THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 118/2006/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM ''TỔ CHỨC QUẢN LÝ DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY'' TẠI TỈNH TÂY NINH
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiên ma túy tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác trực thuộc Trung ương;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Đề án thí điểm ''Tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại tỉnh Tây Ninh'' (kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án; hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Đề án của tỉnh Tây Ninh.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
ĐỀ ÁN
TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 118/2006/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)
Phần 1:
SỰ CẦN THIẾT PHẢI TIẾP TỤC QUẢN LÝ, GIÁO DỤC DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY
I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH TỆ NẠN NGHIỆN MA TÚY VÀ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN PHỤC HỒI CHO NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TẠI TỈNH TÂY NINH
1. Thực trạng về tình hình tệ nạn nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của các ngành chức năng, năm 1995 Tây Ninh có khoảng 114 người nghiện ma tuý, đến tháng 5 năm 2005 đã có 887 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng hơn 7,5 lần). Về tuổi đời: dưới 18 tuổi chiếm 7,63%, từ 18 tuổi trở lên chiếm 92,37%. Phần lớn họ là những người không có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng việc làm không ổn định…
2. Một số kết quả bước đầu trong công tác cai nghiện ma túy tại tỉnh Tây Ninh.
Trong những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã tổ chức cai nghiện được khoảng 450 người. Việc đưa đối tượng nghiện ma túy vào cai nghiện tập trung trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như: giảm gần 17% số người nghiện ma túy ngoài xã hội, triệt phá nhiều tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma tuý, ngăn chặn sự lây lan ma tuý và HIV/AIDS trong cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đem lại niềm tin vào khả năng cai nghiện có hiệu quả cho các gia đình có người nghiện ma túy.
3. Một số tồn tại trong công tác cai nghiện ma túy hiện nay.
- Quy mô của các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu đất, thiếu trang thiết bị để tổ chức dạy nghề và lao động sản xuất cho học viên.
- Thời gian cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy từ 1 đến 2 năm chưa đủ để rèn luyện, thay đổi nhân cách, hình thành lối sống tích cực, đặc biệt là trong môi trường xã hội còn chưa kiểm soát được việc mua, bán và sử dụng ma túy nên tỷ lệ tái nghiện cao.
- Việc quản lý đối tượng sau cai nghiện tại địa phương chưa chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc phòng, chống tệ nạn ma túy chưa đồng bộ. Công tác hỗ trợ, quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức. Phần lớn đối tượng sau cai nghiện chưa được gia đình và cộng đồng quản lý, giúp đỡ; không có việc làm ổn định...
Sự tham gia của các đoàn thể và nhân dân còn hạn chế, chưa thường xuyên; sự lồng ghép giữa công tác cai nghiện, giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện với các phong trào quần chúng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
II. CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN, THUẬN LỢI KHI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Cơ sở pháp lý.
Căn cứ vào Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương và Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền đưa người vào cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý.
2. Những thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện Đề án.
a) Thuận lợi:
- Hầu hết nhân dân đều nhận thức được hiểm họa của tệ nạn nghiện ma túy đem lại hậu quả xấu cho từng gia đình và toàn xã hội. Chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh Tây Ninh mà trọng tâm là giảm về tệ nạn ma túy là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền, được nhân dân trong tỉnh tin tưởng và ủng hộ việc tiếp tục quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.
- Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các ngành, các cấp của tỉnh và nhân dân đồng tình thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống ma túy nói chung và chủ trương tiếp tục quản lý, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm nói riêng cho người sau cai nghiện ma tuý .
- Tây Ninh là một tỉnh có tiềm năng kinh tế, đủ điều kiện và nguồn lực để thực hiện Đề án.
- Nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ hoặc tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy.
b) Khó khăn:
- Một bộ phận thân nhân của người nghiện chưa nhận thức đúng về tác hại lâu dài của ma túy hoặc do tình cảm gia đình, muốn con em hồi gia ngay sau khi cai nghiện, nên chưa sẵn sàng động viên người thân tự nguyện chuyển sang giai đoạn quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm để tiếp tục rèn luyện sức khỏe và nhân cách, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng một cách vững chắc.
- Trong số những người sau cai nghiện, có khoảng từ 40% đến 50% là người bị nhiễm HIV/AIDS, gây tâm lý hoang mang trong số người lao động ở cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm.
