ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 115/2003/QĐ-UB | ngày 28 tháng 10 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐÀI TRUYỀN THANH CƠ SỞ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Quyết định số 168/2001/ QĐ-TTg ngày 30/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng dài hạn kế hoạch 5 năm 2001 - 2005 và những giải pháp phát triển kinh tế- xã hội Tây nguyên;
- Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-HĐ ngày 11/7/2002 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI, kỳ họp thứ 6 về “Xây dựng và phát triển Đài truyền thanh cơ sở giai đoạn 2002 - 2005”;
- Xét văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Sở Lao động-thương binh-xã hội do Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk chủ trì V/v xây dựng Quy chế “Tổ chức và hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở”,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Quy chế “Tổ chức và hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở” với những nội dung cụ thể như sau:
- Quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ sở vật chất kỹ thuật, tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, kinh phí hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.
- Tổ chức quản lý, khai thác, phát huy có hiệu quả mạng lưới truyền thanh cơ sở: tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm nâng cao chất lượng hoạt động toàn diện các mặt hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở.
- Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng, vững chắc của mạng lưới truyền thanh cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.
Điều 2. Căn cứ vào nội dung Quy chế ban hành theo Quyết định này, các sở ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:
- Giao cho Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai tổ chức thực hiện. Hướng dẫn, giám sát tình hình thực hiện Quy chế “Tổ chức và hoạt động của Đài truyền thanh cơ sở” để báo cáo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Hàng năm tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và đưa ra phương hướng nhiệm vụ cho những năm tiếp theo.
- Các sở ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm quán triệt, chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì để tổ chức thực hiện tốt nội dung Quy chế.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tăng cường phối hợp, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế theo đúng chức năng quản lý Nhà nước đối với sự nghiệp Phát thanh-Truyền thanh-Truyền hình.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính - Vật giá, Văn hóa
- Thông tin, Lao động - Thương binh Xã hội, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh, các sở, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐÀI TRUYỀN THANH CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 115/2003/QĐ-UB ngày 28 tháng 10 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk)
Chương I
NGUYÊN TẮC CHUNG
Điều 1. Bản Quy chế này áp dụng cho việc quản lý, khai thác và hoạt động của Đài truyền thanh xã, phường, thị trấn (gọi chung là Đài truyền thanh cơ sở) trong phạm vi toàn tỉnh.
Điều 2. Đài truyền thanh cơ sở là đơn vị trực tiếp thực hiện các quy định trong bản quy chế này.
Điều 3. Đảm bảo tính thống nhất của ngành phát thanh, truyền thanh, truyền hình trong hệ thống tiếng nói 4 cấp tại tỉnh; đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với đài truyền thanh cơ sở.
Chương II
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG
Điều 4. Đài truyền thanh cơ sở là công cụ tuyên truyền quan trọng, chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Đài truyền thanh huyện, thành phố.
Điều 5. Đài truyền thanh cơ sở là phương tiện thông tin, điều hành nhanh nhạy, có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng, an ninh tại địa phương.
Điều 6. Đài truyền thanh cơ sở là khâu quan trọng cuối cùng trong hệ thống tiếng nói 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) đến trực tiếp với công chúng thông qua hệ thống loa công cộng và máy thu thanh.
Chương III
NHIỆM VỤ
Điều 7. Tiếp âm các chương trình của Đài huyện, Đài tỉnh và Đài tiếng nói Việt Nam theo quy định.
Điều 8. Phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Biên tập và phát các chương trình truyền thanh của xã, phường, thị trấn theo sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn của đài huyện, thành phố.
