ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1228/QĐ-UBND | Kiên Giang, ngày 06 tháng 6 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN KIÊN HẢI, TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông báo số 1874-TB/TU ngày 26 tháng 3 năm 2014 của Tỉnh ủy về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải đến năm 2020;
Căn cứ Biên bản số 110/BB-HĐTĐ ngày 20 tháng 8 năm 2013 của Hội đồng thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 127/TTr-SKHĐT ngày 14 tháng 5 năm 2014 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:
I. Quan điểm phát triển
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải được xây dựng trên quan điểm phát triển tương đối độc lập các đảo, xã đảo, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững. Đồng thời phải gắn liên kết giữa các đảo, xã đảo với nhau và với các huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh, đặc biệt là thành phố Rạch Giá.
2. Tăng cường đầu tư phát triển kinh tế biển đảo, phát huy sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trước hết là nội lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bền vững. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế huyện theo hướng ưu tiên phát triển các ngành có lợi thế như: Khai thác, nuôi trồng và dịch vụ nghề cá, du lịch và dịch vụ biển,...
3. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo, nhất là các công trình hạ tầng thiết yếu. Quy hoạch một số đảo lớn, quan trọng như: Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du thành các đảo có kinh tế phát triển, đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Bố trí dân cư gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền trên biển.
4. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Phát triển y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
5. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, có giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong bố trí quy hoạch, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với quy hoạch bố trí dân cư.
II. Mục tiêu phát triển
1. Mục tiêu tổng quát
Tập trung đầu tư xây dựng, phát triển huyện Kiên Hải có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá và cao so với bình quân chung toàn tỉnh. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ du lịch biển, khai thác, nuôi trồng thủy sản. Phát triển nông nghiệp chất lượng cao với đa dạng mô hình kinh tế vườn đồi, kết hợp phát triển du lịch. Thực hiện có hiệu quả các vấn đề văn hóa xã hội, trong đó chăm lo tốt hơn cho an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường quốc phòng an ninh, xây dựng các đảo thành phòng tuyến vững chắc, khu vực phòng thủ, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, môi trường sinh thái, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Về phát triển kinh tế
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,2% thời kỳ 2011-2015 và 13% thời kỳ 2016-2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.042 USD, đến năm 2020 đạt 4.967 USD.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực bền vững, đến năm 2015 cơ cấu các ngành nông nghiệp-công nghiệp, xây dựng-dịch vụ (theo giá hiện hành) lần lượt là 39,8%-25,9% -34,3%, đến năm 2020 là 31,8%-28,4%-39,8%.
- Sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đến năm 2015 là 65.600 tấn và 76.000 tấn vào năm 2020.
- Đến năm 2015, xã Lại Sơn đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới (chiếm 25% các xã trong huyện), các xã còn lại đạt 50% tiêu chí nông thôn mới trở lên. Đến năm 2020 có 3/4 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
2.2. Về phát triển xã hội
- Giảm tỷ lệ sinh hằng năm từ 0,2‰/năm, để đến năm 2015 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 12,2‰ và đến năm 2020 là 11,45‰.
- Đến năm 2015: Đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, 100% trạm y tế có bác sĩ và đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 10% vào năm 2015 và 5% năm 2020.
- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2015 là 75% và từ 85% trở lên vào năm 2020.
- Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt >30% năm 2015 và 50% năm 2020, trong đó đào tạo nghề là 25%-40%.
- Tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt từ 98% trở lên vào năm 2020. Tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99% vào năm 2015 và 100% năm 2020.
- Phấn đấu đầu tư xây dựng để đến năm 2015 có 50% số xã có nghĩa trang nhân dân; đến năm 2020 có 100% số xã có nghĩa trang nhân dân. Đến năm 2015 từ 80%-85% chất thải rắn (gồm: Chất thải sinh hoạt, công nghiệp và y tế) được thu gom, xử lý; đến năm 2020 có 90%-100% chất thải rắn được thu gom, xử lý.
