UỶ BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 123/2000/QĐ-UBATGTQG | Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA SỐ 123/2000/QĐ-UBATGTQG NGÀY 09 THÁNG 8 NĂM 2000 BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA
CHỦ TỊCH UỶ BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA
Căn cứ Quyết định số 917/1997/QĐ-TTg ngày 29/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia,
Căn cứ Công văn số 175/BTCCBCP-TCBC ngày 19/7/2000 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc ban hành "Quy chế hoạt động của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia".
Theo đề nghị của các Uỷ viên Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Các thành viên của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, Trưởng ban Thường trực, Chánh Văn phòng thường trực, Trưởng ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Tổ chức khác thuộc Uỷ ban chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Lê Ngọc Hoàn (Đã ký) |
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 123/2000/QĐ-UBATGTQG ngày 09/8/2000 của Chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia)
Chương 1
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA UỶ BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA
Điều 1. Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia làm việc theo chế độ tập thể kết hợp với đề cao quyền hạn, trách nhiệm của Chủ tịch và từng Thành viên của Uỷ ban.
Hình thức hoạt động của Uỷ ban là các phiên họp định kỳ (3 tháng, 6 tháng một lần) và các cuộc họp bất thường khác. Chủ tịch Uỷ ban triệu tập phiên họp bất thường khi thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số Uỷ viên Uỷ ban.
Chủ trì cuộc họp là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban. Tham gia cuộc họp gồm có: Uỷ viên Uỷ ban, Ban thường trực Uỷ ban, Văn phòng thường trực và khách mời.
Những vấn đề cần biểu quyết của các Uỷ viên Uỷ ban thì vấn đề đó được thông qua theo nguyên tắc đa số. Nếu số ý kiến ngang nhau thì vấn đề được thực hiện theo phía có ý kiến của Chủ tịch.
Điều 2. Giữa hai phiên họp thường kỳ Uỷ ban, Ban thường trực tổ chức họp ít nhất một lần để chuẩn bị nội dung cho cuộc họp của Uỷ ban.
Trong quá trình điều hành công tác của Uỷ ban, Trưởng ban thường trực sẽ triệu tập các thành viên có liên quan giải quyết từng mặt công tác cụ thể.
Văn phòng thường trực có nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, số liệu, nội dung cho cuộc họp của Ban thường trực.
Điều 3. Uỷ ban tổ chức các hình thức khen thưởng định kỳ và đột xuất.
Việc khen thưởng định kỳ hàng năm đối với các đơn vị và cá nhân có thành tích tốt trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia tổ chức xét và đề nghị Chính phủ khen thưởng với hình thức Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.
Ngoài ra Uỷ ban còn áp dụng hình thức khen thưởng đột xuất, nêu gương những tập thể và cá nhân có những việc làm tốt trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông.
Điều 4. Việc xét khen thưởng tuân theo các quy định của Nhà nước và văn bản hướng dẫn thi đua của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.
Hội đồng xét khen thưởng của Uỷ ban đề nghị danh sách khen thưởng để Uỷ ban hoặc Chủ tịch quyết định.
Văn phòng thường trực có nhiệm vụ đôn đốc, tập hợp ý kiến các ngành, các địa phương làm thủ tục đề nghị xét khen thưởng, đồng thời tập hợp hồ sơ để trình Hội đồng thi đua xét khen thưởng.
Điều 5. Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia đôn đốc, kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông và các hoạt động bảo đảm TTATGT ở các ngành, các địa phương thông qua các đoàn kiểm tra do Chủ tịch Uỷ ban quyết định thành lập.
Các đoàn kiểm tra có nhiệm vụ nắm tình hình, phát hiện những vấn đề có liên quan đến an toàn giao thông, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị quản lý và Ban An toàn giao thông địa phương, đề xuất các vấn đề vướng mắc để tham mưu cho Uỷ ban kiến nghị các cấp có liên quan giải quyết.
Trong trường hợp đột xuất, Trưởng Ban thường trực hoặc Chánh văn phòng thường trực tổ chức kiểm tra những trọng điểm về an toàn giao thông theo sự chỉ đạo của Chủ tịch Uỷ ban.
