BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI Số: 1187-QĐ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH TẠM THỜI VỀ THI CÔNG MẶT ĐƯỜNG NHỰA
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Xét tình hình phát triển giao thông vận tải và xây dựng, sửa chữa đường sá trong nước hiện nay;
Để việc thi công và nghiệm thu mặt đường nhựa làm mới hoặc sửa chữa lại có chế độ thống nhất;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng cục Vận tải đường bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: - Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy trình tạm thời về thi công mặt đường nhựa để áp dụng thống nhất cho công tác thi công và nghiệm thu mặt đường nhựa làm mới hoặc sửa chữa lại trong toàn ngành giao thông vận tải.
Điều 2: - Ông Vụ trưởng vụ Lao động tiền lương có trách nhiệm căn cứ vào bản quy trình này, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn năng suất mới về rải nhựa mặt đường.
Điều 3: - Trong thời gian thi hành bản quy trình này, các cục Vận tải đường bộ, cục Kiến thiết cơ bản cục Công trình, viện Kỹ thuật, viện Thiết kế phải theo dõi để có thể phát hiện những bất hợp lý đề nghị sửa đổi hoặc bổ sung sau này làm cho bản quy trình dần dần được hoàn chỉnh và phù hợp với tình hình đường sá của ta.
Điều 4: Bản quy trình này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây về thi công mặt đường nhựa trái với bản quy trình này đều bãi bỏ.
| K.T BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
QUY TRÌNH
TẠM THỜI VỀ THI CÔNG MẶT ĐƯỜNG NHỰA
Trong quá trình xây dựng, sửa chữa đường sá của ta, việc thi công mặt đường nhựa tuy chúng ta đã có một số kinh nghiệm, nhưng còn tản mạn và chưa có một chế độ thống nhất nên mỗi nơi áp dụng một phương pháp khác, chất lượng mặt đường nhựa sau khi thi công nói chung còn chưa được tốt.
Để công tác thi công và nghiệm thu mặt đường nhựa tiến hành được thuận lợi và thống nhất, đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật của mặt đường nhựa khi làm mới hoặc sửa chữa lại, bộ ban hành bản quy trình này để áp dụng chung trong toàn ngành.
Hiện nay, ở các nước tiên tiến đã áp dụng nhiều hình thức thức làm đường nhựa mới hơn, nhưng với tình hình đường sá và điều kiện thực tế của nước ta hiện nay, bản quy trình này chỉ đề cập đến phương pháp thi công một số mặt đường nhựa, như láng nhựa, rải thấm sâu và thấm nửa chừng là những hình thức chúng ta thường đang áp dụng.
Nội dung quy trình này chỉ quy định những nguyên tắc, yêu cầu chính, ngoài ra sẽ có các bản phụ lục hướng dẫn cụ thể để giúp cán bộ, công nhân thi công được thuận lợi.
Trong quá trình thực hiện quy trình này nếu có điểm nào cần đề nghị bổ sung hay sửa đổi, các đơn vị phản ánh kịp thời về bộ để nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý dần cho quy trình được hoàn hảo hơn.
I. ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 1: - Quy trình này áp dụng cho các loại mặt đường nhựa sau đây:
- Láng nhựa trên mặt các loại mặt đường cấp phối ( bao gồm cả sỏi ong), đá răm;
- Rải nhựa thấm nửa chừng và rải thấm sâu trên mặt đường đá răm;
- Rải nhữa trộn với sỏi hoặc đá răm rải trên mặt đường đá răm hoặc mặt đường cấp vá phối;
- Láng nhựa trên mặt đường nhựa cũ và vá ổ gà.
Điều 2: - Các quy định về cường độ vật liệu trong bản quy trình này thích hợp cho các loại lu từ 5,6T đến 10T, với áp lực của bánh lu từ 25kg đến 70kg/cm2 bánh lu. Nếu dùng lu nặng hơn cần phải có quy định riêng.
Trong những giai đoạn đầu, lu chạy với tốc độ không quá 2km/ giờ sau đó tăng lên không quá 3km/ giờ. Nhiệt độ khi rải càng nóng thì lu chạy càng phải giảm tốc độ.
Điều 3: - Trên những nền móng đặc biệt, hoặc khi có những yêu cầu riêng biệt, cần có thiết kế và quy định riêng. Trường hợp thông thường thì nền móng phải chắc, không có hiện tượng lún, và phải gia cố cần thiết.
