ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 122/2003/QĐ-UB | Đà Nẵng, ngày 24 tháng 07 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 1993;
Căn cứ Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND ở mỗi cấp ngày 25 tháng 6 năm 1996 ;
Căn cứ Quyết định số 201/CP ngày 01 tháng 7 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ về việc thống nhất quản lý ruộng đất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước.
Căn cứ Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ quy định đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng;
Căn cứ Nghị định số 38/2000/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất;
Căn cứ Nghị định số 79/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 1999 về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;
Căn cứ Thông tư số 145/1998/TT-BTC ngày 04 tháng 11 năm 1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá tại Tờ trình số 2005C/TT/TC-VG ngày 24 tháng 7 năm 2003 về việc bổ sung, sửa đổi Quyết định số 141/2002/QĐ-UB ngày 18 tháng 12 năm 2002 của UBND thành phố;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/8/2003 và thay thế các Quyết định số 141/2002/QĐ-UB ngày 18/12/2002; Quyết định số 60/2003/QĐ-UB ngày 26/3/2003 của UBND thành phố Đà Nẵng và các văn bản trước đây của UBND thành phố Đà Nẵng có liên quan đến việc triển khai thực hiện Quyết định số 141/2002/QĐ-UB về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất.
Các dự án dở dang đang chi trả bồi thường thiệt hại theo Quyết định 141/2002/QĐUB ngày 18/12/2002 và Quyết định số 60/2003/QĐ-UB ngày 26/3/2003 của UBND thành phố được chuyển sang thực hiện theo Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Giám đốc các Sở : Tài chính - Vật giá, Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Thủ trưởng các cơ quan và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành.
Nơi nhận: | TM. UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG |
QUY ĐỊNH
VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 122/2003/QĐ-UB ngày 24 tháng 7 năm 2003 của UBND thành phố Đà Nẵng)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Bản quy định này áp dụng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng quy định tại điều 27 Luật đất đai.
1. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh quy định tại quyết định này là đất được xác định tại khoản 1 điều 65 của Luật đất đai và được quy định chi tiết tại Nghị định số 09/CP ngày 12 tháng 02 năm 1996 của Chính phủ về chế độ quản lý sử dụng đất quốc phòng, an ninh;
2. Đất sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng gồm :
2.1. Đất sử dụng xây dựng đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp thoát nước, sông, hồ, đê, đập, kênh mương, các hệ thống công trình thủy lợi khác, trường học, cơ quan nghiên cứu khoa học, bệnh viện, trạm xá, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, quảng trường, sân vận động, cơ sở huấn luyện thể dục thể thao, nhà thi đấu thể thao, sân bay, bến cảng, bến tàu, bến xe, vườn quốc gia, vườn bảo tồn thiên nhiên, khu an dưỡng...;
2.2. Đất sử dụng xây dựng nhà máy thủy điện, trạm biến thế điện, hồ nước dùng cho công trình thủy điện, đường dây tải điện, đường dây thông tin, đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn khí đốt, đài khí tượng thủy văn, các loại trạm quan trắc phục vụ nghiên cứu và dịch vụ công cộng, kho tàng dự trữ quốc gia;
2.3. Đất sử dụng xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội;
2.4. Đất sử dụng xây dựng các công trình thuộc các ngành và lĩnh vực sự nghiệp về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, kỹ thuật và các lĩnh vực sự nghiệp kinh tế khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội , đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân;
2.5 Đất do tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng cho dự án kinh doanh, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu vui chơi giải trí, khu du lịch và các dự án đầu tư khác đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định cấp giấy phép đầu tư theo quy định của pháp luật ;
2.6. Đất sử dụng cho dự án phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư tập trung và các khu dân cư khác đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định ;
2.7. Đất sử dụng cho các công trình công cộng khác và các trường hợp đặc biệt khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ;
2.8. Đất sử dụng xây dựng các công trình phục vụ công ích và công cộng khác không nhằm mục đích kinh doanh của địa phương do UBND thành phố quy định ;
3. Việc thu hồi đất để chỉnh trang đô thị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thực hiện theo Nghị quyết số 03/1998/NQ-HĐND ngày 02 tháng 7 năm 1998 của HĐND thành phố khóa V tại kỳ họp thứ 5.
4. Việc thu hồi đất phục vụ cho các công trình công ích phường, xã bằng hình thức huy động sự đóng góp của nhân dân không áp dụng bồi thường thiệt hại về đất quy định tại Bản quy định này.
Điều 2. Đối tượng bồi thường thiệt hại
1. Đối tượng phải bồi thường thiệt hại : Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (gọi chung là người sử dụng đất) để sử dụng vào mục đích quy định tại Điều 1 nêu trên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về đất và tài sản hiện có gắn liền với đất theo quy định của bản Quy định này.
2. Đối tượng được bồi thường thiệt hại.
2.1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước có đất bị thu hồi (gọi chung là người bị thu hồi đất) được bồi thường thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quy định tại Điều 1 phải có điều kiện quy định tại Điều 6 Bản quy định này;
2.2. Người được bồi thường thiệt hại về tài sản gắn liền với đất bị thu hồi phải là người sở hữu hợp pháp tài sản đó, phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều 3. Phạm vi bồi thường thiệt hại
1. Bồi thường thiệt hại về đất đối với diện tích đất bị thu hồi ;
2. Bồi thường thiệt hại về tài sản hiện có, bao gồm cả các công trình - vật kiến trúc, cây cối hoa màu, mồ mả, công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn liền với diện tích đất bị thu hồi ;
3. Trợ cấp ổn định đời sống và ổn định sản xuất cho những đối tượng phải di chuyển chỗ ở, di chuyển địa điểm sản xuất - kinh doanh ;
4. Trả chi phí chuyển đổi nghề nghiệp cho người có đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trong trường hợp phải chuyển đổi nghề nghiệp ;
5. Trả các chi phí phục vụ trực tiếp cho việc tổ chức thực hiện bồi thường di chuyển, giải phóng mặt bằng.
Điều 4. Những giấy tờ hợp lệ về đất ở được quy định tại khoản 3, Điều 1, Nghị định số 79/2001/NĐ-CP ngày 01/01/2001 của Chính phủ như sau :
“1. Người sử dụng đất khi thực hiện các quyền của mình phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Tổng cục quản lý ruộng đất trước đây hoặc Tổng cục Địa chính phát hành.
2. Người đang sử dụng đất có một trong các giấy tờ quy định sau đây cần làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để được thực hiện các quyền theo quy định của Nghị định này :
a- Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai ;
b- Những giấy tờ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cấp trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai trong từng thời kỳ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà người được giao đất, thuê đất vẫn liên tục sử dụng đất từ đó đến nay;
c- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ địa chính mà không có tranh chấp ;
d- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất ở mà người đó vẫn sử dụng đất liên tục từ đó đến nay và không có tranh chấp ;
đ- Giấy tờ về thừa kế, tặng, cho nhà ở gắn liền với đất mà được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận và đất đó không có tranh chấp;
e- Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật ;
g- Giấy tờ chuyển nhượng đất đai, mua bán nhà ở kèm theo chuyển nhượng quyền sử dụng đất được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thẩm tra là đất đó không có tranh chấp và được Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xác nhận kết quả thẩm tra của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
3. Hộ gia đình, cá nhân khi chuyển nhượng, thừa kế tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với quyền sử dụng đất, thì phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại điểm 2 khoản này.”
Chương 2.
BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ ĐẤT
Điều 5. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về đất :
Khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích nêu tại Điều 1 của Bản quy định này, người bị thu hồi đất được bồi thường thiệt hại bằng tiền đồng Việt Nam theo giá đất do UBND thành phố Đà Nẵng quy định. Trong từng trường hợp cần thiết thì có thể bồi thường bằng nhà ở hoặc bằng đất cùng mục đích sử dụng do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng quyết định.
Điều 6. Điều kiện và mức bồi thường thiệt hại về đất ở :
1. Người sử dụng đất được bồi thường 100% giá trị thiệt hại về đất ở khi có một trong các giấy tờ sau :
1.1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở do UBND tỉnh QN-ĐN (cũ), UBND thành phố Đà Nẵng (cũ), UBND huyện Hòa Vang (trừ Quốc lộ 1A, 14B và hành lang bảo vệ công trình theo quy định của Nhà nước), UBND thành phố Đà Nẵng cấp đúng quy định của pháp luật được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không quá hạn mức. Phần diện tích còn lại bị thu hồi trong hạn mức đất ở (nếu có), nếu sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình được hỗ trợ như sau :
- Sử dụng trước ngày 08/01/1988 : 100% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993 : 80% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến ngày 31/12/1996 : 60% giá trị thiệt hại.
1.2. Quyết định giao đất, cấp đất do UBND tỉnh QN-ĐN (cũ), UBND huyện Hòa Vang (cũ), UBND thành phố Đà Nẵng (cũ), Cơ quan quản lý nhà đất – Xây dựng được ủy quyền của UBND tỉnh QN-ĐN (cũ) cấp theo đúng quy định của pháp luật từ trước ngày 15/10/1993 được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích ghi trong quyết định giao đất, cấp đất. Phần diện tích còn lại bị thu hồi trong hạn mức đất ở (nếu có), nếu sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình được hỗ trợ như sau :
- Sử dụng trước ngày 8/01/1988 : 100% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993 : 80% giá trị thiệt hại.
1.3. Quyết định giao đất do UBND tỉnh QN-ĐN (cũ), UBND huyện Hòa Vang (cũ); UBND thành phố Đà Nẵng (cũ), cấp từ ngày 15/10/1993 đến ngày 31/12/1996 đã nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích ghi trong quyết định giao đất. Phần diện tích đất còn lại bị thu hồi trong hạn mức đất ở (nếu có) chưa nộp tiền sử dụng đất được hỗ trợ 60% giá trị thiệt hại.
1.4. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo đúng quy định của pháp luật do UBND tỉnh QN-ĐN, UBND thành phố Đà Nẵng cấp được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích đã ghi trong Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
1.5. Trích lục nghiệp chủ nhà ở, sổ chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc các loại giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở (sau đây gọi chung là Nghiệp chủ nhà ở) cấp từ ngày 31/12/1996 trở về trước được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích nền nhà đã ghi trong sổ nghiệp chủ. Phần diện tích còn lại bị thu hồi trong hạn mức đất ở (nếu có), nếu sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình được hỗ trợ như sau :
- Sử dụng trước ngày 8/01/1988 : 100% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng đất ở từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993: 80% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến ngày 31/12/1996 : 60% giá trị thiệt hại.
1.6. Giấy tờ chứng minh đã đăng ký vào sổ địa chính theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận được bồi thường thiệt hại về đất ở nhưng không quá hạn mức.
1.7. Giấy tờ hợp pháp về thừa kế theo pháp luật quy định của người để lại thừa kế có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất, được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích ghi trong giấy tờ thừa kế nhưng không quá hạn mức. Phần diện tích còn lại bị thu hồi trong hạn mức (nếu có), nếu sử dụng ổn định, liên tục không tranh chấp, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình được hỗ trợ như sau :
- Trước ngày 8/01/1988 : 100% giá trị thiệt hại.
- Từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993 : 80% giá trị thiệt hại.
- Từ ngày 15/10/1993 trở về sau : 60% giá trị thiệt hại nhưng tổng diện tích đất ở được bồi thường và hỗ trợ cho tất cả những người thụ hưởng thừa kế không quá 2 lần hạn mức.
1.8. Giấy tờ cho, tặng đất ở trước ngày 8/01/1988 của người có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất, có xác nhận của UBND phường, xã tại thời điểm cho, tặng hoặc xác nhận lại được bồi thường thiệt hại về đất theo diện tích ghi trong giấy tờ cho, tặng nhưng không quá hạn mức.
1.9. Quyết định giao đất của cơ quan, đơn vị cho cán bộ, CNV làm nhà ở trước ngày 15/10/1993 trên cơ sở Quyết định giao đất của UBND tỉnh QN-ĐN (cũ) cho cơ quan, đơn vị để làm nhà ở tập thể cho CBCNV được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích đã ghi trong quyết định. Phần diện tích còn lại bị thu hồi trong hạn mức đất ở (nếu có) nếu sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình được hỗ trợ như sau :
- Sử dụng trước ngày 8/01/1988 : 100% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993 : 80% giá trị thiệt hại.
1.10. Có một trong những giấy tờ gốc về nhà ở, đất ở do chế độ cũ cấp mà chủ hộ sử dụng ổn định liên tục từ trước đến nay, không tranh chấp, không thuộc diện đã giao cho người khác sử dụng hoặc do thực hiện các chính sách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam tại địa điểm thu hồi đất thì được coi là giấy tờ hợp lệ để xét bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích đang sử dụng nhưng không quá hạn mức, bao gồm :
- Bằng khoán điền thổ.
- Trích lục chứng thư kiến điền, trích sao bản đồ điền thổ, sơ đồ phân chiết thửa, văn tự đoạn mãi nhà ở, đất ở đã thị thực, trước bạ tại Nha Thuế vụ.
- Giấy tờ mua bán, sang nhượng nhà ở, đất ở có nguồn gốc hợp pháp được chính quyền địa phương đương thời các cấp xác nhận.
- Đơn xin thuê đất ở, giấy chứng nhận đất ở, giấy phép xây dựng nhà ở của chế độ cũ được các cấp chính quyền đương thời xác nhận.
- Giấy phép xây dựng do Ty điền địa cấp.
1.11. Giấy tờ chuyển nhượng nhà ở từ trước ngày 8/01/1988 gắn liền với quyền sử dụng đất của người có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất hoặc của người có nguồn gốc sử dụng ổn định liên tục, được UBND phường, xã xác nhận tại thời điểm hoặc xác nhận lại, được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích đã ghi trong giấy tờ nhưng không quá hạn mức.
1.12. Hợp đồng chuyển dịch bất động sản lập tại cơ quan công chứng Nhà nước đã nộp lệ phí trước bạ; giấy tờ chuyển nhượng đất ở của người có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước thời điểm công bố công khai đồ án quy hoạch xây dựng được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích chuyển nhượng ghi trong hợp đồng.
1.13. Đất đã được sử dụng ổn định trước ngày 8/01/1988 (đối với đất đô thị) và trước ngày 31/5/1990 (đối với đất nông thôn hoặc vùng mới đô thị hóa) được UBND phường, xã xác nhận tại thời điểm sử dụng đất, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình, không lấn chiếm đất trái phép, không tranh chấp, không ảnh hưởng đến quy hoạch được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích ghi trong giấy tờ đã xác nhận tại thời điểm nhưng không quá hạn mức.
1.14. Quyết định cấp đất làm nhà ở, bán thanh lý, hóa giá nhà, giao quản lý sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 của các cơ quan, đơn vị quân đội ; Quân khu, Quân đoàn, Quân chủng, các Tổng cục, Học viện, nhà trường, các cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng, Sư đoàn, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh QN-ĐN (cũ) và các cấp tương đương được bồi thường thiệt hại về đất theo diện tích ghi trong quyết định nhưng không quá hạn mức. Phần diện tích còn lại bị thu hồi trong hạn mức đất ở (nếu có), nếu sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình được hỗ trợ như sau :
- Sử dụng trước ngày 8/01/1988 : 100% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993 : 80% giá trị thiệt hại.
2. Người sử dụng đất được bồi thường 80% giá trị thiệt hại về đất ở khi có một trong các giấy tờ sau :
2.1. Trường hợp được UBND phường, xã bố trí đất ở hoặc xác nhận chứng chuyển cấp có thẩm quyền giao đất, cấp đất ở từ ngày 8 tháng 01 năm 1988 (đối với đất đô thị) và từ ngày 31/5/1990 (đối với đất nông thôn hoặc vùng mới đô thị hóa) đến trước ngày 15/10/1993 được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích ghi trong giấy tờ đã xác nhận tại thời điểm nhưng không quá 50% hạn mức đất ở. Phần diện tích đất còn lại bị thu hồi trong hạn mức đất ở (nếu có), nếu sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình, được hỗ trợ 60% giá trị thiệt hại.