- Việc chậm trễ về thủ tục hành chính giải quyết các chính sách thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào cơ sở sản xuất và giải quyết việc làm là nguyên nhân gây nên sự khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư để dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.
- Hiệu quả và năng suất lao động của người sau cai nghiện thấp; thời gian quản lý tập trung đối với người nghiện dài (từ 4 đến 5 năm) gây tác động tiêu cực đến nhu cầu tâm, sinh lý và các quan hệ xã hội gây mất ổn định và trật tự trong cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm, tạo nên sự lo ngại cho các nhà đầu tư.
Để thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi, giảm tỷ lệ tái nghiện, góp phần ngăn chặn tình trạng gia tăng người nghiện mới trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng một cách vững chắc, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh xây dựng Đề án ''Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại tỉnh Tây Ninh''.
Phần 2:
NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
I. TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY
1. Mục tiêu của Đề án.
Tạo điều kiện cho khoảng từ 70% đến 80% người sau cai nghiện ma túy được tiếp tục học nghề, lao động sản xuất, học tập và rèn luyện nhân cách trong môi trường lành mạnh không có ma tuý, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái hòa nhập cộng đồng một cách vững chắc, chống tái nghiện, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh và khu vực, tạo môi trường trong sạch để phát triển kinh tế - xã hội.
2. Những nguyên tắc cơ bản.
a) Việc đưa người vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy được thực hiện theo hướng vận động, thuyết phục là chính; đối với người sau cai nghiện không tự nguyện nhưng có nguy cơ tái nghiện cao sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét đưa vào các cơ sở để quản lý dạy nghề, lao động sản xuất giúp họ có thời gian và môi trường tốt, có việc làm ổn định để phòng và chống tái nghiện.
b) Người sau cai nghiện được cách ly khỏi môi trường ma túy nhưng không hoàn toàn tách rời với cuộc sống cộng đồng xã hội.
c) Thực hiện phương thức xã hội hóa và đa dạng hóa các hoạt động giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm ổn định cho người sau cai nghiện ma túy.
3. Đối tượng áp dụng.
a) Người đã kết thúc thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 28 của Luật Phòng, chống ma túy mà tự nguyện đề nghị tham gia Đề án này.
b) Người đã kết thúc thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 28 của Luật Phòng, chống ma túy tuy không tự nguyện đề nghị tham gia Đề án nhưng có khả năng tái nghiện cao nếu được đưa trở lại cộng đồng.
c) Người chưa đủ 18 tuổi được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc tự nguyện xin vào cơ sở cai nghiện theo quy định tại Điều 29 của Luật Phòng, chống ma tuý không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm sau cai nghiện, trừ trường hợp sau khi kết thúc thời gian cai nghiện tập trung đã đủ 18 tuổi và tự nguyện đề nghị được tham gia Đề án.
d) Người đã cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện tư nhân hoặc cai tại cộng đồng mà tự nguyện tham gia.
4. Thủ tục pháp lý.
Việc lập hồ sơ, xét duyệt, quyết định đưa người sau cai nghiện vào cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 146/2004/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về việc quy định thủ tục, thẩm quyền quyết định đưa vào cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm đối với người sau cai nghiện ma túy.
5. Thời gian áp dụng.
Thời gian áp dụng biện pháp tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy từ 1 đến 2 năm, trường hợp cần thiết có thể kéo dài nhưng không quá 3 năm. Nếu người sau cai nghiện có nguyện vọng định cư, làm việc ổn định lâu dài tại cơ sở thì được xem xét, giải quyết theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
6. Xem xét cho về gia đình.
6.1. Đối với người nghiện ma túy đã kết thúc thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở chữa bệnh theo quy định của Luật Phòng, chống ma tuý:
a) Người cai nghiện lần đầu, có nhân thân tốt, có nghề nghiệp ổn định hoặc là học sinh, sinh viên, công nhân viên và người lao động có nhiều cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện phục hồi nhân cách, thể lực, có tiến bộ trong quá trình cai nghiện, được gia đình cam kết bảo lãnh không tái nghiện; chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể cấp phường - xã, thị trấn cam kết cộng đồng trách nhiệm quản lý ở địa phương hoặc doanh nghiệp cam kết bảo lãnh tiếp nhận để tiếp tục làm việc và học tập.
b) Người có tình trạng sức khỏe yếu: bị mắc bệnh hiểm nghèo, bị bệnh AIDS đã chuyển sang giai đoạn cuối, có xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện, thị xã, cần có sự chăm sóc trực tiếp, thường xuyên của gia đình hoặc gia đình có đơn xin bảo lãnh về điều trị, chăm sóc tại nhà có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú.
