THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1243/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HOÁ QUỐC GIA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia
Thành lập Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia để tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề quan trọng liên quan đến việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia (sau đây gọi tắt là Hội đồng) có con dấu và tài khoản riêng.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng (không bao gồm tiền lương) do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Văn hoá - Thông tin.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng
Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định những việc sau :
1. Phương hướng, chiến lược, các chính sách lớn về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá;
2. Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; xác định chỉ có khu vực bảo vệ I đối với di tích quốc gia đặc biệt;
3. Công nhận bảo vật quốc gia;
4. Dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích thuộc nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng;
5. Đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản;
6. Thành lập bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành;
7. Đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới;
8. Đề nghị UNESCO đưa di tích tiêu biểu của Việt Nam vào Danh mục di sản thế giới;
9. Các vấn đề khoa học về di sản văn hoá liên quan đến các dự án lớn về kinh tế - xã hội;
10. Các vấn đề quan trọng khác về di sản văn hoá do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hoặc Hội đồng thấy cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Tổ chức của Hội đồng
1. Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia gồm Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch, 01 ủy viên thường trực và các ủy viên. Nhiệm kỳ công tác của các thành viên Hội đồng là 5 năm (có danh sách nhiệm kỳ 2004 - 2009 kèm theo).
2. Việc bổ nhiệm, thay đổi thành viên Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Hội đồng có Văn phòng giúp việc đặt tại Bộ Văn hoá - Thông tin do ủy viên thường trực Hội đồng chỉ đạo trực tiếp. Biên chế của Văn phòng tối đa là 5 người nằm trong tổng biên chế của Bộ Văn hoá - Thông tin. Chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Văn phòng do Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia quyết định.
4. Thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia hoạt động với danh nghĩa cá nhân nhà khoa học, nhà văn hóa, không đại diện cho cơ quan hoặc tổ chức nơi mình làm việc, được Văn phòng Hội đồng đảm bảo các điều kiện làm việc cần thiết theo chế độ quy định để thực hiện nhiệm vụ.
Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Hội đồng
1. Chủ tịch Hội đồng :
a) Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Hội đồng;
b) Lãnh đạo Hội đồng hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 2 Quyết định này;
c) Chỉ đạo chuẩn bị nội dung các vấn đề đưa ra thảo luận và xin ý kiến Hội đồng;
d) Triệu tập và chủ trì các phiên họp của Hội đồng;
đ) Phân công nhiệm vụ cho các ủy viên Hội đồng;
e) Xử lý các đề xuất, kiến nghị của các ủy viên Hội đồng theo thẩm quyền;
g) Thành lập các tổ công tác về các lĩnh vực chuyên môn về di sản văn hóa.
2. Phó Chủ tịch Hội đồng :
a) Giúp Chủ tịch Hội đồng trong việc lãnh đạo công tác chung của Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng về phần công tác được phân công phụ trách;
b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng điều hành và giải quyết công việc của Hội đồng thuộc quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng vắng mặt.
3. ủy viên thường trực Hội đồng :
a) Quản lý và điều hành Văn phòng Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ giúp việc Hội đồng; chỉ đạo Văn phòng chuẩn bị các tài liệu và điều kiện cần thiết cho kỳ họp của Hội đồng và thực hiện công tác văn thư, lưu trữ của Hội đồng.
b) Tham gia các công việc của Hội đồng với tư cách là một ủy viên Hội đồng.
4. Các ủy viên khác của Hội đồng :
a) Tham gia đầy đủ các kỳ họp của Hội đồng. Trường hợp vắng mặt phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng;
b) Đóng góp ý kiến về những vấn đề đưa ra thảo luận trong các kỳ họp Hội đồng hoặc đóng góp ý kiến bằng văn bản về những vấn đề Hội đồng quy định và phân công;
c) Giữ gìn tài liệu và số liệu mật theo quy định chung của Nhà nước và của Hội đồng;
d) Được cung cấp những thông tin cần thiết liên quan tới nội dung các kỳ họp Hội đồng.
