ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1223/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 03 năm 2019 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 40/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 6069/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách thành phố và Chương trình công tác của Ủy ban nhân dân thành phố năm 2019;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1509/TTr-SCT ngày 15 tháng 3 năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng phục vụ Mùa khai giảng; các mặt hàng Sữa năm 2019 - Tết Canh Tý 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng Lương thực, thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng phục vụ Mùa khai giảng; các mặt hàng Sữa năm 2019 - Tết Canh Tý năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2019.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Du lịch, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng phục vụ Mùa khai giảng; các mặt hàng Sữa năm 2019 - Tết Canh Tý năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CÁC MẶT HÀNG LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM THIẾT YẾU; CÁC MẶT HÀNG PHỤC VỤ MÙA KHAI GIẢNG; CÁC MẶT HÀNG SỮA NĂM 2019 - TẾT CANH TÝ NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố)
- Chương trình Bình ổn thị trường năm 2019 - Tết Canh Tý năm 2020 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Chương trình) triển khai để đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội; đồng thời, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Chương trình triển khai thực hiện theo hướng xã hội hóa, khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các nguồn lực gắn kết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của thành phố và cả nước.
- Hàng hóa trong Chương trình là sản phẩm được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả phù hợp; có nguồn cung dồi dào, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu của nhân dân thành phố, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.
- Chương trình thực hiện kết nối doanh nghiệp với ngân hàng thương mại để vay vốn nhằm thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường; khuyến khích doanh nghiệp tăng cường mở rộng đầu tư, hợp tác với đối tác phù hợp tại các tỉnh, thành phố để phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân thành phố và mở rộng thị trường.
- Chương trình thúc đẩy phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven - huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể.
- Chương trình thực hiện kết nối các hợp tác xã với các đơn vị phân phối, các khách hàng có nhu cầu nhằm góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và cung ứng hàng hóa ngày càng dồi dào cho thị trường thành phố.
1. Mặt hàng, lượng hàng tham gia Chương trình
1.1 Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu
- Nhóm hàng: 10 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô ...); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị.
- Lượng hàng:
+ Các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 30% nhu cầu thị trường, cụ thể:
* Lương thực: 5.516,2 tấn/tháng | * Trứng gia cầm: 37,47 triệu quả/tháng |
* Đường: 1.532 tấn/tháng | * Thực phẩm chế biến: 521,1 tấn/tháng |
* Dầu ăn: 765,4 tấn/tháng | * Rau củ quả: 5.053 tấn/tháng |
* Thịt gia súc: 3.140 tấn/tháng | * Thủy hải sản: 118 tấn/tháng |
* Thịt gia cầm: 10.522 tấn/tháng | * Gia vị: 765,7 tấn/tháng |
(Chi tiết tại các phụ lục đính kèm) |
|
+ Các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 30% đến 40% nhu cầu thị trường, cụ thể:
* Lương thực: 4.702,8 tấn/tháng | * Trứng gia cầm: 46.77 triệu quả/tháng |
* Đường: 1.982 tấn/tháng | * Thực phẩm chế biến: 1.141,5 tấn/tháng |
* Dầu ăn: 1.182,4 tấn/tháng | * Rau củ quả: 8.212 tấn/tháng |
* Thịt gia súc: 3.827 tấn/tháng | * Thủy hải sản: 174 tấn/tháng |
* Thịt gia cầm: 11.422 tấn/tháng | * Gia vị: 1.296,6 tấn/tháng |
(Chi tiết tại các phụ lục đính kèm) |
|
1.2 Các mặt hàng phục vụ Mùa khai giảng
- Nhóm hàng: 04 nhóm hàng chính yếu phục vụ Mùa khai giảng năm học mới gồm tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày.
- Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố năm học 2018 - 2019; cụ thể:
* Tập học sinh: 9,68 triệu quyển | * Đồng phục học sinh: 570.000 bộ |
* Giày dép: 920.000 đôi | * Cặp, ba lô, túi xách: 865.000 cái |
(Chi tiết tại các phụ lục đính kèm) |
|
1.3 Các mặt hàng Sữa
- Nhóm hàng: 04 nhóm sản phẩm sữa gồm sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường); sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (gồm sữa nước, sữa chua uống và ca cao).
- Lượng hàng: Lượng sữa tham gia bình ổn thị trường là 1.940,5 tấn/năm (161,71 tấn/tháng) và 12,52 triệu lít sữa nước/năm (1,43 triệu lít/tháng), chiếm từ 30% đến 35% mức tiêu dùng của thị trường thành phố (Chi tiết tại các phụ lục đính kèm).
2. Đối tượng và điều kiện tham gia Chương trình
2.1. Đối tượng
- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các quy định pháp luật khác có liên quan (gọi chung là doanh nghiệp), đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình.
- Tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình.
2.2. Điều kiện
a) Đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh
- Doanh nghiệp đăng ký tham gia phải có chức năng sản xuất - kinh doanh phù hợp với các nhóm hàng trong Chương trình; có thương hiệu, uy tín, năng lực sản xuất, kinh nghiệm kinh doanh các mặt hàng trong Chương trình; có nguồn hàng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình.
- Có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, trang thiết bị - công nghệ sản xuất hiện đại và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; có phương tiện vận chuyển phục vụ việc phân phối hàng hóa và bán hàng lưu động theo yêu cầu của Chương trình.
- Cam kết sản xuất, cung ứng hàng hóa tham gia Chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng theo kế hoạch của Chương trình, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm; thực hiện việc niêm yết giá theo quy định, bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính thống nhất và công bố.
- Có hệ thống phân phối, đại lý, mạng lưới bán hàng (ít nhất 12 điểm bán) hoạt động ổn định trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; đăng ký danh sách, địa chỉ các điểm bán hàng bình ổn thị trường, kế hoạch phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường trong thời gian thực hiện Chương trình kèm theo hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình.
- Có kế hoạch sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn hàng khả thi; có năng lực tài chính, tình hình tài chính lành mạnh (không có nợ xấu, nợ quá hạn... thể hiện qua báo cáo tài chính hoặc báo cáo kiểm toán trong 2 năm gần nhất).
- Ưu tiên xét chọn những doanh nghiệp đã tham gia tích cực và chấp hành tốt các quy định của Chương trình trong những năm trước.
b) Đối với các tổ chức tín dụng
- Căn cứ nhu cầu, khả năng và các quy định của pháp luật có liên quan để thực hiện việc đăng ký hạn mức tín dụng cho vay với lãi suất phù hợp và các sản phẩm dịch vụ khác (nếu có) dành cho doanh nghiệp tham gia Chương trình.
- Xây dựng phương án cho vay và quy trình thẩm định cụ thể, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng và kịp thời giải quyết thủ tục cho vay và giải ngân vốn vay theo quy định cho doanh nghiệp tham gia Chương trình.
- Chịu trách nhiệm về việc xét duyệt, quyết định cho vay theo quy định pháp luật, theo nội dung đăng ký tham gia Chương trình và các quy định khác có liên quan của Chương trình.
3. Quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp tham gia Chương trình
3.1. Quyền lợi
- Được kết nối với các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình để vay vốn với lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa cung ứng phục vụ bình ổn thị trường thành phố xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình.
- Được tham gia Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về thực hiện chương trình kích cầu đầu tư của thành phố Hồ Chí Minh; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Được hỗ trợ truyền thông, giới thiệu, quảng bá trên chuyên trang “Bình ổn thị trường” - báo Sài Gòn Giải phóng, chuyên đề “Câu chuyện thị trường” - Đài Truyền hình thành phố, Báo Người Lao động và một số báo, đài khác; được ưu tiên giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hội nghị, hội chợ, triển lãm... liên quan đến Chương trình Bình ổn thị trường, Chương trình Hợp tác Thương mại.
