ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1234/QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày 07 tháng 5 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH VỀ ĐỊNH MỨC CHI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ NGẮN NGÀY TRONG NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước;
Theo đề nghị của Liên Sở Tài chính - Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về định mức chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày trong nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế Quyết định số 227/QĐ-UBND ngày 23/01/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc quy định chế độ chi các lớp đào tạo bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ngắn ngày.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ ĐỊNH MỨC CHI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ NGẮN NGÀY TRONG NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1234/2006/QĐ-UBND ngày 07/5/2009 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng.
1.Các định mức chi ban hành theo Quy định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng được đào tạo, bồi dưỡng trong nước theo Quy định tại Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/6/2008 của Bộ Tài chính (sau đây gọi tắc là CBCC), cụ thể như sau:
a) Cán bộ, công chức hành chính, công chức dự bị, hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và cấp huyện;
b) Cán bộ, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
d) Cán bộ (chuyên trách, không chuyên trách), công chức xã, phường, thị trấn;
e) Cán bộ thôn, khu phố (bí thư, trưởng, phó thôn, khu phố; công an viên, trưởng ban công tác mặt trận thôn, khu phố).
2. Quy định này không áp dụng đối với CBCC tham gia học các lớp dài hạn từ trình độ trung cấp trở lên
Chương II
ĐỊNH MỨC CHI DO CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CÓ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO THỰC HIỆN
Điều 2. Học phí.
Trường hợp cơ sở đào tạo thu học phí thì cơ quan, đơn vị có CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chi trả học phí (không bao gồm các lớp ngoại khóa) theo chứng từ thu hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Điều 3. Hổ trợ tiền ăn, tiền nghỉ.
1. Điều kiện hỗ trợ.
CBCC được cơ quan, đơn vị hỗ trợ tiền ăn, nghỉ trong những ngày học tập trung khi hội đủ các điều kiện sau:
a) Khoản cách từ trụ sở làm việc đến nơi học tập (cự ly) từ 10 ki-lô-mét trở lên trong trường hợp trụ sở làm việc thuộc vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo; từ 15 ki-lô-mét trở lên trong trường hợp trụ sở làm việc thuộc các vùng khác. Riêng đối với cán bộ thôn, khu phố không phân biệt cự ly.
b) Cơ sở đào tạo xác nhận (thông báo) không hỗ trợ tiền ăn, không sắp xếp chỗ ở cho học viên.
2. Mức hỗ trợ tiền ăn.
a) Đối với các lớp học do cơ quan cấp tỉnh tổ chức cho CBCC trên phạm vi toàn Tỉnh (không phân biệt địa bàn mở lớp thuộc huyện, thị xã hay thành phố), các lớp mở ngoài tỉnh, mức hỗ trợ là 25.000 đồng/người/ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật).
b) Đối với các lớp học do cơ quan cấp huyện, cấp xã tổ chức; lớp do cơ quan cấp tỉnh tổ chức cho CBCC tại địa bàn huyện, xã, mức hỗ trợ là 15.000 đồng/người/ngày (kể cả thứ bảy, chủ nhật).
Ngoài mức hỗ trợ tiền ăn trên đây, các cơ quan, đơn vị không thanh toán phụ cấp lưu trú công tác theo chế độ công tác phí đối với CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
3. Mức hỗ trợ tiền thuê chỗ nghỉ.
Cơ quan, đơn vị hỗ trợ tiền thuê chỗ nghỉ cho CBCC trong những ngày học tập trung (kể cả thứ bảy, chủ nhật) theo phương thức khoán, không cần hóa đơn. Mức chi hỗ trợ như sau:
a) Khóa học từ 7 ngày trở xuống: Áp dụng mức khoán tiền thuê chỗ nghỉ theo chế độ công tác phí hiện hành của tỉnh.
b) Khóa học từ 8 ngày đến dưới 30 ngày: Mức hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày, nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/khóa học.
c) Khóa học từ 30 ngày trở lên: Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng. Đối với tháng có số ngày lẻ từ 15 ngày trở lên, hỗ trợ bằng mức chi 1 tháng (1.000.000 đồng). Đối với tháng có số ngày lẻ dưới 15 ngày, hỗ trợ bằng 50% mức chi 1 tháng (500.000 đồng).
