ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1304/QĐ-UBND | Trà Vinh, ngày 04 tháng 9 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X “VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 24 tháng 3 năm 2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tờ trình số 517/TTr-SKHĐT-KT ngày 07 tháng 8 năm 2008),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan ngang Sở thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CỦA TỈNH ỦY THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ TƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X “VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1304/QĐ-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Thực hiện Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;
Thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 24 tháng 3 năm 2008 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 09 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”;
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU
1. Mục tiêu:
Kế hoạch hành động này xác định nhiệm vụ của các Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ và của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, nhằm phấn đấu đưa kinh tế tỉnh Trà Vinh phát triển mạnh, làm giàu từ biển và vùng ven biển; đi đôi với phát triển kinh tế biển, giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội; tạo chuyển biến mới về phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường chăm sóc sức khoẻ nhân dân; nâng cao thu nhập và mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; các chính sách về dân tộc, tôn giáo và chính sách đối với người có công được thực hiện tốt; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển; thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Trà Vinh.
2. Yêu cầu:
a) Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
b) Tạo sự chuyển biến trong tư duy điều hành, trong quản lý và phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kinh tế biển từ tỉnh đến cơ sở thông qua xây dựng và thực hiện các đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Chiến lược biển đến năm 2020.
c) Triển khai các nội dung cụ thể của Kế hoạch hành động đến từng cá nhân, Sở, Ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh, tạo chuyển biến rõ rệt, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
1. Tập trung phát triển lĩnh vực thủy sản ngày càng vững mạnh
a) Về khai thác hải sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản:
- Chú trọng đầu tư phát triển và hiện đại hoá từng bước đội tàu khai thác hải sản xa bờ, thực hiện chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư tăng số lượng tàu khai thác ở ngư trường xa bờ và vùng biển quần đảo Trường Sa, trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại để tăng năng suất và sản lượng các loại hải sản có giá trị cao;
- Xây dựng phương án chuyển đổi nghề đối với các tàu có công suất nhỏ hoạt động ở tuyến ven bờ, vận động các hộ ngư dân khai thác ven bờ tự nguyện thành lập tổ hợp tác, góp vốn cổ phần và vay vốn tín dụng để đầu tư tàu lớn khai thác hải sản xa bờ;
- Tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 50/2005/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Trà Vinh đến năm 2010;
b) Về nuôi trồng thủy sản: Mở rộng trên 50.000 ha đất ven biển và 15.000ha đất bãi bồi và cồn nổi để nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi như: Tôm, cá, cua, nghêu, sò huyết... nhằm sử dụng có hiệu quả tiềm năng diện tích nuôi trồng ở vùng bãi bồi và cồn nổi ven biển, vùng đất nông nghiệp ngập nước khi triều lên.
c) Về chế biến thủy - hải sản: Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh; tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến thủy sản hình thành hiệp hội hoặc tập đoàn kinh tế phù hợp với xu hướng của thời kỳ hội nhập.
d) Về dịch vụ hậu cần nghề cá: Khai thác và phát huy tốt năng lực hoạt động của Cảng cá Láng Chim, Bến cá Định An, khuyến khích đầu tư cơ sở đóng sửa tàu tại các cảng cá, bến cá; xây dựng các trung tâm sản xuất giống thủy sản; đầu tư xây dựng trạm thông tin liên lạc với tàu cá, trạm quan trắc, cảnh báo bão, áp thấp nhiệt đới, môi trường nước tại trung tâm vùng ven biển của huyện Duyên Hải.
2. Phát triển lâm nghiệp theo hướng khôi phục dần rừng ngập mặn ven biển nhằm cải thiện môi trường sinh thái và phát triển bền vững sản xuất nông - ngư nghiệp
a) Động viên nhân dân thực hiện trồng lại rừng theo cơ cấu rừng - tôm và trồng mới thêm rừng phòng hộ ven biển, khuyến khích nhân dân ở các xã ven biển phát triển trồng cây phân tán vừa góp phần cải thiện môi trường sinh thái vừa phục vụ cho các nhu cầu dân dụng.
