ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1175/2007/QĐ-UBND | Huế, ngày 22 tháng 5 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CẤP, ĐIỀU CHỈNH, ĐĂNG KÝ LẠI, CHUYỂN ĐỔI VÀ ĐĂNG KÝ ĐỔI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀO ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đầu tư năm 2005;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005;
Căn cứ Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Nghị định 101/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2005;
Căn cứ Quyết định 1088/2006/QĐ-BKH ngày 19 tháng 10 năm 2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành các mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 291/SKHĐT-KTĐN ngày 23 tháng 3 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định cấp, điều chỉnh, đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục Thuế, Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành, địa phương liên quan và các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CẤP, ĐIỀU CHỈNH, ĐĂNG KÝ LẠI, CHUYỂN ĐỔI VÀ ĐĂNG KÝ ĐỔI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀO ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1175 /2007/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này được ban hành nhằm thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản pháp quy hiện hành về việc cấp, điều chỉnh, đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (không nằm trong phạm vi khu công nghiệp và khu kinh tế).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (không nằm trong phạm vi khu công nghiệp và khu kinh tế).
2. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư.
Điều 3. Trách nhiệm của Sở kế hoạch và Đầu tư
1. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ của nhà đầu tư.
2. Chủ trì thẩm định dự án đầu tư.
3. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp, điều chỉnh, đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư.
4. Trả Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư.
Điều 4. Trách nhiệm của nhà đầu tư
1. Chịu trách nhiệm hoàn toàn về tính hợp pháp, tính chính xác của hồ sơ, tài liệu xin cấp, điều chỉnh, đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Trực tiếp nộp hồ sơ và nhận Giấy chứng nhận đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
3. Bổ sung hồ sơ khi có yêu cầu thẩm tra, thẩm định sau không quá 03 ngày.
Điều 5. Trách nhiệm của các đơn vị tham gia thẩm định
1. Trả lời cho đơn vị chủ trì thẩm định về ý kiến của đơn vị mình bằng văn bản theo đúng thời hạn quy định. Quá thời hạn quy định, nếu không có văn bản trả lời, xem như thống nhất nội dung và chịu trách nhiệm về những nội dung đã nêu trong hồ sơ thuộc lĩnh vực phụ trách.
2. Trong thời gian tham gia thẩm tra, thẩm định các đơn vị có thể gửi văn bản bằng FAX đến đơn vị chủ trì và gửi bản gốc sau (không quá 03 ngày làm việc).
Chương II
HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ
Mục 1: ĐĂNG KÝ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ
Điều 6. Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư được áp dụng đối với các dự án có quy mô vốn đầu tư từ 15 tỷ đồng Việt Nam đến dưới 300 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện hoặc không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 15 của Quy định này.
Riêng các dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn dưới 15 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì không cần phải đăng ký cấp chứng nhận đầu tư. Trong trường hợp này, nếu nhà đầu tư có nhu cầu xác nhận ưu đãi đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì thực hiện thủ tục đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Điều 7. Hồ sơ đăng ký đầu tư
1. Hồ sơ đăng ký gồm:
a) Bản đăng ký đầu tư;
b) Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
c) Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm (không áp dụng đối với dự án đầu tư trong nước).
