ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1314/QĐ-UBND | Tây Ninh, ngày 01 tháng 7 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2010–2015 ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003.
Căn cứ Quyết định số 32/2010//QĐ-TTg, ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội tỉnh giai đoạn 2010– 2020;
Căn cứ Thông tư số 08/2010/TT-BNV , ngày 25/8/2010 của Bộ Nội vụ Ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội;
Căn cứ Quyết định số 1305/QĐ-BLĐTBXH, ngày 22/10/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc Phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010–2015;
Căn cứ Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH , ngày 08/11/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 11/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH của liên Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2010//QĐ-TTg, ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 411/TTr-SLĐTBXH, ngày 10/3/2011,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án Phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020 (kèm theo kế hoạch).
Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan triển khai thực hiện kế hoạch này trên địa bàn toàn tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGHỀ CÔNG TÁC XÃ HỘI TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2010–2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1314/QĐ-UBND, ngày 01/7/2011 của UBND tỉnh Tây Ninh)
I. Thực trạng đối tượng xã hội, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên làm công tác xã hội:
1. Đặc điểm của tỉnh:
Tây Ninh là một tỉnh miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phía Bắc và phía Tây giáp Vương quốc Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương và Bình Phước, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An; tổng diện tích tự nhiên là 4.035,45 km2. Tỉnh có 09 huyện, thị xã (huyện) và có 95 xã, phường, thị trấn (xã). Dân số toàn tỉnh có 281.973 hộ, với 1.067.674 người, trong đó:
- Nữ: 535.913 người, chiếm tỷ lệ: 50,19%;
- Có 899.084 người sống ở khu vực nông thôn, chiếm 84,21%; 168.590 người sống ở khu vực thành thị, chiếm 15,79%;
- Dân số từ 15 tuổi trở lên là: 813.568 người, chiếm 76,20%;
2. Thực trạng đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh:
- Toàn tỉnh đang quản lý trên 17.000 đối tượng bảo trợ xã hội. Kinh phí chi trả bình quân một năm cho đối tượng bảo trợ xã hội trên 45 tỷ đồng.
- Tỉnh có 02 cơ sở bảo trợ xã hội công lập trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và 07 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đang quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 568 đối tượng bảo trợ xã hội không nơi nương tựa với kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng/năm.
- Người khuyết tật theo số liệu điều tra năm 2008 toàn tỉnh có 16.255 người (nam 10.129 người, nữ .6.126 người), trong đó: Khuyết tật vận động: 5.932 người, chiếm 0,55 % dân số và 36,50% so tổng số người khuyết tật; 10.323 người có các dạng khuyết tật khác; riêng người tâm thần nặng (rối loạn tâm thần và tâm thần phân liệt) theo khảo sát năm 2010 toàn tỉnh có 2.394 người.
- Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo năm 2010, toàn tỉnh có: 13.984 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,25% so với tổng số gia đình; 9.565 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,59% so với tổng số gia đình; và hộ có thu nhập từ 131% đến 150% thu nhập của hộ nghèo là: 4.548 hộ, chiếm tỷ lệ 1,71% so với tổng số gia đình.
- Kết quả khảo sát tháng 6/2010, toàn tỉnh có 392 người nghiện ma túy, trong đó số đang được cai nghiện và quản lý tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội là 146 người, quản lý và giáo dục tại cộng đồng là 246 người. Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình, vợ chồng trẻ ly hôn, trẻ em bị bỏ rơi, phụ nữ và trẻ em bị cưỡng bức, xâm hại tình dục, phụ nữ hành nghề mại dâm, số người lang thang xin ăn… Cần được sự quan tâm giúp đỡ của toàn xã hội.
3. Về tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên làm công tác xã hội
Đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên làm công tác xã hội của tỉnh hiện có gần 2.400 người, cụ thể như sau:
- 40 người thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
- 70 người thuộc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, thị xã;
- 95 người làm công tác Lao động – Thương binh và Xã hội ở cấp xã;
- Gần 2.000 người thuộc các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, các Hội, đoàn thể … Từ tỉnh đến huyện, xã, ấp;
- 150 người thuộc các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập.
