ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2007/QĐ-UBND | Quận 8, ngày 04 tháng 04 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ HỘI SINH VẬT CẢNH QUẬN 8
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội; Thông tư số 01/2004/TT-BNV ngày 15 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội;
Căn cứ Quyết định số 4917/QĐ-UBND ngày 02 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về cho phép thành lập Hội Sinh vật cảnh quận 8 thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ biên bản Đại hội Hội Sinh vật cảnh quận 8 ngày 11 tháng 01 năm 2007;
Xét đề nghị của Trưởng Ban vận động thành lập Hội Sinh vật cảnh quận 8 (Công văn số 02/CV-SVC ngày 15 tháng 01 năm 2007) và Trưởng Phòng Nội vụ quận 8,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành Quyết định phê duyệt Điều lệ Hội Sinh vật cảnh quận 8.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 7 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận 8,
Trưởng Phòng Nội vụ quận 8 và Hội Sinh vật cảnh quận 8 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐIỀU LỆ
HỘI SINH VẬT CẢNH QUẬN 8
Chương 1:
TÊN GỌI - TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH - NHIỆM VỤ
Điều 1. Tên gọi của Hội là HỘI SINH VẬT CẢNH QUẬN 8.
Điều 2. Tôn chỉ mục đích của Hội là:
Ra sức giữ gìn, phát triển, nâng cao truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân ta trong lĩnh vực sinh vật cảnh, góp phần tích cực vào việc:
- Bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
- Bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
- Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Điều 3. Hội là một tổ chức quần chúng, tập hợp rộng rãi những người yêu thích sinh vật cảnh, những người sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ sinh vật cảnh, những nhà khoa học, mỹ thuật và nghệ nhân hoạt động cho sự bảo vệ và phát triển của sinh vật cảnh.
Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 8.
Điều 4. Nhiệm vụ
1. Tuyên truyền, giáo dục quan điểm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc bảo vệ và phát triển sinh vật cảnh, vận động hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện.
2. Phát triển và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; động viên sự nhiệt tình và khả năng lao động sáng tạo của hội viên, đoàn kết giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm, phổ biến, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mỹ thuật nhằm phát triển ngày càng phong phú và đa dạng với chất lượng cao các sản phẩm sinh vật cảnh, đem lại đời sống văn hóa vui tươi lành mạnh, lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho hội viên.
3. Tổ chức các dịch vụ khoa học kỹ thuật, mỹ thuật và các cơ sở sản xuất kinh doanh phục vụ hoạt động sinh vật cảnh theo đúng quy định của pháp luật.
4. Kiến nghị với các cơ quan Nhà nước những vần đề liên quan đến cơ chế, chính sách, các biện pháp lớn nhằm bảo vệ và phát triển sinh vật cảnh.
Điều 5. Hoạt động Hội trong khuôn khổ pháp luật Nhà nước. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Chương 2:
HỘI VIÊN
Điều 6. Công dân Việt Nam (cá nhân, tập thể) được xét kết nạp là hội viên nếu:
- Tán thành tôn chỉ, mục đích, Điều lệ Hội.
- Nhiệt tình tham gia trong một hoặc nhiều lĩnh vực hoạt động của Hội.
- Tự nguyện xin gia nhập Hội và sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở của Hội.
Hội viên tập thể xin gia nhập trên cơ sở tự nguyện của các thành viên của tổ chức mình.
Điều 7. Hội viên danh dự, hội viên tán trợ
1. Hội viên danh dự: là những người có uy tín, nhiệt tình ủng hộ Hội về mặt tinh thần.
2. Hội viên tán trợ: là những người tán thành tôn chỉ, mục đích, Điều lệ Hội, nhiệt tình giúp đỡ Hội về vật chất và tinh thần nhưng không có điều kiện tham gia trực tiếp hoạt động Hội.
Hội viên danh dự, hội viên tán trợ không có quyền ứng cử, bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội.
Điều 8. Nhiệm vụ của hội viên
1. Tích cực hoạt động trong tổ chức Hội, tuân thủ Điều lệ Hội và pháp luật của Nhà nước trong hoạt động sinh vật cảnh.
2. Tích cực xây dựng Hội, tham gia đều đặn các kỳ sinh hoạt; tuyên truyền tôn chỉ, mục đích, Điều lệ Hội; phát triển hội viên mới, mở rộng ảnh hưởng và uy tín của Hội.
3. Đóng hội phí theo quy định.
Điều 9. Quyền lợi của hội viên
- Tham gia mọi sinh hoạt và quyết định của Hội theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
- Bầu cử, ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Hội.
- Được Hội phổ biến kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về khoa học, mỹ thuật sinh vật cảnh, dự các cuộc hội thảo, các lớp huấn luyện…
- Đề xuất các sáng kiến để thực hiện tôn chỉ của Hội.
- Được Hội tạo điều kiện thuận lợi (trong khả năng cho phép) trong mọi hoạt động sinh vật cảnh, nhất là trong các công trình nghiên cứu, sáng tạo và phát minh.
- Được cấp thẻ hội viên, có quyền xin ra khỏi Hội.
Chương 3:
TỔ CHỨC CỦA HỘI
Điều 10. Hội tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Điều 11. Tổ chức của Hội sinh vật cảnh quận 8 gồm:
- Quận hội.
