BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1147/QĐ-BTP | Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2013 TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch năm 2013 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Trợ giúp pháp lý, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH NĂM 2013
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1147/QĐ-BTP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tạo bước chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện Chiến lược, gắn kết việc thực hiện Chiến lược với việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, tập trung vào các nhiệm vụ kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý và nâng cao chất lượng hoạt động, vụ việc trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Đánh giá đúng thực trạng hoạt động trợ giúp pháp lý sau 02 năm thực hiện Chiến lược, tạo cơ sở thực tiễn để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh một số chính sách đã đề ra trong Chiến lược.
2. Yêu cầu
- Các hoạt động trong Kế hoạch phải bám sát nội dung của Chiến lược; phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân.
- Gắn kết đồng bộ với việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý năm 2013 và Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2013 (ban hành kèm theo Quyết định số 562/QĐ-BTP ngày 13/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
- Các hoạt động cụ thể, khả thi; xác định rõ các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức ở địa phương.
- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ
1. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách trợ giúp pháp lý
Hoạt động 1: Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý để trình ban hành trong năm 2014.
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý.
b) Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ (Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Viện Khoa học pháp lý) và đơn vị có liên quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
c) Thời gian hoàn thành: Tháng 12.
Hoạt động 2: Nghiên cứu, xây dựng và trình liên Bộ ban hành Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí để thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020.
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý.
b) Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) và Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính Hành chính - Sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính.
c) Thời gian trình ban hành: Tháng 12.
Hoạt động 3: Nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư về Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam.
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý.
b) Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
c) Thời gian trình ban hành: Tháng 7.
Hoạt động 4: Nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 07/2011/TT-BTP ngày 31/03/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý.
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý.
b) Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Viện Khoa học pháp lý.
c) Thời gian trình ban hành: Tháng 9.
Hoạt động 5: Nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 1989/QĐ-BTP ngày 17/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Trợ giúp pháp lý.
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý.
b) Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
c) Thời gian trình ban hành: Tháng 7.
Hoạt động 6: Nghiên cứu, xây dựng và trình ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn về trang phục của Trợ giúp viên pháp lý.
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý.
b) Đơn vị phối hợp: Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Thi hành án dân sự.
c) Thời gian trình ban hành: Tháng 12.
Hoạt động 7: Nghiên cứu, xây dựng và trình liên Bộ ban hành Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát trang phục của Trợ giúp viên pháp lý.
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý.
b) Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Thi hành án dân sự) và Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính Hành chính – Sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính.
c) Thời gian trình ban hành: Tháng 12.
Hoạt động 8: Nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương ban hành Kế hoạch liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2013.
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý.
b) Đơn vị phối hợp: Đơn vị chức năng của các ngành thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương (Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao).
c) Thời gian trình ban hành: Tháng 5.
2. Tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý
Hoạt động 1: Tiếp tục xây dựng và lắp đặt Bảng thông tin, Tờ thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân của Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (Ủy ban nhân dân cấp huyện) và cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Ủy ban nhân dân cấp xã); trụ sở tiếp dân của các cơ quan tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; cơ quan thanh tra quân đội các cấp và đồn biên phòng; thay thế các Bảng thông tin được lắp đặt đã bị cũ, hỏng không sử dụng được.
a) Đơn vị thực hiện: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
b) Đơn vị phối hợp: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện; Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; cơ quan thanh tra quân đội các cấp và đồn biên phòng.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
Hoạt động 2: Tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thông tin về trợ giúp pháp lý trên đài phát thanh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đài phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; báo địa phương, trong đó, chú trọng các đối tượng trợ giúp pháp lý đặc thù như người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ bị bạo lực, bị mua bán và người nhiễm HIV/AIDS...
a) Đơn vị thực hiện: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
b) Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí ở địa phương.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
Hoạt động 3: Biên soạn, phát hành tờ gấp, cẩm nang pháp luật, sách hỏi –đáp và các sản phẩm truyền thông khác về trợ giúp pháp lý và quyền được trợ giúp pháp lý của người dân nói chung và của một số đối tượng đặc thù như người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ bị bạo lực, bị mua bán và người nhiễm HIV/AIDS...
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý thực hiện ở Trung ương và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện ở địa phương.
b) Thời gian thực hiện: Cả năm.