6.2. Đối với người đã đưa vào cơ sở giải quyết việc làm sau cai nghiện:
a) Người đã làm việc ở cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ít nhất từ 12 tháng trở lên, có nhiều cố gắng trong lao động, học tập và rèn luyện, thể hiện sự tiến bộ về nhiều mặt, có khả năng lao động tốt; có giấy đồng ý tiếp nhận của trường học hoặc cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh và đơn bảo lãnh của gia đình để tiếp tục đi học hoặc đi làm, được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú xác nhận;
b) Các trường hợp được quy định tại tiết b, mục 6.1 điểm 6 nói trên.
II. CÁC HÌNH THỨC GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY
Tất cả các đối tượng sau cai nghiện (trừ các trường hợp quy định tại điểm 6.1) sẽ được chuyển tiếp sang khu vực quản lý sau cai nghiện để tiếp tục học văn hóa, học nghề, lao động sản xuất và rèn luyện, hình thành nếp sống, sinh hoạt như sau:
1. Làm việc tại cơ sở trồng và chế biến cao su thuộc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội: tỉnh lập dự án trồng mới 200 ha cây cao su kết hợp xen canh cây ngắn ngày và chăn nuôi để giải quyết việc làm.
Cơ sở giải quyết việc làm sẽ quản lý họ theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 2 đến 3 năm. Nếu người sau cai nghiện có nguyện vọng định cư lâu dài sẽ được tạo điều kiện để định cư theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Đối tượng tiếp nhận: tất cả các học viên đã hoàn thành giai đoạn cai nghiện đủ 24 tháng hoặc tuy chưa đủ 24 tháng nhưng có nhân thân tốt, có nhiều tiến bộ, có sức khỏe, đã qua đào tạo nghề có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Khả năng giải quyết việc làm cho loại hình này từ 400 đến 500 người.
2. Những người sau cai nghiện làm việc tại các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết gia công các mặt hàng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội là những người có tay nghề hoặc có khả năng làm việc tại các phân xưởng gia công các mặt hàng thủ công mỹ nghệ được bảo đảm bằng hợp đồng lao động với Trung tâm, được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định.
Các doanh nghiệp đầu tư sản xuất để dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước và của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. Tương ứng với việc hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải giải quyết việc làm cho khoảng 30% đến 40% tổng số lao động của doanh nghiệp là người sau cai nghiện. Sau khi được đào tạo, được tuyển chọn làm việc cho các doanh nghiệp, người sau cai nghiện sẽ được hưởng các chế độ, chính sách như những công nhân bình thường.
Đối tượng tiếp nhận: trừ những học viên được đưa vào làm việc tại cơ sở trồng và sản xuất cao su, số còn lại sẽ bố trí làm việc tại doanh nghiệp tiểu, thủ công nghiệp, cơ sở sản xuất liên kết gia công các mặt hàng tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; các học viên đã hoàn thành giai đoạn cai nghiện đủ 24 tháng hoặc tuy chưa đủ 24 tháng nhưng có nhân thân tốt, có nhiều tiến bộ, có đủ sức khỏe và đã qua đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu công việc.
Khả năng giải quyết việc làm theo hình thức này cho khoảng từ 600 đến 700 người.
III. TỔ CHỨC DẠY VĂN HÓA, DẠY NGHỀ CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN MA TÚY
1. Dạy văn hóa.
Tổ chức các lớp bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ học vấn cho người sau cai nghiện theo nội dung và chương trình phổ cập của quốc gia. Tùy theo điều kiện cụ thể để bố trí dạy văn hóa theo hình thức tập trung hoặc xen kẽ vào thời gian học nghề và lao động.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đầu tư xây dựng trường, lớp, trang thiết bị, dụng cụ và cấp kinh phí dạy và học văn hóa cho người sau cai nghiện theo quy định của Nhà nước; bố trí giáo viên dạy văn hóa trong bộ máy nhân sự của cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm hoặc hợp đồng với giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo theo yêu cầu của lớp học. Giáo viên dạy văn hóa trong biên chế của cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm được hưởng các chế độ, chính sách như cán bộ, công nhân, viên chức trong các trung tâm cai nghiện.