- Chi hội cơ sở.
Việc thành lập các cấp Hội theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Đại hội đại biểu cấp quận là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội ở địa phương, tổ chức năm năm một lần.
1. Đại hội gồm đại biểu được bầu từ cơ sở lên, Ủy viên Ban Chấp hành cấp quận và một số đại biểu do Ban Chấp hành quận chỉ định (không quá 5% tổng số đại biểu).
2. Đại hội đại biểu có nhiệm vụ:
- Thông qua báo cáo của Hội và kiểm điểm của Ban Chấp hành nhiệm kỳ qua, quyết định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới.
- Thông qua báo cáo quyết toán tài chính và dự toán thu chi.
- Bầu cử cơ quan lãnh đạo.
- Cử đại biểu đi dự Đại hội cấp trên.
3. Cơ quan lãnh đạo các cấp hội thống nhất tên gọi là Ban Chấp hành.
- Ban Chấp hành cử ra Chủ tịch và Phó Chủ tịch.
- Đại biểu được bầu vào Ban Chấp hành phải là người nhất trí với tôn chỉ, mục đích, nắm vững Điều lệ Hội, có phẩm chất và khả năng, có điều kiện và thời gian hoạt động cho Hội. Số lượng Ủy viên của Ban Chấp hành do Đại hội quyết định.
4. Cơ quan lãnh đạo các cấp có nhiệm vụ tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại hội.
Điều 13. Ban Chấp hành cử một Ủy viên phụ trách công tác kiểm tra và có nhiệm vụ:
- Kiểm tra việc thi hành nghị quyết của Đại hội, nghị quyết của Ban Chấp hành cấp trên và cấp mình.
- Kiểm tra việc tuân thủ Điều lệ Hội.
- Kiểm tra tài chính của Hội (khi cần có thể tổ chức Tiểu Ban Kiểm tra hoặc Tổ Kiểm tra).
Điều 14. Giữa 2 kỳ Đại hội, việc thay đổi người trong Ban Chấp hành phải được 2/3 số Ủy viên Ban Chấp hành biểu quyết tán thành và tổng số người bổ sung thay thế không được quá 1/3 tổng số Ủy viên của Ban Chấp hành đã được Đại hội bầu ra.
Điều 15.
- Tổ chức cơ sở của Hội là một tập hợp hội viên (cá nhân hay tập thể) theo khu vực dân cư hoặc theo ngành nghề gọi tên là Chi hội.
- Đại hội toàn thể hội viên ở Chi hội 5 năm tiến hành hai lần, đại hội bầu ra Ban Chấp hành Chi hội, Ban Chấp hành Chi hội cử ra Chi Hội trưởng, Chi Hội phó.
Chương 4:
TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Điều 16.
1. Hội tự chịu trách nhiệm về mặt tài chính.
2. Kinh phí hoạt động của Hội do các nguồn thu:
- Hội phí.
- Các khoản đóng góp tự nguyện của hội viên.
- Các hoạt động sản xuất dịch vụ, kinh doanh sinh vật cảnh theo đúng pháp luật Nhà nước.
- Sự tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
3. Chế độ thu chi để bảo đảm hoạt động của Hội do Ban Chấp hành quyết định.
4. Tổ chức công tác kế toán và quản lý tài chính thực hiện đúng các nguyên tắc tài chính hiện hành của Nhà nước và báo cáo công khai trước Ban Chấp hành và Đại hội cấp mình.
Điều 17. Hội phí
Đóng hội phí là nghĩa vụ của hội viên:
- Hội viên đóng hội phí cả năm hoặc một năm đóng hai lần.
- Sau khi thu hội phí sẽ trích nộp lên quỹ Hội cấp trên một tỷ lệ % nhất định.
- Mức tiền niên phí và tỷ lệ trích nộp lên cấp trên sẽ do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Chương 5:
KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT
Điều 18. Hội viên có thành tích được các cấp Hội biểu dương, khen thưởng hoặc được đề nghị các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc khen thưởng.
Điều 19. Hội viên vi phạm Điều lệ Hội và Nghị quyết của Đại hội hoặc Ban Chấp hành cấp trên và cấp mình, làm tổn hại đến uy tín, danh dự của Hội thì tùy theo mức độ xử lý các hình thức kỷ luật, khiển trách, cảnh cáo, cách chức, xóa tên khỏi danh sách Hội.
Tập thể vi phạm kỷ luật thì tùy theo mức độ mà xử lý khiển trách, cảnh cáo hoặc giải tán.
Nếu cá nhân hoặc tập thể vi phạm pháp luật Nhà nước thì ngoài kỷ luật của Hội còn bị xử lý theo pháp luật Nhà nước.
Chương 6:
TỔ CHỨC THI HÀNH VÀ SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ
Điều 20. Bản Điều lệ này đã được Đại hội đại biểu Hội sinh vật cảnh quận 8 lần thứ I (tháng 01 năm 2007) thông qua.
Điều 21. Chỉ có Đại hội đại biểu Hội Sinh vật cảnh quận 8 mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ và có hiệu lực khi được Ủy ban nhân dân quận 8 công nhận./.
| TM. BAN CHẤP HÀNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.