2. Trường hợp dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 điều này, nhà đầu tư phải nộp kèm theo:
a) Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
b) Hợp đồng liên doanh đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Điều 8. Quy trình tiếp nhận và thời gian giải quyết cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Nhà đầu tư nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư 05 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm văn bản trình Ủy ban nhân dân tỉnh và dự thảo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản tổng hợp và dự thảo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Mục 2: THẨM TRA CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÓ QUY MÔ VỐN ĐẦU TƯ TỪ 300 TỶ ĐỒNG VIỆT NAM TRỞ LÊN VÀ KHÔNG THUỘC LĨNH VỰC ĐẦU TƯ CÓ ĐIỀU KIỆN
Điều 9. Hồ sơ thẩm tra đầu tư
1. Hồ sơ thẩm tra gồm :
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
b) Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư (đối với nhà đầu tư là tổ chức thì nộp bản sao quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các tài liệu tương đương khác; đối với nhà đầu tư là cá nhân thì nộp bản sao hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân);
c) Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm);
d) Giải trình kinh tế - kỹ thuật với các nội dung chủ yếu: mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư, tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất, giải pháp về công nghệ và giải pháp về môi trường;
đ) Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh;
2. Trường hợp dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 điều này, nhà đầu tư phải nộp kèm theo:
a) Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
b) Hợp đồng liên doanh đối với hình thức thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Điều 10. Nội dung thẩm tra
a) Sự phù hợp với: quy hoạch kết cấu hạ tầng - kỹ thuật; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và các nguồn tài nguyên khác;
Đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực chưa có quy hoạch hoặc chưa có trong quy hoạch nêu trên, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quy hoạch.
b) Nhu cầu sử dụng đất: diện tích đất, loại đất và tiến độ sử dụng đất;
c) Tiến độ thực hiện dự án: tiến độ thực hiện vốn đầu tư, tiến độ xây dựng và tiến độ thực hiện các mục tiêu của dự án;
d) Giải pháp về môi trường: đánh giá các yếu tố tác động đến môi trường và giải pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật về môi trường.
Trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
Mục 3: THẨM TRA CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÓ QUY MÔ VỐN ĐẦU TƯ DƯỚI 300 TỶ ĐỒNG VIỆT NAM VÀ THUỘC LĨNH VỰC ĐẦU TƯ CÓ ĐIỀU KIỆN
Điều 11. Hồ sơ thẩm tra đầu tư
1. Hồ sơ thẩm tra đầu tư gồm :
a) Bản đăng ký đầu tư;
b) Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh;
c) Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư (do nhà đầu tư lập và chịu trách nhiệm).
d) Giải trình khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư và Phụ lục C ban hành kèm theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP .
2. Trường hợp dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 điều này, nhà đầu tư phải nộp kèm theo:
a) Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
b) Hợp đồng liên doanh đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Điều 12. Nội dung thẩm tra
a) Thẩm tra khả năng đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
Các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thẩm tra các điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư và Phụ lục C ban hành kèm theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP .
Trường hợp các điều kiện của dự án đầu tư đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hoặc quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư quyết định việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà không phải lấy ý kiến thẩm tra của các cơ quan có liên quan;
b) Đối với dự án đầu tư trong nước, nếu dự án đã đáp ứng các điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư quyết định việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy trình đăng ký đầu tư.
Trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
Mục 4: THẨM TRA CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÓ QUY MÔ VỐN ĐẦU TƯ TỪ 300 TỶ ĐỒNG VIỆT NAM TRỞ LÊN VÀ THUỘC LĨNH VỰC ĐẦU TƯ CÓ ĐIỀU KIỆN
Điều 13. Hồ sơ thẩm tra đầu tư
Ngoài các hồ sơ thẩm tra quy định tại Điều 9 của Quy định này, nhà đầu tư phải cung cấp thêm văn bản giải trình khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng khi tham gia thị trường quy định đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư và Phụ lục C ban hành kèm theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP .
Điều 14. Nội dung thẩm tra
Thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 12 của Quy định này.
Trường hợp dự án đầu tư không được chấp thuận, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
Mục 5: THẨM TRA ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ THUỘC THẨM QUYỀN CHẤP THUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Điều 15. Dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư
1. Các dự án đầu tư không phân biệt nguồn vốn, quy mô đầu tư trong những lĩnh vực sau:
a) Xây dựng và kinh doanh cảng hàng không; vận tải hàng không;
b) Xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia;
c) Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; thăm dò, khai thác khoáng sản;
d) Phát thanh, truyền hình;
đ) Kinh doanh casino;
e) Sản xuất thuốc lá điếu;
g) Thành lập cơ sở đào tạo đại học;
h) Thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
2. Dự án đầu tư không thuộc quy định tại khoản 1 của Điều này, không phân biệt nguồn vốn và có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng Việt Nam trở lên trong những lĩnh vực sau:
a) Kinh doanh điện; chế biến khoáng sản; luyện kim;
b) Xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa;
c) Sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
3. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sau:
a) Kinh doanh vận tải biển;
b) Thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát, viễn thông và Internet; thiết lập mạng truyền dẫn phát sóng;
c) In ấn, phát hành báo chí; xuất bản;
d) Thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học độc lập.