III. Định hướng phát triển ngành, lĩnh vực
1. Ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản
1.1. Khai thác và nuôi trồng thủy sản
- Chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất từ nghề cá ven bờ sang nghề cá xa bờ gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Đầu tư các đội tàu lớn, hoạt động dài ngày trên biển; đồng bộ các cơ sở hậu cần nghề cá trên một số đảo, kết hợp với bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển. Tập trung phát triển nghề cào đôi, lưới vây và nghề câu với các phương tiện khai thác khơi là chủ yếu.
- Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ nghề cá, đầu tư hoàn thành khu neo đậu tránh trú bão Hòn Tre, Nam Du, bến cá Hòn Tre, Lại Sơn, đường cập tàu trên các đảo lớn, đầu tư các khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên một số đảo.
- Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ở tất cả các loại hình mặt nước theo hướng nuôi sinh thái, thân thiện với môi trường; phát triển nuôi cá lồng bè trên biển một cách bền vững, tránh tình trạng nuôi tự phát tràn lan, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Khuyến khích nhân dân đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất ươm giống để đáp ứng nhu cầu nuôi tại địa phương. Ưu tiên phát triển nuôi công nghiệp và bán công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Phát triển mạnh mô hình nuôi cá lồng bè với một số hải sản có giá trị cao ven đảo... gắn với phát triển du lịch ở Nam Du, Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn.
1.2. Nông - lâm nghiệp
- Phát triển sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp trên đảo theo hướng sinh thái, tạo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch. Diện tích đất nông nghiệp của Kiên Hải không lớn, vì vậy phát triển nông nghiệp phải theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Phát triển cây ăn quả và cây công nghiệp vừa có giá trị kinh tế, vừa có tác dụng phủ xanh trên các đảo với quy mô vừa phải, tuy nhiên phải chú ý thay đổi các giống cây có giá trị kinh tế cao, theo nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, tăng cường phát triển đội ngũ kỹ thuật viên, thực hiện tốt chức năng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, tuyển chọn các loại giống cây, vật nuôi thích hợp kháng được sâu, bệnh, cho năng suất cao, phẩm chất tốt để đưa vào sản xuất trên các đảo.
- Huyện Kiên Hải có diện tích rừng khá lớn, độ che phủ cao và có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ nguồn nước,... Ngoài ra, còn là điều kiện để phát triển du lịch sinh thái. Do đó đi đôi với việc trồng rừng bổ sung cần quyết tâm bảo vệ, phòng chống cháy rừng trên địa bàn huyện.
2. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là các ngành nghề thế mạnh của huyện như: Chế biến thủy sản, cơ khí sửa chữa, các ngành thủ công truyền thống. Đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý môi trường tạo thương hiệu sản phẩm hàng hóa uy tín trên thị trường. Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho người sản xuất, có chính sách đãi ngộ, thu hút lao động có tay nghề kỹ thuật cao, cán bộ khoa học quản lý có trình độ. Tập trung quảng bá, xây dựng thương hiệu nước mắm Lại Sơn trên thị trường.
3. Phát triển thương mại - dịch vụ
- Tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá về kinh tế trong những năm tới của huyện. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các loại hình kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện. Phát triển các loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá. Từng bước xây dựng thị trường tiêu thụ các mặt hàng thủy sản khu vực cảng cá Nam Du. Hình thành các tổ hợp tác, dịch vụ thương mại để hỗ trợ trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng chợ Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn, Bãi Giếng (Lại Sơn), Nam Du. Xây mới chợ cá trên biển, siêu thị hạng II tại ấp I, xã Hòn Tre.