Điều 9. Bám sát các hoạt động của địa phương để khai thác tư liệu viết tin, bài phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở và cộng tác với đài huyện, thành phố. Những tin bài mang tính chỉ đạo, hướng dẫn, phê bình hoặc định hướng dư luận thì phải xin ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương trước khi phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
Điều 10. Quản lý tài sản, khai thác có hiệu quả trang thiết bị kỹ thuật và phát triển hệ thống truyền thanh trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc chế độ bảo dưỡng trạm máy, tăng âm, các thiết bị phụ trợ, hệ thống dây, loa theo định kỳ tuần, tháng, quý, năm. Ghi chép đầy đủ nhật ký trực máy và hệ thống đường dây, loa, sổ biên tập chương trình theo đúng cột, mục rõ ràng.
Điều 11. Tổ chức đội ngũ cộng tác viên, động viên họ tích cực viết tin, bài cho đài cơ sở và trả nhuận bút cho những tin, bài đã sử dụng. Thực hiện nghiêm chế độ tài chính hiện hành.
Chương IV
XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH, THỜI GIAN TIẾP ÂM BẮT BUỘC
Điều 12. Mỗi tuần xây dựng 2 bản tin thời sự; mỗi bản tin có thời lượng 15 phút. Kết cấu mỗi bản phải có ít nhất 4 tin, 1 thể loại bài (có thể là phản ánh, phóng sự, hoặc gương người tốt việc tốt... ) sau đó là các văn bản, thông báo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Điều 13. Mỗi bản tin được phát lại 1 lần. Căn cứ vào điều kiện, đặc điểm của từng địa phương để bố trí thời gian phát cho phù hợp và hiệu quả. Không được phát trùng giờ phát các chương trình thời sự chính của Đài tiếng nói Việt Nam, đài tỉnh, đài huyện, thành phố.
Điều 14. Tiếp âm đầy đủ các chương trình thời sự chính của đài Trung ương, đài tỉnh, đài huyện, thành phố vào các buổi sáng, trưa, chiều và tối. Ngoài ra, tùy theo điều kiện và nhu cầu của từng địa phương có thể tiếp âm các chương trình chuyên đề khác của đài trung ương và đài tỉnh.
Chương V
CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT
Điều 15. Cơ sở vật chất tối thiểu cho một đài truyền thanh cần có:
- Phòng truyền thanh rộng từ 20 đến 25 m2 để làm việc và đặt máy móc, thiết bị.
- Một số tủ, bàn ghế và đồ dùng cần thiết để làm việc.
Điều 16. Thiết bị kỹ thuật cần có:
- Rađiô cassette có băng thu sóng cực ngắn điều tần FM và micrô thu âm thanh.
- Máy ghi âm để làm chương trình.
- Máy tăng âm công suất từ 300W đến 600W hoặc máy phát sóng FM công suất từ 50W đến 100W có từ 1 đến 2 chiếc.
- Bảng phân phối đường dây và hệ thống dây, loa. Độ dài đường dây từ 3 đến 5 km và có từ 10 đến 20 loa loại 25W/đường dây.
- Có 100% số loa, 20% số dây dự phòng so với số dây, loa đang hoạt động và một số linh kiện cần thiết để thay thế khi có sự cố. Một số dụng cụ sửa chữa thông thường như kìm cắt điện, đồng hồ đo điện, dây lưng an toàn v.. v.
Chương VI
TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 17. Đài truyền thanh cơ sở là đơn vị sự nghiệp do UBND xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý, điều hành. Cán bộ chuyên trách của Đài truyền thanh cơ sở do UBND xã, phường, thị trấn bổ nhiệm. Mỗi khi có sự thay đổi về nhân sự, UBND xã, phường, thị trấn phải thỏa thuận, thống nhất với Đài truyền thanh huyện, thành phố.
Điều 18. Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn có tính chất đặc thù, Đài truyền thanh cơ sở cần có ít nhất 2 cán bộ chuyên trách để hoạt động độc lập gồm 1 trưởng Đài và một nhân viên kỹ thuật.
Điều 19. Nhiệm vụ của trưởng đài:
- Quản lý, điều hành mọi hoạt động của Đài. Tiếp nhận và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn của đài cấp trên. Ghi chép nhật ký, nội dung chương trình truyền thanh, quản lý tài sản, sổ sách theo quy định.
