ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1298/QĐ-UBND | Bắc Ninh, ngày 20 tháng 10 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG MỞ RỘNG KHU CÔNG NGHIỆP YÊN PHONG I, TỈNH BẮC NINH, TỶ LỆ 1/2000
CHỦ TỊCH UBND TỈNH BẮC NINH
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26.11.2003;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07.4.2010 của Chính phủ về thẩm định, phê duyệt và quy hoạch xây dựng; Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07.4.2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch xây dựng; số 19/2008/TT-BXD ngày 20.11.2008 hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp, khu kinh tế;
Căn cứ Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21.8.2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 80/2007/NQ-HĐND ngày 18.7.2007 của HĐND tỉnh Bắc Ninh về Quy hoạch điều chỉnh bổ sung các KCN trên địa bàn tỉnh;
Xét đề nghị của Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng - Tổng Công ty Viglacera tại tờ trình số 429/CTHT-ĐT ngày 21.7.2011, của Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh tại công văn số 585/BQL-QHXD ngày 04.8.2011 của Sở Xây dựng tại tờ trình số 497/TTr-SXD ngày 09.9.2011 về báo cáo thẩm định điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng mở rộng Khu công nghiệp Yên phong I, tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ 1/2000,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng mở rộng Khu công nghiệp Yên Phong I, tỷ lệ 1/2000, tỉnh Bắc Ninh thay thế Quyết định số 1467/QĐ-UBND ngày 02.10.2009 của Chủ tịch UBND tỉnh, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Địa điểm, quy mô lập quy hoạch.
- Địa điểm, ranh giới quy hoạch:
Khu công nghiệp Yên Phong I mở rộng thuộc địa phận các xã: Yên Trung, Thụy Hoà, Dũng Liệt và Tam Đa - Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
- Danh giới quy hoạch:
+ Phía Bắc giáp dân cư các xã: Dũng Liệt và Tam Đa;
+ Phía Nam giáp kênh Bắc và khu dân cư xã Yên Trung;
+ Phía Đông giáp khu dân cư các xã: Thụy Hòa và Yên Trung;
+ Phía Tây giáp khu dân cư các xã: Yên Trung và Dũng Liệt.
2. Quy mô, tính chất Khu công nghiệp quy hoạch.
2.1. Quy mô: Tổng diện tích trong ranh giới quy hoạch khoảng 313,9ha. Trong đó: Diện tích KCN là 304,2ha; đường vào KCN: 9,7ha.
2.2. Tính chất Khu công nghiệp: Là Khu công nghiệp tập trung, đồng bộ hiện đại, có các ngành sản xuất công nghiệp ít gây ô nhiễm độc hại, công nghiệp sạch sử dụng tốt nguồn nguyên liệu và nhân lực tại địa phương, gồm:
+ Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm;
+ Công nghiệp nhẹ;
+ Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp;
+ Công nghiệp điện, điện tử, cơ khí lắp ráp;
+ Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
3. Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan và sử dụng đất.
3.1. Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan:
Khu công nghiệp Yên Phong I mở rộng cách KCN Yên Phong I khoảng 1.500÷2.000m.
* Phân khu chức năng:
- Khu xây dựng nhà máy, xí nghiệp được phân thành hai loại hình nhà máy, xí nghiệp phù hợp với định hướng các ngành công nghiệp gồm:
+ Khu các nhà máy cao tầng bố trí theo các tuyến đường trục chính trong KCN, dành cho loại hình các nhà máy công nghiệp kỹ thuật cao.
+ Các nhà máy thấp tầng được bố trí kế tiếp ở lớp sau khu nhà máy cao tầng.
- Các khu kho tàng, bến bãi, dịch vụ kỹ thuật KCN được bố trí phía Tây KCN, gần sông Cầu để đảm bảo thuận lợi về giao thông đường bộ, đường thủy.
- Khu trung tâm điều hành KCN bố trí tại khu vực giao nhau của 2 trục giao thông chính tại vị trí trung tâm KCN (trục Bắc - Nam), tiếp cận với hai trục đường vào chính của KCN.
- Khu các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, bao gồm:
+ Trạm cấp nước bố trí phía Tây Bắc, gần sông cầu.
+ Trạm biến áp trung tâm KCN, khu xử lý nước thải, thu gom rác thải được bố trí tại khu đất gần trạm cấp nước, cuối hướng gió và đảm bảo cách ly an toàn với khu dân cư đáp ứng nhu cầu hạ tầng kỹ thuật, tiếp cận thuận tiện các nguồn cung cấp và nguồn xả, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.
- Khu cây xanh: Cây xanh cách ly tổ chức thành dải cây xanh, rộng 30÷50m chạy dọc theo ranh giới xung quanh KCN; cây xanh tập trung tại các trục cây xanh cảnh quan chính toàn khu theo hướng Bắc Nam - Đông Tây; cây xanh phân tán dọc theo các trục giao thông, bao bọc lấy các XNCN vừa là các dải cây xanh cách ly, vừa là trục cảnh quan của KCN.