2.2. Trường hợp chuyển nhượng đất ở từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10.1993 của người có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc:
a- UBND phường, xã xác nhận tại thời điểm chuyển nhượng, trong giấy tờ có ghi rõ diện tích chuyển nhượng, được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích ghi trong giấy tờ nhưng không quá hạn mức.
b- UBND phường, xã xác nhận tại thời điểm nhưng trong giấy tờ không ghi rõ diện tích chuyển nhượng, được bồi thường về đất ở nhưng không quá 50% hạn mức đất ở.
c- UBND phường, xã xác nhận lại, được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích ghi trong giấy tờ chuyển nhượng nhưng tối đa không quá 50% hạn mức đất ở.
Phần diện tích đất còn lại bị thu hồi trong hạn mức đất ở (nếu có) tại các tiết a, b, c, điểm 2.2, nêu trên, nếu sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình được hỗ trợ 60% giá trị thiệt hại.
2.3. Trường hợp cho, tặng đất ở của người có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993 :
a- UBND phường, xã xác nhận tại thời điểm cho, tặng được bồi thường thiệt hại về đất theo diện tích ghi trong giấy tờ nhưng không quá hạn mức đất ở.
b- UBND phường, xã xác nhận tại thời điểm cho, tặng nhưng trong giấy tờ không ghi rõ diện tích, được bồi thường thiệt hại về đất ở nhưng không quá 50% hạn mức đất ở.
c- UBND phường, xã xác nhận lại, được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích ghi trong giấy tờ cho, tặng nhưng không quá 50% hạn mức đất ở.
Phần diện tích đất còn lại bị thu hồi trong hạn mức đất ở (nếu có) tại các tiết a, b, c, điểm 2.3. nêu trên, nếu sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình được hỗ trợ 60% giá trị thiệt hại.
3. Người sử dụng đất được bồi thường hoặc hỗ trợ 60% giá trị thiệt hại về đất ở khi có một trong các giấy tờ sau :
3.1. Đang sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao cho tổ chức sử dụng không phải nộp tiền sử dụng đất, không dùng vào mục đích làm nhà ở nhưng các tổ chức này tự phân chia cho cá nhân, hộ gia đình để làm nhà ở trước ngày 15/10/1993, có hộ khẩu thường trú tại địa điểm thu hồi đất thì được bồi thường thiệt hại về đất ở.
3.2. Đang sử dụng nhà ở do các cơ quan, đơn vị xây dựng khu tập thể để bố trí cho CBCNV trên diện tích đất được UBND tỉnh QN-ĐN (cũ), UBND thành phố Đà Nẵng (cũ) giao đất trước ngày 15/10/1993, có hộ khẩu thường trú tại địa điểm thu hồi đất, được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích đã bố trí.
3.3. Đang sử dụng nhà ở nguyên trước đây là nhà làm việc, nhà kho, nhà xưởng do các cơ quan, đơn vị tự bố trí vào ở trước ngày 15/10/1993; có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa chỉ thu hồi đất được hỗ trợ thiệt hại về đất ở.
3.4. Sử dụng đất có giấy tờ cho, tặng đất để làm nhà ở từ ngày 08/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993 mà người cho, tặng không có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất, được UBND phường, xã xác nhận tại thời điểm hoặc xác nhận lại, được hỗ trợ giá trị thiệt hại về đất ở theo diện tích đã ghi trong giấy tờ cho, tặng.
3.5. Sử dụng đất có giấy tờ cho, tặng đất để làm nhà ở từ ngày 15/10/1993 đến ngày 31/12/1996 (người được cho, tặng phải đủ 18 tuổi trở lên), người cho, tặng có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất, được UBND phường, xã xác nhận tại thời điểm hoặc xác nhận lại được hỗ trợ giá trị thiệt hại về đất ở theo diện tích đã ghi trong giấy tờ cho, tặng.
3.6. Sử dụng đất do chuyển nhượng đất để làm nhà ở từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993 của người không có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất, được UBND phường, xã xác nhận tại thời điểm hoặc xác nhận lại, được hỗ trợ thiệt hại về đất ở theo diện tích đã ghi trong giấy tờ chuyển nhượng.
3.7. Sử dụng đất do chuyển nhượng đất để làm nhà ở từ ngày 15/10/1993 trở về sau của người sử dụng đất có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất, UBND phường, xã xác nhận tại thời điểm chuyển nhượng trước ngày 01/01/1997 được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích ghi trong giấy tờ chuyển nhượng.
3.8. Sử dụng đất do tự khai phá đất để làm nhà ở từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993, UBND phường, xã xác nhận lại, được hỗ trợ thiệt hại về đất ở.
3.9. Người đang thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, nếu không được bố trí thuê lại nhà ở nơi khác, được hỗ trợ thiệt hại về đất ở nền nhà và đất trống trong khuôn viên theo thực tế đang sử dụng. Mức bồi thường thiệt hại về đất tính cho một hộ tối thiểu không dưới 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).
Diện tích được bồi thường hoặc hỗ trợ thiệt hại quy định tại các điểm 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, 3.5, 3.6, 3.7, 3.8 và 3.9 nêu trên không quá 50% hạn mức.
3.10. Sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất ở theo đúng quy định của Pháp luật từ ngày 15/10/1993 đến ngày 31/12/1996 mà chưa nộp tiền sử dụng đất được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích đã ghi trong quyết định giao đất.
3.11. Trường hợp không có giấy tờ chứng minh tại thời điểm sử dụng đất, được UBND phường, xã xác nhận lại được quy định tại điểm 1.8, 1.11, khoản 1 ; tiết c, điểm 2.2, tiết c, điểm 2.3, khoản 2 ; điểm 3.4, 3.5, 3.6, 3.8, khoản 3, điều 6, chủ hộ phải cung cấp một trong các giấy tờ sau đây để Hội đồng giải phóng mặt bằng thẩm tra, xác minh thời điểm sử dụng đất, xác định mức bồi thường thiệt hại ;
- Biên lai thu thuế nhà đất của cơ quan thuế, chính quyền địa phương phù hợp với hồ sơ, thời điểm người sử dụng đất.
- Bản sao hộ khẩu ghi rõ thời gian chuyển đến sử dụng nhà ở, đất ở ;
- Giấy tờ khác có liên quan đến nhà ở, đất ở ;
- Biên bản của chính quyền địa phương họp lấy ý kiến công khai tại tập thể nhân dân nơi cư trú, có đại diện UBND , cán bộ địa chính - nhà đất, cán bộ tư pháp, công an khu vực, Mặt trận, đoàn thể phường, xã tham gia.
4. Điều kiện và mức bồi thường hoặc hỗ trợ thiệt hại một số trường hợp cụ thể khác :
4.1. Đối với nhà hóa giá, nhà mua theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ :
a- Trường hợp mua nhà hóa giá mà giá bán nhà đã tính tiền theo hệ số vị trí, tiền thuê bao đất hoặc tiền sử dụng đất thì được bồi thường 100% giá trị thiệt hại về đất ở theo diện tích thể hiện trong hồ sơ bán nhà ;
b- Trường hợp mua nhà hóa giá chưa tính tiền hệ số vị trí, tiền thuê bao đất hoặc tiền sử dụng đất thì được bồi thường 100% giá trị thiệt hại về đất ở đối với phần diện tích nền nhà hóa giá. Nếu có diện tích đất trống trong khuôn viên thì được bồi thường thiệt hại theo từng thời điểm hóa giá nhà nhưng tổng diện tích đất được bồi thường và hỗ trợ (bao gồm đất nền nhà và đất trống trong khuôn viên) không quá hạn mức.
c- Trường hợp mua nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP và đăng ký trả tiền trong nhiều năm ; hiện chưa thực hiện xong nghĩa vụ nộp tiền thì được bồi thường 100% phần giá trị nhà và đất theo tỷ lệ số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước ; phần tỷ lệ nhà và đất chưa nộp tiền được hỗ trợ 60% giá trị đất và 60% giá trị nhà.
4.2. Đối với nhà mua thanh lý trước ngày 15/10/1993 :
Người mua thanh lý nhà ở tập thể, nhà xưởng, nhà kho để làm nhà ở do cơ quan, đơn vị xây dựng từ nguồn vốn tự có thì được bồi thường 100% giá trị thiệt hại về đất ở đối với phần diện tích nền nhà thanh lý. Nếu có diện tích đất trống trong khuôn viên thì được hỗ trợ thiệt hại 60% giá trị thiệt hại nhưng tổng diện tích đất được bồi thường (bao gồm đất nền nhà và đất trống trong khuôn viên) không vượt quá 50% hạn mức đất ở.
Mức bồi thường và hỗ trợ thiệt hại về đất đối với trường hợp này tối thiểu không dưới 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng)/1 hộ.
4.3. Đối với nhà nhiều tầng nhiều hộ cùng sử dụng :
Trường hợp nhà nhiều tầng, do nhiều hộ cùng sử dụng thì hệ số điều chỉnh giá trị sử dụng từng tầng vận dụng quy định tại Nghị định số 21/CP ngày 16/4/1996 và Nghị định số 38/2000/NĐ-CP ngày 23/8/2000 của Chính phủ như sau :
a- Đối với giá trị sử dụng về nhà ở :
- Tầng 1 áp dụng hệ số 1,0
- Tầng 2 áp dụng hệ số 0,8
- Tầng 3 áp dụng hệ số 0,7
- Tầng 4 áp dụng hệ số 0,6
- Tầng 5 áp dụng hệ số 0,5
- Tầng 6 trở lên áp dụng hệ số 0,4
b- Đối với giá trị sử dụng về đất :
Nhà | Hệ số các tầng | |||||
Tầng 1 | Tầng 2 | Tầng 3 | Tầng 4 | Tầng 5 | Tầng 6 trở lên | |
2 tầng | 0,7 | 0,3 |
|
|
|
|
3 tầng | 0,7 | 0,2 | 0,1 |
|
|
|
4 tầng | 0,7 | 0,15 | 0,1 | 0,05 |
|
|
5 tầng trở lên | 0,7 | 0,15 | 0,08 | 0,05 | 0,02 | 0,00 |
4.4. Trường hợp chuyển nhượng, cho, tặng đất để làm nhà ở từ ngày 15/10/1993 trở đi của người không có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất, được hỗ trợ thiệt hại theo giá đất nông nghiệp theo diện tích ghi trong giấy tờ.
4.5. Trường hợp chuyển nhượng, cho tặng đất khuôn viên để làm nhà ở từ ngày 1/01/1997 trở đi của người có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất nhưng chưa hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật được bồi thường thiệt hại theo giá đất khuôn viên theo diện tích ghi trong giấy tờ.
4.6. Giấy tờ hợp pháp về thừa kế của người để lại thừa kế không có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất, nếu sử dụng ổn định, liên tục, không tranh chấp, không vi phạm hành lang bảo vệ công trình, được bồi thuờng và hỗ trợ thiệt hại về đất ở như sau :
- Sử dụng trước ngày 8/01/1988 được bồi thuờng 100% giá trị thiệt hại theo diện tích ghi trong giấy tờ thừa kế nhưng không quá hạn mức ; phần diện tích còn lại bị thu hồi trong hạn mức (nếu có) được hỗ trợ 100% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 8/01/1988 đến trước 15/10/1993 bồi thường theo giá trị đất ở của người để lại thừa kế theo diện tích ghi trong giấy tờ thừa kế nhưng không quá hạn mức; phần diện tích còn lại bị thu hồi trong hạn mức (nếu có) được hỗ trợ 80% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 15/10/1993 trở về sau, được bồi thường hoặc hỗ trợ theo giá trị đất ở của người để lại thừa kế. Trường hợp người để lại thừa kế sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 thì việc bồi thường và hỗ trợ cho tất cả những người thụ hưởng thừa kế không quá 2 lần hạn mức.
4.7. Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về giải quyết ly hôn, tranh chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở có nguồn gốc hợp pháp, tranh chấp đất ở hoặc Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật được bồi thường thiệt hại về đất ở theo diện tích đã ghi trong Bản án, Quyết định nhưng không quá hạn mức. Giá trị bồi thường, hỗ trợ thiệt hại tùy theo thời gian sử dụng đất cụ thể như sau :
- Sử dụng trước ngày 8/01/1988 được bồi thường 100% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 8/01/1988 đến trước ngày 15/10/1993 được bồi thường 80% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 15/10/1993 trở về sau được hỗ trợ 60% giá trị thiệt hại.
4.8. Trường hợp người bị thu hồi đất có đăng ký tên trong sổ mục kê và sơ đồ thửa tại UBND xã theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993; trong đó có phần đất thổ cư, trước khi bồi thường thiệt hại về đất ở, Hội đồng giải phóng mặt bằng phải thẩm tra lại thời điểm sử dụng đất, giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất của các hộ để xác định mức bồi thường, hợ trợ thiệt hại về đất theo quy định nhưng không quá hạn mức cho diện tích đất bị thu hồi, cụ thể :
- Sử dụng trước ngày 31/5/1990 được bồi thường 100% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 31/5/1990 đến trước ngày 15/10/1993 được bồi thường 80% giá trị thiệt hại.
- Sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến ngày 31/12/1996 được hỗ trợ 60% giá trị thiệt hại.
5. Phần diện tích đất khuôn viên còn lại của người bị thu hồi đất, (ngoài phần diện tích đất đã bồi thường hoặc hỗ trợ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, điều 6) được bồi thường theo giá đất khuôn viên.
Điều 7. Trường hợp không được bồi thường thiệt hại về đất
Người bị thu hồi đất không thuộc một trong các điều kiện quy định tại Điều 6 của bản quy định này hoặc tại thời điểm sử dụng đất vi phạm quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt công bố hoặc vi phạm các quy định hành lang bảo vệ công trình, người chiếm đất trái phép khi Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường thiệt hại về đất. Trong trường hợp xét thấy cần phải hỗ trợ thì Chủ tịch UBND thành phố xem xét quyết định trên cơ sở đề nghị của Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng.
Điều 8. Bồi thường thiệt hại đối với đất nông nghiệp , đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản, đất mồ mả :
1. Khi thu hồi đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất làm muối, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản (không xen lẫn đất ở) của người sử dụng đất được cấp có thẩm quyền giao đất, cấp đất sử dụng lâu dài theo đúng qui định của Pháp luật về đất đai thì người bị thu hồi được bồi thường bằng đất theo diện tích và hạng đất của đất bị thu hồi. Nếu không có đất bồi thường thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền theo giá đất quy định tại Điều 9 của bản quy định này.
2. Người bị thu hồi đất do Nhà nước giao cho sử dụng tạm thời, đất đấu thầu thuê đất thì không được bồi thường thiệt hại về đất. Việc bồi thường thiệt hại chi phí đã đầu tư vào đất (nếu có) do Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng đề xuất để Sở Tài chính – Vật giá trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét quyết định ; người thuê đất của Nhà nước đã nộp trước tiền thuê đất cho nhiều năm nếu bị thu hồi trước thời gian Hợp đồng thì người sử dụng đất được bồi thường số tiền thuê đất đã nộp cho thời gian chưa được sử dụng tính theo giá đất thời điểm có quyết định thu hồi đất.
3. Người tự khai hoang để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối trước ngày 15/10/1993 và liên tục sử dụng cho đến khi thu hồi đất, không có tranh chấp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước thì được bồi thường theo khoản 1, Điều này ;
4. Đối với đất mồ mả, khu nghĩa trang, nghĩa địa không bồi thường thiệt hại về đất chỉ bồi thường chi phí di dời mồ mả và được cải táng tại các khu quy hoạch nghĩa trang ; đối với các trường hợp có giấy tờ hợp lệ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp.
Điều 9. Giá đất để tính bồi thường thiệt hại
1. Giá đất để tính bồi thường thiệt hại được áp dụng theo bảng giá do UBND thành phố quy định cho từng loại đường phố, đoạn đường phố, từng vị trí đất, từng loại đất tại thời điểm bồi thường trên cơ sở khung giá đất do Chính phủ quy định cho vùng, từng địa phương. Trường hợp đặc biệt Chủ tịch UBND thành phố sẽ quyết định giá đất cho từng dự án trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính - Vật giá và có sự tham gia của các ngành có liên quan.
2. Giá đất khuôn viên (đồng/m2) bằng 20% giá đất ở tại vị trí của lô đất nằm trong khuôn viên đó cộng với giá đất nông nghiệp.