Điều 16. Thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ
1. Đối với dự án đầu tư quy định tại Điều 15 của Quy định này nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà không phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;
2. Trường hợp dự án đầu tư quy định tại Điều 15 của Quy định này không nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt hoặc dự án không đáp ứng các điều kiện mở cửa thị trường quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư chủ trì, lấy ý kiến Bộ quản lý ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch hoặc quyết định mở cửa thị trường đầu tư;
3. Trường hợp dự án đầu tư quy định tại Điều 15 của Quy định này thuộc lĩnh vực chưa có quy hoạch, thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư lấy ý kiến Bộ quản lý ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan khác có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Điều 17. Hồ sơ thẩm tra đầu tư
Thực hiện theo quy định tại Điều 9 của Quy định này. Trường hợp dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện quy định tại Điều 29 của Luật Đầu tư và Phụ lục C ban hành kèm theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP , nhà đầu tư phải cung cấp thêm văn bản giải trình khả năng đáp ứng điều kiện mà dự án đầu tư phải đáp ứng khi tham gia thị trường.
Mục 6: QUY TRÌNH THẨM TRA CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ
Điều 18. Đối với các dự án thẩm tra đầu tư quy định tại Mục 2, Mục 3, Mục 4, Chương II của Quy định này
Nhà đầu tư nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư gồm 08 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến của các Bộ ngành, Sở ngành địa phương liên quan.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, các Sở, ngành địa phương có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.
Trong thời hạn 17 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo thẩm tra trình Ủy ban nhân dân tỉnh và dự thảo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra và dự thảo Giấy chứng nhận đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Điều 19. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 15, Mục 5 của Quy định này
Nhà đầu tư nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư gồm 10 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các Sở, ngành địa phương có liên quan.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, các Sở, ngành địa phương có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.
Trong thời hạn 19 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm tra tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về chủ trương đầu tư và dự thảo nội dung cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Chương III
ĐIỀU CHỈNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Điều 20. Đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư
Dự án thuộc diện đăng ký điều chỉnh gồm các dự án mà sau khi điều chỉnh về mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn, hình thức, thời hạn, dự án đó thuộc các trường hợp sau:
1. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài sau khi điều chỉnh có quy mô vốn đầu tư dưới 300 tỷ đồng Việt Nam và không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện;
2. Dự án đầu tư trong nước mà sau khi điều chỉnh, dự án đó không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, trừ trường hợp các dự án đầu tư không phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh hoặc thẩm tra điều chỉnh;
3. Dự án đầu tư trong nước thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện mà sau khi điều chỉnh, dự án đó không thay đổi mục tiêu mà vẫn đáp ứng các điều kiện đầu tư quy định đối với dự án đó, trừ trường hợp các dự án đầu tư không phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh hoặc thẩm tra điều chỉnh.
Điều 21. Hồ sơ và thời gian đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư
1. Hồ sơ điều chỉnh gồm:
Nhà đầu tư nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư gồm 05 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc. Mỗi bộ hồ sơ đầy đủ các loại giấy tờ sau:
a) Văn bản đăng ký chứng nhận những nội dung điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;
c) Bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc điều lệ doanh nghiệp.
2. Thời gian điều chỉnh:
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm văn bản trình Ủy ban nhân dân tỉnh và dự thảo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản tổng hợp và dự thảo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.