Điều 5. Phương thức hoạt động của Hội đồng
1. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể, dân chủ và theo phương thức thảo luận, góp ý kiến và biểu quyết bằng cách bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết công khai để quyết định những vấn đề đưa ra thảo luận và phải được ít nhất 2 phần 3 số thành viên Hội đồng có mặt tán thành; đồng thời các ý kiến khác cũng phải được ghi nhận đầy đủ trong biên bản của kỳ họp Hội đồng. Trong một số trường hợp cụ thể Chủ tịch Hội đồng có thể lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng bằng văn bản, sau đó báo cáo lại tại kỳ họp thường kỳ Hội đồng mà không cần triệu tập họp Hội đồng.
2. Hội đồng họp thường kỳ 6 tháng một lần. Khi cần thiết Chủ tịch Hội đồng triệu tập các kỳ họp bất thường.
3. Kỳ họp của Hội đồng phải có ít nhất 2 phần 3 tổng số thành viên của Hội đồng tham dự.
4. Tùy theo nội dung của kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng có thể mời một số đại diện các cơ quan liên quan tham dự. Các đại biểu này không tham gia biểu quyết các vấn đề của Hội đồng.
5. Tài liệu của kỳ họp Hội đồng do Văn phòng Hội đồng chuyển đến các thành viên Hội đồng nghiên cứu trước khi họp chậm nhất là 10 ngày; đối với các kỳ họp bất thường, chậm nhất là 3 ngày trước khi họp.
6. Các văn bản của kỳ họp Hội đồng được gửi đầy đủ tới Thủ tướng Chính phủ.
Điều 6. Quan hệ làm việc của Hội đồng
Hội đồng phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan khác của Nhà nước về những vấn đề có tầm quốc gia liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá.
Điều 7. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thành viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
DANH SÁCH
CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)
1. GS - TSKH Lưu Trần Tiêu (Bộ Văn hoá - Thông tin), Chủ tịch Hội đồng.
2. GS Phan Huy Lê (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội đồng.
3. TS Đặng Văn Bài (Cục Di sản Văn hóa), ủy viên thường trực.
4. PGS - TS Đỗ Bang (Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế), ủy viên.
5. PGS - TS Nguyễn Chí Bền (Viện Văn hóa - Thông tin), ủy viên.
6. PGS - TS Phan Xuân Biên (Ban Tư tưởng - Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh), ủy viên.
7. PGS - TS Trương Quốc Bình (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), ủy viên.
8. GS - TSKH Vũ Quang Côn (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật), ủy viên.
9. PGS - TS Trần Đức Cường (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), ủy viên.
10. Tiến sĩ Ngô Văn Doanh (Viện Đông Nam á), ủy viên.
11. GS - TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội), ủy viên.
12. GS - TSKH Nguyễn Quang Hồng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), ủy viên.
13. PGS _ TS Trịnh Vương Hồng (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), ủy viên.
14. PGS - TS Phạm Mai Hùng (Bảo tàng Cách mạng Việt Nam), ủy viên.
15. PGS - TS Nguyễn Văn Huy (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), ủy viên.
16. GS - TS Đỗ Quang Hưng (Viện Nghiên cứu tôn giáo), ủy viên.
17. GS - TS - KTS Hoàng Đạo Kính (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), ủy viên.
18. PGS - TS Hoàng Lương (Đại học Quốc gia Hà Nội), ủy viên.
19. TS Thành Phần (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), ủy viên.
20. TS Phạm Quốc Quân (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), ủy viên.
21. NNC Dương Trung Quốc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), ủy viên.
22. GS - TSKH Tô Ngọc Thanh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam), ủy viên.
23. NT Hữu Thỉnh (Hội Nhà văn Việt Nam), ủy viên.
24. GS - TS Ngô Đức Thịnh (Viện Nghiên cứu văn hóa), ủy viên.
25. PGS - TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học), ủy viên.
26. PGS - TS Đỗ Văn Trụ (Bộ Văn hóa - Thông tin), ủy viên.
27. GS Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội), ủy viên.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.