Điều 10. Hạn mức đất ở được bồi thường :
1. Hạn mức bồi thường đất ở là diện tích đất tối đa mà người bị thu hồi đất được bồi thường theo giá trị đất ở đối với diện tích đất bị thu hồi (được quy định cụ thể tại điều 6 bản qui định này).
2. Người sử dụng đất ở ổn định liên tục từ ngày 8/01/1988 đến nay chưa quy định cụ thể tại điều 6 bản quy định này thì thực hiện bồi thường đối với diện tích đất bị thu hồi tối đa bằng hạn mức đất ở. Hạn mức đất ở làm cơ sở bồi thường thiệt hại về đất qui định đối với từng địa phương phường, xã, quận, huyện theo Nghị quyết HĐND thành phố Đà Nẵng khóa V, kỳ họp lần thứ 2 ngày 27/6/1997 như sau :
- Quận Hải Châu :
+ Phường Khuê Trung và phường Hòa Cường là : 300m2/1 hộ;
+ Các phường còn lại : 200m2/1 hộ;
- Quận Thanh Khê :
+ Phường An Khê và phường Thanh Lộc Đán là : 300m2/1 hộ;
+ Các phường còn lại : 200m2/1 hộ;
- Quận Sơn Trà : 300m2/ 1 hộ.
- Quận Ngũ Hành Sơn :
+ Phường Bắc Mỹ An : 300m2/1 hộ.
+ Phường Hòa Quý, Hòa Hải : 400m2/ 1 hộ. Đối với những trường hợp sử dụng đất ở có vị trí nằm mặt tiền đường Lê Văn Hiến và Trần Đại Nghĩa là 300m2/ 1 hộ.
- Quận Liên Chiểu : 400m2/ 1 hộ. Đối với những trường hợp sử dụng đất ở có vị trí nằm mặt tiền đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Cừ, Âu Cơ là 300m2/ 1 hộ.
- Huyện Hòa Vang : 400m2/ 1 hộ. Đối với những trường hợp sử dụng đất có vị trí nằm mặt tiền đường Trường Chinh, Quốc lộ 1A, Cách Mạng Tháng Tám, 14B, đường 601, đường 602 là : 300m2/ 1 hộ.
3. Đối với những hộ bị thu hồi đất có đất khuôn viên rộng đủ điều kiện bồi thường 100% giá trị thiệt hại cho 100% hạn mức thì có thể bồi thường đất ở mức cao hơn (trừ trường hợp được hỗ trợ 100% giá trị thiệt hại), nhưng tối đa không quá hai lần hạn mức đất ở quy định đối với từng địa bàn. Cụ thể như sau :
3.1. Hộ có diện tích bị thu hồi từ 1,5 đến 2,5 lần hạn mức thì diện tích được bồi thường bằng 1,25 lần hạn mức.
3.2. Hộ có diện tích bị thu hồi từ trên 2,5 lần đến 3 lần hạn mức thì diện tích được bồi thường bằng 1,5 lần hạn mức.
3.3. Hộ có diện tích bị thu hồi từ trên 3 đến 4 lần hạn mức thì diện tích được bồi thường bằng 1,75 lần hạn mức.
3.4. Hộ có diện tích bị thu hồi từ trên 4 lần hạn mức thì diện tích được bồi thường bằng 2 lần hạn mức.
3.5. Ngoài các trường hợp tại điểm 3.1, 3.2, 3.3, 3.4, khoản 3, điều này, nếu có phát sinh những trường hợp đặc biệt cần nâng hạn mức bồi thường, Hội đồng GPMB xem xét trình Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng quyết định.
Điều 11. Phương pháp xác định diện tích đất ở để bồi thường thiệt hại :
1. Trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích đất :
1.1. Diện tích đất ở trong hạn mức bị thu hồi bồi thường theo giá đất ở ;
1.2. Diện tích đất còn lại bồi thường theo giá đất khuôn viên theo quy định tại khoản 2 điều 9 Bản quy định này ;
2. Trường hợp chỉ thu hồi một phần không thu hồi hết đất của chủ sử dụng thì áp dụng như sau :
2.1. Trường hợp tổng diện tích đất sử dụng bằng hoặc nhỏ hơn hạn mức đất ở quy định cho từng địa phương thì được bồi thường theo giá đất ở cho diện tích đất bị thu hồi đã quy định cho từng trường hợp cụ thể ở điều 6 bản quy định này.
2.2. Trường hợp tổng diện tích đất sử dụng lớn hơn hạn mức đất theo quy định thì phương pháp tính bồi thường như sau :
a- Căn cứ theo biên bản tự chọn vị trí đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo Nghị định 60/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ để đền bù diện tích đất ở và đất khuôn viên.
b- Áp dụng công thức để bồi thường theo giá đất ở cho phần diện tích đất bị thu hồi nếu chưa có biên bản tự chọn vị trí để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở như sau :
Diện tích đất bồi thường theo giá đất ở | = | Diện tích đất thu hồi | ´ | Hạn mức đất ở quy định cho từng khu vực |
Tổng diện tích đất đang sử dụng |
- Phần diện tích đất còn lại bồi thường theo giá đất khuôn viên quy định tại khoản 2 điều 9 bản quy định này.
Điều 12. Bồi thường thiệt hại đối với đất chuyên dùng
1. Các tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất hoặc đã nộp tiền sử dụng đất bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước khi bị thu hồi đất không được bồi thường thiệt hại về đất nhưng được bồi thường thiệt hại chi phí đầu tư vào đất (nếu có). Tùy theo nhu cầu cần thiết sẽ được Nhà nước xem xét chuyển quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất mới.
Điều kiện để được xem xét bồi thường chi phí đã đầu tư vào đất bao gồm :
1.1. Có đầy đủ chứng từ, hồ sơ tài liệu chứng minh đã đầu tư vào đất ;
1.2. Có thể hiện đầy đủ số liệu trên sổ sách kế toán theo dõi tài sản cố định và được cơ quan chức năng xác nhận ;
1.3. Đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước trong quá trình sử dụng đất.
2. Doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, Công ty Cổ phần, Công ty TNHH, Doanh nghiệp tư nhân, đơn vị kinh tế tập thể bị Nhà nước thu hồi về đất nếu đất đó đã nộp tiền sử dụng đất không thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước thì được bồi thường thiệt hại về đất và được Nhà nước xem xét chuyển quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất mới.
3. Cá nhân, tổ chức trong nước mua thanh lý hóa giá nhà xưởng ; hồ sơ mua bán đã xác định giá trị nhà và diện tích đất thanh lý hoặc sau khi mua nhà xưởng đã nộp tiền sử dụng đất theo quy định bằng nguồn vốn của cá nhân, tổ chức ; khi bị thu hồi đất được bồi thường thiệt hại về đất chuyên dùng. Tùy theo nhu cầu cần thiết sẽ được Nhà nước xem xét chuyển quyền sử dụng đất hoặc cho thuê đất mới.
Chương 3.
BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN
Điều 13. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản
1. Bồi thường thiệt hại về tài sản bao gồm nhà, kho tàng, công trình kiến trúc và các tài sản khác gắn liền với đất (không thể tháo gỡ, di dời được), cây trồng trong diện tích đất bị thu hồi ;
2. Chủ sở hữu tài sản là người có tài sản hợp pháp quy định tại khoản 1, điều này khi Nhà nước thu hồi đất mà bị thiệt hại đến tài sản thì được bồi thường thiệt hại theo giá trị hiện có của tài sản ;
3. Chủ sở hữu tài sản có trên đất không hợp pháp quy định tại điều 8 của bản quy định này thì không được bồi thường thiệt hại, tùy từng trường hợp cụ thể được Chủ tịch UBND thành phố xem xét hỗ trợ trên cơ sở đề xuất của Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng.
Điều 14. Điều kiện được bồi thường thiệt hại về nhà và tài sản
1. Chủ sở hữu nhà, kho tàng, công trình kiến trúc, và các tài sản khác gắn liền với đất mà có Giấy phép xây dựng hoặc có Sổ nghiệp chủ, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà; nếu không có các giấy tờ trên thì phải có xác nhận của Chính quyền địa phương.
Nhà, kho tàng, công trình kiến trúc, và các tài sản khác gắn liền với đất vi phạm hành lang bảo vệ công trình hoặc xây dựng sau thời điểm có thông báo quy hoạch ; quyết định phê duyệt và công bố quy hoạch của UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), UBND thành phố Đà Nẵng (cũ) và UBND thành phố Đà Nẵng thì không được bồi thường thiệt hại ;
2. Chủ sở hữu nhà, kho tàng, công trình kiến trúc, và các tài sản khác gắn liền với đất do mua lại của Nhà nước, các đơn vị có chức năng kinh doanh nhà mà người mua đã nộp đủ tiền mua nhà và hoàn tất thủ tục nộp thuế trước bạ, sang tên, cải nghiệp ;
3. Chủ sở hữu do mua thanh lý hóa giá nhà ở tập thể, nhà xưởng, kho tàng của cơ quan, đơn vị SXKD dùng đất sản xuất để xây dựng nhà ở bố trí cho cán bộ, công nhân viên trong cơ quan hoặc nhà xưởng, kho tàng đã được cơ quan, đơn vị bán thanh lý cho người sử dụng;
4. Chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất do thừa kế, cho, tặng, mua lại của các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp về tài sản đã hoàn tất các thủ tục và nghĩa vụ chuyển dịch tài sản quy định của pháp luật.
Điều 15. Phương pháp xác định giá trị bồi thường về tài sản :
1. Đối với nhà ở :
1.1. Các loại nhà cấp 1, cấp 2, cấp 3, nhà biệt thự, các công trình kiến trúc và hạng mục khác gắn liền với nhà loại trên (không tháo dỡ di chuyển được) được bồi thường bằng giá trị hiện có. Việc phân loại nhà cấp 1, 2, 3, nhà biệt thự căn cứ vào thông tư số 05/BXD-ĐT ngày 09/2/1993 của Bộ Xây dựng.
Giá trị hiện có được xác định như sau :
Giá trị bồi thường (=) diện tích sử dụng của nhà và kho tàng, công trình kiến trúc và các tài sản gắn liền với nhà nhân với (´) đơn giá xây dựng mới, nhân với (´) tỷ lệ (%) chất lượng còn lại ;
- Đơn giá xây dựng mới của nhà, kho tàng, công trình kiến trúc và các tài sản khác gắn liền với nhà được áp dụng theo phụ lục số 1 và số 2 kèm theo bản Quy định này.
- Tỷ lệ (%) chất lượng còn lại được áp dụng theo Thông tư 13/LB-TT ngày 18 tháng 8 năm 1994 của Liên bộ Xây dựng - Tài chính - Vật giá Chính phủ ;
1.2. Đối với nhà cấp 4, nhà tạm và công trình phụ độc lập gắn liền với nhà cấp 4, nhà ở tạm (như sân, tường rào, cổng, giếng nước, các công trình vệ sinh, nhà chăn nuôi gia súc) của hộ gia đình : mức bồi thường thiệt hại được tính bằng giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có kỹ thuật tương đương theo giá tại Phụ lục số 1 và Phụ lục số 2 kèm theo Bản quy định này ;
2. Đối với nhà, kho tàng, công trình kiến trúc, và các tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, khi bị thu hồi đất Hội đồng giải phóng mặt bằng đề xuất từng trường hợp cụ thể để trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét quyết định.
3. Đối với nhà, kho tàng, công trình (sau đây gọi tắt là nhà) chỉ giải tỏa một phần được tính toán bồi thường như sau :
3.1. Đối với nhà có kết cấu chịu lực bằng khung bê tông cốt thép hoặc khung sắt thì được tính từ vệt giải tỏa vào đến khung chịu lực tiếp theo ; đối với nhà có kết cấu tường chịu lực hoặc kết cấu kết hợp khung chịu lực và tường chịu lực thì đền bù đến bước khung hoặc tường chịu lực gần vệt giải tỏa nhất.
3.2. Đối với nhà không có vì kèo thì phương pháp tính chấn động như sau :
- Đối với nhà xây, mái lợp ngói diện tích bồi thường được cộng thêm chấn động 1m tính từ điểm cắt sâu nhất ;
- Đối với nhà xây, mái lợp tôn diện tích đền bù được cộng thêm chấn động 0,5m tính từ điểm cắt sâu nhất ;
3.3. Đối với nhà xây, mái lợp tôn hoặc ngói, vệt giải tỏa cắt ngang qua đỉnh nhõn được tính bồi thường như sau :
- Chiều dài của phần nhà còn lại tính từ điểm cắt sâu nhất của vệt giải tỏa đến tường gần nhất nhỏ hơn hoặc bằng 3m thì bồi thường toàn bộ nhà ;
- Chiều dài của phần nhà còn lại tính từ điểm cắt sâu nhất của vệt giải tỏa đến tường gần nhất lớn hơn 3m thì bồi thường như điểm 3.2, khoản 3, điều này và phần mái nhà còn lại.
- Đối với nhà xây, mái lợp tôn hoặc ngói : chiều dài của phần nhà còn lại tính từ vệt giải tỏa đến đỉnh nhõn nhỏ hơn hoặc bằng 1,5m thì được bồi thường phần diện tích bị giải tỏa theo phương pháp bồi thường qui định chung và toàn bộ phần mái còn lại ;
3.4. Đối với nhà xây mái ngói hoặc tôn nếu vệt giải tỏa cắt ngang với vì kèo làm thay đổi kết cấu chịu lực thì được bồi thường như sau :
- Trường hợp chiều dài còn lại của phần nhà tính từ điểm cắt sâu nhất của vệt giải tỏa đến tường cuối cùng đỡ vì kèo nhỏ hơn hoặc bằng 3m thì bồi thường toàn bộ nhà ;
- Trường hợp chiều dài còn lại của phần nhà tính từ điểm cắt sâu nhất của vệt giải tỏa đến tường cuối cùng đỡ vì kèo lớn hơn 3m thì bồi thường theo phương pháp đền bù qui định chung và toàn bộ phần mái còn lại.
3.5. Đối với nhà xây mái ngói hoặc tôn nếu vệt giải tỏa dọc theo vì kèo thì bồi thường từ vệt giải tỏa đến vì kèo tiếp theo của nhà ;
3.6. Đối với các loại nhà xây trệt có mượn một hoặc hai bức tường của nhà khác thì vận dụng đơn giá nhà có cùng kết cấu và trừ đi giá trị tường thiếu theo tỷ lệ kết cấu trong Thông tư 13/LB-TT ngày 18/8/1994 của Liên Bộ Xây dựng – Tài chính – Ban Vật giá Chính phủ về đánh giá chất lượng kết cấu nhà, cụ thể :
- Thiếu 01 bức tường (cả móng) tính giảm đơn giá :
6,25 | ´ | Giá cùng cấp loại nhà | ´ | 1 lần |
61 |
- Thiếu 02 bức tường (cả móng) tính giảm đơn giá :
6,25 | ´ | Giá cùng cấp loại nhà | ´ | 2 lần |
61 |
3.7. Đối với các loại nhà xây có một bức tường bằng ván thì vận dụng đơn giá như điểm 1.2, khoản 1, điều này và cộng thêm giá trị vách ván 20.000đ/m2.
3.8. Đối với các loại nhà xây có 2 mặt tường xây lững và ván thì vận dụng 2 mặt tường xây lững và ván như nhà xây có một bức tường bằng ván.
3.9. Đền bù phần mái và kết cấu đỡ mái bằng 42% so với đơn giá nhà ô tơ có mức chuẩn. Trường hợp ô tơ nhà thấp hơn mức ô tơ chuẩn quy định thì đền bù phần mái và kết cấu đỡ mái theo đơn giá thực tế của nhà có ô tơ đó nhân với 42%. Trường hợp ô tơ nhà cao hơn mức ô tơ chuẩn quy định thì đền bù phần mái và kết cấu đỡ mái theo mức ô tơ chuẩn nhân với 42%.
4. Đối với vật kiến trúc, công trình, tài sản có thể tháo gỡ, di chuyển đến chỗ mới để lắp đặt lại thì chỉ hỗ trợ chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt. Mức hỗ trợ tối đa không quá 20% so với giá trị mới (cùng loại) đối với vật tư của phần kết cấu tháo gỡ thu hồi được ; những vật tư không thể tháo gỡ di chuyển được thì bồi thường theo giá trị hiện có.