- Trọng tâm phát triển du lịch của huyện Kiên Hải là du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái. Phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành cơ bản việc xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, hạ tầng du lịch. Từng bước đầu tư, xây dựng các cơ sở dịch vụ lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, khu resort, ...), các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ cho du khách tại các khu vực xã Hòn Tre gồm: Bãi Chén, Động Dừa, Đuôi Hà Bá, Đầu Rùa; khu vực xã Lại Sơn gồm: Bãi Nhà, Bãi Bấc, Bãi Thiên Tuế, Bãi Bàng; khu vực Nam Du - An Sơn gồm: Hòn Mấu, Hòn Dầu, Bãi Ngự, Bãi Cỏ lớn, Bãi Cỏ nhỏ, Bãi Cây Mến, Bãi Đá Trắng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái rừng - biển.
Phát triển du lịch biển với các loại hình như: Tắm biển, lặn biển, chèo thuyền, lướt ván, câu cá, thưởng thức đặc sản, hải sản tươi sống. Đối với hoạt động du lịch sinh thái, chú trọng tổ chức các hoạt động du lịch tham quan, dã ngoại tại các khu vực Lại Sơn, Nam Du với các loại hình như leo núi, cắm trại, du lịch vườn thưởng thức các loại trái cây của địa phương.
- Phát triển vận tải theo hướng đồng bộ, chất lượng vận tải ngày càng cao, giá cả hợp lý, đảm bảo an toàn tiện lợi, kiềm chế và tiến tới giảm tai nạn giao thông, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh phát triển vận tải biển, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, rút ngắn hành trình, khuyến khích phát triển đội tàu cao tốc chở khách đến các đảo có trung tâm xã. Mở thêm các tuyến vận tải biển đến các đảo nhỏ nhằm tăng mức lưu chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Tiếp tục nâng cấp và hiện đại hóa mạng lưới bưu chính viễn thông của huyện. Xây dựng hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, độ bao phủ rộng với dung lượng lớn. Nâng cao chất lượng sóng điện thoại di động trên biển phục vụ tốt cho ngư dân trong khai thác thủy sản, chủ động ứng phó với bão. Đẩy mạnh việc phổ cập dịch vụ điện thoại cố định và internet đến các xã trong huyện.
- Hệ thống ngân hàng và các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn huyện cần tổ chức tốt việc cho vay và thu hồi vốn, cần cải tiến thủ tục cho vay, có giải pháp xử lý nợ tồn đọng, nâng cao hiệu quả vòng quay đồng vốn. Tập trung vốn cho phát triển các đảo, cho vay theo chương trình đánh bắt xa bờ, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ và giải quyết việc làm, tăng cường vốn cho vay trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ đánh bắt, chế biến và phát triển du lịch. Tăng cường huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân.
- Tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng các loại dịch vụ bảo hiểm trên địa bàn huyện, thúc đẩy các sản phẩm dịch vụ bảo hiểm phục vụ nông nghiệp, thủy sản, bảo vệ quyền lợi của người sản xuất.
4. Nguồn nhân lực và các vấn đề xã hội
4.1. Dân số, lao động, giảm nghèo và an sinh xã hội
- Tiếp tục thực hiện tốt chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, tăng cường tuyên truyền thực hiện các biện pháp để giảm tỷ lệ sinh hàng năm xuống còn từ 0,2‰.
- Dự kiến đến năm 2015, số lao động làm việc trong các ngành kinh tế của huyện là 13.390 người và 14.188 người vào năm 2020. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Đến năm 2015, tỷ lệ lao động trong các ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ lần lượt là 40% - 15% - 45%; đến năm 2020 lần lượt là 36% - 16% - 47%.
- Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động để đến năm 2015 tỷ lệ lao động được đào tạo đạt >30%, năm 2020 đạt 50%, trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo nghề 25% - 40%.
- Thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo, xây dựng và mở rộng các mô hình sản xuất tổng hợp theo nông hộ để giảm nhanh hộ nghèo và hộ cận nghèo ở những xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,0%. Thực hiện tốt công tác chăm lo gia đình chính sách và người có công, hoàn thành kế hoạch xây dựng nhà tình nghĩa. Đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ những người yếu thế, nghèo khó trong xã hội.