- Được giới thiệu mặt bằng để đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố; được ưu tiên giới thiệu cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào mạng lưới điểm bán hiện hữu của Chương trình và được kết nối để cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến những nơi có nhu cầu như chợ truyền thống, bệnh viện, trường học, bếp ăn tập thể...
- Được ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác thương mại giữa thành phố với các tỉnh, thành.
- Được sử dụng biểu trưng (logo) Chương trình Bình ổn thị trường thành phố Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Sở Công Thương, theo các điều khoản quy định về quản lý, khai thác, sử dụng biểu trưng này và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
3.2. Nghĩa vụ
- Đăng ký chủng loại, số lượng, chất lượng sản phẩm tham gia Chương trình.
- Tổ chức sản xuất - kinh doanh theo đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đủ số lượng đăng ký đã được phê duyệt; đảm bảo hàng hóa tham gia Chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính thống nhất và công bố.
- Tích cực phát triển hệ thống phân phối và tăng số điểm bán hàng bình ổn thị trường; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven - huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể.
- Thông tin công khai, rộng rãi địa chỉ các điểm bán; treo băng - rôn, bảng hiệu, niêm yết bảng giá ... theo đúng quy cách hướng dẫn của Sở Công Thương; trưng bày hàng hóa tại các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm.
- Sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả vốn vay và lãi vay đúng quy định theo hợp đồng đã ký với tổ chức tín dụng tham gia Chương trình. Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích, không thực hiện đúng cam kết về cung ứng hàng hóa theo kế hoạch được phê duyệt; doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ phần vốn vay và chịu phạt lãi suất theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Trong thời gian tham gia Chương trình, trường hợp có sự thay đổi về vốn điều lệ, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Sở Công Thương, Sở Tài chính và tổ chức tín dụng thực hiện cho vay trước 30 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
- Thực hiện đúng các cam kết của doanh nghiệp, các quy định của Chương trình và kế hoạch triển khai Chương trình của Sở Công Thương.
4. Cơ chế thực hiện Chương trình
4.1. Thời gian: 12 tháng, bắt đầu từ ngày 01 tháng 4 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2020.
Thời gian cao điểm cung ứng các mặt hàng phục vụ Mùa khai giảng: từ ngày 01 tháng 5 năm 2019 đến ngày 31 tháng 10 năm 2019.
4.2. Nguồn vốn
- Doanh nghiệp chủ động sử dụng nguồn vốn tự có, vốn vay từ các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình với hạn mức và lãi suất phù hợp nhằm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối và dự trữ hàng hóa để cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường thành phố.
- Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục vay vốn và giải ngân vốn vay theo quy trình thủ tục do các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình công bố, hướng dẫn và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Lịch trả nợ vay, hạn mức vay và lãi suất cụ thể sẽ do các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp tham gia Chương trình thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm trong hợp đồng vay vốn.
4.3. Giá bán bình ổn thị trường
- Doanh nghiệp tham gia Chương trình xây dựng và đăng ký giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và đảm bảo:
+ Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu: đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 05% đến 10% và giữ ổn định giá bán trong thời gian 02 tháng trước, trong, sau Tết Kỷ Hợi năm 2019 (01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết).
+ Đối với các mặt hàng phục vụ Mùa khai giảng: đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 10% đến 15%.
+ Đối với các mặt hàng Sữa: đảm bảo giá bán bình ổn thị trường có tính hợp lý, ổn định và có khả năng dẫn dắt thị trường.
- Giá thị trường là giá do mạng lưới báo giá của Sở Tài chính và giá tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi không phải là điểm bán Bình ổn thị trường cung cấp đồng thời có tham khảo giá của Cục Thống kê công bố tại thời điểm doanh nghiệp đăng ký giá hoặc thời điểm doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh.
- Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm từ 5% trở lên hoặc giá bán trên thị trường biến động giảm làm cho giá bán của Chương trình không đảm bảo tiêu chí thấp hơn thị trường ít nhất 5%, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính; nhưng giá bán bình ổn thị trường vẫn có tính hợp lý, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
- Trường hợp thị trường biến động do có hiện tượng nâng giá gây khan hiếm giả tạo, doanh nghiệp tham gia Chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa có khả năng điều tiết thị trường theo sự điều phối của Sở Công Thương.
- Các hệ thống phân phối khi tham gia Chương trình tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia Chương trình cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, thực hiện việc chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác khi có biến động giá nhằm bình ổn thị trường.
4.4. Phát triển mạng lưới
- Khuyến khích doanh nghiệp tham gia Chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực quận ven - huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố; tích cực tổ chức thực hiện các chuyến bán hàng lưu động và đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể; chủ động tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mãi nhằm đẩy mạnh phân phối, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường.
- Tiếp tục phát triển mô hình Cửa hàng liên kết Thanh niên, Cửa hàng liên kết Phụ nữ gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng số lượng, chủng loại hàng hóa bình ổn thị trường tại các Cửa hàng này.
- Doanh nghiệp tham gia Chương trình thực hiện nghiêm túc kế hoạch phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường đã đăng ký với Sở Công Thương.
1. Sở Công Thương
- Là cơ quan thường trực của Chương trình.
- Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan xác định danh mục các mặt hàng thiết yếu, lượng hàng phù hợp và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa tham gia Chương trình; xây dựng và công khai thông tin về tiêu chí xét chọn các đơn vị tham gia Chương trình; hướng dẫn thủ tục, vận động tham gia, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia, tổ chức thẩm định chặt chẽ để xét chọn và phân bổ lượng hàng phù hợp giao các đơn vị đủ điều kiện tham gia thực hiện Chương trình; hoàn chỉnh Kế hoạch thực hiện Chương trình trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường và tình hình cung - cầu hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa tham gia Chương trình, để kịp thời thực hiện biện pháp bình ổn thị trường theo thẩm quyền và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo thực hiện trong trường hợp vượt thẩm quyền.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan của Tổ Kiểm tra công tác thực hiện các Chương trình Bình ổn thị trường xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát năng lực sản xuất, khả năng đảm bảo nguồn hàng, tình hình dự trữ, cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường, việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp và quy định của Chương trình; phối hợp các cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân quận - huyện kiểm tra, giám sát tình hình cung ứng hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn quận - huyện.
- Phối hợp các cơ quan báo, đài; cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về Chương trình và tình hình cung - cầu hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là hàng hóa bình ổn thị trường. Kịp thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thông tin - truyền thông cho Chương trình. Phối hợp báo Sài gòn Giải phóng thực hiện chuyên trang “Bình ổn thị trường”; phối hợp Đài Truyền hình thành phố và các đơn vị liên quan thực hiện chuyên đề “Câu chuyện thị trường” phát sóng trên kênh HTV9; phối hợp Báo Người Lao Động thực hiện chuyên mục “Chương trình Bình ổn thị trường”.
- Thực hiện tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình, quảng bá biểu trưng (logo) Bình ổn thị trường; giúp người tiêu dùng thuận lợi trong nhận diện, phân biệt sản phẩm, điểm bán hàng bình ổn thị trường.
- Làm đầu mối phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành, sở ngành thành phố tổ chức hiệu quả Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành.
- Kịp thời tổng hợp báo cáo và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc (nếu có) của các đơn vị tham gia Chương trình; xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố khen thưởng các tập thể, cá nhân tham gia thực hiện tốt Chương trình.
2. Sở Tài chính
- Phối hợp các cơ quan có liên quan xác định hạn mức vay của từng doanh nghiệp (có nhu cầu vay vốn) tương ứng với lượng hàng được giao thực hiện bình ổn thị trường.
- Hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá của doanh nghiệp tham gia Chương trình; thẩm định giá đăng ký, phê duyệt và công bố giá bán bình ổn thị trường của doanh nghiệp.
- Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường kịp thời khi thị trường biến động hoặc có văn bản đề nghị tăng, giảm giá của doanh nghiệp, đảm bảo đúng quy định của Chương trình (thời hạn giải quyết trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị điều chỉnh giá của doanh nghiệp).
- Chủ trì phối hợp với các sở - ngành chức năng, quận - huyện kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của doanh nghiệp tham gia Chương trình; xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các trường hợp vi phạm đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả và đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố biện pháp xử lý.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Phối hợp Sở Công Thương xét chọn nhóm hàng thiết yếu đưa vào Chương trình; giới thiệu doanh nghiệp có uy tín tham gia Chương trình.
- Chủ trì tổ chức thực hiện công tác thông tin - tuyên truyền về các Chương trình Bình ổn thị trường đang tổ chức thực hiện trên địa bàn thành phố đến các Phòng Giáo dục - Đào tạo quận - huyện và các trường học trên địa bàn thành phố để phụ huynh, học sinh, sinh viên biết và tham gia mua sắm.
- Chủ trì, phối hợp triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường đối với các mặt hàng phục vụ Mùa khai giảng; tổ chức kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Bình ổn thị trường giới thiệu hàng hóa bình ổn thị trường đến các trường học thuộc phạm vi phụ trách trên địa bàn thành phố.
- Chỉ đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo các quận - huyện và các doanh nghiệp tham gia Chương trình xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch bán hàng lưu động để phân phối hàng hóa trong Chương trình đến các trường học trên địa bàn thành phố phục vụ học sinh, sinh viên, đặc biệt ưu tiên phân phối lưu động phục vụ tại các quận ven - huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường tham gia Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị giai đoạn 2017 - 2020 theo Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
- Định hướng, giới thiệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia Chương trình liên kết trong quá trình đầu tư phát triển chăn nuôi tạo nguồn thực phẩm bình ổn thị trường.
- Giới thiệu các đơn vị chăn nuôi, sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và có nguồn hàng ổn định (ưu tiên các sản phẩm đạt chuẩn Viet GAP, Global GAP, HACCP...) tham gia phân phối hoặc cung ứng hàng hóa vào mạng lưới điểm bán của Chương trình.
5. Sở Du lịch và Ban Quản lý An toàn thực phẩm
- Phối hợp Sở Công Thương triển khai thực hiện các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm của Chương trình và đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và điểm phục vụ du lịch.
- Tổ chức quảng bá sản phẩm của Chương trình và đặc sản vùng miền đến du khách du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa...
- Tuyên truyền, thông tin sản phẩm Bình ổn thị trường, nông sản an toàn và đặc sản vùng miền đến các hệ thống nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp các cơ quan có liên quan theo dõi tiến độ thực hiện và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án trong các Chương trình Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đã ký giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong nước.
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn thị trường tham gia Chương trình kích cầu đầu tư của thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về thực hiện chương trình kích cầu đầu tư của thành phố Hồ Chí Minh;
7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông đưa tin chính xác, kịp thời và phù hợp; tránh sai lệch làm ảnh hưởng đến Chương trình.
- Chấn chỉnh, xử lý đối với việc đưa tin không chính xác, sai lệch, làm ảnh hưởng uy tín và hoạt động của Chương trình.
- Phối hợp Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan thực hiện công tác thông tin - tuyên truyền về Chương trình.
8. Sở Giao thông vận tải
Hướng dẫn thủ tục; cấp phép lưu thông vào giờ cao điểm đối với phương tiện vận tải của doanh nghiệp tham gia Chương trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, phân phối hàng hóa bình ổn thị trường đến các điểm bán trong Chương trình theo đề nghị của Sở Công Thương; ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đề nghị cấp phép lưu thông trong thời gian cao điểm của Chương trình (lễ, tết) hoặc khi thị trường có biến động.
9. Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao
- Tạo điều kiện, bố trí địa điểm phù hợp để tổ chức bán lưu động hàng hóa bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu tại các trường học, bệnh viện, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao; đăng ký danh sách địa điểm, thời gian, quy mô tổ chức và các yêu cầu khác (nếu có) gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, lập kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động.
- Phối hợp Sở Công Thương kết nối doanh nghiệp tham gia Chương trình với các đơn vị liên quan nhằm cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường vào các trường học, bệnh viện, bếp ăn tập thể tại khu chế xuất - khu công nghiệp và khu công nghệ cao.
- Rà soát, bố trí địa điểm phù hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia Chương trình thực hiện việc đầu tư phát triển điểm bán hàng bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu tại các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
10. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh
- Thông tin về Chương trình đến các tổ chức tín dụng và giới thiệu tổ chức tín dụng có nhu cầu, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia Chương trình.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình thực hiện việc cho vay theo quy định pháp luật hiện hành, theo nội dung ký kết khi tham gia Chương trình và các quy định khác có liên quan của Chương trình.
- Hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ cho các tổ chức tín dụng tham gia Chương trình thực hiện việc giải ngân vốn vay cho doanh nghiệp bình ổn thị trường nhanh chóng, thuận lợi và đúng quy định của pháp luật hiện hành.
- Tổng hợp hạn mức, mức lãi suất, tình hình giải ngân của các ngân hàng tham gia Chương trình và báo cáo về Sở Công Thương, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
11. Cục Quản lý thị trường
- Xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện, xử lý theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật như đầu cơ, găm hàng, sản xuất - kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, hàng không có nhãn mác, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm...
- Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định pháp luật về giá.
- Kiểm tra, phát hiện, xử lý theo thẩm quyền, theo quy định pháp luật đối với các trường hợp lợi dụng thương hiệu của Chương trình gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và làm ảnh hưởng uy tín của Chương trình.
12. Ủy ban nhân dân các quận - huyện
- Tổ chức thông tin - tuyên truyền về Chương trình, doanh nghiệp và điểm bán tham gia Chương trình để nhân dân trên địa bàn biết và tham gia mua sắm.
- Rà soát, giới thiệu các mặt bằng đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích cho doanh nghiệp tham gia Chương trình đầu tư phát triển cửa hàng, siêu thị; hỗ trợ phát triển điểm bán bình ổn thị trường tại các chợ truyền thống.
- Tạo điều kiện, bố trí địa điểm phù hợp để tổ chức bán lưu động hàng hóa bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu trên địa bàn; đăng ký danh sách địa điểm, thời gian, quy mô tổ chức và các yêu cầu khác (nếu có) gửi về Sở Công Thương để tổng hợp, lập kế hoạch tổ chức bán hàng lưu động (ưu tiên các quận ven - huyện ngoại thành, các quận - huyện có khu chế xuất - khu công nghiệp trên địa bàn).
- Chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của Chương trình tại các điểm bán hàng bình ổn thị trường trên địa bàn; quản lý giá, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên địa bàn. Theo dõi sát, chủ động thông tin và phối hợp Sở Công Thương, Sở Tài chính xử lý kịp thời những bất ổn trong diễn biến cung - cầu hàng hóa và các trường hợp biến động giá trên địa bàn (nếu có).
- Chỉ đạo các phòng - ban và cơ quan, đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp, hỗ trợ các sở - ngành và doanh nghiệp tham gia Chương trình thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường, hỗ trợ cho hoạt động của các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa bình ổn thị trường và các điểm bán trong Chương trình trên địa bàn.
- Báo cáo tình hình cung - cầu hàng hóa và giá cả thị trường trên địa bàn gửi về Sở Công Thương, Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.