ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1222/QĐ-UBND |
Cà Mau, ngày 13 tháng 7 năm 2017 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Báo cáo số 540/BC-SNN ngày 12/6/2017, ý kiến của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 1834/STC-QLNS ngày 23/6/2017 và Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 965/STP-XD&KTVBQPPL ngày 23/6/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định mức hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau (kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 06/01/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc ban hành Quy định mức hỗ trợ trực tiếp giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau; khoản 1 Điều 1 Quyết định số 55/QĐ-UBND ngày 14/01/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc ban hành chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
MỨC HỖ TRỢ TRỰC TIẾP GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, THỦY SẢN ĐỂ KHÔI PHỤC SẢN
XUẤT NÔNG NGHIỆP VÙNG BỊ THIỆT HẠI DO THIÊN TAI, DỊCH BỆNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ
MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1222/QĐ-UBND
ngày 13/7/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà
Mau)
Quy định này quy định mức hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ảnh hưởng của các loại hình thiên tai quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai và các loại dịch bệnh nguy hiểm, được công bố theo quy định pháp luật về thú y, thủy sản, lâm nghiệp và các dịch bệnh công bố dịch theo quy định pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối trên địa bàn tỉnh Cà Mau (sau đây gọi chung là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Điều 1 Quy định này.
Nguyên tắc hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (sau đây viết tắt là Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ).
Các hộ sản xuất bị thiệt hại được xem xét hỗ trợ khi đáp ứng tất cả các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.
QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ TRỰC TIẾP VÀ CÁCH XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ THIỆT HẠI
Điều 5. Quy định mức hỗ trợ trực tiếp
1. Hỗ trợ đối với cây trồng
a) Diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;
b) Diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;
c) Diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha;
d) Diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;
đ) Diện tích ngô và rau màu các loại thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha;
e) Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha.
2. Hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp
a) Diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, rừng giống bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 2.000.000 đồng/ha;
b) Diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha.
3. Hỗ trợ đối với nuôi trồng thủy sản
a) Diện tích nuôi tôm sú siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha;
b) Diện tích nuôi tôm (trừ thẻ chân trắng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có chủ trương khuyến khích nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng quảng canh, quảng canh cải tiến Đồng bằng sông Cửu Long, tại Công văn số 3278/BNN-TCTS ngày 19/4/2017; chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau không để người dân tự ý thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng quy hoạch phát triển tôm sú tại Công văn số 3279/BNN-TCTS ngày 19/3/2017) quảng canh, quảng canh cải tiến (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha;
c) Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha;
d) Diện tích nuôi nhuyễn thể bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 40.000.000 đồng/ha;
đ) Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa:
- Cá chình, cá bống tượng bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha;
- Cá sặc rằn, cá rô đồng, cá lóc, cá thát lát, cá trê nuôi thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha;
- Cá sặc rằn, cá rô đồng, cá lóc, cá thát lát, cá trê nuôi quảng canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha.
e) Diện tích nuôi cá tra thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha;
g) Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính thâm canh bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.500.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;
h) Lồng, bè nuôi trồng ngoài biển (xa bờ, ven đảo) bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 20.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ 100m3 lồng;
i) Lồng, bè nuôi nước ngọt, nước lợ bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 10.000.000 đồng/100 m3 lồng; thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 7.000.000 đồng/100m3 lồng;
k) Diện tích nuôi trồng các loại thủy, hải sản khác bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha.
4. Đối với nuôi gia súc, gia cầm
a) Hỗ trợ thiệt hại do thiên tai
- Gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 15.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 28.000 đồng/con;
- Lợn đến 28 ngày tuổi, hỗ trợ 350.000 đồng/con; trên 28 ngày tuổi, hỗ trợ 800.000 đồng/con; lợn nái và lợn đực đang khai thác, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con;
- Bê cái hướng sữa đến 06 tháng tuổi, hỗ trợ 2.000.000 đồng/con; bò sữa trên 06 tháng tuổi, hỗ trợ 6.500.000 đồng/con;
- Trâu, bò thịt, ngựa đến 06 tháng tuổi, hỗ trợ 1.500.000 đồng/con; trên 06 tháng tuổi, hỗ trợ 4.000.000 đồng/con;
- Hươu, nai, cừu, dê: Hỗ trợ 2.000.000 đồng/con.
b) Thiệt hại do dịch bệnh:
Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy với mức hỗ trợ cụ thể như sau:
- Hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn;
- Hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai;
- Hỗ trợ 35.000 đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng).
5. Hỗ trợ đối với sản xuất muối: Diện tích sản xuất muối bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 1.500.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% - 70%, hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha.
6. Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật, mức hỗ trợ được quy đổi tương đương hỗ trợ bằng tiền theo giá tại thời điểm hỗ trợ.
Điều 6. Xác định mức độ thiệt hại và trình tự, thủ tục hỗ trợ
1. Xác định mức độ thiệt hại: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập hội đồng kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ cụ thể của từng hộ sản xuất do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
2. Trình tự, thủ tục hỗ trợ: Thực hiện theo Điều 6 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.
Điều 7. Công khai việc hỗ trợ thiệt hại
Thực hiện theo Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước đối với cá nhân, dân cư.
