UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1304/2009/QĐ-UBND | Thanh Hoá, ngày 29 tháng 4 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG VÙNG THÂM CANH LÚA NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CAO TỈNH THANH HOÁ, GIAI ĐOẠN 2009 - 2013
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Đất đai, Luật Xây dựng năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 119/2008/NQ-HĐND , ngày 20/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá 15, kỳ họp thứ 12 về việc giao UBND tỉnh thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách “Xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2009-2013”;
Căn cứ Công văn số 55/HĐND-TT ngày 09/4/2009 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thống nhất ban hành cơ chế chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số: 218/SNN&PTNT-TT ngày 25/02/2009 về cơ chế chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng xuất, chất lượng, hiệu quả cao,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành cơ chế chính sách xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2009 - 2013 như sau:
1. Tiêu chí lựa chọn các đơn vị đưa vào vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao như sau:
a) Đối với cấp huyện:
- Những huyện có diện tích đất 2 vụ lúa từ 3.000 ha trở lên;
- Có điều kiện tưới, tiêu thuận lợi;
- Có năng suất lúa bình quân toàn huyện trong 3 năm gần nhất đạt từ 60 tạ/ha ở vụ Xuân và 50 tạ/ha ở vụ Mùa trở lên.
b) Đối với cấp xã, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã):
- Nằm trong huyện được chọn xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao;
- Có diện tích đất 2 vụ lúa tập trung từ 120 ha trở lên;
- Có quy hoạch sản xuất ổn định, không nằm trong quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, đô thị;
- Có năng suất lúa bình quân 3 năm gần nhất đạt từ 65 tạ/ha ở vụ Xuân và 52 tạ/ha ở vụ Mùa trở lên;
- Là những địa phương có truyền thống thâm canh lúa; nông dân có trình độ thâm canh khá; cấp uỷ, chính quyền có kinh nghiệm và có quyết tâm trong chỉ đạo điều hành sản xuất lúa;
- Có đăng ký xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
2. Phạm vi áp dụng:
Các huyện, xã đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1, Điều này được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.
3. Cơ chế chính sách hỗ trợ:
3.1. Hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương nội đồng:
- Đối tượng hỗ trợ: Các xã được UBND huyện quyết định, nằm trong vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
- Tiêu chuẩn đối với kênh mương được hỗ trợ:
+ Có năng lực tưới từ 20 ha trở lên;
+ Mặt cắt thiết kế chữ nhật có b = 0,35 ữ 0,6 m, h = 0,4 ữ 0,6 m;
+ Kết cấu: Đáy bê tông, 2 thành bên xây gạch trát vữa xi măng 2 mặt hoặc đổ bê tông.
- Mức hỗ trợ: 170 triệu đồng/km.
Khi giá vật liệu (gạch, xi măng, đá, cát) tăng, giảm trên 20%; giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành liên quan báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp.
3.2. Hỗ trợ kiên cố hoá giao thông nội đồng:
- Đối tượng hỗ trợ: Các xã được UBND huyện quyết định, nằm trong vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
- Tiêu chuẩn kỹ thuật đối với đường giao thông nội đồng được hỗ trợ:
+ Chiều rộng nền đường 3- 5 m;
+ Chiều rộng mặt đường 2,5 - 3,0 m;
+ Kết cấu mặt đường: Đổ bê tông mác 200, dày 0,15 m.
- Mức hỗ trợ: Cứ 01 ha vùng thâm canh lúa được hỗ trợ kinh phí để kiên cố hoá 0,02 km đường giao thông nội đồng; cứ 01 km đường giao thông nội đồng kiên cố hoá được hỗ trợ 170 triệu đồng.
Khi giá vật liệu (gạch, xi măng, đá, cát) tăng, giảm trên 20%; giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành liên quan báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh mức hỗ trợ cho phù hợp.
3.3. Hỗ trợ mua máy thu hoạch lúa:
- Đối tượng hỗ trợ: Các hộ, nhóm hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp mua máy làm dịch vụ thu hoạch lúa tại các xã thuộc vùng thâm canh lúa qui định ở điểm 1, điều 1 Quyết định này.
- Điều kiện hỗ trợ: Máy gặt đập liên hợp có công suất thu hoạch lúa từ 2.500 m2/giờ trở lên; giá mua máy tối thiểu từ 120 triệu đồng trở lên. Số máy hỗ trợ tính theo xã, cứ 60 ha vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao được hỗ trợ mua 01 máy thu hoạch lúa; chủ sở hữu máy có trách nhiệm ký cam kết với UBND xã về thời gian phục vụ trên địa bàn xã tối thiểu là 05 năm, sau đó nếu có nhu cầu mới được chuyển nhượng ra khỏi địa bàn xã. Nếu không thực hiện cam kết nói trên, chủ sở hữu máy phải bồi hoàn lại toàn bộ kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ.