5. Đối với cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải di chuyển cơ sở đến địa điểm mới thì được trợ cấp toàn bộ chi phí di chuyển. Mức chi phí di chuyển do đơn vị lập dự toán theo giá trị thị trường hợp lý tại địa phương được cơ quan chức năng thẩm định trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt.
6. Đối với nhà, công trình bị giải tỏa phải phá dỡ một phần nhưng phần diện tích nhà, công trình còn lại không còn sử dụng được hoặc khi xây dựng lại nhà mới phải phá dỡ như cầu thang, các công trình phụ... thì Hội đồng giải phóng mặt bằng đề xuất Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng quyết định bồi thường thiệt hại cho phần công trình bị ảnh hưởng đó.
Điều 16. Hỗ trợ cho người thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và người đang sử dụng nhà do cơ quan bố trí :
1. Người đang Hợp đồng thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước khi giải tỏa thì được bố trí thuê lại nhà ở khác. Trong trường hợp không có nhà ở để bố trí thuê lại, thì được xem xét hỗ trợ 60% giá trị nhà đối với diện tích nhà đang thuê và hỗ trợ 100% giá trị còn lại của nhà, vật kiến trúc do chủ hộ tự xây dựng cơi nới thêm.
2. Người đang sử dụng nhà ở tập thể, nhà trước đây là nhà làm việc, nhà kho, nhà xưởng do các cơ quan, đơn vị tự bố trí vào ở trước 15 tháng 10 năm 1993 ; có đăng ký hộ khẩu riêng tại địa chỉ thu hồi đất, nếu không bố trí lại nhà ở, thì được xem xét hỗ trợ 60% trị giá nhà đối với diện tích nhà được phân và 100% giá trị còn lại của nhà, vật kiến trúc do chủ hộ tự xây dựng cơi nới thêm. Giá nhà áp dụng theo phụ lục số 1 kèm theo Bản Quy định này.
Điều 17. Bồi thường về mồ mả
1. Việc bồi thường, di chuyển mồ mả, mức đền bù được áp dụng mức giá theo phụ lục số 1 kèm theo bản quy định này ;
2. Trường hợp mồ mả xây có thành quách xung quanh, mức bồi thường đối với thành quách được tính theo khối lượng thực tế nhân với đơn giá theo bảng giá thành phần công việc tại phụ lục số 2 của bản Quy định này.
Đối với mộ mới mai táng dưới 1 năm (theo giấy chứng tử) hỗ trợ thêm cho mỗi mộ là 3.000.000đ.
Đối với mộ mới mai táng trên 1 năm đến dưới 3 năm (theo giấy chứng tử) hỗ trợ thêm cho mỗi mộ là 2.000.000đ.
Điều 18. Bồi thường, di chuyển đối với các di tích lịch sử, nhà thờ, đền chùa, nghĩa trang liệt sĩ.
Việc bồi thường, di chuyển đối với các di tích lịch sử, nhà thờ, đền chùa, nghĩa trang liệt sĩ trên cơ sở đề nghị của các Hội đồng giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND thành phố quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
Điều 19. Bồi thường thiệt hại về hoa màu, vật nuôi :
1. Mức bồi thường đối với cây hàng năm, được tính bằng giá trị sản lượng thu hoạch một năm theo năng suất bình quân của 3 năm trước đó.
Mức giá bồi thường cụ thể cho từng loại rau, hoa màu quy định tại phụ lục số 3 kèm theo bản Quy định này.
Đối với các vườn rau, ruộng rau có mật độ che phủ từ 70% trở lên thì được tính toán đền bù theo diện tích thực tế đang gieo trồng.
Đối với các vườn rau, ruộng rau có mật độ che phủ dưới 70% thì tùy theo từng vườn, ruộng để tính tỷ lệ phần trăm theo mật độ độ che phủ đất.
Đối với cây chiết cành tính bằng 30% giá trị đền bù của loại cây cùng loại.
Đối với con vật nuôi (kể cả trong nuôi trồng thủy sản) không tính bồi thường, Hội đồng giải phóng mặt bằng, các Ban quản lý dự án, các chủ dự án thông báo trước cho người bị giải tỏa ít nhất là ba (03) tháng để thu hoạch sản phẩm.
2. Mức bồi thường đối với cây lâu năm, cây ăn quả trồng trong vườn nhà có trồng xen kẽ các loại rau, hoa màu được tính theo đơn giá quy định tại phụ lục số 3 kèm theo Bản quy định này nhưng giá trị đền bù về cây không vượt quá 50.000đ/m2. Trường hợp cây trồng dày, vượt quá quy định thì cũng chỉ đền bù 50.000đ/m2. Trường hợp giá trị cây cối hoa màu bồi thường dưới mức quy định 50.000đ/m2 thì bồi thường theo thực tế.
3. Trường hợp đối với loại đất lúa, đất màu các hộ giải tỏa mới thay đổi cây trồng bồi thường theo thực tế mật độ rau màu che phủ đất nhưng mức bồi thường tối đa không vượt quá 65% mật độ đối với cây loại rau màu có giá trị kinh tế cao mà hộ giải tỏa mới chuyển đổi cây trồng do không có cơ sở để xác định bình quân năng suất của 3 vụ trước đó. Đơn giá bồi thường thiệt hại hoa màu tính theo đơn giá quy định tại phụ lục số 3 kèm theo bản quy định này.
4. Không bồi thường đối với các loại cây trồng sau thời điểm thông báo kiểm định.
Không đền bù các loại hoa màu trồng xen trong các vườn cây ăn quả, cây công nghiệp chuyên canh như : xoài, quế, bạch đàn, dương liễu, keo lá tràm, keo tai tượng, keo lai... sau thời điểm kiểm định.
Đối với những loại cây, hoa màu trồng chiếm dụng trên đất hoang do UBND phường, xã quản lý tùy theo từng trường hợp cụ thể hỗ trợ mức tối đa không quá 10% giá trị đền bù của loại cây hoa màu đó.
5. Đối với những vườn trồng cây chuyên canh hoặc rừng trồng, chủ dự án phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Sở Thủy sản - Nông lâm căn cứ định mức kinh tế - kỹ thuật do Nhà nước quy định và giá trị thực tế từng loại cây tính toán cụ thể giá trị bồi thường trình Chủ tịch UBND thành phố quyết định theo nguyên tắc :
5.1. Nếu cây trồng đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản hoặc mới bắt đầu vụ thu hoạch đầu tiên thì bồi thường toàn bộ chi phí ban đầu, chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất ;
5.2. Nếu cây đang ở thời kỳ thu hoạch thì bồi thường theo giá trị còn lại của vườn cây. Giá trị còn lại của vườn cây bằng giá trị đầu tư ban đầu cộng chi phí chăm sóc đến vụ thu hoạch đầu tiên trừ phần khấu hao. Trong trường hợp không xác định được giá trị còn lại của vườn cây thì mức bồi thường tối đa bằng hai năm sản lượng tính theo sản lượng bình quân của ba năm trước đó theo giá của sản phẩm cùng loại ở thị trường Đà Nẵng tại thời điểm bồi thường ;
5.3. Nếu là loại cây lâu năm thu hoạch một lần thì bồi thường toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu và chi phí chăm sóc tính đến thời điểm thu hồi đất ;
5.4. Nếu là cây lâu năm đến thời hạn thanh lý, cây lấy gỗ đến thời kỳ thu hoạch thì chi bồi thường chi phí cho việc chặt hạ.
Riêng đối với rừng cây bạch đàn, phi lao, quế và một số loại cây ăn quả trồng chuyên canh tập trung bồi thường theo qui định tại phụ lục số 3 kèm theo Bản quy định này và phương pháp tính bồi thường như sau :
Chu kỳ bạch đàn, phi lao và các loại keo là 7 năm; cây quế là 15 năm; cây ăn quả các loại là 5 năm. Như vậy trong thời kỳ kiến thiết cơ bản cây trồng đến năm nào thì cộng chi phí đầu tư đến năm đó để tính toán giá trị bồi thường.
Cơ sở để xác định năm trồng cây căn cứ vào Hợp đồng giao đất trồng rừng, Hợp đồng giao khoán để xác định cây trồng đến năm thứ mấy của chu kỳ. Trường hợp không xác định được năm trồng cây thì Hội đồng giải phóng mặt bằng mời Sở Thủy sản nông lâm tham gia để xác định cụ thể làm căn cứ tính toán giá trị bồi thường.
Đối với bạch đàn, phi lao và các loại keo đã trồng đến năm thứ 7 thì chỉ đền bù chi phí chặt hạ bằng 15% giá trị bồi thường đầu tư đến năm thứ 6.
Đối với cây quế trồng đến năm thứ 15 thì chỉ bồi thường chi phí chặt hạ bằng 20% giá trị bồi thường đầu tư đến năm thứ 14.
Đối với cây ăn quả từ năm thứ 6 trở đi các loại cây trên có sản phẩm thu hoạch ổn định thì tính theo điểm 5.2, khoản 5, Điều 19 của Bản quy định này.
Chương 4.
CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP, HỖ TRỢ VÀ THƯỞNG
Điều 20. Trợ cấp chi phí di chuyển
Những hộ dân cư, hộ đang ở nhà tập thể, nhà thuộc sở hữu Nhà nước trong diện giải tỏa khi di chuyển đến nơi ở mới được trợ cấp chi phí di chuyển như sau:
1. Di chuyển đến chỗ ở mới trong phạm vi cùng quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng: trợ cấp 1.000.000 đồng (một triệu đồng)/hộ chính;
2. Di chuyển đến chỗ ở mới khác quận, huyện đang ở thuộc thành phố Đà Nẵng: trợ cấp 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm ngàn đồng)/hộ chính;
3. Trường hợp di chuyển chỗ ở sang các tỉnh, thành phố khác: trợ cấp 5.000.000 đồng (năm triệu đồng)/hộ chính.
4. Hộ phụ có nhà riêng, có công trình phụ riêng, có hộ khẩu thường trú riêng được trợ cấp 50% so với hộ chính.
Điều 21. Trợ cấp ổn định đời sống
1. Đối với trường hợp những hộ có hộ khẩu tại nơi phải giải tỏa khi Nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ ổn định đời sống theo các mức sau:
1.1. Mức hỗ trợ 06 tháng/ 1 nhân khẩu cho trường hợp:
- Những hộ phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất.
- Những hộ chỉ giải tỏa một phần nhưng phần nhà còn lại không thể sử dụng được mà phải xây dựng lại toàn bộ nhà, các Ban quản lý dự án, các chủ đầu tư phải phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra cụ thể xác nhận, được Hội đồng giải phóng mặt bằng thống nhất đề nghị.
1.2. Mức hỗ trợ 3 tháng/1 nhân khẩu cho trường hợp:
Những hộ chỉ bị giải tỏa một phần nhà, phần còn lại vẫn sử dụng làm nhà ở được.
2. Đối với những hộ có nhà ở tại nơi bị giải tỏa đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất có hộ khẩu tại thành phố Đà nẵng nhưng chưa chuyển hộ khẩu đến, có sổ đăng ký tạm trú - tạm vắng dài hạn tại công an phường nơi giải tỏa; phải di chuyển chỗ ở khi Nhà nước thu hồi đất thì hỗ trợ như điểm 1.1, khoản 1, Điều 21 của Bản quy định này.
Trường hợp những hộ nguyên trước đây có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵng nhưng vì lý do nào đó đã chuyển hộ khẩu nay thuộc diện KT3 chưa nhập khẩu lại được thì hỗ trợ như điểm 1.1, khoản 1, Điều 21 của Bản quy định này.
3. Đối với trường hợp mới nhập hộ khẩu hoặc có xác nhận tạm trú sau thời điểm kiểm định bồi thường không thuộc diện được hỗ trợ ổn định đời sống.
Riêng đối với trường hợp sau đây được xem xét giải quyết hỗ trợ ổn định đời sống:
- Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học, dạy nghề trở về nơi ở cũ.
- Trẻ em mới sinh.
- Mới kết hôn, con dâu (hoặc con rể) về ở nhà chồng (hoặc nhà vợ).
- Các trường hợp đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc hết thời gian tập trung cải tạo trở về nơi ở cũ.
Các trường hợp trên phải có giấy tờ chứng minh cho từng trường hợp.
Mức hỗ trợ ổn định đời sống 1 tháng được tính bằng tiền cho một nhân khẩu tương đương 30kg gạo tẻ theo giá thị trường tại thành phố Đà Nẵng. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm thông báo giá gạo theo từng thời điểm để làm cơ sở tính hỗ trợ.
Điều 22. Trợ cấp ngừng sản xuất kinh doanh
1. Hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tư nhân tại nhà, tổ hợp tác, HTX, các doanh nghiệp tư nhân (do không có đủ căn cứ để xác định chính xác số lượng công nhân hiện đang làm việc lâu dài, ổn định) thực sự phải ngừng sản xuất - kinh doanh do giải tỏa mà có đăng ký kinh doanh, có nộp thuế đầy đủ tại địa điểm giải tỏa thì được trợ cấp ngừng sản xuất kinh doanh bằng số thuế thực tế đã nộp của 03 tháng thuế thu nhập doanh nghiệp gần thời điểm giải tỏa nhất (có biên lai nộp thuế kèm theo);
Trường hợp các hộ trong khu vực giải tỏa có đăng ký SXKD nhưng chỉ nộp lệ phí hàng tháng, không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thì không trợ cấp ngừng việc.
Đối với những hộ bị giải tỏa một phần nhà mà vệt giải tỏa không vào nơi trực tiếp SXKD thì không được hỗ trợ ngừng SXKD.
2. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Công ty TNHH, Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân phải di chuyển toàn bộ cơ sở đến địa điểm mới, thực sự có ngừng sản xuất - kinh doanh do phải giải tỏa thì Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng đề xuất, trình Chủ tịch UBND thành phố quyết định; số lượng công nhân được trợ cấp là người có Hợp đồng lao động lâu dài và có đóng bảo hiểm xã hội. Mức trợ cấp 1 tháng bằng 70% lương cơ bản theo cấp bậc công việc đang hưởng hoặc mức tương đương theo cấp bậc lương do Nhà nước quy định. Thời gian để tính hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.
Điều 23. Trợ cấp chi phí chuyển đổi nghề cho lao động sản xuất nông nghiệp đối với các hộ có đất nông nghiệp, có giấy tờ hợp lệ, được bồi thường 100% giá trị thiệt hại :
1. Mức hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề (tính theo 1m2 đất thu hồi):
1.1. Đối với hộ có đất trồng cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung (dạng trang trại): 2.500đ/m2
1.2. Đối với hộ có đất đang sản xuất cây lương thực (lúa, cây màu), rau muống, rau ngổ: 4.500đ/m2
1.3. Đối với hộ có đất đang sản xuất ổn định các loại rau, hoa có giá trị bồi thường 15.000 đồng/m2 trở lên là: 8.000đ/m2
1.4. Đối với hộ có đất đang trồng các loại rau, hoa còn lại là: 6.000đ/m2
1.5. Đối với hộ đang sản xuất nuôi trồng thủy sản:
a/ Hộ nuôi tôm thịt, nuôi cá nuớc ngọt và các loại thủy sản khác: phần diện tích mặt nước hồ (bể) nuôi từ 10.000m2 trở xuống trợ cấp: 3.000đ/m2; phần diện tích mặt nước hồ (bể) nuôi vượt 10.000m2 trở lên thì trợ cấp 1.500đ/m2. Tổng số tiền trợ cấp cho một lần thu hồi đất không quá 50.000.000đ.
b/ Hộ nuôi tôm giống tại các trại chuyên canh: phần diện tích mặt nước hồ (bể) nuôi từ 10.000m2 trở xuống trợ cấp 8.000đ/m2; phần diện tích mặt nước hồ (bể) nuôi vượt 10.000m2 trở lên thì trợ cấp 4.000đ/m2. Tổng số tiền trợ cấp cho một lần thu hồi đất không quá 120.000.000đ.
c/ Hộ nuôi tôm, cá trên diện tích ao, hồ tự nhiên: 120đ/m2
d/ Hộ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm: Phần diện tích chuồng, trại nuôi từ 10.000m2 trở xuống trợ cấp 8.000đ/m2 chuồng trại; phần diện tích chuồng trại trên 10.000m2 thì trợ cấp 4.000đ/m2
2. Đối với hộ mới chuyển đổi hình thức canh tác các loại cây trồng và con vật nuôi trong thời gian dưới 12 tháng trước thời điểm đo đạc kiểm định thì không được trợ cấp chuyển đổi ngành nghề theo nghề mới.