4.2. Giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Tiếp tục thực hiện đổi mới chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí trong huyện. Sắp xếp, quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp các cấp, nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia, thực hiện có hiệu quả đề án phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, tăng tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp THPT, hạn chế thấp nhất tỷ lệ học sinh bỏ học. Duy trì kết quả phổ cập tiểu học và THCS. Đổi mới công tác quản lý giáo dục, bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Tăng cường công tác hướng nghiệp dạy nghề, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên, hội khuyến học từ huyện đến cơ sở và trung tâm học tập cộng đồng các xã.
4.3.Y tế
Thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, chủ động phòng ngừa các loại dịch bệnh. Đầu tư, nâng cấp, mở rộng, nâng cao chất lượng điều trị của trung tâm y tế huyện. Nâng cao vai trò hoạt động của trung tâm y tế huyện trong việc chỉ đạo công tác khám chữa bệnh, y tế dự phòng chăm sóc sức khoẻ ban đầu.... Củng cố, tăng cường tuyến y tế cơ sở, phấn đấu 100% trạm y tế có bác sĩ và đạt chuẩn y tế quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ y tế ấp. Tăng cường chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ. Tăng cường đào tạo cán bộ y tế có trình độ sau đại học, bác sĩ có trình độ chuyên khoa đảm bảo tiếp nhận, thực hiện được một số kỹ thuật y tế cao. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc luân chuyển bác sĩ giữa các tuyến y tế. Vận động nhân dân mua bảo hiểm y tế và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế tự nguyện cho hộ cận nghèo, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
4.4. Văn hóa - Thể dục thể thao
Tiếp tục củng cố, nâng lên chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, qua đó xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở từng địa bàn dân cư và cơ quan, đơn vị; trong đó chú trọng xây dựng tình đoàn kết xóm làng, gia đình hạnh phúc, không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Đi đôi với đẩy mạnh hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao tạo ra khí thế phấn khởi trong nhân dân. Tích cực tranh thủ và huy động mọi nguồn lực từ nhiều nguồn bằng nhiều hình thức thích hợp để xây dựng thiết chế văn hóa, thể dục thể thao ở các trung tâm xã.
4.5. Khoa học công nghệ
Thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất, kinh doanh. Trong nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp cần tập trung đầu tư ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới về giống thủy sản, giống cây trồng với mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững, kỹ thuật về chế biến hải sản, công nghệ sinh học để nâng cao giá trị hàng hóa, tăng sức cạnh tranh đồng thời thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ứng dụng công nghệ mới về quản lý ô nhiễm môi trường, sản xuất bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các tài nguyên không tái tạo. Thực hiện có hiệu quả đề án công nghệ thông tin của tỉnh.
Tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của huyện, trước hết quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường số và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học quản lý của huyện, có chính sách thu hút lao động có trình độ kỹ thuật về công tác tại huyện. Kiện toàn tổ chức, tăng cường lực lượng đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, khuyến ngư, khuyến nông,... để chuyển giao nhanh kiến thức cho người lao động.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng
5.1. Phát triển hệ thống giao thông
- Phát triển hệ thống giao thông phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, xây dựng các công trình giao thông phải gắn với nhiệm vụ quốc phòng và phòng chống thiên tai. Phát triển giao thông theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa các phương thức vận tải, đặc biệt là giao thông đường thủy, thực hiện đầu tư có trọng điểm các công trình quan trọng và mang tính đột phá, đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông trên các xã đảo, nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100% các tuyến đường trục xã, tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các đường giao thông khu trung tâm huyện theo quy hoạch đã phê duyệt.
- Giai đoạn đến năm 2015 hoàn thành đường quanh đảo, ngang đảo và bến cập tàu xã Lại Sơn, An Sơn. Hoàn thành hệ thống đường giao thông nông thôn đảm bảo nối liền các ấp và các khu dân cư. Bê tông hóa 100% mặt đường xã Lại Sơn, các xã còn lại đạt 50-70% theo tiêu chí xã nông thôn mới.
