ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2021/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 30 tháng 3 năm 2021 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều;
Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Nghị định số 65/2019/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều;
Căn cứ Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 5365/TTr-SNN ngày 22 tháng 12 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 4 năm 2021.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHẠM VI VÙNG PHỤ CẬN ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Kèm theo Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định cụ thể phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, gồm: Đập hồ chứa, đập dâng, tràn xả lũ, trạm bơm, cống thủy lợi, kênh tưới, tiêu có lưu lượng nhỏ hơn 02 m3/s, cầu máng, bờ bao thủy lợi, đường ống dẫn nước, kè bảo vệ bờ, tường chắn bảo vệ công trình thủy lợi; các công trình thủy lợi khác không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 3, 4, 5 Điều 40 Luật Thủy lợi.
2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vùng phụ cận là vùng không gian theo phương ngang và phương thẳng đứng tiếp giáp công trình thủy lợi, được quy định áp dụng đối với từng loại công trình nhằm bảo vệ an toàn công trình. Vùng phụ cận còn được gọi là hành lang bảo vệ công trình.
2. Đập dâng là công trình chắn ngang dòng chảy để nâng cao mực nước thượng lưu.
3. Trạm bơm là tổ hợp các hạng mục công trình, bao gồm: Bể hút, bể xả, nhà trạm, trạm biến áp, các trang thiết bị cơ điện và các hạng mục công trình khác liên quan nhằm đảm bảo lấy nước từ nguồn nước, vận chuyển và dẫn nước đến nơi sử dụng hoặc cần tiêu nước thừa ra nơi khác.
4. Bờ bao thủy lợi là công trình phân vùng, ngăn nước để bảo vệ cho một khu vực, bờ bao thủy lợi có thể kết hợp là bờ kênh hoặc bờ bao độc lập. Việc phân loại bờ bao lớn, bờ bao vừa, bờ bao nhỏ theo khoản 9, điều 4, Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.
5. Kênh chìm là kênh có mặt cắt ngang kênh là đào hoàn toàn trong nền đất tự nhiên.
6. Kênh nổi là kênh có mặt cắt ngang kênh là đắp hoặc xây nổi trên nền đất tự nhiên hoặc nửa đào, nửa đắp.
7. Lưu lượng kênh là lưu lượng lớn nhất theo thiết kế mà kênh chuyển tải.
8. Công trình trên kênh là những hạng mục công trình, gồm: Cống tưới hoặc cống tiêu, xi phông, cầu máng được xây dựng trong lòng kênh, hai bên bờ kênh có nhiệm vụ dẫn nước, điều tiết nước.
9. Cống thủy lợi là công trình điều tiết để thoát nước hoặc để lấy nước tưới, tiêu phục vụ cho sản xuất, dân sinh. Việc phân loại cống lớn, cống vừa, cống nhỏ theo khoản 6 Điều 4 Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi.
10. Kè là công trình bảo vệ bờ sông, bờ suối, bờ hồ khỏi tác động xói lở gây ra bởi dòng chảy, sóng, hoặc do các hoạt động ven bờ.
11. Tràn xả lũ là công trình để tháo lượng nước thừa ra khỏi hồ, đập dâng để điều tiết lũ.
12. Đường ống dẫn nước thủy lợi là đường ống làm nhiệm vụ vận chuyển và phân phối nước từ đầu nguồn nước đến khu vực tưới, tiêu.
Điều 3. Phạm vi vùng phụ cận đối với công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
1. Đập hồ chứa: Vùng phụ cận của đập được quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 40 Luật Thủy lợi. Vùng phụ cận đối với hai đầu vai đập được tính từ vị trí giao cắt của đập với mặt đất tự nhiên trở ra mỗi bên như sau: Đối với đập cấp đặc biệt tối thiểu 50 m; đập cấp I tối thiểu 40 m; đập cấp II tối thiểu là 30 m; đập cấp III tối thiểu là 20 m; đập cấp IV tối thiểu là 10 m.
2. Đập dâng: Vùng phụ cận của đập dâng được tính từ phần xây đúc cuối cùng của đập trở ra về phía thượng lưu và hạ lưu: Đối với đập cấp đặc biệt tối thiểu là 150 m; đập cấp I tối thiểu là 100 m; đập cấp II tối thiểu là 50 m; đập cấp III tối thiểu là 30 m; đập cấp IV tối thiểu là 10 m; vùng phụ cận đối với hai đầu vai đập tính từ vị trí giao cắt của đập với mặt đất tự nhiên trở ra mỗi bên tối thiểu 20 m. Đối với công trình có hồ sơ thu hồi đất thì phạm vi vùng phụ cận tính từ ranh thu hồi đất trở vào.