3. Đối với các hộ được giao đất nhưng không trực tiếp sử dụng mà cho thuê đất thì không được trợ cấp chuyển đổi ngành nghề. Trường hợp giao cho người khác thuê sử dụng thì tùy từng trường hợp cụ thể, giao cho Chủ tịch HĐGPMB xem xét trợ cấp chuyển đổi ngành nghề cho người trực tiếp sản xuất.
4. Giao cho Chủ tịch UBND các phường, xã chịu trách nhiệm xác nhận quá trình sử dụng đất vào việc trồng cây, nuôi trồng thuỷ sản của từng hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất trên địa bàn để Hội đồng GPMB có cơ sở quyết định mức trợ cấp chuyển đổi ngành nghề cho từng hộ.
5. Ngoài các trường hợp trên, nếu phát sinh những trường hợp khác cần trợ cấp chuyển đổi ngành nghề, Hội đồng GPMB xem xét trình Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng quyết định.
6. Các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích khác, nếu có nhu cầu tuyển dụng lao động phải ưu tiên tuyển dụng lao động đối với các lao động trong hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi để giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng.
Điều 24. Hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ già yếu neo đơn, hộ khó khăn đột xuất:
Đối với những hộ chính sách, ngoài những khoản chế độ được hưởng ở Điều 20, 21, 22 và 23 Bản quy định này còn được hỗ trợ như sau:
1. Hộ có ba thân nhân là liệt sĩ trở lên, Bà mẹ Việt Nam anh hùng hoặc một thương binh hạng 1/4, Anh hùng LLVT, Anh hùng lao động: được hỗ trợ 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng)/hộ.
2. Hộ có hai thân nhân là liệt sĩ hoặc một thương binh hạng 2/4: được hỗ trợ 2.000.000 đồng (Hai triệu đồng)/hộ.
3. Hộ có một thân nhân là liệt sĩ hoặc một thương binh hạng 3/4, 4/4, bệnh binh các loại: được hỗ trợ 1.000.000 đồng (Một triệu đồng)/hộ.
Trường hợp trong một hộ có nhiều người thuộc diện được hưởng nhiều mức hỗ trợ quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này thì được cộng các mức để hỗ trợ; Trường hợp hộ gia đình có người thuộc diện được hưởng nhiều mức hỗ trợ nêu trên thì chỉ giải quyết mức hỗ trợ cao nhất mà người đó được hưởng.
4. Hộ diện xóa đói, giảm nghèo có xác nhận của chính quyền địa phương được hỗ trợ 1.000.000đ (Một triệu đồng)/hộ.
5. Hộ có khó khăn đột xuất, Trưởng các ban quản lý công trình trực tiếp đề xuất Chủ tịch UBND thành phố quyết định mức hỗ trợ.
6. Đối với các trường hợp bồi thường thiệt hại thấp từ 30 triệu đồng trở xuống, gia đình có hoàn cảnh già yếu neo đơn có khó khăn giao cho Chủ tịch UBND các quận, huyện đề xuất Chủ tịch UBND thành phố quyết định mức trợ cấp khó khăn.
Điều 25. Những trường hợp cụ thể khác.
1. Trường hợp trong hộ có nhân khẩu đang chờ nhập hộ khẩu đã nộp hồ sơ xin đăng ký hộ khẩu tại Công an địa phương (quận, huyện) nơi cư trú được hỗ trợ bằng 50% của các mức quy định tại Điều 21, Điều 24 của Bản quy định này;
2. Đối với các hộ chỉ giải tỏa một phần đất, tường rào, cổng ngõ, nhà quán không ảnh hưởng đến nhà ở thì không được hưởng mức trợ cấp trên.
Điều 26. Quy định thưởng tiến độ
Đối với những công trình cần mặt bằng để thi công theo chủ trương của UBND thành phố cần giải tỏa gấp, Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng đề xuất Chủ tịch UBND thành phố quy định về thời gian xét thưởng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt chủ trương, chính sách và kế hoạch giải tỏa, giao mặt bằng đúng thời gian quy định đối với từng dự án. Mức thưởng quy định như sau:
1. Thưởng 5% trên giá trị bồi thường của nhà, công trình phụ, vật kiến trúc, cây cối (trừ giá trị đất và các chính sách hỗ trợ khác) đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có giá trị đền bù dưới 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng);
2. Thưởng 8% trên giá trị bồi thường của nhà, công trình phụ, vật kiến trúc, cây cối (trừ giá trị đất và các chính sách hỗ trợ khác) đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có giá trị đền bù từ 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) trở lên.
Nhưng mức thưởng tối đa đối với nhà ở, công trình phụ, vật kiến trúc không quá 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng)/hộ giải tỏa;
3. Đối với lều quán, vườn, rừng phải chặt phá, mức thưởng bằng 50% mức quy định chung nhưng tối đa không quá 2.500.000 đồng (Hai triệu năm trăm ngàn đồng)/hộ giải tỏa.
Điều 27. Các đối tượng không được hưởng các chính sách hỗ trợ và bị xử phạt vi phạm hành chính:
Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cố tình không chấp hành chủ trương, chính sách và kế hoạch giải tỏa theo đúng thời gian quy định, khi có quyết định xử lý vi phạm hành chính thì không được hưởng các chính sách trợ cấp, hỗ trợ và thưởng được quy định tại chương IV Bản quy định này và sẽ bị cưỡng chế hành chính để giải phóng mặt bằng. Mọi chi phí cho công tác cưỡng chế do người bị cưỡng chế chi trả.
Chương 5.
QUY ĐỊNH VỀ TÁI ĐỊNH CƯ
Điều 28. Quyền và nghĩa vụ của người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở
1. Quyền của người bị thu hồi đất phải di chuyển đến nơi ở mới:
1.1. Việc đăng ký tái định cư tại các khu tái định cư theo quy định của UBND thành phố.
1.2. Được ưu tiên giải quyết các quyền lợi có liên quan của hộ và các thành viên trong hộ theo quy định của pháp luật và của UBND thành phố.
1.3. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về đất đai; được miễn nộp lệ phí địa chính, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
2. Nghĩa vụ của người bị thu hồi đất phải di chuyển đến nơi ở mới:
2.1. Người được bố trí đất tái định cư phải đăng ký đất và ký hợp đồng với cơ quan quản lý khu tái định cư, có nghĩa vụ thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký kết.
2.2. Xây dựng nhà, công trình theo đúng quy hoạch và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 29. Điều kiện bắt buộc của khu tái định cư
1. Khu tái định cư phải xây dựng phù hợp với quy hoạch, tiêu chuẩn và quy chuẩn xây dựng ở đô thị hoặc nông thôn.
2. Khu tái định cư phải được xây dựng tối thiểu đầy đủ các cơ sở hạ tầng như: hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước, thoát nước, nơi sinh hoạt cộng đồng, đường nội bộ, đường ra vào khu tái định cư…
Điều 30. Bố trí nhà ở, đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân tại khu tái định cư:
1. Việc bố trí đất ở tại khu tái định cư thực hiện theo nguyên tắc sau:
1.1.Ưu tiên bố trí đối với các hộ chấp hành chủ trương GPMB sớm thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng di chuyển chỗ ở vào khu tái định cư tại cộng đồng nơi ở mới.
1.2. Ưu tiên bố trí ở những vị trí thuận lợi trong khu tái định cư cho các hộ có vị trí thuận lợi tại nơi ở cũ, các hộ chính sách.
2. Trong trường hợp nơi tái định cư là chung cư nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ, thì đơn vị quản lý chung cư hoặc cơ quan bố trí tái định cư có trách nhiệm:
2.1. Thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân đã đăng ký di chuyển đến khu tái định cư về các nội dung sau:
- Địa điểm xây dựng, số tầng, tổng số căn hộ, diện tích sử dụng của từng căn hộ theo từng tầng, đơn giá của từng loại căn hộ.
- Dự kiến bố trí các hộ vào từng căn hộ hoặc tùy tình hình cụ thể có hình thức bố trí khác như tổ chức bốc thăm...
2.2. Đảm bảo cho các hộ vào khu tái định cư xem xét cụ thể căn hộ dự kiến bố trí cho gia đình mình và các căn hộ khác.
3. Căn cứ vào diện tích đất thu hồi của từng hộ, giá trị bồi thường thiệt hại và quy hoạch chi tiết từng khu dân cư việc bố trí đất tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc: Giá trị bồi thường thấp thì bố trí vào đường nhỏ; giá trị bồi thường cao thì bố trí vào đường lớn.
Giao cho Hội đồng giải phóng mặt bằng trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt và công bố công khai sơ đồ mặt bằng bố trí tái định cư tại UBND các phường, xã và các ban quản lý công trình.
Điều 31. Đối tượng bố trí đất tái định cư và nhà ở chung cư:
1. Hộ chính bố trí tái định cư là: hộ có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được bồi thường hoặc hỗ trợ thiệt hại về đất theo giá đất ở sẽ được Nhà nước chuyển quyền sử dụng đất trong khu quy hoạch tái định cư theo giá đất quy định đối với hộ chính :
1.1. Nếu diện tích đất bị thu hồi đất ở và đất khuôn viên dưới 1,5 lần hạn mức đất ở thì bố trí 1 lô đất hộ chính. Trường hợp hộ chính có diện tích đất ở và đất khuôn viên bị thu hồi từ 1,5 lần đến dưới 2 lần hạn mức đất ở thì được bố trí 01 lô đất hộ chính và 01 lô đất hộ phụ.
1.2. Trường hợp hộ bị thu hồi đất ở và đất khuôn viên từ 2 lần hạn mức trở lên thì được bố trí 2 lô đất hộ chính .
1.3. Hộ chính sử dụng đất do cho, tặng, mua bán, chuyển nhượng đất để làm nhà ở từ người có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất do tách thửa từ sau ngày 01 tháng 01 năm 1997, nếu diện tích đất bị thu hồi từ 1/4 hạn mức đất ở trở lên thì được bố trí 01 lô đất hộ chính.
2. Hộ phụ bố trí tái định cư: Hộ phụ là hộ không được đền bù theo giá đất ở; hộ có nhà ở, công trình phụ riêng trong khu đất của hộ chính có diện tích đất bị thu hồi từ 100m2 đất trở lên do chia tách thửa được đền bù theo giá đất khuôn viên.
2.1. Trường hợp trong hộ chính có nhiều hộ gia đình cùng sống chung trong 1 nhà hoặc có 8 nhân khẩu trở lên có hộ khẩu thường trú từ ngày 31 tháng 12 năm 2000 trở về trước. Trường hợp nhập hộ khẩu sau ngày 31 tháng 12 năm 2000 phải là các đối tượng được quy định tại khoản 3, Điều 21 của bản quy định này thì được xem xét bố trí 01 lô đất hộ phụ.
2.2. Những hộ có diện tích đất bị thu hồi dưới 1/4 hạn mức đất ở do chuyển nhượng, cho, tặng có nguồn gốc tách thửa từ ngày 01 tháng 01 năm 1997, có hộ khẩu thường trú tại địa điểm thu hồi đất trước ngày 31 tháng 12 năm 2000 được bố trí 01 lô đất hộ phụ.
2.3. Hộ làm nhà trên đất nông nghiệp, có nhà, có hộ khẩu thường trú tại địa điểm thu hồi đất từ ngày 31 tháng 12 năm 2000 trở về trước được bố trí 01 lô đất hộ phụ.
3. Các trường hợp không nằm trong các quy định tại khoản 1 và 2, Điều 31 được bố trí đất tái định cư nêu trên, nếu thực sự có nhu cầu về nhà ở sẽ được xem xét bố trí 01 căn hộ ở chung cư.
4. Ngoài những trường hợp quy định nêu trên, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng đề xuất Chủ tịch UBND thành phố việc giải quyết bố trí đất tái định cư cho hộ chính, hộ phụ, bố trí căn hộ chung cư cho những trường hợp đặc biệt.
Điều 32. Miễn giảm tiền sử dụng đất và cho nợ tiền sử dụng đất.
1. Thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất đối với các hộ giải toả thuộc diện chính sách theo Quyết định số 151/2002/QĐUB ngày 27/12/2002 của UBND thành phố.
2. Thực hiện giảm 10% tiền sử dụng đất cho tất cả các trường hợp thực hiện nộp tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày sau khi nhận đất tái định cư.
3. Các hộ có giá trị bồi thường thiệt hại dưới 30 triệu đồng được nợ 100% tiền sử dụng đất.
4. Các hộ có giá trị bồi thường thiệt hại từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng được giữ lại 30 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Số tiền còn lại nộp tiền sử dụng đất.
5. Các hộ có giá trị bồi thường thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 70 triệu đồng được cho nợ tối đa là 70% tiền sử dụng đất.
6. Các hộ có giá trị bồi thường thiệt hại từ 70 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng cho nợ tối đa là 50% tiền sử dụng đất.
Tiền sử dụng đất các hộ nợ quy định tại khoản 4, 5, 6, Điều 32, được quy ra vàng 98% tại thời điểm trong thời hạn 5 năm không tính lãi. Quá thời hạn nêu trên sẽ được gia hạn nợ tiếp 5 năm không tính lãi.
7. Ngoài những quy định nêu trên, Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng đề xuất Chủ tịch UBND thành phố việc giảm và cho nợ tiền sử dụng đất cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt .
Điều 33. Trong thời gian chờ bố trí đất tái định cư, nếu các hộ chính bố trí tái định cư bị giải toả không được bố trí vào ở nhà tạm thì được hỗ trợ tiền thuê nhà: 500.000 đồng /tháng. Thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà không quá 6 tháng. Khi đã hết thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà nhưng vẫn chưa bố trí đất tái định cư thì Hội đồng giải phóng mặt bằng đề xuất Chủ tịch UBND thành phố việc tiếp tục hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ. Hộ phụ bố trí tái định cư được hỗ trợ tiền thuê nhà ở bằng 50% so với hộ chính.
Điều 34. Các biện pháp khôi phục sản xuất và đời sống tại khu tái định cư
1. Cải tạo đất để mở rộng sản xuất nông nghiệp trong vùng tái định cư.
2. Cải tạo, xây dựng và phát triển các công trình thủy lợi đảm bảo nước cho sản xuất và sinh hoạt.
3. Hỗ trợ kỹ thuật cho vụ sản xuất đầu tiên để tăng năng suất nông nghiệp gồm: dịch vụ khuyến nông, dịch vụ bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi.
4. Hộ gia đình, cá nhân được vay vốn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi.
5. Hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng nhà ở tại khu tái định cư gồm: thiết kế nhà, tư vấn về vật liệu và kỹ thuật xây dựng.
Điều 35. Nguồn vốn xây dựng khu tái định cư
Nguồn vốn sử dụng để xây dựng các khu tái định cư gồm:
1. Kinh phí bồi thường thiệt hại cơ sở hạ tầng tại nơi thu hồi đất do người được sử dụng đất trả.
2. Vốn từ việc sử dụng quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định tại Điều 22a của Luật Đất đai.
3. Nguồn hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước để xây dựng đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, cải tạo đất để mở rộng sản xuất nông nghiệp.
4. Nguồn hỗ trợ của Chủ dự án, mức hỗ trợ cụ thể do UBND thành phố quyết định trên cơ sở thỏa thuận với Chủ dự án.
5. Các nguồn vốn khác theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điều 36. Tái định cư đối với các dự án lớn của Nhà nước
Đối với dự án đầu tư phải di chuyển cả một cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng thì tùy từng trường hợp cụ thể do Chủ tịch UBND thành phố quyết định chính sách tái định cư đặc biệt với mức cao nhất được áp dụng là trợ cấp toàn bộ chi phí lập khu tái định cư mới, xây dựng nhà ở, cải tạo đồng ruộng, xây dựng cơ sở hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bao gồm cả các công trình văn hóa truyền thống của cộng đồng), trợ cấp ổn định đời sống và sản xuất.
Chương 6.
CHI PHÍ PHỤC VỤ CHO CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG VÀ TÁI ĐỊNH CƯ
Điều 37. Chi phí phục vụ cho công tác bồi thường giải tỏa
Chi phí phục vụ cho công tác bồi thường giải tỏa thực hiện theo các văn bản quy định của thành phố theo từng thời điểm.