Điều 4: - Quy trình này áp dụng chung cho các công tác thi công và nghiệm thu mặt đường nhựa làm mới hoặc sửa chữa lại do các sở, ty giao thông vận tải và các công trường trực thuộc bộ thi công.
Các đơn vị thi công không được tự ý sửa đổi và trong quá trình áp dụng cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phản ánh kịp thời về bộ để nghiên cứu bổ sung dần cho quy trình được đầy đủ hơn.
II. QUY ĐỊNH VỀ VẬT LIỆU
Điều 5: - Kích cỡ vật liệu:
+ Đá, cấp phối để rải mặt đường: phải bảo đảm kích cỡ theo quy định đang áp dụng cho các loại mặt đường.
+ Đá và sỏi phủ trên mặt nhựa phải có kích cỡ sau đây:
- Phủ lớp nhựa trên cùng từ 5 đến 15 ly và châm chước không quá 10% loại từ 15 đến 20 ly;
- Phủ lớp nhựa dưới: từ 5 – 20 ly và châm chước không quá 10% loại từ 20 đến 25 ly;
- Kích cỡ sỏi và đá để phủ nhựa nói trên không châm chước loại nhỏ dưới 5 ly. Loại từ 5-10 ly không được quá 1/3 tổng số đá.
Điều 6: - Chất lượng đá răm, sỏi, cấp phối quy định như sau:
+ Đá dùng để rải đá răm có tiêu chuẩn dưới đây:
- Mặt đường đá răm láng nhựa trên mặt phải dùng đá răm có cường độ kháng ép trên 600kg/cm2 và độ mài mòn < 12%.
- Mặt đường đá răm rải nhựa thấm nửa chừng và rải thấm sâu hoặc rải nhựa trộn đá phải dùng đá răm có cường độ kháng ép trên 800/cm2 và độ mài mòn < 7%.
+ Mặt đường cấp phối láng nhựa trên mặt thì phải dùng cấp phối đúng theo bảng cấp phối I-va-nốp có chỉ số dẻo từ 5 đến 13 và mô-đuyn biến dạng E ≥ 600kg/cm2.
+ Mặt đường sỏi ong phải là loại có sỏi ong già, tốt và có E ≥ 600kg/cm2.
+ Mặt đường đá răm bùn phải có E ≥ 600kg/cm2.
+ Sỏi để trộn nhựa và để phủ trên mặt nhựa là loại sỏi thật tốt không lẫn sỏi phóng hoá và sỏi sít. Thứ sỏi tốt có thể quy định bằng cách lấy dao vạch trên đá không thành vết. Nếu dùng sỏi đá ong, phải là loại sỏi nâu, đen, già, cứng.
+ Đá san (gravette) để trộn nhựa và để phủ trên mặt nhựa là loại đá cứng, có cường độ kháng ép trên 800 kg/cm2.
Điều 7: - Sỏi và đá răm phải có đủ độ dính kết với nhựa như sau:
Theo phương pháp A. Lu-xi-khi-na phải đạt cấp 3 đến cấp 5.
Điều 8: - Vật liệu và mặt đường trước lúc rải nhựa phải đảm bảo khô và sạch.
- Khô nghĩa là không có những vết ẩm nhìn được;
- Sạch nghĩa là không có cỏ rác, cây que, không có rêu, bùn và vết bùn bám, và khi quét mặt đường hoặc súc vật liệu trên không bay bụi;
- Muốn sạch, tốt nhất là phải rửa và sóc bằng nước. Những vật liệu đã bám bùn, đất nhất thiết phải rửa sạch và phơi khô trước khi dùng. Những vật liệu mới khai thác có thể sàng kỹ cho hết đất, cát, bụi trước khi dùng.
Mặt đường phải quét sạch, và dùng bao tải hoặc quạt gió khí áp quét thổi cho hết bụi. Nếu dùng nhựa nhũ tương hoặc nhựa pha chế với dầu nhẹ thì còn có thể dùng nước để rửa. Trong khi làm sạch mặt đường để rải nhựa cần chú ý không làm bong đá mặt đường lên và không cần phải khơi sâu các kẽ giữa các hòn đá.
Điều 9: - Những đá vỉa, hai bên mép mặt đường có phủ nhựa ở trên, mặt đá có dính với nhựa phải sạch và khô như quy định trên.