- Các tuyến giao thông trong KCN được bố trí theo dạng ô bàn cờ với trục giao thông chính, đảm bảo tiếp cận thuận lợi các lô đất xây dựng. Hệ thống giao thông trong KCN không những đáp ứng nhu cầu về giao thông mà còn đóng vai trò là các trục tổ hợp không gian, đảm bảo cho không gian kiến trúc cảnh quan của KCN trật tự và thống nhất.
3.2.Quy hoạch sử dụng đất:
Cơ cấu sử dụng đất KCN
STT | Hạng mục | Diện tích (ha) | Tỉ lệ % |
1 | Ðất công trình công cộng và dịch vụ | 12,00 | 3,8 |
2 | Ðất xây dựng xí nghiệp công nghiệp | 189,91 | 60,5 |
3 | Ðất kho tàng | 23,10 | 7,4 |
4 | Ðất công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật | 3,90 | 1,2 |
5 | Ðất cây xanh mặt nước | 38,13 | 12,1 |
6 | Ðất giao thông | 37,16 | 11,8 |
A | Ðất KCN | 304,20 | 96,8 |
B | Ðất đường vào KCN | 9,70 | 3,2 |
Tổng | 313,9 | 100,00 |
|
4. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
4.1. Quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và san nền:
* Thoát nước mưa:
- Thiết kế hệ thống thoát nước mưa độc lập với hệ thống thoát nước thải và theo nguyên tắc tự chảy.
- Toàn bộ lượng nước mưa của KCN được thu gom và thoát vào kênh tưới tiêu hiện có được cải tạo trong KCN. Hướng thoát nước mưa của KCN được thiết kế theo độ dốc san nền.
- Bố trí các hố thu nước đặt tại mép đường. Nước mưa được thu vào các hố ga bố trí trên mạng thoát nước mưa. Cống thoát nước đặt trên hè đường; độ dốc thoát nước lấy theo độ dốc tối thiểu và độ dốc san nền chạy sát mép bó vỉa.
* San nền: Cao độ san nền thấp nhất +4,8m; cao độ san nền cao nhất +5,4m; cao độ san nền trung bình +5,1m. Độ dốc san nền 0,20%; hướng dốc san nền chung từ Tây nam sang Đông Bắc.
4.2. Quy hoạch hệ thống giao thông:
* Giao thông đối ngoại: Giao thông đối ngoại của KCN Yên Phong I mở rộng là tuyến QL18 mới Nội Bài - Quảng Ninh, ở phía Nam KCN được đấu nối thông qua tuyến RD07 của KCN Yên Phong I đã xây dựng giai đoạn 1.
Tuyến RD07: Mặt cắt 3-3 rộng: 38m = 2m (taluy) + 5m +10,5m +4m +10,5m +5m + 2m (taluy).
* Giao thông nội bộ: Từ trục giao thông chính vào KCN, tổ chức mạng giao thông nội bộ gồm:
- Tổ chức trục đường trung tâm theo hướng Bắc - Nam xuyên suốt toàn KCN; trục giao thông chính theo hướng Đông -Tây được đấu nối từ trục trung tâm. Tuyến RD02 và RD05, mặt cắt 1-1 rộng: 74,5m = 5m (cây xanh) + 3m +11,25 +3m +30m +3m +11,25m + 3m +5m (cây xanh).
- Tổ chức các trục đường giao thông nội bộ KCN theo dạng ô bàn cờ đấu nối từ các trục giao thông chính, tạo thành cụm nhỏ có diện tích khoảng từ 5÷10÷15÷20÷30ha:
Tuyến RD01, RD03, RD04, RD06, mặt cắt 2-2 rộng: 31m = 5m (cây xanh) + 3m +15m +5m (cây xanh) + 3m;
Tuyến RD08, mặt cắt 4-4 rộng: 23,5m = 5m (cây xanh) + 3m +7,5m +5m (cây xanh) + 3m;
Tuyến RD09, mặt cắt 5-5 rộng: 13,5m = 3m +7,5m + 3m.
Tổng thể hệ thống đường giao thông trong KCN đảm bảo liên hệ thuận tiện đến các khu chức năng, tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn và đồng bộ.
4.3. Quy hoạch hệ thống cấp nước:
- Nguồn nước: Dự kiến sử dụng nguồn nước mặt khai thác từ sông Cầu.
- Trạm xử lý nước công suất dự kiến khoảng 20.000m3/ngày đêm. Trong đó cấp cho KCN Yên Phong mở rộng khoảng 13.000m3/ngày đêm và cấp cho KCN Yên Phong I khoảng 7.000m3/ngày đêm.
- Cấp nước cứu hỏa: bố trí hệ thống nước cấp nước cứu hỏa theo quy hoạch.
4.4. Hệ thống thoát nước thải:
- Khối lượng nước thải cần xử lý khoảng 12.000m3/ngày đêm.