b) Tiếp tục giao đất trồng rừng (kể cả đất cồn mới nổi) và đất có rừng cho hộ dân quản lý, sử dụng trồng, bảo vệ, khai thác rừng theo quy hoạch sử dụng đất của Nhà nước; tăng cường công tác kiểm lâm và động viên hộ lâm nghiệp tham gia tổ hợp tác để bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng trái phép. Rà soát, lập quy hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án về tỷ lệ diện tích đào ao nuôi tôm với diện tích trồng rừng; đối với khu vực từ bờ biển trở vào tiếp giáp với động cát chủ yếu sử dụng vào mục đích trồng rừng phòng hộ ven biển (trừ diện tích đất thổ cư, đất nông nghiệp ven biển, diện tích dành cho du lịch và các bãi nghêu, sò huyết tự nhiên), diện tích đất dọc theo tuyến sông rạch của khu vực nội đồng ngoài bờ bao ngăn lũ, chống triều cường sử dụng cho việc phát triển rừng trồng.
c) Tổ chức thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ rừng đã được đầu tư; tiếp tục xây dựng các dự án mới để tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và nước ngoài đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển.
3. Phát triển công nghiệp, diêm nghiệp, thương mại và du lịch
Quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp để kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến hàng hoá nông - lâm - thuỷ sản; khuyến khích khôi phục các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống như làm muối, chế biến hải sản nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đầu tư nâng cấp chợ Duyên Hải và các chợ xã, thị trấn ven biển, xây dựng chợ đầu mối xã Long Hữu (huyện Duyên Hải), chợ Định An (huyện Trà Cú) nhằm đảm bảo yêu cầu giao thương hàng hoá lớn, nông dân có nơi tiêu thụ sản phẩm, đưa kinh tế biển và vùng ven biển của tỉnh phát triển tốt. Đẩy mạnh hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài, mở rộng những địa điểm có điều kiện phát triển du lịch, đầu tư quy hoạch du lịch ven sông Tiền và sông Hậu, tìm đối tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về du lịch, khách sạn..., tổ chức dịch vụ du lịch tại bãi biển Ba Động, vùng biển Mỹ Long và các cồn nổi ven biển.
4. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường phục vụ chiến lược kinh tế biển
a) Quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý vững mạnh về năng lực, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong trước mắt và lâu dài; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao để phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế; kết hợp với các viện, trường đại học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề tổ chức đào tạo, huấn luyện tay nghề, kỹ thuật cho người lao động đủ khả năng tham gia vào sản xuất phát triển kinh tế biển và vùng ven biển; chú trọng đào tạo chuyên sâu về các ngành nghề: hàng hải, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, du lịch biển, nghiên cứu khoa học biển...
b) Đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ mới, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào khai thác và bảo quản sản phẩm, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên biển, vùng ven biển; chuyển giao công nghệ và ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi thuỷ sản chuyên canh, luân canh hoặc xen canh phù hợp với từng hình thức nuôi theo đặc điểm sinh thái của từng vùng; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi thủy sản. Tập trung chuyển giao công nghệ tiên tiến về trồng các loại cây lương thực, cây màu ... có chất lượng sản phẩm cao. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường sinh thái và dự báo thiên tai trên biển, vùng ven biển phục vụ thiết thực cho yêu cầu phát triển kinh tế biển và các ngành kinh tế khác.
5. Tổ chức lại sản xuất phục vụ phát triển kinh tế biển, vùng ven biển phù hợp trong thời kỳ hội nhập
Trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp (bao gồm khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, trồng lúa, làm muối và dịch vụ hậu cần nghề cá), tổ chức sắp xếp lại sản xuất theo hướng: đối với khai thác hải sản, thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để ra khơi khai thác, hợp tác cùng nhau trong tiêu thụ sản phẩm, cung cấp nhiên liệu, lương thực ... đảm bảo hạn chế chi phí sản xuất, bám biển được dài ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; trong nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá tuỳ theo đặc điểm sản xuất, phát huy và nhân rộng mô hình kinh tế trang trại hoạt động có hiệu quả, củng cố và xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã để có đủ điều kiện dồn điền đổi thửa, hình thành vùng nguyên liệu tập trung sản xuất hàng hoá lớn, quản lý cộng đồng trong bảo vệ môi trường ..., tiếp cận khoa học công nghệ, vốn tín dụng, thị trường, xây dựng thương hiệu, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi trong thực hiện mối liên kết 04 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp) thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.
6. Quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế biển:
a) Phối hợp, hỗ trợ các ngành Trung ương tổ chức thăm dò, khai thác mỏ dầu ở vùng biển Trà Vinh, khôi phục lại sân bay Long Toàn, triển khai đầu tư xây dựng công trình “Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu” (kênh đào Quan Chánh Bố), xây dựng Trung tâm Điện lực Duyên Hải, tìm đối tác đầu tư xây dựng Cảng biển Duyên Hải.
b) Xây dựng các tuyến đê ven biển kết hợp với đường giao thông từ xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải đến vàm Vĩnh Bảo, huyện Châu Thành nối dài dọc theo sông Cổ Chiên và sông Hậu để quy hoạch bố trí cụm, điểm dân cư phục vụ phát triển kinh tế biển kết hợp với an ninh, quốc phòng; quy hoạch tổng thể phát triển Khu kinh tế Định An trên địa bàn huyện Duyên Hải và Trà Cú để kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất; thi công hoàn thành nhanh cầu Láng Chim, huyện Duyên Hải; kêu gọi các thành phần kinh tế trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư cơ sở đóng tàu biển và hình thành đội tàu vận tải biển để tham gia vận chuyển hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất, nhập khẩu; xây dựng đưa vào sử dụng 2 khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá ở cửa Cung Hầu và cửa Định An; quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng làng cá xã Đông Hải, huyện Duyên Hải và làng cá Vĩnh Bảo, huyện Châu Thành; định hướng, hướng dẫn cho nhân dân sinh sống ven biển xây, cất nhà ở phù hợp để chống gió, bão.
c) Quy hoạch, bảo vệ và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển và vùng ven biển; xây dựng các dự án đầu tư công trình thủy lợi cấp nước, thoát nước ở những vùng chuyên canh lúa, màu, nuôi thủy sản, khu vực đồng láng, đất cù lao và đất trồng lúa hiệu quả thấp chuyển sang nuôi thủy sản.
d) Quy hoạch nâng một số xã ven biển đủ điều kiện lên thị trấn; nâng thị trấn Duyên Hải lên thành thị xã Duyên Hải tiến tới thành lập thành phố biển tạo môi trường tốt để phát triển kinh tế - xã hội.
7. Phát triển y tế, giáo dục, thông tin - truyền thông, văn hóa - thể dục thể thao phục vụ phát triển kinh tế biển và vùng ven biển:
a) Về y tế: Nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, đầu tư phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh của nhân dân vùng ven biển; nâng cấp trạm y tế ở các xã ven biển đảm bảo được việc khám, điều trị bệnh đa khoa, tăng cường thêm bác sĩ, đầu tư mở rộng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe và nâng dần tuổi thọ của nhân dân.
b) Về giáo dục: Xây dựng kiên cố trường tiểu học và trung học cơ sở, bố trí đủ giáo viên đứng lớp, đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học; thực hiện chính sách hỗ trợ con em làm nghề biển được đào tạo các bậc học chuyên môn, nghiệp vụ để về ứng dụng vào lao động sản xuất.
c) Về thông tin và truyền thông: Tăng cường đầu tư hệ thống mạng lưới thông tin, truyền thông đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân vùng ven biển.
d) Về văn hóa, thể dục thể thao:
Mỗi xã ven biển xây dựng 1 sân vận động, tạo điều kiện cho nhân dân hình thành thói quen rèn luyện thân thể hàng ngày, thu hút nhiều thanh, thiếu niên tham gia các môn thể thao, vừa vui chơi giải trí vừa rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe để lao động sản xuất.
8. Phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường quốc phòng, an ninh
Phối hợp các lực lượng tăng cường năng lực bảo vệ vùng biển và ven biển của tỉnh, kết hợp phát triển kinh tế biển gắn liền với quản lý vùng biển, xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng lực lượng vũ trang (Bộ đội Biên phòng...), dân quân tự vệ hoạt động trên biển làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên trên biển.
(Nội dung công việc cụ thể của Kế hoạch hành động tại Phụ lục kèm theo).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, Ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai thực hiện đề án, dự án để từng bước thực hiện các nội dung trong Kế hoạch hành động này.
2. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của Sở, Ban, ngành, địa phương mình; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm vào tháng 10, báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tỉnh có liên quan, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nội dung của Kế hoạch hành động này. Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện của các Sở, ngành, địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 15 tháng 11 hàng năm./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.