Điều 10: - Củi đun nhựa phải là loại củi chắc, nhiều nhiệt lượng. Khối lượng chuẩn bị củi chiếm 35% trọng lượng nhựa.
Điều 11: - Các loại nhựa sử dụng phải có những tiêu chuẩn, đặc tính sau đây:
- Nhựa nguyên chất dầu hỏa ( bitume):
+ Độ kim lún ở 250C 60 – 120 l/10mm
+ Độ kéo dài ở 250C 40 – 60 cm
+ Nhiệt độ mềm 40 – 600C
- Nhựa nhũ tương dầu hỏa (émulsion de bitume) và nhựa dầu hỏa pha chế với créosote = có quy định riêng.
Khi cung cấp nhựa, cơ quan cung cấp cần phải có bản nói rõ tính chất nhựa. Trường hợp không đúng quy cách trên, cần phải quy định cách pha chế thêm và cung cấp những nguyên nhiên liệu cần thiết để đảm bảo yêu cầu trên.
Điều 12: - Phương pháp nấu nhựa:
- Nhiệt độ nấu nhựa tùy theo quy cách của từng loại nhựa sử dụng và có quy định cụ thể. Thường thường thì:
+ Đối với các loại nhựa pha chế với dầu nhẹ, nhiệt độ nấu không được quá 80oC.
+ Đối với các loại nhựa nguyên chất dầu hỏa, nhiệt độ nấu không được quá 180oC.
Đối với từng loại nhựa sử dụng, cơ quan cung cấp phải ấn định nhiệt độ nấu, và đơn vị thi công phải đảm bảo nấu đúng nhiệt độ đã ấn định, có theo dõi thường xuyên bằng nhiệt độ kế.
Thời gian nấu nhựa không được quá nhanh trước 2 giờ đối với nhựa nguyên chất dầu hỏa và 1/2 giờ đối với nhựa pha chế với dầu nhẹ.
- Thời gian nấu nhựa cũng không được để lâu quá vì nhựa hao và dễ hỏng, thường thường không quá 3 giờ với nhựa dầu hỏa nguyên chất và 2 giờ đối với nhựa pha chế với dầu nhẹ. Tốt nhất là đun đủ độ xong là rải nhựa ngay, nhựa đun xong phải sử dụng hết, không để sang ngày sau.
Điều 13: - Tất cả các thùng nấu nhựa đều phải có nắp đậy và trong lúc nấu thùng phải đậy kín.
Thùng nấu nhựa thô sơ thì đáy phải rộng hơn chiều cao, và nhựa chỉ chiếm tối đa 3/4 bề sâu thùng nấu. Bếp nấu phải kín ba mặt để tránh hao củi và kéo dài thời gian nấu nhựa.
Nếu nấu nhựa và tưới nhựa theo lối thủ công thì chỗ nấu không được quá xa và phải đảm bảo nhiệt độ nhựa khi tưới không chênh lệch trên 20oC với nhiệt độ nấu quy định.
Điều 14: - Chỉ tiến hành rải nhựa khi nhiệt độ trong râm từ 20oC trở lên. Có thể bắt đầu rải nhựa lúc có nhiệt độ dưới 20oC với điều kiện là nhiệt độ trong lúc rải đang tăng nhưng tuyệt đối không rải nhựa lúc có nhiệt độ trong râm dưới 15oC.
- Thi công mặt đường nhựa phải chọn vào những ngày khô, nắng, và tránh không rải vào những ngày mưa, hoặc mặt đường còn ẩm. Thời gian thuận tiện nhất là những tháng 3, 4, 5, 6, 7, 10, 11 hàng năm, là những thời gian nóng, nắng, ít mưa.
- Nếu dùng nhựa nhũ tương hoặc nhựa pha chế với dầu nhẹ thì có thể rải sau những trận mưa nhỏ không có nước đọng trên mặt đường.
III. PHẦN CHUẨN BỊ
Điều 15: - Lòng đường để rải nhựa thấm sâu, rải thấm nửa chừng hoặc nhựa trộn với đá, cấp phối phải đảm bảo chắc chắn và đúng mui luyện, như đã quy định cho lòng đường đá răm, cấp phối – Hai bên mép lòng đường phải chắc chắn, và theo quy định của thiết kế.
Khi cần thiết phải có đá vỉa - mặt ngoài các đá vỉa nằm trong phạm vi bề rộng mặt đường cần rải và mép ngoài của đá vỉa (giáp với lề đường) cần thẳng hàng, để khi phủ nhựa lớp mặt mép mặt đường được thẳng.