Hoạt động 4: Tổ chức tập huấn cho cán bộ tiếp dân của các cơ quan nhà nước về các quy định pháp luật trợ giúp pháp lý, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý của người dân.
a) Đơn vị thực hiện: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
b) Đơn vị phối hợp: Các cơ quan nhà nước có bộ phận tiếp dân.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
3. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Hoạt động 1: Rà soát, đánh giá thực trạng và tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ của Cục Trợ giúp pháp lý đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý.
a) Đơn vị thực hiện: Vụ Tổ chức cán bộ.
b) Đơn vị phối hợp: Cục Trợ giúp pháp lý.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
Hoạt động 2: Rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy cán bộ của các Trung tâm và Chi nhánh trong toàn quốc; tiếp tục củng cố, kiện toàn Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm, chú trọng vào việc kiện toàn đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý.
a) Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp.
b) Đơn vị phối hợp: Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức có liên quan ở địa phương.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
Hoạt động 3: Rà soát, đánh giá thực trạng năng lực của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong toàn quốc, bảo đảm đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý có đủ trình độ, năng lực, thực hiện có chất lượng các vụ việc trợ giúp pháp lý, phấn đấu các Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ năm 2012 trở về trước tham gia tố tụng; phát triển nguồn nhân lực bổ sung thêm 100 - 150 Trợ giúp viên pháp lý (lấy từ đội ngũ cán bộ nguồn Trợ giúp viên pháp lý của các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã được bồi dưỡng cấp Chứng chỉ).
- Ở Trung ương:
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý rà soát, đánh giá trong phạm vi toàn quốc.
b) Thời gian thực hiện: Tháng 11.
- Ở địa phương:
a) Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp rà soát, đánh giá, phát triển đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên ở địa phương.
b) Thời gian thực hiện: Cả năm.
Hoạt động 4: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý: tổ chức 02 khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, người tham gia trợ giúp pháp lý và thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
- Ở Trung ương:
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý; tổ chức bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý theo chuyên đề, khu vực.
b) Thời gian thực hiện: Cả năm.
- Ở địa phương:
a) Đơn vị thực hiện: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, người tham gia trợ giúp pháp lý và thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.
b) Thời gian thực hiện: Cả năm.
Hoạt động 5: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về công tác trợ giúp pháp lý (chế độ chính sách, tổ chức, tiêu chuẩn cộng tác viên, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý…) của các địa phương hiện nay.
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý
b) Đơn vị phối hợp: Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Văn phòng Bộ.
c) Thời gian thực hiện: Tháng 6.
4. Huy động các nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý
Hoạt động: Rà soát, đánh giá thực trạng tham gia trợ giúp pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật và có giải pháp tăng cường hoạt động tham gia trợ giúp pháp lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Sở Tư pháp đối với các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
- Ở Trung ương:
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý tổng hợp, đánh giá và đề xuất giải pháp chung trong toàn quốc.
b) Đơn vị phối hợp: Cục Bổ trợ tư pháp; Liên đoàn Luật sư Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
c) Thời gian thực hiện: Tháng 10.
- Ở địa phương:
a) Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp tiến hành rà soát, đánh giá và đề ra giải pháp cụ thể ở địa phương.
b) Đơn vị phối hợp: Các Đoàn luật sư và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
c) Thời gian thực hiện: Tháng 1 - Tháng 9.
5. Tăng cường quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và trợ giúp pháp lý ở cơ sở
Hoạt động 1: Tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (ban hành kèm theo Quyết định số 687/QĐ-BTP ngày 02/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
a) Đơn vị thực hiện:
- Ở Trung ương: Cục Trợ giúp pháp lý.
- Ở địa phương: Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
b) Thời gian thực hiện: Cả năm.
Hoạt động 2: Tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
a) Đơn vị thực hiện: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
b) Đơn vị phối hợp: Phòng Tư pháp cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
6. Thực hiện có chất lượng, hiệu quả các chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo
Hoạt động 1: Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020 theo Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg (ban hành kèm theo Quyết định số 2497/QĐ-BTP ngày 01/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
- Ở Trung ương:
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý cấp kinh phí, theo dõi, hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện.
b) Đơn vị phối hợp: Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Tổ chức cán bộ.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
- Ở địa phương:
a) Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp chỉ đạo triển khai thực hiện ở địa phương.
b) Đơn vị phối hợp: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
Hoạt động 2: Triển khai thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 theo Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg (ban hành kèm theo Quyết định số 650/QĐ-BTP ngày 27/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp).
