BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ******* Số: 1170-QĐ-TL | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ ******* Hà Nội, ngày 27 tháng 09 năm 1962 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số 160-CP ngày 09 tháng 10 năm 1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Giao thông vận tải;
Để tăng cường lãnh đạo công tác khoa học, kỹ thuật, sáng kiến phát minh trong các ngành hoạt động của Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng phát triển của ngành Giao thông vận tải;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: - Ban hành bản Điều lệ tổ chức Hội đồng Khoa học và kỹ thuật thuộc Bộ Giao thông vận tải;
Điều 2: - Bản điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các văn bản ban hành trước đây trái với bản điều lệ này đều hỦy bỏ.
Điều 3: - Các ông Chánh văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, Viện trưởng và các ông Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Phan Trọng Tuệ |
ĐIỀU LỆ
TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Chương 1:
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1: - Hội đồng Khoa học, Kỹ thuật và sáng kiến phát minh gọi tắt là “Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật” thuộc Bộ Giao thông vận tải, là một tổ chức tư vấn, có trách nhiệm giúp Bộ giải quyết đúng đắn và kịp thời các vấn đề về khoa học, kỹ thuật, sáng kiến phát minh quan trọng trong ngành Giao thông vận tải; đề xuất ý kiến về phương hướng công tác khoa học kỹ thuật của Bộ.
Chương 2:
NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 2: - Nhiệm vụ của Hội đồng Khoa học và kỹ thuật quy định như sau:
1. Góp ý kiến để Bộ xét các công trình nghiên cứu về công tác khoa học và phương án thiết kế những công trình trên hạn ngạch hoặc có tầm quan trọng, phức tạp về kỹ thuật thuộc Bộ.
2. Góp ý kiến để Bộ thẩm xét các dự thảo về quy định, quy phạm, thể lệ, chế độ quản lý kỹ thuật quan trọng có liên quan đến nhiều ngành hoạt động thuộc Bộ do Bộ hoặc Nhà nước ban hành.
3. Góp ý kiến để Bộ xác minh các sáng kiến, phát minh, kiến nghị hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật có giá trị lớn để Bộ quyết định khen thưởng hoặc cho áp dụng;
4. Tham gia xây dựng chương trình kế hoạch nghiên cứu và chương trình kế hoạch sơ, tổng kết phổ biến những vấn đề khoa học, kỹ thuật của Bộ;
5. Tham gia việc chuẩn bị hội nghị kỹ thuật hàng năm về biện pháp kỹ thuật để đảm bảo việc thực hiện kế hoạch của Bộ;
6. Giúp Bộ xác minh những trường hợp sai phạm lớn hoặc không thống nhất ý kiến về các vấn đề khoa học, kỹ thuật;
7. Tham gia ý kiến về chương trình, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nhân kỹ thuật.
Chương 3:
TỔ CHỨC VÀ THÀNH PHẦN CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 3: - Thành phần của Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật quy định như sau:
- Chủ tịch Hội đồng do Bộ trưởng đảm nhiệm, khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng sẽ thay;
- Hai Phó Chủ tịch do Bộ trưởng chỉ định;
- Hai Ủy viên thường trực;
- Viện trưởng Viện Kỹ thuật Giao thông;
- Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông;
- Các Ủy viên gồm có:
- Các ông phụ trách kỹ thuật tại Tổng cục, Cục, Vụ, Viện;
- Một số cán bộ khoa học, kỹ thuật hoạt động trong các ngành thuộc Bộ; một số giáo sư trường Đại học Giao thông và một số anh hùng, chiến sĩ thi đua.
- Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương, Vụ trưởng Vụ Cán bộ giáo dục.
- Đại biểu Công đoàn Giao thông vận tải và Công đoàn đường sắt Việt-nam.
Những Ủy viên trên đây sẽ định trong một danh sách riêng.
Ngoài ra, khi cần thiết, Hội đồng có thể mời thêm Thủ trưởng các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện… đại diện các đoàn thể tham gia các cuộc họp đối với những vấn đề có liên quan, các đại diện của các cơ quan bạn, v.v…
Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và Ủy viên thường trực tổ chức thành Ban Thường trực hội đồng. Giúp việc Ban Thường trực hội đồng có một Tiểu ban thư ký.
Điều 4: - Hội đồng có các tiểu ban chuyên môn sau đây:
1. Tiểu ban tuyến;
2. Tiểu ban nền, mặt đường;
3. Tiểu ban cầu;
4. Tiểu ban công trình đường thủy;
5. Tiểu ban động lực và sức kéo;
6. Tiểu ban cơ khí sửa chữa và chế tạo;
7. Tiểu ban vật tư và nhiên liệu;
8. Tiểu ban vận chuyển và bốc dỡ;
9. Tiểu ban Giao thông vận tải nông thôn, miền núi.
Mỗi tiểu ban có một Trưởng tiểu ban phụ trách, một Phó ban giúp việc và một số ban viên.
Ngoài các tiểu ban nói trên, khi cần, Hội đồng có thể đề nghị thiết lập thêm các tiểu ban khác.
Điều 5: - Để thuận tiện cho việc sinh hoạt, Hội đồng có một Câu lạc bộ.