Chương 7.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 38. Tổ chức việc bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Căn cứ quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, căn cứ quy mô, đặc điểm và tính chất của từng dự án, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng quyết định thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng để tổ chức thực hiện công tác bồi thường thiệt hại và tái định cư.
Điều 39. Trách nhiệm của các cấp, các ngành
1. Chủ tịch UBND thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng lập phương án bồi thường thiệt hại, phê duyệt phương án bồi thường thiệt hại và giải quyết các vướng mắc do các ngành trình.
2. Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm:
2.1. Là Chủ tịch Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng đối với các công trình được UBND thành phố phân cấp nằm trên địa bàn quận, huyện;
2.2. Tổ chức, vận động nhân dân thực hiện chủ trương giải tỏa, giám sát kiểm tra hướng dẫn việc chi trả bồi thường, chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng để cùng đề xuất mức hỗ trợ đối với những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;
2.3. Kiểm tra hành chính về nhà và đất, xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức cưỡng chế hành chính các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm:
3.1. Xác định giá đất, giá nhà cửa, vật kiến trúc, công trình, giá cây trồng, để tính bồi thường thiệt hại trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt làm căn cứ hướng dẫn các Ban quản lý dự án, Ban giải tỏa đền bù xác định mức đền bù;
3.2. Thẩm định và kiểm tra việc áp giá bồi thường, mức trợ cấp, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân do các ban quản lý dự án, Ban giải tỏa đền bù đề nghị để phê duyệt hoặc trình Chủ tịch UBND thành phố xem xét quyết định;
3.3. Giám sát, kiểm tra, hướng dẫn việc chi trả bồi thường, trợ cấp hỗ trợ cho từng đối tượng và chi phí cho công tác tổ chức bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng; thẩm định dự toán và thẩm tra quyết toán chi phí đền bù và chi phí phục vụ công tác bồi thường của các Ban quản lý dự án, Ban giải tỏa đền bù trình UBND thành phố quyết định.
4. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường có trách nhiệm:
4.1. Thẩm tra quy mô, diện tích đất thuộc đối tượng được đền bù hoặc không được bồi thường, lập thủ tục thu hồi đất, giao đất trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đề xuất mức độ bồi thường hoặc trợ cấp về đất cho từng trường hợp bị thu hồi làm cơ sở cho việc tính toán bồi thường thiệt hại và trợ cấp về đất cho từng trường hợp;
4.2. Thực hiện các nhiệm vụ về quản lý đất đai theo Luật Đất đai để tổ chức thực hiện bồi thường và lập khu tái định cư mới;
4.3. Chịu trách nhiệm trong việc xác định tính hợp pháp hoặc không hợp pháp về đất, vị trí, hệ số đất bị thu hồi làm cơ sở cho việc tính toán bồi thường thiệt hại.
5. Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm:
5.1. Thẩm định cấp nhà, loại nhà, diện tích chất lượng còn lại và tính hợp pháp của nhà ở và vật kiến trúc, các công trình xây dựng của từng đối tượng trong khu vực giải phóng mặt bằng trên cơ sở đề xuất của chủ dự án, làm cơ sở tính toán bồi thường.
5.2. Phối hợp với Sở Tài Chính - Vật Giá xác định đơn giá nhà và các công trình xây dựng, vật kiến trúc khác trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở để xác định giá trị bồi thường;
6. Giám đốc Sở Công nghiệp có trách nhiệm: Thẩm định thiết kế dự toán các dự án có liên quan đến giải toả thuộc ngành như: Điện, Bưu điện, chi phí di dời máy móc thiết bị …
7. Các cơ quan có liên quan khác thuộc UBND thành phố và UBND các quận, huyện có trách nhiệm tham gia cùng với Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng về các lĩnh vực thuộc quản lý chuyên ngành khi có yêu cầu của Hội đồng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định và xác nhận của mình;
8. Các Ban quản lý dự án, Ban giải tỏa đền bù, người được giao đất, thuê đất có trách nhiệm:
8.1. Chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc xác định tính hợp pháp hoặc không hợp pháp về nhà, đất và vật kiến trúc trên đất để làm cơ sở cho việc tính toán bồi thường thiệt hại;
8.2. Phối hợp với UBND các quận, huyện, các ban ngành có liên quan xây dựng phương án bồi thường trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt;
8.3. Tổ chức thực hiện các nội dung và các bước công việc liên quan đến công tác giải tỏa bồi thường theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố;
8.4. Tổ chức chi trả kịp thời tiền bồi thường thiệt hại hoặc trợ cấp cho các đối tượng bị thiệt hại theo quy định của Nhà nước;
8.5. Lập dự toán và quyết toán chi phí bồi thường, chi phí phục vụ cho công tác bồi thường theo quy định của Nhà nước.
8.6. Lập thủ tục bố trí đất tái định cư, thu và ghi nợ tiền sử dụng đất theo đúng quy định.
9. UBND các phường, xã:
9.1. Là thành viên của Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng nếu dự án thuộc địa bàn quản lý;
9.2. Tổ chức vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương bồi thường giải tỏa của Nhà nước;
9.3. Căn cứ các quy định của Nhà nước, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, xây dựng nhà, tài sản khác trên đất và các chế độ chính sách khác của các đối tượng thuộc diện giải tỏa.
Chương 8.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 40. Hiệu lực của Bản quy định trong một số trường hợp cụ thể
Quy định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2003. Các dự án dở dang đang chi trả bồi thường thiệt hại theo Quyết định 141/2002/QĐUB ngày 18 tháng 12 năm 2002 và Quyết định số 60/2003/QĐ-UB ngày 26 tháng 3 năm 2003 của UBND thành phố chuyển sang thực hiện theo Quy định này.
Điều 41. Khiếu nại và thời hiệu
1. Người bị thu hồi đất nếu thấy quyết định bồi thường thiệt hại không đúng với quy định thì được quyền khiếu nại và được giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại và tố cáo. Người khiếu nại phải gửi đơn đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định bồi thường thiệt hại. Quá thời hạn nêu trên, đơn khiếu nại không có giá trị xem xét xử lý.
2. Trong khi chờ giải quyết việc khiếu nại, người khiếu nại vẫn phải chấp hành di chuyển giải phóng mặt bằng và giao đất đúng kế hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định theo Điều 38, Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ.
Điều 42. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, các ngành, đơn vị, và các cá nhân phản ánh về Văn phòng HĐND và UBND thành phố để tổng hợp và phối hợp với ngành liên quan trình UBND thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Điều 43. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, có động cơ cá nhân hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến vi phạm các qui định có liên quan đến công tác đền bù giải tỏa thì tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà có thể xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi hoàn theo qui định của pháp luật.
PHỤ LỤC 1
ĐƠN GIÁ NHÀ CỬA, VẬT KIẾN TRÚC, MỒ MẢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 122 /2003/QĐ-UB ngày 24 tháng 7 năm 2003 của UBND TP Đà Nẵng)
STT | Tên công trình và vật kiến trúc | ĐVT | Đơn giá | Ghi chú |
1 | Nhà ở (kể cả công trình phụ trong nhà) |
|
|
|
1.1 | Nhà trệt, móng đá hộc, mái ngói, tường xây 110 kể cả mặt trước 220, nền xi măng, ô tơ từ 3 - 3,5m | đ/m2XD | 470.000 | - Nhà có ô tơ < 3m, cứ 10cm thấp hơn giảm 20.000đ/ m2XD nhưng giá đền bù tối thiểu không dưới 315.000đ/m2 XD. - Nhà có ô tơ > 3,5m, cứ 10cm cao hơn được cộng thêm 20.000đ/m2XD nhưng giá đền bù tối đa không quá 580.000đ/m2XD |
1.2 | Nhà trệt, móng đá hộc, mái ngói, tường xây 110 kể cả mặt trước 220, khung BTCT, nền xi măng, ô tơ > 4,5m | đ/m2XD | 810.000 | Nhà có ô tơ < 4,5m, cứ 10cm thấp hơn giảm 20.000đ/m2XD nhưng giá đền bù tối thiểu không dưới 570.000đ/m2XD |
1.3 | Nhà trệt, móng đá hộc, mái ngói, tường xây 110 kể cả mặt trước 220, nền xi măng, hiên đúc, ô tơ từ 3-3,5m | đ/m2XD | 550.000 | - Nhà có ô tơ < 3m, cứ 10cm thấp hơn giảm 20.000đ/m2XD nhưng giá đền bù tối thiểu không dưới 385.000đ/m2XD. |
|
|
|
| - Nhà có ô tơ > 3,5m, cứ 10cm cao hơn được cộng thêm 20.000đ/m2XD nhưng giá đền bù tối đa không quá 650.000đ/ m2XD |
| * Nhà có kết cấu như trên nhưng chỉ giải toả phần hiên đúc. | đ/m2XD | 690.000 |
|
1.4 | Nhà trệt, móng đá hộc, mái ngói, tường xây 110 kể cả mặt trước 220, khung BTCT, nền xi măng, hiên đúc, ô tơ ≥ 4,5m | đ/m2XD | 890.000 | Nhà có ô tơ < 4,5m, cứ 10cm thấp hơn giảm 20.000đ/m2XD nhưng giá đền bù tối thiểu không dưới 650.000đ/m2XD |
1.5 | Nhà 1 tầng, móng đá hộc, mái đúc, tường xây 110 kể cả mặt trước 220, nền xi măng, ô tơ > 3,5m |
|
| Nhà có ô tơ < 3,5m, cứ 10cm thấp hơn giảm 20.000đ/m2XD nhưng giá đền bù tối thiểu không dưới 730.000đ/m2XD đối với nhà có khung BTCT và 650.000đ/ m2XD đối với nhà không có khung BTCT |
* Nếu có khung BTCT | đ/m2XD | 945.000 |
| |
*Tường 220, không có khung BTCT | đ/m2XD | 840.000 |
| |
| Phòng lồi mái đúc | đ/m2XD | 735.000 |
|
1.6 | Nhà 2 tầng móng đá hộc, tường xây 110 khung BTCT hoặc 220, sàn gỗ, mái ngói, nền xi măng, chiều cao tối thiểu của 2 tầng là 6m | đ/m2XD | 610.000 | - Trường hợp chiều cao 2 tầng < 6m, cứ 10cm thấp hơn giảm 20.000đ/m2XD. - Trường hợp chiều cao 2 tầng < 5,4m thì xác định như nhà trệt có gác lững gỗ, nhưng giá đền bù của nhà trệt chưa tính gác lững gỗ tối thiểu không dưới 340.000đ/m2XD |
1.7 | Nhà 2 tầng móng đá hộc, tường xây 110 khung BTCT hoặc tường xây 220, sàn gỗ, mái đúc, nền xi măng, chiều cao tối thiểu của 2 tầng là 6m | đ/m2XD | 760.000 | - Trường hợp chiều cao 2 tầng < 6m, cứ 10cm thấp hơn giảm 20.000đ/m2XD nhưng mức tối thiểu của chiều cao 2 tầng không dưới 5,4m. - Trường hợp chiều cao 2 tầng < 5,4m thì xác định như nhà trệt mái đúc có gác lững gỗ, nhưng giá đền bù của nhà trệt mái đúc chưa tính gác lững gỗ tối thiểu không dưới 600.000đ/m2XD |
1.8 | * Nhà 2 tầng móng đá hộc, tường xây 110 khung BTCT, sàn đúc, mái ngói, nền xi măng, chiều cao tối thiểu của 2 tầng là 6m | đ/m2XD | 790.000 | - Trường hợp chiều cao 2 tầng < 6m, cứ 10cm thấp hơn giảm 20.000đ/m2XD nhưng mức tối thiểu của chiều cao 2 tầng không dưới 5,4m. - Trường hợp chiều cao 2 tầng < 5,4m thì xác định như nhà trệt có gác lững đúc, nhưng giá đền bù của nhà trệt chưa tính gác lững đúc tối thiểu không dưới 590.000 đ/m2XD |
| * Nhà 2 tầng móng đá hộc, tường xây 220 chịu lực, sàn đúc, mái ngói, nền xi măng, chiều cao tối thiểu của 2 tầng là 6m | đ/m2XD | 690.000 |
|
1.9 | Nhà 2 tầng móng đá hộc, tường xây 110 kể cả mặt trước 220, khung BTCT, sàn đúc, mái đúc, nền xi măng | đ/m2XD | 910.000 |
|
1.10 | Nhà 3 tầng trở lên móng đá hộc, tường xây 110 kể cả mặt trước 220, khung BTCT, sàn đúc, mái đúc, nền xi măng | đ/m2XD | 970.000 |
|
1.11 | Nhà 3 tầng trở lên móng đá hộc, tường xây 110 kể cả mặt trước 220, khung BTCT, sàn đúc, mái ngói, nền xi măng, ôtơ tầng trên cùng tối thiểu 3m | đ/m2XD | 890.000 |
|
| * Đối với nhà 2 tầng trở lên, mái tôn kẽm giảm 53.000đ/m2 sử dụng so với nhà có cùng kết cấu mái ngói |
|
| Chỉ tính giảm đối với tầng lợp mái tôn |
1.12 | Cabin cầu thang tính theo đơn giá nhà trệt, mái ngói, tường xây, nền xi măng và tính ô tơ như đối với nhà ở |
|
|
|
2 | Nhà có kết cấu đơn giản |
|
|
|
2.1 | Nhà trệt, sườn gỗ hoặc sắt, vách ván hoặc tôn, mái tôn hoặc Fibroximăng, nền xi măng, có độ cao từ nền nhà đến xà gỗ thấp nhất là 2,6m | đ/m2XD | 210.000 | - Trường hợp độ cao từ nền nhà đến xà gỗ thấp nhất > 2,6m, cứ 10cm cao hơn cộng thêm 10.000đ/m2XD, nhưng mức giá đền bù tối đa không quá 260.000đ/m2XD. - Trường hợp độ cao từ nền nhà đến xà gỗ thấp nhất < 2,6m, cứ 10cm thấp hơn giảm 10.000đ/m2XD, nhưng mức giá đền bù tối thiểu không dưới 100.000đ/m2XD |
2.2 | Nhà trệt, sườn tre hoặc các loại cây gỗ tận dụng, vách ván hoặc tôn, mái tôn hoặc Fibro-ximăng, nền xi măng, có độ cao từ nền nhà đến xà gồ thấp nhất là 2,6m | đ/m2XD | 156.000 | - Trường hợp độ cao từ nền nhà đến xà gỗ thấp nhất > 2,6m, cứ 10cm cao hơn cộng thêm 10.000đ/m2XD, nhưng mức giá đền bù tối đa không quá 206.000đ/m2XD. - Trường hợp độ cao từ nền nhà đến xà gỗ thấp nhất < 2,6m, cứ 10cm thấp hơn giảm 10.000đ/m2XD, nhưng mức giá đền bù tối thiểu không dưới 100.000đ/m2XD |
