NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1265/QĐ-NHNN | Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO NGÀNH NGÂN HÀNG VỀ ĐÀO TẠO THEO NHU CẦU XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2008 - 2015
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 09/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 – 2015;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo ngành ngân hàng về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 – 2015 (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Ngân hàng Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, thành viên Ban chỉ đạo và thành viên Ban Thư ký của Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỐNG ĐỐC |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO NGÀNH NGÂN HÀNG VỀ ĐÀO TẠO THEO NHU CẦU XÃ HỘI GIAI ĐOẠN 2008 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1265/QĐ-NHNN ngày 25/5/2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chức năng
Ban chỉ đạo ngành ngân hàng về đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 – 2015 (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo) có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, cơ chế, chính sách và tổ chức, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác đào tạo nhân lực theo nhu cầu của ngành ngân hàng giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Điều 2. Nhiệm vụ
1. Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch đào tạo nhân lực theo nhu cầu của ngành ngân hàng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức, điều phối, kiểm tra, giám sát thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Chỉ đạo, tổ chức, điều phối các hoạt động và nguồn lực, kiểm tra, giám sát thực hiện để đạt được mục tiêu đào tạo nhân lực theo chương trình và kế hoạch đề ra.
3. Chỉ đạo, theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả triển khai các hoạt động, chương trình, kế hoạch thực hiện theo tiến độ đặt ra.
4. Báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động
1. Ban chỉ đạo hoạt động theo nguyên tắc kết hợp trách nhiệm tập thể với đề cao trách nhiệm cá nhân và sự tích cực, sáng tạo của từng thành viên trong Ban chỉ đạo.
2. Ban chỉ đạo không làm thay công việc của các đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị trong lĩnh vực đào tạo theo nhu cầu ngành ngân hàng.
3. Ban chỉ đạo đóng vai trò đầu mối, điều phối hoạt động đào tạo của các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Điều 4. Chế độ làm việc
1. Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được sử dụng con dấu của Ngân hàng Nhà nước.
2. Ban chỉ đạo ngành họp định kỳ 2 tháng một lần. Khi cần thiết, Trưởng Ban chỉ đạo có thể triệu tập các phiên họp bất thường hoặc phiên họp mở rộng.
3. Trường hợp Ủy viên Ban chỉ đạo không thể tham dự phiên họp thì phải báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo và cử đại diện có thẩm quyền dự họp thay.
Chương 2.
PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
Điều 5. Nhiệm vụ của Trưởng Ban chỉ đạo
1. Chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về hoạt động của Ban chỉ đạo
2. Chỉ đạo xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch đào tạo nhân lực theo nhu cầu của ngành ngân hàng.
3. Triệu tập, chủ trì các cuộc họp của Ban chỉ đạo, các hội nghị, hội thảo về công tác đào tạo nhân lực theo nhu cầu của ngành ngân hàng.
4. Phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Ban chỉ đạo; Chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa các thành viên Ban chỉ đạo, giữa Ban chỉ đạo với các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan.
5. Ký ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Ban chỉ đạo.
Điều 6. Nhiệm vụ của Phó Trưởng Ban chỉ đạo
1. Trực tiếp chỉ đạo giải quyết các công việc của Ban chỉ đạo gồm: dự trù nguồn kinh phí hàng năm cho hoạt động của Ban chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ của các Ủy viên Ban chỉ đạo theo sự phân công của Trưởng ban.
2. Thay mặt Trưởng Ban chủ trì các cuộc họp, hội nghị, hội thảo khi được Trưởng Ban ủy quyền.
3. Trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động liên quan đến công tác đào tạo theo nhu cầu của ngành ngân hàng và báo cáo kết quả hoạt động theo từng nhiệm vụ được giao.
Điều 7. Nhiệm vụ của Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo
1. Chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo và đôn đốc, kiểm tra và giám sát các Ủy viên Ban chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao.
2. Báo cáo thường xuyên kế hoạch và tiến độ thực hiện các hoạt động cho Trưởng Ban chỉ đạo.
3. Trực tiếp chỉ đạo Ban Thư ký của Ban chỉ đạo.
Điều 8. Nhiệm vụ của các Ủy viên Ban chỉ đạo
1. Tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban chỉ đạo; chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng, hiệu quả những nhiệm vụ được Trưởng Ban chỉ đạo phân công.
2. Báo cáo đúng hạn tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao và tích cực đề xuất, kiến nghị để Ban chỉ đạo hoạt động hiệu quả, chất lượng.