2. Dạy nghề.
Trên cơ sở kết quả dạy nghề cho học viên trong thời gian cai nghiện, công tác dạy nghề tiếp tục được tổ chức để vừa bồi dưỡng về lý thuyết, nâng cao tay nghề, vừa đào tạo dài hạn nhằm đạt tay nghề có ngạch bậc rõ ràng để người sau cai nghiện có đủ trình độ vào làm việc tại các cụm tiểu, thủ công nghiệp và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Căn cứ vào yêu cầu ngành, nghề tại các cụm tiểu, thủ công nghiệp mà tổ chức dạy nghề cho người sau cai nghiện phù hợp để sau thời gian học nghề, người sau cai nghiện có thể được tuyển dụng vào làm việc ngay trong các cụm tiểu, thủ công nghiệp. Trên cơ sở nhu cầu lao động của cụm tiểu, thủ công nghiệp và tình hình thực tế để đào tạo ngành, nghề phù hợp với các lớp dạy nghề ngắn và dài hạn khác nhau.
Chỉ tiêu đào tạo các ngành, nghề cụ thể như sau:
Nghề đào tạo | Người sau cai nghiện được đào tạo | |||
Năm 2006 | Năm 2007 | Năm 2008 | Cộng | |
1. Trồng, chế biến cao su, chăn nuôi | 80 | 80 | 100 | 260 |
2. Chế biến nông sản | 30 | 30 | 40 | 100 |
3. Xây dựng | 50 | 50 | 50 | 150 |
4. May công nghiệp | 50 | 100 | 100 | 250 |
5. Điện gia dụng | 20 | 90 | 90 | 200 |
6. Tin học văn phòng | 20 | 200 | 200 | 420 |
Tổng cộng | 250 | 550 | 580 | 1.380 |
IV. QUYỀN LỢI, NGHĨA VỤ VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN
1. Quyền lợi và nghĩa vụ của người sau cai nghiện
a) Quyền lợi của người sau cai nghiện:
- Người sau cai nghiện được thừa nhận bằng việc ký kết hợp đồng lao động với cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh. Người sau cai nghiện được trả lương, thưởng tương xứng với kết quả lao động của họ, được ưu tiên xem xét tiếp tục làm việc nếu có nguyện vọng sau khi hết hạn hợp đồng lao động.
- Được bố trí chỗ ở và cung cấp một số điều kiện sinh hoạt cần thiết.
- Được đăng ký tạm trú tại địa phương nơi làm việc.
- Được học tập, đào tạo nghề theo nguyện vọng và phù hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động.
- Được tham gia sinh hoạt trong tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp theo quy định.
- Được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, trong học tập, rèn luyện hoặc tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn của đơn vị và địa phương.
- Được tiếp thân nhân tại khu vực dành riêng ngoài giờ lao động, sinh hoạt và học tập theo quy định của cơ quan quản lý.
- Được giải quyết cho về phép khi gia đình có việc hiếu, hỷ.
- Được xem xét đề bạt, bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý của đơn vị.
b) Nghĩa vụ của người sau cai nghiện:
- Thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật, nội quy lao động và sinh hoạt của đơn vị.
- Tích cực tham gia lao động sản xuất, hoàn thành tốt định mức lao động, khối lượng, chất lượng công việc được giao.
- Tích cực học tập, thi đua lao động, tham gia các phong trào văn thể mỹ và các hoạt động xã hội của đoàn thể.
- Tích cực tham gia tuyên truyền vận động bài trừ ma túy, tệ nạn xã hội; phản ánh, tố cáo với người có trách nhiệm về các hành vi tiêu cực như: sử dụng ma túy, mua bán, tàng trữ ma túy... để kịp thời ngăn chặn, góp phần xây dựng môi trường trong sạch và lành mạnh.
