THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 133-TTg | Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 1994 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN TIỀN KHẢ THI ĐẦU TƯ XÂY DỰNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN SÔNG SÊ SAN
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Xét Tờ trình số 399-TT/UB ngày 20-12-1993 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kon Tum và số 27-TT/UB ngày 17-1-1994 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc xin phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn hồ chứa công trình thuỷ điện Yali trên con sông Sê San.
Căn cứ ý kiến đề nghị của Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (công văn số 1818-UB/TĐDA ngày 21-12-1992); của Bộ Lâm nghiệp (Công văn số 1147-LN/KL ngày 12-6-1991 và số 1605-LN/KL ngày 17-8-1992) và của Uỷ ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, tại Công văn số 382-NSY ngày 12-4-1991),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt dự án tiền khả thi đầu tư xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Sê San thuộc tỉnh Gia Lai và tỉnh Kom Tum với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên dự án: "Xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Sê San".
2. Phạm vi, địa điểm dự án:
- Phạm vi dự án: nằm trên địa phận của 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai bao gồm toàn bộ diện tích lưu vực sông Sê San tính từ đập chắn nước của công trình thuỷ điện Yali ngược lên phía thượng lưu.
- Địa điểm: nằm ở vùng toạ độ địa lý:
Từ 13 độ 56emdash đến 15 độ 15emdash vĩ độ Bắc.
Từ 107 độ 28emdash đến 108 độ 23emdash kinh độ Đông.
Tổng diện tích tự nhiên toàn lưu vực: 740.100 hécta (Gia Lai: 157.750 hécta; Kon Tum: 582.350 hécta).
3. Mục tiêu - nhiệm vụ:
a) Mục tiêu.
- Xây dựng hoàn chỉnh, vững bền hệ thống rừng phòng hộ vùng lưu vực sông Sê San nhằm điều tiết dòng chảy, hạn chế sói mòn, góp phần bảo vệ các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện trong lưu vực, lập lại cân bằng sinh thái bảo vệ môi trường.
- Chấm dứt nạn phá rừng làm ương rẫy và khai thác lâm sản bừa bãi trên cơ sở thực hiện định canh định cư, sản xuất lâm - nông - ngư kết hợp. Từng bước ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, tạo ra tập quán mới về canh tác thâm canh, nông - lâm kết hợp và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
b) Nhiệm vụ:
- Tạo ra hệ thống rừng phòng hộ tập trung, liên vùng, liên khoảnh trên diện tích 251.890 hécta (Gia Lai: 38.790 hécta; Kom Tum: 213.100 hécta).
- Tổ chức ổn định sản xuất và đời sống cho 32.966 hộ gia đình (Gia Lai: 9.835 hộ; Kon Tum: 23.131 hộ), trước hết cần chú trọng đối với các hộ đồng bào dân tộc còn du canh, du cư phát nương rẫy.
4. Các giải pháp cơ bản:
a) Về kỹ thuật:
- Quản lý bảo vệ rừng hiện có: 139.505 hécta (Gia Lai: 25.280 hécta; Kon Tum: 114.225 hécta).
- Bảo vệ, chăm sóc làm giầu đối với rừng nghèo kiệt: 14.465 hécta (thuộc Kon Tum).
- Khoanh nuôi, phục hồi tự nhiên rừng trên đất chưa có rừng: 59.833 hécta (Gia Lai: 6036 hécta; Kon Tum: 53.797 hécta).
- Trồng rừng mới 12.500 hécta (Gia Lai: 1.700 hécta; Kon Tum: 10.800 hécta).
Cơ cấu cây rừng và các biện pháp kỹ thuật, quy trình quy phạm về khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng mới thực hiện theo quy định của Bộ Lâm nghiệp.
b) Về tổ chức:
- Lập luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc dự án đầu tư) xây dựng rừng phòng hộ tại khu vực xung yếu và rất xung yếu để tổ chức thực hiện theo tinh thần Quyết định số 327-CT ngày 15-9-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đối với vùng có đồng bào du canh, du cư, phải gắn việc bảo vệ gây trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp với việc thực hiện các dự án của chương trình 327 hoặc các dự án định canh, định cư, độc lập để hình thành các khu kinh tế - xã hội ổn định, phù hợp với các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng trung du, miền núi. Đặc biệt đối với đồng bào phải di chuyển khỏi vùng ngập, cần gắn việc xây dựng rừng với việc xây dựng hợp lý các cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng để tạo cuộc sống ổn định lâu dài của đồng bào tại nơi ở mới.
Các địa phương tiến hành giao đất, giao rừng cho từng hộ gia đình quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng mới, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển kinh tế gia đình dưới sự hướng dẫn của ngành lâm, nông nghiệp. Các đơn vị quốc doanh lâm nghiệp trong khu vực làm nhiệm vụ dịch vụ kỹ thuật là chủ yếu và xây dựng rừng trên những vùng ngoài khả năng quản lý kinh doanh của dân.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum là chủ quản đầu tư các công trình trên lãnh thổ của mình, chịu trách nhiệm chỉ định chủ đầu tư và tổ chức chỉ đạo thực hiện phần dự án thuộc phạm vi quản lý của mình, bảo đảm hiệu quả đầu tư cao.
c) Về vốn đầu tư:
Cần huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện. Vốn đầu tư cho xây dựng rừng (quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi, trồng mới...) tại vùng xung yếu và rất xung yếu do Ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ theo kế hoạch hàng năm và theo các dự án được duyệt.
d) Tiến độ thực hiện:
Xây dựng rừng phòng hộ đầu nguồn sông Sê San được thực hiện trong 7 năm (1994-2000).
Điều 2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bộ trưởng các Bộ Lâm nghiệp, Tài chính, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Trần Đức Lương (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.