- Ở Trung ương:
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý hướng dẫn triển khai thực hiện trong toàn quốc.
b) Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Học viện Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam) và đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban Dân tộc.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
- Ở địa phương:
a) Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp chỉ đạo triển khai thực hiện ở địa phương.
b) Đơn vị phối hợp: Sở Lao động, Thương binh, Xã hội, Sở Tài chính, Ban Dân tộc.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
7. Phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng
Hoạt động: Tổ chức thực hiện các hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý trong tố tụng theo Kế hoạch hoạt động phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2013 do Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng Trung ương ban hành.
- Ở Trung ương:
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý tham mưu cho Bộ Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng Trung ương (Hội đồng liên ngành Trung ương).
b) Đơn vị phối hợp: Đơn vị chức năng của các ngành thành viên Hội đồng liên ngành Trung ương (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao).
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
- Ở địa phương:
a) Đơn vị thực hiện: Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cấp tỉnh (Hội đồng liên ngành cấp tỉnh).
b) Đơn vị phối hợp: Các ngành thành viên của Hội đồng liên ngành cấp tỉnh (Công an, Sở Tài chính, Văn phòng Bộ Tư lệnh quân khu, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp tỉnh).
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
8. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về trợ giúp pháp lý
Hoạt động: Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động về trợ giúp pháp lý trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Tư pháp do Liên minh Châu Âu, Đan Mạch và Thụy Điển đồng tài trợ cho Bộ Tư pháp; Dự án “Hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên” do UNICEF tài trợ; khảo sát, học tập kinh nghiệm trợ giúp pháp lý nói chung và mô hình trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật nói riêng tại 01 quốc gia điển hình về lĩnh vực này.
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý.
b) Đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính.
c) Thời gian thực hiện: Cả năm.
9. Tổ chức Hội nghị sơ kết 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược
- Ở Trung ương:
a) Đơn vị thực hiện: Cục Trợ giúp pháp lý tham mưu cho Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị sơ kết trong toàn quốc, tổng hợp báo cáo của các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả 02 năm thực hiện Chiến lược.
b) Đơn vị phối hợp: Các đơn vị thuộc Bộ (Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Viện Khoa học pháp lý) và đơn vị chức năng thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc.
c) Thời gian thực hiện: Tháng 10.
- Ở địa phương:
a) Đơn vị thực hiện: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức sơ kết, báo cáo kết quả 02 năm thực hiện Chiến lược gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp chung.
b) Thời gian thực hiện: Tháng 9.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện
Kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên hàng năm của Trung ương và địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án liên quan khác theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước; đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (nếu có).
2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức
2.1. Trách nhiệm của Cục Trợ giúp pháp lý
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp, các đơn vị thuộc các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện các văn bản đó;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc các Bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Bộ Tư pháp hướng dẫn và theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch.
c) Tổ chức sơ kết, tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả 02 năm thực hiện Chiến lược và đề xuất việc điều chỉnh mục tiêu, nội dung Chiến lược trong trường hợp cần thiết.
2.2. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ có liên quan
a) Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản pháp luật có liên quan đến việc củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của Cục Trợ giúp pháp lý và tổ chức thực hiện văn bản đó.
b) Vụ Kế hoạch – Tài chính phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược ở Trung ương, kinh phí triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình giảm nghèo theo quy định hiện hành.
c) Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Vụ Các vấn đề pháp luật chung về xây dựng pháp luật, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý trong việc xây dựng, thẩm định và trình ban hành các văn bản pháp luật theo Kế hoạch này.
d) Các đơn vị khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Cục Trợ giúp pháp lý trong việc tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chiến lược.
2.3. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
a) Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các Sở, ban, ngành có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện trên địa bàn tỉnh.
b) Bảo đảm về biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, phương tiện đi trợ giúp pháp lý tại cơ sở (xe máy, ô tô…) và kinh phí hoạt động cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tình hình thực tế của địa phương.
c) Khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tích cực tham gia trợ giúp pháp lý.
d) Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá, đề xuất, kiến nghị, tổ chức sơ kết và báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược ở địa phương.
2.4. Trách nhiệm của Sở Tư pháp
Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này, có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị có liên quan thuộc Sở thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược ở địa phương để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch đó.
b) Chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các hoạt động cụ thể trong Kế hoạch và theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chiến lược ở địa phương.
c) Tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để gửi Bộ Tư pháp tổng hợp chung.
2.5. Trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Tham mưu cho Sở Tư pháp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược tại địa phương để Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch sau khi được phê duyệt.
c) Tổng hợp, báo cáo Sở Tư pháp kết quả 02 năm triển khai thực hiện Chiến lược để Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.