3. Tràn xả lũ: Vùng phụ cận của tràn xả lũ (bao gồm cả tràn tự do và tràn có cửa van điều tiết): Phạm vi vùng phụ cận tính từ phần xây đúc ngoài cùng (đối với tràn kiên cố) và từ mép ngoài cùng của tràn (đối với tràn có kết cấu bằng đất) trở ra mỗi bên tối thiểu 50 m, đối với tràn có lưu lượng thiết kế lớn hơn 200 m3/s; 30 m đối với tràn có lưu lượng thiết kế từ 20 m3/s đến 200 m3/s; 10 m đối với tràn có lưu lượng nhỏ hơn 20 m3/s.
4. Trạm bơm:
a) Đối với trạm bơm có hàng rào bảo vệ: Phạm vi vùng phụ cận tính từ điểm xây đúc ngoài cùng của hàng rào bảo vệ trở vào.
b) Đối với trạm bơm chưa có hàng rào bảo vệ: Phạm vi vùng phụ cận được tính là toàn bộ diện tích đất được Nhà nước giao khi xây dựng công trình đưa vào sử dụng.
5. Cống thủy lợi:
a) Đối với cống lớn: Phạm vi vùng phụ cận được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của cống trở ra mỗi phía 10 m;
b) Đối với cống vừa: Phạm vi vùng phụ cận được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của cống trở ra mỗi phía 05 m;
c) Đối với cống nhỏ: Phạm vi vùng phụ cận được giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng của cống trở ra mỗi phía 02 m.
d) Cống qua đê: Phạm vi vùng phụ cận là hành lang bảo vệ đối với cống qua đê theo quy định của pháp luật về đê điều.
6. Kênh tưới, tiêu có lưu lượng nhỏ hơn 02 m3/s:
a) Đối với kênh nổi, phạm vi vùng phụ cận được tính từ chân mái ngoài bờ kênh trở ra như sau: Kênh có lưu lượng nhỏ hơn 0,5 m3/s, phạm vi vùng phụ cận đối với kênh đất là 01 m; đối với kênh đã kiên cố là 0,5 m. Kênh có lưu lượng từ 0,5 m3/s đến dưới 02 m3/s, phạm vi vùng phụ cận đối với kênh đất là 02 m; đối với kênh đã kiên cố là 01 m.
b) Đối với kênh chìm: Đối với kênh không có đường quản lý, phạm vi vùng phụ cận tính từ mép ngoài cùng của kênh trở ra như sau: Kênh có lưu lượng nhỏ hơn 0,5 m3/s, phạm vi vùng phụ cận đối với kênh đất là 01 m và đối với kênh đã kiên cố là 0,5 m; Kênh có lưu lượng từ 0,5 m3/s đến dưới 02 m3/s, phạm vi vùng phụ cận đối với kênh đất là 02 m, đối với kênh đã kiên cố là 01 m. Đối với kênh chìm có đường quản lý, phạm vi vùng phụ cận tính từ mép ngoài đường trở ra một khoảng như quy định đối với kênh không có đường quản lý.
c) Đối với công trình trên kênh: Phạm vi vùng phụ cận tính từ mép ngoài của phân xây đúc trở ra 0,5 m.
d) Đối với những đoạn kênh, tuyến kênh có bờ kết hợp làm đường giao thông, phạm vi vùng phụ cận ngoài việc đảm bảo quy định trên còn phù hợp với quy định về hành lang bảo vệ công trình giao thông.
7. Cầu máng: Phạm vi vùng phụ cận tính từ mép ngoài của phần xây đúc trở ra tối thiểu là 01 m.
8. Bờ bao thủy lợi:
a) Bờ bao lớn: Phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái bờ bao trở ra là 05 m.
b) Bờ bao vừa: Phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái bờ bao trở ra là 03 m.
c) Bờ bao nhỏ: Phạm vi vùng phụ cận tính từ chân mái bờ bao trở ra là 01 m.
9. Đường ống dẫn nước: Vùng phụ cận là hành lang bảo vệ công trình được tính từ mép biên ngoài cùng của đường ống ra mỗi bên là 02 m đối với đường ống dẫn nước có lưu lượng nhỏ hơn 03 m3/s hoặc có đường kính trong nhỏ hơn 1.500 mm; 03 m đối với đường ống dẫn nước có lưu lượng từ 03 m3/s trở lên hoặc có đường kính trong từ 1.500 mm trở lên và áp dụng dọc theo chiều dài tuyến ống.
10. Đối với kè bảo vệ bờ, tường chắn bảo vệ công trình thủy lợi: Tính từ mép ngoài phần xây đúc ngoài cùng trở ra tối thiểu là 05 m.
11. Khi công trình thủy lợi gần công trình điện (dưới đường dây tải điện, đi song song với đường dây tải điện, gần vị trí móng trụ, gần trạm biến áp), phạm vi vùng phụ cận ngoài việc đảm bảo các quy định trên, hành lang bảo vệ an toàn phải tuân theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của công trình điện hiện hành.
12. Trường hợp trong một cụm công trình thủy lợi có công trình đất kết hợp với công trình xây đúc thì phạm vi vùng phụ cận xác định theo thứ tự lần lượt: Công trình xây đúc, công trình đất.