3. Chủ động phối hợp công tác, trực tiếp trao đổi thông tin khi giải quyết công việc hoặc thông qua Ban thư ký của Ban chỉ đạo và giữa các Ủy viên với nhau.
Điều 9. Nhiệm vụ của các đơn vị có đại diện làm Ủy viên Ban chỉ đạo
1. Vụ Tổ chức cán bộ: Là đơn vị thường trực của Ban chỉ đạo, là đầu mối giúp Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình và kế hoạch hoạt động đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành ngân hàng; đôn đốc và kiểm tra, giám sát các cơ sở đào tạo, các tổ chức trong ngành ngân hàng thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động do Ban chỉ đạo phê duyệt; phối hợp với các cơ quan ngoài ngành có liên quan xây dựng và triển khai các chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành ngân hàng. Là đầu mối trực tiếp xây dựng chuẩn mực nghề nghiệp đối với cán bộ Ngân hàng Nhà nước, là đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại cũng như kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của Ngân hàng Nhà nước.
2. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (Văn phòng, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tài chính – Kế toán, Viện Chiến lược ngân hàng): Căn cứ chức năng và nhiệm vụ của mình, đề xuất các chương trình và kế hoạch hoạt động cụ thể về đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành ngân hàng. Triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch được Trưởng Ban chỉ đạo phê duyệt, phân công.
3. Các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước (Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng, Học viện Ngân hàng, Đại học ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh): Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình đề xuất và xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thế nhằm tăng cường năng lực đào tạo, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức trong ngành sử dụng nhân lực sau đào tạo. Triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch được Trưởng Ban chỉ đạo phê duyệt, phân công.
4. Các tổ chức sử dụng nhân lực sau đào tạo (các Ngân hàng thương mại): Chủ động xây dựng các chuẩn mực nghề nghiệp, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và đề xuất kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong thời gian ngắn, trung và dài hạn. Chủ động đàm phán, ký kết hợp đồng với các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành các chương trình đào tạo phù hợp; đồng thời, xây dựng kế hoạch hoạt động để hỗ trợ các cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo theo nhu cầu của hệ thống. Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch được Trưởng Ban chỉ đạo phê duyệt, phân công.
5. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, hỗ trợ và tham vấn cho Ban chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình và kế hoạch hoạt động phát triển nhân lực theo nhu cầu của ngành ngân hàng.
Chương 3.
NHIỆM VỤ CỦA BAN THƯ KÝ
Điều 10. Chức năng nhiệm vụ của Ban Thư ký
Ban Thư ký có chức năng giúp việc cho Ban chỉ đạo trong các hoạt động chỉ đạo đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành ngân hàng và thực hiện những nhiệm vụ sau:
1. Dự thảo văn bản liên quan đến chính sách và cơ chế đào tạo nhân lực theo nhu cầu của ngành ngân hàng trình Ban chỉ đạo xem xét.
2. Dự thảo kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo. Chuẩn bị dự toán kế hoạch tài chính phục vụ hoạt động của Ban chỉ đạo, thanh quyết toán các chi phí quy định của Nhà nước.
3. Theo dõi và tổng hợp báo cáo về tất cả các hoạt động triển khai chương trình đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội thuộc lĩnh vực ngân hàng.
4. Đôn đốc các Ủy viên Ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao. Cập nhật thông tin lên Website của Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo theo nhu cầu xã hội.
5. Tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Ban chỉ đạo. Tham mưu giúp Trưởng ban triển khai công tác đào tạo theo nhu cầu ngành ngân hàng.
Điều 11. Nguyên tắc và chế độ làm việc của Ban thư ký
1. Ban thư ký hoạt động theo sự chỉ đạo, phân công trực tiếp của Trưởng ban.
2. Ban thư ký hoạt động theo nguyên tắc phối hợp tập thể. Trưởng ban và mỗi thành viên Ban thư ký chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ cụ thể do Ban chỉ đạo giao.
3. Thành viên Ban thư ký làm việc theo chế độ kiêm nhiệm
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Điều khoản thi hành
1. Quy chế này áp dụng cho Ban chỉ đạo và các cá nhân, đại diện Bộ, ngành, tổ chức có liên quan thực hiện
2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này nếu có vướng mắc, các Ủy viên Ban chỉ đạo báo cáo kịp thời về Trưởng Ban chỉ đạo để nghiên cứu, chỉnh sửa và bổ sung trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt.
| THỐNG ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.