BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | VIỆT |
Số: 1269-QĐ/TC | Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 1961 |
QUYẾT ĐỊNH
CÔNG BỐ ĐIỀU LỆ TẠM THỜI TỔ CHỨC CÔNG TY CẦU
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 160-CP ngày 9 tháng 10 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy Bộ Giao thông Vận tải;
Căn cứ Quyết định số 427-QĐ/TC ngày 24 tháng 5 năm 1961 thành lập Công ty cầu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Công bố điều lệ tạm thời tổ chức Công ty cầu.
Điều 2. – Ông Chánh văn phòng Bộ, các Ông Cục trưởng, Vụ trưởng thuộc Bộ có liên quan và Ông Chủ nhiệm Công ty cầu có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
ĐIỀU LỆ TẠM THỜI
TỔ CHỨC CÔNG TY CẦU
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. – Công ty cầu thành lập theo Quyết định số 427-QĐ/TC ngày 24 tháng 5 năm 1961 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, có trách nhiệm thi công các công trình cầu lớn trên các tuyến đường bộ.
Điều 2. – Công ty cầu là một xí nghiệp xây dựng, kinh doanh tự chủ theo chế độ bao thầu và hạch toán kinh tế, có vốn và tài sản riêng, có tư cách pháp nhân về phương diện pháp luật, có dấu riêng với danh hiệu “CÔNG TY CẦU”.
Điều 3. – Công ty cầu do một chủ nhiệm lãnh đạo và có một số phó chủ nhiệm giúp việc, chủ nhiệm công ty chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về mọi mặt và chịu sự giám sát của Cục Kiến thiết cơ bản về tiền đồ công tác, chất lượng công trình và kế hoạch thi công theo các hợp đồng ký kết giữa hai bên, chịu sự chỉ đạo của các Cục, Vụ, Viện khác của Bộ về từng mặt nghiệp vụ, kỹ thuật.
Điều 4. – Công ty cầu tạm thời xếp vào công ty loại ba (3) theo quy định cấp bậc tổ chức của Nhà nước đối với ngành xây dựng cơ bản.
Quyền lợi của cán bộ lãnh đạo các cấp trong Công ty cầu đều xác định theo các quy định chung của Nhà nước đối với công ty loại ba (3).
Chương 2:
NHIỆM VỤ CƠ BẢN
Điều 5. – Nhiệm vụ cơ bản của Công ty cầu như sau:
1. Tổ chức thi công các công trình làm mới, khôi phục, gia cố về cầu lớn trên các tuyến đường bộ theo kế hoạch của Bộ.
2. Tổ chức sửa chữa dụng cụ thi công của công ty và tùy điều kiện có thể kết hợp sản xuất, chế biến các phối kiện công trình cần dùng cho thi công xét thấy không tiện gia công ở bên ngoài.
3. Định ra và thực hiện các biện pháp kinh tế, kỹ thuật cần thiết đảm bảo thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch của Bộ giao.
4. Lập kế hoạch thi công của toàn công ty theo chế độ chung của Bộ. Tổ chức việc thực hiện tốt kế hoạch đó.
5. Thực hiện đúng các quy trình, quy tắc quản lý kỹ thuật thi công và đề ra những ý kiến mới về vấn đề này. Áp dụng các biện pháp công tác tiên tiến và kỹ thuật mới vào mọi hoạt động của công ty nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh tốc độ thi công.
6. Bảo quản tốt tài sản và có kế hoạch sử dụng hợp lý các tài sản của công ty.
7. Bảo đảm việc sử dụng và động viên các nguồn vốn được hợp lý, tổ chức và lãnh đạo thực hiện tốt công tác hạch toán kinh tế của công ty, chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tài chính của Nhà nước.
8. Thực hiện các chính sách lao động và tiền lương của Nhà nước thích hợp với đặc điểm của công ty để không ngừng nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống công nhân, viên chức.
9. Không ngừng cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, viên chức. Bảo đảm công việc thi công phải an toàn, bảo đảm sức khỏe của công nhân, viên chức.
10. Căn cứ chính sách cán bộ của Nhà nước và phạm vi quyền hạn của mình theo quy định của Bộ, tiến hành việc tuyển lựa, phân phối, điều động, đề bạt, giáo dục, khen thưởng, kỷ luật công nhân, viên chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của công ty.
11. Tổ chức việc đào tạo, giáo dục công nhân, viên chức không ngừng nâng cao trình độ công tác kịp với nhu cầu phát triển của công ty.
12. Không ngừng cải tiến tổ chức quản lý, tổ chức lao động sản xuất thích hợp với yêu cầu nhiệm vụ và nguyên tắc quản lý xí nghiệp của Nhà nước.