- Tiếp tục tranh thủ nguồn vốn thuộc Chương trình biển Đông hải đảo để đầu tư đường quanh đảo và bến cập tàu xã Nam Du; hoàn thành 100% các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn các xã.
- Tiếp tục chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách đường thủy từ tàu vỏ gỗ sang tàu cao tốc, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tàu cao tốc để rút ngắn hành trình giữa các đảo với đất liền, mở thêm các tuyến vận tải thủy đến các đảo nhỏ.
- Xây dựng cảng trung chuyển than tại An Sơn để phục vụ cho Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương; xây dựng mỗi đảo có trung tâm xã một bến cập tàu, đảm bảo tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa, hành khách.
5.2. Điện
a) Đầu tư trạm phát điện
- Đến năm 2015, xã Hòn Tre được sử dụng điện lưới quốc gia từ đất liền qua đường dây nổi từ xã Thổ Sơn (Hòn Đất). Xây dựng nhà máy điện diezen mới, tăng cường máy phát điện công suất 400KW cho xã Lại Sơn. Xây dựng trạm năng lượng mặt trời tại xã Lại Sơn công suất 1.000KW.
- Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư 2 tổ máy diezen tại xã Lại Sơn với công suất 400KW. Xây dựng trạm phát điện diezen, tăng cường 1 tổ máy 400KW, trạm điện gió 2x300KW, trạm pin năng lượng mặt trời 2,4KWP cho xã An Sơn. Xây dựng trạm phát điện diezen, tăng cường 2 tổ máy 250KW, lắp đặt trạm điện gió 300KW cho Hòn Ngang (Nam Du). Tăng cường 2 tổ máy 125KW cho đảo Hòn Mấu (Nam Du) và xây dựng các trạm pin năng lượng mặt trời cho các đảo khác thuộc xã Nam Du công suất 8,64KWP.
b) Đầu tư các tuyến đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp
- Giai đoạn 2014-2015, đầu tư đường dây 22KV từ xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất ra đảo Hòn Tre dài 13km, tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng.
- Giai đoạn đến năm 2015, đầu tư mới: 24,4km đường dây trung thế, 6 trạm biến áp với tổng công suất 1.445KVA, 04 trạm nâng áp với tổng công suất 1.920KVA và 8,6km đường dây hạ thế; cải tạo 9,52km đường dây hạ thế.
- Giai đoạn 2016-2020, đầu tư mới: 7,7km đường dây trung thế, 9 trạm biến áp với tổng công suất 2.420KVA, 02 trạm nâng áp với tổng công suất 800KVA và 8,77km đường dây hạ thế; cải tạo 9,1km đường dây hạ thế.
5.4. Cấp nước - vệ sinh môi trường
- Giai đoạn đến năm 2015, xây dựng và nâng cấp một số cơ sở cấp nước tập trung tại các xã gồm: Trạm cấp nước Hòn Tre (xã Hòn Tre), trạm cấp nước Bãi Nhà (xã Lại Sơn), hồ chứa nước An Sơn (xã An Sơn), bể chứa nước Hòn Ngang (xã Nam Du). Giai đoạn 2016-2020, xây dựng hồ Suối Lớn (xã Lại Sơn), hồ chứa nước tại xã Hòn Tre, hồ Bãi Cây Mến (xã An Sơn), bể chứa nước Hòn Mấu (xã Nam Du).
- Đầu tư khu xử lý rác trên các xã đảo có công nghệ hợp vệ sinh và xây dựng lò đốt rác y tế cho bệnh viện, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định. Các khu vực chăn nuôi cần xây dựng hầm biogas để tận dụng làm khí đốt và đảm bảo môi trường.
6. Quốc phòng an ninh
Tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới. Thực hiện đề án quy hoạch xây dựng khu vực phòng thủ huyện từ năm 2011 đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Trong đó tập trung xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần; tiềm lực kinh tế và tiềm lực quốc phòng - an ninh.