2.3 | Đơn giá một số kết cấu thay đổi theo nhà: |
|
|
|
| - Mái ngói được cộng thêm | đ/m2 | 53.000 |
|
| - Mái giấy dầu hoặc bạt cao su giảm | đ/m2 | 32.000 |
|
| - Mái 2 lớp cót ép và giấy dầu giảm | đ/m2 | 26.000 |
|
| - Vách cót ép giảm | đ/m2 | 21.000 |
|
| - Nền gạch thẻ giảm | đ/m2 | 9.000 |
|
| - Nền đất giảm | đ/m2 | 34.000 |
|
2.4 | Nhà tranh tre (có độ cao từ nền nhà đến xà gồ thấp nhất là 2,6m) | đ/m2XD | 126.000 | Nếu có độ cao dưới 2,6m thì cứ 10cm thấp hơn giảm 10.000đ/m2XD và giá đền bù tối thiểu 80.000đ/m2XD |
3 | Công trình phụ riêng biệt không nằm trong nhà |
|
|
|
3.1 | Tính theo kết cấu đơn giá nhà ở nhưng giá đền bù tối thiểu đối với nhà mái tôn, tường xây, nền xi măng là 210.000đ/m2XD |
|
|
|
3.2 | Nhà trệt, móng đá, tường xây 110 hoặc 220, mái làm bằng tấm đanh đúc, nền XM | đ/m2XD | 470.000 |
|
3.3 | Nhà trệt, tường xây, mái đúc đổ tại chổ, nền xi măng | đ/m2XD | 550.000 |
|
4 | Một số kết cấu thay đổi trong đơn giá nhà |
|
|
|
4.1 | Chênh lệch giá của nhà có toàn bộ tường xây 220 và tường xây 110, các kết cấu khác giống nhau | đ/m2XD | 32.000 |
|
4.2 | - Đối với nhà lát gạch hoa tăng | đ/m2 g/ hoa | 40.000 |
|
| - Đối với nhà lát gạch men tăng | đ/m2 g/ men | 80.000 |
|
| - Đối với nhà lợp tôn kẽm giảm | đ/m2XD | 53.000 |
|
| - Đối với nhà lợp Fibroximăng giảm | đ/m2XD | 44.000 |
|
4.3 | Gác xếp gỗ | đ/m2 | 70.000 |
|
4.4 | Gác lửng gỗ | đ/m2 g/ lửng | 260.000 |
|
4.5 | Gác lửng đúc bê tông | đ/m2 g/ lửng | 735.000 |
|
5 | Hầm, bể chứa xây gạch |
|
|
|
5.1 | Hầm vệ sinh tự hoại | đ/hầm | 1.000.000 |
|
5.2 | Hầm vệ sinh không có bể tự hoại | đ/hầm | 500.000 |
|
5.3 | Hầm rút nước, hồ chứa nước thải |
|
|
|
| - Dung tích < 2m3 hoặc = 2m3 | đ/m3 | 189.000 |
|
| - Dung tích > 2m3 đến 5m3 | đ/m3 | 151.000 |
|
| - Dung tích > 5m3 đến 10m3 | đ/m3 | 113.000 |
|
| - Dung tích > 10m3 đến 15m3 | đ/m3 | 76.000 |
|
| - Dung tích > 15m3 trở lên | đ/m3 | 60.000 |
|
5.4 | Hồ chứa nước nổi hoặc ngầm xây cố định |
|
|
|
| - Dung tích £ 2m3 | đ/m3 | 263.000 |
|
| - Dung tích > 2m3 đến 5m3 | đ/m3 | 210.000 |
|
| - Dung tích > 5m3 đến 10m3 | đ/m3 | 158.000 |
|
| - Dung tích > 10m3 đến 15m3 | đ/m3 | 105.000 |
|
| - Dung tích > 15m3 trở lên | đ/m3 | 84.000 |
|
5.5 | Hồ chứa nước nổi hoặc ngầm xây bằng BTCT cố định | đ/m3 | 263.000 |
|
5.6 | Hầm biogaz | đ/hầm | 3.000.000 |
|
6 | Chuồng chăn nuôi |
|
|
|
6.1 | Xây gạch lững cao 0,65m, mái ngói, nền xi măng (kể cả móng bó hè) | đ/m2XD | 189.000 |
|
6.2 | Xây gạch, mái ngói, nền đất đầm chặt | đ/m2XD | 105.000 |
|
6.3 | Che chắn bằng gỗ, mái lợp tôn | đ/m2XD | 70.000 |
|
6.4 | Chuồng có kết cấu đơn giản | đ/m2XD | 30.000 |
|
6.5 | Hỗ trợ di chuyển đàn gia súc |
|
|
|
| - Đối với con nái sinh sản | đ/con | 100.000 |
|
| - Đối với con hậu bị | đ/con | 50.000 |
|
| - Đối với con heo bột | đ/con | 20.000 |
|
6.6 | Hỗ trợ di chuyển đàn gia cầm (không kể ngày tuổi) | đ/con | 500 |
|
7 | Nhà kho |
|
|
|
7.1 | Nhà kho khung sắt lắp ghép kiểu khung Tiệp, khung Mỹ |
|
|
|
| a- Mái tôn, tường xây bao che 220, nền bê tông | đ/m2XD | 380.000 | Đơn giá này bao gồm chi phí tháo dở, hao hụt vận chuyển, lắp dựng lại và đền bù giá trị phần kết cấu không di dời được. Người bị giải toả được thu hồi phần khung kho và mái tôn |
| b- Mái tôn, bao che bằng tôn, nền bê tông | đ/m2XD | 268.000 | |
| c- Phần cơi nới thêm: mái tôn, tường xây 220, nền bê tông | đ/m2XD | 187.000 | |
7.2 | Nhà kho, nhà xưởng thông thường: khung sắt hoặc gỗ, mái tôn, tường xây 110, nền xi măng | đ/m2XD | 367.000 | Ô tơ nhà kho vận dụng như mục 1.1 và 1.3, nhưng tối đa không quá 520.000đ/ m2XD và tối thiểu không dưới 210.000đ/m2XD |
7.3 | Đối với những nhà kho có kết cấu khác với kết cấu chuẩn ở mục 7.1 và 7.2 thì căn cứ mức giá chuẩn trên để cộng thêm hoặc trừ bớt giá trị chênh lệch các kết cấu khác |
|
|
|
8 | Ga-ra ô tô |
|
|
|
8.1 | Mái tôn, tường xây 220, nền bê tông | đ/m2XD | 420.000 |
|
8.2 | Đối với những ga-ra có kết cấu khác với kết cấu chuẩn ở mục trên, thì căn cứ mức giá chuẩn trên để cộng thêm hoặc trừ bớt giá trị chênh lệch các kết cấu |
|
|
|
8.3 | Nhà để xe mái tôn, khung sắt, nền xi măng, không bao che | đ/m2XD | 158.000 |
|
9 | Vật kiến trúc |
|
|
|
9.1 | Tường rào xây gạch 110, cao 1,2m (gồm móng, trụ xây gạch) | đ/m dài | 126.000 |
|
| - Trong phạm vi chiều cao từ 0,5m - 1,8m, cứ 10cm thấp hơn hoặc cao hơn 1,2m đến 1,8m thì giảm hoặc tăng 5.000đ/m dài |
|
|
|
| - Từ 1,8m trở lên, cứ 10cm cao hơn tăng 10.000đ/m dài |
|
|
|
| - Từ dưới 0,5m, tính theo khối xây gạch |
|
|
|
9.2 | Móng, trụ, cổng ngõ |
|
|
|
| - Xây gạch ống | đ/m3 | 273.000 |
|
| - Trụ đúc bê tông | đ/m3 | 1.187.000 |
|
9.3 | Mương thoát nước nội bộ |
|
|
|
| - Mương đổ bê tông sâu 0,8m, rộng 0,5m | đ/m dài | 90.000 |
|
| - Mương xây gạch sâu 0,8m, rộng 0,5m | đ/m dài | 68.000 |
|
| - Rảnh thoát nước rộng 0,3m | đ/m dài | 18.000 |
|
9.4 | - Giếng đóng | đ/cái | 300.000 |
|
| - Giếng nước xây hoặc làm bằng bi có đường kính dưới hoặc bằng 100cm | đ/cái | 1.000.000 | Độ sâu từ 4m đến dưới 10m |
| - Giếng nước xây hoặc làm bằng bi có đường kính từ 101cm trở lên | đ/cái | 1.500.000 | Độ sâu từ 4m đến dưới 10m |
|
|
|
| - Trường hợp độ sâu < 4m, tính bằng 70% đơn giá trên. - Trường hợp độ sâu từ 10m đến dưới 14m, tính tăng thêm 30% đơn giá trên. - Trường hợp độ sâu từ 14m đến dưới 18m, tính tăng thêm 60% đơn giá trên. - Trường hợp độ sâu từ 18m trở lên, tính tăng thêm 80% đơn giá trên |
9.5 | Sân bãi |
|
|
|
| - Sân cấp phối bằng đất đồi | đ/m2 | 34.000 |
|
| - Sân bê tông sỏi 1x2 | đ/m2 | 40.000 |
|
| - Sân bê tông đá dăm | đ/m2 | 44.000 |
|
| - Sân gạch thẻ | đ/m2 | 25.000 |
|
| - Sân bê tông gạch vỡ trên láng vữa XM | đ/m2 | 34.000 |
|
9.6 | Đường nội bộ (gồm các thành phần sau) |
|
|
|
| - Móng cấp phối đá dăm dày 25 - 30cm | đ/m2 | 54.000 |
|
| - Móng đá hộc dày 20cm | đ/m2 | 25.000 |
|
| - Mặt đường nhựa thâm nhập dày 10cm | đ/m2 | 49.000 |
|
| - Mặt đường bêtông nhựa hạt mịn dày 4cm | đ/m2 | 37.000 |
|
10 | Chi phí di dời mồ mã và bia mộ |
|
|
|
| - Mộ đất | đ/cái | 400.000 |
|
| - Mộ xây nhỏ 0,6m ´ 0,8m ´ 0,2m | đ/cái | 500.000 |
|
| - Mộ xây lớn | đ/cái | 600.000 |
|
| - Mộ vôi (mộ cổ) | đ/cái | 1.100.000 |
|
| - Mộ lắp ghép nhỏ (2,2 ´ 1,1 ´ 0,8)m | đ/cái | 700.000 | Đối với mộ lắp ghép chỉ tính công di chuyển và lắp lại |
| - Mộ lắp ghép lớn (2,2 ´ 1,1 ´ 1,2)m | đ/cái | 860.000 | |
| - Mộ vô chủ | đ/cái | 400.000 |
|
| - Mã líp đã cải táng, hài cốt đã đưa vào tiểu sành | đ/hài cốt | 250.000 |
|
| - Mã líp chưa cải táng | đ/hài cốt | 350.000 |
|
| - Bia mộ làm bằng đá granit (màu trắng và đen) gắn vào tường cố định, không di dời được | đ/m2 | 350.000 |
|
11 | Hỗ trợ di chuyển |
|
|
|
| - Di chuyển, lắp đặt đồng hồ điện sinh hoạt chính | đ/cái | 700.000 |
|
| - Di chuyển, lắp đặt đồng hồ nước sinh hoạt chính | đ/cái | 800.000 |
|
| - Di chuyển, lắp đặt đồng hồ điện hoặc nước sinh hoạt phụ | đ/cái | 400.000 |
|
| - Di chuyển, lắp đặt đồng hồ điện sản xuất 3 pha | đ/cái | 1.300.000 |
|
| - Di chuyển lắp đặt điện thoại | đ/cái | 450.000 |
|
| - Hỗ trợ hệ thống điện nổi: tính bằng 0,5% giá trị nhà | Giá trị nhà bao gồm nhà, các kết cấu trong nhà và công trình phụ | ||
| - Hỗ trợ hệ thống nước nổi: tính bằng 0,5% giá trị nhà | |||
| - Hỗ trợ hệ thống điện ngầm: tính bằng 1,5% giá trị nhà | |||
| - Hỗ trợ hệ thống nước ngầm: tính bằng 1,5% giá trị nhà |
Ghi chú:
1. Đối với nhà 2 tầng trở lên thì diện tích đền bù là diện tích xây dựng tầng 1 cộng với diện tích sàn các tầng trên.
2. Các loại nhà cửa, vật kiến trúc khác chưa có trong phụ lục 1 và 2, giao trách nhiệm cho Sở Tài chính - Vật giá tính toán thống nhất với Sở Xây dựng quy định cụ thể.
PHỤ LỤC SỐ 2
BẢNG GIÁ THÀNH PHẦN CÔNG VIỆC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 122 /2003/QĐ-UB ngày 24 tháng 7 năm 2003 của UBND TP Đà Nẵng)
TT | Thành phần công việc | ĐVT | Đơn giá | Ghi chú |
1 | Xây móng đá hộc | đ/m3 | 229.000 | |
2 | Xây móng gạch thẻ | - | 300.000 | |
3 | Xây tường gạch thẻ | - |
| |
- Chiều cao tường trên 4m | - | 347.000 | ||
- Chiều cao tường dưới 4m | - | 315.000 | ||
4 | Xây tường gạch ống | - |
| |
- Chiều cao tường trên 4m | - | 302.000 | ||
- Chiều cao tường dưới 4m | - | 273.000 | ||
5 | Xây trụ gạch thẻ | - | 400.000 | |
6 | Bê tông gạch vỡ | - | 168.000 | |
7 | Bê tông đá dăm | - | 443.000 | |
8 | Bê tông cột sỏi |
| ||
- Cao trên 4m | - | 1.463.000 | ||
- Cao dưới 4m | - | 1.448.000 | ||
9 | Bê tông xà, dầm, giằng nhà | - | 1.208.000 | |
10 | Bên tông sàn, lanto, mái | - | 1.187.000 | |
11 | Bê tông cầu thang sỏi | - | 1.429.000 | |
12 | Trát vữa |
| ||
- Cao trên 4m | đ/m2 | 8.500 | ||
- Cao dưới 4m | - | 7.000 | ||
13 | Láng đá mài | - | 89.000 | |
14 | Trát đá rửa | - | 50.000 | |
15 | Láng nền, sàn đánh màu | - | 11.000 | |
16 | Sơn vôi mactic | - | 27.000 | |
17 | Sơn gai | - | 23.000 | |
18 | Sơn trần, sơn tường | - | 13.000 | |
19 | Sơn sắt các loại | - | 8.500 | |
20 | Trần cót ép | - | 22.000 | |
21 | Trần tôn hạt mè | - | 53.000 | |
22 | Trần ván ép dán giấy Trung Quốc | - | 63.000 | |
23 | Trần + tường gỗ trang trí | - | 100.000 | |
24 | Ván ép bọc simili | - | 84.000 | |
25 | Trần + tường ván ép dán Formeca | - | 84.000 | |
26 | Trần lam ri nhựa | - | 42.000 | bao gồm cả đà trần |
27 | Trần khung nhôm thạch cao | - | 84.000 | bao gồm cả khung trần |
28 | Trần khung nhôm sợi thủy tinh cách nhiệt | - | 94.500 | bao gồm cả khung trần |
29 | Trần ván ép hoặc cattông Mỹ | - | 42.000 | |
30 | Trần nhựa tấm cỡ 50x50 | - | 63.000 | |
31 | Trần xốp khung nhôm | - | 63.000 | |
32 | Gạch Đồng Nai trang trí | - | 42.000 | |
33 | Gạch men ốp tường | - | 80.000 | |
34 | Tường ốp bằng đá chẻ | - | 26.000 | |
35 | Gạch ốp lát granit 0,30 x 0,30 | - | 98.000 | |
36 | Hiên ngói | - | 63.000 | |
37 | Hiên tôn kẽm | - | 53.000 | |
38 | Hiên fibrôximăng | - | 44.000 | |
39 | Mái giấy dầu | - | 12.500 | |
40 | Chỉ phào trang trí | đ/md | 16.000 | |
41 | Các hình trang trí đắp nổi trên tường, trần bằng ximăng | đ/m2 | 250.000 | |
42 | Các hình đắp nổi trên tường, trần bằng thạch cao | - | 100.000 | |
43 | Chạm trổ bằng ximăng khảm xà cừ | - | 700.000 | |
44 | Chạm trổ bằng ximăng khảm sành sứ, thủy tinh | - | 600.000 | |
45 | Các hình trang trí vẽ bằng thuốc nước | 50.000 | ||
46 | Các hình trang trí vẽ bằng sơn | - | 150.000 | |
47 | Búp sen | đ/cái | 2.000 | công di dời |
48 | Tượng Long, Công, Lân, Quy, Phượng | đ/tượng | 10.000 | công di dời |
49 | Sân gạch vỡ không láng vữa ximăng | đ/m2 | 5.000 | |
50 | Sân lát gạch không trát mạch hồ | - | 5.000 | |
51 | Trần bạt nilông hoặc giấy cattông thường | - | 2.000 | |
52 | Tấm xốp lót trần | - | 10.000 | |
53 | Trần laphông tấm xốp có đà | - | 20.000 | |
54 | Các loại trần không đà giảm 10.000đ/m2 |
|
|
|
55 | Ao nuôi tôm | đ/m2 | 12.000 | Bao gồm chi phí đào, cải tạo ao hồ, di dời các thiết bị liên quan |
56 | Ao tưới nước, nuôi cá | - | 6.000 | |
57 | Đối với khu vực nuôi nghêu, nò rớ bắt cá |
| Đền bù chi phí tháo dỡ, di dời, lắp đặt lại vật tư, thực tế tại thị trường theo thời điểm | |
58 | Chi phí tháo dỡ, hao hụt, vận chuyển, lắp dựng lại: |
| ||
- Chái lợp tôn kẽm hoặc fibrôximăng | đ/m2 | 10.000 | ||
- Chái lợp ngói | - | 12.000 | ||
- Các loại ống nước, xối nhựa, xối tôn | đ/md | 1.000 | ||
- Cổng sắt, cổng ngõ | đ/cánh | 5.000 | ||
- Ray sắt của cổng sắt đẩy | đ/md | 15.000 | ||
- Hồ cá, ảng nước, chum,... | đ/cái | 5.000 | ||
| - Hòn non bộ (cảnh) | đ/m3 | 300.000 |
|
- Lan can sân thượng và lan can cầu thang | đ/m2 | 15.000 | không có trong kết cấu nhà | |
- Xí xổm | đ/cái | 100.000 | ||
- Xí bệt | - | 150.000 | ||
- Lavabo, tiểu nam | - | 10.000 | ||
- Sân lát đanh bê tông | đ/m2 | 7.000 | ||
- Sân lát đanh bê tông nhựa | - | 7.000 | ||
- Lam ri nhôm áp tường | - | 10.000 | ||
- Mái hiên nhôm di động | - | 5.000 | ||
- Kính ốp trụ tường | - | 10.000 | ||
- Hàng rào thép gai | - | 2.000 | ||
- Lưới B40 | - | 2.000 |
|
Ghi chú:Đối với đá granit căn cứ bảng giá VLXD hàng tháng của liên sở Tài chính - Vật giá và Xây dựng.