Nghề công tác xã hội tuy mới được công nhận từ tháng 3/2010 theo Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg , nhưng có thể nói đội ngũ những người làm công tác xã hội trên địa bàn tỉnh đã hình thành từ lâu, từ nhiều nguồn khác nhau: Một số được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng; một số được bồi dưỡng, tập huấn công tác ngành Lao động – Thương binh và Xã hội; một số thông qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn và phát triển công tác xã hội của mình. Đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên này đã thực hiện công tác xã hội trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, ở khu vực công lập, ngoài công lập phù hợp với tình hình, nhu cầu công tác xã hội trong từng thời kỳ, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực xã hội vào cuộc sống. Nhưng nhìn chung, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội của tỉnh còn thiếu và chưa được đào tạo cơ bản về công tác xã hội, nhất là cán bộ, nhân viên trực tiếp tiếp xúc, làm việc với đối tượng cần được trợ giúp; điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
4. Tình hình thực hiện công tác xã hội trong hai năm 2009-2010:
4.1. Một số kết quả đạt được:
- Công tác thực hiện chính sách, chế độ trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội ngày càng được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm nhiều hơn, số đối tượng bảo trợ xã hội được các địa phương thực hiện chế độ trợ giúp xã hội tại cộng đồng ngày càng nhiều, nếu năm 2009 toàn tỉnh chỉ mới có 7.011 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng thì đến năm 2010 số đối tượng BTXH 18.577 người, tăng: 1.383 người theo Nghị định số 13/2010/NĐ-CP , ngày 27/02/2010 của Chính phủ; và đến tháng 01/2011, đã có 17.030 người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng (trong đó có hơn 7.300 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên hưởng trợ cấp theo Luật Người cao tuổi).
- Đã có trên 576 ngươi khuyết tật vận động được cấp miễn phí chân tay giả, trị giá: 506 triệu đồng;
- Cấp xe lăn, xe lắc: 1.288 chiếc, trị giá: 1,7 tỷ đồng;
- Phẫu thuật mắt: 260 người, trị giá: 130 triệu đồng;
- Phẫu thuật phục hồi chức năng cho người khuyết tật vận động: 30 trường hợp, trị giá: 30 triệu đồng;
- Tặng máy trợ thính: 85 người, trị giá: 68.000.000 đồng;
- Toàn tỉnh đã xây tặng 2.808 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg , trị giá hơn 42 tỷ đồng;
- Ngoài ra, trong các dịp lễ, tết các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đối tượng xã hội với tổng giá trị hàng năm trên 10 tỷ đồng.
4.2. Thuận lợi và khó khăn:
a. Thuận lợi:
- Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và người khuyết tật, từ đó nhiều chính sách, chế độ, phong trào trợ giúp đối với những đối tượng này đã được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định góp phần ổn định đời sống các đối tượng bảo trợ xã hội và người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
- Nhiều đối tượng bảo trợ xã hội đã được các địa phương thực hiện trợ giúp xã hội kịp thời tại cộng đồng, hoặc được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập.
b. Khó khăn:
- Công tác phối hợp tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội giữa ngành Lao động – Thương binh và Xã hội với các ngành, đoàn thể chức năng liên quan, với các tổ chức hội của người khuyết tật trong tỉnh chưa đồng bộ, thiếu gắn kết, chưa có định hướng lâu dài, còn mang tính sự vụ, sự việc.
- Nhiều đối tượng bảo trợ xã hội rất khó khăn nhưng chưa được phát hiện kịp thời để giúp đỡ.
- Đội ngũ làm công tác xã hội thay đổi liên tục ở cấp xã, đa số chưa được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, chủ yếu làm lâu năm có kinh nghiệm.
Để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới về tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội, công tác triển khai thực hiện Đề án 32 trên địa bàn tỉnh là nhu cầu cần thiết, là một trong những nội dung quan trọng có ý nghĩa nhằm giúp các địa phương tổ chức triển khai thực hiện ngày càng tốt hơn các chính sách, chế độ đối với các đối tượng bảo trợ xã hội và người khuyết tật, những đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của địa phương.