Điều 16: - Hai bên lề đường không cần có rãnh xương cá nhưng lề đường phải đảm bảo đủ độ dốc ngang để thoát nước tốt. Độ dốc ngang lề đường quy định là 5%. Để thoát nước trong lúc chuẩn bị rải, lề đường cần có rãnh ngang, và khi rải thì đắp lại bằng đất.
Điều 17: - Móng đường, căn cứ theo quy định của thiết kế. Mặt móng đường cần bằng phẳng, đá lèn chắc theo quy định, ít lỗ hổng, và đủ độ mui luyện như mặt đường.
Điều 18: - Mặt đường láng nhựa phải bằng phẳng, đảm bảo đủ độ mui luyện. Phải vá ổ gà trước kho rải nhựa.
Điều 19: - Độ mui luyện cho mặt đường, lòng đường và mặt móng đường mới theo quy định của thiết kế.
Trường hợp láng nhựa trên mặt đường cũ thì dùng độ mui luyện cũ của mặt đường hiện có.
Điều 20: - Tất cả các mặt đường nhựa đều phải thiết kế theo phương pháp mô-đuyn biến dạng.
Đối với các loại mặt đường rải thấm nửa chừng, rải thấm sâu và rải nhựa trôn thì phải tính theo mô-đun vật liệu có cả nhựa. Riêng đối với mặt đường láng nhựa trên mặt thì coi nhựa như một lớp hao mòn.
Lưu lượng xe qua lại dùng để tính toán cần chú ý kết hợp yêu cầu trước mắt và tương lai; và có quy định riêng từng trường hợp;
Điều 21: - Tất cả các mặt đường nhựa phải có nền đường ổn định, bình đồ và cắt dọc theo đúng chuẩn tắc cấp đường. Riêng đối với mặt đường cũ, lề đường nếu chưa đủ, tối thiểu phải rộng 1m. Trường hợp đặc biệt phải rộng 0,m50 nhưng phải bảo đảm an toàn cho xe lu khi thi công.
Điều 22: - Chất lượng đường nhựa chịu ảnh hưởng rất nhiều của việc tưới nhựa. Tưới nhựa cần phải thật đều, cho nên phải chuẩn bị những dụng cụ bảo đảm tưới nhựa cho đều.
IV. PHẦN THI CÔNG
A. LÁNG NHỰA TRÊN MẶT ĐƯỜNG ĐÁ RĂM VÀ CẤP PHỐI.
a) Mặt đường đá răm
1. Đối với mặt đường cũ:
Điều 23: - Mặt đá răm đã sử dụng một thời gian, muốn rải nhựa phải bảo đảm mấy điều kiện sau đây:
- Đủ mô-duyn biến dạng theo quy định của thiết kế;
- Chưa có hoặc có ít ổ gà. Mui luyện phải bảo đảm theo đúng quy định của thiết kế.
Điều 24: - Trình tự thi công:
- Cạo lấy hết lớp đất cát của tầng ma hao và lớp bảo vệ;
- Vá ổ gà nhỏ;
- Quét rửa; thổi, đập sạch bụi;
- Rải nhựa với tiêu chuẩn 2kg5/m2 đến 3kg/m2.
- Rải sỏi 5 -15 mm với tiêu chuẩn 1,5m3 đến 1,8m3 trên 100m2.
- Dùng lu nặng 6 -8 tấn lèn 4 – 6 lượt trên một chỗ và lèn ngay sau khi ra sỏi.
2. Đối với mặt đường rải mới:
Điều 25: - Rải đá răm đúng theo quy trình thi công mặt đường đá răm ở bước 1 và 2. Sang bước 3, dùng cát san dưới 15mm loại tốt, cứng, tuyệt đối không lẫn đất hoặc sít, rải lên mặt đường, quét kỹ và tưới đẩm nước cho cát sạn lọt hết xuống khe kẽ và lèn như giai đoạn 3 của đá răm.
Cát sạn dùng từ 0m3,500 đến 0m3,800 cho 100m2.
Sau khi lèn xong, để từ 1 đến 3 ngày cho mặt đường thật khô, tuỳ theo thời tiết nắng nhiều hay ít và tiến hành láng nhựa ngay.