- Mức hỗ trợ: Bằng 20% giá mua máy ghi trên hoá đơn bán hàng theo qui định của Bộ Tài chính (bao gồm cả thuế VAT).
3.4. Hỗ trợ kinh phí phân tích, đánh giá đất, xây dựng bản đồ nông hoá để xác định chế độ canh tác thích hợp cho từng loại đất:
- Công việc được hỗ trợ:
+ Phân tích các chỉ tiêu nông hoá: Trên diện tích thuộc vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao chọn 15.000 ha đại diện để lấy mẫu phân tích. Bình quân 2 ha lấy 01 mẫu phân tích; mỗi mẫu phân tích 8 chỉ tiêu, gồm: Mùn, đạm tổng số, lân tổng số, lân dễ tiêu, kali tổng số, ka li dễ tiêu, PH và dung tích hấp thu.
+ Xây dựng bản đồ nông hoá: Trên cơ sở kết quả phân tích, xây dựng bản đồ nông hoá cho vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao chi tiết đến xã theo tỷ lệ bản đồ 1/2.000- 1/5.000 và lập báo cáo thuyết minh xác định cơ cấu giống lúa, chế độ bón phân, canh tác thích hợp cho từng loại đất.
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học – Công nghệ lập dự án và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu để triển khai thực hiện.
3.5. Hỗ trợ kinh phí tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao:
- Nội dung được hỗ trợ:
+ In 200.000 tờ rơi;
+ Tổ chức 6 lớp đào tạo Hướng dẫn viên cho cán bộ khuyến nông các huyện; mỗi lớp 40 người, thời gian 5 ngày.
+ Tập huấn cho đại diện 200.000 hộ nông dân; mỗi lớp 50 người, thời gian 01 ngày.
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT, hàng năm chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh lập kế hoạch và dự toán chi tiết, Sở Tài chính thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt cấp kinh phí để thực hiện.
3.6. Giao UBND các huyện trong vùng thâm canh lúa, căn cứ khả năng thực tế của địa phương trình HĐND cùng cấp xem xét quyết định cơ chế chính sách hỗ trợ thêm để cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao.
4. Thời gian thực hiện:
Từ năm 2009 đến 30/12/2013. Riêng việc phân tích, đánh giá đất, xây dựng bản đồ nông hoá để xác định chế độ canh tác thích hợp cho từng loại đất thực hiện trong 02 năm, từ 2009 – 2010.
5. Nguồn kinh phí:
- Kinh phí hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương và giao thông nội đồng: Từ nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm và vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước cho chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển giao thông nông thôn và hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản.
- Kinh phí hỗ trợ mua máy thu hoạch lúa và chuyển giao kỹ thuật mới đến hộ nông dân: Từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế hàng năm.
- Kinh phí điều tra, phân tích, xây dựng bản đồ nông hoá: Từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học – Công nghệ hướng dẫn các huyện, các đơn vị căn cứ vào mục tiêu và tiêu chí lựa chọn, khả năng huy động vốn tự có trên địa bàn và nhu cầu thực tế ở địa phương lập kế hoạch triển khai chi tiết xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hàng năm đến tận xã (làm rõ số km kênh mương; đường trục chính giao thông nội đồng cần kiên cố; số lượng, chủng loại máy thu hoạch lúa; diện tích điều tra, số mẫu đất phân tích; số lớp, số hộ nông dân tập huấn chuyển giao kỹ thuật mới); hướng dẫn trình tự, thủ tục triển khai thực hiện đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra.
Căn cứ vào đề xuất của UBND huyện và mục tiêu xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hàng năm của tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính thống nhất trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hàng năm cho từng huyện, xong trước ngày 25/10. Riêng năm 2009 xong trước 30/5.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Căn cứ kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí vốn hỗ trợ kiên cố hoá kênh mương và giao thông nội đồng hàng năm cho từng huyện.
- Sở Tài chính: Căn cứ kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cho huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh để thực hiện chính sách hỗ trợ mua máy thu hoạch lúa và đào tạo nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nông dân ngay từ đầu năm; theo dõi, hướng dẫn các huyện và các chủ đầu tư thực hiện việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.
- Sở Khoa học – Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức đấu thầu dự án: Phân tích và xây dựng bản đồ nông hoá vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao theo Luật Khoa học công nghệ; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.
- UBND các huyện: Có trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện tốt chính sách; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành có liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trên địa bàn quản lý.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Khoa học - Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.