THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 120/1999/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐIỀU ĐẾN NĂM 2010
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề án phát triển điều đến năm 2010 với nội dung chủ yếu sau :
1. Phương hướng, mục tiêu :
- Phát triển điều nhằm khai thác lợi thế của cây điều có giá trị thực phẩm, lấy gỗ, dễ trồng, vốn đầu tư thấp, chịu được hạn, chịu được đất xấu và phù hợp với người nghèo, phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu với sản lượng trên 100.000 tấn hạt điều nhân/năm;
- Phát triển điều ở những vùng đất có điều kiện, ưu tiên phát triển ở các tỉnh Duyên hải miền Trung, vùng thấp ở các tỉnh Tây Nguyên; kết hợp cải tạo, thâm canh vườn điều hiện có với trồng mới;
- Tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm (bao gồm lao động nông nghiệp và công nghiệp chế biến), nhất là đối với vùng nghèo, hộ nghèo.
2. Về giải pháp :
a) Định hướng quy hoạch vùng sản xuất: trên cơ sở quỹ đất hiện có ở các địa phương, trước hết, ở các tỉnh Duyên hải miền Trung, vùng thấp các tỉnh Tây nguyên, để quy hoạch đất trồng điều theo hướng khai thác lợi thế của từng vùng phát huy khả năng trồng điều ở những vùng phòng hộ đầu nguồn, ven biển.
- Trồng mới kết hợp với cải tạo vườn điều hiện có bằng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, từng bước hình thành vùng điều tập trung, thâm canh;
- Trồng điều ở vùng phòng hộ để lấy hạt kết hợp việc phòng hộ vùng đầu nguồn, ven biển và bảo vệ môi trường sinh thái.
b) Thị trường : Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ ngành có liên quan tiếp tục giữ vững và mở rộng thị trường hiện có Mỹ, Trung Quốc và tìm thị trường mới.
Trên cơ sở năng lực chế biến của các cơ sở chế biến, cân đối với sản lượng hạt điều hiện có, nếu cần thiết thì nhập thêm hạt điều thô cho các cơ sở chế biến, nhằm sử dụng tối đa công suất nhà máy hiện có và giải quyết thêm việc làm. Bộ Thương mại tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để các cơ sở nhập khẩu thuận lợi, phối hợp với Hiệp hội cây điều Việt Nam thống nhất giá hạt điều thô nhập khẩu để không làm ảnh hướng đến lợi ích của các doanh nghiệp và người trồng điều.
c) Về giống : cần phải có bộ giống tốt có năng suất cao phù hợp điều kiện sinh thái các vùng, để thay thế giống năng suất thấp hiện nay theo hướng: Tuyển chọn giống tốt từ những cây hiện có và nhập khẩu những giống tốt để nhân nhanh giống cho trồng mới và cải tạo vườn điều năng suất thấp hiện nay. Phấn đấu hết năm 2000 trên toàn bộ diện tích điều cả nước đều được trồng bằng các giống đầu dòng tốt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các cơ sở nghiên cứu khoa học có điều kiện xây dựng ở các vùng: Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, mỗi nơi có một vườn giống đầu dòng để cung cấp đủ giống đầu dòng cho các địa phương, các doanh nghiệp và nhân dân lai ghép tạo giống tốt cung cấp cho nhu cầu của người trồng điều với giá cả hợp lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở sản xuất giống đầu dòng.
d) Về giá : quy định giá mua điều hợp lý bảo đảm lợi ích của người trồng điều. Giao Chủ tich ủy ban nhân dân các tỉnh có trồng điều sau khi tham khảo ý kiến của Ban Vật giá Chính phủ công bố giá mua hạt điều thô tối thiểu ngay từ đầu vụ, để hướng dẫn các cơ sở chế biến mua hạt điều thô.
đ) Về thuế : Bộ Tài chính nghiên cứu giải quyết việc miễn, giảm thuế đối với các cơ sở chế biến hạt điều, người trồng điều, nhất là đối với vùng nghèo, có nhiều khó khăn, để khuyến khích phát triển điều.
e) Về đầu tư và tín dụng.
- Đối với điều được trồng ở vùng đất quy hoạch để trồng rừng phòng hộ, được áp dụng chính sách hỗ trợ trồng rừng phòng hộ tại Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5,0 triệu ha rừng, mức hỗ trợ là 2,5 triệu đồng/ha lấy từ nguồn vốn trong kế hoạch trồng rừng phòng hộ hàng năm, phần vốn còn lại do người trồng điều tự đầu tư bằng vốn vay bình thường.
- Huy động mọi nguồn vốn khác để phát triển điều bao gồm:
+ Vốn Ngân sách Nhà nước đầu tư cho các công việc: nghiên cứu khoa học và công nghệ; tạo giống đầu dòng; khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới về cây điều;
+ Vốn tín dụng đầu tư theo Kế hoạch: thực hiện đối với các dự án cải tạo đổi mới công nghệ, thiết bị và đầu tư mới cho chế biến;
+ Vốn tín dụng ngân hàng: bảo đảm vốn cho nhu cầu của người trồng điều;
+Vốn thuộc Chương trình giải quyết việc làm, vốn Ngân hàng phục vụ người nghèo.
g) Khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế phát triển điều, nhất là mô hình kinh tế trang trại, đầu tư trồng và chế biến điều.
h) Khoa học công nghệ và Môi trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu thành lập bộ môn nghiên cứu điều thuộc các viện : Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Khoa học nông nghiệp Miền Nam, Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên để nghiên cứu toàn diện về sinh lý, sinh hoá, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật canh tác, chế biến phục vụ tốt việc phát triển ngành điều; có kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật và quản lý, kể cả việc chọn cử đi đào tạo ở nước ngoài để có đội ngũ cán bộ giỏi về cây điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ : Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh có trồng điều, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.