Điều 22. Thẩm tra điều chỉnh dự án đầu tư
Dự án đầu tư thuộc diện thẩm tra điều chỉnh gồm các dự án mà sau khi điều chỉnh về mục tiêu, quy mô, địa điểm, vốn, hình thức, thời hạn, dự án đó thuộc các trường hợp sau:
1. Dự án có vốn đầu tư nước ngoài sau khi điều chỉnh thuộc diện thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
2. Dự án đầu tư trong nước mà sau khi điều chỉnh, dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Điều 23. Hồ sơ và thời gian thẩm tra điều chỉnh dự án đầu tư
1. Hồ sơ thẩm tra điều chỉnh gồm:
Nhà đầu tư nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư gồm 08 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc. Mỗi bộ hồ sơ đầy đủ các loại giấy tờ sau:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Giải trình lý do điều chỉnh;
c) Những thay đổi so với nội dung đã thẩm tra khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
d) Báo cáo tình hình thực hiện dự án đến thời điểm điều chỉnh dự án;
đ) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;
e) Bản sửa đổi, bổ sung hợp đồng liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc điều lệ doanh nghiệp.
2. Trường hợp dự án đầu tư sau khi điều chỉnh trở thành dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực đầu tư chưa có trong quy hoạch hoặc chưa có điều kiện đầu tư được pháp luật quy định, thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư lấy ý kiến thẩm tra của các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi cấp mới hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
3. Trường hợp nội dung điều chỉnh liên quan đến lĩnh vực đầu tư có điều kiện, thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư lấy ý kiến thẩm tra của Bộ, ngành liên quan trước khi điều chỉnh, bổ sung nội dung Giấy chứng nhận đầu tư.
4. Thời gian điều chỉnh:
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và Sở, ngành địa phương liên quan.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, các Sở, ban ngành có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.
Trong thời hạn 17 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo thẩm tra trình Ủy ban nhân dân tỉnh và dự thảo nội dung điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra và dự thảo Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh.
Chương IV
ĐĂNG KÝ LẠI, CHUYỂN ĐỔI DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Điều 24. Đăng ký lại doanh nghiệp
Doanh nghiệp có vốn nước ngoài được thành lập theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo Nghị định số 38/2003/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ đăng ký lại doanh nghiệp.
Điều 25. Hồ sơ đăng ký lại doanh nghiệp
1. Hồ sơ đăng ký lại doanh nghiệp gồm :
a) Văn bản đề nghị đăng ký lại doanh nghiệp do đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký.
b) Dự thảo Điều lệ doanh nghiệp sửa đổi phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
c) Bản sao hợp lệ Giấy phép đầu tư và các Giấy phép điều chỉnh.
2. Trường hợp khi đăng ký lại, doanh nghiệp có yêu cầu điều chỉnh các nội dung liên quan đến đăng ký kinh doanh và dự án đầu tư, thì trong hồ sơ nói trên còn bao gồm các tài liệu mà pháp luật quy định tương ứng với nội dung điều chỉnh.
3. Quy trình và thời gian giải quyết :
Nhà đầu tư nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư 02 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến của các Sở, ngành liên quan (nếu cần thiết).
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của các Sở, ngành liên quan (nếu có) và dự thảo Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản tổng hợp và dự thảo Giấy chứng nhận đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Điều 26. Chuyển đổi doanh nghiệp
Chuyển đổi doanh nghiệp được áp dụng trong các trường hợp sau :
1. Doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có từ hai chủ sở hữu trở lên chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
2. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do một tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
3. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là công ty trách nhiệm hữu hạn chuyển đổi thành công ty cổ phần và ngược lại.
Điều 27. Hồ sơ chuyển đổi doanh nghiệp
1. Hồ sơ chuyển đổi doanh nghiệp gồm:
a) Văn bản đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp, trong đó nêu rõ nội dung chuyển đổi do đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
b) Dự thảo Điều lệ của doanh nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
c) Quyết định chuyển đổi doanh nghiệp của chủ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Hội đồng quản trị doanh nghiệp liên doanh hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài;
d) Bản sao hợp lệ Giấy phép đầu tư và các Giấy phép điều chỉnh.