Điều 26: - Trình tự láng nhựa:
- Quét lớp cát sạn còn ở trên mặt và thổi đập sạch bụi;
- Rải nhựa với tiêu chuẩn 3kg,00 đến 4kg,m2;
- Rải sỏi 5 -15mm với tiêu chuẩn 1,8m3 đến 2m3 trên 100m2.
- Dùng lu nặng 6 – 8 tấn lèn 4 – 6 lượt trên một chỗ và lèn ngay sau khi ra sỏi.
b) Mặt đường cấp phối, sỏi ong, đá răm bùn.
1) Đối với mặt đường cũ:
Điều 27: - Mặt đường đã sử dụng một thời gian, muốn rải nhựa phải tính lại mô-đuyn biến dạng với lưu lượng quy định, nếu cần thiết bù thêm vật liệu, xáo xới rải rác lại theo đúng tiêu chuẩn loại đường rồi tiến hành rải nhựa theo trình tự sau đây:
- Quét, thổi, đập sạch bụi;
- Rải một lớp dầu ma-dút với tiêu chuẩn 0,200 – 0,300kg/ m2 và để khô 1 ngày, hoặc tối thiểu 4 -5 giờ;
- Rải nhựa với tiêu chuẩn 2kg,5 đến 3kg/m2;
- Rải sỏi 5mm đến 15mm với tiêu chuẩn 1,5m3 đến 1,8m3 trên 100m2.
- Dùng lu 6 – 8 tấn lèn 4 – 6 lượt trên một chỗ, và lèn sau khi ra sỏi.
2. Đối với mặt đường rải mới:
Điều 28: - Mặt đường rải mới phải theo đúng quy định của từng loại mặt đường và quy định của thiết kế rối tiến hành rải nhựa theo trình tự như quy định ở điều 27 trên đây.
B. RẢI NHỰA THẤM NỬA CHỪNG VÀ RẢI THẤM SÂU TRÊN MẶT ĐƯỜNG ĐÁ RĂM
Điều 29: - Rải nhựa thấm nửa chừng trên mặt đường đá răm theo phương pháp xáo xới mặt đường cũ tiến hành như sau:
- Cuốc xáo lớp đá cũ sâu 5 – 6cm, lọc bỏ các tạp vật và đất cát cho sạch sẽ;
- Lát đá vỉa theo quy định của thiết kế;
- San bằng và cho thêm đá mới cho có đủ mui luyện;
- Dùng lu 6T lèn 3 – 4 lượt trên một chỗ (lèn không tưới nước), trong lúc lèn phải bù đá;
- Dùng lu 10T lèn 5 – 6 lượt trên một chỗ, trong lúc lèn chèn đá;
- Rải nhựa lớp 1 với tiêu chuẩn 3kg, 500 đến 4kg/m2;
- Rải sỏi cỡ 5 -20mm với tiêu chuẩn 1,m380 đến 2m3 trên 100m2;
- Dùng lu 6T lèn 14 lượt trên 1 chỗ;
- Tiếp tục rải nhựa lớp 2 với tiêu chuẩn 2kg/m2;
- Rải sỏi 5 – 15mm với tiêu chuẩn 1,3 đến 1,5m3 trên 100m2;
- Dùng lu 6T lèn 6 – 8 lượt trên một chỗ và lèn ngay sau khi ra sỏi.
Điều 30: - Rải thấm nửa chừng trên mặt đường đá răm mới tiến hành như sau:
- Tiến hành như rải đá răm nước cho đến khi đạt 80% giai đoạn 2 (điều 24 quy trình thi công mặt đường đá răm);
- Cần cố gắng giảm số lượng nước đến tối thiểu để đủ không vỡ đá;
- Để một ngày cho khô, sau đó lèn không tưới nước bằng lu 6T từ 1 đến 3 lượt trên một chỗ để ổn định lại nếu mặt đường bị bong, bật;
- Rải nhựa lớp 1 với tiêu chuẩn 3kg, 500 đến 4kg/m2;
- Rải sỏi cỡ 5 – 20mm với tiêu chuẩn 1,80 đến 2,00m3 trên 100m2;
- Dùng lu 6T lèn 14 lượt trên một chỗ;
- Tiếp tục rải nhựa lớp 2 với tiêu chuẩn 2kg/m2;
- Rải sỏi 5 – 15mm với tiêu chuẩn 1,3 đến 1,5m3 trên 100m2;
- Dùng lu 6T lèn 6- 8 lượt trên một chỗ và lèn ngay sau khi ra sỏi.
