ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 127/2007/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 10 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC XỬ PHẠT MỘT SỐ HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG BẰNG PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT NGHIỆP VỤ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 238/2006/QĐ-TTG NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 2006 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 06 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 24 tháng 06 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 07 năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 238/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông;
Căn cứ Thông tư số 11/2007/TT-BCA(C11) ngày 31 tháng 08 năm 2007 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Quy định về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông ban hành kèm theo Quyết định số 238/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Xét đề nghị của Công an thành phố tại Tờ trình số 61/TTr-CATP (PV11) ngày 27 tháng 09 năm 2007; ý kiến của Sở Tư pháp (Công văn số 2976/STP-VB ngày 11 tháng 10 năm 2007),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm quy tắc trật tự an toàn giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông. Các quy định về đối tượng áp dụng; nguyên tắc xử phạt; thẩm quyền xử phạt; mức phạt tiền; thời hiệu xử phạt; các nội dung khác về xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông của Chính phủ đang có hiệu lực thi hành.
Điều 2. Phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ và kết quả thu thập được sử dụng làm căn cứ xử phạt
a) Phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân (được quy định tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 238/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ).
Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân được lắp đặt tại các địa bàn quan trọng, trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại các vị trí trên luồng, tuyến giao thông bao gồm: trên các cột, trụ; trên xe ô tô, mô tô, tàu, thuyền tuần tra do cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân đang thi hành nhiệm vụ chịu trách nhiệm trực tiếp thao tác sử dụng.
b) Mọi kết quả thu thập được qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (bao gồm các bản ảnh, hình ảnh về hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông thu được bằng camera, máy ảnh, máy đo tốc độ ghi hình, máy định vị vệ tinh; các phiếu in hoặc chữ số đo thể hiện trên màn hình của máy đo nồng độ cồn, cân trọng tải xe cơ giới...) có biên bản xác định trình tự, kết quả ghi thu đều được coi là chứng cứ để lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Điều kiện của kết quả thu thập được qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Hình ảnh, kết quả trung thực ghi được lỗi vi phạm hành chính là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh. Hình ảnh, kết quả phải rõ nét, thể hiện được hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa của người vi phạm hoặc của người điều khiển phương tiện; ghi được biển số đăng ký của phương tiện.
Hình ảnh, tài liệu, kết quả thu thập được phải thể hiện được hành vi, địa điểm và thời gian vi phạm; không sử dụng hình ảnh, kết quả thu thập đã quá một năm, hết thời hiệu xử phạt.
Điều 4. Xác định người và phương tiện vi phạm
Công an thành phố có trách nhiệm áp dụng biện pháp nghiệp vụ của ngành để xác định người vi phạm qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với cơ quan công an xác định người vi phạm trong trường hợp phương tiện để cho người khác sử dụng. Trường hợp người vi phạm trốn tránh, che dấu hành vi vi phạm hành chính thì bị áp dụng tình tiết tăng nặng theo khoản 9 Điều 9 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp chủ đăng ký phương tiện không xác định được người điều khiển phương tiện thì bị xử phạt về hành vi không chuyển quyền sở hữu xe theo quy định.
Điều 5. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
Khi ghi nhận được hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông của người và phương tiện tham gia giao thông qua các loại phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (trực tiếp thao tác sử dụng hoặc qua hệ thống ghi, chụp tự động), cán bộ chiến sĩ Cảnh sát nhân dân đang thi hành nhiệm vụ ra lệnh dừng phương tiện vi phạm theo quy định, thông báo lỗi vi phạm; nếu người vi phạm có yêu cầu được xem hình ảnh, kết quả ghi thu được thì phải cho xem, sau đó lập biên bản vi phạm và xem xét ra quyết định xử phạt.
Trường hợp không dừng ngay được phương tiện để lập biên bản, thì Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an quận, huyện có văn bản gửi chủ phương tiện vi phạm thông qua Công an phường, xã, thị trấn nơi chủ phương tiện cư trú để yêu cầu chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm đến trụ sở cơ quan Công an để giải quyết. Khi giải quyết phải cho người vi phạm xem hình ảnh chụp hoặc bản ghi kết quả ghi thu hình vi phạm của họ bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trước khi lập biên bản vi phạm hành chính và quyết định xử phạt theo quy định.
Điều 6. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về giao thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ về trật tự an toàn giao thông.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
Giao Giám đốc Công an thành phố tổ chức hướng dẫn quy trình nghiệp vụ để thực hiện xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân thành phố biết, thực hiện.
Điều 8. Bãi bỏ các Quyết định số 210/2004/QĐ-UB ngày 30 tháng 08 năm 2004 và Quyết định số 240/2004/QĐ-UB ngày 21 tháng 10 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về Quy định thủ tục xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2007.
Điều 9. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2007.
Điều 10. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.