- Nắm vững tình hình địa bàn, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương về phát triển hệ thống loa truyền thanh. Tạo mối quan hệ chặt chẽ với đài truyền thanh huyện, thành phố.
- Trực tiếp biên tập nội dung và xây dựng bản tin truyền thanh của đài hàng tuần.
- Tổ chức mạng lưới cộng tác viên, chi trả nhuận bút, tin, bài cho cộng tác viên theo quy định.
Điều 20. Nhiệm vụ của nhân viên kỹ thuật:
- Nhân viên kỹ thuật của Đài truyền thanh cơ sở phải có trình độ sơ cấp hoặc tay nghề bậc 1 trở lên về truyền thanh.
- Quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả và an toàn toàn bộ trang thiết bị từ phòng máy đến hệ thống dây, loa theo đúng quy trình, quy phạm của ngành.
- Cùng với Trưởng đài trực để tiếp âm đài cấp trên theo quy định, thực hiện tốt chức năng của Đài.
- Giải quyết các công việc khi được trưởng Đài ủy nhiệm.
Chương VI
TRÁCH NHIỆM, PHÂN CẤP QUẢN LÝ
Điều 21. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý, chỉ đạo, điều hành Đài truyền thanh cơ sở cả về tổ chức bộ máy, nhân sự, kinh phí hoạt động và phát triển sự nghiệp truyền thanh ở địa phương.
Điều 22. Đài truyền thanh huyện, thành phố quản lý, hướng dẫn về mặt chuyên môn nghiệp vụ. Định hướng tuyên truyền hàng tháng. Hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong việc quản lý, khai thác, sửa chữa và phát triển mạng lưới truyền thanh trên địa bàn.
Điều 23. Các đoàn thể xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với đài truyền thanh cơ sở, cung cấp thông tin, cử người viết tin, bài cộng tác tích cực và thường xuyên với Đài truyền thanh cơ sở.
Chương VII
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG
Điều 24. Chế độ phụ cấp.
- Trưởng Đài được trả phụ cấp hàng tháng bằng trưởng đầu ngành hiện có của xã, phường, thị trấn. Nếu Trưởng Đài do trưởng đầu ngành khác có đủ điều kiện kiêm nhiệm thì được hưởng thêm 20%.
- Nhân viên của Đài được trả phụ cấp hàng tháng bằng lương nhân viên chuyên môn nghiệp vụ của xã, phường, thị trấn hiện có.
Điều 25. Đài truyền thanh cơ sở được cấp kinh phí hoạt động hàng tháng bao gồm làm chương trình, quản lý và sửa chữa thường xuyên. Số kinh phí được cấp hàng tháng dành 70% nhuận bút, 30% chi phí quản lý và sửa chữa thường xuyên.
- Kinh phí sửa chữa lớn hàng năm được dự toán bằng 15% giá trị thiết bị hiện có.
- Nhuận bút tin, bài của Đài cơ sở được tính bằng 50% mức thực hiện của Đài huyện. Hiện nay mức nhuận bút của Đài huyện đang áp dụng bằng 50% mức nhuận bút của Đài tỉnh (Quyết định số 1574/2000/QĐ-UB ngày 28/7/2000 của Ủy ban nhân dân tỉnh).
Điều 26. Nguồn kinh phí:
- Phụ cấp và kinh phí của Đài truyền thanh cơ sở nằm trong kinh phí thường xuyên hàng năm của ngân sách xã, phường, thị trấn do huyện, thành phố cân đối, cấp phát.
- Đầu tư sửa chữa lớn hàng năm như: đại tu, nâng cấp, thay thế, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở phải có kế hoạch cụ thể do Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt và phân bổ kinh phí.
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định ban hành. Các văn bản trước đây trái với Quy chế này đều không có giá trị.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.