II. Nội dung thực hiện Đề án 32 trên địa bàn tỉnh
A. Mục tiêu chung
Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
B. Nội dung thực hiện:
1. Giai đoạn 2010-2015
1.1. Triển khai Đề án 32 và tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội:
a. Nội dung:
- Tổ chức triển khai Đề án 32 và Kế hoạch của tỉnh về phát triển nghề công tác xã hội trong các cấp, các ngành, các địa phương thông qua các hội nghị triển khai, tập huấn chuyên đề ở tỉnh, huyện.
- Từng bước nâng cao nhận thức về nghề công tác xã hội của các cấp, các ngành và cộng đồng; Tuyên truyền thường xuyên trên báo, đài, các phương tiện truyền thông đại chúng ở địa phương, và bằng nhiều hình thức khác, như: Sổ tay, cẩm nang công tác xã hội, tờ rơi, áp phích, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và phổ biến pháp luật về phát triển nghề công tác xã hội… Để các cấp, các ngành và nhân dân nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vai trò của nghề công tác xã hội, về kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội của tỉnh; định hướng để người dân biết cách sử dụng dịch vụ công tác xã hội. Tổ chức đi khảo sát học tập kinh nghiệm các tỉnh; tham dự các hội nghị tập huấn, hội thảo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành Trung ương tổ chức. Những hoạt động này được thực hiện xuyên suốt trong giai đoạn 2010-2015.
b. Nhiệm vụ, trách nhiệm:
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tây Ninh.
c. Thời gian thực hiện: 2010-2015.
d. Kinh phí ngân sách tỉnh: 250.000.000 đồng/năm, giai đoạn 2010–2015 là: 1.250.000.000 đồng.
1.2. Xây dựng Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội:
a. Nội dung:
Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp một cơ sở bảo trợ xã hội công lập thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý để xây dựng Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội, là mô hình mới theo hướng gắn kết giữa các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập với Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội để thực hiện chính sách bảo trợ xã hội.
b. Nhiệm vụ, trách nhiệm:
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan.
c. Thời gian thực hiện: 2012-2014.
d. Kinh phí thực hiện: 03 tỷ đồng sửa chữa, cải tạo, nâng cấp cơ sở và mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trong năm:
- Đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ: 1,5 tỷ đồng;
- Ngân sách tỉnh: 1,5 tỷ đồng.
1.3. Điều tra, thu thập thông tin và cơ sở dữ liệu phát triển nghề công tác xã hội:
a. Nội dung:
- Điều tra, đánh giá hiện trạng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội (gọi tắt là cán bộ, nhân viên công tác xã hội); trên cơ sở đó xác định nhu cầu đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ, nhân viên công tác xã hội và phát triển mạng lưới cán bộ, nhân viên công tác xã hội ở các cấp trong tỉnh.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, nhân viên công tác xã hội phục vụ yêu cầu chỉ đạo, quản lý, theo dõi, giám sát thực hiện Đề án.
b. Nhiệm vụ, trách nhiệm:
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ.
c. Thời gian thực hiện: 2010-2011.
d. Kinh phí thực hiện: 200 triệu đồng (trong đó ngân sách Trung ương đã hỗ trợ 41 triệu đồng và ngân sách tỉnh là: 159 triệu đồng).
1.4. Triển khai thực hiện các quy định về mã ngạch, chức danh về nghề công tác xã hội:
a. Nội dung:
Triển khai thực hiện các thông tư, hướng dẫn của Trung ương về mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội; tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội; tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội; áp dụng ngạch, bậc lương đối với viên chức, nhân viên công tác xã hội theo hướng dẫn của Trung ương để thực hiện đối với những sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương có sử dụng cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội.
b. Nhiệm vụ, trách nhiệm:
- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan.
c. Thời gian thực hiện: 2011-2012.
d. Kinh phí thực hiện: 100 triệu đồng.
1.5. Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội:
a. Nội dung:
- Rà soát và kiện toàn đội ngũ cán bộ, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội làm việc ở các cấp, các cơ sở bảo trợ xã hội công lập.
- Bổ sung viên chức, cộng tác viên công tác xã hội cho những nơi còn thiếu, yếu. Trước mắt tập trung tăng viên chức, nhân viên làm việc tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, ưu tiên những người đã có bằng cấp, chứng chỉ nghề công tác xã hội và hình thức làm việc kiêm nhiệm.
- Thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH về việc đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một cán bộ không chuyên trách, hoặc cộng tác viên làm công tác xã hội, được hưởng phụ cấp bằng mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước.
b. Nhiệm vụ, trách nhiệm:
- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
- Cơ quan phối hợp: các Sở Tài chính, Lao động – Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan.
c. Thời gian thực hiện: 2011-2015.
d. Kinh phí ngân sách tỉnh: 4.200 triệu đồng.
1.6. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội:
a. Nội dung:
- Đánh giá, xác định nhu cầu đào tạo ở từng cấp trình độ để xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội.
- Tổ chức đào tạo, đào tạo lại theo hệ vừa học vừa làm cho cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học; phấn đấu đào tạo, đào tạo lại 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên làm công tác xã hội trên địa bàn tỉnh (khoảng 1.200 người).
- Tổ chức tập huấn kỹ năng cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội.
- Tổ chức các chuyến nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển nghề công tác xã hội cho cán bộ của các sở, ngành liên quan.
b. Nhiệm vụ, trách nhiệm:
- Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.
- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan.
c. Thời gian thực hiện: 2011-2015.
d. Kinh phí ngân sách tỉnh: 6.000 triệu đồng.
1.7. Xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội:
a. Nội dung:
Xây dựng văn bản tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện và xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh.
b. Nhiệm vụ, trách nhiệm:
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành liên quan.
c. Thời gian thực hiện: 2011-2013.
d. Kinh phí ngân sách tỉnh: 200 triệu đồng.
1.8. Giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án:
a. Nội dung:
Thiết lập hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá phù hợp với Đề án và tình hình thực hiện ở địa phương. Tổ chức việc theo dõi, giám sát, và báo cáo đánh giá, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Đề án từ tỉnh đến cấp xã.
b. Nhiệm vụ, trách nhiệm:
- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành liên quan.
c. Thời gian thực hiện: 2011-2015.
d. Kinh phí ngân sách tỉnh: 750 triệu đồng.
2. Giai đoạn 2016-2020
a. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về nghề công tác xã hội.
b. Tiếp tục đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn kỹ năng công tác cho 100% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập, cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.
c. Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội ở các cấp, phấn đấu tăng 10% so với thời điểm 2015.
d. Tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn chức danh, nghiệp vụ, đạo đức và chế độ đãi ngộ theo quy định đối với cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội để tạo điều kiện thuận lợi, đồng bộ, thống nhất phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.
đ. Xã hội hóa các hoạt động công tác xã hội theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh; tham gia đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.
III. Các giải pháp thực hiện
1. Tổ chức triển khai thực hiện kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về Đề án 32 và các chính sách, chế độ đối với đối tượng bảo trợ xã hội và người khuyết tật để tạo sự đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Điều tra, rà soát, phân loại cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; các đối tượng và dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn tỉnh để lập kế hoạch đào tạo, đào tạo lại về công tác xã hội; nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin về nghề công tác xã hội, phục vụ tốt yêu cầu chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
3. Tăng cường giám sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội bảo đảm tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và các chính sách, pháp luật về công tác xã hội.
4. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá thực tiễn để đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nghề công tác xã hội và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội và các dịch vụ xã hội.