Điều 4. Hỗ trợ tiền tàu xe.
Căn cứ thông báo của cơ sở đào tạo, cơ quan, đơn vị hỗ trợ tiền tàu xe đi lại đối với CBCC cử đi đào tạo, bồi dưỡng vào các dịp khai giảng (lượt đi); bế giảng (lượt về); nghỉ lễ, nghỉ Tết nguyên đán, Tết cổ truyền các dân tộc (lượt đi và về). Mức chi thực hiện theo chế độ công tác phí hiện hành của Tỉnh.
Điều 5. Thanh toán tiền tài liệu học tập.
Trường hợp cơ sở đào tạo có thu tiền tài liệu học tập, CBCC được cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng thanh toán tiền mua tài liệu (không bao gồm tài liệu tham khảo) theo chứng từ thu hợp pháp của cơ sở đào tạo.
Chương III
ĐỊNH MỨC CHI DO CƠ SỞ ĐÀO TẠO THỰC HIỆN
Điều 6. Cơ sở đào tạo thực hiện các khoản chi sau đây theo quy định tại Thông tư số 51/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính và các văn bản quy định hiện hành có liên quan:
1. Chi thù lao giảng viên.
2. Thuê phiên dịch nội dung bài giảng của giảng viên nước ngoài (áp dụng mức chi tại điểm g Khoản 1 mục I Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Viêt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước).
3. Chi phí thuê phương tiện đi lại, thuê chổ nghỉ cho giảng viên trong trường hợp cơ quan, đơn vị không có phương tiện, không có điều kiện bố trí chổ nghỉ cho giảng viên (mức chi thực hiện theo chế độ công tác phí, chi tổ chức hội nghị hiện hành của tỉnh).
4. Chi hỗ trợ tiền ăn cho học viên trong những ngày học tập trung.
5. Chi tổ chức cho học viên của lớp đi khảo sát, thực tế (trong đó, đối với khoản chi trả tiền phương tiện đưa đón học viên, trường hợp sử dụng xe của cơ quan đào tạo thì thanh toán chi phí xăng xe theo chế độ, định mức quy định).
6. Chi biên soạn chương trình, giáo trình.
Điều 7. Mức chi phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức coi thi, chấm bài.
1. Coi thi (kiểm tra): 20.000 đồng/ người/buổi.
2. Chấm bài (kiểm tra) tự luận: 5.000 đồng/bài.
3. Chấm thi (kiểm tra) trắc nghiệm: 800 đồng/bài.
4. Chấm bài tiểu luận: 10.000 đồng/bài.
Điều 8. Chi quản lý, phục vụ lớp học.
1. Công tác phí cho cán bộ quản lý lớp trong trường hợp mở lớp ở xa cơ sở đào tạo: Thực hiện theo chế độ công tác phí hiện hành của tỉnh.
2. Các khoản chi theo thực tế:
a) Trong phạm vi dự toán được giao, cơ sở đào tạo thực hiện các khoản chi sau đây theo thực tế phát sinh:
- Chi thuê hội trường (hoặc phòng học), thuê dụng cụ phục vụ giảng dạy như đèn chiếu, máy vi tính …
- Chi tiền văn phòng phẩm phục vụ lớp hoc.
- Chi mua, in ấn giáo trình, tài liệu trực tiếp phục vụ lớp học (không bao gồm tài liệu tham khảo).
- Chi tiền điện, tiền nước, trông coi xe, tiền phục vụ (thuốc y tế thông thường phục vụ học viên; thuê mướn nấu ăn tập trung, giặt giũ quân trang, thù lao quét dọn hội trường trong trường hợp sử dụng hội trường cho mượn; các khoản chi phí phục vụ khác).
- Các phục vụ khai giảng, bế giảng (nước uống đại biểu, trang trí hội trường…); cấp chứng chỉ, khen thưởng học viên xuất sắc.
b) Riêng các khoản chi nước uống phục vụ lớp học, khen thưởng học viên, thực hiện theo định mức sau:
- Chi nước uống giáo viên không quá 7.000 đồng/người/buổi.
