UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 117-QĐ/BT | Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC TRAO GIẢI THƯỞNG BÁO CHÍ VÌ TRẺ EM
BỘ TRƯỞNG - CHỦ NHIỆM UỶ BAN BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC TRẺ EM VIỆT NAM
Căn cứ Điều 23 Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày 16-8-1991;
Căn cứ Nghị định số 118/CP ngày 7-9-1994 của Chính phủ;
Theo đề nghị của bộ phận Truyền thông - Vận động xã hội Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam về yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các vấn đề bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Trao giải thưởng báo chí Vì trẻ em vào thời gian Tháng hành động vì trẻ em hàng năm. Bắt đầu từ năm 1997.
Điều 2. Công bố quy chế giải báo chí Vì trẻ em của Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam.
Điều 3. Hàng năm Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam thành lập Hội đồng giải thưởng báo chí Vì trẻ em. Hội đồng có nhiệm vụ tuyển chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc trình lãnh đạo Uỷ ban xem xét và quyết định giải thưởng.
Điều 4. Bộ phận Truyền thông - Vận động xã hội Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam chịu trách nhiệm thường trực cho việc tổ chức lựa chọn và trao giải thưởng.
| Trần Thị Thanh Thanh (Đã ký) |
QUY CHẾ
GIẢI THƯỞNG BÁO CHÍ VÌ TRẺ EM
Ban hành kèm theo Quyết định số 117/QĐ-BT, ngày 25-9-1996 của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
- Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em, góp phần tích cực vào hoàn thành thắng lợi chương trình hành động quốc gia vì trẻ em;
- Nhằm quy tụ các lực lượng thông tấn báo chí, động viên các phóng viên quan tâm đến sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em;
Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em chủ trương trao giải thưởng báo chí Vì trẻ em hàng năm, bắt đầu xét giải từ năm 1997.
II. QUY CHẾ GIẢI BÁO CHÍ VÌ TRẺ EM
Điều 1. Giải thưởng báo chí Vì trẻ em căn cứ vào nội dung sau đây để xét tặng thưởng:
1. Tác phẩm phản ảnh được thực trạng trẻ em hiện nay, phát hiện được những vấn đề bức xúc của trẻ em và phương sách giải quyết; phê phán những vi phạm về quyền trẻ em; giới thiệu những mô hình có nhiều kinh nghiệm hay, biểu dương những tập thể, cá nhân nhiệt tình, đóng góp nhiều công sức cho công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.
2. Ảnh hưởng tích cực của tác phẩm trong đời sống cộng đồng.
3. Tác phẩm phải đảm bảo tính chân thực của báo chí.
Điều 2. Tác phẩm báo chí được xem xét tặng thưởng đã được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng có giấy phép hoạt động của Bộ Văn hoá - Thông tin (bao gồm báo in, báo nói, báo hình).
1. Tác phẩm báo in: Được dư luận xã hội rộng rãi quan tâm. Mỗi tác phẩm là một bài viết theo một chủ đề đăng một hoặc nhiều kỳ.
Những bài viết đề cập đến các vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học chuyên ngành còn đang có những quan niệm khác nhau nên có các cơ quan chuyên ngành góp ý thẩm định. Tác phẩm đề cập các vụ việc tiêu cực chỉ xét chọn khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền. Tác phẩm biểu dương những điển hình, nhân tố mới cần chứng minh được hiệu quả thiết thực trong thực tế cuộc sống.
2. Tác phẩm ảnh báo chí: Gồm một ảnh hoặc một chùm ảnh phóng sự. ảnh mầu hoặc đen trắng, rõ nét, bảo đảm kỹ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh. Đối tượng được ghi lại là con người và sự việc thật, cụ thể. Không xét ảnh ghép.
3. Tác phẩm báo chí phát thanh: Các tiêu chuẩn như yêu cầu đối với báo in. Thể hiện được những đặc trưng và thế mạnh của loại hình phát thanh. Tác phẩm dự thi gồm: Văn bản và băng ghi âm (băng cát xét thông dụng).
4. Tác phẩm báo chí truyền hình: Các tiêu chuẩn nội dung như yêu cầu đối với báo in. Bảo đảm kỹ thuật và nghệ thuật hình ảnh, âm thanh. Tác phẩm dự thi là băng hình hệ Pal hoặc Secam, băng VHS, Umatic hoặc Betacam.
Điều 3. Các tác phẩm báo chí dự giải của năm được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tháng tư năm trước đến tháng tư năm xét giải. Các tác phẩm đã được giải thưởng cần ghi rõ mức giải và đơn vị trao giải.
Mỗi cơ quan báo chí gửi dự tuyển chọn không quá 3 tác phẩm. Không nhận tác phẩm do tác giả tự gửi.
Hồ sơ tác phẩm tham dự gồm:
- Tóm tắt sơ yếu lý lịch báo chí của tác giả.
- Danh mục kê khai những tác phẩm hay của tác giả được sử dụng trong năm, đặc biệt về lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
- Ý kiến nhận xét, đánh giá tác phẩm dự giải của cơ quan báo chí đã sử dụng tác phẩm đó.
- Tác phẩm dự giải; bản in chính hoặc sao chụp (có ghi rõ ngày, tháng, năm đăng tải) đối với báo in và ảnh báo chí. Riêng ảnh, kèm theo một ảnh gốc cỡ 12 cm x 18cm. Băng cát xét, băng video đối với phát thanh và truyền hình. Ghi rõ ngày tháng, giờ, chương trình, chuyên mục, đã sử dụng tác phẩm.
Hồ sơ tác phẩm gửi về Chương trình truyền thông - Vận động xã hội, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, 35 Trần Phú - Hà Nội.
Ban tổ chức xét giải không trả lại hồ sơ tác phẩm dự giải.
Điều 4. Hàng năm, Hội đồng giải thưởng báo chí Vì trẻ em gồm các nhà báo, nhà giáo dục do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam quyết định thành lập.
Điều 5. Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam tặng bằng khen, tiền thưởng cho các tác phẩm báo chí đạt các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích ở mỗi loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình).
Điều 6. Hội đồng giải thưởng báo chí Vì trẻ em nhận tác phẩm dự giải đến hết ngày 30 tháng 4 hàng năm (tính theo dấu bưu điện). Giải thưởng được công bố và trao tặng vào tháng sáu (Tháng hành động Vì trẻ em) hàng năm.
Trong quá trình tham dự giải, mọi chi tiết xin liên hệ với địa chỉ thường trực giải thưởng báo chí Vì trẻ em:
Chương trình Truyền thông - Vận động xã hội. Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam
35 Trần Phú - Hà Nội
Điện thoại 8.438014
Điều 7. Quy chế giải thưởng báo chí Vì trẻ em Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định trao giải thưởng báo chí Vì trẻ em số: 117 QĐ/BT ngày 25 tháng 9 năm 1996 của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.