Điều 8. Nguồn kinh phí, cơ chế và thời gian hỗ trợ
1. Nguồn kinh phí hỗ trợ: Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ; cụ thể như sau:
a) Dự phòng ngân sách Trung ương;
b) Dự phòng ngân sách địa phương;
c) Quỹ phòng, chống thiên tai;
d) Nguồn dự trữ quốc gia;
đ) Các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước: Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ; cụ thể như sau:
a) Ngân sách Trung ương hỗ trợ 70%; ngân sách tỉnh hỗ trợ 20%; ngân sách cấp huyện tự cân đối 10%;
b) Trường hợp các huyện, thành phố có mức thiệt hại lớn, khi ngân sách chi hỗ trợ cho hộ sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh vượt quá 50% nguồn dự phòng ngân sách các huyện, thành phố, ngân sách tỉnh sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá 50% dự phòng ngân sách địa phương để các huyện, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.
3. Thời gian giải quyết hồ sơ: Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân các cấp (đối với dịch bệnh) hoặc Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp (đối với thiên tai) phải có ý kiến trả lời bằng văn bản hoặc thông báo kết quả giải quyết cho các hộ sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
TRÁCH NHIỆM CỦA HỘ SẢN XUẤT VÀ CÁC TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN
1. Thực hiện sản xuất đúng quy hoạch, kế hoạch và tuân thủ hướng dẫn sản xuất của chính quyền địa phương. Thực hiện việc kê khai sản xuất ban đầu theo đúng quy định; thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương; đồng thời tích cực áp dụng các biện pháp khôi phục sản xuất. Theo dõi chặt chẽ cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi sau thiên tai, dịch bệnh.
2. Các hộ sản xuất thuộc diện được hỗ trợ phải khai báo trung thực, chính xác với chính quyền địa phương về diện tích, số lượng, đối tượng nuôi, trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra theo quy định. Thời gian khai báo ngay khi xảy ra thiệt hại.
Điều 10. Trách nhiệm của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã tham gia với Ủy ban nhân dân cùng cấp kiểm tra, xác nhận thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng hợp tình hình, kết quả, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 30 và khoản 2 Điều 31 Luật Phòng, chống thiên tai.
Điều 11. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định mức độ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
2. Phối hợp với Sở Tài chính chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ cơ quan chức năng cấp huyện, cấp xã trong việc xác định mức độ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; đồng thời hướng dẫn các biện pháp hạn chế thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và khôi phục sản xuất.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan thẩm định nhu cầu kinh phí và đề xuất việc hỗ trợ các huyện, thành phố Cà Mau; tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhu cầu hỗ trợ kinh phí từ Trung ương.
2. Kết thúc đợt thiên tai, dịch bệnh hoặc cuối năm, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai kết quả thực hiện.
3. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ.
Điều 13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra thiên tai, dịch bệnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các sở, ngành, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, dịch bệnh; thống kê, tổng hợp tình hình thiệt hại, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Chỉ đạo kịp thời các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và khôi phục sản xuất.
2. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sản xuất kê khai sản xuất ban đầu theo đúng quy định; kiểm tra, giám sát Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xác định thiệt hại; tổ chức thẩm định mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ giống khôi phục sản xuất trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn; sử dụng kinh phí hỗ trợ giống khôi phục sản xuất đảm bảo có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực. Tổng hợp nhu cầu hỗ trợ giống khôi phục sản xuất, kết quả thực hiện sau mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh và hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài chính.
3. Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công khai, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; mức hỗ trợ đối với hộ sản xuất bị thiệt hại thuộc đối tượng hỗ trợ trước và sau khi có quyết định hỗ trợ của cấp thẩm quyền.
4. Thực hiện thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.
Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Hướng dẫn các hộ sản xuất kê khai sản xuất ban đầu và xác nhận vào bản kê khai của các hộ sản xuất theo quy định.
2. Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh, thiên tai trên địa bàn; kiểm tra, xác minh mức độ thiệt hại, thống kê kịp thời, chính xác các thiệt hại xảy ra trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản nuôi, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định. Triển khai thực hiện kịp thời các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và khôi phục sản xuất.
3. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về tính chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch trong quá trình rà soát, thống kê, xác định thiệt hại và hỗ trợ khôi phục sản xuất theo quy định pháp luật.
Điều 15. Xử lý các hành vi sai phạm
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người được giao nhiệm vụ kiểm tra, xác minh, tổng hợp báo cáo và thẩm định thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra đối với hộ sản xuất có hành vi làm sai lệch kết quả hoặc vi phạm quy định về chi trả tiền hỗ trợ, tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành.
2. Hộ sản xuất bị thiệt hại có hành vi gian dối, khai báo sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ sai lại ngân sách nhà nước (nếu đã nhận kinh phí hỗ trợ).
Điều 16. Tổ chức triển khai thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau phổ biến nội dung Quy định này đến chính quyền cơ sở, các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh biết để thực hiện.
2. Báo, Đài, Cổng Thông tin điện tử tỉnh phổ biến nội dung Quy định này trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức thực hiện Quy định này trên địa bàn quản lý; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai Quy định tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và trụ sở khóm, ấp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.