2. Chế độ, chính sách đối với người sau cai nghiện.
a) Giai đoạn học văn hóa, học nghề:
- Tại cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm, trong 12 tháng học nghề và lao động chưa đủ tiền ăn, tiền sinh hoạt phí, người sau cai nghiện sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trợ cấp.
b) Giai đoạn tham gia lao động sản xuất:
- Sau khi đã ký hợp đồng lao động với Giám đốc các đơn vị quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm đã có thu nhập, người sau cai nghiện có trách nhiệm đóng góp sinh hoạt phí theo quy định của Nhà nước; được gửi tiền tiết kiệm của mình tại đơn vị quản lý sau khi đã trừ các khoản đóng góp sinh hoạt phí theo quy định.
- Gia đình người sau cai nghiện có trách nhiệm đóng góp các khoản chi phí về y tế, điện, nước, vệ sinh và tiền ăn. Mức đóng góp do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh quy định trên nguyên tắc bảo đảm đủ chi phí, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Đối với những người do sức khỏe yếu, khả năng lao động sản xuất không thể bù đắp được chi phí sinh hoạt, gia đình có hoàn cảnh khó khăn có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ sinh hoạt phí trong thời gian người đó ở tại cơ sở.
- Những người nhiễm HIV/AIDS, sức khỏe yếu không thể lao động được hoặc đã chuyển sang AIDS giai đoạn cuối sẽ được bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt tại khu riêng và được trợ cấp 100% tiền ăn, ở và sinh hoạt.
3. Khen thưởng và kỷ luật.
a) Người sau cai nghiện chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, quy chế, nội quy của cơ sở quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm, lập thành tích xuất sắc thì tùy theo thành tích sẽ được Thủ trưởng đơn vị xét khen thưởng bằng các hình thức sau đây:
- Đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định.
- Thưởng tiền hoặc hiện vật.
- Thưởng phép về thăm gia đình.
b) Người sau cai nghiện nếu vi phạm các quy định của đơn vị thì tùy theo mức độ vi phạm mà thi hành kỷ luật bằng các hình thức sau:
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Chuyển làm công việc khác có mức lương thấp hơn hoặc cách chức (nếu có chức vụ).
Trường hợp người sau cai nghiện tự ý rời bỏ đơn vị thì Thủ trưởng đơn vị thông báo về chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để cùng gia đình vận động, phối hợp đưa trở lại đơn vị. Nếu vận động, thuyết phục không được thì đề nghị cơ quan công an áp dụng biện pháp truy tìm, cưỡng chế về đơn vị.
Trường hợp người sau cai nghiện có hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán chất ma tuý hoặc có hành vi phạm pháp, phá hoại, gây rối, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
4. Giải quyết trường hợp người đang chấp hành quyết định bị tai nạn lao động, bị chết.
a) Trường hợp người sau cai nghiện tại cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm bị tai nạn lao động thì cơ sở quản lý sau cai nghiện phải tổ chức khám, chữa trị kịp thời và chuyển đến bệnh viện khi cần thiết; đồng thời làm các thủ tục để giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định hiện hành;
b) Trong thời gian thực hiện Đề án quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm, nếu người sau cai nghiện bị chết thì Ban Giám đốc cơ sở phải báo ngay cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan y tế nơi gần nhất lập biên bản xác nhận nguyên nhân chết. Trong trường hợp cần thiết có thể trưng cầu giám định pháp y; đồng thời, thông báo cho thân nhân người chết biết để mai táng. Trong trường hợp người chết không có thân nhân hoặc thân nhân không đến trong vòng 24 giờ thì Ban Giám đốc cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm có trách nhiệm tổ chức mai táng. Các chi phí về giám định pháp y, mai táng do ngân sách nhà nước cấp theo quy định hiện hành.
Phần 3:
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. CÁC GIẢI PHÁP
1. Vốn đầu tư.
Hình thành khu vực quản lý người sau cai nghiện tại địa điểm nông trường mía tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu thuộc Công ty mía đường Tây Ninh với diện tích đất được quy hoạch là 381 ha. Trong đó, bố trí trồng cao su 200 ha, 50 ha sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, 131 ha còn lại sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất phụ. Tổng nguồn vốn thực hiện dự án khoảng từ 20 đến 22 tỷ đồng, được phân bổ cụ thể như sau:
a) Vốn đầu tư cho hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề (khoảng 3 tỷ đồng):
- Ngân sách tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với quy mô đào tạo các lớp, các ngành, nghề có khả năng liên kết giữa các cơ sở giáo dục và dạy nghề. Phần còn lại sẽ kêu gọi các nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí để xây dựng cơ sở dạy nghề và giải quyết việc làm.