- Chi nước uống học viên không quá 1.000 đồng/người/ngày.
- Khen thưởng học viên giỏi, xuất sắc không quá 200.000 đồng/học viên, tỷ lệ học viên được khen thưởng không quá 10% tổng số học viên của lớp.
Điều 9. Mức chi tập luyện, biểu diễn cuối khóa; hỗ trợ tiền tàu xe, thuê chỗ ở các lớp chuyên ngành văn hóa thể thao, du lịch.
1. Đối tượng áp dụng:
a) CBCC ngành văn hóa, cán bộ văn hóa thể thao, du lịch cấp xã; hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng cơ sở là học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa thể thao, du lịch.
b) Nhân viên phục vụ tập luyện, biểu diễn các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa thể thao, du lịch (nhạc công, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, hậu đài, giới thiệu, dẫn chương trình, tổng đài điều hành biểu diễn, phục trang, đạo cụ, phục vụ).
2. Mức chi tập luyện, biểu diễn cuối khóa áp dụng theo quy định hiện hành của tỉnh về định mức chi hoạt động ngành văn hóa thông tin (Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 31/01/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), tương ứng với đối tượng học viên (chuyên nghiệp, không chuyên) và cấp tổ chức lớp học (tỉnh, huyện).
3. Học viên là hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng cơ sở (không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) được hỗ trợ tiền thuê chỗ ở, tiền tàu xe một lượt đi và về trong thời gian đào tạo.
Mức hỗ trợ thực hiện theo chế độ công tác phí hiện hành của tỉnh và thanh toán theo phương thức khoán, không cần hóa đơn. Trong phạm vi dự toán kinh phí tổ chức lớp học được giao, Thủ trưởng đơn vị quản lý kinh phí đạo tạo quyết định mức chi cụ thể đối với từng lớp học cho phù hợp nhưng không vượt mức tối đa theo chế độ công tác phí hiện hành của tỉnh.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng ngắn ngày.
1. Đối với CBCC do Thủ trưởng đơn vị ký quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng (các khoản chi theo Chương II Quy định này) được chi trả từ nguồn dự toán chi thường xuyên hàng năm của đơn vị.
2. Đối với cán bộ thôn (khu phố), CBCC tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngắn hạn về quản lý nhà nước, lý luận chính trị, công tác đảng, đoàn thể trong và ngoài tỉnh do Sở Nội vụ ký quyết định cử đi đào tạo, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được chi trả từ dự toán chi sự nghiệp đào tạo do Sở Nội vụ quản lý.
Điều 11.
1. Đối với CBCC được cử đi đào tạo, thu hút nguồn nhân lực để thực hiện các nghị quyết số 04, 05 và 07 của Tỉnh ủy Bình Thuận, định mức chi tiêu, nguồn kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành của UBND tỉnh (Quyết định số 21/2007/QĐ-UBND ngày 09/5/2007 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định các chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và các chính sách khác để thực hiện các nghị quyết số 04, 05 và 07 của Tỉnh ủy Bình Thuận).
2. Đối với các lớp đào tạo dài hạn từ trình độ trung cấp trở lên do Sở Nội vụ tổ chức tập trung theo nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, định mức chi tiêu thực hiện theo điểm c Khoản 1 Mục II Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính (chi phí đào tạo, bồi dưỡng; tiền mua giáo trình, tài liệu; chi hỗ trợ tiền ăn cho học viên trong những ngày đi học tập trung theo hóa đơn thu tiền của cơ sở đào tạo hoặc theo hợp đồng dịch vụ do cấp có thẩm quyền ký kết với cơ sở đào tạo). Kinh phí đào tạo được chi trả từ nguồn dự toán chi sự nghiệp đào tạo do Sở Nội vụ quản lý.
Điều 12. Các nội dung khác về quản lý, sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC không đề cập tại văn bản này được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/6/2008 của Bộ Tài chính./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.