Chương 4:
NHIỆM VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CHỨC VỤ CÔNG TÁC TRONG HỘI ĐỒNG
Điều 6: - Nhiệm vụ của Ban thường trực Hội đồng:
1. Định chương trình và nội dung các vấn đề đưa ra cuộc họp của Hội đồng xét hoặc giao cho các Tiểu ban giải quyết;
2. Kiểm điểm tình hình sinh hoạt; thực hiện việc sơ, tổng kết công tác của Hội đồng;
3. Đảm bảo thực hiện các mặt công tác của Hội đồng giữa hai kỳ hội nghị toàn thể của Hội đồng;
4. Thường xuyên chỉ đạo công tác của các Tiểu ban, tạo điều kiện tốt cho các Ủy viên và Tiểu ban hoạt động.
Điều 7: - Nhiệm vụ và Tiểu ban thư ký Hội đồng:
1. Chuẩn bị đề cương, dự án các vấn đề cần đưa ra Hội đồng, Thường trực hội đồng hoặc các tiểu ban thảo luận, giải quyết;
2. Quản lý chương trình công tác, nội quy, sinh hoạt và nội dung các cuộc họp của hội đồng và thường trực hội đồng;
3. Sơ, tổng kết, báo cáo, thông báo tình hình hoạt động của hội đồng cho Bộ và các cơ quan có liên quan;
4. Quản lý các hồ sơ, tài liệu, phương tiện làm việc của hội đồng;
5. Báo cáo chủ trương, phương hướng và ý kiến đề xuất của Bộ trưởng cho Thường trực hội đồng và Hội đồng;
6. Theo dõi sự hoạt động của Hội đồng kỹ thuật, sáng kiến, phát minh các cấp trong Bộ và giúp đỡ các công việc cần thiết về nghiệp vụ có liên quan;
7. Tổ chức các cuộc họp chuyên đề về kỹ thuật, khoa học, sáng kiến phát minh do Hội đồng, Ban thường trực quyết định; theo dõi quản lý các mặt hoạt động của các tiểu ban và sinh hoạt của Câu lạc bộ hội đồng;
Điều 8: - Nhiệm vụ của các Tiểu ban chuyên môn:
1. Góp ý kiến giải quyết các khó khăn, mắc mứu về kỹ thuật khoa học cụ thể trong sản xuất và nghiên cứu thuộc phạm vi chuyên môn của Tiểu ban và những việc của các tiểu ban khác có liên quan;
2. Đề xuất và tham gia xây dựng quy trình, quy phạm, chương trình kế hoạch công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, các vấn đề về thư viện, thông tin, liên lạc thuộc phạm vi công tác của Tiểu ban;
3. Tham gia vào việc chuẩn bị sơ, tổng kết và phổ biến các vấn đề về kỹ thuật, khoa học;
4. Tham gia vào kế hoạch, chương trình và phương pháp đào tạo cán bộ kỹ thuật, khoa học, công nhân kỹ thuật;
5. Góp ý kiến để Bộ xác minh, xét duyệt khen thưởng và ấn định phạm vi sử dụng các sáng kiến phát minh thuộc quyền hạn xét duyệt và thuộc phạm vi chuyên môn của Tiểu ban;
6. Thường xuyên báo cáo tình hình hoạt động của Tiểu ban cho Thường trực hội đồng.
Điều 9: - Nhiệm vụ của các Ủy viên hội đồng:
1. Chấp hành đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Hội đồng, của Ban thường trực và sự phân công của Tiểu ban mình tham gia;
2. Nghiên cứu và phát hiện kịp thời những vấn đề về khoa học kỹ thuật nơi mình công tác và chủ động kịp thời đề xuất với Tiểu ban hoặc Thường trực hội đồng giải quyết;
Điều 10: Trách nhiệm của Phó chủ tịch, Trưởng tiểu ban và Ủy viên trong hội đồng;
Phó chủ tịch: Có trách nhiệm giúp Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo các tiểu ban nghiên cứu những vấn đề đã được Hội đồng, Ban thường trực phân công …
- Trưởng tiểu ban: Có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các ban viên trong tiểu ban thực hiện đầy đủ và kịp thời những chỉ thị, nghị quyết của Hội đồng: của Thường trực hội đồng về các vấn đề đã được phân công thuộc phạm vi hoạt động của tiểu ban mình; đề xuất hoặc kiến nghị với Thường trực hội đồng những vấn đề xét thấy cần được ghi vào chương trình công tác của Thường trực hội đồng, đảm bảo giữ vững sinh hoạt của tiểu ban, chủ trì các cuộc họp thường kỳ và đề nghị hoặc quyết định triệu tập các cuộc họp bất thường khi cần.
- Ủy viên hội đồng: Tham gia tích cực và đều đặn các mặt hoạt động công tác của tiểu ban, của hội đồng, và tích cực hoạt động ở các hội đồng cơ sở về khoa học, kỹ thuật hoặc sáng kiến nơi mình công tác nhằm không ngừng phát huy tác dụng của công tác khoa học, kỹ thuật để phục vụ sản xuất.
Chương 5:
CHẾ ĐỘ SINH HOẠT, CÔNGTÁC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 11: - Chế độ sinh hoạt:
- Hội nghị toàn thể hội đồng: sáu tháng họp một lần.
- Hội nghị Thường trực: một tháng họp một lần
- Các Tiểu ban chuyên môn: ba tháng họp một lần.
Khi có việc cần thì họp bất thường.
Đối với các sáng kiến, phát minh cần được xác minh kịp thời, tuỳ mức độ quan trọng có thể do các tiểu ban họp để xác nhận hoặc đưa ra Thường trực hội đồng hoặc toàn thể hội đồng xét. Thành phần tham gia vào việc xác minh trên đây có đủ đại diện các đoàn thể, chính quyền cần thiết.
Điều 12: - Chế độ công tác:
- Các Ủy viên hội đồng được sử dụng thời giờ, phương tiện và cơ sở kỹ thuật của đơn vị nơi mình công tác để làm việc theo đúng nhiệm vụ và trách nhiệm của mình do Hội đồng giao.
Ban hành kèm theo Quyết định số 1170-QĐ-TL ngày 27 tháng 9 năm 1962.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.