13. Trường hợp công trình thủy lợi nằm trong khu vực bảo tồn thiên nhiên, nằm trong phạm vi bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa hoặc khu vực an ninh quốc phòng: Thực hiện theo quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ khu vực an ninh quốc phòng và các quy định liên quan.
14. Đối với công trình đã có hồ sơ, ranh giới thu hồi đất thì phạm vi vùng phụ cận tính từ ranh thu hồi đất trở vào.
15. Đối với những công trình thủy lợi khác không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 40 Luật Thủy lợi và Quy định này, Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quy định pháp luật và yêu cầu công tác quản lý, khai thác và bảo vệ của từng công trình thủy lợi để xác định phạm vi vùng phụ cận cụ thể và phù hợp với thực tế của từng công trình.
Điều 4. Cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Ngoài các trường hợp phải cắm mốc chỉ giới quy định tại Điều 19 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải thực hiện cắm mốc chỉ giới đối với công trình, hạng mục công trình sau:
1. Đối với đập của hồ chứa nước, đập dâng có dung tích dưới 500.000m3 hoặc đập có chiều cao dưới 10m: Căn cứ vào địa hình khu vực cắm mốc và yêu cầu quản lý, khoảng cách giữa hai mốc liền nhau là 50m; trường hợp gần khu đô thị, khu dân cư tập trung là 30m.
2. Lòng hồ chứa nước có dung tích dưới 500.000m3: Căn cứ vào địa hình khu vực cắm mốc và yêu cầu quản lý, cắm mốc theo đường biên (tại các điểm chuyển hướng) có cao trình bằng cao trình đỉnh đập; khoảng cách 2 mốc liền nhau từ 100m đến 200m, khu vực lòng hồ có độ dốc lớn hoặc không có dân cư sinh sống khoảng cách giữa 2 mốc liền nhau tối đa là 300m.
3. Đối với kè bờ: Căn cứ vào địa hình khu vực cắm mốc và yêu cầu quản lý, khoảng cách giữa 2 mốc liền nhau từ 150m đến 200m, trường hợp gần khu đô thị, dân cư tập trung từ 50m đến 100m. Trường hợp kè bờ có kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng khác, nếu phạm vi vùng phụ cận nằm trong hệ thống cơ sở hạ tầng khác thì không phải cắm mốc chỉ giới.
4. Đối với trạm bơm: Trường hợp chưa xây dựng được hàng rào bảo vệ thì cắm mốc tại các điểm góc theo phạm vi bảo vệ và vùng phụ cận; trường hợp đã xây hàng rào bảo vệ thì không phải cắm mốc.
5. Ngoài các công trình thủy lợi được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quy định này, Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quy định pháp luật và yêu cầu công tác quản lý, khai thác và bảo vệ của từng công trình thủy lợi để thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ của từng công trình phù hợp.
Điều 5. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh triển khai cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo đúng quy định.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định hiện hành.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện và các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, vận hành khai thác công trình thủy lợi quản lý và sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định hiện hành.
b) Phối hợp với địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các trường hợp bị thu hồi đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật.
3. Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
4. Công an tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra xử lý theo quy định các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
5. Các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện; các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình thủy lợi thực hiện Quy định này.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân thực hiện tốt các quy định, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực hiện công tác bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.
3. Giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương theo quy định của pháp luật.
4. Căn cứ vào Quy định này và các quy định pháp luật có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền việc xử lý đối với công trình xây dựng không phép, trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn quản lý.
5. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình vi phạm và công tác xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn.
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
2. Ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tại địa phương, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý. Phối hợp với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn cắm mốc và quản lý mốc giới bảo vệ công trình khi được bàn giao.
3. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình thủy lợi
1. Có trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời và có biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi do đơn vị quản lý; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra vi phạm trong việc xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn cho công trình thủy lợi.
2. Lập, trình thẩm định phê duyệt phương án cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số Điều của Luật Thủy lợi và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
3. Thực hiện chế độ tổng hợp, báo cáo theo định kỳ (trước ngày 25 tháng 12 hàng năm) hoặc đột xuất về tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
1. Đối với công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi không ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi trước ngày Quy định này có hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng nhưng không được mở rộng quy mô hoặc thay đổi kết cấu. Trường hợp công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ảnh hưởng đến an toàn, năng lực phục vụ của công trình thủy lợi phải thực hiện các giải pháp khắc phục; trường hợp không thể khắc phục phải dỡ bỏ hoặc di dời.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi xây dựng kế hoạch và thực hiện dỡ bỏ hoặc di dời công trình xây dựng trái pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định tại Điều 48 Luật Thủy lợi.
Điều 10. Sửa đổi, bổ sung Quy định
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa, các đơn vị có liên quan hướng dẫn tổ chức triển khai việc thực hiện Quy định này.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác, thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.