Điều 31: - Công tác rải nhựa thấm sâu tiến hành như sau:
- Rải đá răm theo bề dày đã tính toán có đá mui luyện;
- Dùng lu 6T lèn 4 – 6 lượt trên một chỗ cho đá ổn định, trong lúc lèn thì bù đá;
- Dùng lu 10T lèn 6 – 8 lượt trên một chỗ, trong lúc lèn thì chèn đá;
- Lúc lèn không tưới nước. Nếu có chỗ nào vỡ đá nhiều thì phải ngừng lèn rồi đào bỏ đá vỡ ra, thêm đá mới khác vào và tiếp tục lèn;
- Rải nhựa lớp 1 với tiêu chuẩn 5 – 6kg/m2 cho mặt đường dầy 10cm lèn rồi. Hoặc 3 – 4% nhựa so với trọng lượng đá trên 1m2;
- Phủ sỏi 5 – 20mm với tiêu chuẩn 1,8m2 đến 2,00m3 trên 100m2;
- Dùng lu 6T lèn 14 lượt trên một chỗ;
- Rải nhựa lớp 2 với tiêu chuẩn 2kg/m2;
- Rải sỏi 5 – 15mm với tiêu chuẩn 1,3m3 đến 1,5m3 trên 100m2.
- Dùng lu 6T lèn 6 – 8 lượt trên một chỗ và lèn ngay sau khi ra sỏi.
C. RẢI NHỰA TRỘN VỚI SỎI HOẶC ĐÁ RĂM TRÊN MẶT ĐƯỜNG ĐÁ RĂM HOẶC CẤP PHỐI.
Điều 32: - Trộn vật liệu với nhựa có thể trộn trực tiếp trên đường, hoặc trộn trong nhà máy rồi đem ra rải.
Điều 33: - Thành phần cấp phối, tỷ lệ nhựa và tính chất nhựa sẽ do thiết kế và thí nghiệm quy định cho từng trường hợp.
Điều 34: - Cách trộn:
- Nấu nhựa nóng từ 150- 175oC (tuỳ theo nhiệt độ nấu);
- Sấy sỏi thật khô;
- Cho nhựa và sỏi vào thiết bị trộn, trộn đều.
Điều 35: - Cách rải:
- Mặt đường cũ phải quét, thổi, đập sạch đất, tạp vật và bụi, sửa sang bằng phẳng, có mui luyện, mặt đường thật khô ráo;
- Dùng nhựa trộn đã nguội đem rải lèn mặt đường, san bằng, dùng lu 6T lèn 8 – 15 lượt trên một chỗ, tùy bề dày từ 4 đến 7cm;
- Sau đó phủ một lớp nhựa với tiêu chuẩn 0,80kg đến 1kg/m2 trộn nhựa phủ sỏi 5 – 15mm với tiêu chuẩn 1,2 – 1,5m3 trên 100m2;
- Dùng lu 6T lèn 6 – 8 lượt trên một chỗ và lèn ngay sau khi ra khỏi.
D. LÁNG NHỰA MẶT ĐƯỜNG CŨ VÀ VÁ Ổ GÀ.
Điều 36: - Mặt đường nhựa cũ, bạc đầu rạn chân chim thì phải tiến hành láng một lớp nhựa mới. Láng nhựa có thể láng hết mặt đường hoặc từng phần mặt đường nhưng phải có hình vuông vắn.
Điều 37: - Trình tự thi công:
- Vá các ổ gà;
- Chải, quét, rửa, thổi, đập sạch các tạp vật, đất,cát bụi trên mặt đường;
- Rải nhựa với tiêu chuẩn 1kg đến 1,2kg/m2 (ngoài số nhựa để vá ổ gà);
- Rải sỏi 5 – 15mm với tiêu chuẩn 1,2 đến 1,5m3 trên 100m2;
- Dùng lu 6T lèn 3 – 4 lượt trên một chỗ và lèn ngay sau khi ra sỏi.
Điều 38: - Trước khi phủ nhựa lên mặt đường, cần phải vá ổ gà - Mặt đường cũ loại nào thì phải vá ổ gà theo loại đó đúng với yêu cầu kỹ thuật như đã quy định trong chế độ sửa chữa đường ô-tô.