Văn phòng thường trực có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, phương tiện, tài chính cho các đoàn kiểm tra, đồng thời thông báo cho các đơn vị hoặc địa phương có liên quan biết về kế hoạch và nội dung kiểm tra của đoàn.
Điều 6. Ban An toàn giao thông các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo về Uỷ ban trước ngày 15 tháng 1 đối với báo cáo năm, trước ngày 5 tháng 10 đối với Tháng an toàn giao thông. Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo nhanh về Văn phòng thường trực.
Văn phòng thường trực có nhiệm vụ tổng hợp số liệu, tình hình từ các địa phương và các Cục chuyên ngành để lập báo cáo.
Các báo cáo do Văn phòng thường trực lập bao gồm: Báo cáo nhanh các tai nạn giao thông nghiêm trọng; Báo cáo hàng tháng và Tháng An toàn giao thông; Báo cáo sáu tháng và báo cáo năm.
Riêng báo cáo tổng kết năm, Văn phòng thường trực có nhiệm vụ gửi dự thảo cho các thành viên Uỷ ban tham gia nội dung trong cuộc họp Ban Thường trực, tổng hợp các ý kiến bổ sung để hoàn thiện trình Chủ tịch ký.
Chủ tịch Uỷ ban trình Chính phủ báo cáo tổng kết năm, báo cáo tổng kết Tháng An toàn giao thông và các báo cáo đột xuất khác.
Chương 2
NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN UỶ BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA
Điều 7. Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia thực hiện các nhiệm vụ và chức năng được quy định tại Điều 2 Quyết định số 917/1997/QĐ-TTg ngày 29/10/1997 của Thủ tướng Chính phủ; ngoài ra còn thực hiện những nhiệm vụ cụ thể sau đây:
1. Triệu tập và chủ toạ các cuộc họp thường kỳ và bất thường của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.
2. Thông báo với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc bổ nhiệm các thành viên Uỷ ban theo văn bản giới thiệu của các bộ liên quan.
3. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng Ban thường trực, Phó trưởng ban thường trực; Chánh văn phòng thường trực, Phó Văn phòng thường trực, Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập Báo Bạn đường sau khi thống nhất ý kiến với các cơ quan có liên quan.
4. Ban hành quy chế về lề lối làm việc của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia.
5. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình trật tự an toàn giao thông định kỳ và đột xuất; những giải pháp bảo đảm an toàn giao thông vượt thẩm quyền của Uỷ ban.
6. Phê duyệt kế hoạch tài chính và sử dụng kinh phí an toàn giao thông do ngân sách đài thọ theo quy định của Thông tư 61/TC/1998/TT-BTC ngày 13 tháng 5 năm 1998 của Bộ Tài chính.
7. Duyệt các kế hoạch đoàn ra, đoàn vào, kế hoạch hợp tác với nước ngoài.
Điều 8. Phó Chủ tịch, các uỷ viên Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Phó Chủ tịch điều hành công tác của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia khi Chủ tịch uỷ quyền, đồng thời giúp Chủ tịch điều hành thường xuyên một số phần công tác theo sự phân công.
2. Các Uỷ viên Uỷ ban có nhiệm vụ tham gia hoạch định các chính sách bảo đảm TTATGT; đề xuất những biện pháp cần sự phối hợp liên ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm TTATGT do Bộ, Ngành quản lý; kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo các cơ quan Bộ, Ngành thực hiện các biện pháp liên ngành đã được thống nhất trong Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia.
3. Ngoài những nhiệm vụ được phân công, các Uỷ viên Uỷ ban có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 2 Quyết định số 917/1997/QĐ-TTg theo chức năng của mình.
Điều 9. Các Uỷ viên Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, thành viên Ban Thường trực làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và cán bộ, nhân viên của các bộ phận giúp việc của Uỷ ban khi được Chủ tịch cử đi công tác, được thanh toán các khoản chi phí theo chế độ hiện hành, được cung cấp các thông tin định kỳ cần thiết về tình hình TTATGT.
Chương 3
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Các thành viên Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia căn cứ vào Quy chế này để tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Điều 11. Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ Quy chế này để xây dựng Quy chế cụ thể phù hợp với từng địa phương.
Điều 12. Văn phòng thường trực có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện Quy chế này để báo cáo với Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.