- Hệ thống thoát nước thải được thiết kế độc lập hoàn toàn với hệ thống thoát nước mưa. Nước thải của các nhà máy, xí nghiệp phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn cấp B quy định, mới được xả vào hệ thống thoát nước thải chung, thu gom về Trạm xử lý để xử lý đạt tiêu chuẩn cấp A theo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 24: 2009/BTNMT) mới được xả vào mương dẫn ra hệ thống kênh tưới tiêu khu vực.
4.5. Quy hoạch hệ thống thu gom rác thải:
Rác thải trong KCN được phân loại riêng ngay trong từng nhà máy. Rác thải độc hại và không độc hại và được vận chuyển đến khu xử lý rác thải tập trung.
4.6. Quy hoạch cấp điện:
- Tổng nhu cầu sử dụng điện của toàn Khu công nghiệp khoảng 90MVA.
- Nguồn điện: Đấu từ trạm biến áp 110KV Khu công nghiệp Yên Phong I.
- Giải pháp cấp điện trung áp 22KV: Xuất tuyến từ Trạm biến áp 110KV KCN, hệ thống điện trung áp thiết kế đi nổi theo các đường chạy bao quanh KCN và cấp điện đến hàng rào nhà máy, xí nghiệp; các Trạm biến áp Xí nghiệp do các Chủ đầu tư thứ cấp đầu tư.
+ Để cấp điện cho các khu dịch vụ công cộng, hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng công cộng dự kiến xây dựng các trạm biến áp 22/0,4KV, vị trí các trạm đặt phù hợp với quy hoạch và bán kính cấp điện.
+ Nguồn điện chiếu sáng lấy từ các trạm biến áp, cáp chiếu sáng hạ áp đi ngầm.
+ Di chuyển các đường điện hiện có chạy qua KCN để phù hợp quy hoạch cảnh quan và yêu cầu sử dụng điện...
4.7. Quy hoạch hệ thống thông tin liên lạc: Trạm trung tâm thông tin đặt trong khu vực nhà điều hành KCN Yên Phong mở rộng tại lối vào (góc phía Nam KCN) làm trung tâm điều khiển hệ thống. Dự kiến lắp đặt tổng đài phân phối (MDF) công suất khoảng 1.900 đường dây với máy tính cước điện thoại tự động, đồng bộ và đáp ứng mọi nhu cầu về thông tin liên lạc phục vụ hoạt động của KCN. Viễn thông Bắc Ninh trực tiếp lắp đặt cáp điện thoại theo hợp đồng với khách hàng.
5. Đánh giá tác động môi trường.
- Yêu cầu áp dụng các biện pháp giảm bụi, khí, tiếng ồn trong quá trình thi công;
- Giảm ô nhiễm nguồn nước bằng cách xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt trước khi thải vào mạng chung. Tách dầu mỡ và bùn đất của nước mặt trước khi thải ra ngoài; không để hóa chất rò rỉ làm ô nhiễm môi trường đất;
- Chất thải rắn: Chất thải rắn phải được thu gom, phân loại đưa đến nơi xử lý tập trung, nếu có chất độc hại phải được xử lý theo quy định.
- Khí thải và tiếng ồn: Trong hoạt động sản xuất không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép, nếu vượt quá tiêu chuẩn phải có biện pháp xử lý, lắp đặt hệ thống lọc khí, giảm ồn…
- Nước thải sinh hoạt phải được thu gom qua hệ thống bể phốt rồi vào khu xử lý chung;
- Nước thải sản xuất phải được xử lý 2 cấp: Nhà máy tự xử lý cục bộ trước khi xả vào hệ thống xử lý chung của toàn Khu công nghiệp. Các chất ô nhiễm trong nước sau khi xử lý phải thấp hơn giới hạn cho phép.
- Quy hoạch và trồng cây xanh tập trung, cây xanh cách ly giữa các nhà máy với nhà máy, nhà máy với khu vực khác để ngăn bụi, giảm tiếng ồn và tạo cảnh quan môi trường.
- Công tác quan trắc kiểm tra, đo đạc và đánh giá tác động môi trường phải được duy trì thực hiện thường xuyên, liên tục theo quy định và phải có các giải pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả, đảm bảo điều kiện thân thiện với môi trường và phát triển bền vững của Khu công nghiệp.
Điều 2. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ quản lý xây dựng theo Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Yên Phong I mở rộng; UBND huyện Yên Phong theo chức năng chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, Chủ đầu tư tổ chức công bố công khai Quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Yên phong I mở rộng; Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh chỉ đạo Chủ đầu tư quản lý xây dựng theo Quy hoạch chi tiết được phê duyệt; quản lý thực hiện các dự án đầu tư theo đúng quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các quy định hiện hành khác có liên quan.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và PTNT, Thông tin và Truyền thông; Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong; Chủ tịch UBND các xã: Yên Trung, Thụy Hoà, Dũng Liệt và Tam Đa; Giám đốc Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng - Tổng Công ty Viglacera căn cứ Quyết định thi hành./.
| KT.CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.