- Phải vá ổ gà lớn xong trước 2 tuần khi muốn rải hoặc láng nhựa;
Điều 39: - Để bảo vệ tốt mặt đường mới rải nhựa xong:
a) Nếu mặt đường láng nhựa, rải nhựa thấm sâu hoặc rải thấm nửa chừng, chỉ cho các loại xe có bánh cao – su qua lại sau khi đã té sỏi trên mặt nhựa.
b) Nếu mặt đường rải bằng nhựa trộn, chỉ cho các loại xe có bánh cao-su qua lại sau khi đã lèn tối thiểu được một lần.
c) Tốc độ của xe có bánh cao-su được phép đi lại không được quá 5 cây số/giờ.
d) Chỉ cho các loại xe bánh sắt (xe bò, xe ba gác v.v…) đi lại sau khi mặt đường nhựa đã có đủ độ lèn.
E. BẢO ĐẢM GIAO THÔNG VÀ AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG LÚC RẢI NHỰA.
Điều 40: - Sửa chữa đường sá là để bảo đảm cho giao thông vận tải được liên tục, nhanh chóng và an toàn, do đó vấn đề bào đảm giao thông luôn luôn được chú trọng, nhất là trong lúc thi công mặt đường:
a) Các biển báo hiệu, hàng rào an ninh phải luôn luôn đầy đủ, rỏ ràng, cấm đúng vị trí và quy tắc đã quy định.
b) Khi tiến hành láng nhựa, rải nhựa mặt đường phải làm từng nửa mặt đường để bảo đảm cho giao thông khỏi bị gián đoạn.
c) Trường hợp đặc biệt cần tiến hành rải nhựa cả bề ngang mặt đường một lúc thì kế hoạch thi công phải được cục chủ quan xét duyệt trước.
d) Cục chủ quản khi xét duyệt kế hoạch thi công rải nhựa của các đơn vị thi công, phải chú trọng đến các biện pháp bảo đảm giao thông và phải thường xuyên theo dõi kiểm tra việc thực hiện các biện pháp ấy để bảo đảm cho giao thông vận tải không bị gián đoạn.
Điều 41: - Tại những chỗ đang thi công rải nhựa phải có trật tự để tránh trở ngại cho xe cộ khi qua lại. Tất cả thùng nhựa, nồi nấu nhựa, vật liệu, dụng cụ v.v…đều phải để gọn gàng vào bên đường. Những chỗ bắc bếp nấu nhựa phải dọn sạch sẽ sau mỗi ngày thi công. Sỏi để phủ nhựa phải để trên lề đường, không làm trở ngại cho thi công và xe cộ qua lại.
Điều 42: - Trong khi thi công đường nhựa công nhân phải được trang bị đầy đủ những phương tiện phòng hộ lao động. Đơn vị thi công phải thực hiện đầy đủ quy chế an toàn lao động của bộ về thi công mặt đường nhựa.
V. PHẦN BẢO DƯỠNG - NGHIỆM THU
Điều 43: - Láng nhựa rải nhựa xong, mặt đường khi hoàn thành phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Sỏi san lớp mặt phải dính liền với mặt đường, lấy tay không thể nhắc sỏi san ra khỏi mặt đường được;
- Dùng thước mui luyện áp ngang mặt đường, lồi lõm châm chước không quá 10 ly;
- Dùng một thước thẳng 3m đặt dọc tim đường, lồi lõm châm chước không quá 10 ly;
- Giữa lề đường và mặt đường phải thật khớp với nhau chắc chắn và bằng phẳng. Không châm chước hiện tượng chênh lệch cao thấp khác nhau, hoặc đắp phủ qua loa.
Điều 44: - Sau khi rải nhựa xong, đơn vị thi công phải dự trữ sỏi san để bảo dưỡng, trung bình 5m3 cho 1000m2 loại từ 5 – 15mm.
Điều 45: - Nếu có xe đi, đơn vị thi công phải thường xuyên quét sạn sỏi cho phủ đều và bằng phẳng trên mặt đường nhựa mới rải và điều chỉnh cho xe đi lại chạy đều trên mặt đường trong 15 ngày đầu, sau đó bàn giao cho đơn vị quản lý tiếp tục bảo dưỡng như công tác duy tu cho đến khi bàn giao.
Điều 46: - Trước khi bàn giao, đơn vị thi công phải hoàn thiện lề đường, mương rãnh theo đúng quy định, và dọn dẹp sạch sẽ hai bên lề đường.
Ban hành kèm theo quyết định số 1187-QĐ ngày 30 tháng 10 năm 1963
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.