IV. Định hướng phát triển không gian, lãnh thổ
1. Định hướng sử dụng đất
- Đến năm 2015 diện tích đất nông nghiệp toàn huyện đạt khoảng 2.221ha; đến năm 2020 đạt khoảng 2.213ha, chủ yếu là đất rừng phòng hộ chiếm khoảng 57% diện tích tự nhiên và đất trồng cây lâu năm chiếm khoảng 28,65% diện tích tự nhiên.
- Đất phi nông nghiệp: Định hướng đến năm 2015 diện tích đất phi nông nghiệp của huyện là 330ha và năm 2020 là 371ha.
2. Định hướng phát triển hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn
2.1. Định hướng phát triển hệ thống đô thị
Giai đoạn đến năm 2015, tập trung đầu tư, nâng cấp xã Hòn Tre trở thành thị trấn Hòn Tre nhằm đáp ứng tốt hơn vai trò là trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của huyện Kiên Hải, có diện tích tự nhiên khoảng 454,47ha.
2.2. Định hướng phát triển dân cư nông thôn
Quỹ đất ở của các xã rất hạn chế, cần phải có mặt bằng và thuận tiện đường giao thông, nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt của người dân. Đến năm 2015, diện tích đất ở nông thôn của huyện khoảng 69ha và 74ha vào năm 2020.
V. Danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư (phụ lục kèm theo)
VI. Giải pháp thực hiện
1. Giải pháp về huy động vốn
Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội huyện Kiên Hải đến năm 2020 là 6.690,2 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2011-2015 là 2.190,9 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 4.499,3 tỷ đồng, bao gồm các nguồn vốn:
- Nguồn vốn ngân sách nhà nước: Gồm vốn ngân sách Trung ương và địa phương có khả năng đáp ứng khoảng 30% tổng vốn đầu tư. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung đầu tư các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng xã hội, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo, y tế; ngoài ra nguồn vốn ngân sách nhà nước còn có tác động thu hút các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển.
- Nguồn vốn dân doanh, có tác động lớn trong đầu tư phát triển kinh tế của huyện, nguồn vốn này chiếm trên 42% tổng vốn đầu tư.
- Nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế: Chủ yếu đầu tư các dự án trong khu đô thị, khu du lịch và một số dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện. Nguồn vốn này chiếm khoảng 28% tổng vốn đầu tư.
2. Giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng
Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương và tỉnh, đồng thời tăng cường phối hợp với các sở, ngành và địa phương lân cận để tạo bước đột phá trong đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch. Phát huy nội lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng du lịch... Thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để có vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện. Dành quỹ đất hợp lý cho phát triển kết cấu hạ tầng những năm trước mắt cũng như về lâu dài.
3. Phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phát huy nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực ngoài huyện với các chính sách đãi ngộ, khuyến khích phù hợp. Đào tạo nguồn nhân lực vừa kết hợp đào tạo theo kế hoạch của Nhà nước, vừa đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Trước hết nâng cao chất lượng giáo dục các cấp, nâng cao mặt bằng dân trí của huyện ngang bằng với mức bình quân của toàn vùng. Mở rộng quy mô giáo dục đào tạo nghề, tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cán bộ công chức quản lý nhà nước, cán bộ sự nghiệp y tế, giáo dục trên địa bàn huyện.
4. Phát triển khoa học công nghệ
Nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công... tăng cường đào tạo đội ngũ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật. Thực hiện có hiệu quả chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người sản xuất. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án nhằm đưa nhanh tiến bộ khoa học vào sản xuất trên cơ sở gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, điện khí hóa trong sản xuất, kết hợp giữa đổi mới công nghệ với bảo vệ môi trường sinh thái.
5. Phát triển các thành phần kinh tế
Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể theo mô hình Hợp tác xã kiểu mới. Cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng trong phát triển sản xuất kinh doanh. Vận dụng có hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, khoa học - công nghệ, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể. Đa dạng các loại hình hợp tác sản xuất kinh doanh tổng hợp và tiêu thụ sản phẩm.