2. Trường hợp chuyển đổi có bổ sung thêm thành viên mới, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 điều này còn bao gồm:
a) Đối với thành viên mới là cá nhân: bản sao Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác;
b) Đối với thành viên mới là pháp nhân: bản sao Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu tương đương khác của pháp nhân; Quyết định uỷ quyền, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo uỷ quyền;
c) Đối với thành viên mới là pháp nhân nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Điều lệ phải có chứng thực của cơ quan nơi pháp nhân đó đã đăng ký không quá 3 tháng trước ngày nộp hồ sơ.
3. Trường hợp khi chuyển đổi, doanh nghiệp có yêu cầu điều chỉnh các nội dung liên quan đến đăng ký kinh doanh và dự án đầu tư thì trong hồ sơ chuyển đổi còn bao gồm các tài liệu mà pháp luật quy định tương ứng với nội dung điều chỉnh.
4. Quy trình và thời gian giải quyết:
Nhà đầu tư nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư 05 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến của các Bộ, ngành và Sở, ngành địa phương liên quan.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, các Sở, ngành địa phương có ý kiến thẩm tra bằng văn bản và chịu trách nhiệm về những vấn đề của dự án thuộc chức năng quản lý của mình.
Trong thời hạn 17 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm tra trình Ủy ban nhân dân tỉnh và dự thảo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra và dự thảo Giấy chứng nhận đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Điều 28. Đăng ký lại, chuyển đổi doanh nghiệp trong trường hợp có cam kết chuyển giao không bồi hoàn
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản đã đầu tư sau khi kết thúc thời hạn hoạt động cho Chính phủ Việt Nam được đăng ký lại, chuyển đổi theo quy định của Nghị định 101/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Không thay đổi nội dung cam kết về chuyển giao không bồi hoàn đối với dự án đã được cấp Giấy phép đầu tư;
b) Kế thừa và tiếp tục thực hiện dự án đầu tư liên quan đến tài sản đã cam kết chuyển giao không bồi hoàn.
2. Trường hợp thay đổi các nội dung liên quan đến việc chuyển giao không bồi hoàn thì việc đăng ký lại, chuyển đổi theo quy định của Nghị định 101/2006/NĐ-CP phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Chương V
ĐĂNG KÝ ĐỔI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ
Điều 29. Đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư
Việc đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư được áp dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh đã được cấp Giấy phép đầu tư trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
1. Hồ sơ đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư gồm:
a) Văn bản đề nghị đổi Giấy chứng nhận đầu tư do các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh ký;
b) Bản sao hợp lệ Giấy phép đầu tư và các Giấy phép điều chỉnh.
2. Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh có yêu cầu điều chỉnh các nội dung liên quan đến dự án đầu tư và hợp đồng hợp tác kinh doanh thì ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 điều này, còn bao gồm các tài liệu mà pháp luật về đầu tư quy định tương ứng với yêu cầu điều chỉnh.
3. Quy trình và thời gian giải quyết :
Nhà đầu tư nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư gồm 05 bộ hồ sơ dự án đầu tư, trong đó có 1 bộ hồ sơ gốc.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ lấy ý kiến của các Sở, ban ngành liên quan (nếu cần thiết).
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm văn bản trình Ủy ban nhân dân tỉnh và dự thảo nội dung Giấy chứng nhận đầu tư.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản tổng hợp và dự thảo Giấy chứng nhận đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 30. Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và thực hiện việc cấp, điều chỉnh, đổi và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 31. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước các hoạt động đầu tư trực tiếp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có nhiệm vụ :
1. Tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm tra dự án đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cấp, điều chỉnh, đổi, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư.
2. Giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư và quản lý dự án đầu tư sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra định kỳ việc thực hiện các quy định của Giấy chứng nhận đầu tư.
3. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, đánh giá hoạt động đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh (bao gồm khu công nghiệp và khu kinh tế) theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 32. Các Sở, ban ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
Các Sở, ban ngành cấp tỉnh; Ban quản lý các khu công nghiệp, Ban quản lý khu kinh tế; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở kế hoạch và Đầu tư trong việc thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư và giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.