- Về học phí, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ một phần, phần còn lại từ các nguồn tài trợ và người sau cai nghiện hoặc gia đình họ đóng góp. Trường hợp bản thân người sau cai nghiện và gia đình họ khó khăn thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ theo quy định. Ngoài ra, các cơ sở sử dụng lao động là người sau cai nghiện có thể hỗ trợ kinh phí dưới hình thức học bổng đối với một số người sau cai nghiện có hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt thành tích tốt trong quá trình học văn hóa, học nghề và rèn luyện.
b) Vốn đầu tư sản xuất:
- Nguồn vốn đầu tư: từ ngân sách nhà nước, từ các nguồn khác như: vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn vay Ngân hàng chuyên doanh, vốn liên doanh, liên kết ...
2. Chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư.
Tây Ninh thực hiện chính sách thu hút đầu tư theo quy định hiện hành và các chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước ban hành nhằm thu hút đầu tư vào cụm tiểu, thủ công nghiệp tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý.
3. Tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.
Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội của tỉnh Tây Ninh được giao thêm nhiệm vụ tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy. Tổ chức bộ máy và cán bộ của các cơ sở quản lý sau cai nghiện được vận dụng theo quy định tại Thông tư liên Bộ số 05/2002/TTLB-BLĐTBXH-BTCCBCP ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ).
4. Về chế độ tài chính.
Chế độ tài chính được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội số 45/2002/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 16 tháng 5 năm 2002 về việc hướng dẫn quản lý tài chính đối với các cơ sở chữa bệnh do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
5. Về công tác y tế.
Tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và Cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy phải xây dựng trạm xá theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, đảm bảo biên chế y, bác sĩ hoạt động phục vụ chữa trị bệnh kịp thời. Về biên chế, do Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh quy định cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Đối với những người bị nhiễm HIV/AIDS hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác được bố trí công việc thích hợp. Trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS sẽ được chuyển đến cơ sở điều trị riêng hoặc cho về nhà theo nguyện vọng của gia đình để chăm sóc.
6. Công tác quản lý trật tự trị an tại cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.
Cơ sở giải quyết việc làm phải đăng ký số người sau cai nghiện được tạm trú có thời hạn tại địa phương nơi cư trú. Các vấn đề liên quan đến hộ tịch do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký tạm trú giải quyết.
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh giúp đỡ các cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện mới thành lập theo Đề án này xây dựng phương án bảo vệ và tăng cường trang bị phương tiện phù hợp với điều kiện quản lý người sau cai nghiện.
7. Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở quản lý người sau cai nghiện.
Các cơ quan chức năng có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện và giải quyết các vấn đề về khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Nếu cán bộ, nhân viên, người sau cai nghiện và thân nhân của họ có vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý theo quy định của pháp luật.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Chỉ đạo thực hiện.
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm tổ chức thực hiện Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh thành lập Ban Chỉ đạo để giúp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện Đề án ''Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện''.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm:
+ Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương nhân đạo của Nhà nước đối với người sau cai nghiện, nhằm tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng tham gia của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện.
+ Tổ chức quán triệt, giáo dục, vận động học viên cai nghiện và thân nhân của họ để tạo sự đồng tình hưởng ứng thực hiện Đề án đem lại hiệu quả và lợi ích cho xã hội, cho bản thân và gia đình người nghiện ma túy
+ Hướng dẫn, chỉ đạo các Ban, ngành, các cấp huy động lực lượng và tiềm năng sẵn có của tỉnh để thực hiện các phương thức giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện một cách hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm.
+ Thường xuyên theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, nắm tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện Đề án.
2. Thời gian và tiến độ thực hiện Đề án.
Đề án thí điểm này được thực hiện trong thời gian Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội cho phép.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm sơ kết việc thực hiện Đề án, báo cáo Chính phủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội.
Việc xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án nhằm chủ động và tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tái nghiện ma tuý, giảm người nghiện ma tuý mới, giảm tội phạm ma tuý, giảm các tệ nạn xã hội và tội phạm khác góp phần làm trong sạch môi trường xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh trong những năm tới./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.