13. Tổ chức việc bảo vệ kinh tế, phòng, chống hỏa và bão, lụt, kịp thời ngăn ngừa mọi hiện tượng tổn thất có thể xảy ra.
14. Cùng công đoàn tổ chức và mở rộng phong trào thi đua lao động, không ngừng nâng cao nhiệt tình lao động của toàn thể công nhân, viên chức trong mọi hoạt động của công ty.
Chương 3:
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CHUNG CỦA CHỦ NHIỆM CÔNG TY
Điều 6. – Chủ nhiệm công ty cần có trách nhiệm lãnh đạo mọi hoạt động của công ty, tổ chức thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình; chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Nhà nước và các chỉ thị cụ thể của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Các phó chủ nhiệm trực tiếp về phần việc do mình phụ trách theo sự phân công và liên đới chịu trách nhiệm về những hoạt động chủ yếu của công ty.
Đối với những phần việc do phó chủ nhiệm trực tiếp phụ trách thì chủ nhiệm vẫn phải chịu trách nhiệm đầy đủ về phần lãnh đạo chung của mình.
Điều 7. - Quyền hạn của chủ nhiệm công ty:
a) Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của mình, đề nghị Bộ công bố hoặc trực tiếp công bố những chỉ thị cần thiết cho công nhân, viên chức trong công ty thi hành. Kiểm tra, đôn đốc thi hành những chỉ thị đó.
b) Căn cứ theo các thủ tục quy định, cùng các cơ quan có liên quan ký kết các hợp đồng kinh tế.
c) Sử dụng các nguồn vốn và tài sản thuộc nội bộ công ty để phục vụ sản xuất hợp với các chính sách, thể lệ hiện hành của Nhà nước. Mở tài khoản với các Ngân hàng Nhà nước.
d) Tuyển dụng, phân phối, điều động, đề bạt, sử dụng khen thưởng, kỷ luật công nhân, viên chức thuộc quyền quản lý của mình hợp với các chính sách của Nhà nước và các quy định của Bộ. Đối với cán bộ công ty đang sử dụng thuộc quyền quản lý của Bộ, gặp trường hợp có sai lầm nghiêm trọng, chủ nhiệm công ty có thể tạm thời đình chỉ công tác đồng thời báo cáo Bộ.
đ) Trong quá trình thi công, có quyền kiến nghị lên Bộ trưởng sửa đổi thiết kế và phương pháp thi công đã được phê chuẩn, nếu tự mình thấy có hiện tượng không đảm bảo an toàn hoặc gây ra lãng phí.
Chương 4:
TỔ CHỨC BỘ MÁY CÔNG TY
Điều 8. – Để đảm nhận các công việc quản lý của công ty, công ty có các phòng chuyên trách về từng mặt hoặc nhiều mặt công tác. Phòng do một trưởng phòng lãnh đạo, có một số phòng giúp. Trưởng phòng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của chủ nhiệm công ty.
Điều 9. – Để đảm bảo việc thi công, dưới công ty có các ban chuyên nghiệp.
Mỗi ban do một trưởng ban trực tiếp lãnh đạo, trong trường hợp cần thiết có thể có một phó ban hoặc một nhân viên giúp việc.
Khi thi công, công ty sẽ tùy theo sự cần thiết từng công trình để điều động các ban chuyên nghiệp tới làm việc. Ở mỗi địa điểm thi công hoặc nhiều địa điểm thi công gần nhau sẽ thiết lập các ban chỉ huy công trường.
Ban chỉ huy công trường là cơ quan đại diện của công ty ở địa điểm thi công chịu trách nhiệm trước công ty về mọi hoạt động của công trường, trực tiếp lãnh đạo các ban chuyên nghiệp được giao nhiệm vụ thi công ở công trường mình.
Ban chỉ huy công trường sẽ do công ty căn cứ vào nhiệm vụ trong từng thời gian để thiết lập nhưng phải được Bộ phê chuẩn.
Trưởng ban chỉ huy công trường có thể do chủ nhiệm hoặc phó chủ nhiệm công ty đảm nhận.
Điều 10. – Để sửa chữa dụng cụ thi công của công ty, công ty có một xưởng sửa chữa.
Xưởng do một xưởng trưởng lãnh đạo và có môt số xưởng phó giúp việc.
Tổ chức sản xuất cơ bản của xưởng là các tổ sản xuất.
Điều 11. – Việc thiết lập, bãi bỏ, sửa đổi tổ chức các phòng, ban, xưởng do chủ nhiệm công ty căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ đề nghị Bộ quyết định.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. – Việc sửa đổi bản điều lệ này do Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Ông chủ nhiệm công ty cầu và ông Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương.
Điều 13. - Trụ sở công ty cầu đóng tại Hà Nội.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.