PHỤ LỤC SỐ 3
BẢNG GIÁ BỒI THƯỜNG CÁC LOẠI CÂY CỐI, HOA MÀU (TÍNH CHO CÂY TRỒNG TRONG VƯỜN NHÀ)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 122/2003/QĐ-UB ngày 24 tháng 7 năm 2003 của UBND TP Đà Nẵng)
STT | Các loại cây | ĐVT | Đơn giá | Ghi chú |
1 | Dừa | |||
- Có quả | đ/cây | 150.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 100.000 | ||
- Mới trồng được 1 - 2 năm | đ/cây | 50.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 5.000 | ||
2 | Mít | |||
- Có quả | đ/cây | 170.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 110.000 | ||
- Mới trồng được 1-2 năm | đ/cây | 50.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 1.000 | ||
3 | Chanh | |||
- Có quả | đ/cây | 100.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 70.000 | ||
- Mới trồng được 1-2 năm | đ/cây | 30.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 1.000 | ||
4 | Chanh dây, gấc |
|
|
|
| - Có quả | đ/dây | 30.000 |
|
| - Chưa có quả | đ/dây | 20.000 |
|
| - Mới trồng được 1-2 năm | đ/dây | 10.000 |
|
| - Cây con | đ/dây | 1.000 |
|
5 | Bơ, cam, quýt | |||
- Có quả | đ/cây | 125.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 80.000 | ||
- Mới trồng được 1 - 2 năm | đ/cây | 30.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 1.000 | ||
6 | Nhãn | |||
- Có quả | đ/cây | 150.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 100.000 | ||
- Mới trồng được 1 - 2 năm | đ/cây | 60.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 1.000 | ||
7 | Xoài, sapuchê, đào lộn hột | |||
- Có quả | đ/cây | 210.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 150.000 | ||
- Mới trồng được 1-2 năm | đ/cây | 70.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 1.000 | ||
8 | Vú sữa | |||
- Có quả | đ/cây | 200.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 120.000 | ||
- Mới trồng được 1-2 năm | đ/cây | 50.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 1.000 | ||
9 | Hồng, táo, chôm chôm, vải | |||
- Có quả | đ/cây | 100.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 50.000 | ||
- Mới trồng được 1 - 2 năm | đ/cây | 25.000 | ||
- Cây giống | đ/cây | 5.000 | ||
10 | Mận, bưởi, cốc, mãng cầu, đào tiên | |||
- Có quả | đ/cây | 120.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 70.000 | ||
- Mới trồng được 1 - 2 năm | đ/cây | 30.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 1.000 | ||
11 | Ổi | |||
- Có quả | đ/cây | 70.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 30.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 1.000 | ||
12 | Cây lựu, bát bát, bồ kết, thị, khế, sung, chùm ruột, chay, bồ quân, me | |||
- Có quả | đ/cây | 50.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 30.000 | ||
- Mới trồng được 1 - 2 năm | đ/cây | 10.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 1.000 | ||
13 | Ô ma |
|
|
|
| - Có quả | đ/cây | 30.000 |
|
| - Chưa có quả | đ/cây | 10.000 |
|
| - Mới trồng được 1-2 năm | đ/cây | 5.000 |
|
| - Cây con | đ/cây | 1.000 |
|
14 | Đu đủ | |||
- Có quả | đ/cây | 50.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 30.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 500 | ||
15 | Chuối | |||
- Có buồng | đ/cây | 20.000 | ||
- Chưa có buồng, đường kính thân > 10cm | đ/cây | 10.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 1.000 | ||
16 | Thanh long | |||
- Có quả | đ/cây | 50.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 15.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 500 | ||
17 | Dâu da ăn quả | |||
- Có quả | đ/cây | 15.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 5.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 500 | ||
18 | Cau | |||
- Có quả | đ/cây | 120.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 80.000 | ||
- Cây non cao >1m | đ/cây | 30.000 | ||
- Cây giống | đ/cây | 5.000 | ||
19 | Mai, đào cảnh: | |||
- Đường kính gốc >10cm, cao ≥ 2m | đ/cây | 200.000 | ||
- Đường kính gốc từ 5 -10cm, cao < 2m | đ/cây | 50.000 | ||
- Đường kính gốc < 5 cm: | ||||
+ Đường kính gốc từ 3 đến dưới 5cm | đ/cây | 30.000 | ||
+ Đường kính gốc từ 2 đến dưới 3cm | đ/cây | 20.000 | ||
+ Đường kính gốc < 2cm | đ/cây | 5.000 | ||
- Cây giống | đ/cây | 500 | ||
20 | Phượng vàng, phượng lào |
|
|
|
| - Có hoa | đ/cây | 40.000 |
|
| - Chưa có hoa | đ/cây | 15.000 |
|
| - Cây con | đ/cây | 1.000 |
|
21 | Chuối kiểng có hoa | đ/cây | 5.000 | |
22 | Chậu kiểng (tính công vận chuyển) | |||
- Chậu lớn (Đường kính ≥ 50cm) | đ/chậu | 5.000 | ||
- Chậu nhỏ (Đường kính < 50cm) | đ/chậu | 2.000 | ||
23 | Cây vạn tuế, tháp tùng, nguyệt quế | đ/cây | 40.000 | công di chuyển |
24 | Cây chè tàu | đ/m dài | 1.500 | |
25 | Cây cảnh trồng đất | |||
- Chiều cao ≥ 0,5m | đ/cây | 5.000 | ||
- Chiều cao < 0,5m | đ/cây | 3.000 | ||
26 | Dương liễu, bạch đàn, trồng xen trong vườn nhà | |||
- Cây có đường kính ≥ 30 cm | đ/cây | 5.000 | công chặt | |
- Cây có đường kính từ 20 đến dưới 30cm | đ/cây | 15.000 | ||
- Cây có đường kính từ 10 đến dưới 20cm | đ/cây | 10.000 | ||
- Cây có đường kính từ 5 đến dưới 10 cm | đ/cây | 5.000 | ||
| - Cây có đường kính < 5cm | đ/cây | 2.000 |
|
| - Cây con | đ/cây | 500 |
|
27 | Rừng dương liểu, bạch đàn | |||
- Năm thứ 1 | đ/ha | 4.120.420 | ||
- Năm thứ 2 | đ/ha | 2.067.000 | ||
- Năm thứ 3 | đ/ha | 1.958.000 | ||
- Năm thứ 4 | đ/ha | 922.000 | ||
- Năm thứ 5 | đ/ha | 922.000 | ||
- Năm thứ 6 | đ/ha | 922.000 | ||
- Năm thứ 7 | đ/ha | 15% giá trị đầu tư đến năm thứ 6 | ||
28 | Rừng dương liểu, bạch đàn tái sinh lần thứ nhất | |||
- Năm thứ 1 | đ/ha | 1.915.000 | ||
- Năm thứ 2 | đ/ha | 1.950.000 | ||
- Năm thứ 3 | đ/ha | 1.800.000 | ||
- Năm thứ 4 | đ/ha | 870.000 | ||
- Năm thứ 5 | đ/ha | 870.000 | ||
- Năm thứ 6 | đ/ha | 870.000 | ||
- Năm thứ 7 | đ/ha | 15% giá trị đầu tư đến năm thứ 6 | ||
29 | Rừng dương liểu, bạch đàn tái sinh lần thứ hai trở lên | không đền bù |
| |
30 | Trứng cá, mức, keo, bù lời, bông gòn, mù u, sung, thầu đâu, tầm vông, phượng vĩ và các cây gỗ tạp khác | |||
- f ≥ 30cm | đ/cây | 10.000 | công chặt | |
- f < 30cm | đ/cây | 5.000 | công chặt | |
31 | Tre | |||
- Cây lớn | đ/cây | 5.000 | công chặt | |
- Cây nhỏ | đ/cây | 2.000 | công chặt | |
32 | Cây cà phê | |||
- Có quả | đ/cây | 100.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 70.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 30.000 | ||
33 | Cây tiêu trồng chói | |||
- Có quả | đ/chói | 100.000 | ||
- Chưa có quả | đ/chói | 30.000 | ||
- Cây con mới trồng | đ/chói | 5.000 | ||
34 | Cây tiêu trồng ụ |
|
| tối thiểu 50dây/ụ |
| - Có quả | đ/ụ | 1.000.000 |
|
| - Chưa có quả | đ/ụ | 500.000 |
|
| - Cây con mới trồng | đ/ụ | 300.000 |
|
35 | Cây chè trồng xen trong vườn nhà | |||
- Cây có đường kính < 5cm | đ/cây | 10.000 | ||
- Cây có đường kính từ 5 - 10cm | đ/cây | 20.000 | ||
- Cây có đường kính > 10cm | đ/cây | 45.000 | ||
- Cây trồng thành vườn đồi | đ/m2 | 10.000 | ||
36 | Cây quế | |||
- Trồng xen trong vườn nhà | ||||
+ Cây mới trồng dưới 1 năm | đ/cây | 3.500 | ||
+ Cây trồng từ 1 năm đến dưới 3 năm | đ/cây | 6.000 | ||
+ Cây trồng từ 3 năm đến dưới 6 năm | đ/cây | 50.000 | ||
+ Cây trồng từ 6 năm đến dưới 10 năm | đ/cây | 150.000 | ||
+ Cây trồng từ 10 năm trở lên | đ/cây | 385.000 | ||
- Trồng thành rừng, đồi | ||||
+ Cây mới trồng dưới 1 năm | đ/ha | 3.500.000 | ||
+ Cây trồng từ 1 năm đến dưới 3 năm | đ/ha | 6.000.000 | ||
+ Cây trồng từ 3 năm đến dưới 6 năm | đ/ha | 8.000.000 | ||
+ Cây trồng từ 6 năm trở lên | đ/ha | 11.000.000 | ||
37 | Ớt | |||
- Có quả | đ/cây | 4.000 | ||
| - Chưa có quả | đ/cây | 500 |
|
38 | Thơm | |||
- Trồng đơn chiếc trong vườn |
| |||
+ Có quả | đ/cây | 2.000 | ||
+ Chưa có quả | đ/cây | 1.000 | ||
- Trồng thành vườn, đồi | đ/m2 | 6.000 | ||
39 | Trầu | |||
- Bụi lớn (đường kính gốc > 01cm) | đ/bụi | 50.000 | ||
- Bụi nhỏ (đường kính gốc £ 01cm) | đ/bụi | 30.000 | ||
| - Mới trồng | đ/bụi | 2.000 |
|
40 | Bầu, bí, khổ qua, mướp, dưa các loại,... | không quá 5 cây/m2 | ||
- Có quả | đ/gốc | 10.000 | ||
- Chưa có quả | đ/gốc | 5.000 | ||
- Cây con | đ/gốc | 500 | ||
41 | Sã | đ/m2 | 5.000 | |
42 | Cây cà chua | |||
- Có quả | đ/cây | 5.000 | ||
- Chưa có quả | đ/cây | 2.000 | ||
- Cây con | đ/cây | 500 | ||
43 | Cây trảy, dâu tằm | đ/cây | 500 |
|
44 | Mía | |||
- Đã có đốt, phần thân đốt ≥ 0,5m | đ/cây | 1.000 | ||
- Mía con | đ/cây | 500 | ||
45 | Khoai choái, đậu tây (côve), đậu quyên, đậu đũa | đ/m dài của luốn | 10.000 | |
46 | Đậu đen, đậu đỏ, đậu nành, đậu xanh, đậu phụng, trút | đ/m2 | 5.000 | |
47 | Mè các loại | đ/m2 | 1.500 | |
48 | Cà tím, cà trắng | đ/m2 | 6.000 | |
49 | Riềng, gừng, nghệ | đ/m2 | 6.000 | |
50 | Rau muống | đ/m2 | ||
- Vùng chuyên canh | đ/m2 | 12.000 | ||
- Vùng bán chuyên canh | đ/m2 | 8.000 | ||
- Trồng xen trong vườn nhà | đ/m2 | 4.000 | ||
51 | Sen | đ/m2 | 4.000 | |
52 | Rau khoai, môn nước, mồng tơi, dọc mùng, lá dứa, lá lốt, rau răm, rau dền, ngỗ điếc, diếp cá, bồ ngót |
| 3.000 | |
53 | Hành, ba rô, rau thơm, bắp cải, cải, xà lách, môn củ, môn bạc hà, rau cần, hoa trồng thành luống | đ/m2 | 15.000 | |
54 | Sắn dây (cát căn) | |||
- Mới dăm chưa có củ | đ/bụi | 1.000 | ||
- Có củ | đ/bụi | 30.000 | ||
55 | Sắn (khoai mì) | đ/m2 | 2.000 | |
đ/cây | 500 | |||
56 | Bắp (ngô) | đ/m2 | 5.000 |
|
|
| đ/cây | 500 |
|
57 | Đối với các loại cây giống gieo đại trà | đ/m2 | 5.000 | |
58 | Lúa đền 3 vụ tổng sản lượng 18tấn/năm. Giá lúa tính theo giá thị trường từng thời điểm do Sở Tài chính - Vật giá thông báo | đ/m2 | 3.060 | Giá hiện nay |
59 | Cây thuốc nam các loại | đ/m2 | 5.000 | |
60 | Hồng ngọc, nữ hoàng cung | đ/m2 | 3.000 | |
61 | Ngãi cứu, rau tần (húng chanh), thần tài | đ/m2 | 5.000 | |
62 | Một số loại cây ăn quả trồng chuyên canh tập trung theo chương trình cải tạo vườn tạp | |||
- Cây xoài (mật độ 260cây/ha) | ||||
+ Cây giống | đ/cây | 25.000 | ||
+ Năm thứ 1 | đ/ha | 21.500.000 | đã bao gồm cây giống | |
+ Năm thứ 2 | đ/ha | 9.800.000 | ||
+ Năm thứ 3 đến năm thứ 5 | đ/ha/năm | 4.900.000 | ||
- Cây vú sữa (mật độ 300cây/ha) | ||||
+ Cây giống | đ/cây | 15.000 | ||
+ Năm thứ 1 | đ/ha | 12.425.000 | đã bao gồm cây giống | |
+ Năm thứ 2 | đ/ha | 7.025.000 | ||
+ Năm thứ 3 đến năm thứ 5 | đ/ha/năm | 3.512.500 | ||
- Cây nhãn (mật độ 300cây/ha) | ||||
+ Cây giống | đ/cây | 20.000 | ||
+ Năm thứ 1 | đ/ha | 13.925.000 | đã bao gồm cây giống | |
+ Năm thứ 2 | đ/ha | 7.025.000 | ||
+ Năm thứ 3 đến năm thứ 5 | đ/ha/năm | 3.512.500 | ||
- Cây sầu riêng (mật độ 260cây/ha) | ||||
+ Cây giống | đ/cây | 35.000 | ||
+ Năm thứ 1 | đ/ha | 16.435.000 | đã bao gồm cây giống | |
+ Năm thứ 2 | đ/ha | 6.555.000 | ||
+ Năm thứ 3 đến năm thứ 5 | đ/ha/năm | 3.277.500 |
|
Ghi chú: Đối với các loại cây chiết cành tính bằng 30% mức giá quy định trên.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.