Mở rộng các mối liên kết kinh tế giữa kinh tế hợp tác với các thành phần kinh tế trong các lĩnh vực cung ứng vật tư, dịch vụ và tiêu thụ nông sản hàng hóa, tiến tới xây dựng mô hình hợp tác đa thành phần.
Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân theo loại hình doanh nghiệp, thực hiện tốt cơ chế chính sách, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện môi trường kinh doanh, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, khai thác tiềm năng của huyện về phát triển du lịch, thủy sản,...
6. Nâng cao năng lực quản lý điều hành chính quyền các cấp
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền huyện và các xã. Thực hiện tốt chức năng quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát và đi sâu sát cơ sở để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước bằng pháp luật, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính, nhất là đối với vai trò trách nhiệm và thẩm quyền được giao. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, tài nguyên, bảo vệ ngư trường. Thực hiện tốt Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính.
Điều 2. Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiên Hải căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện nêu trong quy hoạch được phê duyệt có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến công khai, rộng rãi các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo nội dung quy hoạch được duyệt đến các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện được biết, thực hiện.
2. Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch này và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực liên quan. Lập các kế hoạch 5 năm, hằng năm; các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm; các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, bố trí ưu tiên đầu tư một cách hợp lý.
3. Chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh nghiên cứu ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện địa phương nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
4. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch; xử lý kịp thời những bất cập và đề xuất bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình mới, hòa nhập vào xu thế phát triển chung của tỉnh và cả nước.
Điều 3. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân huyện Kiên Hải trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển ngành, lĩnh vực theo quy hoạch trên địa bàn huyện; hỗ trợ và tạo điều kiện cho huyện hoàn thành các mục tiêu quy hoạch đề ra.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kiên Hải và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| CHỦ TỊCH |
DANH MỤC
CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN KIÊN HẢI GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 1228/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)
STT | DANH MỤC CÁC DỰ ÁN |
1 | Đường giao thông vòng quanh đảo, xuyên đảo Lại Sơn, Nam Du, An Sơn |
2 | Cầu cảng giao thông Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn, Nam Du |
3 | Cảng nước sâu An Sơn |
4 | Khu nghỉ dưỡng resort sinh thái Hòn Tre |
5 | Khu nghỉ dưỡng resort Bãi Bấc |
6 | Khu du lịch Hòn Mấu, Bãi Bàng, Bãi Chén |
7 | Dự án lấn biển, khu dân cư Hòn Tre, Hòn Ngang (xã Nam Du) |
8 | Khu du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản Hòn Bờ Đập |
9 | Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá đảo Hòn Tre, Nam Du |
10 | Bến cá Hòn Tre, Lại Sơn |
11 | Siêu thị Hòn Tre |
12 | Chợ Hòn Tre, Lại Sơn, Bãi Giếng, An Sơn, Nam Du |
13 | Chợ cá trên biển |
14 | Bãi xử lý rác và nghĩa trang nhân dân xã Hòn Tre |
15 | Đường dây, trạm biến áp xã Hòn Tre |
16 | Trạm phát điện, đường dây trung, hạ thế xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du |
17 | Đường điện ra đảo Hòn Tre |
18 | Xây dựng 5 bể chứa nước, nâng cấp trạm cấp nước Hòn Tre |
19 | Xây dựng hồ Suối Lớn, Hòn Tre, Bãi Cây Mến; bể chứa nước Hòn Ngang, Hòn Mấu |
20 | Nâng cấp trạm cấp nước Bãi Nhà, An Sơn, Hòn Tre |
21 | Đề án kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ |
22 | Phòng khám khu vực Lại Sơn |
23 | Nhà thi đấu đa năng huyện |
24 | Trung tâm văn hóa huyện |
25 | Trung tâm văn hóa thể thao xã An Sơn, Lại Sơn, Nam Du |
26 | Tôn tạo di tích Lăng ông Nam Hải |
27 | Xây dựng đài tưởng niệm Hòn Tre |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.