5. Kịp thời biểu dương khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện công tác xã hội hàng năm.
IV. Tổng hợp kinh phí thực hiện:
Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch: Dự kiến 27.700 triệu đồng
1. Giai đoạn 2010-2015:
Dự kiến 15.700 triệu đồng, phân ra:
(Đơn vị tính tiền: Triệu đồng)
STT | Nội dung thực hiện | Tổng kinh phí | Phân kinh phí thực hiện theo các năm | Ghi chú | |||||
2010 | 2011 | 2012 | 2013 | 2014 | 2015 | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
1 | Triển khai và tổ chức tuyên truyền Đề án. | 1.250 | / | 250 | 250 | 250 | 250 | 250 |
|
2 | Xây dựng Trung tâm cung ứng dịch vụ công tác xã hội. | 3.000 |
|
| 1000 | 1000 | 1000 |
|
|
3 | Điều tra thu thập thông tin và nghề công tác xã hội. | 200 | 200 |
|
|
|
|
|
|
4 | Triển khai các quy định về mã ngạch, chức danh nghề công tác xã hội. | 100 |
| 50 | 50 |
|
|
|
|
5 | Tổ chức đào tạo, đào tạo lại cán bộ, viên chức công tác xã hội. | 6000 |
| 1200 | 1200 | 1200 | 1200 | 1200 |
|
6 | Xây dựng, triển khai các văn bản xã hội hóa nghề CTXH. | 200 |
| 50 | 100 | 50 |
|
|
|
7 | Trợ cấp cho cộng tác viện làm công tác xã hội ở cấp xã. | 4.200 |
| 840 | 840 | 840 | 840 | 840 |
|
8 | Giám sát, sơ kết, tổng kết , đánh giá việc thực hiện Đề án. | 750 |
| 150 | 150 | 150 | 150 | 150 |
|
Cộng | 15.700 | 200 | 2540 | 3590 | 3490 | 3440 | 2440 |
|
Trong đó:
- Đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ: 1.500 triệu đồng;
- Ngân sách tỉnh: 14.200 triệu đồng.
2. Ước kinh phí thực hiện giai đoạn 2016-2020: dự kiến 12.000 triệu đồng.
- Đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ: 2.000 triệu đồng;
- Ngân sách tỉnh: 10.000 triệu đồng.
Dự toán kinh phí theo kế hoạch là mức dự toán tối đa. Hàng năm, căn cứ vào tình hình ngân sách địa phương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí để tổ chức thực hiện kế hoạch.
V. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm các cơ quan, đơn vị
1.1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Là cơ quan thường trực để tổ chức thực hiện kế hoạch;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; tổ chức rà soát thống kê, phân loại cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội;
Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Thông tư liên tịch số 11/2011/TTLT-BTC-BLĐTBXH về việc Phân bổ chỉ tiêu cán bộ không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội, hưởng phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước và xây dựng thí điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội;
1.2. Sở Nội vụ: Hướng dẫn chức danh, mã số ngạch, cơ chế chính sách tiền lương đối với viên chức, nhân viên công tác xã hội; chủ trì phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại, nâng cao năng lực đội ngũ viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; phối hợp tham mưu phân bổ chỉ tiêu cán bộ không chuyên trách hoặc cộng tác viên công tác xã hội, hưởng phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước; hướng dẫn thành lập Trung tâm dịch vụ công tác xã hội của tỉnh.
1.3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức đoàn thể, các hội, đoàn thể có liên quan có kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên công tác xã hội và thiết lập mạng lưới nhân viên công tác xã hội trong các trường khuyết tật của tỉnh.
1.4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hàng năm căn cứ vào tình hình ngân sách địa phương tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí để thực hiện kế hoạch.
1.5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, các cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền về phát triển nghề công tác xã hội.
1.6. Sở Tư pháp: Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất ban hành các văn bản có liên quan để phát triển nghề công tác xã hội; phổ biến tuyên truyền pháp luật về công tác xã hội và phát triển nghề công tác xã hội.
1.7. Các sở, Ban, ngành tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh.
1.8. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm:
- Chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của kế hoạch trên địa bàn.
- Đưa kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương
- Bố trí kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện kế hoạch.
1.9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến về nghề công tác xã hội; vận động hội viên, đoàn viên tình nguyện tham gia công tác xã hội, tham gia triển khai thực hiện kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội ở địa phương.
2. Tổ chức kiểm tra, sơ tổng kết và khen thưởng
- Các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã định kỳ hàng năm (vào ngày 01/12) báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị phụ trách gởi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.
- Giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp các sở, ngành liên quan kiểm tra tiến độ và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hàng năm; định kỳ 03 năm sơ kết một lần, 05 năm tổng kết giai đoạn I (2011–2015); tổng kết thực hiện kế hoạch giai đoạn II vào năm 2020.
- Những tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, được lồng ghép xét khen thưởng hàng năm và nhân dịp sơ kết 03 năm, tổng kết 05 năm và 10 năm thực hiện kế hoạch.
Trên đây là kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010–2015 và định hướng đến 2020 của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch của cơ quan, đơn vị, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.