THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 126-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 1978 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU VIỆC SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG CÁC CHÍNH SÁCH, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ KINH TẾ
Nghị quyết hội nghị lần thứ ba của Ban chấp hành trung ương Đảng và nghị quyết số 37-CP của Hội đồng Chính phủ đã quy định việc nghiên cứu sửa đổi và bổ sung các chính sách, chế độ quản lý kinh tế để kịp thời phục vụ việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1978 và kế hoạch 5 năm 1976-1980.
Nghị quyết số 37-CP quy định việc thành lập ở mỗi Bộ, Tổng cục và tỉnh, thành phố một nhóm nghiên cứu và thành lập một tổ nghiên cứu dưới sự chỉ đạo của một đồng chí Phó thủ tướng, do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương làm thường trực (có sự cộng tác với Ủy ban Pháp chế) để nghiên cứu việc bổ sung hoặc sửa đổi các chính sách, chế độ quản lý kinh tế.
Việc nghiên cứu sửa đổi và bổ sung các chính sách, chế độ quản lý kinh tế là một đòi hỏi cấp thiết, cần được tổ chức thực hiện ngay. Mặt khác, việc nghiên cứu xây dựng các chính sách, chế độ quản lý kinh tế sẽ được tiến hành trong một thời gian tương đối dài.
Nghiên cứu các chính sách, chế độ quản lý kinh tế là một công tác khoa học, phức tạp, không thể tiến hành một cách hấp tấp, thiếu thận trọng; các chính sách, chế độ có tính hệ thống sâu sắc và chỉ phát huy hiệu quả cao theo đúng hướng, khi được xây dựng đồng bộ, ăn khớp với nhau. Để đạt yêu cầu đó, một mặt, cần phát huy tăng lực nghiên cứu của các Bộ, các địa phương; mặt khác, cần có sự điều hòa, phối hợp chung và bảo đảm sự xem xét kỹ lượng trước khi trình lên Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét duyệt.
Để thực hiện tốt chủ trương trên, Thủ tướng Chính phủ quyết định:
1. Các Bộ, Tổng cục sử dụng bộ máy nghiên cứu của mình để soát xét lại các chính sách, chế độ thuộc ngành hoặc lĩnh vực mình quản lý và đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung cho phù hợp với yêu cầu hiện nay.
Mỗi Bộ, Tổng cục lập ngay một nhóm nghiên cứu do đồng chí thủ trưởng Bộ, Tổng cục trực tiếp chỉ đạo, xây dựng chương trình nghiên cứu việc bổ sung hoặc sửa đổi các chính sách, chế độ, tập trung vào những chính sách, chế độ thấy rõ là không hợp lý. Bộ, Tổng cục phải báo cáo danh sách nhóm nghiên cứu và chương trình công tác lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 3 năm 1978. Nhóm nghiên cứu này có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ và giúp thủ trưởng xem xét các dự thảo sửa đổi, bổ sung trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.
2. Các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các Bộ, Tổng cục phát huy lực lượng nghiên cứu trong bộ máy của mình, nêu lên những điều cần bổ sung hoặc sửa đổi về chính sách, chế độ và những đề nghị (về bổ sung, sửa đổi) cụ thể lên Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị của Ủy ban nhân dân và Bộ phải gửi lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 3 năm 1978.
Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương có thể trực tiếp hỏi ý kiến một số đơn vị cơ sở.
3. Các đồng chí Phó thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực công tác, trong phạm vi trách nhiệm của mình, trực tiếp chỉ đạo việc soát lại, và nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các chính sách, chế độ quản lý hiện hành.
4. Mỗi cơ quan tổng hợp (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Vật giá, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động, Bộ Vật tư, Bộ Ngoại thương, Bộ Nội thương, Tổng cục Thống kê, Ủy ban Pháp chế, Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước) cử ngay 3 cán bộ cấp vụ có năng lực nghiên cứu để lập tổ nghiên cứu. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chịu trách nhiệm tổ chức và trực tiếp điều khiển tổ nghiên cứu này.
Tổ nghiên cứu có nhiệm vụ:
- Lập chương trình nghiên cứu cho thời gian trước mắt đến hết năm 1978 nhằm bổ sung, sửa đổi những chính sách, chế độ quản lý; tổng hợp và nghiên cứu những kiến nghị của các ngành và các địa phương.
- Nghiên cứu những vấn đề trọng tâm và những vấn đề có liên quan đến nhiều ngành, ví dụ: các chính sách, chế độ có liên quan đến việc tận dụng lao động và tăng năng suất lao động; chính sách và chế độ về đầu tư xây dựng cơ bản; các chính sách về lưu thông phân phối, có liên quan đến vấn đề huy động vật tư, tiền vốn và tiết kiệm vật tư, tiền vốn; các chính sách có liên quan đến cải tạo xã hội chủ nghĩa.
- Giúp Phó thủ tướng điều hòa, phối hợp công tác nghiên cứu giữa các Bộ, Tổng cục nhằm bảo đảm sự ăn khớp, tính hệ thống và đồng bộ của các chính sách, chế độ được bổ sung hoặc sửa đổi; đôn đốc, theo dõi việc nghiên cứu để bảo đảm tiến bộ, thời gian của chương trình đề ra.
- Xem xét các đề án của các Bộ, Tổng cục khi trình lên Thường vụ Hội đồng Chính phủ.
Thời gian hoạt động của tổ nghiên cứu tạm thời quy định đến hết tháng 8 năm 1978.
5. Những chính sách, chế độ cần được nghiên cứu là những vấn đề có yêu cầu bổ sung hoặc sửa đổi gấp để phục vụ ngay cho sản xuất, xây dựng và xuất khẩu, ví dụ:
- Các quy định về kế hoạch hóa;
- Chính sách; chế độ về lao động;
- Chính sách; chế độ quản lý vật tư;
- Các quy định về phân công, phân cấp trong bộ máy quản lý của Nhà nước (bao gồm cả việc bổ sung và theo dõi thực hiện các nghị định số 172-CP, số 24-CP, số 33-CP);
- Các chính sách về lưu thông phân phối, thu mua, giá lương tiền, chính sách phục vụ đời sống;
- Chính sách khuyến khích xuất khẩu;
- Các chính sách, chế độ về hạch toán kinh tế, về tài chính, về ngân sách địa phương (tỉnh, huyện), chính sách tiết kiệm;
- Chính sách, chế độ về đầu tư xây dựng cơ bản;
- Chính sách về tín dụng;
- Chính sách đối với miền núi.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.