kịp thời giải quyết những vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp mình về tiến độ và chất lượng hoạt động của các cơ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Tổng hợp kết quả rà soát do cơ quan khác thuộc Uỷ ban nhân dân thực hiện trình Uỷ ban nhân dân và HĐND cùng cấp xem xét, quyết định xử lý.
5. Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kết quả rà soát đã được UBND cùng cấp ban hành.
Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân
Các cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm rà soát các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực mà mình được phân công phụ trách, cụ thể như sau:
1. Phối hợp với cơ quan Tư pháp trong việc xây dựng kế hoạch rà soát văn bản QPPL thuộc lĩnh vực chuyên ngành.
2. Tập hợp những quy phạm pháp luật hoặc văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp mình ban hành thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị, ngành mình phụ trách; tiến hành rà soát và gửi kết quả rà soát về cơ quan Tư pháp cùng cấp đúng thời gian quy định.
3. Sau khi có Quyết định xử lý kết quả rà soát do HĐND, UBND cùng cấp ban hành, chủ động tiến hành xây dựng dự thảo văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đã được phân công để trình HĐND, UBND cùng cấp ban hành đúng thời gian quy định.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Kinh phí thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL.
1. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm điều kiện về kinh phí cho hoạt động rà soát, hệ thống hoá văn bản.
2. Khi xây dựng kế hoạch rà soát trình UBND, cơ quan Tư pháp có trách nhiệm lập dự trù kinh phí phục vụ cho hoạt động rà soát để trình UBND cùng cấp quyết định.
3. Cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm bố trí kinh phí phục vụ cho hoạt động rà soát theo quyết định của UBND cùng cấp.
4. Việc cấp phát, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL được thực hiện theo chế độ quy định hiện hành.
Điều 14. Điều khoản thi hành.
1. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL ở cấp mình.
2. Cơ quan Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức tốt việc rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL hàng năm.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.